Nhớ
một Tết Độc Lập buồn
và
30 năm Bài thơ "chống Đảng”
và
30 năm Bài thơ "chống Đảng”
Ông Hoàng Tuấn Phổ tuổi 80 |
Hoàng Tuấn Công
Mùng Hai Tháng Chín năm Giáp Tý 1984 là một ngày buồn trong một năm buồn của gia đình tôi. Sau gần 20 năm theo Đảng, được Nhà nước tặng thưởngHuân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương chiến sĩ văn hóa (hai lần), Cha tôi bỗng bị buộc thôi việc, khai trừ Hội tịch, trả về địa phương-nơi cũng chừng ấy năm trước, ông đứng dậy từ vũng lầy thời cuộc. Nhưng lần này trở về làng cũ, trên đầu ông nặng thêm một tội danh-một tội danh tày trời: Tội "chống Đảng” !
Tôi nhớ, bởi chuyện buồn ấy xảy ra đúng vào dịp Tết Độc Lập dân tộc. Chính xác, Cha tôi phải chấp hành Quyết định buộc thôi việc sau Tết Độc Lập một ngày: Ngày 3 tháng 9 năm 1984. Thế là mọi phấp phỏng hy vọng được minh oan của cả nhà tôi kéo dài từ mùa xuân sang mùa hè, đến mùa thu thì chấm dứt. Mẹ tôi tần tảo, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng tất cả vì chồng con, nhưng bà không chịu nổi những lời dị nghị của làng xóm. Khi ấy tôi đã 14-15 tuổi nên cũng hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tội "chống Đảng" lớn lắm, nhục nhã lắm ! Nó đồng nghĩa với tội Việt gian phản động ! Hai đứa em tôi bé nhỏ chưa hiểu gì, nhưng thấy bố mẹ, các anh buồn, chúng cũng buồn lây.
Thông thường, Mùng Hai Tháng Chín hàng năm,
xóm làng tôi vui như Tết. Trẻ con vui đùa, thanh niên cắm trại, tổ chức chơi
trò "Hái hoa Dân chủ". Và bao giờ làng cũng có một tiết mục đặc biệt
được già trẻ, gái trai chờ đợi là "màn" mổ lợn ăn mừng Tết Độc Lập.
Tôi thường sốt sắng với nhiệm vụ đi nhận phần thịt cho nhà mình. Ở làng có mấy
ông chuyên chia thịt và chia rất khéo. Thật khó có thể chọn ra một phần thịt
nào nhiều hơn, ngon hơn. Phần nào cũng như phần nào, thịt, xương, mỡ, nạc...có
đủ cả trong từng khóm. Nhà ai cũng có một phần khá tươm tất. Mấy tháng mới được
bữa cơm thịt no nê, bọn trẻ con chúng tôi vui đến mức cứ tưởng ngày này trên
thế gian ai ai cũng được sung sướng như mình ! Nhưng năm ấy, nhà tôi không có
Tết Độc Lập. Và lần đầu tiên trong đời tôi nhận thấy lẽ công bằng thật không
đơn giản...
Đồng thời với kỷ luật buộc thôi việc, đề
nghị đình bản tiểu thuyết lịch sử "Mai vàng chùa Tháp" ở
NXB Thanh Niên, Hội văn nghệ Thanh Hóa tuyên bố đã gửi công văn đi các cơ quan,
tạp chí đề nghị không xuất bản sách và in bài của kẻ "chống Đảng"
Hoàng Tuấn Phổ. Thế là, cánh cửa mà Đảng từng mở ra con đường chữ nghĩa cho Cha
tôi, nay lại bị đóng sập lại. Trước khi đi "thoát ly", Cha tôi từng
cổ cày vai bừa ở quê. Nhưng lần này trở về, dù nặng gánh trên vai, Mẹ tôi không
muốn ông lại tiếp tục công việc đồng áng... Cha tôi cũng quyết định bỏ bút, cầm
dao cầu làm nghề thuốc, châm cứu chữa bệnh. Nhà tôi trở thành cái xưởng bào chế
thuốc nho nhỏ. Phần chúng tôi, chỉ còn biết cố gắng ngoan ngoãn học hành để cha
mẹ vơi đi nỗi buồn.
Vậy mà bể dâu thoáng chốc đã 30 năm tròn !
