Lễ hội Mahamastakabhisheka




https://www.culturalindia.net/monuments/gomateswara.html

***********





Tượng Gommateshwara



Xây dựng Bắt đầu: 978 AD
Hoàn thành xây dựng: 993 AD

Địa điểm: Đồi Indragiri, 
Shravanabelagola, Karnataka, Ấn Độ

Chiều cao: 17,5 m (57 ft)

Vật liệu được sử dụng: Granite












































Lễ hội Mahamastakabhisheka  

Tượng Gomateshwara trên đỉnh đồi Shravanabelagola trở thành tiêu điểm của "Mahamastakabhisheka festival" mỗi 12 năm. 
Mahamastabhisheka được dịch là sự dâng hiến lớn và những người tận hưởng lễ kỷ niệm lễ nghi này bằng cách đổ 1008 mạch nước từ giàn giáo gần đầu bức tượng. 

Sau khi cung cấp nước, bức tượng được xức dầu với hỗn hợp nước ép mía, sữa và nghệ tây. Bức tượng được rắc bằng cánh hoa, bột nghệ và gỗ đàn hương cùng với châu sa. Những người sùng mộ cũng cung cấp những viên đá và đồng xu có giá trị làm bằng bạc và vàng, theo sự tôn kính đối với vị thần. 

Mahamastakabhisheka gần nhất được tổ chức vào năm 2006 và kế tiếp sẽ được tổ chức vào năm 2018.




















.........../.













TQ thống lĩnh công nghiệp thế giới nhờ kim loại hiếm





TQ thống lĩnh công nghiệp thế giới nhờ kim loại hiếm

***
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180327-kim-loai-hiem-chia-khoa-cho-phep-trung-quoc-thau-tom-cong-nghiep-the-gioi
***
Kim loại hiếm là nguyên liệu của thế kỷ 21. Là nguồn cung cấp đến 95 % đất hiếm cho toàn thế giới, Trung Quốc nắm giữ vận mệnh của nhân loại trong tay.
Trên đây là kết luận được nhà báo Guillaume Pitron đưa ra trong tác phẩm Chiến Tranh Kim Loại Hiếm, Mặt Trái Của Tiến Trình Chuyển Đổi Năng Lượng và Kỹ Thuật Số - NXB LLL vừa ra mắt độc giả vào tháng Giêng 2018.
Than đá là nguyên liệu của thế kỷ 19. Thế kỷ 20 là thời đại của dầu lửa. Bước vào thế kỷ 21, mọi hy vọng tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp mới được đặt vào hơn 30 kim loại hiếm - 17 trong số này thuộc dòng đất hiếm, mà tới nay đã được khám phá và bắt đầu được biết đến với những tên gọi khá lạ tai: beryllium, vanadium, gallium…
Tính chiến lược cao
Kim loại hiếm không chỉ là nguyên liệu của thế kỷ 21 do chiếm một vị trí ngày càng lớn trong đời sống hàng ngày, cho phép sản xuất từ bóng đèn LED đến tivi màn ảnh phẳng, từ điện thoại di động đến máy tính bảng, xe hơi điện hay pin mặt trời, mà chúng còn mang tính chiến lược cao. Từ ngành công nghệ không gian đến hạt nhân dân sự và quân sự đều không thể phát triển nếu thiếu đất hiếm, kim loại hiếm.
Trong phần mở đầu, Guillaume Pitron viết : Không phải vì lo cho trái đất bị hâm nóng mà các vị tướng lỗi lạc của Mỹ đã quan tâm đến vế chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực quân sự. Chính xác hơn là giới này chú ý đến « tiến trình chuyển đổi về mặt chiến lược » (tr. 19)
Năng lượng xanh nhưng không sạch
Điểm thứ nhì nổi bật trong cuốn Chiến Tranh Kim Loại Hiếm, tác giả nhận xét : Vào lúc mà nhân loại đang cuống cuồng đi tìm những nguồn năng lượng mới để thay thế các năng lượng hóa thạch thải ra hàng tỷ tấn carbon làm hâm nóng trái đất, kim loại hiếm được xem là một vị cứu tinh.
Nhưng năng lượng xanh không đồng nghĩa với năng lượng sạch, bởi như tên gọi của chúng, đấy là những « kim loại hiếm », mà đã hiếm thì cần phải chắt lọc trước khi có được vài milligramme của chất lutecium, indium ...
Trung Quốc giữ chiếc chìa khóa chính
Một phần lớn cuốn sách của Guillaume Pitron đã tập trung để nói về Trung Quốc, nguồn cung cấp lớn nhất và gần như độc quyền trên thế giới về kim loại hiếm. Trung Quốc đang kiểm soát gần như toàn bộ đất hiếm được sử dụng trên hành tinh, chẳng những do được thiên nhiên ưu đãi, mà còn biết tung tiền ra mua những mỏ kim loại hiếm của các nước « bạn ».
Bắc Kinh đã có những tính toán chiến lược tinh vi và đã đi trước phương Tây đến mấy nước cờ. Sau hơn 30 năm chấp nhận là xưởng cung cấp nguyên liệu cho thế giới trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã làm chủ công nghệ cao và đang trở thành một nguồn tiêu thụ đất hiếm, kim loại hiếm ngang tầm với các nước công nghiệp tiên tiến. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ làm chủ luôn cả dây chuyền công nghiệp, kiểm soát từ khâu cung cấp một loại nguyên liêu thiết yếu đến thành phẩm.
Tác giả cuốn Chiến Tranh Kim Loại Hiếm kết luận : « tất cả chúng ta rồi sẽ phải đi xe điện của Trung Quốc ».
Cái giá mà Trung Quốc phải trả cũng đắt không kém. Guillaume Pitron đã tận mắt trông thấy những « ngôi làng ung thư » trong vùng Nội Mông, lò cung cấp đến ¾ đất hiếm do Trung Quốc lọc ra. 10% diện tích đất canh tác nhiễm kim loại nặng ; 80 % sông ngòi ngấm chất hóa học độc hại.

