Nghịch lý của việc tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa ở Việt Nam

Nghịch lý của việc tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa ở Việt Nam
(Phần 1)

Nguồn: Christelle Nguyen

“Vietnam’s Paradox: Commemorating the Battle of the Paracels,” 

The Diplomat, 19/01/2024


Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

***********



Cuộc đụng độ này là một cột mốc quan trọng đối với tuyên bố chủ quyền của Hà Nội ở Biển Đông – nhưng việc kỷ niệm 50 năm trận chiến đòi hỏi phải thảo luận về chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

Đường Quốc Cường là một trong những diễn viên Trung Quốc nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Ông đã thành danh nhờ các vai diễn nhân vật lịch sử trong các bộ phim cổ trang, vốn là dòng phim thống trị truyền hình Việt Nam vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Vai diễn nổi bật nhất của ông có lẽ là vai quân sư Gia Cát Lượng trong tác phẩm kinh điển “Tam Quốc Diễn Nghĩa,” một biểu tượng của trí tuệ thời xưa trong văn hóa đại chúng Việt Nam.


Tuy nhiên, khán giả Việt Nam ít ai biết rằng vai diễn đầu tay của ông lại là trong một bộ phim điện ảnh ra mắt năm 1976. “Nam Hải Phong Vân” (Bão Biển Đông), do xưởng phim quân sự duy nhất ở Trung Quốc sản xuất, mô tả lại Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa Trung Quốc đại lục và Việt Nam Cộng hoà.


Đường Quốc Cường đã vào vai một ngư dân lạc quan và chăm chỉ, sống ở một quần đảo giàu tài nguyên mà tiếng Trung gọi là “Tây Sa” còn tiếng Việt gọi là “Hoàng Sa.” Nhân vật của ông đã chứng kiến sinh kế và gia đình của mình bị ảnh hưởng sau những đợt quấy rối liên tục của quân đội Việt Nam Cộng hoà ở Biển Đông. Quyết tâm trả thù, ông trở thành thủ lĩnh của Hải quân Trung Quốc. Và thế là, những ngư dân kiên cường, được rèn luyện bởi tinh thần Cách mạng Văn hóa, và được truyền cảm hứng từ tài lãnh đạo của Mao Trạch Đông, đã góp phần vào chiến thắng của Trung Quốc trước đội quân “đế quốc” do Tổng thống Việt Nam Cộng hoà tham nhũng và hèn nhát Nguyễn Văn Thiệu gửi đến.


Kịch bản của bộ phim được xây dựng theo phiên bản chính thức của Trung Quốc về trận hải chiến xảy ra vào ngày 19-20/01/1974, dù thật ra giao tranh đã diễn ra từ vài ngày trước đó, nhằm tranh giành quyền kiểm soát quần đảo lúc bấy giờ chưa có người ở. Phía Trung Quốc gọi trận chiến ngắn ngủi này là “Cuộc phản công tự vệ Tây Sa,” trong khi người Việt gọi nó là “Hải chiến Hoàng Sa.”


Suốt nhiều năm, chính quyền Việt Nam chọn cách giữ im lặng về trận chiến, và thậm chí còn ngăn chặn những nỗ lực quy mô lớn để tưởng nhớ những người lính đã hy sinh, những người đã chiến đấu thay mặt cho Việt Nam Cộng hoà. Nhưng giờ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tưởng nhớ Hải chiến Hoàng Sa đã bị lãng quên từ lâu, tất nhiên là phải làm điều đó một cách thận trọng và có chọn lọc.


Một mặt, Hà Nội cần bằng chứng lịch sử về hành vi xâm lấn của Trung Quốc để khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông vốn đang ngày càng căng thẳng. Nước Việt Nam thống nhất do ĐCSVN lãnh đạo được kế thừa các yêu sách lãnh thổ của Việt Nam Cộng hoà đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặt khác, đảng phải đối mặt với một tình thế lưỡng nan khi thừa nhận chính phủ Việt Nam Cộng hoà, vốn là kẻ thù của họ trong và thậm chí sau Chiến tranh Việt Nam.