Chắc bạn đọc không khỏi thắc mắc, muốn biết
Cha tôi “chống Đảng” như thế nào? Vâng, ông “chống” bằng một bài thơ Thất ngôn
bát cú ! Nghĩa là ông tham gia cuộc thi“Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện
chuột” do báo Đảng Thanh Hóa mời. Nói cách khác, "chống
Đảng" theo lời mời của "Đảng". Thơ ông “Họa” lại bài “Xướng” của
ông Hà Khang và Mai Bình-Chủ tịch Hội văn nghệ Thanh Hóa. Tôi nhớ như in hai
bài thơ này:
Bài “Xướng” do ông Mai
Bình chấp bút:
Năm Tý về đây nhắc chuyện
đời
Không coi chừng chuột,
chuột sinh sôi !
Chùm nem sơ hở con chù
vọc
Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi
!
Lạ nhỉ ? chơi không toan
gọn lốm,
Ở kìa ! ngồi rỗi chực
ngon xơi !
Hẹn nhau sắm bả phòng năm
chuột
Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi !
Bài “Họa” của Cao Đăng (Cha tôi-Hoàng Tuấn
Phổ):
Giống chuột làm sao vẫn
sống đời ?
Con đàn cháu lũ cứ sinh
sôi !
Đồ ăn bè cánh chia phần
nhậu,
Của để tớ thầy hợp sức
lôi !
Tiếc lọ chê ai đành chuột
phá,
Hoài cơm trách bạn để mèo
xơi !
Triệt đường ẩn nấp hang
cùng hốc,
Cống lỗ chi chi cũng hết nòi !
Đọc xong chắc có độc giả
phì cười mà bảo rằng: chúng tôi chỉ thấy đây là bài thơ “chống chuột” chứ làm
gì có chỗ nào “chống Đảng” nhỉ ? Đúng vậy, thưa bạn đọc yêu mến ! Đây là bài
thơ vui "chống ông Tý”, “nói chuyện chuột” 100% (như chủ đề cuộc thi“Xướng
họa thơ vui năm Tý nói chuyện chuột” đã đề ra)
Này nhé: Giống chuột hại,
đục khoét từ thượng cổ đến giờ. Thời nào con người cũng tìm cách diệt chuột, và
diệt được khá nhiều. Vậy mà chúng “vẫn sống đời”, “Con đàn
cháu lũ cứ sinh sôi”. Vì sao ? Vì giống này rất mắn đẻ và cực tinh
quái trong cuộc chiến sinh tồn. Chúng hay rúc rích kéo nhau đi ăn. Thứ cùng
đánh chén tại trận, thứ hợp sức lôi về hang dùng dần. Khó mà bẫy bắt được
chúng. Người xưa có câu “Ném chuột sợ vỡ bình quý” nên đôi khi chuột nhờ cơ hội
đó mà sống sót. Nhiều con mèo được nuôi để bắt chuột, nhưng chỉ giỏi ỉa bếp, để
chuột ngang nhiên hành hoành, quả là “hoài cơm”,đáng trách. Bài
“Xướng” của Mai Bình đề xuất: “Hẹn nhau sắm bả phòng năm Chuột, Hễ
chúng bò ra giết tiệt nòi”. Nhưng giống chuột đa nghi có khả năng
"xuất quỷ, nhập thần", "thiên biến vạn hóa". Chấp nhận cho
chúng tồn tại trong hang hốc là cách đánh chuột nửa vời và thụ động. Cao Đăng
đề xuất biện pháp đánh chuột của dân gian, triệt để, quyết liệt hơn: “Triệt
đường ẩn nấp hang cùng hốc, Cống lỗ chi chi cũng hết nòi”. Nghĩa là đánh
vào tận sào huyệt giống đục khoét ! Lại chủ trương diệt cả chuột cống, chuột
lỗ-loại chuột kếch xù mà họ nhà mèo không dám đụng đến. Rồi chuột nhắt,
"chi chi" chuột...hễ đục khoét, ăn hại đều diệt hết !
Tôi dù ở tuổi thiếu niên cũng đã đủ khôn để
cảm nhận đây là bài thơ hay, nghĩa bóng chống lại những tiêu cực thời nào cũng
có. Mẹ tôi là nông dân chất phác, dù lòng đang nặng trĩu nỗi buồn, khi nghe bài
thơ "chống Đảng" của Cha tôi cũng phải tủm tỉm cười khen...hay, và
nói: “Tôi chả thấy ông chống Đảng ở chỗ mô cả !” Có
lẽ cuối cùng dù Cha tôi không thoát được tội tày đình, nhưng tự lòng Mẹ tôi đã
cảm thấy vô tội và thanh thản.
