Khó phát triển





________________________________________ Phát ngôn ấn tượng:

Khó phát triển và… nguy cơ?

KỲ DUYÊN


 Năm 2011, có rất nhiều phát ngôn ấn tượng của các nhân vật nổi tiếng và không nổi tiếng (nói đúng hơn, nhờ phát ngôn “ấn tượng” mà có những nhân vật không tên tuổi trở thành nổi tiếng, cho dù là tiếng… xấu).
Thiếu tướng Lê Văn Cương

 Nhưng người viết bài xin chọn một phát ngôn gây ấn tượng nhất. Vì nó rất trí tuệ, sâu sắc và hàm chứa nhiều vấn đề của một xã hội thời hội nhập.
Đó là phát ngôn của tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công An.
Bình về hiện tượng một Bộ trưởng trẻ- Đinh La Thăng, đang phải đối mặt với một ngành khó khăn nhất nhì đất nước- giao thông, tướng Lê Văn Cương lưu ý nhà báo, cũng là lưu ý bạn đọc về đặc điểm của cơ chế xã hội: “Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển” (Tuần Việt Nam, ngày 27/10/2011).
Một phát ngôn không chỉ nhiều suy ngẫm, mà còn nhiều trải nghiệm thực tiễn ở đời.
Vì sao Việt Nam ta khó phát triển?
Trước đó, lý giải về sự thành công của quốc gia Singapore, theo tướng Lê Văn Cương: “Một người trợ lý của của cựu TT Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi, các ông cứ thần thánh hóa ông Lý Quang Diệu chứ ông Diệu chỉ là một người bình thường. Chỉ là ông ta đi khắp thế giới và rút ra được mấy vấn đề.
Một đất nước nhỏ như vậy, muốn phát triển được trước hết phải có một bộ máy hành chính tử tế. Hai là nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Ba là hệ thống hạ tầng thông suốt. Việc lớn nhất ông Diệu làm được chính là tập hợp được một đội ngũ những người giỏi xung quanh ông ấy. Và đến giờ phút này, chưa có ai kêu ca gì về gia đình ông Lý Quang Diệu, họ hoàn toàn trong sáng”
Nếu so với ba vấn đề, đất nước nhỏ Singapore đã rút ra được, thì đất nước to như Việt Nam ta đang ở trạng thái… bó tay. com.
Bởi con người là yếu tố quyết định của bộ máy và cơ chế quản lý. Nhưng trong cơ chế ấy, con người vừa bất lực, vừa tích cực tham gia vào quá trình làm “tha hóa” xã hội, chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích riêng mình.
Ngày 25/12/2011 mới đây, Tuần Việt Nam có bài Quyền “đuổi đầy tớ” của dân”, với chủ đề cải cách hành chính. Công cuộc CCHC của chúng ta triển khai đã gần 10 năm, thế nhưng hiệu quả ra sao, khi mà nền hành chính quốc gia còn rất ì ạch?
Bài báo cho biết: Từ thời “dân chủ cộng hòa” cho đến nay, hơn 65 năm qua, người dân vẫn chưa biết “đuổi đầy tớ” bằng cách nào, khi “đầy tớ” “không làm được việc cho dân…. Khi nhân dân không thực quyền trong tuyển dụng và sa thải “đầy tớ” thì tính chịu trách nhiệm của các “đầy tớ” trước nhân dân, của toàn bộ bộ máy Nhà nước nói chung sẽ thấp. Tính chịu trách nhiệm thấp sẽ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thấp, tham nhũng tăng.
 Tham nhũng từ lâu đã được người dân kinh hãi tặng danh hiệu quốc nạn. Mặc dù, Nhà nước thành lập hẳn bộ máy chống tham nhũng các cấp từ trên xuống dưới, nhưng tại buổi Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 10, được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11, Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cho biết: Trong 5 năm qua (2007-2011), các cơ quan tố tụng khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ, với hơn 600 bị can về các tội tham nhũng.
 Đó mới chỉ là con số của các đồng chí… bị lộ so với các đồng chí … chưa bị lộ.
 Dưới con mắt của nhiều chuyên gia quốc tế, số điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam năm 2011 không thay đổi bao nhiêu so với năm 2010. Thế nên, một đại biểu QH từng cảm thán: Chống tham nhũng giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 – hiện thực phê phán – thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ.
 Chả lẽ, lại nên có một khái niệm mới: Tham nhũng- dòng văn học hiện thực phê phán?
Ngày 26/12/2011 mới đây, VietNamNet đưa lại bài viết của Cổng TTĐT Chính phủ. Đọc tít, người ta giật mình: Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ. Có lẽ chưa bao giờ, một Tổng Bí thư Đảng phải có một phát ngôn thẳng thắn, và cũng đau đến thế, cấp báo đến thế. Vì đó là sự thật!
 Trong nhiều nội dung bức thiết, theo TBT, Trung ương chọn ba vấn đề thực sự cấp bách cần làm ngay, để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…
 Như để “minh họa” cho nhận định của người lãnh đạo cao cấp, mới đây, ở tỉnh nghèo Sóc Trăng, có đông người dân tộc, hai quan chức Nguyễn Thanh Lèo (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải) và Trần Văn Tân (Giám đốc TT Đào tạo lái xe loại 3) đánh cờ tướng với nhau. Mỗi ván, các ông cược từ 1-5 tỷ đồng (!) Chuyện vỡ lở. Cả xã hội bàng hoàng. Người ta tự hỏi, với chức quan nhỏ như của hai ông, mà sao tiền đã như vỏ hến?
 Nhà nước thường lo lắng, đề phòng nguy cơ các thế lực thù địch từ bên ngoài. Nhưng lại thường coi nhẹ nguy cơ “kẻ thù” nằm ngay trong một bộ phận không nhỏ ở đội ngũ được gọi làđầy tớ của dân. Đó là sự quan liêu, sự vô cảm và “bắt nạt” dân. Là sự ích kỷ, tham lam, sa đọa đạo đức, lối sống của chính họ. Trong khi, nhân dân- những người được gọi là người chủ xã hội, mất lòng tin, thậm chí phẫn nộ, mà không biết làm sao có thể “đuổi đầy tớ” bằng cách nào.
 Một nền hành chính quốc gia còn nhiều khiếm khuyết, quốc nạn tham nhũng, và sự sa đọa của không ít cán bộ, quan chức…Đó không chỉ làm cho đất nước khó phát triển, mà còn là nguy cơ cho sự tồn vong một chế độ.
 Nguy cơ này, liệu đã nhãn tiền chưa?

....