Chuyện từ rạp hát 'Thầy Năm Tú'
Vương Tâm
****
Một
chiều cuối năm, tôi tình cờ có mặt trong cuộc thi ảo thuật các tỉnh phía Nam
(2017), tại rạp hát “Thầy Năm Tú”. Đây là một rạp hát cải lương cổ nhất ở Tiền
Giang, nằm trên đường Lý Công Uẩn, gần chợ Mỹ Tho. Xưa mặt tiền của rạp có hình
cánh màn nhung điệu đà sắc màu cải lương. Nay được sửa lại vuông vức hiện đại,
nhưng bên trong diện tích rạp hát vẫn vậy, rộng rãi và khang trang như thuở
nào…
Thầy
Năm Tú chơi cải lương
Rạp hát “Thầy Năm Tú” được
ghi dấu một cái mốc khởi phát và thời kỳ huy hoàng của xứ sở gái đẹp Mỹ Tho.
Đồng thời đây cũng là nơi khẳng định cái nôi sân khấu cải lương của lục tỉnh
Nam Kỳ. Vở cải lương đầu tiên của Việt Nam được diễn ra tại đây, vào năm ngày
15-3- 1918. Đó là vở Kim Vân Kiều, do ông thầy Năm Tú (Châu Văn Tú) thuê viết,
chỉ huy dàn dựng và tổ chức ra mắt đúng vào ngày sinh nhật của mình. Câu
chuyện, tôi được bà Trần Kim Liên, giảng viên trường Đại Học Tiền Giang kể cho
nghe. Tôi như bị cuốn hút theo dòng lịch sử của những làn điệu cải lương và mọi
diễn biến xảy ra chung quanh rạp hát “Thầy Năm Tú”…
Trước hết vì sao ông bầu gánh
hát đặt tên là “Thầy Năm Tú”? Đúng là câu chuyện ngông, chơi sang của một công
tử nhà giầu, say mê đờn ca tài tử của miệt vườn sông nước. Trước đó, Châu Văn
Tú bỏ tiền xây rạp chiếu bóng để kinh doan bên cạnh chợ Mỹ Tho. Sau đó mươi
năm, Châu Văn Tú mua luôn cả một gánh hát có tiếng lúc đó, ghép lại cùng với
những nghệ sĩ tài tử, giang hồ quen biết ở trong tỉnh được mời về , tạo nên lực
lượng khá hùng hậu. Ông là người đầu tiên có sáng kiến đưa những làn điệu của
đờn ca tài tử (hát lẻ) vào những tích cổ, viết thành chuyện để hát và diễn trên
sân khấu. Vì thế, ông mới thuê nhà nho có tiếng ngày đó là Trương Duy Toản viết
kịch bản “Kim Vân Kiều”, để thử nghiệm trò chơi của mình. Tư duy nghệ thuật cải
lương ấy đã tạo nên những nghệ sĩ chuyên nghiệp hơn, không chỉ dừng lại ở những
bản hát đơn lẻ, cùng với động tác minh họa nghèo nàn. Và chữ “cải lương” đã
được ông bầu Tú dùng đầu tiên với vở Kim Vân Kiều, mang ý nghĩa cải cách và
nâng cao nghệ thuật đờn ca tài tử. Sau này còn có gánh hát đã treo hai câu đối
bên rạp rằng: “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn
minh”, như khẳng định thêm ý tưởng mới lạ của thầy Năm Tú.
Sáng kiến tiếp theo là cách
đặt tên nghệ sĩ theo thứ bậc tuổi tác và tài năng. Trong tay ông Châu Văn Tú có
một đội ngũ nghệ sĩ tài hoa và có giọng hát cuốn hút lòng người. Ông lấy
đúng quy củ của nếp sống trong giang hồ mà đặt tên như Tám Danh, Ba Du, Năm
phỉ, Tư Sang… Còn với chức danh vừa là chủ vừa là tổ chức dàn dựng, ông tự đặt
tên cho mình là thầy “Năm Tú”. Vợ ông cũng được gọi tên là Tám Hảo. Lập tức
trước khi công bố vở cải lương đầu tiên, ông cũng đổi tên rạp chiếu bóng của
mình thành “Rạp hát Thầy Năm Tú”. Riêng có những trường hợp đặc cách như nghệ
sĩ Phùng Há (tên chính là Trương Phụng Hảo), người đóng vai Kiều, vì còn nhỏ
tuổi nên vẫn được giữ nghệ danh của mình. Sau này cho dù đã nổi tiếng và đủ
lông đủ cánh tự bay xa, các nghệ sĩ vẫn lấy những danh hiệu của Thầy Năm Tú đặt
cho mình đi diễn khắp nơi.
Độc chiêu của thầy Năm Tú
Nhà giáo Kim Liên cho biết
thêm, thầy Năm Tú không chỉ tổ chức biểu diễn tại rạp mà còn nghĩ ra ngón kinh
doanh, thu những vở cải lương vào đĩa hát, bán cho công chúng. Cùng với đó,
chiêu tiếp thị của ông cũng khác đời. Các đào kép hát hay diễn giỏi phải ăn mặc
thật đẹp đi chơi chợ, hay ra vườn hoa cho mọi người chiêm ngưỡng, trò chuyện.
Quả nhiên người đến xếp hàng mua vé rồng rắn quanh hông chợ Mỹ Tho như đi hội
vậy. Riêng đĩa hát thu vở diễn, ông cho in thêm hình con gà trống đỏ, một biểu
tượng báo hiệu sự mới lạ cho nghệ thuật.
