Trần Kỳ Khôi
Tỷ phú và quyền lực được bảo kê nơi cung đình (Kỳ 2)
***
Trong kỳ 1, chúng tôi đã giới thiệu bốn "doanh nhân thành đạt" đã được các nhân vật chóp bu nơi cung đình bảo kê, giúp họ làm giàu như thế thế nào. Kỳ này, chúng tôi xin được giới thiệu thêm ba "doanh nhân" khác, để mọi người hiểu thêm cách làm giàu của họ, cũng như hiểu thêm rằng các "doanh nhân" này càng giàu thì đất nước mạt, người dân càng bị bần cùng hóa.
TH True Milk và “người đàn bà sữa tươi”
Thái Thị Hương, tức Thái Hương, hay Hương Bắc Á sinh năm 1958, quê Nghệ An. Thái Hương đang nắm giữ hai chức vụ quan trọng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa TH True Milk; Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK).
Xuất phát điểm của Thái Hương chỉ là một viên chức kế toán tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An, sau buôn bán vựa xi măng, sắt thép. Nhờ sự bảo kê của “ông anh” đồng hương là bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nên Thái Hương có tất cả. Thái Hương có được ngân hàng, có TH Group, có trang trại hàng ngàn hecta. Bằng khen, huân chương, danh hiệu, Thái Hương đếm không xuể, thậm chí còn có cả danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
TH Group đầu tư ở Tuyên Quang, Sơn La, sắp đến sẽ vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, với tổng số tiền đầu tư dự kiến 1,2 tỷ USD. Thái Hương cũng đã lấn sân sang xây dựng và vận hành hệ thống trường TH School; xây dựng hệ thống bệnh viện đa khoa quốc tế 5 sao và trung tâm y tế điện tử tại Hà Nội.
Năm 2011, lợi dụng mình là chủ Ngân hàng Bắc Á, Thái Hương đã rút tiền tài trợ cho các dự án của bà ta, cũng như cho "con cháu các cụ cả" vay tiền mà không cần thế chấp. Các dự án này làm ăn không hiệu quả, kết quả là Bắc Á Bank ngập ngụa trong đống nợ, với 9.000 tỷ đồng không có khả năng chi trả. May mắn cho Hương, lúc đó "ông anh" đồng hương vừa ngồi vào ghế Chủ tịch Quốc hội. Nhờ sự giúp đỡ của "ông anh" mà Ngân hàng Nhà nước VN, Agribank cùng với BIDV đã chuyển cho Bắc Á Bank 10.000 tỷ đồng để cứu "cô em".
Tháng 6 năm 2012, Thái Hương đã bỏ ra 150 tỷ đồng để xây “nhà thờ tổ” vô cùng hoành tráng cho dòng họ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại núi Chung, Nam Đàn, Nghệ An, gây xôn xao dư luận. Thì ra, “bánh ít ném đi, bánh quy ném lại”, được 10.000 tỷ mà chỉ mất 150 tỷ, Thái Hương vừa thoát khỏi tù tội, phá sản, lại còn được tiếng là doanh nhân tốt bụng, bỏ tiền ra xây nhà thờ tổ cho dòng họ ... ông Hồ!
Được sự bảo kê của "ông anh", người phụ nữ nghèo xứ Nghệ ngày nào, nay đã thành "người đàn bà sữa tươi” đại gia ngàn tỷ, tên tuổi vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Các đại quan Nghệ Tĩnh và đàn em của Nguyễn Sinh Hùng hiện nay đang chiếm thế thượng phong ở triều đình. Nhờ đó, Thái Hương vươn “vòi bạch tuột” đi hái tiền khắp mọi miền đất nước mà không sợ bị ném "vào lò".
.................
Đại Nam và ông chủ Dũng “lò vôi”
Huỳnh Phi Dũng, tức Huỳnh Uy Dũng, còn gọi là Dũng “lò vôi”, sinh năm 1961, quê Bình Định. Dũng hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam.
