MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI





CHUYỆN CHỮ NGHĨA: MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI


Phần đông cho rằng chữ “đăng” trong thành ngữ này là đèn, và “đối” có nghĩa là... câu đối; nên nghĩa đen của “môn đăng hộ đối” được giải thích là trước cửa có treo lồng đèn và trong nhà có bày câu đối.

Có tờ báo nọ nhảy vào bàn luận văn tự một hồi ba trợn rồi kết là về nghĩa đen của nó, duy chỉ người xưa may ra mới hiểu, và về nghĩa bóng thì ở thời hiện đại là quan niệm cổ hủ sai lầm. Nhà báo xứ mình lâu nay bác đại tinh thâm, bất kể thiên văn, địa lý, thủy triều, hải lưu, luật pháp, tâm lý, phụ khoa... thứ gì cũng rành rẽ hơn hẳn chuyên gia, nay trong chuyện chữ nghĩa bỗng tỏ ra khiêm cung rất mực, âu cũng là sự lạ.

Mà “môn đăng hộ đối” là giống gì?

Thật ra, nguyên văn nó là “môn đương hộ đối” 門當戶對, do chữ “đương” còn được đọc là “đang” nên lâu ngày trại ra thành “đăng”, dẫn đến sự xuất hiện vô duyên của cái đèn lồng.



Chữ "Môn" cổ.





Chữ "Hộ" cổ.

“Giáo sư” Nguyễn Lân, nhà biên soạn từ điển cự phách của Bắc Việt, nổi tiếng với những công trình cóp nhặt cách cẩu thả của người khác để vơ thành của mình. Nhưng trong “Từ điển từ và ngữ Hán-Việt” (Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002) cũng như “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (Nxb Tp.Hồ Chí Minh, 2000), Nguyễn Lân đã ghi chính xác thành ngữ này là “môn đương hộ đối”. Ở đây, không phải do Nguyễn Lân tinh thông chữ nghĩa, mà vì ông đã chép lại của một học giả miền Nam: từ 1961, trong “Việt ngữ chính tả tự vị” (Nxb Khai Trí, Sài Gòn), Lê Ngọc Trụ đã ghi rằng thành ngữ “môn đăng hộ đối” là do đọc sai trại chữ “đang” (đương) mà ra.
Tìm hiểu thành ngữ chữ Hán tất phải tham cứu từ điển Tàu, trong “Thuyết văn giải tự”, bộ từ điển quan trọng do Hứa Thận biên soạn hồi đầu thế kỷ II ghi: “môn” là cửa có hai cánh, “hộ” là cửa một cánh. “Môn hộ” do đó là nói cái chỗ từ đó chui ra chui vào, không phải nói nguyên cái nhà. Hãy xem tự dạng cổ của hai chữ này (trong ảnh): “Môn” có hai cánh hai bên, và “hộ” chỉ có 1 cánh bên trái (chữ “hộ” này nay đã không còn, và được thay bằng chữ ).
“Môn đương” và “hộ đối” còn là hai chữ đi liền nhau của cùng một từ. Khi xưa, trước nhà quan thường có những chi tiết điêu khắc đặt ngay lối ra vào, dùng trấn gia trạch theo phong thủy, trong đó có “môn đương” và “hộ đối”.

Vào đời Hán, nhà quan thường đặt đôi trống bằng đá trước cửa (do tiếng trống vang dội uy nghiêm nên được cho là tượng trưng của sấm sét, có hiệu dụng xua đuổi tà ma xui rủi), đôi trống đá này gọi là “môn đương”.


"Môn đương" có hình dạng cái trống.

Không phải nhà ai cũng được phép dùng môn đương, mà phải quan lớn từ tam phẩm trở lên mới được dựng cửa hai cánh và bày nó. Quan văn thì môn đương có hình tròn, quan võ thì môn đương có dạng vuông. Quan tòng tam phẩm thì có hai môn đương, chánh tam phẩm được bốn, nhị phẩm được sáu, nhất phẩm được tám; và duy chỉ cung vua mới được bày chín môn đương. Do đó, cứ đếm môn đương là biết nhà của đại quan cỡ nào, và căn cứ vào hình dạng của nó mà suy ra là quan văn hay võ.












Quan từ tòng tam phẩm trở xuống chỉ được làm cửa một cánh, ở thanh đà phía trên khung cửa được đặt đôi trụ hình tròn nhô ra khoảng một tấc, gọi là “hộ đối”. Hộ đối tượng trưng cho nam đinh, đặt trên cửa là ngụ ý gia tộc hưng vượng. Tùy phẩm hàm mà có hộ đối nhiều ít khác nhau.

Có 4 "hộ đối": đây vốn là nhà quan lục phẩm.
“Môn đương hộ đối” do đó có nghĩa đen là sự phân biệt quan chức cao thấp, và nguyên nghĩa không phải nói nhà có “môn đương” phải kết thân với nhà có “hộ đối”, mà là con nhà trọng thần có môn đương thì chỉ nên phối ngẫu với nhà có môn đương; và tương tự, con em nhà quan nhỏ chỉ có hộ đối thì chỉ nên gả cho nhà có hộ đối; chứ môn đương không thể cùng hộ đối cưới gả lộn xộn.

Tức là thành ngữ này có hai vế, lâu nay nhiều người vẫn tưởng là hai vế này sẽ "cưới" nhau, nhưng thật ra lại là tách biệt, mỗi vế tự tìm đối tượng bằng vai phải lứa với nó.
Bởi theo nhận định của người xưa, vợ chồng về căn bản phải có cùng hệ quy chiếu mới có thể hòa hợp lâu bền. Người không cùng đẳng cấp sẽ có quan điểm bất đồng, dễ tạo nên xung đột khiến đời sống hôn nhân trở nên trục trặc, thành gánh nặng trong đời.

Tất nhiên, người ta có thể dẫn ra trăm nghìn trường hợp riêng biệt để bác bỏ quan niệm này, nhưng đừng quên: trong tình yêu-hôn nhân, chết vì nhau vẫn dễ hơn là phải sống trọn đời bên nhau.

Bối cảnh văn hóa, giáo dục khác nhau của hai gia đình sẽ dẫn đến hành xử khác nhau của mỗi người trong đôi lứa, những tập quán-sinh hoạt khác nhau hình thành tính cách khác biệt đến nỗi nhiều khi trở thành xa lạ khó hiểu với nhau, điều này gây những cú sốc nghiêm trọng trong cuộc hôn nhân. Trong tiểu thuyết “Trống Mái” của Khái Hưng, cô Hiền tiểu thư đã không thể đến với anh Vọi chính vì lẽ đó.

......../.