***********
Mời quý thính giả theo dõi phần phỏng vấn nhà báo Pitron tác giả cuốn La Guerre Des Métaux Rares đã dành cho ban Việt ngữ RFI sau đây :
RFI : Cảm ơn Guillaume Pitron dành thời giờ cho buổi nói chuyện hôm nay. Tại sao ngay phần mở đầu cuốn sách, anh đã khẳng định rằng thế kỷ 21 là thời đại của các kim loại hiếm ?
Guillaume Pitron : Kim loại hiếm cần để phát triển công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh. Trong tương lai chúng ta càng cần nhiều kim loại hiếm nơn nữa để tạo ra năng lượng sạch. Để sản xuất từ cánh quạt gió đến pin mặt trời hay xe hơi điện, chúng ta đều bắt buộc phải có kim loại hiếm. Mặt khác, cuộc sống mà được « connected » tức là càng kết nối chừng nào thì chúng ta lại càng sử dụng nhiều kim loại hiếm chừng nấy với những phương tiện như là điện thoại cầm tay, máy tính bảng ... Sau nữa là các mảng công nghệ mới từ thông minh nhân tạo đến công nghệ robot đều không thể phát triển nếu không có kim loại hiếm. Nói tóm lại, thể kỷ 21 là thế kỷ của kim loại hiếm và chúng ta ngày càng lệ thuộc vào sản phẩm này.
RFI : Chỉ riêng với chất cobalt : Lãnh đạo tập đoàn khai thác cobalt Glencore đang thương lượng với Trung Quốc để bán lại mỏ cobalt tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo và một khi kim loại hiếm này rơi vào tay Trung Quốc thì « châu Âu không còn sản xuất được đầu máy xe hơi điện nào hết ». Vậy phải chăng tiến trình chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính làm hâm nóng trái đất bị đe dọa ?
Guillaume Pitron : Chị nói đến chất cobalt, đúng là như vậy. Không có cobalt thì không thể nói tới chuyện chế tạo động cơ điện cho xe hơi. Để làm ra một chiếc xe điện, ta cần 22 kí lô cobalt. Mỗi cái điện thoại cầm tay cần 8 gr chất kim loại hiếm này. Mà đã gọi là kim loại hiếm tức là chúng ta phải đi qua các khâu sàng lọc rồi chắt lọc để từ hàng tấn đất, đá mới lấy ra được một lượng vô cùng nhỏ. Các khâu sàng lọc đó đòi hỏi phải sử dụng nhiều chất hóa học khác, vừa độc hại vừa gây ô nhiễm cho môi trường. Tôi muốn nói rằng trước khi kim loại hiếm được dùng để phục vụ cho ngành công nghiệp xanh, thì chúng ta cũng đã gây ô nhiễm không ít cho thiên nhiên.
Khâu lọc kim loại hiếm từ đất, đá là cả một quá trình thải ra nhiều chất bẩn không thể tưởng tượng nổi. Đâu đó để đạt đến đích cuối cùng, là tạo ra năng lượng sạch, thì ngay từ phần gốc của dây chuyền sản xuất là đã hoàn toàn không sạch chút nào.
RFI : Do đâu Trung Quốc lại chiếm thế gần như là độc quyền trên thị trường kim loại và đất hiếm ?
Guillaume Pitron : Kim loại hiếm có ở khắp mọi nơi, nhưng chỉ có Trung Quốc từ những năm 1980 tập trung vào việc khai thác và xuất khẩu. Để rồi giờ đây Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất và thậm chí là chiếm thế độc quyền. Khi mà cả một mảng công nghệ của thế giới lệ thuộc vào kim loại hiếm, đương nhiên là Trung Quốc đã khai thác lá chủ bài này để phục vụ mục đích phát triển công nghiệp và ở đây còn có cả vấn đề địa chiến lược nữa. Chỉ cần Trung Quốc ngưng xuất khẩu đất hiếm, kim loại hiếm cho một khách hàng nào đó là đủ gây ra tê liệt. Tất cả vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm được nguồn cung cấp kim loại hiếm để phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số trong tương lai.
RFI : Trung Quốc đã rất khéo khai thác lợi thế đó để bắt bí thiên hạ
Guillaume Pitron : Trung Quốc do có đất và kim loại hiếm nên có được lợi thế ở nhiều cấp. Ở cấp thứ nhất, Trung Quốc có thể tăng giá bán cho các khách hàng. Tức là « thách giá » đến cỡ nào, các hãng lớn trên thế giới khi cần thì vẫn phải mua. Ở nấc thứ nhì là các công ty của Trung Quốc được cung cấp đất và kim loại hiếm với giá rẻ và cần bao nhiêu cũng có. Như vậy, hàng của Trung Quốc rẻ hơn so với các sản phẩm tương đương của nước ngoài. Nhưng Trung Quốc không có tất cả các kim loại hiếm, cho nên từ nhiều năm qua, quốc gia này đã chuẩn bị sẵn nhiều nước cờ, để bảo đảm nguồn cung ứng.
Ở trên chúng ta đề cập tới cobalt : Trung Quốc mua lại mỏ cobalt của Công hòa Dân Chủ Congo. Quốc gia này nắm giữ 60 % trữ lượng cobalt của toàn cầu, mà chủ yếu là để xuất khẩu. Trung Quốc vừa ký một loạt các hợp đồng mua trọn 80 % cobalt của Congo. Châu Âu, Pháp và Mỹ chậm bước, không hề có tầm nhìn xa và có một sự chuẩn bị nào từ trước để bảo đảm được các nguồn cung ứng. Ngược lại thì Trung Quốc không chỉ làm chủ các mỏ kim loại hiếm trên sân nhà, mà còn chi tiền ra để thâu tóm hết nguồn nguyên liệu này.
RFI : Nói cách khác, trong tương lai Trung Quốc sẽ kiểm soát từ đầu tới cuối những công nghệ sạch, chữ sạch ở đây được để trong ngoặc kép, và kể cả những ngành công nghệ mũi nhọn và chiến lược như năng lượng nguyên tử, không gian ...
Guillaume Pitron : Đúng vậy. Trung Quốc không chỉ là một nhà cung cấp kim loại hiếm, tức là một nguồn cung cấp vật liệu cơ bản để cho những quốc gia khác làm ra điện thoại di động, đầu máy mô tơ điện hay pin mặt trời, mà chính Trung Quốc đang trở thành một mắt xích then chốt của nền công nghiệp thế giới. Trung Quốc khát tăng trưởng, khát công nghệ mới, mà kim loại hiếm là chìa khóa cho phép đạt được tất cả các mục tiêu này. Điện thoại Trung Quốc, pin mặt trời Trung Quốc đã tràn ngập thị trường thế giới và trong tương lai rất gần ông khổng lồ châu Á này nhờ có kim loại hiếm sẽ làm chủ luôn cả thị trường xe hơi điện của thế giới ; Các hãng của Mỹ, Nhật hay châu Âu có tài giỏi tới đâu đi chăng nữa mà không có cobalt thì không thể sản xuất ra xe hơi điện. Nhờ có kim loại hiếm, Trung Quốc sẽ làm chủ trọn dây chuyền sản xuất công nghiệp. Không ai ngạc nhiên nếu như trong tương lai, tất cả chúng ta đều phải dùng xe hơi điện của Trung Quốc !
RFI : Một điểm cuối trong cuốn sách gần 300 trang của anh : La Guerre Des Métaux Rares đã đề cập tới thái độ giả dối của nhiều nước phương Tây, đẩy các ổ ô nhiễm sang Trung Quốc để rồi sẽ phải trả cái giá đắt thưa anh ?
Guillaume Pitron : Đương nhiên là có thể tìm thấy đất hiếm ngay ở Pháp hay bất kỳ một quốc gia Tây phương nào khác. Nhưng từ những năm 1980 phương Tây đã chọn lấy hướng đi, tức là để cho Trung Quốc độc quyền khai thác mảng này, bởi đơn giản Âu, Tây không muốn phải gánh chịu hậu quả về ô nhiễm môi trường, những hậu quả đối với sức khỏe con người do công nghiệp khai thác mỏ kim loại hiếm. Đâu đó như thể phương Tây để được tiếng khen là phát triển công nghệ sạch, đã khoán cho Trung Quốc khai thác kim loại hiếm, "xuất khẩu" ô nhiễm sang Trung Quốc.

