Dự luật về đặc khu kinh tế - cách tiếp cận không giống ai




Dự luật về đặc khu kinh tế - cách tiếp cận không giống ai

Phỏng vấn chuyên gia Phạm Chi Lan
***
http://www.viet-studies.net/kinhte/DacKhuKinhTe_PCLan.html



LTS – Nhân Hội thảo về dự thảo luật về đặc khu kinh tế (ĐKKT) sẽ diễn ra vào 18/5 này, TVN xin giới thiệu những đóng góp của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người có nhiều trăn trở về dự thảo Luật ĐKKT sắp trình Quốc hội xem xét trước khi thông qua.

Trước hết, tại sao lại ra một luật về đặc khu kinh tế mà trong đó chỉ định rõ luôn 3 ĐKKT, là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc ? Nếu làm một luật để tạo khuôn khổ chung, thì không nên đưa ra định danh là nơi nào làm. Từ yêu cầu và mục đích của ĐKKT, quốc hội nên đưa ra những chính sách riêng cho ĐKKT và để chính phủ lựa chọn làm thí điểm ở nơi nào có thể đáp ứng tốt nhất các điều kiện và kỳ vọng về ĐKKT, trước khi mở rộng ra các nơi khác. Nếu cần thẩm quyền quốc hội quyết định, chính phủ có thể đề xuất và trình quốc hội từng trường hợp một.
Kinh nghiệm của Thẩm Quyến
Đó chính là cái cách ông Đặng Tiểu Bình đã làm đối với Thẩm Quyến ngày xưa vào thời kỳ đầu cải cách của Trung Quốc. Khi đó chưa có đủ niềm tin để áp dụng rộng rãi những chính sách mới theo thị trường, ông Đặng cho lập một ĐKKT và áp dụng những chính sách tốt cho một nơi mà trước đấy chỉ là một bãi rác. Nhưng ưu thế của Thẩm Quyến là đối diện với Hồng Kông, một trung tâm phát triển rất lớn, ông Đặng kỳ vọng, với những chính sách tốt, vị trí của Thẩm Quyến sẽ được phát huy.
Trên thực tế, các nhà đầu tư đã chọn lựa Thẩm Quyến, vì vị trí gần với Hồng Kông. Hơn nữa, vì một nơi hoang vắng, chưa có gì cả, nhà đầu tư bắt tay từ đầu, thiết kế hạ tầng cần thiết cho phát triển theo yêu cầu của họ. Từ chính sách tốt ở Thẩm Quyến, Trung Quốc áp dụng rộng rãi ra các nơi khác, và làm cho cả đất nước Trung Quốc phát triển theo hướng thu hút được rất nhiều đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư của người Hoa từ bên ngoài về, và cả đất nước phát triển lên.
Sau này, người ta đánh giá rằng điều đầu tiên Thẩm Quyến làm được là tác động về thể chế, là nơi thử nghiệm về thể chế thành công, và từ đó áp dụng rộng rãi ra cho cả nền kinh tế.
Thứ hai, về tác động trực tiếp là sự lan tỏa đến các khu vực khác, như Thượng Hải, Sán Đầu…, những nơi cũng mọc lên các mô hình phát triển như Thẩm Quyến.
Yêu cầu thể nghiệm thể chế mới với Việt Nam
VN đang đứng trước yêu cầu bước sang giai đoạn 2 của đổi mới. Giai đoạn 1 VN đã thành công sau 30 năm, vì vậy sang giai đoạn 2 cần phải đổi mới ở mức cao hơn, vừa để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vừa để đáp ứng tất cả những cam kết với các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà VN đã ký.
Việt Nam cũng có ý tưởng về thiết lập ĐKKT trong bối cảnh đất nước đã và đang tham gia thị trường quốc tế rất mạnh mẽ, trong đó xuất nhập khẩu chiếm tới 180% GDP, và được coi là một nền kinh tếrất mở, cũng như có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài khá mạnh. Theo Báo cáo Đầu tư Toàn cầu, năm 2017 VN đứng thứ 12 trong lựa chọn của các công ty đa quốc gia, tăng hai bậc so với năm trước đó. Trong khi đó, một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã giảm xuống về tỷ lệ chọn lựa.
Khi hỏi những nhà đầu tư nước ngoài thành công ở VN rằng họ thấy Việt Nam hấp dẫn nhất về cái gì, phần lớn họ nói đó là nguồn nhân lực của VN, và VN là nơi kinh doanh tốt vì mở cửa thị trường và tạo cơ hội cho họ tiếp cận nhiều thị trường bên ngoài, chứ không phải các ưu đãi là số 1. Họ cũng tin trong tương lai môi trường kinh doanh ở VN sẽ tốt hơn do VN tham gia các FTA thế hệ mới và sẽ cải cách thể chế theo các cam kết đó.
Vì vậy, thử nghiệm về thể chế của Việt Nam phải là áp dụng hệ thống thể chế mới theo cam kết của các FTAs, ví dụ như những yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, lao động, cạnh tranh, tính minh bạch của bộ máy chính quyền, việc tham vấn người dân, tham vấn doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định, hay yêu cầu dỡ bỏ những hàng rào hành chính, thực hiện thông quan nhanh… 
Có thể thấy cách tiếp cận của luật ĐKKT muốn dành ưu đãi thật đặc biệt về thuế và đất đai để thu hút đầu tư chưa trúng với thể chế mà nhà đầu tư mong muốn nhất, đặc biệt với các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực VN muốn thu hút họ vào. Đảng, chính phủ, quốc hội đã nhiều lần nói là VN đang mong muốn bước vào thời đại công nghiệp 4.0, với ưu tiên cao nhất là làm sao phát triển công nghệ để có thể đẩy nền kinh tế lên, và chính sách mới về FDI sắp sửa đổi cũng đưa ra ưu tiên số 1 cho các doanh nghiệp có thể mang công nghệ cao vào và triển khai nó.
