Chui qua đáy sông Sài Gòn
http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/but-ky-tap-van/tran-thanh-giao-chui-qua-day-song-sai-gon.html
TRẦN THANH GIAO
Tôi đã vượt Đông Phố đại kiều qua
sông Hoàng Phố thăm khu dân cư Đông Thượng Hải, tôi đã đến ngắm khu "nhà
chọc trời" La Défense bên kia sông Seine, Paris... và nay mơ về sự đổi
thay của vùng đất Thủ Thiêm, khi lướt gió chui trở lại hầm dưới đáy sông Sài
Gòn với bao nhiêu là ước mong, trăn trở...
Ngày còn bé,
được đi chơi ra chỗ vườn Một Hình, tôi chỉ biết đứng nhìn rặng dừa nước tít bên
kia sông, ngóng gió mát đưa con đò nhỏ dập dờn sóng nước, chứ không ngờ có ngày
mình chui qua đáy sông sang bờ Thủ Thiêm. Vườn Một Hình là tên dân Sài Gòn lúc
đó gọi Công viên Mê Linh bây giờ, vì trước 1945, ở chỗ tượng Trần Hưng Đạo là một
ông Tây bận quân phục có ngù vai, tay trái đặt lên bao như sẵn sàng rút gươm ra
chém. Dân không biết ông là ai, chỉ gọi Một Hình (sau này tôi tra cứu mới rõ
đây là tượng Rigauld de Genouilly, một trong những tướng Pháp đầu tiên xâm lược
nước ta). Nhiều người kháo nhau: có đêm khuya, Một Hình giơ tay lên chỉ sang
sông thì xóm nhà phía Thủ Thiêm liền bốc cháy! Tượng Một Hình, nghe đã ớn mà
coi càng dễ sợ!
Lớn lên một
chút, đi dọc bờ từ cột cờ Thủ Ngữ tới Ba Son, tôi thấy cầu tàu Nguyễn Văn Kiệu
và bến đò, bến phà Thủ Thiêm tấp nập những người, lại có nhiều ghe nhỏ đậu ken
dày, trong đó có một ghe của bà chị con ông bác ruột tôi, ghe không dùng đi lại
mà ghe là... nhà.
Sau ngày thống
nhất, những buổi tối ra hóng mát ở bến Bạch Đằng, nhìn những cô gái ngồi nướng
bắp trên bếp than hồng mùi thơm thoang thoảng, tôi chợt nhớ câu ca xưa xa vời
heo hút, chắc của đám thợ thuyền bên kia sông sang làm ca đêm trở về, không đi
phà lại đi đò:
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm
Ai chẳng biết
"qua sông thì phải lụy đò", song ở nơi người xe đông đúc như Sài Gòn,
cái sự "lụy" này nó luôn thách thức:
Chừng nào Chợ Lớn hết vôi
Thủ Thiêm hết gạo thì thôi đưa đò.
Vậy mà Chợ Lớn
chưa hết vôi, Thủ Thiêm chưa hết gạo nhưng con đò - và cả con phà chở hàng ngàn
người xe nữa - đã vắng khách sang sông. Hàng trăm năm rồi không ai ve được
nhưng mới vài năm thôi, con đò đã phải gác chèo, "bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng
sông / cô lái đò kia đi lấy chồng" (Nguyễn Bính)... Vì những chuyên gia Nhật
Bản, kỹ sư và thợ Việt Nam... đã "đổ mồ hôi sôi nước mắt", không phải
"nướng bắp trên lò" mà dìm những đốt hầm to như những tòa binh-đinh
cao rộng, làm nên cái hầm Thủ Thiêm cho ta chui qua đáy sông hôm nay!
***
Tôi ngồi sau
xe máy của một anh bạn chạy dọc đại lộ Đông - Tây tiến vào trung tâm thành phố.
