ĐI VÀO CÕI THƠ BÍCH KHÊ



ĐI VÀO CÕI THƠ BÍCH KHÊ 


http://www.bichkhe.org/home.php?cat_id=146&id=199





****




Lời truyền sóng đánh điện khắp muôn trời
Chữ bí mật chứa ngầm hơi thuốc nổ

      Những câu thơ đó như là chìa khóa mở vào cõi thơ Bích Khê. Một cõi thơ gắn số phận với những bước thăng trầm của Thơ mới. Và hôm nay, thật ngẫu nhiên, sự trùng hợp 90 năm ngày sinh và 60 năm ngày mất với trường hợp của Bích Khê - thi nhân của sông Trà, núi Ấn nói riêng và của non sông Việt nói chung.

      Thời gian trôi qua, cuộc đời và sự nghiệp thơ ca Bích Khê dù đã từng gây ít nhiều “phân vân” vẫn thu hút sự mến mộ, chú ý của công chúng và bạn đọc. Ở cõi vĩnh hằng, chắc ông không ngờ Những tờ thơ nát đầy hơi hám; Tay khách đa tình sẽ chuyển giao lại luôn mời gọi người đương thời tiếp nhận, đồng cảm, thưởng thức và phát hiện những giá trị nghệ thuật và nhân bản trong đó. Bằng “Tinh huyết”, “Tinh hoa” của đam mê và sáng tạo, Bích Khê đã kiến trúc nên một cõi thơ riêng - một cõi thơ trường kỳ với thời gian, với đời sống thi ca đương đại và với bạn đọc hôm nay.

      Cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê là thành viên của Trường thơ loạn, từng gây tiếng vang và tạo ấn tượng không chỉ ở địa phương mình mà còn cả phong trào Thơ mới. Những cách tân, duy tân và quan niệm riêng, hết sức độc đáo của họ về sáng tạo, về nghệ thuật, về thơ ca đã góp phần đưa thơ hòa nhập vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và đưa tên tuổi của mỗi người vào vị trí xứng đáng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Điều đáng nói ở đây, là cùng ở trong Trường thơ loạn, cùng chịu ảnh hưởng lẫn nhau nhưng cũng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê vẫn tạo tác cho mình “một cõi trời” - một cõi thơ “mê ly không bờ bến”, in đậm dấu ấn cá nhân, đậm đặc chất liệu cái tôi, cái cốt cách của Bích Khê: tinh tế mà phức tạp.

      Trong cõi sâu thẳm thơ Bích Khê gợi lên sự tương ứng giữa hương thơm, màu sắc, âm thanh. Trong phần thơ có tựa đề Nhạc và Lệ với các bài thơ Mộng cầm ca, Tỳ bà, Nhạc, Thi vị, Hiện hình,... khó có thể tách bạch đâu là hương thơm, màu sắc, âm thanh bởi tất cả đã tạo nên một sự hòa hợp, tương ứng dệt nên những hình ảnh, điệp ngữ, liên tưởng trùng phức đầy ám gợi và mê hoặc:

                  Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
                  Của gương hồ im lặng tợ bài thơ
                  Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nặng nặng
                  Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ
                  Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
                  Của hồn thu đi lạc ở trong mơ.
                                                (Mộng cầm ca)

      Hay nói như tác giả Thi nhân Việt Nam, trong thơ Bích Khê có “những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam”:
                  Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
                  Vàng rơi; vàng rơi: thu mênh mông
                                                (Tỳ bà)

      Dễ nhận thấy thơ Bích Khê thường ở trạng thái động, luôn có sự truyền dẫn, sự đẩy tới, tạo hiệu ứng thẩm mỹ:
                  Thơ bay; thơ bay vô bàn tay ngà,
                  Thơ ngà ngà say! thơ ngà ngà say!
                  Nàng ơi đừng động... có nhạc trong giây
                  Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây,
                  Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,
                  Ô nàng tiên nương! Hớp nhạc đầy hương
                              (Nhạc)

