PHỤ NỮ RÂU

PHỤ NỮ RÂU

( mời xem bài viết có lẽ là bài cuối cùng của Bình Nguyên Lộc ngày 4/3/1987; sau đó ba ngày 7/3/1987 ông tạ thế.)
***







[https://www.facebook.com/minhnx]


Trước hết xin nói sơ qua về thượng cổ của nước Nhật Bổn. Các nhà khảo cổ Tây phương dã tìm thấy dấu vết di cư của dân tộc Nhựt, cách đây năm ngàn năm. Họ từ Trung Á di cư tới các nơi mà ngày nay !à nước Nhựt. Họ không di cư một minh mà cùng đi với dân Triều Tiên và dân Việt Nam.
Tới Nhựt họ không gặp phải đất hoang vu mà gặp một thứ dân kia đã làm chủ đất ở đó. Dân này da trắng nhưng bé người, bé hơn cả những người Nhựt nhỏ bé nữa, mà họ gọi là Ainu, hoặc Ainô. Có lẽ đó là danh tự xưng của dân đó, nên chính người Nhựt cũng chẳng biết Ainu có nghĩa là gì. Trong sách vở, người Nhựt trỏ dân đó bằng hai tiếng Tàu “Hà Di” có nghĩa là Rợ Hà, nhưng Hà là gì thì họ cũng chẳng biết.
Người Nhựt đánh giết dân Ainu để cướp đất, cuộc chiến tranh kéo dài cho đến thế kỷ thứ 19 mới thôi. Đó là một thứ nội chiến nho nhỏ, nên thế giới không hay biết. Mỗi năm Nhựt chỉ đánh một trận xoàng xoàng để giựt vài chục mẫu đất rừng, còn dân Ainu thì cứ lùi chớ không đủ sức phản công, nên tình trạng chiến tranh, xem như là không có, trong xã hội Nhựt.
Ngày nay các nhà chủng tộc học, cho rằng dân Ainu không phải chỉ là một dân tộc, mà thuộc vào một chủng tộc lớn, trong nhóm mấy mươi chủng da trắng, và hồi thượng cổ, họ làm chủ trọn nước Tàu, chứ không phải riêng gì ở Nhựt mà thôi. Chủng nầy đã bị diệt , trước đó rất lâu, tại Trung quốc, còn tại Nhựt thì họ bị diệt chủng kể từ ngày họ di cư tới đảo Phù Tang.
Hiện nay thì họ lùi về một hòn đảo rất lớn của nước Nhựt, đảo Bắc Hải Đạo (Hokkaido), và được để yên, không còn chiến tranh nữa, và người Ainu chỉ còn sống sót có vài vạn người, tất cả đều rút lên núi cao của đảo đó. Khí hậu của đảo nầy lạnh như Bắc Canada, nên người Nhựt cũng chưa lập nghiệp đông đảo ở đó.
Sự kiện mà chúng ta cần biết là toàn thể phụ nữ Ainu đều có râu. Họ rất hãnh diện mà có râu, chớ không bận tâm về việc nhổ râu, cạo râu, hay dấu râu bằng cách này hay cách khác.
Phụ nữ Ainu đã được các nhà bác học Nhựt nghiên cứu. Số lượng Oóc Môn nam nơi họ cũng bình thường như nơi phụ nữ các dân tộc khác. Hóa ra, sự kiện mọc râu nơi phụ nữ Ainu trở thành bí mật y học cho giới y khoa quốc tế. Sự mọc râu không còn là hậu quả, không còn là tình trạng lạm phát Oóc Môn nam nữa mà còn do một hay vài nguyên nhân khác mà y học chưa khám phá ra được.