Mới học lớp 10, Dũng "trúng tuyển" nghĩa vụ quân sự. Vài năm sau xuất ngũ, Dũng vác ba lô lang thang vào miền Nam kiếm việc. Tình cờ Dũng quen biết với Trần Thị Tuyết, sinh năm 1954, con gái ông Trần Văn Thu, tức Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Năm 1981, Dũng kết hôn với Tuyết. Được bố vợ xin vào Phòng Tổ chức công an Sông Bé, sau chuyển sang hậu cần, cuộc sống của Dũng bắt đầu đỡ hơn. Có chút tiền, Dũng mở nhiều lò nung vôi để bán. Và biệt danh Dũng “lò vôi” có từ đó. Nhờ vào thế lực nhà vợ, bạn bè của bố vợ bảo kê, Dũng “lò vôi” bỏ ngành công an, được lãnh đạo tỉnh Sông Bé giao cho chức giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thành Lễ, tức Sơn mài Thành Lễ, một công ty nổi tiếng trước năm 1975.
Thời kỳ này, đàn em ông Ba Thu là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1942, trúng cử Tỉnh uỷ viên, nắm chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé. Ông Triết chính là nhân vật bảo kê cho hành trình cướp đất làm giàu của Dũng “lò vôi” từ đó.
Tháng 6-1991, Nguyễn Minh Triết trúng cử Uỷ viên Trung ương khoá 7, làm bí thư Tỉnh uỷ Sông Bé giai, đoạn 1991-1996. Thầy lên thì trò cũng lên, Huỳnh Phi Dũng, tức “Dũng lò vôi” được đưa vào làm đại biểu Quốc hội khóa X (1997 - 2002) để ngồi ngang hàng với các chính trị gia khác.
Huỳnh Phi Dũng phất lên như diều gặp gió. Tài sản của nhà nước cứ thế chảy sang túi gia đình ông ta. Dũng thâu tóm đất đai, xây dựng ba khu công nghiệp, cho các đối tác thuê nhà máy, xí nghiệp, kho vận và bến bãi:
- Sóng Thần 1, có diện tích 178 hecta. Khởi công năm 1992, hoạt động 1995, đầu tư 245 tỷ, thuộc tài sản quốc doanh Công ty XNK Thành Lễ, sau này Dũng “lò vôi” nuốt luôn.
- Sóng Thần 2, có diện tích 279 hecta, tổng vốn đầu tư 423 tỷ đồng
- Sóng Thần 3, có diện tích 534 hecta, tổng vốn đầu tư 936 tỷ đồng
Ngoài ra, Dũng còn sở hữu nhiều quỹ đất lớn, phát triển các dự án như triển Khu đô thị, Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần… Riêng Khu du lịch Đại Nam rộng 700 hecta, Dũng bỏ ra đến 6000 tỷ, xây dựng từ năm 1999 đến năm 2008 mới kinh doanh đón khách.
Cũng trong năm 2008, Dũng “lò vôi” đổi tên từ Huỳnh Phi Dũng thành Huỳnh Uy Dũng. Năm 2010, Dũng ly hôn người vợ thuở hàn vi, để cưới bà Nguyễn Phương Hằng. Hằng tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1971. Trước khi lấy Dũng lò vôi, bà Hằng đã từng có hai người đàn ông đi "chăn kiến", đó là Đỗ Đạt Giang, đàn em của Năm Cam và người kia là doanh nhân Trần Văn Thìn.
Dũng "lò vôi" là một trọc phú chơi ngông. Trong lễ mừng thọ mẹ, Dũng tổ chức tại Đại Nam. Dũng “lò vôi” đã mời cả chục ngàn quan khách, trong đó có người khách đặt biệt đã được ông ta trang trí lọng vàng để che là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng phu nhân, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, cùng nhiều cán bộ cấp cao trung ương và địa phương tới dự.
