THẢM TRẠNG CỦA “THẾ NƯỚC”
MẠNH KIM
***
Trung Quốc đã tập trận bắn đạn
thật trong vùng biển chủ quyền Việt Nam ngay thời điểm Hà Nội kỷ niệm lễ Quốc
khánh lần thứ 72. Như thường lệ, Việt Nam vẫn phản đối chiếu lệ. Hà Nội không
phải không xoay sở tìm kiếm ủng hộ bằng con đường ngoại giao trong vấn đề biển
Đông nhưng Việt Nam ngày càng cô độc và bế tắc.
Ngày 11-7-2017, trang
“rushfordreport” (Greg Rushford) cho biết, Hội thảo biển Đông lần thứ 7 do
Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Washington DC) được tổ chức
tại ngày 18-7, có sự tham dự của Singapore, Việt Nam, Philippines…, cùng U.S.
Naval War College và Trung tâm nghiên cứu hải chiến Hoa Kỳ. Hội thảo còn có
thượng nghị sĩ Cộng hòa Cory Gardner đặc trách châu Á thuộc Ủy ban quan hệ đối
ngoại Thượng viện Hoa Kỳ. Đài thọ cho hội thảo là Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Kể từ năm 2012, Hà Nội đã chi cho CSIS hơn 450.000 USD để tổ chức hội thảo biển
Đông hằng năm. Theo tìm hiểu của Greg Rushford, Hà Nội đã móc nối CSIS từ
25-4-2012 – ngày ký bản ghi nhớ giữa Hà Nội và CSIS.
Năm 2015, cố vấn cấp cao CSIS
Murray Hiebert thừa nhận rằng, một nghiên cứu CSIS về quan hệ Mỹ-Việt do ông
đồng tác giả đã được Hà Nội trả tiền.
Bằng tiền Hà
Nội, CSIS đứng sau nhiều hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong nỗ lực lôi kéo
Mỹ, dù Hà Nội luôn nói rằng họ không bao giờ liên minh một nước thứ ba để chống
lại một nước khác. Chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Barack Obama có sự
vận động hành lang của CSIS. Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho
Việt Nam nhờ bàn tay CSIS. Việc Washington (thời Obama) ủng hộ Việt Nam gia
nhập Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng nhờ CSIS.
Reuters (3-7-2017) cho biết, việc
Nguyễn Xuân Phúc đến Nhà trắng gặp Donald Trump vào cuối tháng 5-2017 cũng là
kết quả một chiến dịch vận động hành lang. Hà Nội đã “bắn tin” Phúc muốn đến Mỹ
ngay sau khi Trump đắc cử tổng thống. Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho
biết, ngày 14-12-2016, “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện
đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump”. Chẳng phải tự nhiên. Đây là kết
quả cuộc vận động hậu trường giữa các viên chức ngoại giao Việt Nam, và của
hãng lobby Podesta.
Căn cứ hồ sơ Bộ tư pháp Hoa Kỳ,
theo Reuters, “không như hầu hết các nước Đông Nam Á”, Hà Nội đã chi khá hào
phóng cho Podesta.
Trong chiến dịch
đưa Phúc đến Mỹ, bộ trưởng lẫn thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đều đích thân
sang Mỹ vận động. Tin được “bắn” vào Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Văn
phòng Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng; chưa kể các tổ
chức nghiên cứu, doanh nghiệp, và dĩ nhiên Quốc hội Hoa Kỳ. Không phải đợi đến
chuyến công du Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp đồng cấp James
Mattis ngày 8-8-2017 người ta mới biết có chuyện sẽ có một cuộc ghé thăm của
hàng không mẫu hạm Mỹ vào năm tới (2018). Trước đó vài tuần, một số tin rò rỉ
đã tiết lộ điều này.
Dựa vào công bố tài chính theo
quy định của “Đạo luật đăng ký các tổ chức đại diện nước ngoài” (Foreign Agents
Registration Act), tờ The Daily Beast (25-5-2016) cho thấy, Hà Nội chi cho
Podesta 30.000 USD/tháng từ ngày 2-12-2013 đến 31-12-2015 (tổng cộng khoảng
1,08 triệu USD). Tương tự CSIS, Podesta cũng tổ chức nhiều cuộc gặp viên chức
Việt Nam tại các văn phòng Quốc hội Hoa Kỳ, và giúp móc nối các hãng truyền
thông, trong đó có Politico, Roll Call, CNN, The Hill, PBS NewsHour, Washington
Post, National Geographic, Food Network, New York Times và Wall Street Journal,
nhằm “PR” cho hình ảnh Việt Nam. Podesta cũng đại diện cho Boeing và Lockheed
Martin. Ngay trước chuyến công du Việt Nam của Barack Obama (23-5 đến
25-5-2016), một cuộc họp tuyệt mật giữa giới chức quốc phòng Việt Nam với đại
diện Boeing và Lockheed Martin đã được tổ chức tại Hà Nội – theo Reuters
(11-5-2016).