Vậy những nhà đầu tư CNC, họ cần gì? Chúng ta có hai mô hình thí điểm CNC ở VN là Khu CNC TP HCM và Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội). KCNC TP HCM có vẻ tốt hơn, còn ở Hòa Lạc còn nhiều vướng mắc lắm. Đầu năm 2018, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, đã đến KCNC Hòa Lạc làm việc, và kết luận rằng có 13 vấn đề lớn về luật pháp còn vướng mắc cho Hòa Lạc, do luật pháp chưa sửa được. Thế thì tại sao không tập trung giải quyết 13 điều đó cho KCNC Hòa Lạc, và áp dụng cho cả KCNC TP HCM, để chứng minh rằng vói thể chế tốt 2 KCNC này có thể vượt lên. Và, sau đó, đem áp dụng chính sách đó chung cho tất cả nơi khác muốn làm CNC. 
Ông Nguyễn Mại, một quan chức có nhiều năm kinh nghiệm trong thu hút FDI, đã nói trong một cuộc họp rằng CNC rằng chỉ có thể tập trung vào những đô thị lớn, ở đấy là nơi tập trung trí thức nhiều, tinh hoa nhiều và có lực lượng lao động có kỹ năng cao để nhà đầu tư tuyển dụng, hay cộng tác. Nhà đầu tư như Samsung đã phát triển các khu lắp ráp điện thoại di động ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, nhưng đến trung tâm nghiên cứu xử lý, giám định sản phẩm, họ làm Hà Nội với mấy nghìn kỹ sư hiện nay. Bây giờ đến khâu Nghiên cứu & Phát triển (R&D) họ lại chọn TP HCM. Các nhà đầu tư CNC khác cũng có cách chọn địa điểm tương tự.
Thế mà bây giờ VN lập ra Vân Đồn, Vân Phong, hay Phú Quốc, ở đâu cũng đều nói đến CNC cả. Nhưng liệu các nhà CNC sẽ vào đấy, hay là họ tiếp tục chọn TP HCM, Hà Nội, hoặc Đà Nẵng?
ĐKKT xin xây dựng casiso có nên không?
Có thực tế là cả 3 nơi, Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc đều muốn có casino.
 Bản thân du lịch đang phát triển khá tốt ở Quảng Ninh, với Vịnh Hạ Long là di sản thế giới và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Những năm vừa qua Quảng Ninh đã làm được rất nhiều việc tốt để thu hút du lịch. 
Phú Quốc những năm gần đây nổi lên trở thành một địa điểm du lịch hết sức hấp dẫn và thu hút được cả khách trong nước và nước ngoài. Đầu tư vào các dự án hạ tầng cho du lịch ở Phú Quốc cũng rất mạnh rồi.
Chưa phải ĐKKT, du lịch ở Quảng Ninh và Phú Quốc đã phát triển rồi. Sắp tới, nếu thành ĐKKT, 2 nơi này lại có thêm những ưu đãi về bất động sản, nghỉ dưỡng, hay vui chơi giải trí. Vậy những ưu đãi đó có thừa không, và liệu casino có cần không?
Casino là điều rất cần cân nhắc thận trọng, bởi gần với Vân Đồn- Quảng Ninh đã có Ma Cao, trung tâm đánh bạc lớn của thế giới, và đã thành công. Nhưng vài năm gần đây, không chỉ Ma Cao mà cả Las Vegas ở Mỹ cũng đang có chiều hướng suy giảm, vì đánh bạc trên mạng xuất hiện rộng rãi. Ở VN, mạng lưới đánh bạc trên mạng chỉ do hai doanh nhân điều hành, và mấy ông tướng công an bảo kê, mà có tới 14 triệu lượt người tham gia. Trong khi VN lại muốn dùng casino với rất nhiều ưu đãi để tạo đột phá, có nên không? Trong hơn 4000 ĐKKT trên thế giới, có bao nhiêu ĐKKT cạnh tranh bằng casino? Theo tôi, cần phải nghiên cứu thấu đáo, tới nơi tới chốn, chứ đừng nghe theo lobby của ai đó mà chấp nhận.
Rồi bây giờ người ta lại đang vận động công nhận ngành mại dâm, tuy chưa ghi trong dự thảo luật về ĐKKT. Chẳng lẽ ngành du lịch của VN không có những thế mạnh khác, và phải cất cánh bằng đánh bạc và mại dâm à? Chỉ nghĩ đến điều này thôi đã thấy quá đau, vì ta sẽ phải trả giá lớn về văn hóa, xã hội cho sự phát triển của đất nước trong tương lai nếu làm như vậy.
Hơn nữa, trong danh mục ưu đãi đầu tư ở ĐKKT có cả CNC lẫn casino.  Thử nghĩ xem liệu các nhà CNC, vốn quen sống và làm việc trong môi trường trí thức, học tập, sáng tạo, có muốn vào ngồi cùng chỗ với đánh bạc và mại dâm không? Ưu đãi cho casino ở cùng ĐKKT có thể sẽ đuổi các nhà đầu tư CNC đi nơi khác.
Những nơi được chọn làm ĐKKT không có tác dụng lan tỏa
Về tác động lan tỏa, các ngành mà VN đang muốn tập trung phát triển là công nghệ thông tin, du lịch và nông nghiệp. CNTT hiện nay đang trải ra nhiều chỗ trên đất nước. CNTT tạo thành sức mạnh vật chất giúp cho các ngành phát triển lên, chứ không phải chỉ phát triển cho bản thân để bán sản phầm ra nước ngoài. CNTT có thể góp phần quan trọng hiện đại hóa nền kinh tế, khắc phục những yếu kém trong hệ thống quản trị nhà nước và doanh nghiệp, như tính kém minh bạch, kém trách nhiệm giải trình, và giúp cho cả nhà nước và doanh nghiệp có các lựa chọn tốt hơn, thực thi hiệu quả hơn trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Hay những ngành như giáo dục, y tế, giao thông vận tải, đo đạc bản đồ, quan trắc hay phát hiện vấn đề môi trường…. đều rất cần áp dụng CNTT. Vì vậy, đầu tư và ứng dụng CNTT không thể chỉ trong các ĐKKT dự kiến này, mà phải dựa trên các trung tâm lớn như TP HCM, Hà Nội, và mới đây là Đà Nẵng, Cần Thơ, và từ đó lan tỏa ra khắp nước. 