Từ một kẻ vô danh, được lãnh đạo đảng cấp cao ưu ái, giúp Huỳnh Uy Dũng cướp hết đất đai của người dân Bình Dương khai khẩn, trong những miếng đất đó có mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của dân Bình Dương.
Ông Chín Cung, tức Lê Thanh Cung, Phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2010-2014, đã từng thốt lên: “Dũng ‘lò vôi’ bất tài, lừa đảo”; “Dũng sống được cũng nhờ ‘xương’, ‘máu’ của tỉnh Bình Dương chứ. Nhờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương, ông Dũng mới có tài sản như hiện nay chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi”.
......................
“Muội” Vạn Thịnh Phát và hung thần Hai Nhựt
Trương Mỹ Lan, tức Trương Muội, sinh năm 1956, người Việt gốc Hoa, sinh tại Sài Gòn. Muội là tiểu thương bán vải chợ Soái Kình Lâm, tức Thương xá Đồng Khánh, thuộc quận 5, Sài thành. Tình cờ Trương Muội quen biết với Trương Thị Hiền, vợ của Lê Thanh Hải và là em gái của hai nhân vật nổi tiếng là Trương Mỹ Lệ và Trương Mỹ Hoa. Từ đó, Muội kết nghĩa với vợ chồng Lê Thanh Hải, bí thư quận uỷ quận 5. Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan.
Nếu không có sự bảo kê tuyệt đối của Lê Thanh Hải (tức Hai Nhựt), Uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư thành Hồ, cùng với chị vợ của Hai Nhựt là Trương Mỹ Hoa, Phó chủ tịch nước, trong suốt thời gian từ năm 1990 đến năm 2016, thì sẽ không có nhân vật Trương Mỹ Lan.
Trương Mỹ Lan thâu tóm hết bất động sản trên các tuyến đường đắt đỏ nhất Sài Gòn, mua đứt luôn ngân hàng SCB. Đất vàng, đất “kim cương” ở trung tâm thành phố “Hòn Ngọc Viễn Đông”, công sản, dinh thự của các cơ quan chính phủ, của tư sản thời VNCH, bị chính quyền cộng sản tịch thu sau năm 1975, đều được quan chức thành Hồ dâng cho Trương Mỹ Lan. Chưa hết, Vạn Thịnh Phát còn gom hàng trăm hecta đất mà chính quyền cướp được từ dân Thủ Thiêm.
Vạn Thịnh Phát huy động vốn ngân hàng, phát hành cổ phiếu, thao túng thị trường nhà đất khu vực phía Nam ngót mấy chục năm. Ngoài sự bảo kê của gia tộc Lê Thanh Hải, những kẻ nhận tiền hối lộ của Trương Mỹ Lan còn có cả bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, cũng như các “trùm” ở Ngân hàng Nhà nước. Vụ này, từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, đến Trưởng ban Nội chính Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và cả bộ máy ở trung ương đều biết cả, nhưng làm ngơ.
Chỉ là một quan chức quèn như Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) nhưng đã nhận hối lộ từ Trương Mỹ Lan số tiền khủng, lên tới 5,2 triệu USD. Vậy tầm các Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, đã cầm của Trương Mỹ Lan số tiền lên tới bao nhiêu?
Tiền đã chảy hết ra nước ngoài, Trương Mỹ Lan mới bị bắt giam. Bà ta bị đề nghị truy tố các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ. Về hành vi tham ô tài sản, cơ quan điều tra xác định, bà Lan đã chiếm đoạt hơn 300 ngàn tỉ đồng (khoảng 12,5 tỉ đô la) và gây thiệt hại gần 130 ngàn tỉ đồng (khoảng 5,4 tỉ đô la).
Hàng triệu người dân đã gởi tiền vào ngân hàng SCB, mua cổ phiếu “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát, ai sẽ trả lại số tiền đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu cho họ?
......................../.