NGHĨ
VỀ MỘT THÁI ĐỘ
ĐỐI VỚI CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ
ĐỐI VỚI CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ
Trần Văn
Chánh
Nhân vật lịch sử thường được hiểu là
những đã người sống trong quá khứ từng có tham gia nhiều ít và về mặt này mặt
khác trong quá trình diễn tiến của lịch sử, không phân biệt hoàn cảnh xuất thân
hay lý lịch tốt xấu (“trung/ nghịch, chánh/ ngụy”, “yêu nước/ phản quốc”, “tiến
bộ/ lạc hậu”, “cách mạng/ phản động”…). Nhân vật lịch sử vì thế không nhất
thiết phải là danh nhân, đều là con người nên có mặt tốt mặt xấu, có những lúc
yếu mềm lầm lỗi, nhưng tất cả đều có vai trò riêng trong một bối cảnh lịch sử
nhất định.
Ở nước ta đã có
một vài công trình biên soạn tổng hợp về nhân vật lịch sử, với sự xuất hiện
trong đó đủ loại nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động và khuynh hướng tư
tưởng, chính trị khác nhau. Vì không phân biệt lý lịch tốt xấu, có công đóng góp
xây dựng hay gây hại cho dân tộc, nên sách viết về nhân vật lịch sử, nhất là ở
thể loại từ điển, cần có sự trung thực, mô tả khách quan tiểu sử, hành trạng
của từng nhân vật dựa trên càng nhiều càng tốt những tài liệu xác thực còn có
thể kiểm chứng được, rồi có sao kể vậy theo một trật tự logic mạch lạc, và nếu
có thể, diễn tả một cách hấp dẫn, chứ không nên và cũng không cần đưa ra những
nhận định đánh giá gắt gao này khác theo nhận thức chủ quan hay định kiến giáo
điều của người biên soạn. Những công trình biên soạn về nhân vật lịch sử vì thế
tuyệt đối tránh óc đảng phái, “bài xích dị kỷ” (công kích loại trừ những kẻ
khác mình), đơn giản chỉ vì hoàn cảnh quá khứ khác hoàn cảnh hiện tại, mà nhận
thức, hành vi của từng nhân vật lịch sử thì luôn không thể tách khỏi hoàn cảnh
độc đáo cá nhân cũng như bối cảnh lịch sử cụ thể mà nhân vật đang sống.
Ví như thời
Trịnh-Nguyễn phân tranh (từ giữa đầu thế kỷ 17) bên cạnh vua Lê thì người Việt
Nam đương nhiên cơ bản chia làm 2 phe (không có 2 phe thì lấy gì đánh nhau?).
Bước sang giai đoạn tranh hùng giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh (cuối thế kỷ 18) thì
cũng có hai phe kình chống nhau quyết liệt và mỗi bên đều có những anh hùng của
mình (như Võ Tánh, Ngô Tòng Châu… của Nguyễn Ánh; Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu,
Bùi Thị Xuân… của Tây Sơn, hoàn cảnh giữa họ tuy khác khau nhưng ai nấy đều có
nhân cách/ chí tiết đáng trọng). Trong thời Pháp thuộc (tạm tính từ hòa ước
Patenôtre 1884 và sau cuộc binh biến 1885 ở Huế kết thúc cuộc chiến tranh xâm
lăng của Pháp) thì trừ đại đa số quần chúng nhân dân không tên tuổi ra, số
người nổi tiếng đáng gọi nhân vật lịch sử đương nhiên phải chia làm nhiều thành
phần khác nhau, tùy hoàn cảnh: một số làm việc cho chính quyền thuộc địa, một
số phục vụ trong bộ máy triều đình phong kiến cũ của các vua, và số khác nữa
không chấp nhận số phận nô lệ của bản thân và của dân tộc đã đứng ra tổ chức
kháng chiến hoặc theo quân kháng chiến chống Pháp trong các phong trào yêu
nước. Sau hiệp định Genève 1954, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17 hình thành
thế cục đấu tranh Nam-Bắc với nhiều lý do rất ngoắt ngoéo phức tạp thì nhân vật
lịch sử, gồm các tướng tá và công chức dân sự bậc trung-cao của mỗi bên đương
nhiên cũng phải chia thành 2 phe phục vụ cho công việc/ mục đích chính trị mỗi
bên, không thể có chuyện số lớn người sĩ quan VNCH vượt tuyến ra Bắc phục vụ
cho chế độ XHCN miền Bắc, cũng như ngược lại không thể có số lớn cán bộ CS trốn
vào miền Nam để kiếm sống (ngoại trừ việc lúc đó họ được phân công vào Nam vì
lý do chiến tranh).
