Những hậu quả Mỹ đang gánh chịu khi tin vào lời hứa của Trung Quốc

 Những hậu quả Mỹ đang gánh chịu khi tin vào lời hứa của Trung Quốc

*********

Keith Krach

Tác giả Keith Krach là cộng tác viên của The Epoch Times, người đã được nhất trí xác nhận là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và hiện là Chủ tịch của Viện Ngoại giao Công nghệ Krach. Ông từng là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của DocuSign và Ariba, đồng thời là Chủ tịch của Purdue Board of Trustees. Ông Krach đã được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2022.

****
Bảo Nguyên biên dịch

https://www.ntdvn.net/kinh-te/nhung-hau-qua-my-dang-ganh-chiu-khi-tin-vao-loi-hua-cua-trung-quoc-417396.html?fbclid=IwAR14TRn8wCtkMeQaH855ilhGYhO-ruPVCzK8H0Odj2c4W_b25xvJ_k4Y6QU#table_content_2


****

Ngây thơ tin vào những cam kết của Trung Quốc khi gia nhập WTO, Mỹ giờ đây phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Sân chơi quốc tế bình đẳng đã bị phá hoại. Cảnh giác trước Trung Quốc đã trở thành một vấn đề quan trọng trong các công ty Mỹ.

.......

Ngày 11/12/2001, Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này đã không thể xảy ra nếu không có sự ủng hộ của Mỹ.

Nhìn lại, đó là một trong những quyết định tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng đưa ra.


Quyết định tồi tệ nhất

Mỹ đã ủng hộ tư cách thành viên của Trung Quốc trong WTO và các tổ chức quốc tế khác dựa trên cam kết cải cách thị trường và tuân thủ các quy tắc của đất nước này, với cái giá phải trả là tính dân chủ, an ninh và lẽ thường của phương Tây. 

Người Mỹ thường nhắm mắt làm ngơ và tránh nói trực tiếp về những vấn đề về sự thiếu minh bạch, có đi có lại và các tiêu chuẩn môi trường của chính quyền Trung Quốc; việc vi phạm nhân quyền và sử dụng lao động nô lệ; và vô số hành vi vi phạm các thỏa thuận trước đó và luật pháp quốc tế. 

Thành thật mà nói, người Mỹ đã nghĩ (và hy vọng) Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia dân chủ hơn.


Điều này lại có lợi cho học thuyết chiến tranh kinh tế được mài giũa kỹ càng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

Do sự ngây thơ, người Mỹ đã trao đi tài sản trí tuệ vô giá bằng cách cho phép truy cập vào các tổ chức nghiên cứu được đánh giá cao nhất của nước Mỹ. 

Người Mỹ cũng đã cung cấp cho ĐCSTQ quy trình kỹ thuật phức tạp đối với một số sản phẩm và công nghệ có giá trị nhất của nước Mỹ bằng cách xây dựng các nhà máy hiện đại nhất ở Trung Quốc.

Sau đó, Mỹ trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các thành phần linh kiện chính và nguyên liệu đã qua xử lý bằng cách thuê ngoài hoạt động sản xuất, điều cho phép Trung Quốc tiêu diệt các công ty vừa và nhỏ ở vùng công nghiệp Trung Tây bằng vũ khí sản xuất hàng loạt của mình.


Mỹ cho phép Trung Quốc chiếm được một số trong những tài sản quý giá nhất của nước Mỹ thông qua chuyển giao công nghệ bắt buộc, trộm cắp, lừa dối, trợ cấp chiến lược, săn trộm nhân tài, tấn công mạng, đe dọa và dụ dỗ tài chính. 

Ngoài ra, Mỹ cho phép Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn chi phí thấp của Mỹ mà không phải tuân thủ các thông lệ kế toán tiêu chuẩn, điều có nghĩa là họ không thể bị kiểm toán. 

Điều này cho phép ĐCSTQ tài trợ cho việc xây dựng nhà nước giám sát và quân sự của mình. 


Giờ đây, Mỹ đang chuyển cho Trung Quốc một lượng lớn dữ liệu bằng cách cho phép các công ty ứng dụng và đám mây của Trung Quốc kiểm soát người tiêu dùng Mỹ, cho phép họ theo dõi thói quen mua hàng của khách hàng Mỹ, chứ chưa nói đến phần còn lại của thế giới.


