ĐỒNG TÂM SAU VỤ THẢM SÁT ÔNG LÊ ĐÌNH KÌNH – NGƯỜI DÂN THẤY GÌ?


ĐỒNG TÂM SAU VỤ THẢM SÁT ÔNG LÊ ĐÌNH KÌNH – NGƯỜI DÂN THẤY GÌ?


MẠNH KIM





Những “bí ẩn” của câu chuyện Đồng Tâm ngày càng được lộ ra. Những gì được kể dưới đây từ những người trực tiếp đến Đồng Tâm để tìm hiểu sự thật sau khi ông Lê Đình Kình bị giết hại đã cho thấy không chỉ sự dối trá mà còn tàn ác của những kẻ âm mưu đứng trong bóng tối. Hãy đọc những ghi chép này, hãy lưu lại, hãy giữ kỹ như những tư liệu làm bằng chứng cho một trong những tội ác bất nhân nhất lịch sử đương đại Việt Nam.


Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu:
Không bức tường nào sập. Không có bức tường nào của nhà ông Lê Đình Kình bị công an nổ mìn đánh sập cả. Ngôi nhà gần như nguyên vẹn, trừ các vết đạn… Cũng không có hầm chông nào… Nhà ông Kình rất nhỏ… Nhà ông Kình nghèo. Bàn ghế, giường chiếu, bếp núc đơn sơ, lạc hậu. Chiếc tủ sắt trong phòng ông Kình, ngăn trên đựng quần áo ngăn dưới đựng giấy tờ mà bà Kình nói cảnh sát đã phá khóa lấy hết những tài liệu quan trọng liên quan đến đất Đồng Sênh, nó nhỏ cũ và mang hơi hướng quân đội làm tôi nghĩ mình đang đứng trong phòng làm việc của tòa án quân sự thập niên năm mươi.
Bốn người chết ở Đồng Tâm sáng ngày 9 tháng 1 đều mang dòng máu đỏ tươi nhức nhối, đều đã được mặt trời chân lý chói qua tim. Cầu thang dẫn lên gác hai nhà ông Kình, chỗ dễ nhìn thấy nhất treo huy hiệu 55 tuổi đảng cùng nhiều huân huy chương do chính quyền khen tặng. Không kịp hỏi bà Kình, bảng hiệu và huân huy chương ấy ông Kình đã treo lên từ trước hay sau ngày Rằm tháng Chạp - ngày ông bị tổ chức bắn chết, người nhà mới bày ra?
Tôi đồ rằng chúng đã có ở đó từ trước, từ lâu, bởi ngay trước lúc bị bắn không lâu, ông Kình vẫn tin Đảng sẽ xử lý các nhóm lợi ích để đất Đồng Tâm vẫn thuộc về dân Đồng Tâm, vẫn tin và ca ngợi người đốt lò vĩ đại Nguyễn Phú Trọng. Bởi ngay khi chúng tôi bước vào ngôi nhà nhỏ, trước bàn thờ lạnh buồn của ông Kình, bà Thành cùng người hàng xóm đã khóc khóc mếu mếu mà rằng các bác ơi, cả một đời ông theo đảng, phục vụ nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng mà bị chết như thế, các bác giúp với. Bởi trên chiếc bàn nhựa cũ kỹ đặt ngoài sân, giữa đám cốc chén nhỏ vô danh, nổi bật chiếc ấm pha trà cỡ vừa màu trắng in chữ xanh: Đại hội đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015 – 2020 kính tặng.
Tôi rất muốn hỏi bí thư chi bộ xã Đồng Tâm, sao chưa khai trừ đảng viên Lê Đình Kình khỏi tổ chức, khi ông là “đối tượng chống đối nguy hiểm” như vậy? Tôi tự hỏi mình, loạt đạn đã bắn vào nhà ông Kình, thủng tường, thủng cửa, thủng tủ, thủng tim, sao không thủng bảng hiệu 55 năm tuổi đảng. Nếu đạn trúng tấm vinh danh ấy, nó sẽ thành hiện vật lịch sử, một hiện vật bi hài.
Đứng bên bờ chiếc giếng trời “huyền thoại”, giữa hai ngôi nhà của hai con trai ông Kình, những người bị bắt đi, người nhà chưa nhận được tin tức gì, không biết sống chết ra sao, tôi cứ băn khoăn mãi. Giếng hẹp nhỏ tới mức tôi không thể tin cả ba cảnh sát cùng ngã xuống một lúc. Từ bậu cửa sổ nhà này nhảy qua giếng để sang sân thượng nhà kia, một cậu bé tiểu học cũng có thể dễ dàng nhảy qua, làm sao một người ngã, người thứ hai, lại tiếp thứ ba?... Người thân của ba cảnh sát thiệt mạng, liệu họ có hoài nghi, có căm thù người ra lệnh tiến quân vào Đồng Tâm? Nếu tôi là họ, thay vì nhận những huân chương bằng khen sáo rỗng vô hồn, tôi sẽ đấu tranh để tìm sự thật cái chết của con mình. Nhưng đời có nhiều điều không tưởng vẫn xảy ra, chúng ta không đủ chứng cứ, không có chứng cứ nào ngoài lời khai của các bị can trên tòa án VTV, những lời khai phát ra từ đôi môi, từ cổ họng, từ tinh thần bị tra tấn bầm dập.
Tra tấn. Tôi tin những lời kể của bà Thành về việc mình bị đánh, con mình bị đánh. Chính mắt tôi đã chứng kiến công an phường đánh cậu công nhân bị nghi ăn trộm máy bơm trong công trình xây dựng khi đang ngồi khai giấy tờ tạm trú tại trụ sở công an một phường không xa mấy Ba Đình. Tát rồi đấm, rồi dùi cui điện nổ tanh tách trên người cậu công nhân. Chỉ là ăn trộm máy bơm, huống hồ đồng đội mình bị chết, huống hồ chống trả bằng vũ khí. Bản chất công an Việt Nam, không đánh mới lạ, nhưng đánh đến mức thân tài ma dại như trên tòa VTV thì có lẽ cần khởi tố vụ án hình sự.
Tôi tin những lời kể của bà Thành, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là năm mươi phần trăm sự thật của tổng thể vụ việc. Cũng dễ hiểu. Năm mươi phần trăm còn lại bà không nhìn thấy hoặc bất lợi cho con cháu bà, bà làm sao kể. Bà bị lôi đi trước lúc cảnh sát lao vào phòng ông Kình, bà làm sao biết ai bắn ông, người ta bắn ông thế nào, tay ông cầm lựu đạn hay không. Bà ở tầng dưới, làm sao biết tầng trên con cháu bà có phóng dao, ném bom xăng thiêu chết ai không.