Cái chung hơn
hết là hoàn cảnh cá nhân cũng như hoàn cảnh lịch sử-xã hội mà cá nhân bị chi
phối và phần lớn thường rất khó chủ động thoát ra được. Chúng ta không thể đòi
hỏi các nhà văn hay cán bộ nghiên cứu ở các trường, viện ngoài Bắc giai đoạn
1954-1975 hiểu thấu hoặc hiểu đúng về lịch sử Việt Nam vì cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim và những sách tương
tự đều bị cấm đọc. Những nhân vật lịch sử có công đóng góp lớn cho nền văn hóa
dân tộc như Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, nhóm Tự Lực Văn Đoàn
(Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo…)… thì hầu như ít ai được biết tới, hoặc chỉ
biết lơ mơ sai sự thật. Các học thuyết khác ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin về văn
học, triết học, kinh tế học (thị trường) của nhân loại thì lại càng không thể…
Cho nên bây giờ nhìn lại với quan điểm thông thoáng hơn, cần phải có sự cảm
thông chân thành và đúng liều lượng đối với một số anh em trí thức miền Bắc,
trong khoảng thời gian mấy mươi năm, về những mặt hạn chế tri thức và tư duy
giáo điều mà không ít người trung thực đã thú nhận có thời gian họ đã vấp phải,
vì tất cả đều do hoàn cảnh cá nhân và nghịch cảnh ngoắt ngoéo của lịch sử dân
tộc này mà ra.
Trong lịch sử,
tính cách của cá nhân và hoàn cảnh sống của mỗi con người là rất quan trọng,
khó có thể ai nói tài hơn ai. Bẩm tính, năng khiếu, bản lĩnh và xu hướng hoạt
động theo ngành nghề gì cũng rất khác nhau. Có người chịu làm chính trị, tham
gia quốc sự, dám chịu tra tấn tù đày vì việc nước, đáng gọi anh hùng, thì cũng
có người tuy vẫn âm thầm yêu quê hương xứ sở, biết đau xót vì thân phận dân tộc
bị nô lệ, nhưng kém bản lĩnh chiến đấu, không dám xông pha chiến trận, sợ thấy
chém giết…. Dạng người này, không ít trong mọi xã hội mọi thời đại, muốn được
sống bình yên, chỉ mong “cẩu toàn tính mệnh ư loạn thế”, nên họ có khuynh hướng
tìm những việc làm thích hợp trong khối dân sự ít thấy đổ máu, bằng cách “trốn
quân dịch”, tham gia các hoạt động văn hóa giáo dục, hoặc thậm chí… đi tu: nếu
tiêu cực là để lánh cuộc đời xào xáo, còn tích cực là để hoằng pháp, giảng đạo
với hi vọng cứu đời bằng con đường xây dựng đạo đức cho tha nhân theo hướng hòa
bình lương thiện. Cụ Đào Duy Anh là một dạng người có phần tương tự như
vậy, lúc đầu hăng hái làm chính trị cách mạng, từ khoảng năm 1926, nhưng vì
ngại cảnh tù đày tra tấn, đã xoay ra hoạt động văn hóa suốt mấy mươi năm, bằng
hoạt động giáo dục và khảo cứu, đóng góp được rất nhiều cho xã hội qua những
công trình bất hủ…(xem Phan Huy Lê, “Đào Duy Anh, hành trình gian truân của một
nhà sử học”, tạp chí Xưa Nay,
số 459, tháng 5.2015, tr. 9-19). Giả định cụ Đào tiếp tục làm chính trị và bị
thực dân Pháp bắt xử tử, thì câu chuyện về cụ đã chuyển sang hướng khác hẳn,
nhưng xét cho cùng, với tâm chất, tính cách học giả thứ thiệt như cụ thì trước
hay sau gì cũng không thể làm chính trị thành công được. Cho nên cũng không thể
nói Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài (năm 1930) vì chống thực dân Pháp bất
thành là yêu nước và anh hùng hơn cụ Đào Duy Anh được, vì hình thức lựa chọn
việc làm của hai người khác nhau, theo những khuynh hướng, nhân sinh quan, điều
kiện, hoàn cảnh, năng lực, tâm chất cá thể không giống nhau.
