VĂN HÓA - YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH TRONG SỰ
NGHIỆP PHÁT TRIỂN CỦA MỌI DÂN TỘC
http://www.viet-studies.net/kinhte/TruongQuangDe_VanHoaQuyetDinhPhatTrien.html
***
Trương Quang Đệ
Từ
đầu thế kỷ 20, luồng tư tưởng duy vật trở thành chủ đạo trong mọi sinh hoạt của
nhân loại, dẫn đến việc đánh giá sự thăng tiến của các quốc gia trên cơ sở kinh
tế và mặc nhiên coi kinh tế là tiêu chí duy nhất để phấn đấu cho mọi quốc
gia.
Chẳng
hạn tham vọng của nhà lãnh đạo Liên Xô những năm 60 của thế kỉ trước, ông
Nikita Khroutchev là tìm cách đuổi kịp Mỹ vào năm 1970, vượt Mỹ vào năm 1980 và
sau đó các nước xã hội chủ nghĩa, kể cả Việt Nam, Mông cổ vv sẽ dắt tay nhau
tiến vào chủ nghĩa cộng sản, tức là làm tùy năng,(lực), hưởng tùy nhu (cầu),
sống tự do hoàn toàn trong một xã hội hết sức phồn vinh. Muốn vậy, phải vượt Mỹ
về các chỉ tiêu kinh tế như số lượng dầu mỏ, thép, than, xi măng, máy kéo, xe
tải, vệ tinh vv.
Trong
kế hoạch vĩ đại này không thấy có yếu tố văn hóa xã hội nào cả.
Trước
hết không có triết lý về phát triển. Kế hoạch của nhà nước bao cấp chủ yếu dựa
vào số lượng mà không tính đến chất lượng. Năm này sản xuất được 5000 máy kéo
thì năm sau phấn đấu lên 6000, không quan tâm xem máy kéo tốt hay xấu, có nhu
cầu hay không. Thành tích của nhà máy sản xuất ô tô là tính nguyên chiếc, chẳng
hạn 180.000 chiếc, không tính phụ tùng. Vì vậy nhà máy coi việc sản xuất phụ
tùng là bất đắc dĩ. Có lần bản thân tôi chạy khắp Mascơva mà không tìm được nơi
để mua một cái bugi xe máy. Tôi hỏi một người bạn Nga cách mua phụ tùng như thế
nào thì anh cho biết các cơ quan và cá nhân phải kê khai nhu cầu cho các cấp
quản lí, các cấp nầy sẽ đưa vào kế hoạch và phân về cho cơ sở.
Nền
kinh tế bao cấp của các nước xã hội chủ nghĩa bị trói chân tay bằng những cách
làm nhiêu khê như vậy. Kế hoạch nhà nước không lường được biến động trong công
nghệ hay thị hiếu tiêu dùng. Không ai nghĩ được việc thay đổi nhanh chóng của
ngành nhiếp ảnh chuyển từ phim kodak sang kĩ thuật số. Một trong những lí do
khiến chủ nghĩa xã hội tan rã là sự phá sản của kinh tế kế hoạch hóa cứng nhắc.
Vào những năm 1980 của thế kỉ trước, khi các nước phương Tây và Mỹ , Nhật Bản
tiến vào cách mạng công nghiệp thứ ba thì Liên Xô và Đông Âu vẫn trong cách
mạng công nghiệp thư hai, chưa ai nghĩ tới cuộc cách mang công nghiệp thứ tư
đang tới gần và sự hội nhập khu vực cũng như toàn cầu trở nên cấp thiết.
Rõ
ràng kế hoạch "vượt Mỹ" của Khroutchev chỉ là ảo tưởng, hay là tư duy
lệch hướng trước thềm hội nhập toàn cầu và IOT. Mặt khác, trong cuộc
chạy đua giữa Liên Xô và Mỹ người ta không tình đến "tính văn hóa"
của công dân mỗi nước, tức là thói quen suy nghĩ, hành xử...của con người. Ở Mỹ
mọi người tự xoay xở lấy không trông cậy vào ai, thậm chí các trường đại học từ
chối hỗ trợ của nhà nước vì sợ mất tự chủ. Trong khi đó công dân Liên xô mọi
thứ đều trông chờ nhà nước, từ ăn ở, nuôi con, việc làm đến nghiên cứu khoa
học, du lịch, giải trí. Không có ý kiến của các cấp lãnh đạo thì không ai chủ
động làm gì, chưa nói đến việc nhà nước ngăn cấm công dân tự do kinh doanh, tự
do sáng tạo.