Góc nhìn

Quan điểm của tôi về chiến lược kinh tế kỹ thuật của ĐCSTQ bắt nguồn từ thời tôi lớn lên ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ. 

Người cha người Mỹ gốc Đức của tôi đã làm tôi thấm nhuần những giá trị của sự trung thực và chăm chỉ. Kinh nghiệm làm thợ hàn thời thơ ấu của tôi trong cửa hàng máy móc năm người của cha tôi đã mang lại cho tôi niềm yêu thích sản xuất. 

Bố tôi giải thích rằng các công ty nhỏ như của ông là trái tim và linh hồn của động cơ kinh tế Mỹ, giống như Mittelstand của Đức (các công ty vừa và nhỏ nổi tiếng của Đức). Ông ấy đã dạy tôi rằng chìa khóa cho sức mạnh sản xuất của Mỹ và Đức là sự cạnh tranh công bằng, giúp thúc đẩy năng suất và nâng cao mức sống. Mục tiêu của ông ấy là khiến tôi trở nên khá giả hơn ông ấy, và các con tôi khá giả hơn tôi.

Công nhân làm việc tại một dây chuyền sản xuất Buick Excelles tại Nhà máy Xe phía Nam Jinqiao của Shanghai General Motors Corp. ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 28/05/2005. (Ảnh: China Photos/Getty Images)


Trong những năm qua, thật đau lòng khi chứng kiến vũ khí sản xuất hàng loạt của Trung Quốc đã phá hủy bộ máy sản xuất của Mỹ như thế nào. 

Tôi đã tận mắt chứng kiến tác động tàn phá của nó đối với hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, những cơ sở giống như cửa hàng máy móc của cha tôi. Lúc đầu tôi không hiểu, nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng đây là kết quả của chiến lược chiến tranh kinh tế của Bắc Kinh với việc sử dụng trợ cấp của nhà nước, thao túng tiền tệ, năng lượng bẩn không được kiểm soát và lao động cưỡng bức để thao túng lợi thế cạnh tranh.


Trong 10 năm làm Phó chủ tịch của General Motors, tôi đã chứng kiến kịch bản của Trung Quốc nhằm thực hiện chuyển giao công nghệ bắt buộc. Tôi phát hiện ra rằng việc xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc không chỉ có nghĩa là chuyển giao bản thiết kế mà còn cả bí quyết kỹ thuật của các công ty Mỹ.

Sau 30 năm ở Thung lũng Silicon, tôi đã chứng kiến sự đe dọa và tấn công mạng không ngừng nghỉ của Bắc Kinh. 

Tôi đã bị các quan chức ĐCSTQ và các công ty Trung Quốc do nhà nước bảo trợ ve vãn để thực hiện các liên doanh “thân thiện”. 

Tôi đã chứng kiến cơn lũ bằng tiền của chính phủ Trung Quốc nhằm mua các công ty đang gặp khó khăn sở hữu công nghệ vô giá và lén lút đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tiên tiến nhất. 

Tôi thậm chí đã cảm nhận được nỗi đau khi Trung Quốc đánh cắp những viên ngọc quý của công ty của mình với việc Alibaba đánh cắp tài sản trí tuệ của Ariba.

Đó là lúc tôi nghe thấy giọng nói của bố tôi: “Keith, bố tin vào thị trường tự do, nhưng khi ai đó tham gia vào thị trường và không chơi theo luật, thì thị trường không còn tự do nữa. Đó là thị trường của một kẻ ngốc”.


Trung Quốc đã cạnh tranh như thế nào?

Với tư cách là cựu Giám đốc điều hành của các công ty đại chúng, tôi nhìn nhận vấn đề theo cách này: 

Nếu tôi đang cạnh tranh với bạn và tôi có thể đánh cắp tài sản trí tuệ của bạn, sử dụng lao động nô lệ, tham gia hối lộ, trợ cấp cho công ty của bản thân, không bao giờ phải minh bạch, tận dụng các nhà máy nhiệt điện than giá rẻ không bị giới hạn bởi quy định, 

không cần phải có đi có lại khi cung cấp khả năng tiếp cận thị trường quê hương, nhưng đồng thời buộc bạn phải chuyển giao công nghệ của bạn; và tôi có thể mua công ty của bạn, nhưng bạn không thể mua công ty của tôi, 

tôi có thể thuê các chủ ngân hàng và luật sư của đất nước bạn, nhưng bạn không thể thuê của tôi, tôi có quyền truy cập vào dữ liệu của bạn, nhưng bạn không có dữ liệu của tôi, 

tôi có thể lan truyền tuyên truyền của mình ở đất nước của bạn, nhưng tôi không để sự thật có cơ hội vào đất nước của tôi, thông tin kế toán của bạn phải bị kiểm toán, nhưng của tôi thì không, và 

tôi không phải tuân theo luật, hoặc tôi chính là luật - thì tôi sẽ luôn đánh bại bạn.