      Cũng như các nhà Thơ mới, trong thơ Bích Khê, người ta nhận ra dấu vết của Baudelaire và của các nhà thơ tượng trưng khác như Verlaine, Rimbaud, Mallarme,... Sự hòa hợp, tương hợp giữa các loại cảm giác: hương thơm, sắc màu, âm thanh, in dấu ấn đậm nét trong những bài thơ: Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Đi giữa đường thơm (Huy Cận), Chơi giữa mùa trăng (Hàn Mặc Tử), Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ) và đặc biệt với những câu thơ gợi cảm của Bích Khê:Nàng hé môi ra. Bay điệu nhạc; Mát như xuân mà ngọt tựa hương (Hiện hình);Tình tang tôi nghe như tình lang (Tỳ bà); Nhạc gầy hương, hương gầy nhạc lan man (Đồ mi hoa); Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc; Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương (Nàng bước tới); Có gì uyển chuyển trong da thịt; Nức một đường thơm một điệu êm (Châu).
      Trong cõi thơ Bích Khê còn nổi bật những đường nét, tạo hình, phô diễn vẻ đẹp con người với cái nhìn nhục thể. Có lẽ Bích Khê là nhà thơ đầu tiên đặt tựa đề Đẹp và Dâm trong cấu trúc nghệ thuật của thơ mình, đặt cái Dâm ngang hàng với cái Đẹp. Nếu như ở lĩnh vực văn xuôi, cái dâm trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng đã được nhìn nhận trong sự hòa quyện giữa nghệ thuật và nhân bản thì trong thơ Bích Khê cái trần tục, thể xác đã được “thanh khiết hóa, trở thành một tác phẩm nghệ thuật”:

                  Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ
                  Ôi tiên nương! nàng ngự lại nơi này?
                  Nàng ở mô? xiêm áo bỏ đâu đây
                  Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
                  Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
                  Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
                  Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường
                  Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
                  Đêm u huyền mơ ngủ trên mái tóc.
                  Vài chút trăng say đọng ở làn môi
                  Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi.
                  Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
                  Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động!
                  Tôi run run hãm lại cánh hồn si.

thậm chí được tôn vinh:

      Tiên nương hỡi! Nàng sống trên thế hệ;
                        Bóng thời gian phải quỵ dưới chân nàng
                                                  (Tranh lõa thể)
                        Ôi đi! đoàn tiên lột khỏa thân.
                        Hoan hô xác thịt chiếm ngôi thần
                                          (Mộng lạ)

      Trong Xuân tượng trưng, hơn lúc nào hết, Bích Khê bộc lộ tư duy nghệ thuật độc đáo và uyển chuyển của mình:

Hỡi lời ca man dại.
Điệu nhạc thở hơi rừng
Đêm nay xuân đã lại
Thuần túy và tượng trưng
Nâng lên núm vú đồi
Sữa trăng nhi nhỉ giọt
Bay qua cụm liễu phơi
Những cườm tay điểm hột
Sương phất phơ lau lách
Khe uốn mình giai nhân
Đường non khéo điêu khắc
Những dáng hình khỏa thân.

      Với ý thức cách tân, Bích Khê không thôi tìm tòi và sáng tạo với mong muốn:

                        Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới
                        Của lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong
                        Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng
      Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng

      Ông đã điều binh khiển tướng những con chữ, đưa ngôn ngữ thơ xáp     gần đến những bộ môn nghệ thuật khác. Ngoài kiến trúc là điêu khắc: Chữ điêu khắc, tỉa nghệ thuật sâu câm - Đầy thẩm mỹ như một pho thần tượng, là vũ đạo: Múa song song khiêu vũ dưới đêm hồng, âm nhạc: Ròng âm nhạc của lòng trai ấp mái, nhiếp ảnh: Đường nhiếp ảnh sắc khua màu..., mỹ thuật: Hỡi hội họa đến muôn đời nức nở. Và như thế, giữa cái nhìn thấy và cái không nhìn thấy nhưBóng ý lặng lờ lênnhững dáng hình thanh khíGiữa mông mênh đã làm nên:Một hỗn hợp đẹp xô bồ say dậy trong cái tương quan huyền bí được tạo nên bởi sự “nhất thể hóa các giác quan”. Hơn ai hết, Bích Khê đã phát hiện ra cái đẹp trong cái hỗn độn:

      Mộng?
                        Thiên tài?
                                    Trên hỗn độn khỏa thân.
      Đẹp tỷ mỷ, hỡi rung động truyền thần.
                                                (Duy tân)