Mảng thứ hai là du lịch. Phú Quốc và Vân Đồn được chọn nhằm mục tiêu du lịch tương đối rõ. Ngoài Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh có thêm Vân Đồn là rất tốt, nhưng Vân Đồn không thể thay thế Vịnh Hạ Long mà chỉ có thể phát triển khi đi cùng Hạ Long.
Còn Phú Quốc bản thân vẫn đang phát triển du lịch rất mạnh, bất động sản du lịch đã bán, chia chác gần hết rồi, đâu có cần chờ chính sách ưu đãi gì !  Phú Quốc là một hòn đảo, nên khả năng kết nối với tỉnh Kiên Giang, hay rộng hơn đồng bằng sông Cửu long, để lan tỏa cũng hoàn toàn không dễ. Đó là chưa nói loại hình du lịch ở Phú Quốc hoàn toàn khác với loại hình du lịch của đồng bằng sông Cửu long, vốn gắn với nông nghiệp và sinh thái.
Trung tâm du lịch ở phía Nam hiện giờ vẫn là TP HCM với 26 triệu lượt khách mỗi năm. Từ TP HCM đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Tây Ninh hay đồng bằng Sông Cửu Long đều tiện cả.
Vân Phong không phải là nơi để làm du lịch, bởi Vân Phong nằm bên cạnh Nha Trang, gần Bình Định, và một chuỗi các tỉnh miền Trung có khả năng về du lịch. Nếu lấy một điểm là trung tâm du lịch của miền Trung để từ đó lan tỏa, nên chọn Đà Nẵng hoặc Nha Trang. Còn Vân Phong, với ý tưởng trước đây là biến nó thành một cảng trung chuyển, hỗ trợ cho cảng trung chuyển ở Bà Rịa – Vũng Tàu, tôi nghĩ là được.
Đối ngành thứ ba mà chúng ta ưu tiên phát triển là nông nghiệp, cả 3 nơi chọn làm ĐKKT đều khó có thể phát huy vai trò trong phát triển nông nghiệp ở VN.
Vân Đồn - Quảng Ninh không phải là vùng nông nghiệp, nên được hoạch định cho các ngành khác. Đồng bằng sông Hồng tập trung ở các tỉnh ven và xung quanh Hải Phòng, với cảng Hải Phòng là nơi vận chuyển. Từ Hải Phòng đi Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, hay Bắc Giang, đều tiện, Vân Đồn không có được vị trí như thế.
Vân Phong cũng vậy. Khu vực miền Trung không phải là nơi trọng tâm phát triển nông nghiệp được, khi bị khô hạn và bão tố triền miên.
Phú Quốc có thể phát triển một số sản phẩm về hải sản, hay nông sản, nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch ở Phú Quốc thôi, chứ không phải đầu tàu để phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu ở đồng bằng sông Cửu Long nên chọn Cần Thơ, hoặc phần nào đó TP HCM – làm nơi chế biến, kinh doanh và tạo thêm giá trị gia tăng cho nông sản.
Nên chọn nơi nào làm ĐKKT trước?
Tôi nghĩ giá mà biến TP HCM, hoặc một phần của nó, thành ĐKKT, với ý nghĩa trước hết là nơi thử nghiệm các thể chế hiện đại theo các cam kết FTA, thì nó có thể mang lại được lợi ích ngay, nhiều hơn và sớm hơn. TPHCM vốn vẫn là nơi phát triển cao nhất trong cả nước và thường đi đầu trong những sáng kiến đổi mới về nhiều mặt, và cũng là nơi tụ hội tinh hoa lớn nhất cả nước. Sức lan tỏa sang các nơi khác cũng mạnh, vì sự phát triển của TP HCM luôn gắn rất nhiều với các vùng khác trong cả nước, khi TP này đã và đang là trung tâm thương mại quốc tế lớn nhất của nước ta.
Hà Nội là lựa chọn thú hai, vói những điều kiện về thử nghiệm thể chế như TP HCM, trước mắt tập trung vào thực hiện ở khu CNC Hòa Lạc, nơi đã có 20 năm tuổi nhưng vẫn bị thể chế tạo thành rào cản chính cho phát triển.
Các vấn đề như quản trị, điều hành, nguồn nhân lực sẽ không quá khó để giải quyết ở hai nơi này nếu cải cách thể chế được thực hiện đầy đủ, đồng bộ, nghiêm túc, với hệ thống tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng, giao quyền và trách nhiệm thật minh bạch, có trách nhiệm giải trình, có hệ thống giám sát thực sự hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề hạ tầng ở TP HCM và Hà Nội, sẽ chỉ mất một phần trong con số triệu tỷ dự kiến đầu tư vào 3 ĐKKT theo dự thảo luật, mà kết quả thu được sẽ cao hơn gấp bội. TP HCM và Hà Nội sẽ trở thành trung tâm của những ngành cao cấp hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, như sản xuất các sản phẩm ứng dụng CNC, hay các dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, thương mại, du lịch…, để lan tỏa ra các vùng xung quanh và kết nối nền kinh tế nước ta với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Hai nơi này mà cất cánh, cả nền kinh tế sẽ cất cánh theo.
Huỳnh Phan (ghi)