Nhà tôi tuy nghèo nhưng
từ nhỏ chúng tôi được bố mẹ cho ăn học, giáo dục tử tế. Cha tôi luôn nhắc nhở
con cái: “Nhà ta được như ngày nay là nhờ có Đảng, các con phải cố gắng
học hành, phấn đấu, đi bằng chính đôi chân của mình, sống có ích cho gia đình,
xã hội”. Tôi biết rõ Cha tôi là người thế nào. Tôi không tin ông chống
lại những chủ trương mà thường ngày tôi vẫn nghe ông ca ngợi là đúng đắn và
tiến bộ.
Thế nhưng “có người” đại
diện cho Đảng lại động lòng, tự thấy mình trong bài thơ "chống chuột"
và cho rằng “nó” đang “chống” mình ! Họ phân tích như sau: “Con đàn
cháu lũ” ở đây ý chỉ “con ông cháu cha” đời nối đời hưởng đặc quyền
đặc lợi. “Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu, Của để tớ thầy hợp sức lôi” ám
chỉ chuyện vây bè, kéo cánh, ăn cắp của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc với
nhau. Của ít chia nhau ăn, của nhiều hợp sức lôi về nhà làm giàu. Không thể
chấp nhận được ! Chế độ này là khối "đại đoàn kết", chỉ có quan hệ
“đồng chí” "đồng nghiệp", tại sao lại có từ “bè cánh”, “tớ
thầy” ở đây ? Cao Đăng nói “Tiếc lọ”, thì “lọ” cũng
là “bình”. Mà “bình” không phải “Mai Bình” còn ai vào đây ? Hóa ra, cấp trên vì
nương tay với “Bình” nên không chống tiêu cực ? Thật quá "thâm ý" ! “Hoài
cơm trách bạn để mèo xơi”, “mèo” đây đích thị là những người nắm pháp
luật rồi ! Dám nói họ là “hoài cơm” sao ? Lại còn định “Triệt
đường ẩn nấp hang cùng hốc, Cống lỗ chi chi cũng hết nòi !” Cao Đăng muốn
“diệt” tận gốc, từ “ông to” đến “ông nhỏ” kia ư ? (đoạn này tôi nhớ lại theo
lời kể của Cha tôi sau mỗi tuần trở về nhà với gương mặt mệt mỏi, thất vọng...)
Thế là họa lớn ! Chín tháng trời ròng rã,
Cha tôi chỉ làm mỗi công việc trần tình, kiểm điểm, mất ăn mất ngủ... Rốt cuộc
ông vẫn không thể nào thanh minh được. Đúng là:"Tiếng oan dậy đất, án
ngờ lòa mây" !
Năm Mậu Tý 2008, ông Khương Bá Tuân-nguyên
PGĐ Sở NN và PTNT Thanh Hóa hỏi tôi: “Cậu còn nhớ bài thơ xướng họa
“Năm Tý nói chuyện Chuột” của ông Phổ không? Thỉnh thoảng các cụ trong câu lạc
bộ Hàm Rồng có hỏi. Mình thì chỉ nghe nói chứ cũng đã được đọc đâu. Nếu cậu còn
nhớ chép lại cho mình một bản làm kỷ niệm”Tôi trả lời: “Cháu nhớ. Mậu Tý
năm nay là 24 năm bài thơ họa năm Tý nói chuyện chuột. Cháu có nói với Bố cháu
nhân đây nên kể lại sự việc để mọi người hiểu. Nhưng ông Cụ bảo, “Thôi, chuyện
đã qua rồi...Mình nhắc lại người ta lại hiểu lầm là gợi chuyện cũ...”
Tôi hiểu. Sau nhiều tai bay vạ gió từ thời
Cải cách ruộng đất và Đấu tranh chính trị, Cha tôi giống như con chim sợ làn
cây cong vậy. (Xem thêm) Thế nên ông mới viết:"Sờ râu lão Tý tay
còn nhớp, Chạm vía cụ Mèo mạng suýt toi !"
Ngày Tết Độc Lập 2014 năm nay khiến tôi lại
nhớ về ngày buồn cách đây đúng 30 năm trước. Lần này ông Cụ đã đồng ý cho Tuấn
Công thư phòng công bố Bản trần tình“Có hay không có một tổ chức
văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hoá ?” từng đọc tại Đại hội Văn
nghệ Thanh Hóa cách đây 25 năm về trước, sau khi ông được phục hồi công tác.
Xin trích đăng để bạn đọc hiểu rõ thêm câu chuyện nhỏ của gia
đình tôi trong muôn vàn câu chuyện lớn khổ đau của "Biển
cả đời người":
////////////////
Có hay không có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở
Thanh Hoá ?