Thực
tế cho thấy những bước tiến công nghệ ở Mỹ đều do các cá nhân tay trắng làm
nên. Ở Liên xô cũ, nhà nước thấy Phương Tây có gì mới thì giục dân mình học làm
theo, thế thôi. Trong suốt bảy mươi năm tồn tại không thấy có sản phẩm xô viết
nào đóng góp cho thị trường thế giới, trừ súng AK 47. Thời Gorbachev, ngân hàng
bắt chước Phương Tây phát thẻ tín dụng làm phương tiện thanh toán văn minh thay
tiền mặt. Nhưng đa số công dân lúc đó giỏi lắm có vài trăm rúp trong tài khoản,
cần gì đến thẻ tín dụng?
Trường
hợp Liên Xô cũ cho thấy sự phát triển kinh tế không dựa vào năng động trí tuệ
và phẩm chất văn hóa cao sẽ bế tắc hoàn toàn. Bản thân tôi nghiệm thấy tầm quan
trọng của văn hóa khi tôi có dịp làm việc tại Châu Phi. Hai nước láng giềng có
điều kiện như nhau về tài nguyên, môi trường nhưng nước tôi ở lạc hậu nhiều so
với nước lân cận. Một đồng nghiệp của tôi cho biết tôn giáo nước của anh buộc
người nào làm nên phải cưu mang hết họ hàng. Quả vậy, một đêm tôi đến chơi nhà
ông giám đốc của tôi, tôi tận mắt thấy có đến hơn hai mươi lều bạt cắm trong
vườn. Hỏi ra mới biết bà con ông giám đốc đóng lều ở như vậy cho đến khi ông ta
sắp xếp được công ăn việc làm cho tất cả mọi người. Không cần lí luận gì sâu xa
cũng hiểu tại sao yếu tố tôn giáo đó không cho phép đất nước vươn lên.
Hiện
nay ở Việt Nam đang diễn ra việc chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước
mọi cấp. Báo chí, truyền thanh, truyền hình và các cấp lãnh đạo chỉ
nói về sự yếu kém trong quản lí, luật pháp chư hoàn chỉnh vv... trong việc tìm
nguyên nhân tham nhũng.
Không
thấy ai bàn về khía cạnh văn hóa của vấn đề.
Nước
nào cũng có tham nhũng nhưng không phải nơi nào nạn tham nhũng cũng thành dịch
bệnh khó chữa và định mệnh như Việt Nam và Trung Quốc. Chắc chắn phải tìm
nguyên nhân sâu xa không phải trong các cách quản lý hay các chính sách mà phải
trong cội nguồn văn hóa: Bao trùm tất cả là Nho giáo Khổng Mạnh và trực tiếp là
tư tưởng Mao.
Các
nước văn minh thụ hưởng qua nhiều thế kỷ sự phân định rõ ràng các khái niệm nhà
nước, chính quyền, nghị viện, công dân, cộng đồng v.v. trong một nền dân
chủ đúng nghĩa. Mỗi công dân là một người đóng thuế và mỗi công chức
là người được dân thuê làm việc cho dân. Ở Trung Quốc và Việt Nam, dầu các khái
niệm trên được định nghĩa không khác với các nước văn minh, nhưng trong môi
trường văn hóa cổ truyền, người ta ứng xử theo thói quen là chủ yếu. Chẳng hạn
dân ta vẫn đánh giá con người qua địa vị xã hội, bằng cấp chứ không theo sự
đóng góp tài chính (thuế) cho nhà nước. Các vị được trọng vọng đó đôi khi không
đóng xu thuế nào nhưng lại được nhiều đặc quyền như bổng lộc, biệt thự, ở nhà
khách miễn phí, đi xe, máy bay không mất tiền.
Sự
việc này thuộc về tư duy truyền thống nho giáo coi người nhà nước (công chức)
là "quan". Làm quan thì cả họ được nhờ nên đưa hết bà con vào cơ quan
nhà nước, lạm dụng chức quyền và tham nhũng là hậu quả tất yếu.