Đây là những gì Trung Quốc đã làm với thế giới tự do trong 40 năm để tạo cho mình một lợi thế chiến lược, và không có một chút bằng chứng nào cho thấy Tập Cận Bình sẽ sớm chùn bước. 


Toàn cầu hóa giả định rằng mọi người đều chơi công bằng và các lực lượng kinh tế tốt đẹp điều chỉnh thương mại quốc tế loại bỏ nhu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ. 

Nhưng có một lỗ hổng lớn với lý luận đó: nó không tính đến những kẻ gây rối như ĐCSTQ. 

Sân chơi bình đẳng mà trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và toàn cầu hóa dựa vào đã không còn nữa - chính những quy tắc mà Trung Quốc đã hứa sẽ tuân theo khi gia nhập WTO.

Những chiếc ô tô đang chờ xuất khẩu tại một cảng ở Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 07/09/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)


Doanh nghiệp Mỹ đề phòng rủi ro với Trung Quốc

Nhiều CEO người Mỹ hiện đang bắt đầu cởi bỏ cặp mắt kính màu hồng của họ và đang đối xử với Trung Quốc không theo những ảo tưởng mà theo thực tế. 

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm tô vẽ bản thân như là một đối tác toàn cầu có thiện chí và bị hiểu lầm đã thất bại. 

Các công ty làm ăn với Trung Quốc đã phải chịu đựng các liên doanh ăn bám, hoạt động trộm cắp tài sản trí tuệ trắng trợn, việc bị bắt nạt trên toàn thế giới và hoạt động cưỡng chế thu thập thông tin thuộc sở hữu độc quyền nhằm phục vụ lợi ích thương mại của Trung Quốc.


Sau cuộc xâm lược Ukraine của ông Vladimir Putin, hơn 300 tập đoàn nổi tiếng nhất của Mỹ đã cắt giảm mạnh mẽ hoạt động kinh doanh của họ ở Nga. 

Không cần bằng tiến sĩ trong các vấn đề quốc tế để hiểu các chủ đề chung làm nền tảng cho quan hệ đối tác Trung Quốc - Nga. Cả hai chính quyền đều nổi tiếng với hành vi vô luật pháp, hai mặt, bắt nạt, đàn áp trong nước, cưỡng bức kinh tế và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. 

Cũng không có gì ngạc nhiên khi những gã khổng lồ công nghệ tạo thành xương sống của nhà nước giám sát Trung Quốc - chẳng hạn như Huawei, Alibaba, Tencent và Xiaomi - vẫn đang vui vẻ kinh doanh ở Nga.


Với cuộc đàn áp gần đây của ông Tập Cận Bình đối với ngành công nghiệp tư nhân và khả năng thực sự xảy ra một cuộc tấn công vào Đài Loan (điều mà ĐCSTQ đã từ chối loại trừ), các hội đồng quản trị công ty Mỹ ngày càng hiểu ra rằng việc kinh doanh với, tại hoặc cho Trung Quốc là rủi ro to lớn. 

Hội đồng quản trị có nghĩa vụ ủy thác đối với các cổ đông để giảm thiểu những rủi ro đó. Đó là lý do tại sao nhiều thành viên hội đồng quản trị được kính trọng nhất của Mỹ đang yêu cầu một kế hoạch dự phòng đối với Trung Quốc từ các CEO của họ. 

Họ nhận ra rằng kế hoạch giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc không phải là chỉ một cuộc diễn tập.

Các CEO biết rằng họ không thể mất cảnh giác với vấn đề này vì tác động sẽ lớn hơn 10 - 20 lần so với trải nghiệm với Nga. 

Họ hiểu rằng khi thời điểm đó đến, nếu họ chưa sẵn sàng thì tình hình đã quá muộn. 

Khi điều đáng sợ trở nên không thể tránh khỏi, thì không cần phải sợ nó nữa. CEO phải phát triển một kế hoạch và thực hiện nó.


Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



//////////////////////////