CHIẾN TRANH TOÀN DIỆN VÀ CHIẾN TRANH LÍNH TRẬN...




CHIẾN TRANH TOÀN DIỆN VÀ CHIẾN TRANH LÍNH TRẬN, VÀI LỜI DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CHỐNG CỘNG





Trong bài viết trước (“Lớt phớt về chiến tranh Việt Nam”) tôi có lý giải : Bản chất của nền kinh tế thị trường tự do không thể đồng hành với chiến tranh, nhưng vì sao nước Mỹ lại đi gây chiến tranh với Việt Nam. Đó là vì bắt đầu từ các chính sách New Deal của Tổng thống F. D. Roosevelt và bước vào thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa can thiệp vào thời Tổng thống J. Kennedy và Tổng thống L. Johnson, nước Mỹ từ một Small government hòa bình thân thiện biến thành một Big government, đối nội thì phế bỏ thị trường tự do truyền thống, đối ngoại thì tự gán cho mình sứ mệnh mang hạnh phúc đến cho nhân loại. (Ai muốn tranh cãi thì trước hết phải đọc cho kỹ lịch sử nước Mỹ đã nhé).
Nhưng một số bạn đọc stt của tôi lại một mực muốn biến cuộc chiến xâm lược của chủ nghĩa can thiệp Mỹ thành cuộc chiến tranh ý thức hệ với hàm ý người Mỹ đem quân vào Việt Nam tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản là để bảo vệ tự do. Vì vậy tôi thấy cần viết tiếp stt này để trình bày thêm bằng những lời lẽ dễ hiểu nhất mà tôi có thể.


1- Tự do (liberal) mà người Mỹ mang đến Việt Nam cùng với bom đạn và chất độc hóa học không phải là thứ liberal đích thực mà các nhà lập quốc Mỹ tuyên bố. Từ liberal dùng để chỉ những giá trị tự do truyền thống được hàm chứa trong Hiến pháp Hoa Kỳ (quyền tự nhiên của con người, nhà nước tối thiểu không can thiệp vào thị trường và cuộc sống riêng tư của cá nhân…) đã bị chủ nghĩa can thiệp cưỡng đoạt từ thời F. D. Roosevelt dùng để chỉ thứ “tự do” bị chi phối bởi những sứ mệnh của nhà nước.
Đến nỗi, sau này nhiều học giả, trong đó có Ludwig von Mises muốn “đòi” cái chữ liberal đó để trả lại cho những người tự do chân chính nhưng không “đòi” được. Người theo chủ nghĩa tự do chân chính ở Mỹ được liệt vào những người bảo thủ (conservative), khiến cho Tổng thống Reagan đã phải nhiều lần lưu ý cần phải hiểu ngược lại. Còn triết gia kiêm kinh tế gia tự do nổi tiếng F. A. Hayek mỗi khi dùng từ liberal lại rất lúng túng, ông muốn lấy từ tolerant (khoan dung) để thay thế.
Cho nên, thứ liberal mà người Mỹ mang đến cùng với chiến tranh thì người Việt không cần, thứ liberal chân chính của Mỹ mà người Việt cần thì cụ Hồ đã mang về đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập và hàm chứa trong bản Hiến pháp năm 1946 rồi. Bản Hiến pháp tự do năm 1946 sở dĩ không được thực hiện, vì ngay sau đó cả nước phải bước vào cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, tiếp đó phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, nên cần phải có một thể chế thích hợp với chiến tranh mà tôi sẽ nói dưới đây. Tư tưởng của bản Hiến pháp tự do năm 1946 tuy không thực hiện, nhưng nó vẫn sống trong lòng dân tộc và trỗi dậy trong công cuộc đổi mới sau này.