Ngồi sau để tha hồ quan sát, không phải bận tâm lái xe, có thể "nhìn tận mặt
bắt tận tay" cảnh và tình, hơn là ngồi xe hơi ngăn cách... Sau 30 tháng 4,
tôi trở lại Sài Gòn làm báo nên đã nhiều lần đi qua các bờ kinh Tàu Hủ, rạch Bến
Nghé. So với những dãy nhà lụp sụp, những chung cư xuống cấp bong vữa, lòi
xương thép, con đường hẹp và ổ gà lở lói của 40 năm trước thì bây giờ đường rộng
thênh thang, sau giải phân cách, giống cái hàng rào sắt trước nhà mới, là hàng
cây xanh vừa độ tuổi thiếu niên và kinh rạch nước tràn đầy, gió sông phả vào mặt
mát rượi. Ký ức tuổi thơ lại hiện về: hơn bảy mươi năm trước, nhà cha mẹ tôi ở
Cầu Kho (đường Trần Đình Xu bây giờ) gần sông, con mương trước nhà tôi còn đầy
ô rô, u du, cỏ nước mặn, tôi thường hái chùm trái ô rô giả làm nải chuối chơi
bán hàng với cô bạn nhà bên... Vậy mà...
Chui qua mấy
gầm cầu bắc ngang rạch Bến Nghé, cầu vượt giao lộ, tôi đã thấy cửa hầm Thủ
Thiêm nhô mái hiên đón khách. Cảm giác đầu tiên của tôi khi vừa tới cửa hầm là
mình chui tọt vào bụng một con trai khổng lồ đang há miệng. Tôi mở tròn mắt
khám phá những viên ngọc trai bên trong. Xe hơi (hai làn) và xe máy bật đèn cốt,
nối nhau chạy ào ào cho đúng tốc độ qui định. Ba cái quạt lớn treo trên cao giống
ba động cơ máy bay thổi vù vù cùng lúc với tiếng rào rào của động cơ xe hơi, xe
máy vang dội vách hầm; người ta khuyên khách qua hầm nhét nút bịt tai cũng có
lý lắm vậy. Từ ánh sáng trắng ngoài trời, tôi gặp ngay ánh sáng hồng quí phái,
luôn được tự động điều chỉnh cân bằng với ánh sáng ngoài hầm, tránh cho người mới
vào khỏi lóa mắt. Gần mười lăm năm trước,
dự án đại lộ Đông - Tây mà hạng mục quan trọng nhất là hầm Thủ Thiêm đã được lựa
chọn. Nhưng việc xây dựng bị đình trệ đến năm 2004, do vướng giải tỏa, đền bù
và tái định cư. Hầm do Obayashi corporation của Nhật Bản làm nhà thầu chính thi
công. Bể đúc hầm đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, giáp
sông Nhà Bè. Cùng lúc với đúc hầm là đào dưới đáy sông Sài Gòn, sâu đến 13 -
14m và xây sẵn móng chuẩn bị cho việc đặt các đốt hầm...
Ánh sáng
trong hầm dần chuyển sang màu trắng xám. Nhưng màu hồng của các cọc làm giải
phân cách cùng ánh đèn xe hắt vàng, hắt đỏ lên vách hầm bóng lộn, vẫn loe lóe
những đốm ruby. Đường dốc xuống thoai thoải. Tôi đang ở dưới mặt nước 24 mét,
trên đầu là cả dòng sông Sài Gòn! Đã đến hầm dìm chưa nhỉ? Nhớ những ngày dân
Sài Gòn ngồi uống nước ở công viên Bạch Đằng hay leo lên các cao ốc ven sông
theo dõi tàu lai dắt các đốt hầm nặng 27.000 tấn, rộng như "một sân bóng
đá", từ Nhơn Trạch theo sông Nhà Bè rồi sông Sài Gòn về vị trí đánh
chìm...