Tôi xem clip sinh hoạt thường kỳ của nhóm Đồng Thuận như họp chi bộ đảng, công khai hơn họp chi bộ đảng. Tôi nghe họ hô hào chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Họ hoạt động như một bộ máy, họ tất nhiên chuẩn bị vũ khí. Chỉ là số vũ khí đó có kịp mang ra chiến đấu hay không, chiến đấu như thế nào, có phải nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của ba cảnh sát hay không thì chúng ta chưa biết. Cũng như chúng ta chưa biết ai ra lệnh bắn ông Kình, ai bắn ông Kình, ai ra lệnh mổ bụng ông Kình.
Một điều khác tôi rất muốn biết mà chưa kịp tìm hiểu. Trong số người bị bắt, ngoài con cháu ông Kình, còn khá nhiều dân khác. Những người đó họ bị bắt ở đâu, trong ba căn nhà bố con ông Kình, hay ở ngoài đường hay dưới mái nhà họ? Theo tôi, chi tiết này quan trọng. Với lực lượng chính quy hùng hậu, không khó để ban ngày ban mặt, giữa thanh thiên bạch nhật, mấy trăm quân cầm lệnh bắt lệnh khám tiến vào Đồng Tâm bắt giữ nhóm Đồng Thuận. Nhưng người ta đã không làm thế.
Mọi suy luận lúc này phần nhiều dựa vào trực giác. Chúng ta có quyền đòi hỏi một ủy ban điều tra độc lập vụ việc Đồng Tâm. Vì chúng ta đã thấy Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mang về lại lên truyền hình tự đầu thú. Chúng ta đã nghe trước tòa, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng bỏ qua vị quan tòa bù nhìn mà ngân lên thống thiết lời xin lỗi “chú Nguyễn Phú Trọng”. Và ngay lúc này, người bị bắt cần có luật sư, phải có luật sư. Những ngôi nhà lúc này chỉ còn đàn bà và con trẻ, họ có quyền được biết chồng cha con mình sống chết ra sao. Đó là quyền con người tối thiểu mà “chú Nguyễn Phú Trọng” hay bất cứ ai cũng không được phép cướp mất.
................
Nhà báo Lã Minh Luận
Hôm nay, mồng 4 Tết, tức ngày 28-1-2020, tôi và một người em đã đến được nơi ấy... Cái Thôn Hoành (Đồng Tâm) nhỏ tí xíu mà có cái trụ sở ủy ban to đùng, khang trang giữa cái làng có những ngôi nhà rất khiêm tốn ấy... Cái nơi có cơn bão kinh hoàng vừa đi qua...
Bước vào bên trong, là phòng ngủ của cụ bà và cụ ông. Kín mít, nhỏ hẹp, không có cửa sổ thông khí. Cụ Thành kể: "Hôm người ta xộc vào nhà, tôi ngủ bên này, ông cụ nhà tôi ngủ bên kia (nơi có cái tủ sắt bị bắn, phá tung). Họ đứng ngoài cửa xịt hơi cay, khí ngạt gì đó. Tôi ho sặc sụa và ông cụ nhà tôi thì mệt không thở được. Tôi chạy ra lấy khăn mặt dấp nước cho ông ấy bịt mũi, miệng... thì họ phá được cửa, xông vào, khoá tay tôi lôi đi còn ông cụ, tôi không biết người ta đã làm gì ông ấy... Các con tụ về để bảo vệ bố nhưng khi hơi cay, khói bụi mù mịt, không thở được thì chúng nó chạy hết lên sân thượng rồi tôi nghe tiếng súng đạn nổ chí chéo, đùng đoàng trên đó, cả nhà hoảng loạn, hỗn loạn... không còn biết là cái gì xảy ra nữa... Khi được họ thả về thì thấy máu me đầy giường, đầy phòng của ông ấy. Lúc chôn xong, trở về cứ thấy buồng ngủ của ông ấy mùi thối khắm...
Tìm mới lôi ra dưới gầm giường một bao tải quần áo đầy máu me của ông ấy... (cụ khóc)... Nhà cửa, tất cả đều bị lục tung, bản đồ đất dán trên tường bị xé bỏ hết. Người ta bê mất đi cái hòm gỗ có để bản đồ, hồ sơ giấy tờ đất đai... đều ở trong ấy hết... Lấy hết rồi bác ạ! (cụ khóc...)". Tôi nói: "Sao biết họ rục rịch tấn công vào làng mà chẳng cất giấu đi nơi khác cho an toàn?". Cụ Thành bảo: "Có ai ngờ được đâu. Ông cụ nhà tôi tin vào ông Trọng chống tham nhũng lắm! Ông ấy tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ Đảng tuyệt đối... Ai ngờ đâu được bác ơi!". Cụ lại khóc... Tôi hỏi tiếp: "Ngoài bê mất hòm tài liệu đất đai, họ còn lấy đi cái gì nữa không?". Cụ trả lời: "Nó lấy mất chiếc ô tô trả góp của vợ thằng Uy, bê mất hai cái két sắt của nhà Công và nhà Chức."
Tôi hỏi tiếp: "Nghe người ta nói rằng hôm ấy có 20 thằng nghiện được cụ Kình nuôi trong nhà... đã chống người thi hành công vụ ghê lắm cơ mà cụ?". Cụ Thành bảo: "Làm gì có thằng nghiện nào! Nhà tôi ăn còn chả đủ, làm gì có tiền nuôi ai? Ông nhà tôi mua một xuất bánh cuốn ăn sáng còn phải xẻ, nhường cho tôi một nửa, bảo tôi ăn để còn uống thuốc... ". Cụ Thành nghẹn lại không nói thêm được gì.
Tôi hỏi tiếp: "Thế hôm ấy, mấy anh công an đã chết như thế nào, cụ và gia đình có biết không? Có phải mấy anh em nhà mình ném bom xăng xuống cái giếng trời làm họ bị chết cháy không?". Cụ Thành lại vật ra kêu giời ơi...! Đúng lúc ấy, mấy người hàng xóm và hai người con gái của cụ Thành bước vào, mọi người đồng thanh đáp: "Cả làng không ai nhìn thấy, không ai biết họ chết thế nào, không ai biết họ chết lúc nào, khi nào, sau này chỉ nghe công an nói... (mấy người quả quyết)... Tôi hỏi tiếp: "Vậy, vì sao mấy anh em, chú cháu lại nhận là ném bom xăng xuống giếng trời đốt cháy họ?". Cụ Thành và mấy người nói: "Cũng chả biết, chắc họ đánh đau quá, bắt phải nhận thôi, chứ thằng Uy vừa ló mặt ra sân thượng đã bị người ta bắn gãy tay, còn thả chó ra đuổi cắn... thì ai có thể chạy sang tận sân nhà bên để ném bom xăng...?"
...........
Giáo sư toán Hoàng Xuân Phú
Mục đích của bài viết này là tìm kiếm sự thật, nhằm trả lại công bằng cho người đã khuất, đồng thời cảnh tỉnh những người nhẹ dạ cả tin, vì quá tin lời dối trá mà căm thù và xúc phạm những nạn nhân vô tội. Hơn nữa, cũng giúp những người có lương tâm trong bộ máy điều tra và xét xử tránh lầm đường lạc lối.
