nhà văn Hoàng Yến



CON CHIM CHỈ ĐƯỢC HÓT TRONG ĐÊM

         

Đứng trước linh cữu nhà văn Hoàng Yến trong đám tang ông,tôi chợt nhớ câu nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mấy năm trước :
“ Nhà văn phải nói lên sự thật…”
Nhưng sự thật luôn luôn là “con chó bị đuổi ra khỏi nhà" (W. Shakespeare), là thứ tối kỵ trong xã hội “bày cừu”,  là hàng quốc cấm trong xứ sở “toàn trị”, là nguy hiểm chết người khi đức vua cởi truồng, trí nông công thương đều nức nở tung hô, ca ngợi y phục hoàng thượng qúa đẹp, thì lại có một anh cả gan kêu lên :” vua cởi truồng”.
Nhà thơ - lãnh đạo Tố Hữu lúc sinh thời đã
kiểm soát văn hóa và tư tưởng Việt Nam một giai đoạn dài
Tất nhiên anh chàng đó phải “ăn đòn hội chợ” của đám “bốc thơm vua”  và phải chịu đòn trừng phạt nặng nề của chính đức vua..
Nhà văn Hoàng Yến là một trong rất ít người to gan dám kêu to lên “vua cởi truồng” đó.  Còn nhớ những năm đầu Đảng và Chính phủ về tiếp quản Hànội, các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình, các giáo sư…xúm vào khen thơ Tố Hữu , xài ngôn từ như xài bạc giả. Nào là hồn thơ dân tộc, nào là nhịp đập trái tim của Đảng, nào là “hay hơn thơ Nguyễn Du”…Vậy mà  nhà văn Hoàng Yến cả gan viết bài chê thơ Tố Hữu…”bé” vì “chất sống chưa thật sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức…”
Vào tháng 4 năm 1955 dám viết như vậy ngay trên báo Nhân Dân thì có khác gì Hoàng Yến kêu lên :” vua cởi truồng”.
Khi hạ bút viết bài “ĐỌC THƠ “VIỆT BẮC “CỦA TỐ HỮU “ đăng 3 kỳ liền trên báo Nhân Dân quả thực nhà văn Hoàng Yến đã ký án tử cho chính ông.
Trước hết phân tích bài “Phá đường”, Hoàng Yến vạch rõ :
“ Cách đây không lâu tôi nhớ có đọc một bài của người anh em miêu tả cảnh đắp đường . Nội dung bố cục cũng giống na ná như bài “Phá đường”. Tuy cách nói có khác nhau nhưng ý tình cũng vẫn là “nhà em con bế con bồng, em cũng theo chồng đi đắp đường quan” cũng “hì hà, hì hục, lục cục lào cào “, cũng thi đua phấn khởi “ Anh tài thì em cũng tài. Đường dài ta lấp sức dai ngại gì …”
Ối chết, viết thế này khác nào tố cáo Tố Hữu ăn cắp thơ người  khác ? To gan hơn, Hoàng Yến dám chê thơ Tố Hữu không bằng thơ “nghiệp dư” của một du kích Nam bộ :
“ Một câu thơ phá đường khác của một du kích Nam Bộ nói lên tình cảm ấy một cách gọn ghẽ, trọn vẹn và tài tình hơn :
“ Con đường số bảy của tau
Nó đi theo giặc tau đào nó đây…”
Tiếp đến Hoàng Yến chê “ Nhưng bài “Lên Tây Bắc” đã làm ta hơi thất vọng. Thi sĩ còn cách xa người chiến sĩ…”
Ái chà, Tố Hữu là nhà thơ của cách mạng, là người vẫy cờ trên mặt trận văn hóa văn nghệ của Đảng mà dám chê “ còn cách xa người chiến sĩ” thì “bố mày đây” chịu sao nổi ? Đã vậy Hoàng Yến còn kết tội Tố Hữu :
“ Thi sĩ không gợi được một trong trăm nghìn phần cái thực tế gian khổ và sức chịu đựng phi thường của người chiến sĩ trên chiến trường rừng núi…”
Như vậy có nghĩa Tố Hữu chỉ ngồi salon bốc phét “chưa từng xuống tận chiến trường rừng núi để đồng cam cộng khổ với chiến sĩ…”. Như vậy từ chê “thơ” , Hoàng Yến đã mon men tới chỗ “chê con người” Tố Hữu. Mãi gần nửa thế kỷ sau Hoàng Yến mới có anh nhà thơ dám viết Tố Hữu chưa lên Điện Biên bao giờ vậy mà vẫn cứ  ông ổng làm thơ coi như ta đang trên đồi A1 vậy.