........../.


“Hoàng đế xấu xa" của Trung Quốc tái xuất



Washington Post, 6 March 2018

“Hoàng đế xấu xa" của Trung Quốc tái xuất
Francis Fukuyama
Người dịch: TQNam

http://www.viet-studies.net/kinhte/HoangDeXauXa_Fukuyama_trans.html


Francis Fukuyama là một senior fellow của Đại học Stanford và là Giám đốc Center on Democracy, Development and Rule of Law. Cuốn sách của ông "Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment" sẽ được phát hành vào tháng Chín tới.



Kể từ năm 1978, hệ thống chính trị độc đoán của Trung Quốc có phần khác với hầu hết các chế độ độc tài khác vì Đảng CS cầm quyền tuân thủ các nguyên tắc về kế nhiệm. Giới hạn nhiệm kỳ đối với giới lãnh đạo cấp cao gói gọn trong một thời hạn mỗi 10 năm đến nay đã ba thời kỳ, rồi hệ thống của đảng rèn luyện và đào tạo các nhà lãnh đạo mới để thay thế cho những người sắp mãn nhiệm kỳ cho phép họ tránh được sự đình đốn của các nước như Ai Cập, Zimbabwe, Libya hoặc Angola, ở đó các vị tổng thống đã cai trị trong nhiều thập kỷ.

Nhưng tất cả những điều này nay đã không còn vì tuyên bố gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng giới hạn nhiệm kỳ chức chủ tịch nước sẽ bị bãi bỏ. Điều này có nghĩa là ông có thể sẽ là nhà cai trị của Trung Quốc cho đến hết quãng đời còn lại của mình, chuyển sang một chế độ độc tài theo thể chế sang chế độ độc tài một người. Điều này được tạo dựng dựa trên tệ sùng bái cá nhân ngút ngàn mà ông đã cấy trồng, với "Tư tưởng Tập Cận Bình" được phong thánh trong Hiến pháp cùng với Mao Chủ tịch.

Các nguyên tắc rành mạch khi đặt ra giới hạn quyền lực của bất kỳ một cá nhân nào là trọng yếu cho sự thành công của bất kỳ hệ thống chính trị nào, dân chủ hay không, bởi vì có một cá nhân nào luôn sáng suốt hay đủ nhân từ để cai trị vô hạn định đâu. Do đó, chuyện kế thừa là điểm yếu của mọi chế độ độc tài: việc thiếu luật lệ buộc phải có một cuộc đấu tranh gây tổn thất cho quyền lực vào khi nhà lãnh đạo tối cao qua đời.

Một lợi thế lớn mà Trung Quốc có so với nước Nga đương đại chính là ở các nguyên tắc này: nếu ngày mai Tổng thống Nga Vladimir Putin đột tử do đau tim, một khoảng trống quyền lực to lớn sẽ xuất hiện và nhấn chìm đất nước vào tình trạng bất định vì giới quyền lực chóp bu đấu đá lẫn nhau. Nhưng ngay cả khi thiếu vắng sự kế nhiệm, tốc độ thay lãnh đạo bình thường có nghĩa là những ý tưởng mới và những thế hệ mới có thể canh tân chính sách và buộc nhà lãnh đạo trước đó chịu trách nhiệm ở một mức độ nào đó.
Các nguyên tắc bị vứt sọt rác là kết quả của kinh nghiệm đau đớn của chính Trung Quốc trong Cách mạng Văn hoá.
Sự yếu kém của hệ thống chính trị độc tài truyền thống của đất nước này từ nhiều thế kỷ gọi là vấn đề "hoàng đế xấu xa".
Một chế độ độc tài ít bị kiểm soát và cân bằng với quyền hành pháp, như các tòa án độc lập, một ngành truyền thông tự do hoặc cơ quan lập pháp qua bầu cử, có thể làm những điều đáng ngạc nhiên khi là vị hoàng đế tốt: cứ nghĩ cựu thủ tướng Lý Quang Diệu trong những năm đầu tăng trưởng ở Singapore. Sự sụp đổ của các chế độ Trung Quốc trước đây là sự xuất hiện của một vị hoàng đế xấu xa, vốn có thể đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng khủng khiếp vì không có giới hạn nào hữu hiệu đối với ông hay bà ta (như trường hợp của "Ác Võ (Tắc Thiên – ND) Nữ hoàng" của nhà Đường).
Hoàng đế xấu xa mới nhất mà Trung Quốc có là Mao Trạch Đông. Mao giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của ngoại bang nhưng sau đó đã gây ra hai đại thảm hoạ: Đại nhảy vọt bắt đầu vào cuối thập kỷ 1950 và Cuộc Cách mạng Văn hoá bắt đầu vào cuối thập kỷ 1960. Đại thảm họa thứ hai đã đẩy lùi Trung Quốc một thế hệ và để lại vết sẹo cho giới tinh hoa vốn chịu đựng nó. Quyền lãnh đạo tập thể hiện lên như là một phản ứng trực tiếp với kinh nghiệm đó: Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của đảng đã tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ để một cá nhân đơn độc tích lũy được nhiều quyền lực trời ban như Mao.