Cụ Kình đã bị tra tấn hết sức dã man. Rùng rợn thay, đầu gối của cụ bị bắn vỡ tung, khiến cẳng chân lủng lẳng, chỉ dính với đùi nhờ phần da thịt còn sót lại. Tôi thành tâm khuyên mọi người Việt, đặc biệt là giới cầm quyền, nghiêm túc xem đoạn video quay cảnh người thân lau thi thể của cụ Lê Đình Kình, để hiểu thêm chút ít về giai đoạn lịch sử Dân tộc mà chúng ta đang sống.
Cụ Kình có khả năng "cầm giữ quả lựu đạn" trên tay trong suốt quá trình bị tra tấn cho đến khi bị giết hay không? Liệu những kẻ tra tấn cụ có để cụ cầm quả lựu đạn khi chúng tra tấn hay không? Rõ ràng, đó là một sự bịa đặt vô cùng trắng trợn, không chỉ vu khống cụ Lê Đình Kình, mà còn hết sức coi thường dư luận. Chỉ riêng phát ngôn "Trên tay của Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn, sau khi ném một quả không nổ" đã đủ để lột tả mức « trung thực » và « trình độ tư duy » của Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Và cũng đủ để cảnh tỉnh những ai tin vào các thông tin mà Bộ Công an đưa ra về vụ Đồng Tâm...
Ba sĩ quan công an bị chết là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân và Trung úy Phạm Công Huy. Họ được lãnh đạo và đài báo quốc doanh ca ngợi đã dũng cảm hy sinh. Song liệu bản thân họ có tự hào và hài lòng với sự hi sinh của mình hay không? Sau khi tung ra mấy kịch bản hoang đường về nơi chết và lý do chết của ba sĩ quan công an, sáng 14-1-2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã thông báo cho báo chí về tình huống ba sĩ quan công an hi sinh ở Đồng Tâm như sau:
"Đối tượng chạy vào nhà Lê Đình Chức, và từ nhà Lê Đình Chức khi bị chúng ta truy đuổi thì chạy sang nhà Lê Đình Hợi. Trong quá trình truy bắt đối tượng từ nhà Lê Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi, giữa hai nhà có một hố thông gió, hố kỹ thuật khá sâu, gần 4 m, anh em ngã xuống hố. Có một số thông tin các đối tượng đào hố chông, thì hoàn toàn ở dưới không có chông. Là hố kỹ thuật. Hố không có nắp, như một số vụ tai nạn hố ga. Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt."
Thuyết phục chưa? Vậy hãy từ từ ngẫm lại nhé. Đầu tiên, ông Chức sai Doanh châm lửa. Sau khi châm lửa thì Doanh đi xuống, còn ông Chức ở lại và đổ xăng xuống hố kỹ thuật. Tức là, ông Chức đứng trên sân thượng và đổ xăng xuống đám cháy trong hố. Điều gì sẽ xảy ra? Ngay cả trẻ con cũng biết, lửa ở dưới hố sẽ bén ngay vào dòng xăng, chảy xuống từ can xăng mà ông Chức đang cầm, khiến cả can xăng cũng bùng cháy. Hiển nhiên, ông Chức phải buông tay ra, và can xăng rơi xuống, tràn lênh láng trên mặt sân thượng. Thế là ông Chức bị lửa bao vây. Không sao. Theo lời khai của Doanh, ông Chức vẫn tiếp tục đổ thêm xăng từ 2 đến 4 lần gì đó. Vậy là lửa quanh người ông Chức càng bốc cháy dữ dội. Song cuối cùng ông Chức vẫn sống, để rồi bị công an bắt và truy tố vì tội giết người thi hành công vụ. Ngạc nhiên chưa? Rõ ràng, kịch bản mà Doanh bị ép phải khai nhận hoàn toàn phi lý và ngớ ngẩn.
Tóm lại.., ta rút ra: Người dân Đồng Tâm không hề có lỗi trực tiếp hay gián tiếp đối với cái chết của ba sĩ quan công an. Họ không hề làm gì khiến ba sĩ quan công an bị rơi xuống hố kỹ thuật. Và họ cũng không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật rồi châm lửa đốt ba sĩ quan công an, như phía công an đã cáo buộc… Có kẻ đã hạ gục ba sĩ quan công an và ném họ xuống hố kỹ thuật. Ban đầu ném xuống hai người, rồi phóng hỏa thiêu cháy họ. Khi nhiên liệu chỉ còn lại khá ít, thì người còn lại mới bị ném xuống. Thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an không phải là chất lỏng (chẳng hạn như xăng), mà là một thứ nhiên liệu cực mạnh ở dạng bột, hay dạng rắn nào đó. Không phải là người dân Đồng Tâm, lại có thể đến gần ba sĩ quan công an được trang bị đầy đủ súng ống để hạ gục họ, thì hung thủ có thể đến từ đâu, nếu không phải từ đám tấn công vào Đồng Tâm?
Việc giết hại cụ Lê Đình Kình và việc giết hại ba sĩ quan công an đều là tội ác. Hai tội ác giết người ấy đều phải bị khởi tố, điều tra và đem ra xét xử nghiêm khắc. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 20 bị can người Đông Tâm về hành vi giết người thi hành công vụ. Việc đó cũng na ná như đội quân xâm lược mà lại cáo buộc người dân bản xứ tội giết người, khi họ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình. Tuy nhiên, như đã viết ở trên, cả 20 bị can đã bị khởi tố đều không liên can đến cái chết của ba sĩ quan công an. Không thể chỉ chăm chăm truy tố tội giết người thi hành công vụ, mà lờ đi tội nhân danh thi hành công vụ để giết người…
…..
Ba bài viết trên dài tổng cộng hơn 16.000 từ. Tôi đã rút gọn lại để những anh chị không có thời gian đọc vẫn có thể thấy được khái quát bức tranh Đồng Tâm với những tình tiết liên quan cái chết ông Lê Đình Kình mà không bất kỳ tờ báo nhà nước nào dám đề cập. Thành thật xin lỗi ba tác giả vì sự rút gọn này.