      Trong cõi thơ Bích Khê, dường như mỗi bài thơ của thi nhân là một “giai điệu chủ quan”, gắn với những rung cảm mãnh liệt. Cái tôi cá nhân của nhà thơ luôn được đẩy tới theo nguyên tắc mỹ học của trường phái tượng trưng: đề cao trực giác. Nguyên tắc này được đồng nhất với sự bừng ngộ thần bí, sự khải thị trong trạng thái kích động cao. Trong thơ của Hàn Mặc Tử cũng như của Bích Khê luôn chập chờn giữa mộng và thực, giữa tiềm thức và ý thức, chỉ trong sự chập chờn đó, cảm hứng của nhà thơ mới dâng lên đến tận cùng đam mê và khoái cảm:Cho tình ta xô dồn  sang cực điểm; Và hào quang khiêu vũ với hào quang (Nàng bước tới) hoặc:

      Ôi! say khướt mới dào tuôn ý tứ
      Ôi! điên rồ mới ngợp ánh trăng sao
      Ôi! dâm cuồng mới biết giá trăng sao
      Yêu bằng mộng là mơ tim sáng láng
                                              (Trái tim)

      Nói như Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê đã “bắt cái vô hình trở nên hữu hình, khiến cái chết trở nên sống, khiến cho vật câm không còn là câm nữa” (Lời giới thiệu của Hàn Mặc Tử in trong Tinh huyết. Nxb HNV, 1995).

      Mộng rớt đêm này như chất ngọc
      Người ta say nghiến những men tình
      Tôi hoan hô phút giây thần diệu
      Chết giả nhưng cười trắng thủy tinh

      Dưới ngòi bút tài tình của Bích Khê từ một loài hoa (Đồ mi hoa), một loại trái cây (Quả măng cụt) đến một địa danh thắng cảnh (Ngũ hành sơn) đều được sử dụng như một biểu tượng. Tất cả đã được người làm thơ nhân hóa với cái nhìn nhục cảm. Trong tư duy sáng tạo của thi nhân, đồ mi hoa là biểu tượng của người đẹp và của thơ:

      Đài nộn nhụy hóa nguồn trinh tinh khiết
      Ướp một làn hương rượu quyện lâng lâng
      Tràng cánh trắng biến ra da thịt tuyết
      Một tiên nương mừa tựa một giai nhân
      Ngửng đôi mắt chứa mùa xuân phẩm tiết
      Giữa bài thơ... đưa vẳng tiếng ngân

                                          (Đồ mi hoa)

      Quả măng cụt cũng là biểu tưởng của vẻ đẹp thân thể:
      Múi trăng sao như ngọc
      Múi mát tợ thịt thơm
      Môi hoa ai mời mọc
      Ngọt lịm đến linh hồn
                                          (Quả măng cụt)

      Còn với Ngũ hành sơn (Tiền và hậu) lại là một biểu tượng trùng phức, đa tầng ngữ nghĩa. Dưới ngòi bút như nhập đồng của Bích Khê, Ngũ Hành đã chất chứa tiềm ẩn trong đó tương quan bí ẩn giữa con người và vũ trụ. Lúc hiện ra vẻ đẹp gợi cảm của thân thể đàn bà, lúc lại là sự huyền diệu của thơ và thi nhân, lúc là cuộc du ngoạn của lứa đôi, lúc lại là cõi tín ngưỡng, huyền bí, linh thiêng:

      Lên chơi hòn Non nước
      Gót trổ ngọc song song
      Chàng ơi đêm đã ướt
      Mắt sao trên sườn cong
      …Lờ mờ đường lên mây
      Chén trăng vừa tầm với
      Chàng ơi, vàng ròng đây
      Kề môi say ân ái...
          …Đứng trên đài vọng hải
      Ngỡ tới Hoàng Hạc Lâu
      Tuyệt thay hòn Non nước
Hồn Thôi Hiệu ở đâu?
Kim, mộc, hỏa, thổ lạy
Trên dưới đất trời chầu
          … Phật Như Lai thoạt hiện
Trên bảy sắc cầu vồng
Quái thay hồn Non nước
Nghe giảng đủ mười tông.