Về tính tình bên ngoài thì phụ nữ Ainu cũng chẳng khác bao nhiêu các phụ nữ trên quả địa cầu, nghĩa là họ vẫn sống bình thường như bất kỳ người phụ nữ nào khác trong xã hội. Có một số phụ nữ Ainu làm chiến sĩ thật đó, nhưng chẳng qua chỉ là chuyện bất đắc dĩ thôi. Họ bị thiểu số trước người Nhựt, mà phải đánh nhau mãi với người Nhựt, hóa ra « Giặc tới nhà, đàn bà phải đánh'', chỉ có thế thôi chớ họ không có hiếu động, hiếu chiến gì hết. Họ cam phận làm đàn bà, lấy chồng , đẻ con, nuôi con, chẳng khác gì phụ nữ trong các cộng đồng xã hội khác.
Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ, vì không có luật nào mà chẳng có ngoại lệ hết, nghĩa là cũng có một thiểu số nhỏ phụ nữ Ainu không có râu. Những cô không có râu bị mặc cảm dữ lắm, và họ xóa bỏ '' khuyết điểm'' bằng cách xâm râu lên môi mép bằng mũi kim rồi nhuộm chàm lên đó, y như ngày nay phụ. nữ Âu Mỹ xâm chân mày. Hạng không râu, không tài giỏi, cũng không kém cỏi hơn hạng có râụ, thế nghĩa là râu không là hậu quả của sức khỏe tốt, hay xấu, cũng không phải là dấu hiệu của tài năng cao hay thấp ! Khoa học hoàn toàn bí về râu của phụ nữ Ainu. Nhưng khoa học có tự hỏi dân Nhựt có lai giống với dân Ainu hay không ? Khoa học, tức những nhà khoa học Nhựt, chớ dân Nhựt thì không bao giờ tự hỏi như vậy. Họ xem Ainu là mọi rợ, tự ái dân tộc ngăn họ tự hỏi điều đó.
Người ta thấy rằng người Nhựt, nhứt là phái nữ có ba điểm hơi lạ. Da rất trắng , y như người Ainu. Họ lại có bộ giò rất ngắn, cũng như người Ainu. Điểm thứ ba nữa là phụ nữ Nhựt xưa kia có ngôn ngữ riêng, khác với ngôn ngữ của nam phái Nhựt. Nếu có lai giống thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, trong những đoàn di cư lớn và đi xa, luôn luôn thiếu đàn bà. Đến nơi định cư mới, họ thường kết hôn với phụ nữ bản xứ.
Dân ta cũng thế, hiện nay trên núi rừng, người ta vẫn còn bắt gặp một thứ nguời Việt Nam cổ, sống chung với phụ nữ thuộc chủng khác, chủng Mê-La-Nê da đen, bé nhỏ hơn dân ta. Trong xã hội nguời Mường, phụ nữ cũng thuộc chủng khác, trong khi đó thì đàn ông Mường mang cơ thể tính Việt Nam. Và sự lai giống ấy nếu có, đã thay đổi hẳn tình trạng râu ria vì không có phụ nữ Nhựt nào có râu hết.
Riêng tôi, không phải là một nhà khoa học, tôi vẫn có nghĩ đến một sự kiện, mà nói ra có vẻ hơi lạ kỳ, nhưng tôi cứ xin nói. Xin nhắc rằng trên quả địa cầu nầy chỉ có bốn nơi là cây nhân sâm mọc được một cách tự nhiên không cần trồng mà thôi. Đó là Triều Tiên,Nhựt Bản, Cực Bắc Hoa Bắc và Hoa Kỳ. Nhưng ngày nay thì vì lý do khẩn hoang canh tác, nên ở Nhựt, ở Hoa Bắc, ở Bắc Hoa Kỳ không còn cây nhân sâm nữa. Hoa Kỳ có thử trồng, trồng có kết quả, nhưng họ chỉ (thiếu ?)
Các nước văn minh họ phân chất đủ thứ hết, bạ gì cũng phân chất, ta cứ ngỡ là họ làm chuyện tầm ruồng, vì lợi ích không thu được ngay, cho nên ta không thấy, còn họ thì thấy được, nên họ phân chất lung tung, chẳng có món nào thoát khỏi họ hết.
