VIỆT
NAM CỘNG HÒA LỪNG LỮNG ĐI VÀO LÒNG ĐẤT NƯỚC
Trần Doãn Nho
****
1.
30/4/1975, Việt Nam Cộng
hòa (VNCH)[1] tức tưởi chết!
Đọc được từ một email
tình cờ lạc vào inbox tôi:
“Còn nhớ trưa ngày
30/4/1975 dưới bầu trời u ám như muốn đổ lệ, tôi đứng ngay cổng xe lửa số 6
trên đường Trương Minh Giảng – Phú Nhuận. Lúc đó lính Cộng hòa đã trút bỏ quần
áo đi bộ từng đoàn thất thểu. Súng ống, ba-lô, quân phục họ vất đầy lề đường.
Xe tăng và các binh đoàn Motolova của Cộng sản đã tràn vào Thủ đô Sài Gòn, chạy
rầm rầm hướng về Bộ tổng Tham mưu. Chung quanh ai cũng hốt hoảng lo tìm đường
chạy về nhà, giờ này đi di tản kể như đã quá trễ. Lâu lâu lại thấy một vài đứa
khốn nạn Cách mạng 30/4 đeo băng đỏ ngồi trên xe Jeep cầm súng chĩa lên trời,
chúng bắn từng tràng đạn chào mừng ngày Giải phóng. (…) Sau ngày 30/4 vào
khoảng tháng 5 khi có chiến dịch Bài trừ văn hóa đồi trụy Mỹ Ngụy, có một vụ
chấn động Sài Gòn là vụ nổ ở một tiệm cho mướn sách cũ. Chủ tiệm lùa hết bọn
đeo băng đỏ vào trong rồi mở kíp lựu đạn tự sát cho dính chùm. Nghe đâu chết
vài mống Cách mạng 30/4, ông chủ cũng chết. Tiệm này nằm trong phường 10, quận
Phú Nhuận (chung với phường của nhà mình bên đường Thiệu Trị – Nguyễn Huỳnh
Đức). Còn một vụ khác vào khoảng năm 1976, có một gia đình bên khu đường rầy xe
lửa hướng đi ra Cống Bà Xếp. Gia đình này có hai vợ chồng và tám đứa con. Vì
căm phẫn chế độ Cộng sản, họ đã tìm ra đường thoát. Hôm đó, họ nấu một nồi cháo
vịt, bỏ thuốc giết chuột vô, cả nhà cùng ăn chung bữa cuối cùng rồi nắm tay
nhau chết hết.[2]
Đọc được từ một nữ bộ đội
miền Bắc, sau này là nhà văn nổi tiếng Dương Thu Hương: “Lần thứ nhất khi
đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội
quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi
đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của
miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản
trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác
phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện
thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc
là những giấc mơ”.[3]
2.
Chao ôi, đã bốn mươi lăm
năm rồi kể từ cái ngày tang thương 30/4/1975!
Trong những ngày này, khi
tất cả chúng ta ngậm ngùi nhớ lại thời điểm bi thảm đó, thì trên diễn đàn Liên
Hiệp Quốc, chính quyền Cộng sản Việt Nam đang cố gắng vô hiệu hóa Công hàm
nhượng bộ Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 bằng cách khẳng định
tính cách hợp pháp của chế độ VNCH trong cuộc đấu tranh pháp lý giành lại hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua hai Công hàm 257-HC năm 2016[4] và A/72/692
năm 2018 do họ gửi cho Liên Hiệp Quốc.[5]
Xin dẫn một trích đoạn
liên hệ: “Từ khi quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, chính quyền
VNCH đã tiếp quản quần đảo Trường Sa từ Pháp. Bằng Sắc lệnh số 143-NV đề ngày
22 tháng 10 năm 1956, Chính phủ nước Việt Nam Cộng hòa đã chuyển quần đảo
Trường Sa từ tỉnh Bà Rịa về tỉnh Phước Tuy. Trong khoảng thời gian giữa 1954 và
1975, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai phần. Do vị trí địa lý, vào thời gian
này, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới quyền cai trị của Chính
phủ VNCH (Miền Nam Việt Nam). Như thế, sự kiện Chính phủ VNCH hành xử việc cai
trị lãnh thổ hai Quần đảo trong thời điểm đó là phù hợp với thực tế và luật
pháp trong bối cảnh của giai đoạn này. Thông lệ quốc tế chỉ rõ rằng trong thời
Chiến tranh Lạnh, có sự hiện diện của hai quốc gia giống Việt Nam như Đức,
Yemen…(…) Vào năm 1975, sau khi Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm cứ quần đảo
Hoàng Sa (vào tháng 1 năm 1974), Chính phủ VNCH đã công bố một Bạch thư đưa ra
những bằng chứng lịch sử xác định một cách rõ ràng và đầy thuyết phục chủ quyền
lâu dài của Việt Nam trên hai quần đảo này”.[6]
Trong lúc nguy cấp, rốt
cuộc, nhà cầm quyền Cộng sản buộc phải bỏ cái thói kiêu ngạo cổ hữu, chính thức
thừa nhận sự hiện hữu hợp pháp của VNCH như một cái phao cứu sinh.
