VĂN HOÁ CÓ BẢO TỒN ĐƯỢC HAY KHÔNG?


PHẢN BIỆN THÙY MINH VIETCETARA & LÊ CÁT TRỌNG LÝ - VĂN HOÁ CÓ BẢO TỒN ĐƯỢC HAY KHÔNG?

 Nguyễn Ngọc Long



Gần đây, trên mạng đang viral trở lại một đoạn phỏng vấn của Thuỳ Minh Vietcetara (Minh) với Lê Cát Trọng Lý (Lý) về bảo tồn văn hoá. Trong đó, trích nguyên văn theo đoạn clip mà Lý cho rằng bị cắt ghép, thì nội dung như sau:

Lý: Em nghĩ văn hoá là không bảo tồn được, vì sao, vì không có sức mạnh nào chống được với thời gian. Văn hoá chỉ có thể phát triển thôi, theo kiểu nó phải làm người ta thích thú ấy. Chứ mình không thể bảo tồn một cái xác ướp được. Nó liên quan đến đời sống mình đâu mà mình bảo tồn? Em xin lỗi nếu có đụng chạm...

Minh: Không, không. Cái này cũng là một cái ý cũng rất là hay. Đúng. Tại sao mình phải…

Lý: Tại vì, chắc gì cái mình đang bảo tồn là nguyên gốc. Vì nó đã phát triển rồi mà. Ví dụ khi bà mình hát cho mẹ mình, mẹ mình nhớ được phần nào đó thôi. Mẹ mình hát cho mình, mình cũng chỉ nhớ được tới đó thôi. Về cơ bản là mình bảo tồn bằng cách nào bây giờ trước một cái sự thay đổi? Ý em là mình cứ tưởng tượng là mình bảo tồn nhưng thực ra mình đang giữ một cái gì đó mình đang không thực sự hiểu, không thực sự thích…

[...hết trích]
///////////////////
Trong đó:
(1) Câu so sánh có đề cập chữ “xác ướp” của Lê Cát Trọng Lý bị chỉ trích mạnh mẽ nhất vì cộng đồng mạng cho rằng ca sỹ này đang ám chỉ và xúc phạm Bác Hồ.
(2) Lê Cát Trọng Lý bị cho là chủ ý nói chứ không lỡ miệng vì câu “xin lỗi nếu có đụng chạm” liền sau đó
(3) Thuỳ Minh bị chỉ trích gián tiếp vì cho rằng “cái này cũng là một cái ý rất là hay”
.........

Tuy nhiên, ở bài viết này, cô giáo sẽ bỏ qua Lê Cát Trọng Lý và chủ ý phản biện Thuỳ Minh vì những lý do sau:

(1) Bối cảnh bài phỏng vấn đề cập nhiều tới việc Lê Cát Trọng Lý đang có những dự án “làm sống lại âm nhạc dân tộc” theo hướng âm nhạc của các tộc người, chủ yếu là thiểu số. Tức là, LCTL đang làm một việc tốt.

(2) Mới gần đây, khi bị chỉ trích, Fanpage LCTL đã lên bài “Nói lại cho rõ ý”. Và khẳng định rằng LCTL không định phát biểu gì xấu xí hay lệch lạc. Nếu cách nói của cô ấy có gì khiến người khác hiểu lầm thì cô ấy xin lỗi. Tất nhiên, LCTL cũng không đề cập chữ “xác ướp” cô ấy ám chỉ ai, hay điều gì? Có người comment phản biện, ngay cả đề cập đến xác ướp Ai Cập cũng là thiếu văn minh thì Fanpage LCTL đã không hồi đáp. Tuy nhiên, về tổng thể, cô giáo đánh giá nếu có gì không hay cũng là “lỡ lời” chứ không phải chủ ý xấu gì.

(3) Podcast lên sóng được thì phải qua khâu kiểm duyệt. Và hiển nhiên, ngay từ nội dung “góp giọng” khẳng định “cái này cũng là một cái ý rất là hay” của Thuỳ Minh thì cô hiểu rằng quan điểm này cũng là quan điểm của Thuỳ Minh, hoặc Thuỳ Minh cho rằng nó đúng.

Vậy nên, cô sẽ chỉ phản biện “quan điểm của Thuỳ Minh” và tập trung trực diện vào việc Văn hoá của bảo tồn được hay không, không đề cập tới các ồn ào xung quanh nữa.