Cách đây già nửa thế kỷ, các nhà khoa học Nhựt Bổn âm thầm làm một cuộc phân chất mà chẳng hề ai nghĩ đến cả. Họ phân chất Cao Ly sâm của Triều Tiên. Kết quả được họ công bố trên các tạp chí khoa học : Củ sâm có chứa một chất hữu dụng là chất Oóc Môn dương, còn tất cả các chất khác đều hoàn toàn vô dụng. Thuở ấy y học quốc tế đã biết vai trò quan trọng của chất Oóc Môn dương rồi. Chất nầy do cơ thể của con người sản xuất ra một cách tự nhiên. Nếu cơ thể sản xuất không được thì người đàn ông sẽ bị liệt dương hoàn toàn, bằng như cơ thể sản xuất kém đi thì họ chỉ bị suy dương mà thôi. Sau đó không lâu, y học thế giới lại biết thêm một đặc tính của Oóc Môn dương nữa là nó có thể chữa bịnh rối loạn kinh kỳ cho đàn bà, nhưng bất tiện là nếu cho chất đó vào cơ thể thì đàn bà có thể mọc râu.
Sự công bố kết quả phân chất chưa giúp ích y học được, vào thời đó, vì y học chưa chế ra được một cách nhân tạo chất Oóc Môn. Thế nên loài người cũng cứ tiếp tục dùng Cao Ly sâm như thường, chỉ có khác là Đông Y không biết đặc tính thứ nhì của Cao Ly Sâm là trị chứng rối loạn kinh kỳ của phụ nữ. Nhưng sau đó, ngành hoá học Âu Mỹ chế tạo được chất Oóc Môn, rồi thì có biến cố lớn trên thị trường Sâm Cao Ly. Một ống Oóc Môn, giá ở các nhà thuốc tây tại Sàigon năm 1965, nhớ đâu như là chỉ có hai đồng bạc Việt Nam thôi. Trong khi đó, muốn cho vào cơ thể số lượng Oóc Môn ấy bằng Cao Ly Sâm, phải dùng đến cả nửa kí lô sâm mới đủ, mà nửa kí lô sâm thì giá đến cả bạc ngàn.
Nước Tnều Tiên đã bị thiệt hại nặng, mà không do Nhựt Bổn phá bao giờ, vì thuở Nhựt phân chất, họ chỉ phân chất chơi vậy thôi, chứ đâu có ai biết chế Oóc Môn nhân tạo. Sự thiệt hại chỉ xảy ra mấy mươi năm sau, nhưng không thiệt hại hoàn toàn vì các cụ già không thạo tin khoa học, vẫn còn uống sâm như cũ. Các cụ cho là bổ khỏe lắm vì chất Oóc Môn là kích thích tố, các cụ uống vào, được tráng dương, mà hễ tráng dương thì nghe thơi thới, vui vẻ, yêu đời, các cụ cứ tưởng đó là bổ, chớ thật ra nó chỉ kích thích các chức năng khác mà thôi, thí dụ ăn, các cụ thấy ăn ngon hơn trước, chớ đâu có bổ như mấy thứ vitamin và các thứ muốị kim loại.
Tôi tự hỏi phải chăng thời thượng cổ dân Ainu, chủ đất xưa của nước Nhựt, đã ăn quá nhiều củ sâm? Vâng, các cổ dân sống bằng hái lượm trước khi biết săn và câu. Họ kiếm trái rừng và đào củ rừng để ăn. Mãi cho đến ngày nay mà tôi còn thấy người Việt Nam, thỉnh thoảng ăn củ nho và củ nần trong rừng. Ăn củ sâm là tiêu thụ Oóc Môn nam rồi vậy. Đàn ông ăn thì không sao, họ chỉ tráng dương thôi, nhưng đàn bà ăn, mà ăn trong hàng ngàn năm thì mọc râu là sự kiện không thể tránh . Trên đây chỉ là giả thuyết. Giả thuyết đó vấp phải một chướng ngại sau đây. Người ta sẽ hỏi ngày nay ở Nhựt không còn sâm nữa, dân Ainu đã biết làm ruộng, biết ăn cơm, thì sao phụ nữ của họ cứ vẫn tiếp tục mọc râu ? Vậy kẻ thường dân viết bài nầy xin mời các nhà khoa học giải thích thêm vụ râu ria của phụ nữ Ainu, và xin nói lạc đề vài mươi dòng chữ.
