MIỀN TÂY – NHỮNG MẢNH GIÁP BẢO VỆ CUỐI CÙNG ĐANG VỠ
KỲ 2 : NGÀY CÀNG ÍT TÌNH NGƯỜI
LAO ĐỘNG - PHÓNG SỰ - ĐIỀU
TRA
HOÀNG VĂN MINH - HỮU DANH
Đàn cá lóc của anh Nguyễn Trường Du ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang bị chết trắng bụng nghi do thuốc trừ sâu. Ảnh: T.L
|
“Bây giờ
người dân miền Tây họ sống với nhau ngày càng ít tình người, nếu không muốn nói
là ngày càng ác”, Anh hùng Lao động, GS. TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Đại học
Nam Cần Thơ bức xúc khi hay tin một nông dân ở Kiên Giang bị “kẻ xấu” đổ thuốc
sâu xuống hồ khiến đàn cá lóc sắp thu hoạch chết phơi trắng bụng.
“Chuyện hại
nhau tương tự thế này ở miền Tây giờ nhiều lắm” - ông nói và kể cho chúng tôi
nghe chi tiết chuyện này chồng sang chuyện khác. Hóa ra ngoài nghiên cứu khoa
học, GS Võ Tòng Xuân là một người rất am tường chuyện thời sự.
“Sát hại” từ người đến vật nuôi
Ngày chúng
tôi tìm đến ấp Kinh 7 (xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) thì anh
Nguyễn Trường Du - chủ nhân của hồ cá lóc sắp đến kỳ thu hoạch bị ai đó ném
nguyên cả chai thuốc sâu xuống hồ khiến cá chết sạch không còn một con (hôm
15.5) đã nguôi ngoai phần nào.
Hiện trường
vụ cá chết cũng đã được thu dọn, nhưng những tấm ảnh được share nhau trên mạng
thì vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh. Anh Du, giọng rầu rĩ: “Trước đó mấy ngày, tôi
phát hiện cá lóc và cá tra của gia đình nuôi dưới kênh liên tục chết bất thường
và càng về sau số lượng chết càng lớn. Thấy nghi ngờ, tôi lặn xuống kênh nuôi
cá lóc thì phát hiện 1 chai thuốc trừ sâu đã mở nắp nằm dưới đó. Tui đã báo vụ
việc lên chính quyền, công an xã, huyện cũng đã xuống điều tra nhưng họ nói nguyên
nhân cá chết có phải do thuốc sâu hay không thì phải giám định nguồn nước, cá…
mới có kết luận chính xác”.
Anh Du bảo
tổng đàn cá của anh trị giá khoảng 40 triệu - là nguồn sống của cả gia đình gồm
3 con nhỏ đang tuổi đến trường, nay thì kể như là trắng tay!
Hơn 2,5 tấn
tôm 45 ngày tuổi với số lượng khoảng 107con/kg của ông Hà Quốc Giới (52 tuổi,
ngụ ấp Quyết Thắng, xã An Trạch A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cũng có số
phận tương tự đàn cá lóc của ông Du. Trong đơn “báo án” gởi cơ quan chức năng,
ông Giới cho biết một ngày đẹp trời, ông phát hiện tôm mình nuôi dưới hồ bỗng
dưng thi nhau nhảy lên khỏi mặt nước như bị bỏng lửa. Ông Giới kêu nhân công
xuống kiểm tra thì thu được một túi ni lông còn nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Lập
tức ông Giới kêu người bán tháo tôm, nhưng cũng chỉ bán được khoảng 700kg, số
còn lại chết thối đặc hồ, uớc tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Trước đó,
ông Trần Văn Sảnh (57 tuổi, ngụ ấp Phước Tường B, xã Bình Phước, huyện Mang
Thít, tỉnh Vĩnh Long) trong khi đi thăm ruộng thì phát hiện một lượng lớn mảnh
chai nằm rơi vãi trên mặt ruộng của mình. Thấy vụ việc nghiêm trọng, một mặt
ông Sảnh “báo quan”, một mặt khoanh vùng thu gom mảnh chai làm chứng cứ. Kết
quả, ông Sảnh gom được… 3,6kg mảnh chai (gồm nhiều loại mảnh vỡ chai bia, chai
nước tương, ly sành uống nước…). Tuy không thể khẳng định ai là người đã rải
mảnh chai lên ruộng mình nhưng ông Sảnh cho biết, trước đây, phía gia đình có
mâu thuẫn với một hộ dân ở cùng ấp. Mặc dù đã được ngành chức năng hòa giải
nhưng sau đó ông thường xuyên bị người của gia đình kia hăm dọa.
