Hương Giáo Đề Thơ (624)
https://www.facebook.com/notes/%C4%91%C3%B4ng-th%E1%BB%A9c-nguy%E1%BB%85n/%C4%91%C3%A3-ch%E1%BB%8Dn-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-l%E1%BA%ADp-ng%C3%B4n/1284923454887146
*****************
Đã chọn con đường “lập ngôn” thì phải giữ cho tâm hồn luôn
luôn thanh thản
Nguyễn
Đức Lập
**************
Trò Lê Văn Cui thân mến,
Qua muốn nhắc cho trò một câu nói của người
xưa. Câu nầy hình như qua đã có dịp nói rồi. Không biết trò có còn nhớ
hay chăng, nên nhắc lại cho chắc ăn. Cái câu qua muốn nhắc đó, nó như vầy:
Nầy tam bất hủ của ta
Lập công, lập đức, cùng là lập ngôn
Câu nầy có ý nghĩa là: Có ba phương cách để
làm cho tên tuổi được sống mãi, không mục nát với cỏ cây. Ấy là lập
công, lập đức và lập ngôn.
Qua muốn nói với trò về cái sự “lập ngôn”.
Lập ngôn là dùng văn chương, thi phú mà
quảng diễn tư tưởng của mình, cho thiên hạ đương thời ngỏ biết và để
lại cho đời sau.
Người xưa, khi chọn con đường “lập ngôn” để
lưu danh hậu thế, thường phải có kinh lịch, trải qua bao nhiêu là gian
khổ của cuộc đời, từng trải những cảnh bách chiết thiên ma, ngậm cay
nuốt đắng, hay đã để ra gần hết cuộc đời để học hỏi, để sưu tầm, nghiên
cứu cho tới nơi tới chốn. Lập ngôn không thể là “ăn ốc nói mò”, càng
không thể là “áo buông chùng, quần phết gót” ru rú trong tháp ngà mà
nói dóc dạy đời.
Ông Tư Mã Thiên, tự là Tử Trường, đời nhà
Hớn, làm quan Thái sư, vì trung ngôn trong vụ Lý Lăng, phải tội nặng,
bị đè ra thiến sống, trong lúc chưa có con nối dõi tông đường, đau thương
chất ngất, sầu hận mang mang, rút hết tinh huyết để sáng tác nên bộ “Sử
Ký”. Bộ sách nầy được nưng niu truyền tụng cho tới ngày nay, đâu phải
là chuyện tình cờ.
Quan Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên nước Sở, đứng
đầu một trong ba dòng quí tộc, đưa ra kế hoạch cứu nước, không hợp với
khuynh hướng cầu an của vua quan đương thời, phải bị đi đày, hình dung
tiều tụy, áo quần xốc xếch, nghêu ngao ca hát ở bờ sông Mịch La, làm nên
thiên “Ly Tao”, trước khi nhảy xuống sông tự tử. “Ly Tao” được truyền
tụng đời đời, cũng đâu phải do sự tình cờ.
Ông Bạch Cư Dị, tự là Lạc Thiên, đời nhà
Đường, làm tới chức Tả Thập Di của trào đình, vì lời nói thẳng,
nghịch ý người trên, bị biếm truất làm chức Tư Mã tận xứ Giang Châu,
đang đêm đưa bạn, nghe tiếng đờn khoan nhặt của nàng ca kỹ về chiều, trên
bến Tầm Dương, nghĩ lại thân phận hẩm hiu của mình mà sáng tác khúc
“Tỳ Bà Hành”. Tác phẩm nầy, cho tới giờ vẫn có người ngâm, cũng
không phải là chuyện tình cờ.
Ở nước ta, quan Thái úy Lý Thường Kiệt
khẳng khái ngâm câu “Nam quốc sơn hà nam đế cư...”, lúc đang đem hùng
tài thao lược, chỉ huy bá vạn hùng binh, ngăn đường giặc Tống xâm lược,
chớ không phải đang ngồi đổ rượu, bó gối trông trăng. Chiêu Minh Vương
Trần Quang Khải lẫm liệt đọc bài “đoạt sáo Chương Dương độ, cầm hồ Hàm
Tử Quan...”, sau khi đã tung hoành trận mạc, bụi không kịp lau, giáp
không kịp cởi, lập nên công trận hiển hách, chớ không phải sau khi
tùng tam tụ ngũ, chè chén say sưa, rồi nổi hứng thình lình. Ông Phạm
Ngũ Lão sáng tác bài “Hoàng Soái giang sao cấp kỷ thu...”, sau khi đã
đem hết tài năng và sức lực, xông pha giữa mũi tên hòn đạn, rừng gươm
sóng giáo, để đánh đuổi quân thù, chớ không phải ngồi trong cảnh nhà
cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, mà hứng sảng.
Những bài thơ, tuy ngắn ngủi, của những vị
anh hùng dân tộc đó, còn được nhắc nhở hoài, đâu có phải do bè đảng
tư túi, thổi phồng nhau mà thành được. Bài nào cũng đúc kết từ “nhứt
phiến hùng tâm”, mới thành được.
“Lập ngôn” là để lại về lâu về dài, trăm năm
sau, ngàn năm sau, vạn năm sau, chớ đâu phải chỉ có giá trị một ngày
một bữa.
Nếu những điều lập ngôn phát xuất từ tấm lòng
chơn thật, bàng tài năng chơn thật thì lo gì mà không để đời được.
Còn như trá ngụy, dùng văn tài lưu loát, để
che giấu con tim không thật, việc làm không thật, rồi kéo bè kéo đảng
để vái lạy nhau, thổi phồng nhau, có thể lường gạt được một ít
người đương thời, chớ đâu có thể gạt được hết thế hệ nầy qua thế hệ
khác.
Hay vô tài bí lối, dùng sự bon chen luồn lọt,
quy lụy đầu nầy, xin xỏ đầu kia, dù với kẻ thù cũng không ngượng ngập,
cái tên tuổi cho dù tạo được nhứt thời, nhưng với mai hậu, cũng đâu
có bền.
“Lập ngôn” là sử dụng giấy trắng mực đen.
Và, với thời gian chơn hay giả, thực hay hư, đều không che giấu được ai
hết. Bụi thời gian tuy dày, nhưng chỉ vùi lấp những cái giả, cái hư
mà thôi.
Đã chọn con đường “lập ngôn” thì phải giữ
cho tâm hồn luôn luôn thanh thản, “thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhơn”
(trên chẳng trách trời, dưới chẳng phiền người), thì những điều đặt
để ra trong văn chương sách vở mới có giá trị hằng cửu được.
Trò Cui ơi,
Xưa nay, ít có người dùng con đường văn
chương để làm bước tiến thân, để từ đó, có thể bon chen mà tranh danh
đoạt lợi. Ông Viên Tử Tài, đời nhà Minh đã từng hạ bút “lập thân tối
hạ thị văn chương” (dùng văn chương để lập thân là con đường thấp
nhứt). Ông Nguyễn Công Trứ đã nói đến công dụng của văn chương “phù thế
giáo một vài câu thanh nghị”. Văn chương có mục đích là đem lại cái
hay cái đẹp cho đời, chớ không phải là phương tiện để tranh ngôi đoạt
lợi. Xưa nay đã như vậy rồi. Bởi vậy, thiên hạ mới coi nghề văn là nghề
cao quí.
Còn như, dùng văn chương chữ nghĩa để hòng
kiếm chác thì đâu khác nào anh con buôn biển lận!
....../.