LÀM GÌ ?

 LÀM GÌ ?
_____________

Ngô Nhật Đăng



*****

Hơn 40 năm trước, Havel từng viết : “Sau những lời lẽ lên án nghiêm khắc chế độ toàn trị, mọi người chờ đợi ở tôi câu hỏi : Chúng ta phải làm gì?”. Thời của Havel, cũng như các nước toàn trị khác, Tiệp Khắc của ông cũng chìm trong khủng bố, trong thời gian cầm quyền, đảng cộng sản Tiệp Khắc đã hành quyết 287 đảng viên cao cấp, trong đó có cả ủy viên bộ chính trị và có cả hình thức hành quyết man rợ thời Trung cổ là treo cổ, đảng viên còn vậy nói gì đến dân chúng.

Khi còn là một cậu bé 7 tuổi, Havel bị đưa về nông thôn sống với một chỉ thị ngầm “không được cho học hết cấp 2” ông đã phải làm mọi cách để hoàn thiện tri thức của mình, chủ yếu là tự học. Sau này chỉ vì cùng vài người bạn viết bản Hiến chương 77 (năm 1977) kêu gọi nhà nước Tiệp Khắc thực hiện các Công ước quốc tế mà họ đã long trọng ký kết mà Havel bị đi tù 6 năm.

Với vị trí nhỏ bé và tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi cũng muốn nêu ra một câu hỏi : Chúng ta phải làm gì ?

Chế độ toàn trị đã đưa đến một hình thức nhà nước chưa từng có trong lịch sử nhân loại đó là : “Nhà nước cảnh sát”, với nhà tù khắp mọi nơi, với lực lượng hàng triệu người, được trang bị vũ khí tận răng cùng với nó là hàng ngũ cảnh sát chìm chuyên nghiệp đông đảo và sự đông đảo không kém của những tên nằm vùng, chỉ điểm nghiệp dư, dư luận viên đủ mọi cấp bậc nhưng giống nhau ở sự dơ bẩn. Hệ thống này có một đặc điểm lớn nhất : Không phải dùng sức mạnh hay luật pháp để bảo vệ sự phát triển tự do của con người trước những kẻ cưỡng bức họ mà là bảo vệ những kẻ cưỡng bức trước bất kỳ con người nào cố gắng để được tự do.


Vì vậy, khởi nghĩa vũ trang hay cấp tiến hơn là bất bạo động, những mô hình đã thành công ở một số nước ít độc tài hơn hoặc có dân chủ hơn một chút (có đảng đối lập) có vẻ là không thể thành công ở Việt Nam, thậm chí bị bóp chết từ trong trứng nước. Tuy thế giới đã trở nên nhỏ bé hơn, phụ thuộc vào nhau hơn nhưng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc vẫn có những đặc sắc riêng về phong tục, tập quán, văn hóa và lịch sử.


Tôi nhớ tới Havel, nhớ tới ý tưởng mà ông đã nêu ra là xây dựng một không khí “tiền chính trị” trong xã hội Tiệp Khắc hay nói một cách khác, đó là một nền “chính trị phi chính trị”, Havel viết rõ : “Đó là thứ chính trị đặt đạo đức cao hơn chính trị, đặt trách nhiệm cao hơn mục đích”. Sau này khi trở thành Tổng thống, Havel vẫn hết sức theo đuổi quan điểm chính trị của mình.

Những người bình thường không quan tâm đến chính trị, thậm chí xa lánh chính trị, họ hành động đơn giản chỉ vì muốn bảo vệ phẩm giá cho bản thân mình. Nói một cách khác họ vì cái "TÔI". Nhưng là cái tôi cao quý, sẵn sàng hy sinh cuộc sống vật chất yên ổn nhưng nhạt nhẽo cho một thứ có ý nghĩa hơn và sẵn sàng lên tiếng vì người khác. Chính vì không quan tâm đến chính trị mà họ lại có sự nhạy cảm chính trị. Tất nhiên vẫn có những người hoạt động chính trị như là một thiên chức, suy cho cùng một xã hội tốt đẹp sẽ sản sinh ra một nền chính trị tốt đẹp, không có điều ngược lại.

“CÓ CÁI GÌ ĐÓ ĐÁNG ĐỂ HY SINH”- Jan Patocka, một triết gia, bạn của Havel đã viết như vậy trong bức thư tuyệt mệnh của mình, ông bị săn đuổi cho đến chết.

Và tôi nhớ Lý Đông A, một nhà cách mạng và tư tưởng kiệt xuất của Việt Nam. Từ năm 1945, ông đã viết rằng Việt Nam muốn phát triển thì phải “tự cường dân tộc” bằng cách xây dựng một nền văn hóa và triết học Việt Nam.

Không biết do dự cảm hay trực giác chính trị thiên tài mà Lý tiên sinh cho rằng để chuẩn bị cho việc tự cường đó Việt Nam phải mất 60 năm (tức là khoảng đến năm 2005). Phải chăng, đây đã là lúc chúng ta phải tự nhận thức lại mình, đến lúc phải hành động khi mà cả thế giới đang biến động trước sự thay đổi lớn lao đang tới. Phải chăng chúng ta phải bước tiếp những bước mà Lý Đông A và các đồng chí của ông đã đi, đã bị bỏ dở khi ông bị Việt Minh thủ tiêu khi vừa tròn 27 tuổi.

