DẤU HỎI VỀ 16 TẤN VÀNG


Câu chuyện về 16 tấn vàng




Chuyện này xảy ra đã gần 37 năm. Từ đầu năm nay tôi  nhận được 6 điện thư từ trong nước, từ Canada và Cộng hòa Liên bang Đức hỏi về chuyện này. Đây là chuyện rất cũ, nhưng do chế độ độc đảng luôn duy trì nhiều mảng tối, không công khai minh bạch, nên có nhiều vấn đề lịch sử cần làm rõ.

.......

Trưa 30-4-1975, trong phòng lớn của Dinh Độc lập, sau khi tôi gặp và hỏi chuyện tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu, không khí dần dần bình thản. Ông Nguyễn Văn Hảo ghé tới nói nhỏ với giọng miền Nam, «Thưa tôi là Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng đặc trách về kinh tế - tài chính, có chuyện cần trình bày riêng với các ông». Tôi cùng ông Hảo đến ngồi bên chiếc bàn nhỏ gần cửa sổ. Vừa ngồi xuống, ông Hảo nói ngay: «Chúng tôi vừa trao đổi với nhau, muốn nhờ ông báo ra ngoài đó là bọn này đã giữ lại hơn 16 tấn vàng không để họ mang đi, hiện để trong ngân khố, mong ngoài đó cho người vô nhận». Tôi hỏi lại: «Ông nói sao? 16 tấn vàng trong ngân khố? Có thiệt không?». Tôi ghi vội vài chữ trên sổ tay: Ng. v Hảo, 16 tấn, ngân khố…, và nghe ông Hảo trả lời: «Thiệt chớ, bọn này chịu hoàn toàn trách nhiệm mà». Ông còn nói thêm: «Nếu các ông gửi (ông dùng tiếng Pháp «placer») ở các ngân hàng quốc tế lớn thì sau sẽ có thể thành 18 tấn, 20 tấn. Nếu cần, bọn này sẽ giúp».


[...]






Dạo ấy anh em vẫn đánh bài viết của tôi cho báo Quân đội Nhân dân. Chiều nay sau khi viết bài báo xong, tôi rất băn khoăn vì các nhà báo Pháp, Ý, Đức đều cho tôi biết là bưu điện Sài Gòn đóng cửa 2 hôm nay rồi. Điện thoại viễn liên bị cắt đứt. Họ đang bế tắc không sao gửi bài đi được. Tôi cũng sốt ruột không kém. Vì gửi bài báo ngay đêm nay để sáng mai bài báo  được in trên báo QĐND là một yêu cầu cấp bách. Thượng sỹ thông tin trẻ măng người Thái Bình tên là Hải đánh bài báo của tôi bằng tín hiệu Morse, tè tè tích tích. Bài báo gửi cho Thiếu tướng Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, để chuyển cho báo QĐND. Ngay sau bài báo là mấy dòng chữ «Gửi riêng Thủ trưởng Tổng Cục Chính trị - Tuyệt mật. Hôm nay 30-4-1975 Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo đặc trách kinh tế - tài chính  báo tin cho tôi là đã giữ lại trong ngân khố hơn 16 tấn vàng, mong ta cho người vào nhận. Bùi Tín».


[....]


Ít lâu sau đó, tôi đọc trên cuốn  A Decent Interval (Khoảng cách vừa phải) của Frank Snepp, một cán bộ CIA ở Sài Gòn trước đó, nói rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu  đã mang đi hàng chục tấn tài sản quý sang Đài Loan, nơi có anh ông là đại sứ Nguyễn Văn Kiểu, để đưa sang Hoa Kỳ sau đó. 

Tất cả các báo chính thức ở Hà Nội hồi đó đều trích đăng cuốn sách của Frank Snepp, đoạn nói về việc ông Thiệu chở tài sản quốc gia trong đó có hơn 10 tấn vàng trong ngân khố ra khỏi nước, và ai cũng đinh ninh là chuyện này là có thật.

Ở hải ngoại nhiều bài viết cho đến nay vẫn đinh ninh chuyện ông Thiệu mang đi 16 tấn vàng là có thật, lên án ông rất nặng nề là trong tình hình cực kỳ khẩn trương ông đã chỉ lo vun vén cho cá nhân, lo chiếm đoạt tài sản công thành của riêng một cách tồi tệ.