Tính lờ mờ của hệ thống Trung Quốc không cho phép chúng ta hiểu biết rạch ròi như thế nào và tại sao Tập có khả năng củng cố quyền lực bằng nguyên tắc cá nhân của mình.
Một phần của động cơ có thể bắt nguồn từ mối lo rằng quyền lực bị sự loc bớt đi của một số ông trùm ở địa phương và cấp bộ, họ làm sai đi và khó kiểm soát từ trung tâm (như Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh). Một vấn đề nữa có thể là do sự oán hận của đám "thái tử đảng" (con của các quan chức cao cấp Cộng sản) như Tập những người ngoài phe cánh được đưa vào đảng dưới sự bảo trợ của Giang Trạch Dân và những người kế nhiệm của ông nầy.

Một yếu tố khác là sự đời đó thôi.
Giống như ở Đông Âu, kinh nghiệm sống qua chế độ độc tài khắc nghiệt để lại vết sẹo lên các cá nhân và miễn nhiễm họ khỏi việc muốn phục hồi cái hệ thống thừa nhận thứ quyền lực không bị kiểm soát này.
Như tôi có lần được một quan chức cao cấp đảng cho biết: "Ông không thể hiểu được Trung Quốc đương đại nếu ông không hiểu thảm họa tột cùng của Cách mạng Văn hoá là gì". Nhưng thế hệ lãnh đạo chóp bu bị tống về nông thôn trong thời kỳ đó đang già đi, và đất nước chưa làm được gì để dạy giới trẻ của mình về cái di sản đẫm máu của Mao. Bọn họ có thể nghe những bài hát của thời kỳ đó như "Phương đông hồng" và tưởng tượng rằng đây là cái thời của sự đoàn kết to lớn hơn và hạnh phúc hơn.

Việc hủy bỏ bề ngoài có vẻ bình thường cái giới hạn nhiệm kỳ ở Trung Quốc cho thấy vì sao một chính thể lập hiến là một điều tốt. Bản hiến pháp Trung Quốc do ban lãnh đạo thượng tầng của đảng viết nên và nó không chế ngự họ. Ngược lại, Châu Mỹ La Tinh đúng là các chế độ dân chủ lập hiến với các cơ quan tư pháp thường độc lập đến đáng ngạc nhiên. Các vị Tổng thống ở Argentina, Venezuela, Ecuador, Colombia và nhiều nước khác trong khu vực đã cố gắng kéo dài thời gian tại nhiệm của họ nhưng họ thực tế phải trả giá về chính trị để làm điều nầy và họ chẳng phải lúc nào cũng thành công.
Chẳng hạn, Tổng thống Colombia, Álvaro Uribe, hy vọng sẽ tăng thêm một nhiệm kỳ thứ ba vào nhiệm kỳ tổng thống của mình hồi năm 2009 nhưng ông đã bị tòa án hiến pháp ngăn cản ra phán quyết việc gia hạn là vi hiến. Ông có thể đã làm những điều tốt đẹp cho Colombia với tư cách là tổng thống, nhưng đất nước sẽ tốt hơn nhiều với một hệ thống buộc các tổng thống có được lòng dân phải ra đi. Năm ngoái, Tổng thống độc tài của Ecuador, Rafael Correa, cũng bị buộc phải từ chức tương tự, và người kế nhiệm ông, Tổng thống Lenín Moreno, đã thổi luồng sinh khí mới vào nền dân chủ của đất nước.

Vị hoàng đế hiện nay của Trung Quốc xấu xa ra sao vẫn chưa còn xác định được.
Cho đến nay, ông dẫm nát hy vọng của nhiều người Trung Quốc vì một xã hội cởi mở, minh bạch và tự do hơn. Ông nhấn mạnh đảng bao trùm đất nước, thẳng tay trừng trị các trường hợp nhen nhóm bất đồng chính kiến và thành lập một hệ thống tín dụng xã hội sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để theo giám sát vi hàng ngày của công dân nước này.
Như vậy, Trung Quốc dưới tay ông Tập có thể sau rốt thành một nước mà thế giới thấy những dạng thức không phải bịa đặt mà một quốc gia cực quyền trong thế kỷ 21 có thể thực hiện.


......./.

GIÁO SƯ PHAN ĐÌNH DIỆU




GIÁO SƯ PHAN ĐÌNH DIỆU (1936-2018): KHÍ PHÁCH & TRÍ TUỆ




Sáng nay tôi hỏi 5 bạn sinh trong thập niên 1980s, 3 bạn nói không biết GS Phan Đình Diệu. Tôi buồn nhưng không bất ngờ. Ông là một người mà thế hệ chúng tôi ngưỡng mộ, cả về tài năng và sự chính trực. Có lẽ vì sự chính trực ấy mà ông rất ít khi có mặt trên những bục vinh quang. Nhưng, những đóng góp thầm lặng của ông đặc biệt là trong vai trò đưa công nghệ thông tin vào VN đang ảnh hưởng lên cả những thế hệ không còn biết ông là ai nữa.