Lịch sử của những trận chiến, trận chiến của những lịch sử


Theo cuốn sách xuất bản năm 2009 của Chen Meifang, “Defending Xisha: PLA’s Self-Defense Counterattack Operations in Xisha Islands” (Các chiến dịch Phản công Tự vệ của PLA tại Quần đảo Tây Sa), Mao Trạch Đông khi ở tuổi 80 đã đưa ra quyết định tham chiến cuối cùng của mình khi viết hai chữ “đồng ý” lên báo cáo của Chu Ân Lai, cáo buộc rằng Việt Nam Cộng hoà “bá quyền và bành trướng” ở vùng lãnh hải của Trung Quốc. Sau đó, Mao giao trọng trách lại cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình, người vừa được phục chức sau Cách mạng Văn hóa.


Trong trận chiến diễn ra sau đó, Trung Quốc đã nhanh chóng đánh bại quân đội Việt Nam Cộng hoà, mà khi đó gần như đã bị các đồng minh bỏ rơi. Hơn 100 lính Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng hoặc bị thương, trong khi 48 người khác và 1 sĩ quan liên lạc Mỹ bị bắt giữ, so với 18 lính Trung Quốc thiệt mạng và 67 người khác bị thương. Trung Quốc đã rất tự hào khi giành chiến thắng trong trận chiến trên biển đầu tiên của mình.


Kể từ đó, người Trung Quốc đã đến sinh sống ở khu vực này. Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất ở Hoàng Sa, hiện có dân số thường trú là 1.000 người. Nó cũng là nơi có Thành phố Tam Sa, đơn vị hành chính mà Trung Quốc tuyên bố là đang kiểm soát tất cả các thực thể biển ở Biển Đông.


Nhà sử học George J. Veith, tác giả cuốn “Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams” (Rút kiếm ở phương xa: Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng hoà) xuất bản năm 2021, cho biết rằng bất chấp những nỗ lực kéo dài nhiều năm của chính quyền Sài Gòn nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, thì đây vẫn là một quần đảo rất khó bảo vệ. Vào thời điểm xảy ra xung đột, Việt Nam Cộng hoà đã bố trí một lực lượng đồn trú nhỏ trên một hòn đảo và duy trì hoạt động tuần tra hải quân trong khu vực.


“Tàu Hải quân Việt Nam là những chiếc tàu cũ thời Thế chiến II do Mỹ cung cấp, nhưng quần đảo này rất khó tiếp tế, và các máy bay chiến đấu F-5 gần như đã đạt đến giới hạn nhiên liệu khi bay từ sân bay Đà Nẵng đến Hoàng Sa. Vậy nên, dù Sài Gòn muốn kiểm soát quần đảo và đã cố gắng làm điều đó, thì họ vẫn gặp nhiều khó khăn,” Veith nói qua email.




“Mặt khác, Trung Quốc lại có thể đưa tàu đến gần quần đảo. Sau nhiều lần Trung Quốc hành động khiêu khích, trận hải chiến ngắn ngủi đã kết thúc với thất bại cho chính quyền Nam Việt.”


Khi đó, Việt Nam Cộng hoà sắp sụp đổ đã bị bỏ mặc để tự thân vận động. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tới Bắc Kinh và bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhật Bản cũng có động thái tương tự, dù Tokyo vẫn tiếp tục ủng hộ Sài Gòn cho đến khi chế độ này sụp đổ năm 1975. Về phần mình, Pháp công nhận Trung Quốc và kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.


Sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973, nhiều nước phương Tây bắt đầu hợp tác với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Bắc Việt). Đài Loan, một đồng minh của Nam Việt, không nêu rõ lập trường của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, dù nhiều nguồn tin từ Trung Quốc đại lục cho rằng chính phủ Tưởng Giới Thạch đã ngầm hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vào thời điểm đó, Đài Bắc vẫn tin vào giấc mơ hoang đường là tái chiếm đại lục, và do đó, một chiến thắng của PLA sẽ được coi là bàn đạp để Trung Hoa Dân Quốc giành được quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.