............/.

Phía sau một luật làm thay đổi Việt Nam





Phía sau một luật làm thay đổi Việt Nam

.


Tư Giang
***

Những ý tưởng manh nha
Một buổi sáng mùa Thu năm 1987, ông Nguyễn Đình Cung lọ mọ lên thư viện của Viện  Kinh tế TP.HCM để lục tìm lại các tư liệu cũ liên quan đến doanh nghiệp tư nhân trước năm 1975. Lúc đó ông Cung mới là chuyên viên có 3 năm kinh nghiệm ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cái nôi của những ý tưởng cải cách ở Việt Nam.
Những ngày “mài quần” ở thư viện chỉ là một phần trong các hoạt động liên tục trong 2 tuần ở TP.HCM, nơi ông đã gặp gỡ hàng loạt các nhóm chuyên gia tốt nghiệp từ Mỹ, Úc, bao gồm nhóm tư vấn cho ông Võ Văn Kiệt do chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn dẫn đầu. Nội dung của tất cả các cuộc gặp là về doanh nghiệp tư nhân, khái niệm đang còn cấm kỵ và mơ hồ ở Hà Nội vào thời điểm đó, khi Đổi mới vừa được phát động. “Tôi không biết gì về cổ phần, cổ phiếu,…, khái niệm về thị trường bằng 0. Khởi đầu là số 0”, ông Cung nhớ lại.
Ông Cung thực hiện chuyến đi để củng cố nhận thức của mình nhằm chuẩn bị cho hai dự luật là Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty mà lãnh đạo Viện giao cho ông trực tiếp soạn thảo. Đó là một cơ may ông Cung có được sau khi hoàn thiện một chuyên đề về doanh nghiệp tư nhân vào mùa Xuân năm 1987, và được Phó Viện trưởng Đoàn Đỗ rất thích rồi cất nhắc lên giúp việc, không qua quy trình bổ nhiệm. Nhưng làm luật là việc không dễ khi thiếu nền tảng lý luận. “Tôi viết dự thảo suốt mấy tháng, nhưng rốt cuộc thấy chẳng ra gì vì không khác nghị quyết là mấy”, ông nhớ lại.
Rất may, chuyến đi 2 tuần đến TP.HCM – địa phương bắt đầu chứng kiến làn sóng dần sôi động của các công ty xuất nhập khẩu có đuôi im-ex trên thực tế – đã giúp tác động rất lớn tới tư duy của nhà nghiên cứu trẻ tuổi Nguyễn Đình Cung…
Rốt cuộc, Luật Doanh nghiệp tư nhân hơn 40 điều, và Luật Công ty hơn 20 điều ra đời.
Dù hai luật đó vẫn có những quy định ngặt nghèo như: Nhà nước phải quản lý và can thiệp để bảo vệ lợi ích bên thứ ba, kinh doanh không thể không có vốn, doanh nghiệp phải có kế hoạch kinh doanh, phải xin phép,… thì đó đã là tiến bộ lớn trong bối cảnh Hiến pháp năm 1980 vẫn chưa thừa nhận kinh tế tư nhân.
Dưới sự vận động của bà Ngô Bá Thành, cố Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, và hàng loạt các nhân vật khác, trong đó có ông Nguyễn Văn Phúc, nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Quốc hội đã thông qua hai dự luật này tương đối dễ dàng. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Trần Xuân Giá chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn về vốn pháp định. Tuy nhiên, các cơ quan bàn thảo mãi mà không biết căn cứ vào đâu để quy định về vốn tối thiểu. Ông Cung nhớ lại: “Cuối cùng mọi người lấy một con số theo nguyên tắc công ty cổ phần vốn to, công ty tư nhân vốn nhỏ, công ty trách nhiệm hữu hạn thì vốn vừa; doanh nghiệp sản xuất thì vốn phải nhiều hơn doanh nghiệp thương mại. Quyết định được đưa ra ngẫu nhiên theo kiểu ma trận thế”.