Con đường hầm dài nhứt thế giới là con đường hầm Seikan ờ Nhựt Bổn. Đó là loại đường hầm đào ở dưới dạ của đáy biển (Tunnel undersea), khó đào hơn đường hầm xuyên núi dành cho xe lửa. Đường hầm Seikan dài 33 dặm Anh, tức dài gần gấp đôi con đường hầm xuyên qua biển Manche, nối liền hai nước Pháp và Anh. Seikan được khởi công từ sau trận thế chiến thứ hai (sau 1945) và dự trù sẽ hoàn thành vào năm 1983. Nhưng rồi không còn nghe nói đến con đường hầm ấy nữa, có lẽ người viết bài nầy có một lúc không theo dõi tin tức thế giới được. Nhưng nếu công việc có bị đình trệ, chắc chỉ đình trệ vài năm thôi, và dù sao nó cũng thành hình trước con đường hầm biển Manche mà Pháp và Anh cứ nói đến mãi từ già nửa thế kỷ nay, mà chưa có gì đáng kể (1). Đường hầm Seikan nối liền hai đảo Bổn Châu (Honshu) và Bắc Hải Đảo (Hokkaidọ). Đảo Bổn Châu là đảo lớn nhứt của nước Nhựt và là Trung tâm văn hóa của dân tộc Phù Tang từ hai ngàn năm nay. Đảo Bắc Hải Đảo là đảo thứ nhì của nước Nhựt, nhưng hiện nay phần lớn vẫn còn là một hoang đảo mà người Nhựt còn đang thám hiểm.
Hà Di bị đẩy lùi lên Bắc Hải Đảo rồi thì Nhựt lại đuổi theo, nhưng lần nầy thì không còn chiến tranh tàn sát. Người Nhựt chỉ cai trị lỏng lẻo vì bận kiến thiết xứ sở theo lối mới nên để yên Hà Di, vả lạị họ chỉ sống sót có vài vạn người,chẳng cần mạnh tay với họ như hồi cổ thời. Nhựt biết đảo ấy có nhiều khoáng sản, nên quyết tâm khai thác vùng đất ấy. Đó là lý do hối thúc họ thiết lập đuờng hầm nầy. Hà, trong Hà Di là tiếng Tàu mà Nhựt mượn để tạm phiên âm danh Ai của họ, dùng để trỏ Rợ đó. Họ gọi dân đó là Ainu hoặc Ainô. Ainô được viết dình và đọc dình (2), nhưng thực ra đó là danh từ ghép gồm Ai+Nô. Nô có nghĩa là cánh đồng hoang, đồng gốc với chữ Nội của Việt Nam, và người Nhựt thường viết ra chữ Tàu là Dã, và Nô được nới rộng nghĩa để diễn ý niệm dã man, hoang dại. Còn Ai là gì chính người Nhựt cũng không còn biết, họ chỉ còn nhớ nghĩa của một danh từ Ai độc nhất có nghĩa là Cái đèo mà thôi. Động từ Ai của họ chỉ là Ái của Tàu, chớ không phải là tiếng Nhựt, thí dụ Aiin là Ái ẩm, dùng để trỏ bợm rượu, Aijin là Ái nhân, có nghĩa là tình nhân v.v.

(1).- Ðường hầm biển Manche đã khánh thành ngày 06.05.1994, dài 49,7 km, nằm 37 km dưới biển Manche giữa Coquelles (Pháp) và Folkestone (Anh).
(2).- “dinh”, hay “đinh”, hay “dình”? Chữ in bỏ dấu bằng tay không rõ.


BÌNH-NGUYÊN LỘC


THẰNG MÕ (Số đặc biệt về Bình-nguyên Lộc vừa qua đời)
Số 257, ngày 21.03.1987, San Jose, Bắc Cali

........../.