Lữ Phương / “kỷ niệm” của Hoàng Tùng về Hồ Chí Minh


Vài nhận xét về những "kỷ niệm" của Hoàng Tùng


Lữ Phương

1) NỘI DUNG

Nội dung những trang “kỷ niệm” của Hoàng Tùng về Hồ Chí Minh có mấy điểm đáng chú ý có thể tóm tắt như sau:

Liên Xô:

Từ 1928 đến 1948, coi Hồ Chí Minh là dân tộc chủ nghĩa.
Những người học Liên xô về nói chẳng ai hiểu gì cả (Bùi Công Trừng, Nguyễn Khánh Toàn).
Một số khác như (Phi Vân, Trần Văn Giàu) xem thường Hồ Chí Minh, cho ông già này theo dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém.
Năm 1934-1938, Hồ Chí Minh đến Liên xô không được giao nhiệm vụ cụ thể, xin làm luận án không cho. Trong Đại hội QTCS 7, chỉ là đại biểu dự thính.
Đến 1945, Liên xô vẫn cho Việt Minh là dân tộc chủ nghĩa, vì đã giải tán Đảng cộng sản. Không thừa nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Trung Quốc:

Cũng nghi Hồ Chí Minh là dân tộc chủ nghĩa vì đã giải tán Đảng. Dựa vào ý kiến của Stalin, sau 1949, Trung quốc cho mình là người đỡ đầu Việt Nam.
Những chính sách cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, thuế công thương, cải tạo tư sản… với những hậu quả tai hại cho đất nước đều do Trung Quốc đưa sang. Riêng với cải cách ruộng đất, Trung quốc nhắm đánh vào Đảng Việt Nam. Xoá bỏ cơ cấu tổ chức cũ (thanh lọc, giết hại những người đã tham gia cách mạng tháng tám, những thành phần trí thức…) tạo ra tổ chức mới (công nông…).
Nhóm cán bộ Việt Nam từ Trung quốc về Việt Nam sau cách mạng thành công, như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Trần Hữu Dực… luôn kèn cựa nhau. Riêng Nguyễn Sơn suốt ngày đả kích Võ Nguyên Giáp, phê bình trường Nguyễn Ái Quốc…

Thực chất Hồ Chí Minh

Năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô để giải thích việc giải tán Đảng chỉ là mẹo để lừa địch.
Về cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh tán thành nhưng chưa muốn làm ngay (thuyết ba giai đoạn do Trường Chinh đưa ra : hãy giảm tô, giảm tức trước).
Hồ Chí Minh làm đúng đường lối: cách mạng nhân dân, quần chúng rồi tiến dần đến xã hội chủ nghĩa. Làm từ từ, dần dần. Không theo mẫu của Stalin và Mao Trạch Đông: hai mẫu này là giáo điều, sách vở.
Hồ Chí Minh cho rằng Đảng của Việt Nam là đảng của công nhân, của nhân dân lao động, tức là của dân tộc, không phải chỉ là công nông. Có lúc Hồ Chí Minh nói đảng của công nhân cũng chỉ là “ theo thời cuộc ”, “ chiều lòng người ”. Tuy không nói ra, nhưng Hồ Chí Minh rất sắc bén chứ không hề “ kém ” về lý luận như sự phê bình của những người học ở Liên xô về.

Hồ Chí Minh bị o ép

Nhưng tại sao trong thực tế, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam lại diễn ra theo kiểu Satlin và Mao? Theo tác giả thì Việt Nam đã bị cả Stalin lẫn Mao Trạch Đông thúc ép phải làm như họ. Đặc biệt Trung Quốc với hai phái đoàn cố vấn sang Việt Nam năm 1950 (chính trị: La Quý Ba, quân sự: Vi Quốc Thanh).
Trường hợp cải cách quân đội : có người nghe cố vấn Trung Quốc lập danh sách cán bộ không xuất thân từ gia đình công nông để gạt ra khỏi quân đội, Hồ Chí Minh bảo đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ.
Nhưng trong cải cách ruộng đất thì lại khác. Trường hợp bà Nguyễn Thị Năm bị kết tội, Hồ Chí Minh nói: “Tôi đồng ý có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng”. Ông cũng nói: “Mình đã nói để kháng chiến xong đã, mới tiến hành cải cách ruộng đất, cứ ép mãi. Mà nếu có làm cũng làm theo cách ta, chứ không theo họ”. Nhưng cuối cùng vẫn không cứu được bà Năm và cùng với bà Năm, không biết bao nhiêu sinh mạng, trong đó có rất nhiều người là đảng viên.