.........../.

CUỘC CHIẾN ĐẪM MÁU, DAI DẲNG CHỐNG TRUNG CỘNG XÂM LƯỢC



Tưởng niệm 41 năm cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc



CÂU LẠC BỘ LÊ HIẾU ĐẰNG



CUỘC CHIẾN ĐẪM MÁU, DAI DẲNG CHỐNG TRUNG CỘNG XÂM LƯỢC BỊ COI NHẸ HẾT SỨC TRONG SÁCH LỊCH SỬ VIỆT NAM “CHÍNH THỐNG”

“5h sáng ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực, 2.559 khẩu pháo, 550 xe tăng và thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lào Cai (30Km), Lai Châu (15km), Cao Bằng (50km).
Quân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam”. (Trang 355, Tập 14, Lịch sử Việt Nam, NXB KHXH)

Những dòng trên là toàn bộ dung lượng viết về cuộc chiến chống Trung Quốc Cộng sản xâm lược Việt Nam trong 10 năm ròng rã đẫm máu từ 17/2/1979 đến tháng 12/1988 trong bộ sách “Lịch sử Việt Nam” của Viện Sử Học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam 15 tập, với 10.000 trang (khoảng 290.000 dòng). Riêng giai đoạn năm 1930 đến năm 2000 đã có 6 tập (tập 9-15), với tổng số khoảng 3.600 trang (ước khoảng 103.000 dòng).

1.-Tại sao lại gọi đó là cuộc chiến đẫm máu?
Bởi nếu so với 58.000 lính Mỹ chết ở Việt Nam giai đoạn 1963-1973, thì số lính Trung Quốc chết là 62.500 tên (1979-1989), nhiều hơn 4.500 tên. Chưa kể ngoài cuộc chiến phía Bắc này, còn có cuộc chiến do Khmer Đỏ xâm lược Tây Nam – Việt Nam 1977-1978 từ cùng một bộ não chỉ huy là Cộng sản Bắc Kinh, và với trang bị hậu cần, vũ khí giết người Việt Nam cũng “made in China” mà thiệt hại hai bên chưa thấy công bố (?)
Lịch sử rồi sẽ phải công khai sự thật số lượng người Việt Nam thương vong trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở cuối thế kỷ 20, nhưng theo các nhà quan sát phương Tây ước tính, thì quân và dân Việt Nam hy sinh trong hai cuộc chiến biên giới mà nguyên nhân là từ Trung Quốc Cộng sản gây ra khoảng 100.000 người.
Còn nhiều sự thật đã phơi bày ngay trước thanh thiên bạch nhật: 4 thị xã của Việt Nam là Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Cam Đường bị quân Trung Quốc phá hủy hoàn toàn; 6 tỉnh Biên Giới phía Bắc Việt Nam bị Trung Quốc phá hủy triệt để hạ tầng giao thông gồm cả đường sắt, đường bộ, cầu cống, điện, nước, và các cơ sở kinh tế kỹ thuật khác như trụ sở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, nhà ga, trường học, bệnh viện, cửa hàng bách hóa… nơi quân Trung Quốc đi qua.

Sử “chính thống” không ghi, nhưng báo chí nói nhiều đến việc quân Trung Quốc thảm sát dã man người Việt Nam ở Tổng Chúp (chúng giết 43 phụ nữ, trẻ em rồi quăng xuống giếng ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng, tháng 2/1979).
Chính vì sách Lịch sử “chính thống” viết quá sơ lược, thậm chí không viết về những sự kiện chiến tranh biên giới Việt – Trung trong những năm 1984-1989, nên rất nhiều người Việt Nam đến nay vẫn cho là cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược ngày 17/2/1979 chỉ kéo dài 1 tháng.

Nhiều người Việt Nam trưởng thành vẫn tưởng nhầm cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lược khởi đầu 17/2/1979 đã chấm dứt khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố hoàn thành rút quân ngày 16/3/1979 do đã “dạy xong cho Việt Nam bài học”. Sự thật là do Trung Quốc thất bại nặng nề về quân sự, do vũ khí lạc hậu, kỹ thuật, chiến thuật lạc hậu, chỉ huy tác chiến kém, huấn luyện kém… khi tiến đánh Việt Nam, Đặng đã chỉnh huấn như vậy khi họp Quân ủy Trung Quốc.
Nhiều sự thật về những trận chiến sau đó, mà sách sử “chính thống” không nhắc đến, ví dụ sơ lược vài dòng như sau:

Từ tháng 4/1984 – 12/1988, tại khu vực núi đá Vị Xuyên, Hà Giang là nơi được các chiến sĩ tiền tiêu Việt Nam ở các sư đoàn F356, F313, F312, F316… gọi là “lò vôi thế kỷ” (do hứng chịu hàng trăm ngàn quả đạn pháo cả hai bên làm núi đá bị nung nóng thành vôi) đã đối đầu với nhiều sư đoàn, quân đoàn, quân khu của Trung Quốc tấn công đánh chiếm, tái chiếm giằng co từng mét đất biên cương, bộ đội Việt Nam đã tổn thất 4.000 (có nguồn ghi 5.000) sĩ quan chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 bị thương, hàng chục người bị bắt. Nhiều Liệt sĩ Việt Nam ở khu vực này đến nay không có mộ, nhiều ngôi mộ vô danh vì cuộc chiến quá ác liệt nên thịt nát xương tan lẫn lộn, khi quy tập đã không xác định được hình dạng, họ tên!
Chỉ riêng tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên giai đoạn (1984-1989) quân Trung Quốc bị chết 15.178 tên, bị thương 17.757 tên.
Chỉ trong một đêm 12/7/1984 mở màn chiến dịch tiến công tái chiếm các điểm cao 685, 1509, 772, 1030 do quân Trung Quốc đánh chiếm từ tháng 4/1984, riêng F356, quân đoàn 29, Quân khu II của Việt Nam đã thiệt hại hơn 600 sĩ quan, chiến sĩ (có nguồn ghi ngày đó, tại các điểm cao trên các Sư đoàn Việt Nam bị thiệt hại 1200)“. (Tóm tắt trang 449, 450 sách VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT TRUNG của Phạm Viết Đào)