Phải trở về với nhân dân, đó là ý tưởng thiên tài của Lý Đông A khi ông đặt tên cho đảng của mình là “Duy Dân”, đặt dân cao hơn nước. Thương dân rồi mới đến yêu nước.

Chí sỹ Phan Châu Trinh từng đặt ra khẩu hiệu : “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đã hơn 100 năm mà đến giờ mục tiêu đầu tiên là “khai dân trí” vẫn chưa hoàn thành (?). Phải chăng là dân trí của ta còn thấp?

Tôi không tin.

Chúng ta đang tự đặt mình cao hơn nhân dân, nhìn nhân dân với cái nhìn từ trên xuống ? Đến bao giờ chúng ta mới nhìn, mới đối thoại với nhân dân với tư thế ngang bằng, bình đẳng, hoặc tuyệt vời hơn là nhìn từ dưới lên bởi vì nhân dân đáng cho chúng ta học hỏi ?
Bao giờ chúng ta mới nhìn thấy nhân dân đang cố bảo vệ một cách tuyệt vọng những thuần phong mỹ tục, những nét văn hóa của cha ông trước sự tấn công điên cuồng của những tư tưởng ngoại lai vô nhân tính ?

Họ đang bị gạt ra ngoài lề xã hội bởi không có điều kiện tiếp cận với công nghệ, không có cơ hội được cất tiếng. Người ta đang mải tranh cãi với nhau trên mạng xã hội, tự cho mình sâu sắc hơn, có trí thức hơn, loay hoay tìm cách nào “để cứu vớt nhân dân” và kêu gọi nhân dân làm mọi việc thay cho mình, khi mọi việc không được như ý thì sốt ruột, rồi quay lại dè bỉu, dân trí còn thấp như vậy thì đáng đời, làm kiếp nô lệ chẳng ai thương, cuối cùng là “makeno”, là thờ ơ, vô cảm, quay về với “cái máng lợn” của mình, đúng là thứ mà toàn trị muốn mọi công dân của nó trở thành.

Toàn thể xã hội Việt Nam đang bị chấn động, chấn động trước sự đổ vỡ của văn hóa, chấn động trước tình trạng suy đồi đạo đức xã hội, chấn động trước những hành động man rợ như Đồng Tâm, chấn động trước dịch bệnh khủng khiếp của coronavirus đang đe dọa mạng sống của bất kỳ ai vv…

Bao giờ chúng ta mới biết đoàn kết?

Tình đoàn kết của những người bị chấn động. Trong thời đại này, mỗi một cá nhân với vũ khí duy nhất của mình là Nhân tính, với ý thức trách nhiệm của mình là phải hành động thì mỗi một hành động đó đều có thể gây ra chấn động.

Bởi vì toàn trị với đặc điểm của mình, bất kỳ một cá nhân nào muốn kiếm tìm sự thật, muốn kiếm tìm tự do đều là một sự tấn công trực tiếp vào toàn bộ hệ thống, vì vậy hệ thống như một phản ứng tự động sẽ phải huy động toàn bộ sức mạnh vật chất của nó để đè bẹp cá nhân ấy, và, cũng chính vì vậy mà chúng không đủ sức mạnh.

Tôi lại nhớ đến người thày giáo can trường Đinh Đăng Định, đơn lẻ giữa nơi núi rừng hoang vắng, một mình miệt mài bất chấp mọi sự vây bủa, tấn công hèn hạ… cất lên lời cảnh báo về một thảm họa môi trường, trả giá bằng tù đầy và bị săn đuổi cho đến chết. Lần tôi tới thăm anh, nắm bàn tay gầy guộc chỉ còn da bọc xương của anh, tôi mới hiểu sức mạnh của sự thật, của lương tâm trong một con người nhỏ bé.

Một người không hề quan tâm đến chính trị rồi tự nhiên thấy mình đứng giữa những xoáy lốc của cơn bão chính trị, một mình đương đầu với nó, tuyệt vọng như Don Quijote chiến đấu với cối xay gió nhưng không bao giờ là vô ích và vô vọng. Hành động và cái chết của anh đã làm chấn động hàng triệu trái tim người Việt. Hay như Lộc Vàng, đổi 11 năm tù lấy niềm đam mê hát tình ca, đến bạc đầu vẫn không ngừng hát ngợi ca Nhân tính. Cái gì làm cho họ trở nên mạnh mẽ như vậy?

Bởi vì, dù bị đàn áp, bị đè bẹp đến mức tê liệt nhưng không thể dừng được cuộc sống, cuộc sống vẫn luôn sống sót và vượt qua mọi bạo quyền từng đàn áp nó.

Nói một cách khác, quyền lực chỉ đàn áp được một đời sống khi có một đời sống tồn tại, nếu không thì quyền lực sẽ làm tê liệt ngay cả khả năng đàn áp cuộc sống của nó, tức là làm tê liệt chính mình. Khi không còn cuộc sống thì toàn trị cũng diệt vong. Sự yên bình "ổn định" mà nó tạo ra nếu có thì cũng chỉ là sự yên bình trong nghĩa địa.

Và nếu không thể tiêu diệt cuộc sống thì cũng sẽ không thể chặn đứng được đà đi tới của lịch sử. .........../.