Đi xa hơn nữa, Hoàng Yến đúc kết :
“Cũng vì vậy những câu  thơ miêu tả những chiến công lịch sử ở Điện Biên tuy đôi đoạn thơ có vẻ mạnh, khí thơ có vẻ hùng nhưng người đọc nhất là những đồng chí đã dự mặt trận Điện Biên , thấy chưa thỏa mãn và còn thấy là giả tạo…”
Ối chết chê thơ Tố Hữu “công thức” thì còn chịu được chứ lại chê “giả tạo” thì đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tuyên huấn trung ương Đảng chịu làm sao nổi. Quy tội chết cho Hoàng Yến còn là nhẹ. Tuy nhiên để thêm cớ quy tội , phải đợi đến vài tháng sau khi tập thơ “ Tình người soi dặm đường” của Hoàng Yến  NXB Hội nhà văn mới là “dấu chấm hết” cho sự nghiệp văn chương hiểu theo nghĩa “chính thống” của nhà văn Hoàng Yến.
Tập thơ ra đời, lập tức đám phê bình “cung đình” xúm vào đánh đòn hội chợ về tội…đa cảm (!), thiếu “tính chiến đấu” :
“ Đường đi mặt trận
Nước đồng gợn trăng
Gió tre hoa bóng
Gợi tình chiếu chăn…”
                               ( Đường đi mặt trận)
“Chiều cuối năm chưa xuống
Sương xuống nhiều hơn mưa
Bứt lá bỏ dòng suối
Thả xuân về dưới kia…”
                               ( Bứt lá bỏ dòng suối)
Thế là đủ chứng lý để thành…án được rồi. Nhà văn Hoàng Yến phải đi cải tạo tại Văn Phong ( Phú Thọ) 3 năm liền. Sau khi mãn hạn lại bị liệt vào loại cấm bút tức là viết không được in, hoặc nếu có in thì phải ký tên khác , không được ký tên Hoàng Yến.
Vậy tức là không cấm “đẻ” - sao cấm được, viết trong bóng tối, viết đầu bờ đầu bụi, sao mà cấm -, nhưng mà cấm cho “khai sinh”, cấm con “chào đời”.
Phân biệt quái gở “đẻ” và “chào đời” chắc chỉ có ở cái xứ “đỉnh cao nhân loại”. Từ năm  1960 đến mãi 1975, giải phóng miền Nam, kẻ thù “Mỹ-ngụy” đã quá nhiều, thôi thì tha cho “kẻ thù nội bộ” , thế là từ đó Hoàng Yến mới được phép công bố tác phẩm với tên chính của mình.
Suốt 15 năm cấm bút, Hoàng Yến như con chim chỉ được hót trong bóng tối đã lặng lẽ viết, lặng lẽ cất bản thảo vào ngăn kéo hoặc có được in thì cũng với bút danh khác :  Thạch Tiên, Hoàng Lan Châu, Hoàng Đức Anh. Như “chim bị tên sợ cành cây cong”, Hoàng Yến đành rời bỏ những đề tài đương đại, những chuyện thời thế dễ “đụng chạm”, dễ “nhạy cảm” chuyển sang viết chuyên về đề tài…”lịch sử”.