Bên
cạnh văn hóa quan lại cổ hủ đó, đã từ hơn nửa thế kỉ qua dấu ấn tư tưởng Mao
"lấy nông thôn bao vây thành thị" tác động hết sức mạnh mẽ vào tiềm
thức mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp. Tư tưởng này gây dị ứng với cái
mới, với văn minh đô thị, tăng xu hướng bài ngoại, coi thường luật pháp. Bản
thân tôi trong hơn 60 năm qua đã chứng kiến những sự kiện mang dấu ấn Mao. Một
lần đi xe đò từ Vinh ra Hà Nội, xe cán chết một con lợn dọc đường. Lập tức cán
bộ địa phương và công an ập tới lập biên bản xử phạt xe đò. Lí do: phá hoại
kinh tế địa phương, gây tổn thất cho hợp tác xã. Nếu có tư duy lành mạnh thì
đáng ra chủ con lợn phải bị phạt vì vi phạm luật giao thông.
Một
lần khác tôi đi xe lửa từ Hà Nội về Hải Phòng, qua địa phận Hưng Yên hay Hải
Dương gì đó, tàu vấp phải một con trâu đang đứng trên đường sắt. Lập tức cán bộ
địa phương chặn tàu lại đòi tiền phạt. Ngành đường sắt phải lép vế đóng tiền
phạt. Một lần khác nũa tôi may mắn đạp kịp phanh xe máy trước một rãnh nước sâu
mà bà con nông dân đào ngay trên đường nhựa để dẫn nước vào ruộng. Không cán bộ
giao thông nào dám can thiệp vì sợ mất lập trường giai cấp. Tư tưởng Mao rất
hiệu quả khi phát động chiến tranh chống Tưởng, chủ yếu phát động tính phá hoại
trật tự sẵn có, nhưng để xây dựng một xã hội văn minh, nó trở thành vật cản
khủng khiếp.
Sự
hỗn loạn trong giao thông hiên nay ở các thành phố có nguồn gốc từ đó. Những
năm đầu khi tiếp quản Hà Nội sau 1954 hay Sài Gòn sau 1975, không thể có chuyện
phạt người đi bộ, đi xe máy, xe đạp nghêng ngang giữa phố vì họ thuộc thành
phần cơ bản. Phạt họ thì lập trừơng giai cấp anh để đâu? Những cán bộ
nhà nước xuất thân từ thành phần cơ bản hay từ nông thôn đều thiếu ý thức về
luật pháp, về ý thức cộng đồng và đặc biệt về khái niệm công dân. Họ chỉ nhận
thức được sự khác biệt giữa người có quyền (cán bộ) và người không có quyền
(dân, hay phó thường dân). Đặc điểm của tầng lớp này là coi của công như của
riêng. Được phân công quản lý đất đai thì chiếm làm của riêng, được phân xe thì
dùng cho gia đình, được bố trí ở nhà công thì chiếm luôn không chịu
trả.
Ở Hà
Nội đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi Trường Albert Sarraut bị xóa bỏ, Sở
Giáo Dục được giao quản lý cơ sở vật chất của trường này. Chỉ một tháng sau
trường tan hoang, các phòng được phân cho người đến ở còn thư viện thì rao bán
đồng nát. Sau 1975, một số cán bộ cao cấp vào Sài Gòn công tác, được phân tạm ở
một số khách sạn. Đến khi xong nhiệm vụ trở về, họ gỡ hết mọi thứ trong phòng ở
mang theo, từ quạt điện, bóng đèn đến bàn ghế, tủ. Cái văn hóa "chiếm
đoạt" đã ăn sâu vào tâm can cán bộ thành phần cơ bản.
Nói
chung ở Trung Quốc và Việt Nam do ý thức hệ đấu tranh giai cấp dựa vào thành
phần cơ bản, trong một thời gian dài những phần tử có năng lực hiểu biết bị vây
quanh bằng một lớp trùng điệp những kẻ tầm thường. Những kẻ này không muốn ai
hơn mình nên cố sức kiềm chế và cô lập người giỏi. Họ không thực tâm phát triển
văn hóa giáo dục, chỉ đặt ra cái này cái nọ để làm vật trang trí. Chính vì thế
mà họ lệ thuộc nước ngoài đến từng chi tiết nhỏ. Tên các báo từ trước đến nay
đều vay mượn. Tờ báo Cứu Quốc thời đầu cách mạng bị đổi
thàng Nhân dân cho giống với Trung Quốc, còn tên bắt chước
Liên xô thì quá nhiều: Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Lao động,. Nhà in
cũng lấy tên Tiến bộ; các nông trường mang các tên Cờ đỏ,
Mồng 1 tháng 5 vv.