2- Cần biết rằng, trước cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi của Việt Nam, không có một dân tộc nào trên thế giới có thể thắng được chủ nghĩa thực dân. Bởi thế mà phần lớn các nước Á, Phi và Mỹ la-tinh mới trở thành thuộc địa. Như tôi đề cập ở bài trước, một nước nhỏ có thể thắng một nước lớn nếu như biết huy động sức mạnh của toàn dân, huy động cả nhân tài vật lực của cả nước và đánh dài.
Cụ Hồ đã nhận ra điều đó khi tìm đường cứu nước và ông đã chọn Quốc tế cộng sản, vì quốc tế này trang bị cho ông một phương tiện. Chỉ có một Đảng với kỷ luật sắt, có mục tiêu rõ ràng, tư tưởng thống nhất, chỉ huy thống nhất, hành động thống nhất, hy sinh gương mẫu, thì mới có thể huy động được sức mạnh của toàn dân. Không kế hoạch hóa toàn dân thì không tổ chức kháng chiến nổi. Đó là chủ nghĩa xã hội thời chiến, dù có gọi đúng tên của nó hay không.
Nhưng cũng cần biết rằng, cụ Hồ chưa bao giờ được Staline thừa nhận là người cộng sản (theo kiểu Staline), ông bị quy là nationalist (dân tộc chủ nghĩa).
Việc Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán ngày 11-11-1945 là sự kiện gây nhiều tranh cãi, tóm tắt : kẻ thù coi là giả, còn đồng chí (quốc tế) thì coi là thật, nhưng dù sao thì sự kiện này cũng cho thấy cụ Hồ đã đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, như lời tuyên bố tự giải tán nói rõ là “hy sinh quyền lợi của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc”.
Do đó, chiến tranh Việt Nam (chống Pháp và chống Mỹ) vào cao điểm là sự đối đầu giữa một bên là chiến tranh toàn diện (total war), một bên là chiến tranh lính trận (soldier’s war). Một sodier's war từ một nước nhỏ không thể thắng được một soldier's war từ một nước lớn. Cho nên phải tiến hành total war, mà tiến hành total war thì không thể không kế hoạch hóa nền kinh tế, không thể không có sự chỉ huy thống nhất toàn dân hướng vào cuộc chiến. Phương cách tổ chức của chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô cũ) là phương cách duy nhất để bảo đảm giành độc lập. Nó giống như Liên Xô, không có nền kinh tế kế hoạch hóa thì không thể thắng phát-xít Đức.

3- Câu hỏi đặt ra là, nếu coi chủ nghĩa cộng sản (mà nội dung cốt lõi là nền kinh tế kế hoạch hóa) chỉ là phương tiện cứu nước thì tại sao cứu được nước rồi lại tiếp tục đi theo chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa ? Câu trả lời là : Sau năm 1975, Việt Nam phải đối mặt với một cuộc cấm vận toàn diện từ phương Tây, liền sau đó phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc chống bè lũ Pon Pot ở biên giới Tây Nam và chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía bắc. Không duy trì kế hoạch hóa thì không thể huy động được tiềm lực, không tổ chức được lực lượng để đối phó với chiến tranh và cấm vận.
Và khi chiến tranh kết thúc rồi thì việc tháo bỏ kế hoạch hóa trở nên không dễ dàng chút nào, vì nó đã trở thành cơ chế ăn sâu vào nền kinh tế, trong bộ máy nhà nước và thâm nhập vào các ngõ ngách của đời sống xã hội. Đổi Mới là một cuộc “phá chấp” đau đớn, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang thị trường là cuộc vượt ải vô cùng gian truân, đều do chính những người cộng sản tiến hành.
Và sau 30 năm đổi mới, những thành tựu đạt được là không thể phủ nhận. GDP bình quân đầu người năm 2015 đã vượt qua Ấn Độ và gần bằng nước có nền kinh tế thị trường “toàn tòng” là Philippines, rút ngắn khoảng cách từ 15,3 lần vào năm 1990 xuống còn 2,7 lần so với Thái Lan. Đã có hàng chục triệu người được xóa nghèo, đưa tỷ lệ nghèo từ 58% năm 1993 xuống mức 9,8% vào năm 2015, thấp xa so với con số tương ứng của Philippines (25,2%), thấp hơn cả Thái Lan (12,6%). Đây không phải là “số liệu tuyên truyền của cộng sản” mà là số liệu của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á.
Đây chính là thành quả của quá trình tự do hóa kinh tế. Ai am hiểu lịch sử thế giới có thể thấy mức độ tự do hóa kinh tế của Việt Nam hiện nay còn cao hơn rất nhiều so với nước Anh trước khi bà Thatcher lên làm Thủ tướng. Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tuyên bố ở Việt Nam “chỉ có chủ nghĩa tư bản”, tuy có sai sự thật nhưng cũng không phải là sai nhiều lắm. Còn cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” đi liền với kinh tế thị trường, chỉ là một cách gọi về các chính sách an sinh xã hội, nội dung thực tế chẳng khác bao nhiêu so với mô hình nhà nước phúc lợi châu Âu (tất nhiên là chưa đạt được thành quả như mô hình này).