Cho nên ở đây cũng cần có một cách
nhìn thông thoáng hơn về khái niệm yêu nước. Không phải không có loại nhận thức
khá ấu trĩ và phiến diện cho rằng yêu nước chủ yếu gắn với tinh thần bất khuất,
hi sinh dũng cảm chiến đấu thắng lợi vẻ vang, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ
thù nào cũng đánh thắng..., thay vì lẽ ra nên nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh
yêu nước ở lòng tự trọng, ước muốn hoàn thiện bản thân-rèn luyện nhân cách, ý
thức chấp hành bổn phận và kỷ luật…, thể hiện qua những hành vi bình thường
hằng ngày của công dân, trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhất định.
Cũng phổ biến
có loại quan niệm về yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng phân biệt theo đảng phái
hay giai cấp, cách mạng vô sản hay cải lương tiểu tư sản… Chẳng hạn, cho rằng
yêu nước theo kiểu một số nhà văn nhóm Tự Lực Văn Đoàn là nhuốm màu tiểu tư
sản, phải bài bác, phủ định, trong khi thật ra nhóm này chỉ chủ trương rất đơn
giản: yêu nước là yêu tha thiết đám nông dân nghèo khổ dốt nát cày sâu cuốc bẫm
chiếm đa số trong thành phần dân tộc, phải nỗ lực tìm mọi cách vận động để giúp
đỡ, nâng cao đời sống của thành phần xứng đáng đại diện cho dân tộc này lên,
hầu mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho họ (nói trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Con đường sáng của Hoàng
Đạo…).
Trở lại vấn đề
thái độ đối với nhân vật lịch sử, thấy có loại quan niệm hẹp hòi đơn giản, đại
khái, phàm hễ ai theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn hoặc thuộc hàng ngũ vua quan
triều Nguyễn, người theo đạo Thiên Chúa, người làm công chức cho Pháp, không
chống Pháp hoặc chủ trương “Pháp-Việt đề huề” (như Phạm Quỳnh, Bùi Quang
Chiêu…), người theo các đảng phái “quốc gia”… thì cơ bản nếu không bị coi “nối
giáo cho giặc” thì cũng sai lầm hèn kém tệ hại tất tần tật (trong khi đó thật
ra, vua quan triều Nguyễn, ngay từ thời Tự Đức, trước sau đều đã chống Pháp rất
dữ, nhưng thất bại vì thời đại chủ nghĩa tư bản lúc đó đang bành trướng với lực
lượng quân sự rất mạnh…). Với cách nhìn nhận và ứng xử này, sau ngày 30.4.1975,
khi chiến tranh Việt Nam vừa chấm dứt, “bên thắng cuộc” đã cho hủy bỏ hết thảy
các tượng đài, tên đường, tên trường học… mang tên những nhân vật lịch sử có lý
lịch dính dáng như trên, và dường như chỉ chừa lại vài ba con đường mang tên
Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn (đều ở quận 4, TP. HCM) đơn giản vì
các vị đại thần này mặc dù cũng quan lại triều Nguyễn nhưng lại tiêu biểu cho
phái chủ chiến chống Pháp quyết liệt: người thì như Hoàng Diệu quyết tử bảo vệ thành
Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882, còn Tôn Thất Thuyết thì đã cùng với Nguyễn Văn Tường tổ chức
cuộc binh biến 1885 ở Huế làm cho quân ta chỉ trong một đêm 4.7.1885 vừa chết
thảm vừa bị thương đến số vạn, thây phơi đầy đường, hàng đống người “cụt tay,
cụt chân, lòi ruột, toạc đầu, quằn quại trong vũng máu”, vua Hàm Nghi phải xuất
bôn chạy ra căn cứ Tân Sở, nhưng vẫn không đạt được mục đích như mong muốn (xem
Lưu Anh Rô-Lê Anh Tuấn, “Tìm hiểu cuộc chính biến kinh thành Huế…”, tạp chí Xưa Nay, số 459, tháng 5.2015,
tr. 42-47). Để ý ra, chúng ta thấy, theo quan điểm “chính thống”, dường như hễ
ai chủ chiến, quyết tử đều coi như lý lịch tốt, xếp vào “phe ta”. Điều này hoàn
toàn đúng, nhưng sẽ càng đúng hơn nếu người ta không vì đó mà phủ nhận sạch
trơn những người không chủ chiến, không hi sinh liều chết do sự run rủi cá nhân
hoặc do hoàn cảnh sống trong một xã hội cụ thể khiến phải có những lựa chọn
khác.