7 giờ 40
phút ngày 7-3-2010, tiếng súng lệnh xuất phát ở Nhơn Trạch vang lên. Đây cũng
là phát súng lệnh đua ma-ra-tông cho kỹ sư và công nhân Việt Nam lần đầu tiên
làm hầm dìm trên đường đua đẳng cấp quốc tế. Ca nô cảnh giới sơn trắng, chạy
trước mở đường. Các lực lượng trên sông trên bộ cùng ráo riết triển khai, bảo đảm
an toàn tuyệt đối cho đoàn lai dắt. Công nhân trên "đốt hầm sân banh"
lừng lững giữa sông, quần áo và mũ bảo hộ màu đỏ, không ngừng tuần tra để kịp
thời phát hiện sự cố trong khi đốt hầm di chuyển. Trực thăng sơn màu vàng, sọc
xanh, cánh quạt quay lạch phạch bay bên trên, vừa quan sát toàn cảnh, vừa chở lực
lượng báo chí ghi lại sự kiện đặc biệt "trăm năm một hội" này của Sài
Gòn. Bốn tàu lai dắt phía trước và sau, cột tàu sơn đỏ, cùng hai tháp định vị
màu xanh ở mặt hầm nổi lập lờ trên mặt nước, từ từ di chuyển trên sông. Từ ngã
rẽ "Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về", đoàn
lai dắt tiến vào sông Lòng Tàu để về Sài Gòn - Gia Định. 12 giờ 30 phút, hai
tháp chỉ huy của hầm dìm đã xuất hiện bên nhà truyền thống khu di tích bến Nhà
Rồng, sau quãng đường dài 22km. Hàng ngàn người dân chờ đón đốt hầm dìm đầu
tiên đứng chật hai bên bờ Thủ Thiêm và phía vàm Bến Nghé như những thân nhân hồi
hộp chờ người nhà mình ngoài phòng thi. Mặt sông hẹp nên việc lai dắt đốt hầm
dài suýt soát 93m xoay ngang 90 độ không phải dễ dàng. Đốt hầm cẩn trọng nhích
từng chút một. Các kỹ sư, công nhân người Việt Nam, tất bật mà tỉ mỉ kiểm tra
góc độ đấu nối của đốt hầm như những thí sinh tự tin và bình tĩnh làm bài thi.
Sau nhiều nỗ lực, đốt hầm đã vào đúng vị trí lúc 2 giờ chiều.
8 giờ sáng
hôm sau, đốt hầm số 1 bắt đầu được bơm nước vào và lặng lẽ chìm dần xuống sông
từ phía bờ Thủ Thiêm. Đốt hầm chìm xuống dăm mét thì dừng lại chờ công nhân lặn
chỉnh sửa. Càng xuống sâu, qui trình xử lý càng chặt chẽ hơn, có khi hầm chỉ hạ
khoảng mươi phân là phải ngừng lại chỉnh sửa. Công việc cứ tuần tự diễn ra như
thế đến khi đốt hầm chìm đúng vị trí. Cuối cùng, nước trong đốt hầm kín được
rút hết ra. Bài thi đầu tiên đã vượt qua với kết quả tốt,... Đốt hầm số 2 và 3
được lai dắt về vị trí vào các ngày 4-4 và 5-5-2010 và kết nối với nhau bằng những
ron cao su đặc biệt, hầm có tuổi thọ
trăm năm...
Còn đốt thứ
tư, đốt cuối cùng? Nó được lai dắt về vàm Bên Nghé vào ngày 4-6-2010 và băt đầu
dìm xuống lòng sông Sài Gòn đúng 7g30 sáng 5-6 theo phương thẳng đứng, khác
hoàn toàn so với ba đốt hầm đã được dìm trước đó (dìm xiên), vì bây giờ chiều rộng
lòng sông chỉ còn thừa đúng 1,25m để dìm đốt 4. Ngay sau khi lắp xong, đốt hầm
này được nối thông với đốt số 3 trong tối đó và bơm cát để cố định đáy hầm...
Bài thi cuối cùng đã được đặt dấu chấm hết và đây cũng là những ký ức rất đáng
ghi nhớ của người Sài Gòn trong bốn chục năm qua...
Đường dốc bắt
đầu lên. Những ngọn đèn trong hầm tỏa ánh vàng ấm áp. Cách quãng chừng 50 mét,
ánh đèn xanh yên bình báo cửa thoát nạn. Tôi nhớ những ngày sửa soạn thông xe,
nhiều đoàn đại biểu đã được mời đến tham quan, các bạn trẻ hớn hở phất cờ vẩy
chào và đoàn lân sư rồng tưng bừng nhảy múa. Ban quản lý đường hầm mở cửa thoát
hiểm giới thiệu: Hầm Thủ Thiêm có hai lối thoát nạn nằm dọc hai bên hông. Đường
thoát nạn có đèn chỉ dẫn, loa phát thanh, hệ thống quạt hút gió, thoát khói và
chống tụ khói... Sau cửa thoát hiểm, các con số xanh báo quãng cách để người chạy
chọn hướng gần nhất. Tôi nhớ cái cửa vừa mở ra đã thấy dấu hiệu hình người chạy
và hai mũi tên chỉ hai hướng ngược nhau 519m và 513m, nghĩ bụng đây chính là
"khúc giữa" của đường hầm...
