Những ý tưởng nổi tiếng bị…ăn cắp





Những ý tưởng nổi tiếng bị…ăn cắp






Ăn cắp là chuyện của thế giới từ xa xưa đến mai sau mà ăn cắp dễ nhất và khó bị bắt nhất là ăn cắp ý tưởng trong kinh doanh. Vài ý thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết bị bạn viết nẫng tay trên là chuyện thường ngày ở huyện bởi thơ văn in ra khó bán, có chăng kẻ trộm chỉ bị lên án về đạo đức của ngòi bút.
Ý tưởng giá hàng tỷ đô la trong nháy mắt biến thành mới là chuyện đáng bàn vì liên quan đến tiền trong khi đạo đức chỉ là thứ yếu. Marx nói, nếu lợi nhuận lên vài trăm phần trăm, tư bản có thể giết cả bố mẹ, nói chi bán nước để vinh thân phì gia.





Ông Robert Kearns. Ảnh: Internet

Cái gạt nước “nhát gừng” của xe hơi giá 30 triệu đô la
Ngồi sau tay lái xe hơi thấy cái gạt nước “xua đi nỗi nhớ” trên cửa kính mấy ai biết được đó là ý tưởng từng bị ăn cắp và cuối cùng tác giả thắng kiện 30 triệu đô la.
Năm 1964 kỹ sư Robert Kearns thiết kế ra cái gạt nước của xe hơi mà cứ vài giây mới quét một lần thay vì liên tục như trước làm giảm tầm nhìn của tài xế.
Ông mang mẫu tới ba nhà sản xuất xe hơi khổng lồ là Ford, General Motors, và Chrysler. Cả ba ông lớn này từ chối xem xét. Nhưng sau đó các xe hơi xuất xưởng lại thêm một món quà chính là những cái gạt nước “nhát gừng” của Kearns.
Giận điên người vì ý tưởng bị ăn cắp, Robert Kearns kiện Ford năm 1978 và Chrysler năm 1982, và cuối cùng thắng 30 triệu đô la.
Kearns nói, chuyện tiền nong thắng lớn không phải là mục đích mà chính là phải bảo vệ bản quyền sáng chế ban đâu. Nếu không kiện tới chốn sẽ không có hệ thống bảo vệ sáng chế như ngày nay.





Ai sáng chế ra telephone: Alexander Graham Bell hay Elisha Gray?

Bell và Gray. Ảnh: Internet
Cầm telephone hàng ngày nhưng ít người biết ai đã sáng chế ra thiết bị thông minh này. Hoặc luôn cho Bell là tác giả vì bell trong tiếng Anh là “chuông reo”
Năm 1876, cả hai ông Bell và Gray đều phát minh ra telephone có dây. Hai ông đua tranh xem ai là người có thể thiết kế ra thiết bị có thể truyền tín hiệu bíp bíp từ đầu dây kim loại này sang đầu bên kia.
Ngày 14-2-1876, Gray gửi thiết kế của mình đến văn phòng quản lý sáng chế Hoa Kỳ nhằm đăng ký bản quyền. Đúng ngày đó, luật sư của Bell cũng gửi một thiết kế tương tự.
Do ăn hối lộ, một nhân viên của Gray đã gửi cho Bell mẫu thiết kế của Gray và đó chính là thiết bị gửi tín hiệu telephone đầu tiên trên thế giới.
Dù sau đó Bell đã đưa sáng chế telephone vào mục đích thương mại nhưng phát minh vẫn thuộc về Elisha Gray.




Tia laser
Gordon Gould là chàng sinh viên của đại học Columbia đã phát minh ra tia laser năm 1957 bằng vài cái gương chiếu sáng vào một điểm và chính là người dùng từ viết tắt LASER ((Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation).

Gordon Gould. Ảnh: Internet
Đáng tiếc Gould tưởng phải thí nghiệm thành công, có mẫu làm việc hẳn hoi mới được đăng ký bản quyền. Tới năm 1959, Gould mới vác đi đăng ký thì quá muộn vì các bạn đồng nghiệp cùng phòng thí nghiệm đã nhanh tay từ trước đó.
Phải mất 30 năm kiện tụng với Văn phòng quản lý sáng chế Hoa Kỳ và những công ty dùng tia laser, cuối cùng Gould đã thắng kiện năm 1987 và đăng ký tới 47 sáng chế, kiếm vài triệu đô la.