Quân Trung Quốc còn thảm sát 74 sĩ quan chiến sĩ công binh Việt Nam ra xây đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, và Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma và nhiều đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho đến nay.

Những sự phá hoại và giết chóc hàng vạn người Việt Nam do Trung Quốc gây ra cho Việt Nam (1979-1989) đã vượt quá bao lần giá trị Trung Quốc viện trợ hậu cần, nhân sự và vũ khí cho Việt Nam đuổi Pháp (1950-1954) giúp tạo vùng đệm an toàn cho biên giới phía Nam của Cộng sản Trung Quốc, và để Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chống Việt Nam Cộng hoà (thực chất là giết hại đồng bào Miền Nam – Việt Nam) và “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” (1954-1975)?

2.- Tại sao lại gọi là cuộc chiến dai dẳng?
(a) Nếu định nghĩa chiến tranh xâm lược là một quốc gia đưa quân đi giết người của nước đối phương để chiếm lãnh thổ, thì cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Vì từ vụ Trung Quốc xâm lược, bắn giết người Việt Nam để chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974; tiếp đó là Bắc Kinh dùng cộng sản Polpot xâm lược Tây Nam – Việt Nam; đặc biệt cuộc xâm lược 6 tỉnh biên giới Bắc Việt Nam từ 17/2/1979 -1989; vụ thảm sát 64 sĩ quan binh sĩ Việt Nam tại Gạc Ma để chiếm Gạc Ma và một số đảo đá thuộc Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988, cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ và xây căn cứ quân sự trên đó. Cuộc chiến tranh sử dụng “sức mạnh cứng” như thế chưa kết thúc.
(b) Nếu xét theo loại hình xâm lược bằng “sức mạnh mềm” như dùng chiến tranh tâm lý, kinh tế, văn hóa, giáo dục, luật pháp, ý thức hệ, thể chế chính trị… để một quốc gia này bắt quốc gia khác phải quy phục, phải lệ thuộc, phải “gọi dạ, bảo vâng”, thì Trung Quốc Cộng sản đã thực hiện loại hình này với Việt Nam ngay từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 18.1.1950 đến nay.

Nhà ngoại giao kỳ cựu từng làm Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh 14 năm (1974-1987), Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết:
“Lược lại một đoạn lịch sử quan hệ Trung Quốc- Việt Nam thì thấy: Ngay từ những năm 50 của thế kỷ 20, khi hai nước còn “hữu hảo” lắm, thì họ đã muốn chinh phục ta bằng lý luận tư tưởng Mao Trạch Đông qua nhiều con đường sách báo, các đoàn cố vấn, các mối quan hệ qua lại… Ta cũng có thời kỳ bị ảnh hưởng về lý luận, tư tưởng đó. Bằng chứng là lúc đó trong trường Đảng của ta còn có chương trình học tư tưởng Mao Trạch Đông và trong thực tiễn cũng làm nhiều việc theo cách của Trung Quốc như việc cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ hoặc việc chỉnh đốn tổ chức đấu tố “phản tỉnh” trong nội bộ…Trung Quốc chuyển sang chinh phục ta bằng kinh tế… họ bắt ta phải hàm ơn, phải đi theo… muốn giữ ta luôn ở thế yếu… Trung Quốc không muốn ta đàm phán (với Mỹ) mà muốn ta ‘đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng’…’Trung Quốc muốn kéo ta vào tầm ảnh hưởng, bắt ta phải thần phục họ’… Trung Quốc quen đối xử với các nước nhỏ theo cách kẻ cả, bất công bằng như thời bộ lạc ‘mạnh được yếu thua’, không còn coi công lý là gì ‘nghe lời ta thì được ‘tốt đẹp’, chống lại ta thì ta cho chết”. (Trang 115, 117, 118,119 sách “Kể Lại Cuộc Đời”, Hồi ức của Nguyễn Trọng Vĩnh).

Nay thì, ngay từ Lời nói đầu, Chương 1 của Hiến pháp Việt Nam đến nhiều điều cơ bản về thể chế chính trị, CHXHCN Việt Nam cũng “giống” Hiến pháp Trung Quốc. Rồi đến các chính sách mở cửa, cổ phần hóa, đa dạng các loại hình kinh tế… gần đây nhất là Luật Khu Hành Chính và Kinh Tế Đặc Biệt, Luật An Ninh Mạng thì Cộng sản Ba Đình luôn luôn giẫm đúng vết chân người đồng chí anh em bốn tốt Cộng sản Trung Nam Hải bất kể những chính sách, đạo luật ấy tốt hay xấu cho người dân Việt Nam.

Đến mức chỉ số minh bạch, chỉ số Tự do báo chí, Tự do internet, điểm số về đàn áp Nhân quyền… thì Việt Nam luôn luôn theo sát sàn sạt người anh em Cộng sản Trung Quốc.

Từ những điều trên đây, có thể khẳng định rằng cuộc chiến giành tự do độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam đến nay chưa kết thúc, đó là một “cuộc chiến dai dẳng”. 

Kẻ thù của dân tộc Việt Nam không ai khác chính là kẻ chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 19/1/1974, kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến đẫm máu hơn 43 năm trước ở biên giới Tây Nam, và 41 năm trước (từ 17/2/1979 – 1989) ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc. 