Những nỗ lực tiếp nối
Hai luật nêu trên, cùng với Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 mới chỉ đặt lại nền tảng sơ khởi để khu vực kinh tế tư nhân - vốn đã bị xóa bỏ trong suốt nhiều thập kỷ trước đó - dần xuất hiện trở lại. Tuy vậy, quá trình mày mò, tìm kiếm nền tảng lý luận của chúng đã giúp hình thành nên tư duy của những người viết Luật Doanh nghiệp sau này, một luật thực sự khơi dậy tiềm năng của người dân, và giúp Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực 1997.
Giữa năm 1999, Viện trưởng CIEM Lê Đăng Doanh chủ trì một cuộc thảo luận “vô tiền khoáng hậu”. Trong gần 1 tuần liên tục, Nhóm biên soạn Luật Doanh nghiệp chỉ ngồi nghe các giáo sư Đức, Mỹ và Úc thuộc các trường phái khác nhau “cãi nhau” về bản thảo số 10. Điều quan trọng nhất, các giáo sư nước ngoài khuyên, là cần phải chặt bỏ được nạn giấy phép con. Là người nhanh nhạy, ông Doanh tổ chức các đoàn đi điều tra ngay. Ông Nguyễn Thái Sơn, ở Văn phòng Chính phủ lấy được công văn của Chính phủ, sử dụng như thượng phương bảo kiếm đi kiểm tra khắp các bộ, ngành và địa phương cùng với luật gia Cao Bá Khoát. Một danh sách dài các loại giấy phép được họ lập ra, trong đó có những giấy phép khó tưởng tượng được như bán đồng nát, ve chai,...

Có danh sách trong tay, ông Doanh mời lãnh đạo các bộ đến Viện. Một lần, ông Cao Đức Phát, khi đó là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến, ông Doanh nói, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ngần này giấy phép, nên cắt bớt đi. Ông Phát nằng nặc khẳng định, chúng tôi không hề có giấy phép đấy, nhưng ông Phát cùng ngồi với ông Doanh rà soát, và phát hiện ra đó là các giấy phép của các cục, vụ thuộc Bộ. Lúc đó, ông Phát nói khảng khái: “Thôi, của cục thì các ông cứ dẹp tất đi”. Sự ủng hộ của những lãnh đạo như ông Phát, cũng như sự vào cuộc của báo chí đã dẫn tới kết cục là 86 giấy phép con được Thủ tướng Phan Văn Khải cắt bỏ.
Phần sau của câu chuyện này năm 1999, rất may mắn, được khởi đầu từ ông Cung. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp khóa học về kinh tế thị trường ở Anh về, ông Cung được phân công tiếp nhận những bản thảo đầu tiên của Luật Doanh nghiệp khi một cán bộ phụ trách chuyển đi.
Ông Lê Viết Thái, một cán bộ kỳ cựu của CIEM kể lại, ban đầu, ông Cung chỉ được giao sửa đổi một số câu chữ trong hai luật: Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân để thành Luật Doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay vì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ông Thái kể: “Tuy nhiên, ông Cung muốn thay đổi cơ bản nội hàm, và đã hao tâm tổn sức rất nhiều”. Ông Cung kể: “Ra nước ngoài, tôi mới thấy Luật Công ty của họ dày cả trăm trang, mà của mình thì mỏng dính. Với những kiến thức học được, tôi thực sự trăn trở về Luật Doanh nghiệp”.
Nhưng một cá nhân thì khó mà làm được việc lớn. Khi Luật Doanh nghiệp được đưa ra Quốc hội năm 1999, ông Nguyễn Văn Phúc một lần nữa lại là người ủng hộ nhiệt tình, cùng với Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân. Cả hai người kiên quyết bảo vệ những điểm mới nhất của Luật như đơn giản hóa hồ sơ, bỏ vốn pháp định, cơ quan nhà nước không chịu trách nhiệm với doanh nghiệp,… Ông Cung nhớ lại: “Ông Phúc, ông Lân là người có công trong bảo vệ quyền tự do kinh doanh vì ông ấy bảo vệ được ý tưởng phân loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề cấm kinh doanh trong luật”.