Những
năm 60, 70 của thế kỷ trước cán bộ cấp tỉnh đều thuộc thành phần cơ bản nên
hiểu biết của họ thật nghèo nàn quá mức. Có vị giải thích "mác xit là Mác
và Stalin". Có vị nhận định: "Tito đứt đuôi là phản động. Nguyên thủ
các nước xã hội chủ nghĩa đều là Chủ tịch riêng hắn ta xưng làm tổng
thống!". Có vị nói Mỹ đổ quân chiếm đảo Cồn Cỏ (thuộc huyện Vĩnh Linh,
Quảng Trị, phía bắc vĩ tuyến 17) được một hôm thì ta cho đảo chìm xuống biển
khiến chúng chết hết trọi. Có vị giảng chính trị cho đám sỹ quan quân đội Sài
Gòn đang cải tạo như sau: Nhân dân ta từ xưa rất anh hùng, giặc Mông cổ đã từng
chinh phục mọi nước từ Âu sang Á, từng đánh bại Napoléon vô địch châu Âu, mà
vẫn bị quân ta đánh cho tơi bời.
Cũng may thế hệ trẻ hiện nay không đến nỗi như vậy. Bởi
lẽ hiện nay do tình huống mở cửa, hội nhập nên muốn có địa v chuyên môn nào đó
buộc phải biết tiếng Anh. Sau này muốn xóa bỏ sự tầm thường trong đội ngũ cán
bộ, tốt nhất là lấy tiếng Anh làm chuẩn. Không có tiếng Anh sẽ không được giữ
chức vụ gì. Cứ thế loại bỏ hết tàn dư của thành phần cơ bản. Thời thuộc Pháp,
đội ngũ công chức khắp nơi có năng lực và hiểu biết nhiều do họ phải có trình
độ tiếng Pháp cao. Cách mạng không duy trì tiêu chí kiến thức đó nên mở rộng
cửa cho sự bất tài.
Không lấy văn hóa làm chuẩn thì càng phát triển về kinh
tế, môi trường càng bị phá hoại và đạo đức sẽ rơi tự do không gì cản nổi.Từ sau
1975 đến nay, rừng bị chặt phá nhiều hơn thời quân Mỹ phun thuốc diệt cây cối.
Không còn lâu nũa sông suối, biển sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng, khó bề
cứu vãn. Các cuộc họp của chính phủ chỉ thấy bàn tăng GDP, xây cái này cái nọ,
không mấy khi nói đến môi trường, về cuộc sống bấp bênh của người dân vì các dự
án treo, những trạm thu phí tràn lan. Việc xuống cấp về đạo đức và nhân cách,
suy cho cùng, do thể chế chủ trương từ lâu xoá bỏ tầng lớp ưu tú tinh hoa hay
còn gọi là tầng lớp trên.
Khi bắt đầu kháng chiến chống Pháp, chưa có phân định
giai cấp rõ rệt, chính quyền cách mạng và quân đội vẫn do tầng lớp ưu tú đảm
trách. Các bậc chỉ huy được đào tạo ở trường võ bị đều có bằng tú tài toàn
phần. Cán bộ đa số xuất thân từ các tầng lớp ưu tú, có văn hóa. Tôi còn nhớ
trong các trận càn của Pháp, khi bắt được người nào, lính Tây bắt ngửa tay ra
xem. Nếu là tay trắng trẻo, tức là tầng lớp có học thì trói ngay dẫn về bốt vì
chắc chắn đó là Việt Minh, còn nếu tay anh chai u, sần sùi, lập tức được tha.
Từ ngày bị Stalin và sau đó là Mao khống chế, các tầng lớp trên bị xóa bỏ không
thương tiếc trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức và các cuộc chỉnh huấn.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, thành công, đáng ra trên thế
chẻ tre giải phóng thêm nhiều vùng khác thì quân đội được lệnh tổ chức chỉnh
huấn để loại hết những thành phần ưu tú không cơ bản. Từ sau 1954 trở đi, trí
thức, nhân sĩ chỉ đóng vai trò bù nhìn, trang trí, không làm gì thực chất. Bản
thân tôi đi lao động sáu tháng ở nông thôn, tôi phát hiện thấy đa số cán bộ
huyện có học bị thay thế từ năm 1958 bằng bần cố nông hay công nhân. Về nguyên
tắc là vậy nhưng thực tế bần cố nông hiền lành chất phác, khó đảm đương công
việc phức tạp nên các thành phần làm ăn tự do như lái trâu, lái lợn có cơ hội
được thăng tiến mạnh và khuynh đảo mọi thứ.