GS Phan Đình Diệu


GS Phan Đình Diệu là một trong những người đầu tiên gầy dựng ngành khoa học tính toán của miền Bắc (1968). Chiếc máy vi tính đầu tiên, có thể coi là của Châu Á, ra đời năm 1980 [được thiết kế với chip Intel 8080A nên được đặt tên là VT80] là từ phòng thí nghiệm Viện Tin học của ông, bắt đầu từ những hợp tác trước đó với Viện Kỹ thuật Quân sự có sự giúp sức cả về chuyên môn và vật chất của ông André Trương Trọng Thi, người được coi là cha đẻ của máy tính cá nhân.
Theo tiến sỹ Vũ Duy Mẫn: “Năm 1981, sau khi lắp ráp thành công máy vi tính VT81 và cài đặt được ngôn ngữ lập trình Basic, Viện quyết định thử nghiệm đưa máy vi tính ứng dụng vào quản lý xí nghiệp cỡ nhỏ và vừa ở Xí nghiệp máy may Sinco”.
Nhưng, cho dù có nhiều nỗ lực, ngành công nghiệp sản xuất máy tính chỉ dừng lại ở đó. Tin học là một ngành không thể phát triển trong một quốc gia tự đóng cửa về chính trị và bị cô lập về thương mại với thế giới bên ngoài. Rất tiếc là khi tình hình trong nước bắt đầu cởi mở hơn thì GS Nguyễn Văn Hiệu được đưa lên thay giáo sư Trần Đại Nghĩa, làm Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam. Năm 1993, ông Hiệu loại GS Phan Đình Diệu khi ngành tin học Việt Nam cần một người lãnh đạo có tâm và có tầm nhất.

GS Hiệu năm ấy 45 tuổi. Ông có mọi ưu đãi của Chế độ, từ kinh phí nghiên cứu tới quyền hạn. Nắm Viện, ông Hiệu kêu gọi “các anh các chị hãy tự cứu mình”. Các công ty được thành lập, Viện khoa học Việt Nam nhanh chóng trở thành một nơi “nửa hàn lâm, nửa chợ trời”[theo TS Giang Minh Thế]. Hàng nghìn cán bộ tài năng trôi giạt khắp nơi. Nền tin học Việt Nam chuyển một cách dứt khoát sang nghề… buôn máy tính.
Dù GS Phan Đình Diệu là người viết đề cương thành lập viện Công nghệ thông tin theo mô hình mới và khi bỏ phiếu thăm dò, ông nhận được tín nhiệm của đa số tuyệt đối, GS Nguyễn Văn Hiệu vẫn chọn một người có số phiếu thấp hơn vì lý do “biết làm kinh tế”. GS Phan Đình Diệu tuyên bố từ chức Viện phó Viện Khoa học Việt Nam và ra khỏi biên chế, những chuyên gia trẻ hết lòng vì khoa học như Nguyễn Chí Công, Vũ Duy Mẫn, Lê Hải Khôi, Giang Công Thế… bắt đầu phiêu bạt.
Cho dù vậy, theo GS Chu Hảo - thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ thời kỳ internet được đưa vào VN - “GS Phan Đình Diệu vẫn là linh hồn của các chính sách phát triển công nghệ thông tin của nước ta”. Ông là Chủ tịch hội Tin học và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phát triển Công nghệ Thông tin cho tới năm 1998.

Nếu như, GS Nguyễn Văn Hiệu nổi tiếng là một người biết sử dụng khoa học để làm chính trị và leo lên tới các đỉnh cao danh vọng thì GS Phan Đình Diệu lại là một con người mà ngay cả trong chính trị cũng chỉ tham gia với tinh thần khoa học.
Theo ông Trần Việt Phương - thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng - từ đầu thập niên 1960s, khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi, GS Phan Đình Diệu đã cho rằng, hệ thống kinh tế Xô Viết sẽ sụp đổ nếu tiếp tục vận hành như thế này[Hy vọng là Trung tâm Lưu trữ quốc gia vẫn còn giữ được ý kiến này của GS Phan Đình Diệu].
Rất có thể, quyết định không bổ nhiệm GS Phan Đình Diệu vào năm 1993 của ông Hiệu còn có “lý do chính trị”. Từ năm 1989, GS Phan Đình Diệu có nhiều phát biểu về “đa nguyên” và đặc biệt là các ý kiến thẳng thắn của ông góp ý cho Hiến pháp 1992.
Tháng 10-1988, sau khi giải quyết xong vấn đề “đa đảng”[giải tán hai đảng Dân chủ và Xã hội], Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu “chống đa nguyên” nhắm vào ông Trần Xuân Bách. Tháng 3-1989, Hội nghị Trung ương 6 khẳng định “Không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên”. Ngay sau đó trên báo Đảng, cả Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Trần Trọng Tân lẫn “nhà nghiên cứu” Trần Bạch Đằng đều có bài, trên tinh thần “Mác Xít”, nhấn mạnh rằng, “Nếu hiểu đa nguyên theo nghĩa triết học thì từ lâu đã bị phê phán là sai lầm. Chúng ta không chấp nhận”.
Ngày 15-8-1989, GS Phan Đình Diệu có bài trên Sài Gòn Giải Phóng, đáp trả các luận điệu trên đây. Ông cho rằng, muốn “tìm đường đi cho đất nước trong thế giới hiện đại” thì phải “vận dụng trí tuệ của thời đại” từ “nhiều nguồn tri thức”. Theo ông, “Những gì xảy ra trong thế kỷ hai mươi là điều không thể hình dung đối với những bộ óc, dù là vĩ đại, của giữa thế kỷ mười chín”.
Sau khi đọc bài của Giáo sư Phan Đình Diệu, từ Hà Nội, Bí thư Trần Xuân Bách gửi cho TBT Sài Gòn Giải Phóng Tô Hoà một tấm danh thiếp, mặt sau ghi: “Chuyển giùm anh Phan Đình Diệu, tôi ca ngợi bài này”. Đây là bài báo cuối cùng mà Tô Hoà cho đăng với tư cách tổng biên tập Sài Gòn Giải Phóng. Ngày 28-3-1990, Trung ương cách chức ông Trần Xuân Bách.