(Bài phát biểu của Hoàng Tuấn Phổ đã trình
bày tại Đại hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá lần thứ III vào lúc 2 giờ chiều
ngày khai mạc 22/5/1989 tại hội trường tỉnh 25B)
"Thưa ông Bí thư tỉnh uỷ Lê Huy Ngọ
Thưa Ban thường vụ Tỉnh uỷ và các đại biểu,
Thưa Đại hội
...Theo sự khẳng định của Ban thường trực Hội do Ô. Mai Bình làm Chủ tịch, có
một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hoá và Hoàng Tuấn Phổ là một hạt
nhân, một thành viên của tổ chức ấy.
|
||
Dịp Tết Giáp Tý (1984) báo Thanh Hoá phối
hợp với các cơ quan Sở văn hoá-thông tin, Đài phát thanh tỉnh, Hội văn nghệ mở
cuộc thi hoạ thơ vui với tiêu đề “Năm Tý nói chuyện chuột”. Bài
xướng do Mai Bình chấp bút (nghe nói bài này chẳng những đã thông qua Ban
thường vụ tỉnh uỷ mà còn được ông Bí thư Tỉnh uỷ Hà Trọng Hoà phê duyệt) và báo
Thanh Hoá mời tôi tham gia, sau đó đã đăng bài hoạ của tôi ký tên Cao Đăng. Số
báo này vừa mới phát hành, bản thân tác giả chưa được nhìn thấy bài mình in ấn
ra sao đã bị Ban thường trực Hội gọi bảo: bài thơ hoạ của Cao Đăng, theo các
đồng chí lãnh đạo cấp trên, sai lầm về quan điểm. Tôi hỏi: sai lầm về những
“điểm” gì, xin chỉ rõ, thì không được giải đáp cụ thể. Rồi chẳng hiểu căn cứ
vào đâu: Bài thơ hoạ của Cao Đăng bị qui là có tư tưởng chống Đảng vào người ta
tiến hành khá khẩn trương, gay gắt và kiên quyết một số biện pháp như hội họp
lãnh đạo để phân tích phê phán bài thơ, bắt tác giả phải viết tự kiểm điểm, gây
dư luận quần chúng phản đối tác giả, vận động cán bộ, nhân dân, văn nghệ sĩ
trong tỉnh gửi kiến nghị lên án tác giả và viết bài gửi tới Báo Thanh Hóa phê
phán bài thơ, rồi về địa phương tác giả lập hồ sơ bịa tạc,v.v...nhằm tạo ra một
vụ án văn học(1). Ông Mai Bình, Chủ tịch Hội cho biết: “Đáng
lẽ Sở công an Thanh Hóa và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh khởi tố vụ án này, nhưng
Ban thường trực Hội xin để Hội giải quyết nội bộ. Vậy thái độ của tác giả phải
hết sức thành khẩn”. Tôi nói: “Tôi không thấy mình mắc sai lầm
ở chỗ nào” Ông Hà Khang phó Chủ tịch Hội, gợi ý: “Kiểm điểm
theo dư luận của cán bộ và nhân dân phê phán nội dung tư tưởng xấu của bài
thơ”. Tôi nói:“Dư luận thì không phải cái gì cũng đúng. Có người
bảo tôi đả kích ông này ông nọ, nhưng cũng có người cho rằng: không có “xướng”
thì sao có “họa”,v.v...tôi biết theo “dư luận” nào ?" Ông Vương Anh,
phó chủ tịch Hội (Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam) bắt tôi phải thú nhận
theo tinh thần một bài viết dưới mục “Ý kiến bạn đọc”trên
báo Thanh Hóa phê phán thơ họa của Cao Đăng là xuyên tạc sự thật, nói xấu chế
độ. Bài này ký tên Phạm Trung Thực (Thị xã Thanh Hóa). Ông Vương Anh nhấn mạnh
là bài của “ông to” cấp trên viết (thực ra do ông Vương Anh viết). Tôi nói: “Nếu
là “ông to” cấp trên thì bài viết phải ghi rõ họ tên thật và chức vụ thì tôi
mới chấp hành nghiêm túc kiểm điểm, còn như người viết dù “to”cỡ nào, ở “cấp”
nào mà lại nhân danh “bạn đọc” thì trên nguyên tắc thông thường bạn đọc có
quyền khen, chê, và tác giả được quyền tiếp thu hay không tiếp thu”. Nhưng
ông Vương Anh vẫn không cho biết rõ Phạm Trung Thực là ai và vẫn nhắc lại rằng
tôi phải kiểm điểm theo hướng đó. Ông Vương Anh nói thêm với tôi và một số anh
em văn nghệ như Trọng Miễn, Đào Phụng, Xuân Quảng, Nguyễn Ngọc Quế và nhiều chị
em khác rằng: trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập lãnh đạo Hội văn nghệ
để bàn xét về vấn đề thơ chống Đảng, ông Vương Anh liếc nhìn vào sổ tay ông Lê
Xuân Sang (Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) và ông Quách Lê Thanh (Trưởng ban Tổ
chức Tỉnh ủy) đều thấy cùng ghi một dòng chữ: “Hoàng Tuấn Phổ chống
Đảng”. Điều này không biết có thực hay không, nhưng chẳng riêng gì tôi mà
các anh em khác cũng đều hết sức hoang mang lo sợ. Mặc dù vậy, tôi vẫn không
thể làm vừa lòng Ban thường trực Hội nói chung và ông Phạm Trung Thực nói riêng
vì không hề nhận ra mình đã mắc những sai phạm chính trị trong bài thơ họa ký
tên Cao Đăng. Sau những cuộc kiểm điểm liên miên ngày này qua tháng khác, Ban
thường trực Hội kết luận tôi là “thái độ kiểm điểm không thành khẩn kéo
dài” (9 tháng).