Cách làm
việc khách quan của các ban biên tập từ điển nước ngoài cũng thế, chẳng hạn từ
điển Larousse nổi tiếng lâu đời của Pháp, phần
nhân vật Việt Nam nếu miền Bắc có Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…
thì trong Nam cũng có Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Vì vấn đề chủ
yếu là giúp cho người sử dụng từ điển tra trong đó để biết nhân vật X nào đó là
ai, chứ không để đường lối chính trị-ngoại giao nhất thời chi phối. Được biết,
trong bộ Britannica Concise
Encyclopedia vừa có bản dịch
tiếng Việt gần đây với tên gọi Từ
điển bách khoa Britannica (NXB
Giáo Dục, 2014), phần nhân vật Việt Nam cũng có đủ hai phe (gồm 8 người, xếp
theo thứ tự A, B, C…): Bảo Đại, Hồ Chí Minh, Lê Lợi, Ngô Đình Diệm, Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp (xem Nguyễn Việt Long,
“Chuyện kể từ người tham gia làm Britannica tiếng Việt”, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 5.7.2015,
tr. 27).
Nhân vật lịch
sử, xét về phương diện việc làm của họ trong quá khứ và trong tương quan với
quyền lợi cộng đồng, quyền lợi dân tộc, lẽ tất nhiên cũng có người tốt, kẻ xấu,
cần được mô tả khách quan, đúng sự thật, để cho thế hệ trẻ hiện tại qua đó nhận
xét, đánh giá.
Chẳng hạn Trần Bá Lộc (1839-1899)
là một cộng sự viên đắc lực của thực dân Pháp khét tiếng trong việc đàn áp nhiều
cuộc khởi nghĩa yêu nước ở miền Nam Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 19 thì
chẳng ai dám khen là tốt cả, nhưng khi viết tiểu sử, cũng không được bỏ qua sự
kiện hệ thống kênh đào do ông chỉ huy đã đem lại lợi ích to lớn cho vùng đất Đồng Tháp Mười…
Nói chung, đối với nhân vật lịch sử, ai cũng vậy, phải nêu đủ cả những mặt tốt,
xấu của họ ra cho mọi người biết dựa theo sử liệu chính xác, chứ không nên vì
định kiến hoặc giáo điều nào đó mà dùng lời lẽ phê bình theo kiểu mạt sát,
thiếu lễ độ đối với các bậc tiền bối đã ra người thiên cổ.
Ở thời hiện tại có người tốt, kẻ xấu thì trong quá khứ
lịch sử cũng vậy thôi, không bao giờ có toàn người tốt hay toàn kẻ xấu. Gương
lịch sử hữu ích ở chỗ biết nhìn vào đó để soi rọi, rút tỉa kinh nghiệm cho việc
làm hiện tại, bằng cách chú ý mặt tốt để khích lệ các thế hệ hậu bối, còn mặt
xấu vẫn kể ra cho biết nhưng cũng chẳng có gì cần phải làm ầm ĩ quá đáng, như
số ít tờ báo, tạp chí những
năm gần đây đã làm rất hăng hái và đầy định kiến đối với một số nhân vật thuộc
diện “phức tạp” vì có lý lịch liên quan triều Nguyễn, thực dân Pháp, đạo Thiên
Chúa…, nổi bật như vua Gia Long, các ông Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn
Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh...