2) NHẬN XÉT

Những “kỷ niệm” của Hoàng Tùng đã cho chúng ta một số tư liệu sống (một cán bộ cộng sản có gần gũi ông Hồ) để khẳng định thêm mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với những “bầu bạn” của ông trên thế giới. Vai trò của Hồ Chí Minh trong Quốc Tế Cộng sản không quá quan trọng như guồng máy tuyên truyền của Đảng đã thổi phồng lên. Chúng ta đã biết số phận lận đận của Hồ Chí Minh từ 1928 đến 1938 ra sao, nay lại biết thêm tình trạng Hồ Chí Minh bị Liên Xô lẫn Trung Quốc nghi ngờ sau cả 1945. Cũng biết thêm việc uy tín của Hồ Chí Minh không được nhất trí thừa nhận trong hàng ngũ Đảng, không phải từ những năm 1930 mà mãi cả về sau này. Điều đó chứng tỏ sự kèn cựa về địa vị, sự phân liệt, chia rẽ về đường lối luôn luôn tồn tại trong Đảng, ngay khi mới thành lập và suốt trong thời kỳ chưa cầm quyền.
Tuy vậy, ý định của Hoàng Tùng muốn làm giảm vai trò của Hồ Chí Minh đối với Quốc tế Cộng sản là không có cơ sở. Tuy không phải là cán bộ quan trọng (không được vào Ban Chấp hành như Lê Hồng Phong) và tuy đã bị QTCS kỷ luật một thời gian, uy tín chủ yếu mà Hồ Chí Minh tạo được cho mình vẫn là nhờ vào danh nghĩa QTCS. Nương theo đường lối của Nga đối với Quốc Dân Đảng năm 1925 về được Quảng Châu. Nhờ Cứu trợ đỏ can thiệp trong vụ bị bắt ở Hồng Kông năm 1931. Năm 1938 vẫn được QTCS cử về Việt Nam với tư cách là cán bộ đặc trách Đông Dương. Các vấn đề tiền bạc, đào tạo cán bộ, tài liệu tuyên truyền… đều nhờ vào QTCS.
Việc quy tất cả những sai lầm về đấu tranh giai cấp ở Việt Nam cho Stalin và Trung Quốc cũng rất khó thuyết phục. Tác giả nói Hồ Chí Minh, tuy có chống lại, nhưng vẫn cứ bị o ép phải thực hiện chủ trương của họ. Nhưng điều quan trọng nhất là tại sao thì lại không được bàn đến. Hợp lý nhất có lẽ là nhận xét này: Hồ Chí Minh buộc nhân nhượng chỉ vì ông đang cần sự chi viện của Trung Quốc để kháng chiến chống Pháp. Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì sẽ không tránh khỏi rơi vào thái độ thực dụng vô nguyên tắc. Còn nếu lý lẽ ấy bị loại trừ thì Hồ Chí Minh sẽ khó tránh khỏi bị xem là một lĩnh tụ không đủ bản lĩnh để nói “không” trước những vấn đề cần phải nói “không” một cách quyết liệt (như trường hợp bà Nguyễn Thị Năm).
Thật sự thì đem lý do bị bên ngoài o ép hoặc do phải “chiều lòng người”, “theo thời cuộc”… để giải thích những sai lầm mà Hồ Chí Minh đã vấp phải trong quá trình thực hiện đường lối cách mạng vô sản ở Việt Nam là không xác đáng. Quá trình hình thành sự chọn lựa của Hồ Chí Minh về ý thức hệ cho ta thấy những sai lầm ấy đã bắt nguồn từ sự tiếp nhận lý luận “Mác-Lênin” của Hồ Chí Minh: thực chất của thứ “chủ nghĩa Mác-Lênin” của Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa Stalin cộng với chủ nghĩa Mao chứ không phải là cái gì khác! Chính trong quá trình dựa vào Quốc tế cộng sản để giải phóng dân tộc và giành quyền lực cho Đảng, Hồ Chí Minh đã đem về cho đất nước cái hệ tư tưởng nguồn gốc của mọi sai lầm ấy. Sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh với Stalin hay Mao Trạch Đông do đó không phải là sự khác biệt về hình mẫu mà là về biện pháp, nhịp độ thực hiện hình mẫu ấy như Hồ Chí Minh đã cho biết qua sự trình bày của Hoàng Tùng.