Sau khi luật được thông qua, ông Trần Xuân Giá, lúc này là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành lập ngay tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp do đích thân ông làm Tổ trưởng. Nhiều thế hệ các chuyên gia tên tuổi như Phạm Chi Lan, Đặng Đức Đạm, Trần Hữu Huỳnh… đã họp hàng tuần, rà soát lại tất cả các điều kiện kinh doanh. Những kiến nghị của họ được những người rất có uy tín như ông Trần Đức Nguyên, Vũ Quốc Tuấn thuộc Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp thu, và trực tiếp viết các văn bản gửi Thủ tướng.
Kết quả của những nỗ lực trước và sau Luật Doanh nghiệp 1999, và sửa đổi năm 2005 là hàng nghìn giấy phép con bị dỡ bỏ, vô hiệu hóa, tạo thuận lợi lớn cho người dân thành lập doanh nghiệp. Đó là một bước tiến không tưởng tượng nổi, khi trước đó doanh nghiệp muốn làm gì cũng phải xin phép.
Có những công ty xây dựng chỉ được phép hoạt động từ đèo Hải Vân trở ra, vì không có giấy phép hoạt động trong Nam; hay có những công ty tỉnh Lai Châu muốn hoạt động ở Thủ đô phải được phép của Chủ tịch Hà Nội.
Ông Lê Viết Thái tổng kết: “Nói một cách khách quan, người tạo ra phôi thai Luật Doanh nghiệp là ông Cung, nuôi dưỡng phôi thai để nó ra đời là ông Doanh, đỡ đẻ là ông Giá, và để nó sống được là ông Khải. Lần đầu tiên trong lịch sử hành pháp Việt Nam có việc là sau khi ban hành luật thì thành lập tổ thi hành luật do một Bộ trưởng làm tổ trưởng, một tháng phải báo cáo Thủ tướng một lần”. 

bo-truong-vinh-1440944252876

Chặng đường phía trước vẫn còn gian nan
Đến khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 thì mọi thứ đã đi vào đường ray do quyền tự do kinh doanh của người dân đã được đảm bảo trong Hiến pháp 2013. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc kể, trước khi Quốc hội thông qua Luật, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cứ có dịp là nhắc ông Lộc phải góp ý thật mạnh mẽ vào dự Luật. Họ muốn để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ.
Hơn ai hết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cảm thấy phấn khởi nhất. Ông đã hoàn thành được ý tưởng “chọn bỏ”, thay vì “chọn cho” trong luật, tiếp nối được tinh thần “doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” của thế hệ soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999. Kết quả là 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và cấm đã được công khai hóa. Không gian còn lại cho doanh nghiệp làm ăn kinh doanh mở rộng hơn bao giờ hết; còn không gian để Nhà nước quản đã thu hẹp. Sau bài phát biểu nảy lửa tại Quốc hội giữa năm 2015, ông Vinh đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội bỏ tội kinh doanh trái phép ra khỏi Bộ luật Hình sự, điều mà các tiền nhiệm không làm được.
Kết quả của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2015 là ấn tượng. Trong nửa cuối năm 2015 đã có 46.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 302.674 tỷ đồng, tăng 24,5% về số doanh nghiệp và tăng hơn 50% về số vốn đăng ký mới so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 93.868 doanh nghiệp, là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn nhất từ trước tới nay. Đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã lên gần 50% GDP, dù không là chủ đạo. “Đây là tín hiệu rất tích cực”, ông Vinh nói.

Nhưng, tất cả không đẹp như mơ với khu vực doanh nghiệp có lịch sử chưa đến 30 năm. Tệ phân biệt đối xử vẫn còn đó, nạn nhũng nhiễu vẫn trầm trọng, và đặc biệt, tình trạng giấy phép con một thời được gỡ bỏ nay đã quay lại với mức độ đậm đặc hơn.


Đồ hoạ: Tuấn Dũng

Trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền. “Các bộ, ngành và thậm chí địa phương vẫn ra thông tư hay văn bản để đặt điều kiện kinh doanh. Họ không thể cấm đoán quyền của người dân trái luật như thế được”, ông Vinh trăn trở.
Với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, người đứng sau tất cả các bản thảo của Luật Doanh nghiệp, tình trạng này là vô phương cứu chữa. Các bộ, ngành vẫn đang đua nhau ban hành điều kiện kinh doanh, cài cắm lợi ích trong các văn bản dưới luật. Được hỏi, ông cảm thấy tiếc nhất điều gì, ông Cung trả lời, nếu đợt bỏ giấy phép đầu tiên những năm 2000, khi được sự hậu thuẫn rộng rãi của lãnh đạo Chính phủ và xã hội, mà ông và các đồng sự làm quyết liệt hơn thì có thể tạo ra nhiều thay đổi tích cực hơn. “Chúng tôi đã làm hết sức, nhưng còn những rào cản không thể vượt qua, còn những lớp trần không thể đục thủng. Đó là điều đáng tiếc”, ông Cung nói.

Tư Giang
......../.