Mọi nỗ lực yêu cầu Mỹ hỗ trợ quân sự của Tổng thống Thiệu đều vô ích. Trong khi đó, lính Việt Nam Cộng hoà bị kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Vũ Văn Lộc, nguyên đại tá của chế độ Sài Gòn phụ trách hậu cần sau khi Mỹ rút quân, tiết lộ rằng quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc đó chưa chuẩn bị tốt cho trận chiến.


Tiến sĩ Sean Fear từ Đại học Leeds đồng ý với nhận định này, và nói qua email: “Tôi cho rằng tinh thần của binh lính Việt Nam Cộng hòa tham gia trận đánh này không cao, chủ yếu dựa trên ấn tượng của tôi về các sự kiện ở nơi khác vào cùng thời điểm.”


Trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, Việt Nam Cộng hoà đã phản đối tại Liên Hiệp Quốc, nhưng Trung Quốc, vốn có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an – nơi Bắc Kinh thay thế Đài Loan kể từ năm 1971 – đã ngăn chặn mọi nỗ lực đưa vấn đề này ra bàn luận. Theo Giáo sư Nguyễn Thị Hạnh của Học viện Ngoại giao Việt Nam trong cuốn “Les Conflits Frontaliers Sino-Vietnamiens” (Xung đột Biên giới Trung-Việt) xuất bản năm 2018, Liên Hiệp Quốc đã từ chối can thiệp vào cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974.


Bắc Việt cũng không tham gia nỗ lực này, vốn diễn ra trong thời kỳ căng thẳng với Trung Quốc. Sáng kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn nhằm thảo luận vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa với Phó Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 9/1975, sau khi Sài Gòn thất thủ, đã bị bác bỏ. Đặng nói rằng lập trường của mỗi nước “đã rõ ràng.”


Năm 1977, Chính phủ Việt Nam ra “Tuyên bố về Lãnh hải, Vùng tiếp giáp, Vùng đặc quyền kinh tế, và Thềm lục địa”, trong đó khẳng định quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.


Anh hùng hay kẻ thù?


Thất bại trong Hải chiến Hoàng Sa mâu thuẫn với quan điểm chính thức ở Việt Nam, rằng họ đã giành chiến thắng trong nhiều trận chiến khác nhau, chủ yếu là chống lại Trung Quốc. Đúng là Việt Nam đã thua – nhưng đó không phải là nước Việt Nam thống nhất như ngày nay.


Sách giáo khoa hiện tại, vốn lấy Hà Nội làm trung tâm, đã che giấu giới trẻ Việt Nam sự thật rằng, cho đến khi Sài Gòn sụp đổ, chính quyền Bắc Việt chỉ được một số quốc gia khác công nhận, chủ yếu là các nước khối Cộng sản. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không phải là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc. Ngược lại, chế độ miền Nam lại được Liên Hiệp Quốc và gần 90 quốc gia công nhận.


Điều này đã làm phức tạp thêm việc tưởng nhớ chính thức, bởi Việt Nam Cộng hoà mới là bên dẫn đầu các nỗ lực duy trì chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và họ đã làm điều đó bằng cách hợp tác với nhiều nước khác. Thiệu đã yêu cầu Pháp cung cấp đầy đủ tài liệu về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Tháng 10/1973, chỉ vài tháng trước Hải chiến Hoàng Sa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, mà truyền thông phương Tây thường gọi là “Việt Cộng”, đã công bố ý định giải phóng các khu vực “bị kẻ thù chiếm đóng trái phép.”


Kẻ thù ở đây ám chỉ chính quyền miền Nam do Thiệu lãnh đạo. Đáp lại, Thiệu tuyên bố: “Chính chúng ta phải tự cứu lấy mình” và ra lệnh cho quân Việt Nam Cộng hoà kiên trì chiến đấu. Ông thậm chí còn tới Đà Nẵng để giám sát việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa, nhưng những nỗ lực này đều vô ích.


Lập trường của ĐCSVN đã thay đổi khi họ trở thành lãnh đạo của một Việt Nam thống nhất.