Giao diện đồ họa GUI
Ngày nay trên màn hình máy tính người dùng có thể kéo thả chuột, gõ bàn phím và thậm chí dùng tay trên màn hình thoải mái chính là ý tưởng của GUI (Graphics User Interface).
Công ty Xerox phát triển ý tưởng này từ năm 1981 nhưng ngay sau đó Steve Jobs đã dùng trong phát triển máy Apple. Người ta đồn rằng Steve Jobs ăn cắp ý tưởng này sau khi thăm Xerox vài lần trong những năm 1980. Nhưng thực tế không đúng. Chính Xerox cho một số kỹ sư sang làm cho Apple vì sở hữu nhiều cổ phiếu giá trị của Apple. Ông đưa cái giò, bà thò chai rượu thôi.
Xerox kiện Apple nhưng thất bại cũng như Apple kiện Microsoft về GUI vì tòa kết luận những chứng cứ không thuyết phục. Nhưng kiện tụng làm cho Apple và Microsoft nổi như cồn và tiền về như nước chảy. Steve Jobs và Bill Gates đều trở thành giầu có và nổi tiếng vì đã dùng IT thay đổi thế giới.




Ai phát minh ra Tivi: Philo Taylor Farnsworth hay Vladimir Zworykin

Philo-Farnsworth. Ảnh: Internet
Philo Taylor Farnsworth là một trong những nhà sáng chế tuyệt vời của Mỹ, có trong tay tới 165 sáng chế được đăng ký. Trước tuổi 15, ông đã nghĩ là một thiết bị chia ảnh và đó là ý tưởng cho tivi thời nay. Năm 1927 vào tuổi 21, Farnsworth đã có một phiên bản chạy trong phòng thí nghiệm.
Nhưng vào năm 1930, Vladimir Zworykin, một kỹ sư của RCA, thăm phòng thí nghiệm của Farnsworth nên đã gây nghi ngờ. Trong thực tế, năm 1923, Zworykin đã thiết kế ra một mô hình tương tự nhưng sáng chế chỉ được công nhận năm 1938 sau nhiều thay đổi so với ban đầu.
Sau hàng chục năm tranh tụng tại tòa ai là người sáng chế ra tivi, cuối cùng RCA bị thua vào năm 1936 và Farnsworth được coi là người phát minh ra tivi. Tuy nhiên trong lịch sử điện tử, Zworykin luôn được nhắc tới như là cha đẻ của màn hình ngày nay.
Dẫu vậy, Farnsworth không giầu có và không được sự tôn trọng mà lẽ ra ông được hưởng.





Máy may Singer
Singer là ca sỹ nhưng ca sỹ kêu “rè rè tạch tạch” chính là chiếc máy khâu quen thuộc của người Việt. Thời bao cấp Singer là máy sản xuất tiền cho gia đình nào biết may vá.


Ellias Howe. Ảnh: internet


Singer liên quan đến ông Issac Singer và công ty cùng tên. Tuy nhiên chiếc máy may lại bắt đầu từ Elias Howe có đăng ký sáng chế từ năm 1846.
Năm 1849, Howe kiện Singer vì đã ăn cắp ý tường và kéo dài vài năm liền. Cuối cùng hai bên thỏa thuận cùng chung một phát minh và chia tiền lợi nhuận.
Đúng ra, chiếc máy may đầu tiên lại được ông Walter Hunt phát minh năm 1834 có kim chỉ và cái mắt nhỏ để dích dắc máy vải nhưng cụ này không đăng ký bản quyền vì sợ nạn thất nghiệp tran lan do máy thay người.




Ý tưởng entry này cũng là copy trên internet. Bạn đọc thử tìm ra nguồn ở đâu và còn vài sáng chế bị ăn cắp chưa dịch nốt.
Chúc cả nhà vui.

HM. 20-10-2015