Cũng trong thời gian này,
anh Minh Hiệu (Nhà thơ) có 8 bài thơ, Ban thường trực Hội coi như là “8
phát súng đại bác” nã vào Tỉnh ủy. Ông Vương Anh nói: trong khi ông
Minh Hiệu tấn công trực diện vào Đảng thì Hoàng Tuấn Phổ gián tiếp đả kích
những cán bộ lãnh đạo của Đảng. Anh Xuân Hùng vẽ bức tranh “Chuẩn bị
thóc nhập kho”, vì góc bức tranh có vẽ một cây rơm, chung quanh có mấy
em bé đang đùa chơi, ông Mai Bình và Ban thường trực Hội bảo là “cây
rơm to hơn đống thóc tức là mất mùa thì lấy thóc đâu nhập kho? Phải chăng
tác giả ẩn ý rằng thành tích nông nghiệp của ta chỉ là giả tạo ?” (Trong
thực tế, dù được mùa lớn, rơm vẫn nhiều hơn thóc !) Bức tranh vẽ một đàn ngựa
của anh Đỗ Chung, bị ông Mai Bình lộn ngược dưới lên để xem và nhận xét là tác
giả vẽ toàn là các bộ phận kín của phụ nữ ! Cũng một bức tranh khác của Đỗ
Chung, ông Vương Anh bảo:“Cái mặt trời tím mọc trên cánh đồng lúa là con số
không, ý tác giả muốn nói “nền nông nghiệp nước ta chỉ là con số không !”. Còn
nhiều trường hợp nữa tôi không tiện dẫn hết ra đây.
Cứ cái kiểu suy diễn, phán xét nguy hiểm
đó, trong công việc đọc duyệt tác phẩm, các ông Mai Bình, Hà Khang, Vương
Anh đã dần dần hệ thống hóa các tác phẩm, quy tụ các hiện tượng để tiến tới
khẳng định ở Thanh Hóa có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng. Ông Mai Bình thay
mặt Ban thường trực Hội bảo tôi: “Cho dù anh có phải nhận hình thức kỷ
luật ra khỏi cơ quan văn phòng Hội thì anh cũng phải khai ra những kẻ cùng hội
cùng thuyền để giúp Đảng lãnh đạo phong trào văn nghệ tỉnh nhà được tốt”.
Sáng 27/5/1984, tại phòng ông Trần Kháng (Trưởng ban hành
chính trị sự của Hội) ông Hà Khang thay mặt Ban thường trực Hội yêu cầu tôi
phải trả lời những câu hỏi:
1.Tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hóa gồm những ai, do ai cầm đầu ?
2.Tổ chức này đã có nhiều cuộc tọa đàm, vậy anh đã dự những cuộc tọa đàm nào, các
anh đã bàn bạc hoặc tiến hành những vấn đề, những công việc gì ?
Tôi hỏi lại ông Hà Khang:
1.Ban Thường trực Hội căn cứ vào đâu để khẳng định tôi có tham gia tổ chức Văn
nghệ sĩ chống Đảng ?
2.
Ban Thường trực Hội hiểu thế nào về chữ “tọa đàm” ? Nếu tọa đàm là những cuộc
trà lá mấy anh em văn nghệ ngồi tán gẫu về văn chương thì thường xuyên có và
chẳng có gì là chống Đảng cả. Còn như về một tổ chức nào đó có hoạt động chống
Đảng thì tôi không hề biết. Và, nếu Ban thường trực Hội đã biết chắc có những
cuộc tọa đàm như ông (Hà Khang) nói thì xin ông dẫn ra cụ thể.