Xe chếch mũi
lên dốc. Trước mắt tôi, vầng sáng cửa bên kia bờ đã mở ra, trắng lóa... Trên nền
trời xa xa ấy, có gương mặt của những người đã làm nên chiếc hầm chui qua đáy
sông Sài Gòn, những nhà quản lý, những kỹ sư và công nhân Việt Nam lành nghề và
đã trưởng thành qua "kỳ thi tốt nghiệp" với cái "bằng cấp"
tầm quốc tế... nằm yên dưới đáy sông. Đó là vốn quí của một đất nước đang xây dựng...
Vầng sáng vỡ
òa, tiếng ồn chợt dứt: Tôi đã sang đến đất Thủ Thiêm...
***
Chúng tôi chạy
xe trên đoạn cuối đại lộ Đông Tây bên Quận 2. Đường rộng mênh mông, có đoạn tới
140m, nhà dân thưa thớt, gió biển thổi mặn mòi... Lợi ích to lớn về giao thông,
kinh tế, dân sinh... của đại lộ này ra sao báo chí đã nói nhiều, chắc không cần
phải dài dòng thêm nữa. Điều đọng lại vẫn là ký ức. Có ai đó đã ví: hầm Thủ
Thiêm cong cong như cánh võng, cánh võng mà ai ru mình trong đó cũng nặng những
ước mơ...
Từ đầu thế kỷ
trước, Thủ Thiêm vẫn còn là một vùng hoang vắng, nơi đất sình lầy ngập nước đầy
năn lác, cỏ bàng (giống cỏ năn nhưng to, cao, dùng đươn đệm, may nóp)..., một
vùng "bưng biền" thật sự, vùng đất của giới giang hồ hảo hớn và vùng
đất của dân cư lầm than. Từ "hòn ngọc Viễn Đông" bên này bờ sông Ngó
qua bên chợ Thủ Thiêm / Thấy em đươn đệm giắt ghim trên đầu mà thương biết bao
nhiêu...
Trước ngày
thống nhất, tuy có thêm xưởng tàu Caric và một số cơ sở công nghiệp nhưng Thủ
Thiêm cơ bản vẫn là vùng nghèo khó, vùng đất giang hồ tứ chiếng của những Đông
đại ca ở Phú Nhuận và một cánh nữa ở Hoà Hưng tụ tập về đây làm mưa làm gió...
Sau 30 tháng Tư, tôi nhớ có lần cô giáo Tống Thị Kim Lộc, người khởi xướng
phong trào "lớp học tình thương" gây xúc động một thời đã vượt sông về
đây "chiêu sinh" một đứa trẻ mồ
côi chuyên cướp giựt ở chợ Vườn Chuối; cô tới Đồng con mồ tìm ra nhà của một bà
"anh chị" cụt tay chuyên "chăn dắt" trẻ trộm cắp, hứa hẹn
giành lại tương lai cho em, nhưng cái việc "vá trời" đó dần mai một
và chỉ còn trong ký ức...
Cho tới hôm
nay, vùng đất này hoàn toàn đổi khác với cái hầm, chiếc cầu Thủ Thiêm và nhiều
cầu vượt sông sắp tới... Thủ Thiêm sẽ biến thành một khu đô thị hiện đại, một
trung tâm tài chính, thương mại quốc tế, với nhiều cụm chức năng như tài chính,
văn phòng, dân cư, giải trí..., tháp truyền hình, nhà bảo tàng, trung tâm
nghiên cứu y khoa..., và một công viên lộng lẫy có bến du thuyền quốc tế trên
sông, cùng các kiến trúc biểu cảm, đặc trưng của bản sắc văn hoá “sông nước Nam
Bộ”. Thủ Thiêm sẽ được ghi tên trên bản đồ du lịch thế giới bởi khu công viên rừng
ngập nước độc đáo ở ngay giữa lòng đô thị...
Tôi đã vượt
Đông Phố đại kiều qua sông Hoàng Phố thăm khu dân cư Đông Thượng Hải, tôi đã đến
ngắm khu "nhà chọc trời" La Défense bên kia sông Seine, Paris... và
nay mơ về sự đổi thay của vùng đất Thủ Thiêm, khi lướt gió chui trở lại hầm dưới
đáy sông Sài Gòn với bao nhiêu là ước mong, trăn trở...
Tháng 9.2014
......../.