Phí, ngân sách và công nợ



Phí, ngân sách và công nợ 






Cuối cùng viện phí cũng phải tăng, sau hơn một năm nấn ná điều chỉnh gia giảm. Cạnh đó, một số loại phí cũng sẽ được thu như phí lưu hành và phí bảo trì đường bộ.
Nếu việc tăng phí này được quảng bá tốt hơn, được bàn bạc và thỏa thuận với đại diện của dân chúng là Quốc hội, đặc biệt là về ý nghĩa, mục đích thu phí cùng danh mục các loại phí đáng phải thu và mức phí, người dân đóng thuế và đóng phí sẽ dễ thông hơn.

Có thực tế hiển nhiên là việc thu các loại phí sắp tới sẽ đem về cho ngân sách một số tiền lớn. Dự trù thu phí xe hơi sẽ là 15.239 tỉ đồng/năm, thu phí bảo trì đường bộ khoảng 5.987 tỉ đồng/năm. Chỉ riêng hai khoản phí mới này sẽ có thể mang về cho ngân sách 21.226 tỉ đồng. Số tiền kỳ vọng thu được này là bao nhiêu so với ngân sách?




Nhìn vào bảng phân bố (dự chi) ngân sách nhà nước năm ngoái (hiện chưa quyết toán) sẽ thấy chi cho y tế 10.200 tỉ đồng, chi cho giáo dục - đào tạo 22.600 tỉ đồng, chi cho trả nợ 85.000 tỉ đồng.
Từ đó, có thể thấy chỉ riêng hai khoản thu phí mới này (xe hơi và bảo trì đường bộ) cũng suýt soát ngân sách cho giáo dục, hơn gấp đôi ngân sách chi cho y tế, tức một số tiền rất lớn thu về cho ngân sách! 21.226 tỉ đồng dự trù thu về này cũng tương đương 1/4 khoản nợ mà Nhà nước phải trả! Trong khi chờ đợi giao thông tốt hơn, đường sá rộng hơn, bớt kẹt xe và bớt bất trắc do chất lượng chưa cao, người dân có thể yên chí rằng đóng phí này là góp phần trả nợ với Nhà nước: một nghĩa vụ thiêng liêng mà bất cứ người dân nước nào cũng sẽ đảm đương.
Như người dân Pháp đã cùng chia sẻ với chính phủ của họ sau khi nghe tân thủ tướng Antoine Pinay phát biểu về bối cảnh nước Pháp tàn phá sau thế chiến cần tái thiết, lại đang vướng chiến tranh Đông Dương nên lạm phát tăng cao (đến nỗi sau này phải đổi 100 franc cũ lấy 1 franc mới), lòng dân ta thán.
Thủ tướng Pinay cầm một tấm da và bảo: “Đây đất nước chúng ta, chỉ còn trơ da. Hãy cầm lấy nó!”. Ông cam kết sẽ quản lý ngân sách một cách lành mạnh. Trước sự thành thật của thủ tướng, người dân Pháp đã đồng lòng tin và cùng với nhà nước “thắt lưng buộc bụng” để vực dậy đất nước Pháp.
Trong thực tế, người dân nước ta đã “thắt lưng buộc bụng” rồi và sẽ còn tiếp tục với các loại phí mới, ngay cả khi thực tế mà cả Bộ Tài chính cũng thấy là đời sống đắt đỏ cần tăng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và hẹn khất đến năm 2014 sẽ áp dụng!
Sáu năm trước, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật 2-4-2006 đã báo động “Mỗi năm trả nợ 2 tỉ đôla” và sau đó gợi ý “Làm gì để trả nợ mỗi năm 2 tỉ đôla?” (Tuổi Trẻ ngày 10-4-2006) - những cảnh báo này đã được Hội Nhà báo TP.HCM nhất trí chia sẻ mà trao giải thưởng báo chí năm đó. Nay khi hằng năm ngân sách dành cho trả nợ đã lên đến 85.000 tỉ đồng (quy ra hơn 4 tỉ USD), nhất định đã đến lúc gióng lên một hồi chuông như ông Pinay từng làm năm 1953 để toàn thể bộ máy nhà nước (hành chính sự vụ, hành thu, sản xuất, kinh doanh, xây dựng,...) dứt khoát “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu (từ khâu kế hoạch đến lễ lạt, hội nghị..., động thổ, khánh thành, giảm thua lỗ, tăng lời lãi, thậm chí đơn giản nhất là làm việc hiệu quả hơn) để trả nợ, có như vậy mới có thể vận động 87 triệu người dân hiểu ra và tin tưởng mà đóng thêm phí, đóng đủ thuế.
THIÊN DI