Giờ đây, chính ĐCSVN phải giải quyết sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và cung cấp bằng chứng lịch sử về các yêu sách lãnh thổ của Việt Nam. Chỉ trong những trường hợp này, chế độ cũ ở miền Nam mới được gọi đầy đủ là Việt Nam Cộng hòa thay vì “chế độ bù nhìn” như thường lệ.


Chẳng hạn, tại Đài tưởng niệm Hoàng Sa ở thành phố Đà Nẵng, được xây dựng vào năm 2016, chính quyền Nam Việt đã được gọi là Việt Nam Cộng hoà, nhưng tại các bảo tàng lịch sử khác của cùng thành phố, họ vẫn bị gọi là chế độ bù nhìn.


Dù vậy, những người lính chiến đấu thay mặt cho Việt Nam Cộng hoà, kể cả trong trận Hoàng Sa, lại không nhận được bất kỳ lời cảm ơn nào từ ĐCSVN.


Sau khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4/1975, các quan chức quân sự và dân sự của chế độ miền Nam bị đưa đến các trung tâm cải tạo được xây dựng theo mô hình của Trung Quốc. Họ cũng bị từ chối một số cơ hội nghề nghiệp và giáo dục nhất định trong chế độ xã hội chủ nghĩa mới. Sử gia Vũ Minh Hoàng mô tả điều này là “không cần thiết và lãng phí” trong chương sách “Recycling Violence: The Theory and Practice of Reeducation Camps in Postwar Vietnam” (Tái chế bạo lực: Lý thuyết và thực tiễn của các trại cải tạo ở Việt Nam thời hậu chiến).


Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam suốt 30 năm trước khi trở thành một người bất đồng chính kiến và phải chuyển đến sống ở Mỹ. Cha ông là nhà thơ nổi tiếng, Bộ trưởng Cù Huy Cận, người đã cùng Hồ Chí Minh ký Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.


Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã tiến hành nhiều nghiên cứu sâu rộng, bao gồm các cuộc phỏng vấn với người nhà của một số sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà từng bị giam giữ. Các cuộc phỏng vấn đã được ghi lại và chia sẻ trên các kênh truyền thông quốc tế. Tháng 8/2010, ông trình lên Quốc hội Việt Nam đề nghị ân xá cho các sĩ quan quân đội và viên chức dân sự từng phục vụ dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà (1954-1975).


“Trớ trêu thay, giới lãnh đạo nước Việt Nam thống nhất, sau 30 năm chiến tranh, không những không học được tấm gương hòa giải dân tộc của Hồ Chí Minh, mà trái lại còn làm sâu sắc thêm vết thương dân tộc khi tập trung vào việc ‘cải tạo’ hàng trăm nghìn quân nhân và quan chức của Việt Nam Cộng hòa suốt những năm qua,” Cù Huy Hà Vũ viết trong bản kiến nghị được ông phổ biến rộng rãi trên mạng.


Chính quyền đã sử dụng tài liệu này để buộc tội ông Vũ tạo ra và phát tán nội dung tuyên truyền chống nhà nước. Sau đó vài tháng, ông bị bắt và bị bỏ tù bảy năm.


“Theo như tôi biết, đã không còn quân nhân Việt Nam Cộng hoà nào bị cầm tù nữa,” ông Vũ nói trong một email.


/////////////////////

Nghịch lý của việc tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa ở Việt Nam
(Phần 2)

Nguồn: Christelle Nguyen

“Vietnam’s Paradox: Commemorating the Battle of the Paracels,” 

The Diplomat, 19/01/2024


Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

***********



Người chết và kẻ bại trận


Bất chấp thất bại năm 1974, những người lính trở về miền Nam vẫn được chào đón như những anh hùng, trước khi Sài Gòn thất thủ. Một con phố ở Sài Gòn đã được đặt theo tên Trung tá Ngụy Văn Thà, người hy sinh khi chiến đấu ở Hoàng Sa. Sau năm 1975, con đường mang tên người anh hùng đó đã không còn nữa.