STEPHEN HAWKING




STEPHEN HAWKING – NGƯỜI TỪNG KHƯỚC TỪ MỘT BẢN ÁN TỬ HÌNH

Mạnh Kim



Stephen Hawking, một trong những nhân vật ngoại hạng vĩ đại nhất thế giới, vừa từ trần ở tuổi 76. Sinh ngày 8-1-1942 (300 năm sau cái chết của Galileo) tại Oxford (Anh), Hawking là bậc thầy về vật lý vũ trụ. Một trong những khám phá quan trọng ban đầu của Stephen Hawking là các lỗ đen không hoàn toàn đen mà chúng phát ra phóng xạ rồi cuối cùng “bốc hơi” và biến mất. Tuy bệnh tật trầm trọng, Hawking đã viết nhiều công trình nghiên cứu vĩ đại mà Brief history of time là tác phẩm nổi tiếng nhất. Sống trọn đời trên chiếc xe lăn, Hawking đã chứng minh rằng nghị lực phi thường có thể vượt qua tất cả. Hawking đã bộc bạch về một phần của đời mình và những vất vả mà ông lướt qua. Ông kể...
Người ta thường hỏi rằng tôi có tâm trạng như thế nào khi sống với căn bệnh teo cơ ALS (amyotrophic lateral sclerosis). Chẳng có gì nhiều để trả lời. Tôi cố sống như bình thường, không nghĩ về tình trạng bệnh tật và quên đi những rào cản mà căn bệnh đưa đến.
Tôi thật sự bị choáng khi biết rằng mình mắc phải chứng bệnh liên quan đến tế bào thần kinh vận động. Hồi nhỏ, thể lực tôi đã không được khỏe. Tôi không thể chơi tốt các môn thể thao, còn chữ viết thì lúc nào cũng làm thầy cô khó chịu. Tuy nhiên, những điều này đã thay đổi khi tôi vào Đại học Oxford. Tôi tham gia vào trò chèo thuyền và thậm chí còn thi đấu ở các giải liên trường. Năm thứ ba đại học, tôi bắt đầu nhận thấy đầu mình hay bị choáng. Tôi gần như không thể kiểm soát sự vận động của mình, bởi thế có khi tự nhiên tôi ngã. Năm sau, bố đưa tôi đi chẩn đoán, vài ngày sau lần sinh nhật thứ 21 của tôi. Hai tuần liên tiếp tại một bệnh viện, tôi trải qua nhiều cuộc xét nghiệm. Người ta lấy cơ từ tay, gắn điện cực vào người và chích một thứ chất lỏng vào cột sống tôi. Bác sĩ chẳng nói rõ cho tôi biết mình mắc bệnh gì. Tuy nhiên, tôi đoán rằng tình trạng bệnh tật mình rất xấu và họ không thể làm gì để chữa trị, trừ việc cho tôi vài viên vitamin.
Khi linh cảm mình mắc phải chứng bệnh vô phương cứu chữa, tôi có cảm giác như mình đang chết lần mòn. Làm thế nào chuyện như thế lại xảy ra và tại sao tôi không thể thoát khỏi nó? Nỗi buồn ám ảnh như bóng ma, cho tới một hôm, khi tôi thấy một cậu bé đang hấp hối vì bệnh bạch cầu, nằm đối diện giường tôi. Đó là cảnh tượng thật đáng thương. Rõ ràng, có nhiều người khác còn kém may mắn hơn mình. Dù sao, căn bệnh ALS không làm cho tôi đau đớn nhiều. Từ đó về sau, cứ mỗi lần tư tưởng bi quan xuất hiện thì lập tức tôi nghĩ đến cậu bé đó. Ít lâu sau, bác sĩ cho tôi xuất viện và nói rằng cứ tiếp tục nghiên cứu những đề tài về vũ trụ còn dang dở. Tôi tiến triển chậm trên con đường nghiên cứu vì thiếu nền tảng toán học...
Giấc mơ về cuộc đời tôi lúc còn trẻ rất mơ hồ. Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, tôi cảm thấy không hứng thú với cuộc sống. Dường như chẳng có gì đáng để làm. Rồi sau khi xuất viện, tôi thấy như mình sắp bị hành hình. Bỗng nhiên lúc đó tôi nhận ra rằng có rất nhiều điều đáng để thực hiện nếu bản án tử hình của tôi được hoãn lại. Như thế, dù sao, tôi cũng làm được gì đó cho cuộc sống trước khi mình chết. Cảm giác ham sống tràn ngập tim tôi và công trình nghiên cứu bắt đầu tiến triển nhanh hơn. Tôi càng cảm thấy ham sống khi đính hôn với cô gái mà tôi đã gặp vào thời điểm căn bệnh được phát hiện. Cuộc đính hôn với Jane Wilde làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi nộp đơn gia nhập hội đồng nghiên cứu thuộc Đại học Caius (Cambridge). Thật ngạc nhiên, đơn xin của tôi được chấp thuận.