Lạ nhất là
trường hợp Trương Vĩnh Ký (1837-1898), thiết tưởng cũng nên nêu điển hình để luận giải cho vấn
đề đang xét, vì gần đây có
vài sự kiện dính đến tên ông mà ông bị vài tờ báo, tạp chí lôi ra chỉ trích,
trong khi cả nước đều coi ông là nhân vật lịch sử tiêu biểu, nhà bác học, danh
nhân văn hóa xuất sắc hiếm hoi của vùng đất mới Nam Bộ với nhiều đóng góp cho
sự nghiệp văn hóa đất nước, được chọn để đặt tên đường phố và tên trường học ở
nhiều nơi, đặc biệt tại TP. HCM.
Năm 1941 từng được nhà phê bình
văn học Vũ Ngọc Phan đưa vô hàng đầu sách Nhà
văn hiện đại trong số “Các
nhà văn đi tiên phong”, với lời nhận xét khẳng định chắc nịch: “Trương Vĩnh Ký
thì thật là một nhà bác học. Ông không những là một nhà văn, một nhà viết sử,
một nhà dịch thuật, mà lại còn là một người rất giỏi về khoa ngôn ngữ học. Ông
thật xứng đáng làm tiêu biểu cho tất cả những người sốt sắng với quốc văn lúc
đầu ở Nam Kỳ; sự nghiệp của ông, chúng ta không thể nào không biết đến được” (Nhà
văn hiện đại, Tập I, NXB Thăng Long, Sài Gòn, 1960, tr. 37). Sách chuyên
khảo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt về sự nghiệp văn hóa của Trương Vĩnh Ký đến
nay đã có đến số chục (như của một số tác giả: Jean Bouchot 1927, Đặng Thúc
Liêng 1927, Khổng Xuân Thu 1958, Nguyễn Sinh Duy-Phạm Long Điền 1975, Nguyễn
Văn Trấn 1992, Nguyễn Văn Trung 1993, Bằng Giang 1994, Trần Thị Nim 1998, Hoàng
Lại Giang 2001, Tạp chí Xưa Nay [chủ biên]
2002/2006…).
Thế nhưng, vì lý do
để công kích nội dung một cuốn sách trong đó có tiểu sử Trương Vĩnh Ký, một tác
giả đã viết: “Trương Vĩnh Ký là một điển hình của giới trí thức học cao biết
rộng, phục vụ đắc lực cho chủ nghĩa thực dân Pháp, không có chỗ đứng trong lịch sử văn
hóa nước nhà (TVC nhấn mạnh),
nhưng trong cuốn sách này coi ông như một ‘nhà bác học’ ‘có cống hiến to lớn
trên nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim Đông Tây’” (xem Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM, số 343, ngày
5.3.2015, tr. 11).
Cũng trong
tháng 3.2015, Trương Vĩnh Ký lại bị thêm một đợt “tấn công” dồn dập, nhân sự
kiện họ Trương được tôn vinh là nhân vật kiệt xuất có công đối với văn hóa Việt
Nam, trong dịp tổ chức Giải thưởng Phan Châu Trinh của Quỹ Văn hóa Phan Châu
Trinh do bà Nguyễn Thị Bình và nhà văn Nguyên Ngọc chủ xướng. Một tờ tạp chí đã
dành liên tiếp 2 số báo để vừa công kích Giải thưởng Phan Châu Trinh vừa nêu
lên những mặt xấu, hạn chế của Trương Vĩnh Ký, nhưng chủ yếu nói ông là tay sai
đắc lực của thực dân Pháp, và “vấn đề là ở chỗ Trương Vĩnh Ký hoàn toàn không xứng đáng (TVC nhấn mạnh)…” (Tạp chí Hồn Việt, số 92, tháng 5.2015,
tr. 51). Ngoài ra, tạp chí còn cho trích dẫn một số tài liệu, bức thư của
Trương Vĩnh Ký chứng tỏ ông rất trung thành với nước Pháp và qua một số công
trình biên soạn đã tận tâm đắc lực trong nhiệm vụ giúp thực dân Pháp thi hành
chính sách đồng hóa dân tộc Việt.