Trong cuốn “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation With Vietnam” (Không gì là không thể: Hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam) xuất bản năm 2022, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã chia sẻ câu chuyện cá nhân của ông khi đến thăm nghĩa trang Biên Hòa được kiểm soát gắt gao nằm gần Sài Gòn, nơi duy nhất được dùng để chôn cất các binh sĩ của chế độ cũ. Ông cũng nêu chi tiết những nỗ lực ngoại giao của mình đối với các quan chức Việt Nam, để xin phép thực hiện các hoạt động đơn giản như đào mương và dọn dẹp rễ cây trong nghĩa trang. Osius coi nghĩa trang Biên Hoà là “điểm bản lề” (pivot point) cho sự hòa giải giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam.

Ted Osius (sinh 1961) tên đầy đủ là Theodore G. Osius III, công dân bang Maryland, Hoa Kỳ.[3] Ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và là cựu Đại sứ của Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ (2014-2017).


Theo Giáo sư Ngô Thị Thanh Tâm của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Holocaust, và Diệt chủng (NIOD) có trụ sở tại Amsterdam, những người lính tử trận của Việt Nam Cộng hoà được gọi là “tử sĩ” và xác của họ được phân loại vào nhóm “kẻ thù đã chết.” Nơi chôn cất của họ thường được xem là “vùng chết,” bị những người còn sống xa lánh, bởi vì kẻ thù là những kẻ “không nên được xót thương.”

Trong khi đó, 1,2 triệu người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Quân đội Bắc Việt) đã hy sinh lại được tưởng niệm bằng danh hiệu “liệt sĩ” – những người mà cái chết của họ là minh chứng cho sự hy sinh thiêng liêng và quên mình vì đất nước. Theo quan điểm chính thức, liệt sĩ xứng đáng được ghi nhớ đời đời và hài cốt của họ sẽ được chăm sóc chu đáo.


“Kể từ đó, từ ‘tử sĩ’ được dùng để chỉ những người lính hy sinh trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng cái chết của họ không được nhà nước công nhận là đã góp phần vào lợi ích quốc gia, thậm chí có khi còn bị cho là đi ngược lại lợi ích quốc gia. Đây là lý do tại sao thuật ngữ này được dùng cho các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa,” bà Tâm nói qua email.


Từ năm 2014, truyền thông nhà nước Việt Nam đã liệt kê tên những người lính thiệt mạng trong Hải chiến Hoàng Sa là tử sĩ, thay vì liệt sĩ. Mẹ của họ cũng không thể nhận danh hiệu “bà mẹ Việt Nam anh hùng”, và con cái của họ không được hưởng các ưu đãi chỉ dành riêng cho những liệt sĩ được nhà nước công nhận. Tương tự, những người bị thương trong cuộc xung đột đẫm máu năm 1974 không được công nhận là thương binh.


Về phía Trung Quốc, Nghĩa trang Liệt sĩ Hải quân Tây Sa được xây dựng năm 1975 tại Tam Á, đảo Hải Nam. Nghĩa trang được chính quyền nhân dân thành phố Tam Á chỉ định là di tích văn hóa cấp thành phố cần bảo vệ vào năm 1990 và được cải tạo vào năm 2016.


Lễ tưởng niệm do chính quyền kiểm soát


Tại Việt Nam, chính quyền sẽ quyết định ai là anh hùng, ai là thành viên của “thế lực thù địch,” cũng như sự kiện nào đáng để tưởng niệm. Bất kỳ quan điểm nào lệch khỏi quan điểm chính thức cũng sẽ dẫn đến nhiều hình thức trừng phạt khác nhau, kể cả án tù. Điều 18 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm các hành vi bóp méo lịch sử đã được chính quyền phê duyệt hoặc phủ nhận thành tựu cách mạng ngay cả trong không gian ảo.