Nhà văn Huy Phương nhận xét về tiểu thuyết lịch sử “ Chân mây khép mở”:
“…Nó làm tôi thích thú trước hết là vì cái phong cách thể hiện của một kiểu tiểu thuyết lịch sử chỉ có thể là của Hoàng Yến, vừa có cái điêu luyện của một cây bút đã được thử thách qua các đòi hỏi  nghiêm ngặt của thể văn kịch bản vừa có sức truyền cảm của một cảm hứng thơ phóng khoáng mà chín chắn…”
Vậy nhưng “sự thù hằn nghiệt ngã”  trong bóng tối “ vẫn chưa tha cho Hoàng Yến. Vở kịch “ Hình và bóng” của ông chỉ mới diễn ở Hải Phòng được vài buổi đã có lệnh cấm .Nhưng đòn thù chết người ấy vẫn không đốn ngã được Hoàng Yến, ông vẫn can đảm “tọa thị thẳng thắn” trên đất nước và vẫn viết tiếp nhiều vở diễn giá trị khác trong Đó nổi bật là “Thanh gươm cô đô đốc” được mời sang công diễn ở Paris.
Nhà văn Hoàng Yến đã vĩnh biệt thế gian tràn đầy ghẻ lạnh này , thật không ngờ bạn bè tới chia tay ông với những vòng hoa chật cứng một góc chùa Vĩnh Nghiêm cần hẳn một chiếc xe tải chở đi công viên Vĩnh Hằng mới hết. Điều đó phải chăng đúng như ông đã dự cảm trong bài thơ “Mây của đất” viết từ năm 1985 :
“ Hãy chôn tôi dưới hoa
Vì hoa là mây của đất
Và ông trời xanh nhìn về trần gian
Cũng bàng hoàng lác mắt
Tưởng  thi thể tôi nằm giữa đám mây ngũ sắc
Dưới trần cũng có mây trời…”
Nhà văn Hiền Phương, ái nữ của nhà văn Hoàng Yến  kể lại sau khi ông vừa mất, chị chỉ vào dò phong lan mới mua :
“ Hoa đẹp thế này sao ba không về ngắm hoa…”
Lạ thay bỗng dưng có một làn gió thổi quay cành phong lan hướng về chỗ Hiền Phương. Phải chẳng anh linh nhà văn Hoàng Yến vẫn còn hiện diện đâu đó.
Nhà văn bị cấm bút vào loại ngặt nghèo nhất Việt Nam đã rời bỏ thế gian này. Lạ thay nếu ta vào Google đánh cụm từ “ nhà văn Hoàng Yến” sẽ không ra một kết quả nào, toàn người mẫu, ca sĩ…, trong hồ sơ Nhân Văn Giai phẩm của các phê bình gia hải ngoại (đặc biệt bà Thụy Khuê  - RFI) cũng tuyệt nhiên không nhắc tới tên Hoàng Yến mà chỉ xoay quanh Trần Đân, Lê Đạt , Hoàng Cầm …chắc họ còn muốn có VISA trở về VN.
Hiện tượng “cấm bút” ở VN ngày nay vẫn còn , tuy nhiên chỉ cấm không được xuất bản tại các cơ quan  báo chí , xuất bản Nhà nước thôi , còn  các trang văn học nhan nhản trên mạng, nhà văn “cấm bút” đẻ xong vẫn có thể cho đứa con chào đời tại bất kỳ trang nào :” tiền vệ, hợp lưu, da mầu.vân vân và vân vân…”.
Interrnet ra đời là một mối đại hiểm nguy cho các “ông vua cởi truồng”. Ôi, giả sử nhà thơ Tố Hữu sống tới ngày nay để làm thơ về đề tài “ truyền thông liên mạng toàn cầu “ thì vui biết bao !

28-2-2012