Tình cờ, có phóng viên mới gọi điện hỏi cô về tiết mục Trống Cơm của NSND Tự Long, Cường Seven & Soobin Hoàng Sơn trong Anh trai vượt ngàn chông gai. Câu hỏi mà phóng viên muốn làm rõ là Tại sao tiết mục này lại được viral?

Câu trả lời của cô gồm 4 ý:
1) Nó hay. Tất nhiên, không phải cứ cái gì hay thì sẽ viral. Thậm chí, sản phẩm dở tệ có khi còn viral dữ dội hơn cả sản phẩm hay. Nhưng Trống Cơm là một tiếc mục hay. Hay có thực chứng.
2) Nó được “phát tán” bởi một chương trình cũng hay không kém. Nguồn phát trong viral cũng tương đối quan trọng.
3) Nó được sự góp mặt của 3 thay vì 1 ngôi sao. Và 3 ngôi sao có ảnh hưởng với 3 nhóm người xem công chúng khác nhau, nên mức độ quan tâm cũng được x3 là tối thiểu
4) Yếu tố này, với cô là quan trọng nhất. Đó là nó được “gặp thời”. Tức là, cô cho rằng, nếu tiết mục này ra mắt sớm vài năm trước sẽ không thành công như vậy.

Trống cơm là một tiết mục có liên quan đến văn hoá truyền thống rất hay. Nhưng nó không phải trường hợp đầu tiên thành công như vậy.

Chắc các em còn nhớ Hoài Lâm, một nghệ sỹ tài năng thực sự. Bạn này chỉ sau một đêm chung kết Gương mặt thân quen đã làm sống lại ca khúc Xẩm Thập Ân và làm cho bao nhiêu người trẻ ồ à lần đầu biết tới nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu.

Sau đó, phải kể tới Hoàng Thuỳ Linh với Để Mị Nói Cho Mà Nghe, rồi Tứ Phủ… (cô giáo không theo dõi bạn này quá nhiều nên không nhớ hết các bài). NSND Bạch Tuyết cùng ca sỹ trẻ Hoàng Dũng làm sống lại nghệ thuật cải lương khi kết hợp với RAP.

Ca sỹ Hoà Minzy với MV Thị Mầu. MV này đặc biệt ở chỗ không chỉ chinh phục khán giả ở phần nghe mà còn cả ở phần nhìn với gần trăm triệu lượt biến hình áo mớ 3 mớ 7 của các bạn trẻ đu trend trên tóp tóp.

Lội ngược dòng xa hơn nữa, thì lớp nghệ sỹ đời đầu phải kể tới Ngọc Khuê, khi ca sỹ này kết hợp với nhạc sỹ Lê Minh Sơn, ra hẳn một album khuấy đảo dòng nhạc dân gian đương đại gồm những bài hát như Chuồn chuồn ớt, Bên bờ ao nhà mình… Mà theo cô nhớ, đó là lần đầu tiên tiếng rao “ai chổi đót đây” đầy cảm xúc, đầy hồn cốt của người “nhà quê” được đưa vào âm nhạc.

...............

Vậy câu hỏi đặt ra là, âm nhạc dân gian - một cấu phần của Văn hoá dân tộc đã chết chưa?

Hiển nhiên, các nghệ sỹ tài năng kể trên đã cho chúng ta câu trả lời rất rõ ràng.
Nó chưa chết.

Không chết và không thể chết.

Cái chính là, chúng ta cần có cách bảo tồn riêng để nó hoà được vào hơi thở của thời đại, và hướng tới phát triển thật là bền vững. Tức là, phù hợp với thời cuộc nhưng vẫn giữ được tính truyền thống và có sự truyền thừa.

Nhưng âm nhạc không phải là tất cả khi nói về văn hoá. Hãy nhìn rộng ra một chút.

Chúng ta có quyền tự hào khi các bạn trẻ đã “đu trend” Việt phục. Họ cất công nghiên cứu, sưu tầm và đưa trang phục cổ của người Việt vào đời sống, theo một cách rất… GenZ.

Đó không phải là việc vận động người người nhà nhà mặc khăn đóng áo dài đi làm nơi công sở. Mà đó là những bộ trang phục mặc để checkin nơi bảo tàng, thành cổ, đại nội Huế, Hoàng thành Thăng Long hay những nơi phù hợp. Việt phục cũng được sử dụng trong phim ảnh, sàn diễn thời trang và đặc biệt là lễ cưới.

