TẠM DỪNG TUYỂN SINH TRƯỜNG ĐH PHAN CHÂU TRINH:
“Làm chủ, làm thuê”... cho đối tượng đang quản lý
Ông vụ phó quản lý các trường đại học tư lại kiêm nhiệm cố vấn HĐQT nhà trường (hưởng lương), ứng tiền trường đi đối ngoại với Bộ chủ quản, tham gia tổ chức thi, đòi làm thư ký kỳ họp HĐQT… Vai trò công, tư rối loạn tùng phèo.
Quyết định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Thị Nghĩa tạm dừng tuyển sinh ở Trường ĐH Phan Châu Trinh căn cứ vào hai vi phạm là năm 2007 tổ chức thi tuyển mà không được phép và ba năm liền không họp HĐQT, Hội đồng nhà trường.
Qua thông tin nhà trường cung cấp và diễn biến thực tế, chúng tôi nhận thấy cả hai sự việc trên đều có liên quan đến nhân vật trung tâm là ông Trần Văn Chính (thời điểm ấy là phó vụ trưởng Vụ Tổ chức của Bộ, phụ trách các trường ngoài công lập).
Can thiệp sâu, nhiều vai trò
Năm 2007, Trường Phan Châu Trinh đã xây dựng trụ sở trên phần đất được TP Hội An cho mượn nhưng liên tiếp ba cơn bão lớn đã làm ngôi trường bị hư hại nặng. HĐQT đang lúng túng, thiếu vốn sửa chữa thì lúc ấy ông Chính xuất hiện và đề nghị tham gia.
Ông Chính (ký thay tên con là Trần Thị Lan, thời điểm ấy đang học bên Mỹ) góp vốn vào nhà trường. Ông Chính đã nhiều lần nhận tiền của nhà trường làm công tác đối ngoại (chủ yếu là với Bộ) để xin giấy phép. Trong tay chúng tôi có ít nhất hai phiếu chi, một phiếu ghi “đối ngoại đợt cuối thành lập trường” số tiền 95 triệu đồng, một phiếu ghi “chi phí ngoại giao + công tác của HĐQT” số tiền trên 70 triệu đồng.
Nhóm sinh viên Na Uy tham gia lớp học ở Truờng Phan Châu Trinh.
Trong vụ tuyển sinh năm 2007, ông Chính là người liên hệ xin chỉ tiêu tuyển, ông đã gọi điện thoại thông báo với trường là Bộ đã cho thi và đích thân ông bay từ Hà Nội vào Hội An tham gia tổ chức thi. Không chỉ tham gia sâu vào công việc nhà trường, ông còn tự đặt chức vụ cho mình là cố vấn HĐQT và yêu cầu trường trả lương cho ông bằng với mức lương hiệu trưởng.
Việc hưởng lương kéo dài hơn một năm cho đến khi kiểm toán nhà nước kiến nghị là chức danh cố vấn hưởng lương là không đúng pháp luật. Khi đó ông lại đặt ra chức danh trưởng ban xây dựng cơ bản dù lúc này nhà trường không hề có nhu cầu xây dựng.
Tất cả các cuộc họp HĐQT bị đổ vỡ cũng chỉ vì ông Chính đưa yêu sách nâng giá trị cổ phần của ông lên gấp ba lần và ông chưa bao giờ đưa ra ý kiến nào về chương trình học tập, giảng dạy của nhà trường.
Vấn đề đặt ra là ông Chính vừa là vụ phó, có trách nhiệm quản lý các trường đại học ngoài công lập, lại tham gia góp vốn, đứng ra điều hành và lại làm dịch vụ cho một trường đại học trong phạm vi quản lý liệu có phù hợp pháp luật không?
Nhiều hành vi vi phạm pháp luật
Từ các thông tin thu thập được, chúng tôi cho rằng ông Chính đã vi phạm quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức (có hiệu lực vào thời điểm trước năm 2010) và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Việc ông Chính làm cố vấn của nhóm thành lập trường và được trả lương khá cao đã vi phạm Điều 17 của pháp lệnh và khoản 1c Điều 37 luật trên là “cán bộ, công chức không được làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết”.
Trước đây, một chấp hành viên đã bị Thi hành án TP.HCM đề nghị xử lý kỷ luật do sử dụng giờ hành chính để thực hiện việc riêng (nhận tiền để hợp thức hóa đất cho một cá nhân), vi phạm quy chế hoạt động của cơ quan, vi phạm kỷ luật lao động, gây dư luận không tốt trong nhân dân. |
Hai phiếu chi tiền cho ông Chính quan hệ đối ngoại.
Ông Chính nhiều lần xin phép Bộ giải quyết cho trường một số thủ tục đã vi phạm khoản 6 Điều 6 của pháp lệnh trên: Cán bộ, công chức phải có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong công tác; thực hiện nghiêm chỉnh nội quy của cơ quan, tổ chức…
Ngay cả khi ông Chính không tiêu cực trong việc xin Bộ cấp chỉ tiêu, xin tổ chức thi tuyển… thì việc ông tranh thủ các mối quan hệ từ chức vụ và việc chiếm dụng thời gian làm việc ở cơ quan để “chạy” làm dịch vụ cho trường cũng đã vi phạm quy định nêu trên.
Việc lấy tên con góp vốn, bay từ Hà Nội vào Hội An tham gia tổ chức thi, tự xem mình là chủ trường, bắt buộc HĐQT phải thông qua quy chế về tài chính…, rõ là ông Chính tham gia thành lập, tham gia quản lý, điều hành trường học tư thì ông Chính đã vi phạm Điều 17 của pháp lệnh và khoản 1b Điều 37 của luật trên.
Trong việc có cổ phần ở trường, Điều 19 pháp lệnh trên và khoản 4 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2006 cấm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 107 ngày 22-9-2006 của Chính phủ (quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách), “cấp phó của người đứng đầu là người được phân công giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, phụ trách một lĩnh vực công tác nhất định trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc một số đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức”.
Đối chiếu các quy định này thì khi đang là vụ phó Vụ Tổ chức của Bộ, phụ trách các trường ngoài công lập, ông Chính không được quyền là cổ đông của một trường ĐH tư.