Hai năm sau, ngày 12-3-1992, trong một phiên họp góp ý cho Hiến pháp 1992, GS Phan Đình Diệu đã có một phát biểu rất gây tiếng vang ở Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông đề nghị “tạm gác lại” việc đưa vào Hiến pháp các thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx - Lenin”. Ông đề nghị phải dũng cảm để thấy rằng, “mô hình CNXH, cũng như Marx - Lenin không còn đáp ứng được mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”. Giai đoạn xây dựng một “tổ quốc Việt Nam trên tinh thần đoàn kết, hoà hợp và tự cường”.

Theo GS Phan Đình Diệu thì Việt Nam dứt khoát phải có “nhà nước pháp quyền”, chứ không thể tiếp tục “chuyên chính vô sản” hay “pháp quyền nửa vời”. Đặc biệt, ý kiến của ông về Mặt trận và các đoàn thể cho tới ngày nay vẫn còn rất thiết thực. Ông đề nghị, Hiến pháp chỉ cần coi lập hội là quyền tự do của người dân; từ bỏ việc nhà nước hoá các đoàn thể. Ông kêu gọi các đoàn thể thay vì dựa dẫm vào nhà nước phải lấy quần chúng làm gốc rễ, các cơ quan đảng, đoàn thể không ăn lương từ ngân sách.
GS Phan Đình Diệu không sử dụng tài năng và danh tiếng của mình để mưu cầu bổng lộc hay địa vị. Những năm sau 1975, trong những ngày đói kém, từ Paris trở về, hành lý của ông vẫn chỉ có sách và các “bản mạch” dùng cho sản xuất máy tính. Khi phải xuất hiện trên các diễn đàn thì, cho dù ở giai đoạn nào, ý kiến của ông vẫn là ý kiến của một con người yêu nước, khí phách và trí tuệ.

........../.

“Tau chưởi”





“Tau chưởi” - một bài thơ kinh dị và khốc liệt

Nam Đan


**************
nhà thơ Trần Vàng Sao


Theo tiểu sử tôi tìm được trên mạng, nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm Tân Tỵ 1941, quê quán làng Đông Xuyên, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, sống từ thuở ấu thời đến nay tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Năm 1962, ông đậu tú tài ở Huế và dạy học ở Truồi. Thời gian này ông bắt đầu tham gia phong trào chống Mỹ ở Huế. Năm 1965 ông thoát ly lên rừng chiến đấu. Năm 1970 ông bị thương, được đưa ra miền Bắc chữa bệnh an dưỡng. Tháng 5 năm 1975, ông trở về Huế được phân công làm liên lạc (đưa thư) rồi công tác ở ban Văn Hóa Thông Tin xã và nghỉ hưu năm 1984. Vào thời điểm này, bài thơ “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” của ông được đăng trên Sông Hương, số kỷ niệm 5 năm ngày tạp chí ra đời. Bài thơ lập tức gặp phản ứng dữ dội của một số chức sắc địa phương.
? hải ngoại, năm 1994, nhà xuất bản Tân Thư (California, Hoa Kỳ) cũng cho in tập “Bài thơ của một người yêu nước mình” của ông.
Sáng nay tình cờ tôi đọc bài thơ “Tau chưởi” dưới đây, và nghĩ rằng có lẽ trong văn học Việt Nam (và thế giới?!) khó tìm ra một bài thơ nào kinh dị, khốc liệt như bài thơ này. Điều gì làm cho tâm hồn con người – thi sĩ – phải đau đớn, quằn quại, căm hận, phẫn nộ đến vậy?
Tôi rất thú vị với lời bình của nhà báo Mặc Lâm (“Những bài thơ xé lòng…”, RFA 01.12.2012) về bài thơ này:
“Trong văn học dân gian, không hiếm những bài vè, lục bát dùng để chửi bới người mình ghét. Nhưng đối với các nhà thơ vốn quen thuộc và trân trọng những con chữ thì việc chửi bới là một điều phạm húy. Trần Vàng Sao chẳng những không sợ chữ nghĩa đau đớn mà ông còn bóc trần, nạo hết nét vàng óng bên ngoài của chúng để phục vụ cho một bài thơ mà ông cảm thấy hả hê. Ông dùng thơ để chửi cả một chế độ. Chửi từng sự việc, từng con người. Cách chửi của bà nhà quê mất gà được ông “biên đạo” lại thành của riêng, gây sốc lẫn gây cười cho người đọc bài thơ.

