ĐỂ CHÚNG TA TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÍ NHỚ



QUA NẠN DỊCH NÀY, ĐỂ CHÚNG TA TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÍ NHỚ
______________________
Tác giả: DIÊM LIÊN KHOA

[tuoitrecuoituan]



(..trích)
Trong cuộc sống của chúng ta, trong lịch sử và hiện thực mà chúng ta đang sống, bất luận là kiếp nạn và tai ương của cá nhân, gia đình hay xã hội, thời đại, quốc gia, vì sao luôn cứ cái nọ nối tiếp cái kia như thế?
Vì sao những kiếp nạn và vực thẳm của lịch sử và thời đại luôn luôn do những cái chết và sinh mạng của hàng ngàn hàng vạn người dân chúng ta gánh chịu và lấp đầy?
Trong rất nhiều, rất nhiều nhân tố mà chúng ta không biết, không truy hỏi, không cho truy hỏi thì không hỏi, có một điểm, đó là CHÚNG TA LÀ NHỮNG CON NGƯỜI - HÀNG NGÀN HÀNG VẠN NGƯỜI DÂN CHÚNG TA HAY CON SÂU CÁI KIẾN - NHƯNG BẢN THÂN CHÚNG TA RẤT KHÔNG CÓ TRÍ NHỚ!
Ký ức cá nhân của chúng ta đã bị khoanh vùng, thay thế và xóa bỏ rồi!
Chúng ta thảy đều bị người ta cho ghi nhớ cái gì thì nhớ cái ấy, bắt quên cái gì thì quên cái ấy, bắt im lặng thì im lặng, cho hát ca thì hát ca.
Ký ức cá nhân đã trở thành công cụ của thời đại, còn ký ức của tập thể và quốc gia thì trở thành nơi phụ trách và phân phối cho cái quên hay cái nhớ của mỗi cá nhân.
Thử nghĩ một chút, chúng ta sẽ không thảo luận về những chuyện lịch sử đã được thay đổi nhan đề và áo bìa nữa, mà chỉ cần nói đến những chuyện trong hai chục năm gần đây nhất, và những tai họa gần như toàn quốc mà những bạn trẻ 8X, 9X giống như các bạn đều trải qua và nhớ được: bệnh AIDS, dịch SARS và dịch viêm phổi do virút corona chủng mới này. Rốt cuộc chúng là những tai nạn nhân họa, hay là kiếp nạn do ông trời gây ra mà con người khó có thể cưỡng lại như động đất ở Đường Sơn, Vấn Xuyên?
Trong những tai họa toàn quốc ở điều thứ nhất, yếu tố nhân tạo vì sao lại giống nhau tựa hồ cùng một khuôn đúc ra như thế?
Đặc biệt là sự hoành hành và lây lan của dịch SARS xảy ra 17 năm trước và dịch viêm phổi do virút corona chủng mới hôm nay, NÓ GIỐNG HỆT NHƯ CÙNG MỘT VỊ ĐẠO DIỄN ĐEM CÙNG MỘT VỞ BI KỊCH LẠI MỘT LẦN NỮA SOẠN LẠI VÀ TRÌNH DIỄN.
Là những con người nhỏ bé như một hạt cát, chúng ta đã chẳng những không thể truy vấn vị đạo diễn ấy là ai, mà cũng không có tri thức chuyên ngành để suy tưởng, cấu tứ và sáng tác hoàn nguyên lại kịch bản.
Vậy khi chúng ta lại một lần nữa đứng trước vở kịch sống chết đang soạn lại, ít nhất chúng ta có thể thử hỏi ký ức còn lưu lại về vở diễn bi thương lần trước của chúng ta đã đi đâu cả rồi? Trí nhớ của chúng ta đã bị ai xóa đi, moi đi mất rồi?!
……….

Người không có trí nhớ, về bản chất mà nói, chỉ là đất trên đường đi, trên đồng nội. Một cái giày da muốn giẫm chúng ta thành ra hình dạng thế nào, thì ấy là do hoa văn khắc trên đế cái giày da ấy quyết định.
Người không có ký ức, về bản chất mà nói, chỉ là một khúc gỗ hay tấm ván đã bị cắt đứt khỏi sinh mệnh trước kia của mình, tương lai chúng sẽ thành một đồ vật với hình dáng thế nào là do lưỡi búa và cái cưa quyết định.

………..