Ông Hà Khang ngồi im lặng một lát rồi nói:“Chỉ thị của
lãnh đạo cấp trên là Ban thường trực Hội phải làm sáng tỏ vấn đề chống Đảng của
một số văn nghệ sĩ trong tỉnh. Vậy anh phải viết ngay bản tường trình về tất cả
những gì anh biết về tổ chức này, về những cuộc tọa đàm mà anh được dự !”
Tôi nói “tôi không biết gì về những điều Ban thường trực Hội cần biết,
do đó tôi không thể làm bản tường trình được”.
Ông Hà Khang liền nói: “Đây là chỉ thị của cấp trên, là lệnh của đồng
chí lãnh đạo cao nhất, anh phải chấp hành nghiêm túc. Ngày mai anh phải xong
bản tường trình gửi Ban thường trực Hội”. Nói xong, ông Hà Khang đứng
dậy chấm dứt buổi làm việc, không cho tôi trình bày hay hỏi han gì hơn.
Chấp hành lệnh của lãnh đạo, tôi phải viết bản tường trình cũng chỉ là nhắc lại
những điều tôi đã nói ở trên (có đi sâu chi tiết hơn) vì không biết nói gì
khác. Tôi đề nghị Ban thường trực Hội công bố bản kiểm điểm của tôi ngày
28/5/1984 vấn đề sẽ được chứng minh cụ thể. Sau đó, tôi được biết, trong khi
ông Hà Khang thẩm vấn tôi ở Văn phòng Hội thì ông Mai Bình gọi anh Xuân Quảng
(họa sĩ công tác cơ quan văn phòng Hội) tới Sở văn hóa-thông tin (Vì ông Mai
Bình là Phó giám đốc Sở kiêm Chủ tịch Hội) để tra hỏi cũng với nội dung vấn đề
như ông Hà Khang hỏi tôi. Ông Mai Bình còn bịa ra là Hoàng Tuấn Phổ đã thú nhận
và khai báo hết cả rồi, và dọa là nếu Xuân Quảng không thành khẩn sẽ chịu kỷ
luật nặng hơn.
Cũng trong những ngày này, ông Mai Bình báo
cáo đề nghị sở Công an Thanh Hóa về địa phương tôi lấy hồ sơ lí lịch theo hướng
đem vụ việc chống Đảng ở địa phương kết hợp cùng ông Giá Tổng biên tập báo
Thanh Hóa tố cáo tôi 3 đời chống Đảng v.v...(Vấn đề này còn liên can tới nhiều
đối tượng khác, tuy ở mức độ và hình thức không giống nhau như trường hợp buộc
anh Phạm Văn Sĩ cán bộ Biên tập NXB Thanh Hóa phải chuyển công tác đi xa, nếu
không thì phải thôi việc, trường hợp cô Út ở phòng lưu trữ UBND tỉnh phải
chuyển công tác về thị ủy Thanh Hóa, vì cô Út có chồng là anh thương binh Lê
Viết Khảm, khen thơ họa của Cao Đăng, v.v...)
Sang tháng 6 năm 1984,
tôi còn phải viết đi, viết lại nhiều lần các bản tường trình, kiểm điểm xoay
quanh vấn đề trên vì vẫn liên tục bị các ông trong Ban thường trực Hội luân
phiên gọi lên thẩm vấn, gợi ý, khuyên bảo. Đầu tháng 8 năm 1984, có lẽ xét thấy
không thể khai thác được gì ở tôi như ý lãnh đạo mong muốn và vấn đề thơ họa
Cao Đăng cũng không nên để dư luận kéo quá dài, ông Mai Bình gọi tôi, nói: “Hội
đồng kỷ luật sắp họp, anh không tránh khỏi kỷ luật, chỉ còn ở mức độ kỷ luật có
thể nặng hay nhẹ. Nhưng trước khi nhận kỷ luật, anh có muốn lên gặp lãnh đạo
cấp trên như bác Hà Trọng Hòa, bác Tống Xuân Nhuận để trình bày những điều anh
không muốn nói với chúng tôi thì để chúng tôi bố trí anh lên gặp ?” Tôi
đáp: “Hiện tại, tôi không có gì khác ngoài những điều tôi đã viết trong
các bản kiểm điểm để trình bày với lãnh đạo cấp trên.” Ông Mai Bình
lại hỏi: “Thế anh có suy nghĩ gì về vấn đề kỷ luật ?” Tôi trả
lời: “Tôi chỉ nghĩ là tôi không có tội lỗi gì. Nếu như có sai lầm thì
tôi chỉ sai lầm ở chỗ đã tham gia vào việc xướng họa thơ.” Rồi tôi đề
nghị đưa vấn đề ra trước một cuộc hội thảo văn học của anh em văn nghệ Thanh
Hóa, nhưng ông Mai Bình không chấp nhận. Rốt cuộc, tôi vẫn bị Ban thường trực
Hội qui kết là một hạt nhân, một thành viên của tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng.