Nay kẻ thù vẫn ngang nhiên vẽ “lưỡi bò” để chiếm 80% biển Đông của Việt Nam, đang chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; kẻ với chiến lược “vành đai con đường” để bành trướng lãnh thổ; kẻ quấy phá biển đảo và thềm lục địa Việt Nam không để Việt Nam yên bình hợp tác với các nước khác khai thác dầu khí ở khu mỏ Cá Rồng Đỏ, bãi Tư Chính năm 2018, 2019…

Kẻ thù đó ngày nay với “sức mạnh mềm” kinh tế, văn hóa, chính trị… đã lôi kéo được nhiều người mang dòng máu Việt Nam nhưng cơ hội chính trị và tham lam quyền lực và vật chất, nhiều kẻ mang danh là trí thức Việt Nam cũng bị mờ mắt, bị lú lẫn đã vô tình hay hữu ý làm tay sai cho bọn xâm lược đất nước của ông cha mình.

Bộ lịch sử 15 tập, hơn 10.000 trang, với khoảng 290.000 dòng, viết cả chục ngàn dòng (ở hai tập 12, 13 với 1100 trang) về cuộc chiến ý thức hệ 1954-1975, cuộc chiến mà Cộng sản Trung Quốc “anh em” đã “tận tình giúp đỡ vũ khí, hậu cần” để “ta đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, nhưng chỉ viết 11 dòng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam với hàng chục vạn người Việt Nam chiến đấu hy sinh ở thế kỷ 20. 

Việc này làm lợi cho ai?

Tại sao sách sử “chính thống” hiện đại của Việt Nam không liệt kê những thiệt hại vật chất và sinh mạng vô cùng thảm khốc của Việt Nam trong hai cuộc chiến biên giới do Trung Cộng gây ra (1977-1989), mà lại ghi khá rõ “Việt Nam luôn luôn luôn biết ơn sự tận tình giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc” (trang 351, tập 14 Lịch sử Việt Nam, NXB KHXH) với những hạng mục vật chất, kinh tế, nhân sự khá chi tiết để “Việt Nam đánh đuổi hai nền văn minh Pháp và Mỹ” (1950-1975), để Việt Nam quay về thần phục Thiên Triều mọi mặt như ngàn năm phong kiến lạc hậu trước kia?

Phải chăng Viện Sử Học của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam cũng bị “tê liệt và thất thủ” trước cuộc xâm lăng bằng “sức mạnh mềm” của Cộng sản Bắc Kinh còn đang tiếp diễn?


CÂU LẠC BỘ LÊ HIẾU ĐẰNG

........../.

CÁI CHẾT CỦA LÝ VĂN LƯỢNG


ĐÊM HỖN LOẠN VÌ CÁI CHẾT CỦA LÝ VĂN LƯỢNG
____________



Bác sĩ Lý Văn Lượng trước và sau khi nhiễm nCoV. Ảnh: Weibo.



TRUNG QUỐCTối 6/2, truyền thông đưa tin bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời rồi đột ngột cải chính anh còn sống, nhưng rạng sáng hôm sau xác nhận cái chết.
Vào khoảng 22h ngày 6/2 (giờ địa phương), tin đồn bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng qua đời vì bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc. Thông tin này ngay lập tức khiến cộng đồng phẫn nộ và tỏ lòng thương tiếc, bởi bác sĩ Lý được coi là "người hùng" vì giúp cảnh báo sớm về chủng virus nguy hiểm.
Tới 22h40, tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, xác nhận trên Twitter rằng Lý đã qua đời. People's Daily ngay sau đó cũng đưa tin tương tự, gọi cái chết của bác sĩ 34 tuổi là "nỗi đau quốc gia".
Khoảng 23h30, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ "đau buồn sâu sắc" về sự việc trên Twitter, nhưng nhanh chóng xóa bài đăng. Trong một tuyên bố sau đó, WHO cho biết họ không có thông tin về tình trạng của Lý và chỉ đang trả lời câu hỏi tại một cuộc họp báo.
Bước ngoặt xảy ra vào 0h38 sáng 7/2, khi Bệnh viện Trung ương Vũ Hán thông báo Lý còn sống, nhưng trong tình trạng nguy kịch và các bác sĩ đang cố hết sức cứu chữa. Cũng trong khoảng thời gian này, các bài đăng về cái chết của Lý trên Global Times và People's Daily bị xóa.
Global Times lúc 0h57 đăng tweet cho biết Lý "vẫn đang được điều trị khẩn cấp, các phóng viên nghe thấy tiếng khóc trong phòng chăm sóc đặc biệt", nói thêm rằng bác sĩ này đã ngừng tim vào khoảng 21h30 tối hôm trước. Trên mạng xã hội, nhiều người cầu nguyện và hy vọng phép màu sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, động thái này được cho là chỉ nhằm xoa dịu sự giận dữ của công chúng. "Tình trạng của anh ấy rất nguy kịch và tim ngừng đập, nhưng sau đó anh ấy được đặt nội khí quản và thở oxy ngoại bào chỉ vì áp lực từ các quan chức", một nguồn tin giấu tên tại bệnh viện tiết lộ.
Thông tin này sau đó được chứng minh qua nhiều bài đăng trên mạng xã hội, bao gồm ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện giữa các bác sĩ, cho biết bệnh viện cố gắng hồi sức cho Lý để tránh sự tức giận của người dân.
Tuy nhiên, làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc không dừng lại mà tiếp tục dâng cao vào tầm 2h, khi cụm từ "Chúng tôi muốn tự do ngôn luận" trở thành xu hướng trên Weibo, nhưng sau đó bị kiểm duyệt. Những người dùng mạng xã hội này ngay lập tức tạo những hashtag khác, bao gồm "Tôi muốn tự do ngôn luận" và nhanh chóng thu hút gần 2 triệu lượt xem.
Tới 3h48, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán thông báo trên Weibo rằng bác sĩ Lý qua đời vào lúc 2h58 bất chấp những nỗ lực cứu chữa. "Chúng tôi bày tỏ sự hối tiếc và chia buồn sâu sắc", bài viết có đoạn. Global Times và People's Daily đăng thông tin này vào khoảng 4h.
Loạt thông tin mâu thuẫn về tình trạng sức khỏe của bác sĩ Lý dường như càng "khoét sâu" nỗi đau của công chúng. Bên dưới bài đăng của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán về sự ra đi của anh, những bình luận hàng đầu đều thể hiện sự tức giận trong khâu xử lý tin tức. "Các người nghĩ rằng chúng tôi đều đã đi ngủ sao? Không, chúng tôi vẫn thức", một bình luận cho hay.
Dịch viêm phổi cấp khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, được chính quyền thông báo lần đầu vào ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết ca bệnh đầu tiên xuất hiện từ đầu tháng 12 năm ngoái. Giới chuyên gia cũng nhận định nCoV có thể đã lây nhiễm trong cộng đồng vài tuần trước khi giới chức công bố dịch. Tới thời điểm Trung Quốc tích cực hành động từ ngày 20/1, nCoV đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng.
Ngày 30/12/2019, bác sĩ Lý gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), dịch khởi phát ở Trung Quốc năm 2002 khiến khoảng 800 người thiệt mạng trên toàn thế giới.