Cùng thời
điểm đó, cũng tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Đắng (54 tuổi, ngụ ấp Quang Đức, xã
Trung Chánh, huyện Vũng Liêm) cũng đi “báo quan” chuyện nền ruộng của gia đình
ông bị người lạ gài chông. “Tôi ra ruộng dọn đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa mới
thì bị một vật cứng đâm vào bàn chân gây chảy máu. Lật lên xem thì đó là một
cây sắt nhọn giống căm xe đạp (chiều dài khoảng 1/3 cây căm), được gắn vào khúc
tre, hình dáng như cây chông một mũi. Lúc đó tôi nghĩ nghĩ là do người nào đó
vô tình làm rớt lại nên bỏ qua.
Tuy nhiên,
vài ngày sau, một người dân đi soi ếch trên ruộng nhà tôi tiếp tục bị chông đâm
vào bàn chân chảy máu tương tự như tôi trước đó. Thấy lạ, tôi đi tìm quanh thì
thu được thêm nhiều cây chông khác trên đất ruộng của gia đình. Tôi năm nay 54
tuổi, làm ruộng từ nhỏ nhưng chưa bao giờ thấy chuyện lạ lùng như thế này. Rõ
ràng có ai đó muốn hại chết tôi”, ông Đắng bức xúc.
Hồn nhiên… ác
Ngoài việc
đổ thuốc trừ sâu xuống các hồ tôm cá, thả chông và mảnh chai xuống ruộng như
vừa kể, trong lần trao đổi với chúng tôi mới đây, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục
trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an còn kể thêm những “hành vi trả
thù” tàn ác khác ở miền Tây mà ông biết được như đốt mía, đổ thuốc vào thân
dừa, chặt chân trâu bò… Đáng nói là các “hành vi trả thù” chỉ mới xuất hiện
trong vài năm trở lại đây và trải đều khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chứ
không khu biệt ở một địa phương nào.
Còn nhớ hôm
chúng tôi kể cho GS Võ Tòng Xuân nghe chuyện về Nguyễn Nhật Toàn, 33 tuổi ở
Vĩnh Trinh (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ). Chỉ vì say rượu, nhớ chuyện một người bà con
tên Thảo trước đó bơm nước vô áo cá vô ý tràn qua ruộng của mình, Toàn đã mua 2
chai thuốc trừ sâu về đổ xuống ao cá trị giá hơn 1,6 tỉ đồng của ông Thảo cho
bõ ghét. Để rồi sau đó Toàn nói với cơ quan điều tra rằng: “Bây giờ, em không
biết xử lý sao nữa. Khi tỉnh dậy, biết mình đã sai. Em giờ cơm không đủ ăn lấy
tiền đâu đền bạc tỉ”. Diễn biến vụ việc và câu trả lời, sao lại hồn nhiên một
cách đau lòng thế nhỉ?
Nhân việc
GS Võ Tòng Xuân nhắc chuyện “hồn nhiên” và “hồn nhiên ác”, chúng tôi chợt nhớ
đến một giai thoại lịch sử rất thú vị mà dân gian Nam bộ truyền khẩu. Rằng thời
Nguyễn Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn lên ngôi vua được một vài năm, một hôm có một
nhóm điền chủ Nam bộ đến trước cửa Ngọ Môn hỏi thăm lính canh đòi gặp “thằng
Hai Ánh”. Lính gặng hỏi mãi mới biết “thằng Hai Ánh” là vua Gia Long bèn nạt
dữ, bảo mấy ông này phạm tội khi quân.