Tiếp đến, là ẩm thực. Hàng loạt account, tài khoản chuyên về ẩm thực đang ngày đêm góp phần đưa những món ăn mang đậm nét văn hoá của các dân tộc khác nhau, các vùng đất khác nhau lên Internet và ra thế giới. Thắng cố, mèn mén của người H'Mông, Cơm lam của người Tày, Nùng, Pà pỉnh tộp của người Thái, Canh chua cá thát lát của người Khơ Mú, Lẩu cá suối người Mường, Xôi ngũ sắc của người Chăm, Rượu cần của người Gia Rai, Ê Đê… Gần gũi và quen thuộc hơn thì có Thịt trâu gác bếp, Măng chua, Khoai lang sấy, Hồng treo gió, Lẩu mắm cá linh… Vốn là những món ăn vùng miền bỗng trở thành “quốc dân” ai ai cũng nghe, cũng biết.

Không phải là cuối cùng, nhưng khía cạnh cuối cùng trong khuôn khổ bài viết của cô, đó là lịch sử.

Có thể khẳng định ngay rằng, chưa bao giờ các câu chuyện lịch sử lại trở nên gần gũi và sinh động như hiện tại.

MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy, Sách ảnh Dệt nên triều đại, Lam Mộc Kỷ thuộc dự án Việt sử kiêu hùng của nhóm Đuốc Mồi; Hùng ca sử Việt của Đạt Phi Media, Tứ Bất Tử truyền kỳ của Minh Vy Home, Podcast của Sử Talk… cùng với đó là hàng trăm nghìn video trên mạng xã hội khai thác đề tài lịch sử, các vị anh hùng dân tộc, các trận chiến anh dũng của QĐND Việt Nam trải dài qua các cuộc thời kỳ chống Pháp, Mỹ và chống Nhật thu hút hàng trăm triệu lượt xem. Mà tiêu biểu nhất trong số này là bộ phim điện ảnh Đào, Phở và Piano trở thành hiện tượng suốt một thời gian dài.

Tức là, các yếu tố truyền thống đã được bảo tồn rất tốt và HIỆN NAY đang sống dậy vô cùng mạnh mẽ ở trong dòng chảy của âm nhạc, điện ảnh, thời trang, lịch sử và văn hoá ẩm thực (cũng như nhiều khía cạnh khác mà cô giáo chưa thể thống kê hết được).

Như vậy thì, quan điểm cho rằng văn hoá không bảo tồn được là đúng hay sai, mỗi người tự có câu trả lời cho riêng mình.

Cô giáo cho rằng nó hiển nhiên tới mức không cần phải tái khẳng định lại làm gì nữa cho mất công!

Câu hỏi đặt ra, là tại sao vào thời điểm này, văn hoá dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ như thế mà không phải 5 hay 10 năm trước?

Phóng viên có hỏi cô một câu tương đối nhạy cảm, rằng có phải việc ra đi của Bác Trọng và câu nói của Bác về Văn hoá khiến tiết mục trống cơm có không gian và thêm cơ hội để viral?

Cô cho rằng, nếu khẳng định như vậy thì hơi khiên cưỡng và rất khó thuyết phục số đông.

Nhưng mọi việc xảy ra trên đời đều có nguyên do của nó!

Chất liệu truyền thống dân tộc được chú ý, được yêu thích và được lan truyền mạnh mẽ, công đầu phải đề cập tới thế hệ genz.

Chúng ta đang có một thế hệ trẻ cực kỳ văn minh, tiến bộ nhưng rất giàu bản sắc dân tộc. Và điều đó cũng không tự nhiên mà có. Nó phải đến từ sự ảnh hưởng của Gia đình, Giáo dục và đặc biệt là sự hà hơi góp sức của Truyền thông.

Mà một môi trường truyền thông định hướng được những điều tốt đẹp thì phải đến từ các Quyết sách ở phía Thượng tầng.

Bác Hồ từng nói, văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất. Cố TBT Nguyễn Phú Trọng thì nói “văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ”.
“Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái”.

Sẽ nguy hiểm vô cùng nếu cho rằng văn hoá không thể bảo tồn, để rồi quá tôn sùng và chạy theo những giá trị ngoại lai.

Nhưng trước hết, chúng ta cần tự hỏi, khi sống trong một giai đoạn mà khắp nơi đang “hừng hực” dòng chảy văn hoá lại không cảm nhận được gì. Thì có đáng thương quá hay không?


................/.