“Mình phải như
thế nào người ta mới mời chứ!”. Ngoại giao quốc tế không đơn giản như Nguyễn
Phú Trọng nói, đặc biệt đối với một nước “khác biệt” với văn hóa ngoại giao thế
giới như “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và khác biệt về mô hình chính trị
với phần còn lại của thế giới. Để được “mới mời chứ”, Hà Nội đã và đang dùng
mạnh lá bài kim tiền.
Việc sử dụng hệ
thống lobby “cửa sau” để được vào “cửa trước” thật ra chẳng có gì bất thường.
Văn hóa lobby là một phần của văn hóa chính trị Mỹ. Hàng chục năm qua, thậm chí
đồng minh thân tín của Mỹ như Nhật và Israel, cũng nhờ đến các hãng lobby.
Trung Quốc đang sử dụng rất mạnh các kênh lobby Washington.
Tuy nhiên, tiền không phải mua
được tất cả. Tại Diễn đàn ASEAN (Manila, 5-8 đến 9-8-2017), được tổ chức không
lâu sau khi tập đoàn dầu khí Repsol rút khỏi vùng biển Việt Nam trước áp lực
Trung Quốc lên họ lẫn lên Hà Nội, Việt Nam đã hoàn toàn thất bại trong việc lôi
kéo ủng hộ từ một cộng đồng vốn dĩ yếu ớt và chưa bao giờ đoàn kết như ASEAN.
Hà Nội đã “bé
cái lầm” khi vội vã vận động hậu trường nhằm tìm kiếm hậu thuẫn Trump trong
chính sách đối với Trung Quốc, dựa vào những phát biểu của Trump về Trung Quốc
trước khi ông ta trở thành tổng thống. Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
hủy cuộc gặp với đồng cấp Phạm Bình Minh tại Manila không phải là một “chiến
thắng ngoại giao” của Hà Nội như một số nhà bình luận viết. Ngoại trưởng chủ
nhà Philippines, Alan Peter Cayetano, đã dội một gáo nước lạnh: “Tôi không muốn
đưa vấn đề này vào (các chủ đề bàn tại Diễn đàn). Nó không phản ánh vị trí hiện
tại. Họ (Trung Quốc) không còn tranh chấp đất đai nữa. Tại sao các ông cứ lôi lại
vấn đề này vào năm nay?”. Nói cách khác, tại Manila những ngày thượng tuần
tháng 8-2017, Việt Nam hoàn toàn đơn độc.
Khó có thể phủ
nhận cố gắng của Hà Nội trong việc tìm kiếm ủng hộ khu vực lẫn quốc tế trong
vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những tính toán lợi ích ở từng
thời điểm.
Hà Nội không thể
thuyết phục các nước gắn bó lợi ích quốc gia lâu dài của họ với lợi ích chủ
quyền quốc gia mình. Hà Nội cũng không thể dựa vào chính sách Hoa Kỳ để viết ra
sách lược đối với Trung Quốc. Dựa vào tổng thống Mỹ để lôi kéo ảnh hưởng Mỹ
nhằm phục vụ chính sách đối ngoại quốc gia là chẳng hiểu gì về chính trị Mỹ.
Khác biệt giữa Tòa bạch ốc, Bộ ngoại giao và Quốc hội trong nhiều vấn đề là
chuyện bình thường. Chính sách đối ngoại Mỹ không phải do đảng của tổng thống
hay cá nhân tổng thống có thể tự quyết. Quốc hội Mỹ, dư luận Mỹ, báo chí Mỹ và
sau cùng là lá phiếu Mỹ mới là những yếu tố ảnh hưởng ít nhiều đối với các
chính sách Mỹ nói chung.