Về phía chính quyền độc đảng ở trong nước, họ vẫn cố tình duy trì một tình hình ỡm ờ úp úp mở mở, không rõ ràng minh bạch về hơn 16 tấn vàng trong ngân khố Sài Gòn hồi ấy, với ý định không sạch sẽ là để cho mọi người hiểu lầm về chuyện này.

Năm 1994, khi tôi đã ở Paris, một bạn người Việt làm việc cơ quan nghiên cứu và lưu trữ về chiến tranh Việt Nam ở Lubbock, Tiều bangTexas, Hoa Kỳ, cho tôi địa chỉ điện thoại của ông Nguyễn Văn Hảo. Tôi gọi ngay cho ông và từ đó có dịp nói chuyện về ngày 30-4-1975. Ông cho biết ông đang ở Port-au–Prince, thủ đô nước cộng hòa Haiti, trong vùng Antilles - Caribbean, làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Haiti. Ông cũng được biết đầu tháng 5-1975 ngoài Hà Nội đã cho riêng 1 chuyến chuyên cơ vào tiếp nhận hơn 16 tấn vàng và chở ra Hà Nội. 

Đầu tháng 5-1975 tôi cũng được tướng Đào Đình Luyện, chỉ huy không quân, cho biết nguyên một chuyến chuyên cơ IL 18 đã chở số vàng thu được từ Sài Gòn ra Hà Nội.

[....]

Trong các phiên họp của chính phủ, của quốc hội sau 30-4-1975, không có một chi tiết nào về hơn 16 tấn vàng được chính quyền miền Nam chính thức giao lại. Nó có thật sự nhập kho Nhà Nước đầy đủ, và được dùng vào những việc gì? Không ai biết. Đại biểu Quốc hội không ai hỏi, vì  90 % đại biểu là đảng viên, số ngoài đảng còn bảo hoàng hơn nhà vua.

Tháng 4-2010, Bộ Quốc phòng Hà Nội có cuộc họp «viết lại một cách chính thức diễn biến ngày 30-4-1975 ở Dinh Độc lập», họ không nhắc đến tên tôi, coi như nhà báo Bùi Tín không hề có mặt ở Sài Gòn ngày hôm đó, cũng không hề nhắc đến chuyện hơn 16 tấn vàng, một chi tiết không nhỏ, nhưng họ không muốn nhắc đến nữa.

Năm 1987, khi có dịp gặp ông Trường Chinh ở  Đà Lạt, tôi kể lại chuyện này, ông cho biết : « Tôi có biết chuyện này, nhưng hết sạch cả rồi, trong mấy năm khó khăn, cấu véo hết tấn này đến tấn khác, mua lương thực, nguyên liệu, nay còn gì nữa đâu!». Đây là câu duy nhất tôi nghe được về số phận của hơn 16 tấn vàng năm 1975, từ miệng một nhà lãnh đạo.

[...]

Có thể nói tiền nong, vàng bạc, của cải trong chế độ độc đảng đã gây nên tham nhũng, bất công kinh khủng chưa từng có trong xã hội nước ta, tiền của vàng bạc phi pháp  đã tha hóa giới cầm quyền ở mọi cấp, tàn phá đảng cộng sản Việt Nam từ gốc lên ngọn.

Hiện là thời kỳ đảng viên quan chức lao lên trước đi tiên phong để trở thành đại gia, đại điền chủ, đại trọc phú, đại tư bản đỏ, bỏ mặc nhân dân của mình nghèo đói ở phía sau, đến nỗi nhà Mác-xít Lữ Phương phải la trời rằng đảng cộng sản đã đi đầu trong xây dựng chủ nghĩa tư bản man rợ. Đó là thời kỳ các quan chức vứt hàng ngàn tỷ này đến hàng nghìn tỷ khác qua cửa sổ, chìm nghỉm dưới đáy biển, để mặc cho  hệ thống y tế và giáo dục tàn tạ, bệ rạc.

Thời đại kim tiền của các nhà cầm quyền tỷ phú  Marcos,  Suharto,  Park Chung Hy, Ceausescu, Ben Ali, Ghadafi,  Mubarak…đã kết thúc bi thảm. Gương tày liếp cho những bầy sâu chói mắt vì ánh vàng.


BÙI TÍN 
....................................