Ở các chế độ được coi là xấu xa ngày xưa, phong kiến
thuộc địa, hiếm thấy người nào không có năng lực mà lại dám đảm nhiệm công việc
quá tầm tay. Chẳng hạn không biết chữ thì khó ra làm quan. Dưới chế độ mới, nhà
nước chỉ dựa vào công nông, lấy sự trung thành với thể chế chính trị làm chuẩn,
bất chấp năng lực. Có vị làm hiệu phó một đại học mà xuất thân từ du kích địa
phương. Có vị làm khoa trưởng tiếng Anh mà không biết một ngoại ngữ nào.
Cũng do văn hóa không được lấy làm chuẩn nên các chủ
trương chính sách đều khập khiểng. Đầu tư cho giáo dục ở mức thấp đến nỗi các
trường học nhếch nhác, cư xá sinh viên nghèo nàn lạc hậu trong khi tiền dồn cho
việc nuôi dưỡng một bộ máy hành chính cồng kềnh kém hiệu quả, những xí nghiệp
quốc doanh thua lỗ, tham nhũng, những công trình ngàn tỷ đắp chiếu vv. Sinh
hoạt trí tuệ bế tắc, các tôn giáo bị ghẻ lạnh nên không phát huy được vai trò
chăm sóc phần hồn cho người dân. Lịch sử bị chế biến thành một thứ kinh kệ mơ
hồ khiến mỗi người dân không xác định được mình là ai. Khẩu hiệu "Yêu nước
là yêu chủ nghĩa xã hội" đặt tuyên truyền lên trên chân lý làm cho người
ta bị hỏa mù trong nhận thức. Các cụ Phan Sào Nam và Phan Tây Hồ có yêu nước
không vì họ đâu có theo chủ nghĩa xã hội? Người Nga hiện nay có còn yêu nước
không? Những điều ngớ ngẩn đó nói lên rằng trí tuệ bị nhào nặn không còn hình
hài gì nữa.
Tình hình đó đòi hỏi phải có biện pháp sửa chữa mạnh mẽ
và thiết thực chứ không chỉ lời nói suông.
Theo tôi, nhà nước cần cấp tốc đặt ra chiến lược văn hóa
trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ chủ quỳền quốc gia. Từ lâu
tôi nghe nói ở Israel người lính có thể không tuân lệnh chỉ huy nếu anh ta thấy
chỉ huy không đúng. Mới nghe qua thấy có vẻ phi lí, trái với điều lệ của mọi
đảng phái và mọi lí thuyết quân sự. Nghĩ cho kỹ thấy không hẳn như vậy và nhờ
đó mà quốc gia Do Thái nhỏ bé tồn tại. Thực vậy, hoàn cảnh Israel mấy triệu dân
bị hàng trăm triệu dân thù địch bao vây tứ phía phải phát huy hết tiềm lực
người dân bằng cách cho từng người hành động theo sáng kiến riêng. Mỗi người
dân đủ thông minh để phối hợp với nhau một cách hiệu quả trong việc bảo vệ đất
nước. Việt Nam, trong chừng mực nào đó cũng sẽ bị tràn ngập trong một biển
người có một thứ văn hóa nghiệt ngã với màu sắc diệt chủng. Việc đầu tư tiến
của mua sắm khí giới, xây dựng nền quốc phòng tiên tiến là điều cần thiết,
nhưng không đủ. Phải có một trình độ văn hóa cho toàn dân vượt trội hẳn so với
thế lực bành trướng thù địch.
Các nhà văn hóa tư tưởng của ta xưa nay bó hẹp trình độ
văn hóa vào khuôn khổ kiến thức, tức là mặt chỉ số trí tuệ IQ mà không nghĩ tới
lối ứng xử trong cuộc sống, tức là mặt hành vi xã hội EQ. Điều ai cũng thấy rõ
là lối ứng xử xã hội của ta và Trung Quốc còn ở giai đoạn thô thiển so với cuộc
sống văn minh. Ta không có thói quen sắp hàng, nhường đường cho nhau, tôn trọng
người già, phụ nữ, ưu tiên tuyệt đối trẻ nhỏ vv. Báo chí cho biết không ít
người Trung Quốc ngạc nhiên thấy người Mỹ trong trận khủng bố 11 tháng 9 năm
2001 ở New York, các nạn nhân vẫn biết nhường nhau khi chạy thoát ngọn lửa.