Đối với Hà Nội, người láng giềng phía bắc vừa là hình mẫu vừa là mối đe dọa, đến nỗi bất kỳ hành động nào nhằm tưởng niệm cuộc xung đột năm 1974 ở Biển Đông đều có thể khiến đất nước rơi vào nguy hiểm. Theo một chỉ đạo từ trên ban xuống, lễ tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa năm 2014 tại Đà Nẵng đã bị hủy vào phút chót vì một lý do không được công bố. Những người biểu tình năm 2014 vẫn kiên quyết đòi tưởng niệm những người lính Việt Nam tử trận đã bị công an giải tán.


Tuy nhiên, các sự kiện tưởng niệm tự tổ chức vẫn được phép diễn ra. Vị cựu đại tá sau trở thành người tị nạn Vũ Văn Lộc, hiện sống ở California, cho biết “cộng đồng hải ngoại vẫn tổ chức các sự kiện để tưởng nhớ trận chiến đẫm máu này.”


Theo nhà nhân học Edyta Roszko, ở Việt Nam, ngay cả những sự kiện tưởng nhớ cấp địa phương cũng không thể tổ chức tự do. “Mặc dù lễ kỷ niệm các chiến sĩ Hoàng Sa và Trường Sa thường được đưa vào các dự án kỷ niệm, nhưng nhà nước chỉ muốn âm thầm tổ chức những dịp lễ này, vì vấn đề tranh chấp các quần đảo đã bị chính trị hóa cao độ,” Roszko viết trong cuốn sách xuất bản năm 2020 “Fishers, Monks and Cadres: Navigating State, Religion, and the South China Sea in Central Vietnam” (Ngư dân, Tu sĩ và Cán bộ: Chính trị, Tôn giáo và Biển Đông ở miền Trung Việt Nam), dựa trên nghiên cứu thực địa của bà ở Quần đảo Lý Sơn gần Hoàng Sa năm 2007-2008.


Năm 2014, nhà báo nổi tiếng Huy Đức và các cộng sự của mình đã tổ chức dự án gây quỹ mang tên “Nhịp cầu Hoàng Sa” nhằm hỗ trợ gia đình những người tử trận năm 1974. Một chiến dịch khác cũng được phát động để xây nhà cho góa phụ của các binh sĩ Việt Nam Cộng hoà thiệt mạng trong Hải chiến Hoàng Sa.


Tháng 1/2014, truyền thông nhà nước Việt Nam lần đầu tiên nhắc đến sự kiện này. Tuy nhiên, việc công khai đề cập đến trận chiến bị lãng quên từ lâu đã khiến nước láng giềng khổng lồ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, tức giận. Tháng 05/2014, Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ở gần quần đảo Hoàng Sa, gây ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc chưa từng có trên khắp Việt Nam.


Căng thẳng không chỉ dừng ở bờ biển


Bất chấp tất cả những câu chuyện tốt đẹp được truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải trước, trong, và sau chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12/2023, tranh chấp Biển Đông vẫn là một chướng ngại trong quan hệ giữa hai nước cộng sản và cũng là đối tác chiến lược toàn diện này.


Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và những người bất đồng chính kiến tưởng nhớ Hải chiến Hoàng Sa đã coi sự im lặng của chính quyền trước các cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc là bằng chứng cho thấy họ phục tùng Bắc Kinh.


Nhưng nếu Hà Nội thực sự có lý do để chỉ trích “chế độ bù nhìn” đã không bảo vệ được quần đảo Hoàng Sa, thì họ cũng không thành công hơn là mấy.


Lúc đầu, vào năm 1976, Hà Nội đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, để đổi lấy việc Hà Nội công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Chỉ sau khi nỗ lực đó thất bại, chính phủ Việt Nam mới khẳng định yêu sách lãnh thổ đối với cả hai quần đảo.


Năm 1988, chính Hà Nội đã gánh chịu thất bại ở Biển Đông, lần này là ở quần đảo Trường Sa. Hơn 60 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng và 3 tàu hải quân bị đánh chìm trong trận chiến diễn ra gần Đá Gạc Ma.


Tại các cuộc đàm phán diễn ra sau đó, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam không chỉ xâm chiếm trái phép các đảo ngay từ đầu, mà còn vô ơn với nước đã gửi viện trợ trong thời chiến, và không đáng tin cậy vì đã không giữ lời hứa.