Sau đó,
thầy Năm Tú còn nghĩ kế sách quảng bá sâu rộng hơn, khi cho sản xuất những đĩa
ca nhạc, gồm những bài lẻ và gồm cả tiếng Hoa, tiếng Việt. Ông nghĩ sâu sa, gốc
tích khởi dựng miền đất Mỹ Tho, có sự đóng góp lớn của dòng tộc người Hoa ban
đầu đến đây. Họ là lượng khách hàng rất lớn trong cộng đồng người Việt. Cách
chào hàng ấy đem lại món lời lớn cho gánh hát.
Thật là
thiên thời địa lợi. Thời ấy, dân chúng các tỉnh đi xa hay thương lái các tỉnh
quanh vùng muốn lên Sài Gòn, đều phải qua Mỹ Tho đi xe lửa chở hàng đi bán. Mỗi
khi khách dừng chân chờ tầu đều rủ nhau đến rạp thầy Năm Tú xem cải lương, giải
trí đến tận khuya.
Nhưng đâu đã hết, thầy Năm Tú
còn thuê sản xuất cả máy quay đĩa đem bán để cho người nghe cho có đủ bộ. Để
phân biệt với hàng Pháp, thầy Năm Tú cho in hình con chó trên máy đĩa hát của
mình, với chất lượng không hề thua kém. Đồng thời nhờ có những đĩa thu giọng hát
đê mê lòng người của cô đào Tư Sang và Năm Cần Thơ mà hãng đĩa thầy Năm Tú bán
đắt như tôm tươi. Tiếng nổi như cồn, từ đó có hiện tượng những người buôn bán
làm ăn ở Mỹ Tho, đều mua máy hát và đĩa hát của đoàn cải lương thầy Năm Tú làm
quà biếu, thể hiện chất “cải lương” văn hóa doanh nhân của mình.
Thương
hiệu đĩa hát thầy Năm Tú nổi tiếng khắp ba miền Trung-Nam-Bắc. Lại còn có cả
chuyện, người Sài Gòn còn lấy thầy Năm Tú làm cái mốc định danh để trò chuyện,
như họ thường nói: “Cái nón này sắm từ thời thầy Năm Tú hẳn ta?”, hoặc đôi khi
hài hước chê bai: “Sao nó quay chậm như đĩa hát thầy Năm Tú cải lương vậy?”…
Cũng chính xuất phát từ cuộc
chơi cải lương của thầy Năm Tú, mà đất Mỹ Tho, Tiền Giang xuất hiện nhiều nghệ
sĩ tài năng. Tính cho đến nay, số nghệ sĩ của tỉnh vinh dự được nhận danh hiệu
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) của Nhà nước trao, đạt con số kỷ lục tới 8 người. Có
thể kể ra những cái tên lừng danh ấy như: Ba Du, Bảy Nam, Trần Hữu Trang, Phùng
Há, Dương Ngọc Thạch, Kim Cương, Trần Ngọc Giầu... Hầu hết trong số họ đều là
nghệ sĩ cải lương, và đều là những người được chắp cánh từ rạp hát “Thầy Năm
Tú”, từ năm 1918. Tính đến nay, tròn 100 năm, có người còn người mất nhưng đã
để lại dấu ấn kiệt xuất không bao giờ phai mờ trong lòng khán giả say mê sân khấu
cải lương.
Trong số đó, Nghệ sĩ Trần Hữu
Trang (sinh năm 1906), là một trong những người xuất sắc nhất. Ông đầu tiên chỉ
là một anh thợ cắt tóc ở phố huyện, nhưng vẫn say mê đờn ca tài tử với các gánh
hát. Ông có năng khiếu viết ra những bản ca, với những lời mới để mọi người
cùng hát. Sau đó, Trần Hữu Trang vào đoàn hát Phụng Hảo do nghệ sĩ Phùng Há
thành lập, với vai trò thư ký và biên kịch để dễ bề hoạt động cách mạng.
Do có tài
đàn hát và năng khiếu sáng tạo đặc biệt, chỉ một thời gian ngắn, Trần Hữu Trang
đã viết xong vở cải lương đầu tiên cho đoàn. Đó là vở “Lửa đỏ lòng son” (1928),
sau đó là vở “Tâm hồn nghệ sĩ”, với chất tả thực xã hội làm lay động lòng
người. Nhưng có lẽ bắt đầu từ vở Tô Ánh Nguyệt (1934), tiếng tăm của Trần Hữu
Trang nổi lên như một tài năng trẻ đầy triền vọng. Liên tiếp mấy năm sau đó là
các vở “Lan và Điệp”(1936) và “Đời cô Lựu” (1937), Trần Hữu Trang được đánh giá
là tác giả lớn trên sân khấu cải lương.
Năm 1960, Trần Hữu Trang lên
chiến khu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Ông vừa làm công tác chỉ đạo
phong trào, vừa sáng tác kịch bản gửi về các đoàn biểu diễn, phục vụ đồng bào
và chiến sĩ giải phóng.
Thật không may Trần Hữu Trang
bị trúng bom trong một đợt máy bay mỹ oanh tạc vào Trung ương Cục miền Nam, tại
biên giới Việt Miên (năm 1966).
Ông hy
sinh như một anh hùng, để lại 30 vở cải lương có giá trị. Với bộ ba kịch bản
hiện thực ở đỉnh cao: “Tô Ánh Nguyệt”, “Lan và Điệp” và “Đời cô Lựu” đã trở
thành những vở cải lương mẫu mực, kinh điển có sức sống lâu bền, tạo đất diễn
và sáng tạo cho các nghệ sĩ. Và đó cũng chính là dấu ấn sâu đậm, kỷ niệm cho sự
phát triển và những bước thăng trầm của nghệ thuật cải lương, trong suốt 100
năm qua.
Vương Tâm
......./.