Mạc Ngôn trong Biến


Mạc Ngôn trong Biến  



http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/110139/Mac-Ngon-trong-Bien.html



Nguyễn Nguyên Thảo


(TBKTSG) - Ngay sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố Mạc Ngôn là chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 2012 thì tại Việt Nam có nhiều bài báo xới lại việc nhà văn này đã “dính dáng” đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với cái nhìn từ bên kia chiến tuyến qua tiểu thuyết Ma chiến hữu(1). Bất phục và gay gắt. Một tiến sĩ văn học cho rằng, tác giả Đàn hương hình, Báu vật của đời đã nợ Việt Nam một lời xin lỗi.  




Sự thật không thể chối cãi là sau Ma chiến hữu, Mạc Ngôn đã “mất điểm” trầm trọng đối với người đọc Việt Nam.  
Nhưng ngược dòng xúc cảm đám đông xoay quanh vụ việc đó, từ Hà Nội, nhà văn Bảo Ninh, tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã có cái nhìn rộng và điềm tĩnh hơn khi đánh giá Ma chiến hữu. Ông viết: 

“Một số nhà văn và độc giả bạn hữu của tôi thấy rằng việc xuất bản một cuốn sách có nội dung liên quan tới cuộc chiến năm 1979 mà tác giả lại của phía đối phương là một sự báng bổ. Song tôi, và chắc chẳng riêng tôi, không nghĩ thế. Là một nhà văn nặng tình nghĩa với người nghèo khổ, tác giả Mạc Ngôn sẽ khó mà có thể bưng tai bịt mắt bỏ qua một đại tai ương, một bi kịch lớn lao cay đắng đến như vậy (...). Cuộc chiến năm 1979 chẳng những không bao giờ phai mờ trong ký ức của thế hệ chúng tôi, những người đương thời với cuộc chiến ấy, mà cả trong tâm trí các thế hệ sau cũng thế, ngay dù có muốn khỏa lấp thì vẫn sẽ mãi còn đó. Và để hiểu, để suy ngẫm về cuộc chiến ấy thì tất nhiên sẽ có những độc giả và nhà văn thế hệ sau chúng tôi tìm đọc các tác phẩm văn học viết về nó. Văn học Việt Nam tịnh không có tác phẩm nào, thì thôi, người ta đành đọc một chiều qua văn học dịch. Thiết nghĩ như thế cũng được, như thế còn hơn là một sự im lìm trống vắng bao trùm lên hiện thực sừng sững và hiển nhiên của thời kỳ lịch sử kinh hoàng và bi thương ấy” (Bảo Ninh, Đọc “Ma chiến hữu”, bài đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ).  

Thoát khỏi lớp sóng dư luận, nếu ai đó đủ bình tĩnh để đọc lại những gì Mạc Ngôn viết trong Ma chiến hữu, sẽ thấy tiếng nói khách quan của một người đọc, một nhà văn như Bảo Ninh trong trường hợp này là cần thiết để trả văn chương về cho văn chương, nhất là trong bầu khí quyển mà tác phẩm văn học dễ bị xô lệch theo nhiều phía bởi những thiên kiến phi văn chương.  

Thế giới đau đớn, tuyệt vọng, hoang mang, chơi vơi của những bóng ma xuất thân nông dân bị đẩy vào cuộc chiến phi lý hiện về trong Ma chiến hữu. 

Nếu văn học Mỹ đã có nhiều tác phẩm nói về các di chứng hậu chiến của người lính trở về từ chiến tranh Việt Nam, thì có thể nói, Ma chiến hữu của Mạc Ngôn là tác phẩm nói về các tổn thương tinh thần của người lính Trung Quốc trong cuộc chiến diễn ra chớp mắt so với chiều dài lịch sử ngàn năm binh biến mà đất nước rộng lớn này đã gây ra cho láng giềng. Người nông dân, lương dân bị bần cùng hóa, bị ném vào lò lửa chiến tranh, biến thành công cụ trong cuộc chiến với hy vọng đổi đời, chấp nhận hy sinh để làm anh hùng nhưng rốt cuộc trở thành một đám “thân tàn ma dại” bị lịch sử bỏ quên. Những “điển hình” đó không được nhìn từ thứ chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa anh hùng hão huyền, mà trực diện, soi thấu nỗi khốn cùng của thân phận con người.  

Mạc Ngôn đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến năm 1979 trong vai trò một sĩ quan tuyên truyền. Hai mươi lăm năm sau, ông trở lại cuộc chiến với nỗi day dứt, đắng cay và ám ảnh của một nhà văn, một con người hơn là sự hãnh tiến của một chính trị viên. 

Và một lần nữa, sự ám ảnh của cuộc chiến đó đi vào trong cuốn hồi ký mỏng có tựa Biến(2) của ông vừa mới ra mắt độc giả Việt Nam. Ông viết: 

“Năm 1979, dù đối với đất nước hay cá nhân tôi, cũng đều là một năm hết sức quan trọng. Trước tiên là ngày 17-2, cuộc chiến với Việt Nam bùng nổ. Hai trăm ngàn quân từ hai tuyến Quảng Tây và Vân Nam tràn vào biên giới Việt Nam. Các đồng đội nhập ngũ cùng đợt với chúng tôi có rất nhiều người đã ra tiền tuyến. Ở sâu thẳm trong lòng, tôi rất ngưỡng mộ họ. 
Tôi hy vọng mình cũng có cơ hội như thế, ra chiến trường, làm anh hùng, có thể lập công, khi trở về được đề bạt làm cán bộ, dẫu hy sinh cũng kiếm được cho bố mẹ ở quê cái danh gia đình liệt sĩ, thay đổi địa vị chính trị của gia đình, coi như không uổng công họ sinh ra và nuôi dưỡng tôi. 
Kỳ thực, không chỉ mình tôi có ý nghĩ này. 
Suy nghĩ này rất đơn giản, rất ấu trĩ, nhưng đích thực là một thứ tâm lý biến dạng của đám con cháu nhà trung nông bị áp bức chính trị như chúng tôi. Sống uất ức, thà rằng chết oanh liệt còn hơn” (trang 69).  

Nên coi đây là một tư liệu đính kèm sau khi đọc Ma chiến hữu, cũng có thể xem là lời chú thích cho một trang tiểu sử văn chương - chính trị không dễ gì được biện hộ thỏa đáng.  


(1) Trần Trung Hỷ dịch, Phương Nam book và NXB Văn học, 2009. 
(2) Trần Đăng Hoàng dịch, Nhã Nam và NXB Văn học, 2014.


....../.