Những con số (2)


bài trước đọc ở đây : http://chengdec.blogspot.com/2018/09/nhung-con-so-1.html


Những con số (2)
_______________

Tho Nguyen



https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2467991743218884


Tiếp theo

Tuy còn thua xa Mỹ, Nhật, EU về nhiều mặt, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chưa thể đe dọa vị thế của Phương Tây cả về khoa học, kinh tế và quyền lực quốc tế.

Trung Quốc tuy vẫn là một công xưởng lớn, cung cấp từ cái bút bi đến màn hình LED cho cả thế giới, nhưng cũng đã đi sâu vào công nghệ tin học, sinh học, trí tuệ nhân tạo v.v. Trong số 20 công ty WEB lớn nhất thế giới, 11 là của Mỹ và 9 là của Trung Quốc. 

Trong số 260 doanh nghiệp công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn châu Âu chỉ có khoảng 30 (1). Bắc Kinh đang biến nhiều nước Nam Âu và Đông Âu thành con nợ, đang tung tiền để mua thuộc địa ở Châu Phi. 

Vốn ở đâu ra?

Câu trả lời nằm trong bản chất của chế độ độc tài mà tôi từng gọi là “Trung Quốc Xã”. Chỉ số HDI, bên cạnh thu nhập đầu người, còn xét đến hy vọng thọ trung bình, thời gian đến trường v.v. nên trong đó đã bao gồm cả sự chênh lệch giàu nghèo. 

Cùng là nước XHCN như Cuba hoặc cựu XHCN như Serbia, tuy có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Trung Quốc, nhưng cả hai đều có chỉ số HDI cao hơn Trung quốc nhiều. Trong 1,4 tỷ người Hoa Lục, khoảng 100 triệu người có mức sống của Tây Âu, 400 triệu người no đủ, 900 triệu người nghèo khổ, trong đó có khoảng 80 triệu người nghèo đói thực sự (2). Sự đói nghèo của 900 triệu người này lại là nguồn lực phát triển của đế quốc Trung Hoa.


UNDP và đại học Oxford có lập ra bảng xếp hạng nghèo đói toàn cầu gọi là Multidimensional Poverty Index MPI(3).. Danh sách này chỉ bao gồm khoảng 100 nước nghèo và đang phát triển, được dẫn đầu bằng các nước châu Phi như Niger, Nam-Xu Đăng và Chad. Ở châu Âu chỉ còn Albania và 3 nước cộng hòa của Nam-Tư cũ đứng ở cuối bảng. Cuba nghèo đều, nhưng không để ai đói nên không bị vinh danh. Một bản xếp hạng rất minh bạch.
Điều nhục nhã là cả Trung Quốc và Việt Nam đều còn nằm ở đây. Trong năm 2018, Đông á còn 117 triệu người có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày, chiếm 6% dân số. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 4,7% , ở Trung Quốc = 4%, tức là 56 triệu dân (xem trang 57-60).

Con số 4,5 triệu người Việt thiếu ăn chắc không xa thực tế. Chỉ có các quan tỉnh ngồi trong những tòa biệt thự kiến trúc nửa Gothic, nửa hiện đại sẽ chối cãi. 
Nhưng Trung Quốc coi mình là siêu cường, tự đắc ban phát viện trợ phát triển cho các nước nghèo Á, Phi, Mỹ La tinh, vung tiền mua các công ty công nghệ phương tây mà để 56 triệu đồng bào chỉ sống bằng 700USD/năm là gì? Đây chính là điều quái dị chưa từng thấy trong lịch sử. 
Hitler xây dựng chủ nghĩa Xã hội Quốc gia mà không để một người Đức nào nghèo, chỉ bóc lột thuộc địa.

Tiềm lực của đế chế Trung Hoa không chỉ do bóc lột dân mình, mà còn ở thể chế. Khác với chủ nghĩa tư bản tự do, tư bản độc tài không những nắm nhiều nguồn lực quốc gia hơn, mà còn toàn quyền định đoạt việc sử dụng tài sản đó. Trong khi Trump đang khốn khổ với hai viện để có 18 tỷ cho bức tường Mexico thì Tập chỉ hất đầu là có 60 tỷ “viện trợ” cho châu Phi.

Ở xứ dân chủ, chính phủ chi tiêu đồng nào cũng phải được quốc hội chuẩn y. Xin chớ ai nghĩ rằng ở phương Tây, “Quốc hội là dân”, như cựu chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng từng tuyên bố (4). 
Quốc hội phương tây cũng đại diện cho các đảng phái chính trị, được hậu thuẫn bởi các thế lực kinh tế. Nhưng sự đa nguyên đó tự tạo ra cơ chế kiểm soát, dù là kiểm soát xài tiền chùa. Tất nhiên đảng nào cũng muốn lấy lòng dân và thế là phúc lợi xã hội luôn thành miếng bánh to nhất trong các ngân sách. 

Đơn cử: chi phí y tế ở các nước văn minh thường trên 10% GDP (Mỹ 17%, đứng hàng đầu, Thụy Điển 12%).
Nền y tế Trung Quốc chỉ được đầu tư 5,5% GDP, xếp thứ 125/195 nước. (Cu ba nghèo hơn nhiều nhưng xếp hạng 12/195, với 11%). Việt Nam đứng trên Trung Quốc, xếp thứ 79 với 7,10% (5). Có lẽ 7,10% này đã bao gồm tiền lót tay của toàn dân, cho từ mũi kim tiêm đến ca mổ.

Nước Đức từ bỏ điện hạt nhân để chuyển sang năng lượng xanh. Quốc hội cãi nhau mãi mới phê duyệt cho làm ba trục điện cao thế tổng cộng 4.000km để đưa năng lượng gió và nắng từ biển Bắc về vùng công nghiệp nam Đức. Kéo cao thế qua rừng thì bị bọn môi trường chống vì sợ chết hết chim. Đào đường ngầm thì nông dân chửi là từ trường ảnh hưởng đến rau mầu. Tốn bao tiền bồi thường và hầu tòa 5 năm vẫn chưa xong. Gã Trung Quốc nghe vậy cười khẩy: Nước tao một năm là xong hết, dân sao lại đòi cãi nhà nước? Ông nông dân Đức nghe vậy chỉ tay vào đầu: Nhà nước cũng là một thực thể kinh tế, khác méo gì tao?

Trò “dân chủ kinh tế” này thì cả tư bản đỏ lẫn tư bản trắng đều ghét. Ở phương tây, tư bản hay nhà nước cũng phải ra tòa kiện với lão nông dân, có khi thua vãi. 
Ở xứ độc tài thì cả vạn lão nông cũng sẽ bị đập chết ngoéo. Đó chính là sức mạnh của Trung Quốc.

Chỉ vài con số trên đã cho thấy, Trung Quốc tuy còn xa mới thành một cường quốc theo đúng nghĩa. Nhưng mối đe dọa tiềm tàng của nó khiến nhiều người lo ngại.

1,4 tỷ người Trung Quốc cũng có quyền được giàu có như 5 triệu người Na-Uy. Khi đó dù với Nominal-GDP là 100.000 tỷ USD (bằng 5 nước Mỹ), nhưng dưới một thể chế văn minh, dân chủ, sẽ không ai phải sợ và ghét người Hoa.

Nhà tư bản Đức thà thua ông nông dân khó chịu kia, hơn là đưa luật rừng Bắc-Kinh vào Đức.

Köln 30.09.2018


Loạt bài này là tiếp theo của 3 bài về “Trung Quốc Xã” trước đây


------------------


...........