      Trong thơ Bích Khê thường hiện hữu cái tôi “kép”, cái tôi trong thực tại và cái tôi trong mộng tưởng - là hồn của người thơ:

Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao
Cho đê mê, chới với, hồn lên cao
                                             (Tranh lõa thể)
      Đi qua thời trai trẻ của Bích Khê có một vài bóng dáng giai nhân nhưng những mối tình ấy đều không đi được tới cùng. Bất hạnh với tình yêu nơi trần thế, thi nhân đã “ăn mày trái tim”, đã mơ tiên, đã ôm mộng đến với những cõi mơ mong hồn được phiêu diêu, đắm đuối “trong miền chiêm bao”:

Hồn bay! Hồn bay! Hồn bay
Ngửa nghiêng tắm mát vàng lay, nhạc hường
Đêm nay no ớn nguồn hương.
Một trời thanh khí mười phương đa tình
                                          (Mơ tiên)

      Và gợi cảm, giàu sắc thái biểu đạt hơn:

                  Nàng! Hở nàng! Hãy cắn vào hồn ta.
                  Hồn nguyệt bạch ran lên chiều háo hức
                  Tôi uống trọn cặp môi hường thơm phức
                  Ô cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm!
                  Một bàn chân ve vuốt một bàn chân.
                  Mát làm sao! Mát rợn cả châu thân
                  Máu ứ lại, máu dồn lên giữa ngực
                  Ôi! thớ thịt có đàn lên cung bực
                  Hồn tôi ôm gót ngọc lắng âm thanh
                                                    (Bàn chân)

      Trong cõi thơ Bích Khê, người ta nhận ra thi nhân là người có ý thức cách tân triệt để về kỹ thuật ngôn từ, câu chữ, đã từng tôn vinh Baudelaire là ông vua thi sĩ. Tuy nhiên dù cổ vũ cho duy tân, cho một thứ thơ theo điệu mới, trong cơ cấu nghệ thuật của mình, Bích Khê vẫn đi theo định hướng:

                  Và mới mẻ, trên viện cổ Đông phương
                  Ai có nghe sức tiềm tàng bí mật
                                                (Duy tân)

      Chính nhờ những tiềm lực của Đông phương, nhà thơ đã thức nhận được những bí mật đó ở chính trong ngôn ngữ dân tộc, trong thi ca truyền thống. Bên cạnh sự cách tân Bích Khê cũng âm thầm tự điều chỉnh trở về với Á đông. So sánh hai thi phẩm của Bích Khê, Quách Tấn đã nhận định: “Tinh huyết mang nhiều sắc thái của Tây phương, còn Tinh hoa chứa nhiều khí vị của Đông phương” (Tinh hoa. Nxb Hnv, 1997, tr102). Bích Khê đã tìm ra Đông phương, trở về với cội nguồn. Ông đã viết những câu thơ mang âm điệu Á đông thầm thì mà quyến rũ:

                  Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng.
                  Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan.
                  Mưa rơi ngoài nẻo dặm ngàn
                  Nước non rả rích giọng đàn mưa rơi
                                                (Tiếng đàn mưa)

      Người đọc như thấm thía hơn với những câu thơ nhuộm sắc thái, phong vị truyền thống, rất thôi xao, gần gũi với giọng điệu của thơ Bà Huyện Thanh Quan:

                  Hoa cỏ bốn mùa thay đổi tiết
                  Ngàn năm còn mãi cụm cây xanh
                  Cheo leo lắt lẻo đèo treo quán
                  Róc rách đìu hiu nước xuống ghềnh
                  Gió thổi rừng mai bông dã dượi
                  Mưa thêu làn nắng chỉ mong manh
                  Mục tử năm ba điều thổi điệu
                  Nắng vàng cao thấp, núi rung rinh
                                              (Đăng lâm)
      Với Tinh hoa và Tinh huyết, Bích Khê đã chinh phục người đọc bởi sự kết hợp giữa truyền thống và cách tân, dân tộc và hiện đại và ở phương diện nào, thơ của thi nhân cũng mê hoặc, ám ảnh, giăng mắc, buộc người đọc phải hơn một lần trở lại với thơ ông.

      So với những nhà thơ đương thời, thi phẩm của Bích Khê không nhiều. Nhưng chỉ với Tinh huyết và Tinh hoa, ông đã làm nên một cõi thơ riêng: thuần tuý và tượng trưng, vừa mời chào lại vừa kén người đọc. Song điều cần ghi nhận ở đây là với cách nhìn khách quan và công bằng của hôm nay, thơ Bích Khê đã được khẳng định là một cõi thơ được xây dựng bằng những chất liệu thi ca trụ vững với thời gian, có sức kích thích công chúng mọi thời chiêm ngưỡng, thưởng thức và đồng sáng tạo.

                                                                                               
 BÍCH THU




********************************************


DỊ KHÚC BÍCH KHÊ

của 
PHẠM DUY 









********************************************


......../.