Đọc một số tài
liệu trưng dẫn kể trên, có những câu như “lòng tôi luôn thuộc về nước Pháp”,
“Người bề tôi tận tâm và vâng lời”… (Hồn Việt, tlđd., tr. 67), chúng ta
ngày nay chắc chắn sẽ ít nhiều cảm thấy như bị dị ứng khó chịu, và tự ái nữa,
liên tưởng đến những lời ca tụng tương tự sau này của hậu bối Phạm Quỳnh
(1892-1945) đối với nước “Đại Pháp”, nhưng nếu bình tĩnh đứng trên một quan
điểm cận nhân tình hơn để xem xét, sẽ thấy vì đều là công chức của Pháp, các
ông đương nhiên phải phát biểu những câu sáo thưa gởi như vậy là chuyện rất
bình thường, theo kiểu “ăn cây nào rào cây nấy”, để được việc, như trong một số
trường hợp khác người ta phải dùng những cụm từ đôi khi còn sống sượng hơn để
ca tụng chế độ mình đang phục vụ. Dù thế nào chăng nữa, không thể chỉ vì vài
bức thư hay những câu sáo ngữ như thế mà các ông không còn là danh nhân văn hóa
của nước Việt, vì phần đóng góp của các ông chủ yếu trong phạm vi văn hóa giáo
dục chứ không phải quân sự hay chính trị.
Thực tế cho thấy, trong điều kiện Pháp
thuộc, hầu hết nhân tài Việt Nam trên mọi lãnh vực hoạt động đều được đào tạo
từ nền giáo dục mới của Pháp, mà một số không ít trí thức về sau đã trở thành
những nhà hoạt động chống Pháp tích cực (Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường…).
Tương tự như vậy, khi Pháp đặt ách thống trị lên các quốc gia nhược tiểu thì
cũng có hai mặt lợi hại đi liền theo nhau: ngoài chuyện bóc lột, họ cũng đương
nhiên để lại, dù muốn hay không, một số di sản hữu ích cho các dân tộc bị trị
như khoa học-kỹ thuật, giáo dục, y tế, giao thông công chính, hành chính…hiện
đại, và đặc biệt là những tư tưởng về tự do dân chủ và cách mạng.
Petrus Ký (1837-1898) vào năm 1883, ở tuổi 46 |
Riêng nhân vật
Trương Vĩnh Ký, vấn đề nằm ở chỗ, dù thật sự trung thành với thực dân trong tư
cách công chức Pháp thì ông vẫn là một người Việt Nam có cuộc sống đạo đức nghiêm chỉnh,
cả đời học giả chỉ biết căm cụi nghiên cứu, trước thuật một cách hoàn toàn
lương thiện, lại thường bị thiếu túng, thiếu nợ nhà in vì sách báo in ra bán
không chạy…, không nghe ai nói ông có lem nhem gì đối với công quỹ, hay làm bất
cứ hành động gì có hại cụ thể cho nhân dân lao động.
Còn chuyện năm 1886, Trương Vĩnh Ký được
Toàn quyền Paul Bert cử vào Huế làm việc ở Viện Cơ mật, nếu không phải họ
Trương thì cũng phải có một nhân vật lịch sử Việt Nam nào khác.
Giả định Trương Vĩnh Ký lúc 8 tuổi không
có cơ duyên theo đạo Công giáo và được đưa đi du học nước ngoài, thì ông cũng
chỉ trở thành một đứa bé chăn trâu làm ruộng, giống như mọi đứa trẻ chăn trâu
khác sống ở cái ấp Cái Mơn nghèo khổ khỉ ho cò gáy của tỉnh Vĩnh Long mà thôi,
làm gì có những công trình văn hóa đồ sộ mà nhiều thế hệ đã được thừa kế và thụ
hưởng?
Bình luận về
con người trong lịch sử vì thế không thể thiếu sự thông đạt chính trị nhân
tình, và đức công bằng, luôn biết đặt con người vào trong hoàn cảnh cá nhân cụ
thể cùng với những mối tương tác nhân quả trùng trùng duyên khởi của các sự
kiện chi phối bên ngoài, từ đó có được quan điểm phóng khoáng khoan dung, biết hòa giải với quá khứ trong
tinh thần cởi mở để hướng đến hiện tại và tương lai, chứ không nên chỉ
chuyên moi móc quá khứ với các kiểu thái độ cực đoan, phiến diện, căm thù, chỉ
gây thêm mầm mống chia rẽ trong lòng dân tộc, và vì thế cũng không thể đạt được sự hòa giải đích
thực trong hiện tại được.
12.7.2015
Nguồn: Bán nguyệt san Văn Hóa Phật Giáo, số 230
(1.8.2015)
......./.