Với ý định biện hộ cho những sai lầm của Hồ Chí Minh, Hoàng Tùng đã tạo ra một hình ảnh huyễn hoặc mới cho vị lĩnh tụ của mình: Hồ Chí Minh là một nhà mácxít theo chủ nghĩa dân tộc và cải lương! Tuy có khác với lý lẽ của bộ máy tuyên truyền nhà nước cộng sản Việt Nam, cách nhìn của người cán bộ cấp cao, “tuổi đã gần đất xa trời” này (như báo Diễn Đàn đã nói về Hoàng Tùng) vẫn chưa thoát khỏi những ảo tưởng về cái quá khứ mà chính ông đã góp phần tạo nên. Chính cái ảo tưởng này đã quy định cái ảo tưởng “đổi mới” của ông về Hồ Chí Minh: cần phải tẩy rửa khỏi sự nghiệp của Hồ Chí Minh các dấu tích của Stalin và Mao Trạch Đông. Trong khi cố giữ cho Hồ Chí Minh danh nghĩa “chủ nghĩa xã hội” thì lại tìm cách thổi vào khái niệm này một thứ nội dung thật mờ mịt – chuẩn bị thay thế cho sự suy tàn của chủ nghĩa tư bản đầy bất công – để biện minh cho vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với đất nước. Nhưng chừng nào thì chủ nghĩa tư bản mới suy tàn và chừng nào và bằng cách nào Đảng mới hoàn thành được nhiệm vụ “thay thế” đó, những điều này không nghe tác giả nói tới. Ngàn năm? Vạn năm? Và vẫn không có cách nào khác hơn là dựa vào điều 4 của Hiến pháp?
Có lẽ phần đáng chú ý nhất trong những trang “kỷ niệm” nói trên là những cái mà tác giả gọi là “nỗi đau” của ông Hồ. Về đời tư, tác giả chỉ nói sơ qua, và cũng chỉ dừng lại nơi sự tan vỡ gia đình mà không đả động gì đến sự chia lìa trong tình yêu, hôn nhân vốn cũng là những chuyện rất đáng nói trong cuộc đời hoạt động đầy phiêu lưu và bí ẩn của ông Hồ.
Quan tâm chính yếu của tác giả vẫn là chính trị, và ở đây những “nỗi đau” được đề cập vẫn chỉ là những phiền muộn do “bầu bạn”gây ra, không có gì mới. Nhưng dù sao thì qua sự bộc lộ của tác giả chúng ta cũng thấy thêm được phần nào tính cách của Hồ Chí Minh: ở Hồ Chí Minh không hề có những dằn vặt của sự nhìn lại như ở Lênin vào những năm cuối đời – nhiều lắm chỉ là những bực bội của một nước nhỏ bị những bậc đàn anh lấn lướt, o ép.
Có một điều đặc biệt về tính cách của Hồ Chí Minh không được Hoàng Tùng quan tâm. Đối với Hồ Chí Minh, dù trong thâm tâm nhiều lúc không tránh khỏi buồn phiền vì những chuyện bất như ý, nhưng ít khi nào ông chịu bộc lộ, nhất là bộc lộ công khai. Ý thức về trách nhiệm phải đóng cho tròn những vai trò do mình tự đặt hoặc do tập thể giao cho, đối với ông là rất quan trọng, nhất là những vai trò tiêu biểu có tác dụng tập hợp quần chúng: Quốc tế Cộng sản, Đảng, Chủ tịch, Bác Hồ, Cha già dân tộc…. Ông luôn cảnh cáo cán bộ về chủ nghĩa cá nhân, khuyên phải lấy lợi ích tập thể để giải quyết mọi mâu thuẫn nẩy sinh trong đời sống và khi cần thiết thì phải biết hy sinh. Bi thảm hoá những “ nỗi đau ”có ý nghĩa chính trị của một lĩnh tụ có ý thức rất mạnh về sứ mệnh của mình như vậy có lẽ không thích hợp lắm.
L.P