Tại Việt Nam, giáo dục biển đảo là bắt buộc ở tất cả các cấp học, kể cả cấp mẫu giáo, vốn đã được phổ biến trong thập niên qua, tập trung vào việc dạy cho học sinh những gì chính quyền muốn các em biết. Phần nội dung bị bỏ qua là toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng liên tục kể từ trận chiến năm 1974.


Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tiếp tục nhấn mạnh yêu sách của mình ngay cả sau 50 năm. Nghị định năm 2020 quy định rằng việc xuất bản bất kỳ tài liệu in hoặc trực tuyến nào có bản đồ Việt Nam mà không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ bị phạt nặng. Hơn nữa, bất kỳ chủ thể nào vi phạm quy định này sẽ bị bêu tên công khai trên các phương tiện truyền thông nhà nước.


Chính quyền cũng khuyến khích ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển tranh chấp dù không thể bảo vệ cho họ. Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã đánh chìm nhiều tàu Việt Nam và bắt giữ ngư dân ở vùng biển tranh chấp. Dù Hà Nội công khai lên án các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam, trên thực tế, vẫn chưa có nhiều động thái để bảo vệ các ngư dân.


André Menras là một nhà làm phim độc lập 80 tuổi, từng là giáo viên ở Việt Nam Cộng hoà trước khi Sài Gòn thất thủ. Do hoạt động phản chiến và ủng hộ Mặt trận Giải phóng Dân tộc, ông đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hoà trục xuất ngay trước Hiệp định Hòa bình Paris.


Năm 2011, cùng năm ông được chính thức nhập quốc tịch Việt Nam, Menras đã được cấp phép sản xuất bộ phim “Hoang Sa Vietnam: La Meurtrissure” (“Hoàng Sa Việt Nam: Mất mát đau đớn”) như một tác phẩm báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ phim nêu bật nhiều thách thức mà ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa phải đối mặt do tàu quân sự Trung Quốc.


Tuy nhiên, vào tháng 11/2011, bộ phim bị cấm chiếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù trước đó nó đã tuân thủ theo luật truyền thông Việt Nam. Theo Menras, bộ phim kể về cảnh khốn khổ suốt bao năm qua của ngư dân Việt Nam đã bị chỉ trích là chưa thể hiện đủ tinh thần đảng và chưa khen ngợi đủ sự đóng góp của chính quyền.


Ngoài ra, việc chiếu phim cũng gặp phải thách thức ở Pháp. Địa điểm chiếu phim đã bị chính quyền thành phố Montpellier đóng cửa vào phút chót vào năm 2012. Lời giải thích từ nhà lãnh đạo thành phố là do “bộ phim đề cập đến bạo lực và xung đột giữa hai nền văn hóa.”


“Bộ phim của tôi không nhằm mục đích đạt được sự đồng thuận bởi thực tế là không có sự đồng thuận,” Menras viết trong email. “Có những bộ phim tài liệu chân thực, không có bất kỳ sự dàn dựng nào, và chúng mô tả sự bất công, áp bức, và nỗi đau mà những người bình thường phải trải qua. Chúng cũng vạch trần sự yếu đuối của những kẻ không bảo vệ họ. Vì vậy, bộ phim có thể vừa gây tổn thương vừa khiêu khích. Điều này đúng vì cả lý do chính trị và thương mại, vì chúng có thể khiến những người có quan hệ thương mại với Bắc Kinh khó chịu, lo sợ bị trả thù.”


Nhưng sự kiểm duyệt ở Việt Nam, Pháp, và các nơi khác trên thế giới sẽ không ngăn cản ông theo đuổi và phơi bày những sự thật phũ phàng ấy.


Menras nói “Tôi không sợ sự thật ở tuổi 20, thế thì tại sao tôi lại sợ chúng ở tuổi 80?”




................../.

Christelle Nguyen là nhà nghiên cứu phát triển ở Đông Nam Á, quan tâm về nghiên cứu chính trị Đông Á và ngoại giao công nghệ.
-------------------------