Chủ nghĩa chống Cộng trên thế giới là một hệ thống lý luận mà bản chất là chống nền kinh tế kế hoạch hóa và hệ quả tất yếu của nền kinh tế đó là một nhà nước toàn trị.
Lý tưởng của những người chống Cộng có lý luận là một nền kinh tế thị trường tự do. Theo cách hiểu này thì ở Việt Nam không còn những người chống Cộng, vì họ không còn gì để chống nữa cả, mà ngược lại, họ sẽ phải ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc bãi bỏ cơ chế kế hoạch tập trung để chuyển sang cơ chế thị trường, họ phải hoan nghênh Việt Nam gia nhập WTO và các hiệp định kinh tế tự do, mỗi một bước tiến trong mở rộng quyền tự do kinh doanh họ đều phải vỗ tay tán thưởng. Chống Cộng với lý luận nói trên thì Đảng Cộng sản Việt Nam là người chống Cộng hiệu quả nhất. Các bạn nhân danh chống Cộng thử nghĩ xem, nếu như Staline còn và nếu như Quốc tế Cộng sản còn thì Đảng Cộng sản Việt Nam nhất định sẽ bị khai trừ ra khỏi phong trào cộng sản quốc tế và bị gọi là những “tên phản bội”.
“Chế độ cộng sản” của Việt Nam không phải là một chế độ cộng sản nguyên nghĩa, mà bản chất là một chế độ hướng tới kinh tế thị trường. Những người chống Cộng có lý luận đều hiểu rằng, tự do hóa kinh tế ắt sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị, quá trình tự do hóa chính trị là quá trình kéo theo tiệm tiến, cũng giống như chế độ toàn trị là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kế hoạch hóa. Cho nên, nói chế độ ở Việt Nam là “toàn trị” là hoàn toàn sai. Việt Nam có những vấn đề nghiêm trọng, nhưng nhất định không phải là vấn đề vừa nói.
Vấn đề của Việt Nam là vấn đề xây dựng một nhà nước pháp quyền và một nền dân chủ pháp trị để chuyển tải và nuôi dưỡng nền kinh tế thị trường, là vấn đề hoàn thiện hệ thống luật pháp của một xã hội tự do. Tham nhũng, mất dân chủ, lợi ích nhóm đều nảy sinh từ một nhà nước pháp quyền chưa hoàn thiện, từ một nền dân chủ pháp trị vừa mới manh nha đã bị các nhóm lợi ích lũng đoạn làm cho lệch hướng.
Vì lẽ đó mà chống Cộng ở Việt Nam là ném đá vào hư không, chẳng “gãi ngứa” được ai, cũng chẳng ai hơi đâu mà bắt bỏ tù. Nhưng chống các nhóm lợi ích lũng đoạn nhà nước, chống lại kẻ quyền thế muốn xé bỏ pháp quyền, chống các quan chức câu kết với các đại gia phá rừng chiếm đất vơ vét công sản, lại là chuyện khác, chống những đối tượng đó đồng nghĩa với bạn bảo vệ đường lối đổi mới theo hướng tự do hóa của Đảng Cộng sản, đồng nghĩa với việc bạn thực tâm bảo vệ sự trong sạch của chế độ này, nhưng bạn có thể phải trả giá bằng chính sinh mệnh của bạn và bằng tai họa ập đến cho gia đình bạn. Đó là một bi kịch của lịch sử.




........../.