Kết luận này cũng được một số nhà lãnh đạo cấp tỉnh đồng tình, nhất trí, ở đây
tôi thấy không cần thiết nêu rõ họ tên, chức tước (4). Cho đến nay, tôi vẫn
không thể tự giải thích nổi tại sao Ban thường trực Hội lại bịa đặt cái chuyên
tày trời đó, và bịa đặt ra nhằm mục đích gì ? Có đúng là Ban thường trực Hội
chỉ làm cái việc vâng lệnh lãnh đạo cấp trên và lãnh đạo cấp trên là những ai,
lãnh đạo cao nhất là ai ? Tại sao các nhà lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa lại
nhằm tiêu diệt hoặc đánh vào những người cầm bút ở địa phương mình ? Hay là có
một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hóa thật ? Mặc dù Đảng ta đã có
chính sách mới, văn nghệ sĩ được tuyên bố là được “cởi trói” tôi vẫn không thể
yên tâm vì chắc là những bản báo cáo mật của Ban thường trực Hội, của một số cá
nhân ố nhân thắng kỷ, những chỉ thị, những lệnh riêng của Tỉnh ủy và có thể là
cả hồ sơ vụ án văn nghệ sĩ Thanh Hóa chống Đảng, đang lưu trữ tại một chỗ nào
đó, rồi biết đâu, khi có cơ hội, kẻ xấu bụng, ác ý hay chính các ông Mai Bình,
Hà Khang, Vương Anh lại khui ra thì sao ? Vì vậy, tôi đề nghị Đại hội buộc Ban
thường trực Hội (khóa II) phải:
1.Công bố toàn bộ hồ sơ
về vụ án văn nghệ sĩ Thanh Hóa chống Đảng mà các ông soạn thảo bí mật.
2.Nói rõ, các ông tiến
hành âm mưu này xuất phát từ đâu, nhằm mục đích gì?
3.Về việc xử lý oan cho cán bộ và việc vu
khống anh em văn nghệ sĩ chống Đảng phải được minh oan, phải được giải quyết
theo luật lệ hiện hành, và về phía Ban thường trực Hội từng người phải nhận kỷ
luật thích đáng.
Thưa...
Thanh Hóa trong lịch sử
đã xảy ra một số vụ án văn chương, có vụ, án xử tới tử hình. Để phòng ngừa cái
tai họa văn chương, tôi nghĩ chúng ta nên nhớ lại lời dạy của Lê-nin. Trong
sách “Lê-nin bàn về văn học nghệ thuật” (NXB Sự
thật-1960) có in bài báo nổi tiếng: “Tổ chức Đảng và văn học có tính
Đảng” Lê-nin viết: “Mỗi người đều có tự do viết tất cả
những điều họ muốn viết và nói tất cả những điều họ muốn nói, không một chút
hạn chế nào. Nhưng như vậy thì mỗi đoàn thể tự nguyện, tự giác (trong số đó kể
cả Đảng) cũng đều được tự do đuổi cổ những phần tử lợi dụng chiêu bài Đảng để
cổ vũ những quan điểm trái ngược với Đảng” Lời dạy sáng suốt và công
bằng đó của Lê-nin cần được áp dụng với tất cả những kẻ “lợi dụng chiêu
bài Đảng” để thực hiện những mưu đồ thâm hiểm, xấu xa, thấp hèn của
chúng.
Và, tôi đề nghị Điều lệ
của Hội ta nên đề cập cụ thể vấn đề này./.
Ngày 22 tháng 5 năm 1989
Chú thích:
-Vì không có đủ cơ sở lý luận buộc tội tôi về bài thơ họa, Ban thường trực Hội
bịa đặt cho tôi một số khuyết điểm về ý thức tổ chức để thi hành kỷ luật: đuổi
ra khỏi cơ quan Nhà nước và khai trừ khỏi Hội (/9/1984). Ngày 8/11/1988 Hội
nghị toàn thể hội viên Hội văn nghệ Thanh Hóa đã quyết định phục hồi Hội tịch
cho tôi, nhưng còn vấn đề xử lý kỷ luật sai về tổ chức cán bộ đến nay vẫn chưa
được giải quyết (sửa sai) do sự cố ý chống lại của Mai Bình và Vương Anh đối
với tôi.