Có một điều cần
nhấn mạnh: các hãng lobby chỉ hoạt động thuần túy như doanh nghiệp. Có tiền thì
họ làm. Họ làm cho túi tiền của họ chứ không phải cho Việt Nam. Họ có thể giúp
“đánh bóng” Việt Nam nhưng điều đó chỉ có được trong khuôn khổ và giới hạn của
một "bảng hợp đồng đánh bóng”.
Đến giờ có thể
thấy, Hà Nội sử dụng các kênh CSIS hoặc Podesta cho một số mục đích sau. Thứ
nhất là để vận động hành lang nhằm tìm kiếm hậu thuẫn quốc tế cho vấn đề biển
Đông, thứ hai là xây dựng quan hệ Mỹ-Việt, thứ ba là “xử lý khủng hoảng thông
tin” trong các vụ vi phạm nhân quyền, thứ tư là tạo ra hình ảnh một quốc gia
đang phát triển để lôi kéo đầu tư nước ngoài, thứ năm – như kinh tế gia Nguyễn
Xuân Nghĩa phân tích – là sử dụng những phản hồi và dư âm từ các hội thảo quốc
tế để “xây dựng niềm tin”, một cách lừa bịp, đối với người dân trong nước rằng
“vị thế chính trị quốc tế của Việt Nam đang lên”, “thế nước đang lên”…
Nếu tiếp tục
chính sách đối ngoại - với một tay luồn vào gầm bàn khều Mỹ; tay kia thò ra mơn
trớn Trung Quốc, Việt Nam khó có thể chống lại Trung Quốc trong vấn đề biển
Đông.
Làm thế nào để
“đánh” Trung Quốc nếu tiếp tục duy trì “tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung
do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo
tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của hai
Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần phải kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt
hơn nữa trong tình hình mới” – như được tuyên “hùng hồn” trong Tuyên bố chung
Việt Nam-Trung Quốc trong chuyến kinh lý Bắc Kinh mới hồi đầu năm của Trọng
(12-1 đến 15-1-2017).
Dĩ nhiên việc có mô hình “chính
trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan” (Tuyên bố
chung 1-2017) thì không thể không đập nhau khi tranh chấp chủ quyền. Nhưng khi
đồng ý ràng buộc vào việc “chia sẻ vận mệnh chung” như một cam kết trong quan
hệ thì Hà Nội đã mặc nhiên chấp nhận thất thế trong các thương lượng chủ quyền.
Đồng ý trói mình vào con tàu Trung Quốc, thay vì thoát Trung, thì sao có thể
thắng Trung Quốc, và làm cho người khác tin rằng mình thật sự muốn đánh Trung
Quốc, dù chỉ đánh trên mặt trận ngoại giao?
Hà Nội, đáng lý, và ngay bây giờ,
là cần “chia sẻ vận mệnh chung” với chính đồng bào mình chứ không phải với Bắc
Kinh.
Thay vì chi
nhiều triệu đôla để vận động hành lang quốc tế, Hà Nội có thể không tốn một
đồng nào khi kêu gọi, một cách thực tâm, sự hỗ trợ pháp lý, cố vấn quân sự, cố
vấn ngoại giao của các nhân tài, đặc biệt kiều bào. Không kêu gọi được sự trở
về giúp đỡ hoặc cố vấn của những nhân vật kiệt xuất, như bà Giao Phan, người
hiện giữ vai trò tổng giám đốc điều hành chương trình đóng hàng không mẫu hạm
Mỹ, là một điều rất đáng tiếc. Có rất nhiều Việt kiều xuất sắc như bà Giao
Phan. Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại vĩnh viễn không bao giờ có thể đào
tạo được những tinh hoa như vậy.
Sau 1975, Hà Nội
còn phạm một sai lầm ngu ngốc có tính lịch sử: trả thù những người lính và sĩ
quan VNCH và thậm chí bác bỏ tư cách quốc gia của VNCH. Những anh hùng như Hồ
Văn Kỳ Thoại, nếu được lưu dụng và được đối xử như những người cùng chung máu
đỏ da vàng, chắc chắn sẽ giúp rất nhiều cho việc đối phó kẻ thù nghìn năm
phương Bắc.
Với một chế độ,
không có sự cô độc nào được nhìn nhận như một thất bại đáng hổ thẹn ê chề nhất,
bằng sự cô độc đối với chính người dân mình.
Muốn biết “thế
nước” có “đang lên” hay không, hãy nhìn lại xem vị thế chính quyền trong lòng
dân như thế nào.
MẠNH KIM
2/9/2017
2/9/2017
................./.