Ngay đêm hôm đó, giới chức Vũ Hán đã triệu tập Lý sau khi phát hiện tin nhắn. Anh bị mời đến đồn cảnh sát thành phố vào ngày 3/1 và buộc phải ký biên bản với nội dung "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội". Lý sau đó quay lại làm việc tại bệnh viện, nhưng nhiễm nCoV sau khi khám cho một bệnh nhân mắc bệnh mà không mặc đồ bảo hộ. Bố mẹ và người vợ đang mang thai của anh cũng bị lây bệnh.
"Là một nhà báo, tôi tránh viết thời điểm bác sĩ Lý qua đời là sáng sớm 7/2", Muyi Xiao, biên tập viên tạp chí trực tuyến ChinaFile, viết trên Twitter. "Điều quan trọng là chúng ta phải xác định thời điểm qua đời chính xác của anh ấy, để ngày mất không bị ấn định bởi chính quyền. Ít nhất anh ấy xứng đáng với điều đó".
"Ngày mai sau khi thức dậy, tôi cầu xin mọi người đừng quên những gì đã xảy ra đêm qua, vì tương lai của chính mình", một tài khoản Weibo viết.
.....................
Ánh Ngọc (Theo CNN, Al Jazeera)




NẾU ĐỒNG TÂM LÀ QUÊ CỦA TƯỚNG CHUNG, TƯỚNG HÙNG



NẾU ĐỒNG TÂM LÀ QUÊ CỦA TƯỚNG CHUNG, TƯỚNG HÙNG
 TRUONG HUY SAN



Trên văn bản, người dân Đồng Tâm bị coi là những người "chiếm đất quân sự", đang "sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn" (Thông báo 162/TB-UBND, ngày 16-5-2016). Rồi, hôm qua, 18-4-2017 - báo chí lạnh lùng coi họ là những người "gây rối trật tự công cộng".


Nhưng, trên đất có dân. Dân không phải là những con số khô khốc xuất hiện trong các văn bản. Hầu hết người dân thuộc 14 hộ có đất bị lấy giao cho Viettel này đã sống ở Đồng Tâm lâu đời. Kể cả thời bị đưa vào hợp tác xã, họ vẫn liên tục an cư, canh tác trên mảnh đất ấy cho đến khi Viettel cắm bảng gọi đó là "khu đất quân sự".


Dù ngày 14-4-1980, Phó thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định 113/TTg "duyệt cấp cho Bộ Quốc phòng (BQP) 208 hecta thuộc xã Trần Phú, Nông trường Lương Mỹ", xây dựng đợt I sân bay Miếu Môn. Nhưng, từ đó đến nay, chẳng có cái sân bay nào được xây ở đây cả. Cho tới trước khi có "Dự án", BQP "chưa hề thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ đang sử dụng đất" ở đó và cho tới ngày 1-12-2014, cả BQP lẫn tỉnh Hà Sơn Bình trước đây, lẫn Hà Tây và Hà Nội về sau, “chưa có văn bản nào xác định ranh giới khu đất này”.


Trên thực tế, ở đây, cũng có một đơn vị quân đội, Lữ đoàn 28 (nhận bàn giao từ Bộ Tư lệnh Công binh từ năm 1989). Về mặt nội bộ thì năm 1992, Lữ 28 có tiến hành lập sơ đồ khu đất. Nhưng, mãi tới năm 2014, đơn vị này mới có văn bản gửi Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 236,7 hecta, nhiều hơn 28,7 hecta so với diện tích mà năm 1980 Thủ tướng cấp. Ngày 27-3-2015, Bộ Tổng Tham mưu mới thu hồi 50,03 hecta đất thuộc khu này từ Lữ 28 để giao cho Viettel.


Cả về pháp lý và thực tế, phần lớn khu đất 236,7 hecta này, chưa từng được làm thủ tục hợp lệ (theo Luật Đất Đai năm 1993) và chưa từng được BQP sử dụng đúng mục đích mà quyết định 113/TTg giao. Lẽ ra, năm 2014, khi vùng này bắt đầu đô thị hóa (sau 6 năm nhập vào Hà Nội), Chính phủ nên thu hồi để cân nhắc sử dụng phần tài nguyên quốc gia đó sao cho hiệu quả nhất. Nếu "Dự án A1" mà Viettel đang tiến hành thực sự vì "mục đích quốc phòng" thì, trước hết, Chính phủ cũng nên cân nhắc chọn một chỗ trống dọc đường HCM thay vì đẩy quân đội vào thế "tranh" với dân bờ xôi, ruộng mật.


Nếu phần tài nguyên quốc gia đó được khai thác sao cho hữu ích nhất trong giai đoạn phát triển thời bình của đất nước thì, thay vì Quân đội hay các nhà kinh doanh địa ốc, trước hết, những cư dân ở đây phải được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên đó. Gia đình họ đã chịu đựng "quy hoạch treo" 37 năm, nay, khi đất tăng giá tại sao họ lại trở thành người ngoài cuộc.


Hãy nghe câu chuyện thực dân Pháp và hãng Shell ứng xử với nông dân ở Nhà Bè hồi đầu thế kỷ (Tư liệu của nhà báo Mai Bá Kiếm (Ba Kiem Mai), hậu duệ của người trong cuộc):


Năm 1911, hãng Shell (tập đoàn Anh - Hà Lan) đến Nhà Bè đầu tư Cảng và kho chứa xăng dầu. Chính quyền Pháp thay vì đứng ra đền bù đất rồi giao cho Shell mà để cho Shell thương lượng trực tiếp với 3 chủ đất tại đây, thuê 100 mẫu, thời hạn 99 năm. Lúc bấy giờ, 3 chủ đất đang cho cả trăm tá điền thuê với mức 10 giạ lúa/1.000m2/năm). Shell đàm phán giá thuê cao gấp 5 lần, lại được lãnh tiền hàng tháng qua Cheque.