Có điều là cười xong thì người ta lại chảy nước mắt...”
Tôi chỉ xin góp thêm vài ý.
Bài thơ “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” làm cho Trần Vàng Sao nổi tiếng, nhưng theo tôi, bài “Tau chưởi” mới là bài đáng kể nhất trong thơ của ông.
Về ngôn từ, ông lật đổ quan niệm “duy mỹ trong ngôn ngữ” lâu nay trong thơ Việt, nhưng điều khác biệt là ông không sử dụng đến những từ tục tĩu như nhiều nhà thơ đương thời đang dùng. Ông ác miệng, cực kỳ ác miệng, nhưng không tục tĩu.
Chửi là 1 trong 2 hành vi của kẻ yếu, của người thấp cổ bé miệng mà có chữ (nhà văn, nhà thơ chẳng hạn), nhưng không có cách gì để tự vệ, để phản ứng trước kẻ mạnh. Họ không thể phản ứng bằng hành động, bằng bạo lực, nên họ chọn cách phát ngôn bằng lời nói hay chữ viết. Hành vi còn lại sau chửi là đặt ra, viết ra những chuyện tiếu lâm đen mà chúng ta thường đọc, hay nghe kể. Tôi chưa từng gặp Trần Vàng Sao, nhưng tôi mơ hồ nghĩ rằng với cái tâm tính bộc trực và tâm hồn mẫn cảm của mình, ông chỉ có thể bày tỏ cảm xúc bằng cách chửi thẳng chứ không thể dùng ẩn dụ né tránh, hay nói kiểu móc họng, sâu xa, thâm thúy như nhiều người khác.
Điển hình là bài thơ “Tau chưởi” này. Bài thơ nói thẳng, nói thật cảm xúc và suy nghĩ của một con người bị vùi dập, bị thể chế Cộng Sản đàn áp thô bạo đến chỗ tàn tệ nhất.
Ban đầu, tôi suýt hiểu nhầm rằng bài thơ như phát ngôn của một con người vì quá đau đớn, quá phẫn nộ mà đứng ở chỗ mấp mé sự điên loạn, nhưng khi tôi đọc kỹ lại thì thấy không phải vậy. Bài thơ có một cấu trúc chặt chẽ, diễn đạt một tiến trình tâm lý rất lớp lang.
Từ dòng đầu của bài thơ, ông chưa chửi, mà ông nói. Ông bình tĩnh nói thiệt hơn về nỗi ấm ức vì phải câm nín trước sự tàn độc, bất công và dối trá cho tới khi chịu không nổi nữa:
... tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không...
Từ đó, sự phẫn nộ kết tụ rồi bùng vỡ dữ dội thành tiếng gào thét. Ông quyết định phải chửi, nhưng không chửi vòng vo, vông khống, ông chửi thẳng. Không chỉ chửi thẳng, ông còn kêu đối tượng, thậm chí cả dòng họ thân tộc của chúng ra để nghe ông chửi. Không chỉ chửi, ông vừa chửi vừa kể tội chúng, và sau cùng, ông nguyền rủa, những lời nguyền rủa vô cùng độc địa.
Tôi tự hỏi, với một cảm xúc khốc liệt như thế, trong thơ, thì cái thiện ở đâu, cái đẹp ở đâu? Tính nhân văn ở đâu? Lương tri con người ở đâu?
Phải chăng khi đặt những tiêu chí có vẻ cao đẹp đó ra cho thơ – cho thi ca – của một tâm hồn bị tổn thương đến tận cùng như Trần Vàng Sao thì chúng ta đang bắt đầu cho một sự dối trá khác?

Nam Đan

thơ Trần Vàng Sao
TAU CHƯỞI

tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan
tau cũng có chân có tay
tau cũng có đầu có óc
có miệng có mắt
có ông bà
có cha mẹ
có vợ con có ngày sinh tháng đẻ
có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần
rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả
tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu
tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi
tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời
cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì
con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi
tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
hết nối dõi tông đường
tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp
tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu
tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
hà hơi trún nước miếng cho bây
bây ỉ thế ỉ thần
cậy nhà cao cửa rộng
cậy tiền rương bạc đống
bây ăn tai nói ngược
ăn hô nói thừa
đòn xóc nhọn hai đầu
ngậm máu phun người
bây bứng cây sống trồng cây chết
vu oan giá hoạ
giết người không gươm không dao
đang sống bây giả đò chết
người chết bây dựng đứng cho sống
bây sâu độc thiểm phước
bây thủ đoạn gian manh
bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét
lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm
lúc như thầy tu vào hạ
lúc như con nít đói bụng đòi ăn
hai con mắt bây đứng tròng
bây bắt hết mọi người trước khi chết phải hô
cha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bây
sống dai đời đời kiếp kiếp
phải quỳ gối cúi đầu
nghe bây nói không được cãi
phải suốt đời làm người có tội
vạn đợi đội ơn bây
đứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống
thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu
bây làm cho mọi người tránh nhau
bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng
đồ phản động
đồ chống đối
đồ không đá bàn thờ tổ tiên
đồ không biết đốt chùa thiêu Phật
thượng tổ cô bà bây
mụ cô tam đợi mười đời bây
tau xanh xương mét máu
thân tàn ma dại
rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch
mả ông bà cố tổ bây kết hết à
tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm
bây ăn chi mà ăn đoản hậu
ăn quá dã man
bây ăn tươi nuốt sống
mà miệng không dính máu
người chết bây cũng không chừa
năm năm mười năm hai mươi năm
xương chân xương tay sọ dừa vải liệm`
bây nhai bây khới bây mút
cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột
bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho
cha mẹ cố tổ bây
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi
bây giết người như thế
bây phải chết như thế
ác lai thì ác báo
tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi
bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây
tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm
tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa
tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được
tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
không bà không con
không phúng không điếu
không tưởng không niệm
không mồ không mả
tuyệt tự vô dư
tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây

TRẦN VÀNG SAO, 29 tháng 6 năm 1997


............/.