Về
phương diện EQ dân ta vẫn bị nhiều xiềng xích ràng buộc. Lòng đố kỵ gần như phổ
biến mọi nơi mọi cấp, mọi lúc. Thấy ai hơn mình lập tức tìm cách triệt hạ tuy
ngày nào cũng hô hào sử dụng người tài. Tình giả dối là căn bệnh trầm kha khó
bề chữa chạy. Bệnh hám danh hảo, khoa trương, mê thành tích cũng là yếu tố nguy
hại trong khi ý thức cộng đồng, sự hợp tác lành mạnh văn minh chưa có chân đứng
bền vững.
Loại trừ những yếu kém về ứng xử văn hóa là điều cấp
bách, phải được ưu tiên giải quyết trước khi bàn về kiến thức.
Một câu hỏi đặt ra: Nền tảng văn hóa của người Việt hiện
nay là gì? Chúng ta đã bỏ không dùng chữ Hán ngàn xưa nữa làm cho cánh trẻ
không còn dây liên hệ với vốn văn hóa cổ, bỏ văn hóa Pháp rộng mở với thế giới
bên ngoài xưa và nay mà hòa mình vào văn hóa ASEAN chưa rõ định hình.
Trí
thức Việt Nam hiện nay thấy lơ lửng trong tư duy và cả trong phát ngôn. Chứng
cớ là các nhà chính trị không biết phát âm cụm chữ cái CLMV như thế nào, cờ lờ
mờ vờ hay xê el em vê hay xi eo em vi. Hình như ngành tòa án lấy tiếng Anh làm
chuẩn: Vừa qua một ông chánh án phát âm PVC là pi vi xi. Không biết gọi tên
nước thế nào cho đúng: Libanon hay Li băng? Úc hay Ôt-strây-lia? Vào cuối thế
kỷ 19 đầu thế kỷ 20 các nho sỹ dựa vào Hán tự mà tiếp cận thế giới. Những danh
từ riêng thế giới được đọc quá âm Hán-việt: Pháp lang sa, Anh cát lợi, Nga la
tư....Mạc tư khoa, Luân đôn, Ba lê,,,Các tên người qua âm Hán-Việt: Mạnh đức tư
cưu (Montesquieu), Lã Phụng Tiên (La Fontaine), Lư Thoa (Rousseau)....Mã khắc
Tư (Marx), Tư Đại Lâm (Staline), Hoa Thịnh Đốn (Washington)...Tiếp đó các nhà
Tây học dựa vào tiếng Pháp để tiếp cận thế giới, mọi danh từ riêng đều phát âm
và viết theo tiếng Pháp: Londres, Moscou, Lénine, Russie, ONU, OTAN, ...
Từ
ngày mất đi các hệ qui chiếu Hán và Pháp, người Việt xoay xở mạnh ai nấy được,
không có qui tắc gì.
Các
ngành bưu điện viễn thông, ngân hàng dùng tiếng Anh trong mọi giao dịch, những
ngành khác thì hoàn toàn tự do tùy tiện. Vậy vấn đề cấp bách là phải có qui
chiếu Việt. Phải có qui tắc thống nhất cho mọi đối tượng, hiện
tượng. Hiện nay thông qua qui trình hội nhập khu vực và quốc tế, văn hóa Mỹ trở
thành chuẩn mực cho nhiều lĩnh vực hoạt động. Nguy cơ từ đó là không còn đa
dạng văn hóa nữa, điều mà không riêng Việt Nam mà cả thế giới lo ngại. Theo
tôi, để giữ gìn sự đa dạng văn hóa của người Việt, ta cần giữ gìn vốn văn hóa
Hán ngữ và văn hóa Pháp. Chẳng hạn phải dạy chữ Hán (không phải tiếng Hoa mà là
chữ Hán truyền thống của ta) cho hai bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học
mỗi tuần một tiết. Về văn hóa Pháp cần có chiến lược bền vững qua những sự
nghiệp pháp ngữ to lớn về kinh tế, văn hóa. Đã đến lúc phải định hình một nền
văn hóa Việt phong phú và vững chắc, đảm bảo cho dân tộc trường tồn và hạnh
phúc.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày
26-2-18
....../.