Đối với chúng ta mà nói - đối với những người vì say mê viết lách mà khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa, những người cả đời phải sống dựa vào những con chữ chúng ta, nếu như ngay chúng ta cũng đều vứt bỏ ký ức và trí nhớ đến từ máu và sinh mệnh của chúng ta, thuộc về cá nhân chúng ta, như vậy thì sáng tác rốt cuộc còn có ý nghĩa gì đây?
Văn học còn có giá trị gì đây?
Xã hội này của chúng ta còn cần nhà văn làm gì?
Dẫu có viết lách không ngừng, nỗ lực phấn đấu, trước tác đầy mình thì bạn với con rối gỗ bị người giật dây, điều khiển cũng có khác gì nhau đâu?
Nhà báo không viết những gì anh ta chính mắt trông thấy; nhà văn không viết về ký ức cá nhân, những cảm nhận của riêng mình; giữa dư luận của xã hội, những người có thể nói và biết nói, chỉ luôn dùng giọng điệu trữ tình chính thống đơn thuần của quốc gia để nói, để đọc, để hô hào, thì còn có ai có thể nói cho chúng ta biết được sống trên thế giới này, làm một cá thể chân thực chân tướng, và tồn tại với sinh mệnh đầy đủ máu thịt là gì?
Thử nghĩ một chút xem, VŨ HÁN NGÀY HÔM NAY NẾU NHƯ KHÔNG CÓ SỰ TỒN TẠI VÀ GHI CHÉP CỦA NHÀ VĂN PHƯƠNG PHƯƠNG, không có Phương Phương dùng văn tự để viết lại những ký ức và cảm nhận của cá nhân cô ấy, KHÔNG CÓ HÀNG NGÀN HÀNG VẠN NHỮNG NGƯỜI GIỐNG NHƯ PHƯƠNG PHƯƠNG, QUA CHIẾC ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG TRUYỀN TỚI CHO CHÚNG TA NHỮNG TIẾNG KÊU CỨU, NHỮNG TIẾNG GÀO KHÓC SỐNG CHẾT, THÌ CHÚNG TA SẼ NGHE THẤY NHỮNG GÌ ĐÂY, SẼ NHÌN THẤY NHỮNG GÌ ĐÂY?
Trong dòng thác lũ to lớn của thời đại, ký ức của cá nhân thường bị coi là những bong bóng, bọt nước, và tiếng ồn ào thừa thãi của thời đại, sẽ bị thời đại cắt bỏ, ném đi hay vứt sang một bên, khiến cho nó trở nên im lặng, không lời, giống như trước nay nó chưa từng tồn tại, vì vậy mà khi một thời đại giống như một cái guồng nước quay qua thì một sự lãng quên to lớn đã đến rồi.
Máu thịt có linh hồn đã không còn nữa rồi. Tất cả đều đã bình an và tĩnh lặng rồi.
Một điểm tựa có thể nâng cả địa cầu, nhỏ nhưng có sự chân thực của nhỏ, không còn nữa rồi!
Như vậy là lịch sử sẽ trở thành một truyền thuyết không căn không cứ, lãng quên và tưởng tượng.
Từ góc độ này mà nói, VIỆC CHÚNG TA LUÔN CÓ TRÍ NHỚ, SẴN CÓ MỘT KÝ ỨC CÁ NHÂN KHÔNG BỊ THAY ĐỔI, MÀI MÒN, MỚI LÀ MỘT VIỆC QUAN TRỌNG THẾ NÀO, LÀ SỰ CHÂN THỰC VÀ CHỨNG CỨ THẤP NHẤT ĐỂ NÓI MỘT CHÚT SỰ THỰC…
Nếu một ngày, ngay cả chúng ta cũng không còn chút ký ức và chân thực đáng thương ấy thì trên thế giới này, rốt cuộc có còn sự thực và chân tướng của cá nhân và lịch sử nữa hay không?
Nói thật rằng, trí nhớ và ký ức vốn có của chúng ta dẫu cho không thể thay đổi thế giới và hiện thực nhưng chí ít khi đối diện với sự thật được thống nhất, khoanh vùng, chúng ta cũng sẽ thầm nhủ trong lòng mình rằng: “Sự tình không phải như thế này!”. Chí ít khi bước ngoặt của dịch bệnh viêm phổi do virút corona chủng mới thực sự đã đến, trong tiếng trống chiêng ầm ĩ chúc mừng thắng lợi, chúng ta còn có thể nghe thấy, nhớ được những tiếng than khóc kêu gào bên lề của những cá nhân, gia đình.
Ký ức cá nhân không thể thay đổi thế giới, nhưng nó có thể khiến chúng ta có được một nội tâm chân thực.
Ký ức cá nhân không nhất định có thể trở thành sức mạnh thay đổi hiện thực, nhưng khi bắt gặp những lời dối trá chí ít nó có thể giúp chúng ta đặt một dấu hỏi trong lòng mình.