Chủ đất rất mừng, nhưng Dân luật Giản Yếu 1883 do người Pháp áp dụng ở Nam kỳ sau khi áp đặt chế độ thuộc Pháp lên vùng đất này đã trao cho các tá điền quyền tiên mãi (được ưu tiên mua cùng giá, mà chủ đất định bán cho người khác hoặc được ưu tiên thuê cùng giá mà chủ đất định cho người khác thuê với giá cao hơn). Tuy tá điền không thuê nổi theo giá Shell thuê nhưng họ có quyền không ký giấy khước từ thuê đất.


Không có đủ giấy khước từ của tá điền, thì chủ đất không thể ký hợp đồng với Shell. Do đó, chủ đất phải thương lượng cho tá điền được hưởng tiền thuê đất mấy năm đầu mà hãng Shell trả, để tá điền chịu ký tờ khước từ thuê đất. Bỗng nhiên, tá điền có một cục tiền, có nhiều tá điền đi vô vùng sâu mua ruộng để làm chủ. Có nhiều tá điền - như ông nội nhà báo Mai Bá Kiếm (cụ Mai Bá Điền 1885 - 1979) - vừa lãnh được một cục tiền vừa xin được vào hãng Shell làm.


14 hộ dân thuộc xã Đồng Tâm không phải là "tá điền". Có 4 hộ đã "sử dụng đất" trước khi khu vực này bị Thủ tướng giao cho BQP, phần lớn còn lại đã sử dụng đất trước khi Luật Đất Đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993). Có một trường hợp, ông Nguyễn Văn Thúy, mua lại nhà đất của 4 hộ công nhân có nguồn gốc là "tài sản thanh lý của công ty vôi đá Miếu Môn (ngày 30-8-2001). Cho dù phần có giá trị nhất ở đây là 25 nghìn mét vuông khuôn viên, nhưng biên bản thanh lý lại chỉ ghi mấy nhà xưởng rách nát chứ không ghi đất.


Nhưng, BQP chỉ làm việc với Chính quyền. Các chủ đất thực sự đã không được coi là chủ thể của các vòng đàm phán. Mức đền bù mà họ được ấn định là: đất ở 2,2 triệu/m2 (được công nhận tối đa 300 m2); đất vườn, ao hồ 1,54 triệu/m2 (tối đa 180m2); đất trồng cây hàng năm và cây nông nghiệp 108 nghìn đồng/m2 [Khi đền bù, Viettel có tăng mức công nhận đất ở lên gấp 5 lần]. Riêng trường hợp ông Thúy không được đền bù phần đất (25 nghìn m2).


Nếu không bị quy hoạch, cho dù nguồn gốc thế nào thì theo Luật Đất Đai hiện hành, 14 hộ nông dân này cũng sẽ được ưu tiên công nhận quyền sử dụng đất (kể cả ông Thúy rồi cũng sẽ được "thủ đắc theo thời hiệu" - ông và 4 hộ công nhân đã canh tác đất ấy 16 năm qua).


Chưa có nhà nghiên cứu nào tìm xem, có bao nhiêu người dân Thủ Thiêm đang ở trong khu Sala; có bao nhiêu người dân Tân Thuận đang ở trong khu Phú Mỹ Hưng; bao nhiều người dân Văn Giang đang ở trong Ecopark.... Và, nếu các ông chủ Phú Mỹ Hưng, Ecopark, Sala... phải thương lượng trực tiếp với các chủ đất, có thể tiến trình xây dựng các thành phố ấy sẽ không nhanh như thế nhưng chính quyền sẽ tránh được xung đột trực tiếp với dân; các khoản chênh lệch địa tô sẽ được ăn chia giữa các nhà đầu tư và nông dân (nông dân có thể nhận tiền mặt hoặc cổ phần từ các khu đô thị này); và, lợi nhuận mà các đại gia thu được chưa chắc đã thấp hơn vì họ chia sẻ công bằng với nông dân thay vì chi không thể hạch toán được với các quan tham nhũng.


Từ đất nông nghiệp mà muốn xây nhà thì chi phí duy nhất mà con người phải bỏ ra là san lấp. Chỉ vì một quyết định hành chánh (cho đổi mục đích sử dụng) mà giá đất có thể tăng hơn 20 lần (từ 108 nghìn đồng lên 2,2 triệu đồng/m2) thì "nhóm lợi ích" và bọn tham nhũng không xâu xé "chênh lêch địa tô" mới lạ. Nhà nước có thể giữ quyền quy hoạch đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng khi chuyển đổi quy hoạch, khoản "chênh lệch địa tô" đó phải thuộc về nông dân chứ không phải là các nhóm lợi ích. Nhà nước sẽ chỉ hưởng lợi nhờ giá tính thuế chuyển quyền sử dụng đất tăng lên.


An ninh, quốc phòng là “lợi ích quốc gia” và lợi ích của 90 triệu dân, không thể chỉ có 14 hộ dân chịu thiệt. Ngay cả khi Nhà nước “trưng mua” đất của dân cho “mục đích quốc phòng” thì vẫn phải theo đúng giá thị trường. Tôi nghĩ, các nhà lãnh đạo Hà Nội và Viettel biết giá đất ở Đồng Tâm chắc chắn không phải là 2,2 triệu/m2, đừng nói là 108 nghìn vì bị quy là đất nông nghiệp. Viettel (đơn vị chi tiền đền bù) nên đàm phán lại với dân nếu dứt khoát cần đất ở đó. BQP và Hà Nội nếu muốn sử dụng tiếp gần 180 hecta còn lại thì cũng nên đàm phán với dân theo nguyên tắc này.


Cả Tướng Chung lẫn Tướng Hùng và các vị trong Thường vụ Hà Nội nên bình tâm. Chỉ cần đặt tình huống, 14 hộ bị thu hồi đất ở Đồng Tâm không phải là gia đình ông Căng, ông Tứ, ông Toán, bà Nguyệt, ông Thùy... mà là nhà mình thì sao. Cụ Kình cũng từng là lãnh đạo địa phương như quý vị đấy thôi. Đừng nghĩ quý vị sẽ là ngoại lệ khi các khoản "chênh lệch địa tô" được các thế hệ đi sau mang ra chia chác.