Tôi chọn vật lý lý thuyết vì ngành này phù hợp với tình trạng bệnh tật của mình. Các đề tài của tôi ngày càng gây tiếng vang và đó cũng là lúc bệnh tình mỗi lúc mỗi xấu. Sau khi lập gia đình, chúng tôi rất vất vả trong việc tìm nhà ổn định chỗ ở vì lý do tài chính. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của bố mẹ tôi, chúng tôi cũng mua được một căn hộ. Trước năm 1974, tôi vẫn còn tự ăn uống được và có thể lên xuống giường mà không cần ai giúp đỡ. Tuy nhiên, càng về sau, chứng teo cơ ngày càng phát triển mạnh. Cái nhìn về tương lai tôi lại nhuốm màu đen. Tuy nhiên, Jane đã an ủi tôi rất nhiều. Cô ấy là nguồn động viên cho tôi sinh lực sống. Tôi lại nhỏm dậy và lao hết mình vào các công trình nghiên cứu. Những đêm buồn bã đã trở thành những đêm tràn ngập các con số và bài toán. Công việc của Jane bận rộn nhiều hơn khi chúng tôi có con. Cuối cùng, gia đình tôi phải nhờ sự giúp đỡ của các sinh viên. Chúng tôi cung cấp cho họ chỗ trọ và họ giúp tôi làm việc nhà. Năm 1980, gia đình tôi thuê một số y tá tư, đến giúp việc một hay hai giờ vào buổi sáng và buổi chiều. 5 năm sau, tôi bị bệnh phổi và phải chịu ca phẫu thuật thông khí quản. Sau đó, tôi buộc phải chịu sự chăm sóc 24/24 vì không thể tự làm bất cứ chuyện gì, kể cả việc bước lên giường.
Trước ca phẫu thuật thông khí quản, tôi bắt đầu gặp trở ngại với việc phát âm. Chỉ có những người rất thân và gần gũi mới hiểu được tôi nói gì. Dù sao, tôi cũng còn giao tiếp được. Tôi soạn tài liệu khoa học bằng cách đọc cho một cô thư ký viết lại. Tôi diễn giảng thông qua một “thông dịch viên” và người đó đọc lại các câu nói của tôi với giọng rõ ràng hơn. Sau ca phẫu thuật, tôi không thể nói được nữa. Phương pháp giao tiếp và truyền đạt duy nhất trong thời gian này là tôi “đánh vần” từng từ, bằng cách nhướng chân mày khi thư ký chỉ đúng vào mẫu tự trên tấm bảng chữ cái. Thật khó có thể giao tiếp bằng lối này và càng khó khăn bội phần khi muốn viết tài liệu khoa học. Tôi không thể không nghĩ đến đám mây đen che phủ cuộc đời mình. Định mệnh cay độc dường như không chịu buông tha tôi.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần định mệnh giáng một cú đấm đau điếng xuống đời tôi, thần may mắn lại giang tay giúp đỡ. Một chuyên gia về máy tính tên Walt Woltosz đã gửi cho tôi chương trình máy tính gọi là Equalizer, cho phép tôi chọn từ trên màn hình bằng cách nhấn nhẹ vào cái nút cầm ở tay. Chương trình này cũng được điều khiển bằng một cái nút khác, hoạt động khi cảm nhận sự chuyển động của chân mày hay cái gật đầu. Khi thiết dựng xong những gì cần nói, tôi có thể gửi câu hay cụm từ này sang một máy phân tích âm điệu. Thoạt đầu, tôi chỉ có thể điều khiển chương trình Equalizer trên một cái máy tính để bàn.
Sau này, David Mason - chuyên gia về kỹ thuật thông tin thuộc hãng Cambridge Adaptive Communication - đã gắn một máy tính xách tay và bộ phân tích âm điệu vào ngay cái xe lăn của tôi. Việc này đem lại tiện lợi và tôi có thể giao tiếp dễ dàng hơn trước nhiều. Tôi có thể “nói” đến 15 từ trong một phút. Tôi có thể “nói” hoặc “viết” bằng bộ thiết bị trên rồi lưu vào đĩa mềm để có thể in ra giấy. Tôi đã viết sách bằng cách này. Tôi rất hài lòng với thiết bị phân tích âm điệu của hãng Speech Plus, chỉ duy có điểm là nó làm cho tôi nói bằng giọng Mỹ chứ không phải giọng Anh! (Người vợ thứ hai Elaine của Hawking là vợ cũ của David Mason - ND)...
Tôi đã mắc một chứng bệnh khiến tế bào thần kinh vận động không làm việc, trong suốt cuộc đời mình. Tuy nhiên, căn bệnh đã không thể ngăn tôi được chuyện có một gia đình hạnh phúc và không thể cản trở tôi trên bước đường nghiên cứu khoa học một cách thành công. Tôi cảm ơn vợ tôi, các con tôi và rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức. Điều đó cho tôi thấy rằng người ta không nên từ bỏ hy vọng quá sớm. Định mệnh có thể bước sang lối đi khác, sáng sủa hơn, khi chúng ta không vội vã bi quan trước những rào cản cuộc đời.