Chí ít là, một ngày nào đó lại có thời đại của đại nhảy vọt, đại luyện gang thép, thì chúng ta tin rằng cát không thể luyện thành thép được, sản lượng một mẫu không thể đạt được một vạn cân, là những hiểu biết thường thức cơ bản nhất của thường thức, chứ không hề có kỳ tích ý thức sáng tạo vật chất, không khí sản xuất ra lương thực đâu. Cũng chí ít là, một ngày nào đó lại có một cuộc cách mạng giống như “mười năm kiếp nạn ấy” thì chúng ta có thể đảm bảo rằng sẽ không đem cha mẹ mình tống vào nhà tù hay lên đoạn đầu đài.
Các bạn thân mến, chúng ta đều là học sinh văn khoa, chúng ta có thể cả đời đều phải dựa vào ngôn ngữ để giao lưu với hiện thực và ký ức.
Nói về ký ức, chúng ta không nói những câu như ký ức của hàng ngàn hàng vạn cá nhân, cũng chính là ký ức của tập thể, ký ức của quốc gia, ký ức của dân tộc, bởi vì trong lịch sử của chúng ta, ký ức quốc gia, ký ức tập thể luôn luôn che đậy, thay đổi trí nhớ và ký ức cá nhân của chúng ta.
Vào hôm nay, lúc này đây, khi bệnh dịch vẫn còn rất lâu mới ngưng kết thành ký ức, nhưng bên cạnh, xung quanh chúng ta, đều đã bắt đầu vang lên những tiếng trống chiêng ca tụng thánh minh, vui mừng khánh chúc rồi. Chính vì một điểm này, tôi hi vọng các bạn, hi vọng chúng ta - những người đã trải qua kiếp nạn dịch bệnh viêm phổi do virút corona chủng mới, từ việc trải qua kiếp nạn này đều có thể trở thành những người luôn có trí nhớ, những người có thể khiến trí nhớ sản sinh ra ký ức.
Trong thời gian không lâu nữa, có thể dự đoán trước được, khi tiếng chiêng trống vang trời, thơ văn tới tấp, bắt đầu vang trời dậy đất ca tụng thắng lợi của cuộc chiến đấu đánh thắng bệnh viêm phổi do virút corona chủng mới, hi vọng mọi người chúng ta không phải là những người sáng tác sáo rỗng ấy, mà chỉ cần là một người có được ký ức cá nhân chân thực.
Khi màn diễn xuất hoành tráng che trời rợp đất diễn ra, hi vọng chúng ta không phải là những diễn viên hay người đọc tấu trên sân khấu, không phải là người vỗ tay cho màn diễn ấy, mà là một người yếu đuối bất lực, đứng cách xa nhất sân khấu ấy, lặng lẽ xem trò diễn mà mắt tràn lệ nóng.
Tài hoa, dũng khí và tâm lực của chúng ta, nếu như không thể khiến chúng ta trở thành một người viết như Phương Phương thì chí ít trong đám đông đang nghi kỵ, chê cười Phương Phương, không được có hình bóng và tiếng nói của mình.
Trong đời thịnh trị êm đềm mà cuối cùng sẽ phải quay về, phải đến ấy, trong tiếng hát ca mênh mang như đại dương, đối diện với căn nguyên và sự lan tràn của dịch bệnh này, NẾU CHÚNG TA KHÔNG THỂ ĐEM CÂU HỎI NGHI VẤN NÓI TO LÊN THÌ NHỎ LỜI THAN THỞ CŨNG LÀ LƯƠNG TRI VÀ DŨNG KHÍ.
Đứng sau trại tập trung Auschwitz (trại tập trung của Đức Quốc xã ở Ba Lan - ND) làm thơ là dã man, nhưng nếu lại không nói không rằng và lãng quên thì chẳng những là dã man, mà còn càng dã man, đáng sợ hơn vậy.
KHÔNG THỂ LÀM MỘT NGƯỜI THỔI CÒI NHƯ LÝ VĂN LƯỢNG THÌ HÃY ĐỂ CHÚNG TA LÀM MỘT NGƯỜI NGHE THẤY TIẾNG CÒI.
KHÔNG THỂ NÓI LỚN THÌ LÀM MỘT NGƯỜI NÓI THẦM, KHÔNG THỂ LÀM MỘT NGƯỜI NÓI THẦM THÌ LÀM MỘT NGƯỜI IM LẶNG CÓ TRÍ NHỚ VÀ KÝ ỨC.
Trong dàn hợp xướng muôn người ca ngợi cuộc chiến tranh thắng lợi trước phát sinh, hoành hành và tràn lan của dịch bệnh lần này sắp diễn ra này, hãy để chúng ta lặng lẽ đứng sang một bên, trở thành một người mang mộ phần trong tim, một người có trí nhớ in sâu, một người có thể trong một ngày nào đó đem trí nhớ ấy sinh ra ký ức cá nhân và trao nó lại cho những người đi sau mình. ■

Châu Hải Đường (dịch)




..........