-Theo nguồn tin đáng tin cậy, nếu Hà Trong Hòa giữ vững ghế Bí thư Tỉnh ủy thêm
6 tháng nữa, tôi và một số người nữa sẽ bị ghép vào vụ án chính trị Lường Mạnh
Hòa (con trai Lường Mạnh Huân đã bị chính quyền cách mạng xử tử hình)
-Bài phát biểu này được Đại hội vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng do thời gian
hạn chế của Đại hội, vấn đề tôi nêu ra không có điều kiện giải quyết kịp
thời..."
*Phần chú thích này không có trong bản
trình bày trước Đại hội".
(Hết trích nội dung điều trần trước Đại hội
của Hoàng Tuấn Phổ)
Vài
lời nói thêm:
Bây giờ, làng tôi không
còn mổ lợn chia thịt ăn mừng Mùng Hai Tháng Chín như ngày trước nữa. Bọn
trẻ con cũng chẳng có được cảm giác vui sướng đón Tết Độc Lập bằng một bữa cơm
thịt no nê như chúng tôi thuở nào. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ ngày xưa mỗi lần đứng
xem chia thịt, sốt ruột chờ lấy phần, tôi thường nghĩ về câu chuyện đọc lỏm
được trong sách của Cha tôi, và thú vị với ý nghĩ, trong đám đông chỉ mình tôi
biết: Bên Tàu có ông Trần Bình chia thịt cho làng rất đều, các bô lão
đều khen ngợi. Trần Bình đáp: "Ngày sau Bình này mà được làm Thừa tướng
thì cũng khéo như việc chia thịt hôm nay vậy". Quả nhiên, sau này Trần
Bình trở thành Thừa tướng nổi tiếng đời Hán Lưu Bang. Vậy mà mấy người
chia thịt ở làng tôi họ không hề biết rằng mình rất giỏi và cái nghề chia thịt
của họ đã từng được nhắc đến trong sử sách nước Tàu ! Lớn lên tôi mới hiểu, ông
Trần Bình vốn là người có trí tuệ siêu phàm, dường như sinh ra để làm Thừa
tướng. Bởi vậy có thể nói ông là một Thừa tướng đi chia thịt, khác
với những Kẻ chia thịt làm Thừa tướng trên đời !
Trở lại với câu chuyện
Một Tết Độc Lập buồn của gia đình tôi.
Đ/c Hà Trọng Hòa-Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, sau đó đã bị kỷ luật Đảng. Cha tôi-Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ sau khi được phục hồi công tác, ở tại Khu tập thể Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Các ông Mai Bình, Vương Anh thỉnh thoảng vẫn lui tới gặp gỡ, trò chuyện. Khi triển khai Dự án khôi phục Lam Kinh, ông Mai Bình không đồng ý với một số phương án, tuy nhiên chưa có dịp trình bày. Trước khi mất ông Mai Bình có giao lại văn bản và nhờ Hoàng Tuấn Phổ sau này có điều kiện thì công bố (hiện HTP còn giữ).
Đ/c Hà Trọng Hòa-Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, sau đó đã bị kỷ luật Đảng. Cha tôi-Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ sau khi được phục hồi công tác, ở tại Khu tập thể Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Các ông Mai Bình, Vương Anh thỉnh thoảng vẫn lui tới gặp gỡ, trò chuyện. Khi triển khai Dự án khôi phục Lam Kinh, ông Mai Bình không đồng ý với một số phương án, tuy nhiên chưa có dịp trình bày. Trước khi mất ông Mai Bình có giao lại văn bản và nhờ Hoàng Tuấn Phổ sau này có điều kiện thì công bố (hiện HTP còn giữ).
Ba mươi năm trôi qua,
nhiều kẻ đã "ra đi", nhưng cũng không ít người còn "ở lại".
Thuở"Đánh chuột vỡ bình, thơ sứt trán", Nhà nghiên cứu
Hoàng Tuấn Phổ mới ở độ tuổi 50, nay đã thành Ông Lão Tám Mươi. Hàng ngày ông
vẫn miệt mài dồn tâm huyết cho công trình "Tinh hoa văn hóa xứ
Thanh". Quan điểm của ông là oán thù nên cởi chứ không nên buộc. Tuy
nhiên, những câu chuyện cũ như thế này người ta lại không được phép quên. Bởi
đó là một phần của lịch sử và cũng là một trong những bài học đắt giá của quá
khứ. Đây chính là lý do Tuấn Công Thư Phòng nhớ lại "Ngày này năm
xưa".
Hoàng Tuấn Công/Ngày nghỉ
Tết Độc Lập/2014
.........../.