....../.

Thép nhôm và chính trị thương mại Mỹ



Thép nhôm và chính trị thương mại Mỹ

Trần Lê Anh

 *******



Các kinh tế gia thuộc các trường phái khác nhau thường có những bất đồng ý kiến về nhiều vấn đề, nhưng đa phần lại khá đồng quan điểm về lợi ích của thương mại quốc tế.

Tự do thương mại có nhiều lợi ích kinh tế rõ nét như đem lại giá cả phải chăng cho người tiêu dùng, gia tăng hiệu suất trong việc phân bổ các nguồn tài nguyên, và tăng cường cạnh tranh trong nền kinh tế. Do đó, gần như hầu hết các kinh tế gia không tán thành với chính sách có khuynh hướng bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump qua dự kiến đánh thuế nhập khẩu lên hai mặt hàng thép và nhôm hiện nay. Tuy nhiên, những động thái của Nhà Trắng không phải hoàn toàn vô lý vì yếu tố chính trị trong nước đóng vai trò rất quan trọng chính sách thương mại của Mỹ.
Về phương diện phân tích lợi ích kinh tế, bảo hộ thương mại đưa đến thiệt nhiều hơn lợi cho nền kinh tế nói chung. Có hai lý do dễ thấy nhất. Một là, khi thuế nhập khẩu được áp dụng vào mặt hàng nào thì giá cả của mặt hàng đó sẽ lên. Mặc dù hiện tượng này sẽ giúp các nhà sản xuất nội địa đang cạnh tranh với hàng nhập khẩu được tồn tại, nhưng lại gây ra thiệt hại cho những thành phần tiêu thụ nó do giá cả cao hơn. Trong trường hợp của thép, áp dụng thuế nhập khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp cũng như 147.000 công nhân của ngành thép Mỹ nhưng lại có thể gây ảnh hưởng xấu lên đến khoảng 6,5 triệu công nhân khác (theo số liệu phân tích của Heritage Foundation) đang được tuyển dụng trong các ngành tiêu thụ thép, chẳng hạn như sản xuất xe cộ và đóng tàu.
Hai là, bảo hộ thương mại sẽ dẫn đến việc trả đũa của các đối tác thương mại bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách này. Để đáp trả lại tuyên bố đóng thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump, các nước khác đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và vạch kế hoạch nhằm đánh thuế nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng mà Mỹ xuất khẩu vào thị trường của họ. Ví dụ, Liên minh Châu Âu cho biết là họ sẽ đáp trả bằng việc đánh thuế nhập khẩu lên xe mô tô Harley-Davidson, rượu Bourbon, và quần jean xanh Levi's của Mỹ.
Tất nhiên là Tổng thống Trump biết rõ các hệ quả kinh tế tiêu cực của động thái bảo hộ thương mại của mình. Nhiều cố vấn kinh tế của ông đã không tán thành với việc đánh thuế nhập khẩu lên thép và nhôm. (Gary Cohn, cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng, vừa mới tuyên bố từ chức cũng vì chuyện này). Nhưng ông đã bỏ ngoài tai những ý kiến này. Ông tuyên bố trên mạng Twitter: “Chúng ta phải bảo vệ đất nước và công nhân của chúng ta. Ngành thép của chúng ta đang bị trì trệ. Nếu bạn không có thép, bạn không có một quốc gia.” Và ông tỏ ra không hề ngần ngại trước những cảnh báo về việc hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ bị trả đũa, có nguy cơ đưa đến tình trạng chiến tranh thương mại. Ông nói rằng chiến tranh thương mại là tốt và có thể chiến thắng dễ dàng. Ý ông là Mỹ luôn bị thâm hụt mậu dịch với các nước khác thì các nước khác phải e dè trước những căng thẳng thương mại hơn là Mỹ.
Có thể thấy rằng động cơ chính đằng sau động thái bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump nghiêng mạnh về yếu tố chính trị. Trong khi vận động tranh cử, ông đã nói rất nhiều về việc Mỹ bị thua thiệt trong thương mại và hứa sẽ giúp đỡ các ngành công nghiệp đang bị hàng nhập khẩu (mà ông cho rằng cạnh tranh không công bằng) chèn ép mạnh, dẫn đến tình trạng mất việc của nhiều công nhân thuộc những ngành này. Những tuyên bố mạnh dạn đó, mặc dù không được thuyết phục khi phân tích qua những số liệu kinh tế tổng thể, đã góp phần tạo nên chiến thắng đưa ông vào Nhà Trắng. Do đó, việc đánh thuế nhập khẩu lên thép và nhôm lần này được cho là một lời hứa được giữ của ông. Và tất nhiên đây là điểm sáng mà ông sẽ nhắc nhở cử tri trong cuộc tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai.
Một câu hỏi liên hệ được đặt ra là vậy lợi ích của người tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách bảo hộ thì sao? Câu trả lời là lợi ích của họ ít được quan tâm bằng lợi ích của thành phần sản xuất nội địa. Lý do là vì lợi ích của thương mại tự do thì được trải mỏng ra nhiều thành phần trong khi thiệt hại thì tập trung vào một thành phần. Và thành phần tập trung đó sẽ dồn nhiều công sức để vận động chính sách hơn các thành phần kia, bởi vì bất kỳ sự thay đổi chính sách theo hướng nào cũng đem lại lợi/thiệt rất đáng kể cho họ.
Trong trường hợp của thép, nếu như không có thuế nhập khẩu thì các thành phần tiêu thụ thép ở Mỹ sẽ hưởng lợi bởi giá rẻ hơn từ thép nhập khẩu. Nhưng lợi ích này được trải mỏng ra (do có rất nhiều ngành sử dụng thép, một thành phần của đầu vào, để sản xuất các mặt hàng đầu ra) trong khi thiệt hại lại chỉ tập trung vào ngành thép nội địa trước sức ép cạnh tranh của thép nhập khẩu. Nói một cách ngắn gọn, lợi ích của những thành phần tiêu thụ thép không được thấy rõ bằng thiệt hại của ngành thép. Và ngược lại, khi áp dụng thuế nhập khẩu thì lợi ích của ngành thép được thấy rõ ràng trong khi thiệt hại đối với các thành phần mua thép thì được trải mỏng ra.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã minh họa rõ nét khi ông xuất hiện trên truyền hình với một hộp súp Campbell và một lon Coke để lý giải rằng những thiệt hại đối những thành phần tiêu thụ thép và nhôm không đáng kể khi áp dụng thuế nhập khẩu. Ông chỉ ra rằng với giá thép tăng 25% (khi áp dụng thuế nhập khẩu 25%) thì giá của lon súp (chi phí thép trong 1 lon súp là 2,6 cent) sẽ chỉ tăng 6/10 của 1 cent trên giá bán hiện nay là 1,99 đô la. Ông cũng nói rằng, ngay cả thành phần tiêu thụ nhiều thép như ngành sản xuất xe, thuế thép cũng chỉ làm cho một chiếc xe có giá 35.000 đô la tăng 0,5%. Tương tự như vậy, hệ quả của 10% thuế nhập khẩu nhôm cho một lon Coke chỉ làm giá tăng 3/10 cent trên giá bán là 1,49 đô la. Do đó, các ngành sử dụng thép và nhôm sẽ không gây áp lực đủ mạnh lên chính phủ để thay đổi việc đánh thuế nhập khẩu vì thiệt hại dàn trải của họ không quá lớn để buộc họ phải quyết tâm vận động.
Và tất nhiên là các đối tác thương mại của Mỹ cũng nhận ra rằng các yếu tố chính trị nội địa quyết định chính sách thương mại Mỹ. Do đó, như các nhà phân tích chỉ ra, những mặt hàng xuất khẩu của Mỹ mà Liên minh Châu Âu dự định trả đũa sẽ nhắm vào các vùng nhạy cảm chính trị để tạo áp lực lên Nhà Trắng. Ví dụ, xe mô tô Harley-Davidson được sản xuất tại Wisconsin, là tiểu bang nhà của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan (thuộc đảng Cộng hòa như Tổng thống Trump). Và diễn biến mới nhất cho thấy ông Ryan đã lên tiếng cho rằng Nhà Trắng cần nhắm việc đánh thuế vào một số nước cạnh tranh không công bằng (chẳng hạn như Trung Quốc) thay vì tất cả các nước xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ để tránh bị trả đũa và thiệt hại ngoài dự kiến.
Một khi những lợi ích chính trị bị ảnh hưởng trực tiếp, các chính trị gia sẽ cùng các nhóm kinh tế bị hại bởi chính sách thương mại sẽ gây áp lực với Nhà Trắng để cố xoay chuyển tình thế. Tổng thống Trump không phải là người dễ bị gây áp lực. Quyết định về chính sách thương mại của ông sẽ được cân nhắc bởi nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định sau cùng sẽ là lợi ích chính trị.

Trần Lê Anh (GS Đại học Lasell)
............../.