Các điền
chủ không chịu, cãi cọ ầm ĩ, chuyện đến tai vua. Vua Gia Long bèn sai người đem
mấy cây gấm ra tặng nhưng các điền chủ Nam bộ không nhận, bảo “tụi tao lặn lội
mấy tháng trời từ trong nam ra đây, mang theo một mớ khô lóc, chỉ muốn gặp và
nhậu với bạn cũ là thằng Hai Ánh một trận rồi về chớ có xin xỏ cái gì đâu mà
tặng gấm. Không nhậu với nhau được một trận tới bến thì tụi tao dzìa!”. Chắc là
chuyện vui thôi nhưng lại cơ bản khái quát về sự thật thà, chân thành, hồn
nhiên, tốt bụng… trên cả mức tuyệt vời của những người dân Nam Bộ không chỉ với
bạn bè. Nhưng hình như những tính từ này bây giờ đã trở nên xa lạ với người dân
đồng bằng?
Câu hỏi đó
cứ ám ảnh chúng tôi cho đến một buổi chiều mưa xối xả ở thành phố Châu Đốc (An
Giang). Chúng tôi tình cờ gặp lại ông Nguyễn Văn Sức, nguyên lãnh đạo Đội kiểm
soát Hải Quan chống buôn lậu An Giang, nhân vật chính trong vụ đưa “vua đường
lậu” Vi Ngươn Thạnh hay còn gọi là “Tỷ đường” ra truy tố trước pháp luật mà báo
Lao Động đã nhiều lần phản ánh.
Có thể nói,
ông Sức và ông “Tỷ đường” là kẻ thù không đội trời chung. Và bây giờ, ông “Tỷ
đường” đang ngồi trại tạm giam, còn ông Sức thì cũng vừa bị chuyên công tác
khác do trước đó đã quá rắn, quá quyết liệt trong việc đấu tranh chống ông “Tỷ
đường” làm mếch lòng cấp trên. Tuy nhiên chuyện đó vẫn không làm chúng tôi bất
ngờ bằng việc ông Sức kể trong quá trình đánh án nhiều năm, lâu lâu ông Sức và
ông “Tỷ đường” lại… ngồi cà phê chung với nhau. “Bình thường mà, có gì đâu ngạc
nhiên?” - ông Sức cười khi thấy chúng tôi há hốc mồm.
“Có khi
chúng tôi cà phê ngay sau khi tối hôm trước vừa cho bắt của ông “Tỷ đường” một
lượng đường rất lớn từ Campuchia buôn lậu vào nội địa. Và ông Tỷ cứ vò đầu bức
tai không hiểu sao tôi lại… tài đến thế”. Ông Sức bảo “tôi nhớ mãi có lần ông
“Tỷ đường” ngồi cà phê với tôi tâm sự rất thật rằng ông ta thù tôi tận xương
tủy, ông ta đã bỏ ra rất nhiều tiền để tìm cách đẩy tôi đi khỏi vị trí công tác
hiện tại nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa bị cho đi…”. Những chuyện như thế
này, liệu có thể nghe được ở đâu khác trên đất nước mình, ngoài miền Tây Nam
Bộ?
Mừng vì vẫn
còn chuyện sinh động để mà ví dụ sự thật thà, chân thành, hồn nhiên, tốt bụng…
của người dân miền Tây Nam Bộ. Nhưng lại nghe buồn bởi những “hồn nhiên” kiểu
ông Sức và ông “Tỷ đường” như vừa kể lại là chuyện thiểu số, trong khi những đổ
thuốc trừ sâu xuống ao tôm cá, thả mảnh chai và chông xuống ruộng, chặt chân
trâu bò… để giải quyết mâu thuẫn, để trả thù nhau lại đang ngày một nhiều hơn…
“Có rất
nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ
việc ở các vùng nông thôn của miền Tây, sự hiểu biết về pháp luật của một bộ
phận cũng còn hạn chế nên khả năng gây ra các hành vi phạm pháp mà không lường
trước hậu quả cũng cao hơn ở các khu vực khác” (Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục
trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an).
........./.