Thực tế là, VNCH đã từng
là một quốc gia có cương thổ, có quân đội, có chủ quyền pháp lý, được 87 quốc
gia trên thế giới công nhận và đã là thành viên của nhiều Uỷ Ban trong Liên
Hiệp Quốc, trong lúc vào thời điểm đó, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
của miền Bắc chỉ được một số rất ít các quốc gia trong khối Cộng sản thừa nhận.
Khi nói đến VNCH, thường
thì người ta chỉ nghĩ đến các chính quyền: chính quyền Ngô Đình Diệm, chính
quyền Nguyễn Khánh, chính quyền Nguyễn Cao Kỳ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu… Và
khi nghĩ đến các chính quyền, người ta chỉ nhìn thấy một VNCH đầy những hình
ảnh tiêu cực: tham nhũng thối nát, thay ngôi đổi chủ xoành xoạch, lệ thuộc
ngoại bang… và dựa vào đó, quy cho VNCH là phồn vinh giả tạo, là đầy dẫy các tệ
nạn xã hội, là bất công, áp bức, vân vân và vân vân. Thực ra, cũng như những
quốc gia khác, VNCH là một tổng thế, có cái tiêu cực, nhưng không thiếu những
điều tích cực. Và những điều tích cực đó là hình ảnh của một VNCH khác, đẹp đẽ,
nhân bản, dân tộc, thường bị che giấu bởi thiên kiến hay bị xuyên tạc một cách
bất công.
Với riêng tôi (mà cũng là
cả thế hệ chúng tôi) sinh trưởng trong lòng chế độ VNCH, nơi chúng tôi được
trưởng thành như những con người tự do, được học hành, được mơ ước, được tranh
đấu chống bất công, áp bức, nói tóm lại, được tự hào là người Việt Nam, thì
VNCH không chỉ là một một quốc gia, một dân tộc mà hơn thế nữa, đó là một quá
khứ thân thuộc, êm đềm, sinh động, đa dạng và phong phú. VNCH tuy không còn
nữa, nhưng với chúng tôi, VNCH không hề biến mất.
3.
Người bạn học thời trẻ
của tôi, Lê Hiếu Đằng, một cán bộ Cộng sản hoạt động nằm vùng, trong “Suy nghĩ
trong những ngày nằm bịnh…”, kể lại:
“Nhắc đến đây tôi có
một kỷ niệm khó quên: ba tôi và mẹ Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú
tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin
hai chúng tôi ra thi. Thế mà chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết
cho ra thi. Tôi theo Ban C Triết học nên chỉ còn vài ngày nữa là thi, ba tôi
gửi một số sách vào cho tôi. May mắn lúc đó tôi đã đọc nhiều sách triết học của
các Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn và các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại
của nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, Tô Thuỳ Yên, v.v., kể
cả quyển sách viết về Nietzsche của Nguyễn Đình Thi trước năm 1975. Gặp đề thi
triết khá hay tôi tán đủ điều, đậu hạng thứ dễ dàng. Còn Lý Thiện Sanh học ban
B vốn rất giỏi nên đậu hạng bình thứ. (…) Tôi không biết với chế độ gọi là “ưu
việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?”[7]
Những chi tiết Lê Hiếu
Đằng trình bày ở trên là hoàn toàn chính xác, theo tôi. Lê Hiếu Đằng học Đệ
nhất C, Lý Thiện Sanh và tôi Đệ nhất B, dù không ngồi cùng lớp, nhưng thường
hay đi cà phê cà pháo, bàn luận chuyện văn chương thế sự với nhau. Các bạn nào
đã từng học Quốc Học vào thời điểm đó (1964) đều ít nhiều biết rõ vụ Lê Hiếu
Đằng và Lý Thiện Sanh bị bắt giam vì bị nghi là hoạt động cho Cộng sản, nhưng
được chính quyền địa phương cho mang sách vở vào lao Thừa Phủ học thi, được ra
đi thi như những học sinh bình thường khác và rồi đậu tú tài II. Được phóng
thích sau gần nửa năm bị cầm tù, Lê Hiếu Đằng tiếp tục tham gia hoạt động cho
Cộng sản ở các trường đại học Sài Gòn, còn Lý Thiện Sanh theo học Y Khoa, tốt
nghiệp bác sĩ, làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia Định.
Thành thật mà nói, trong
nhiều bài viết có tính cách phản tỉnh một cách triệt để vào lúc cuối đời của
Đằng, thì những dòng này khiến tôi cảm động, vì anh nêu ra một chi tiết rất nhỏ
nhưng lại nói được một điều khá lớn và đầy ý nghĩa. Những cái “ưu việt” của
Cộng sản mà Đằng đã từng vì chúng mà theo suốt cuộc đời, hóa ra không thể so
sánh được với cái “nghĩa cử” đầy tình người của chính quyền Thừa Thiên-Huế hồi
đó. Nghĩa cử này chắc chắn không xuất phát từ lòng xót thương của một cá nhân,
hay từ lỗ hổng của luật pháp mà từ cái cơ chế bình thường của nó, của VNCH.
Biết đâu chính cái chi tiết nho nhỏ này đã ám ảnh Đằng và là động lực khiến anh
chọn lựa ra khỏi Đảng Cộng sản vào lúc cuối đời!
Nhân chi tiết khá lý thú
đó, tôi thấy cần phải giới thiệu lại một bài viết, đúng hơn là một phần trong
tập hồi ký của một trong những khuôn mặt trí thức tả khuynh nổi tiếng hàng đầu
ở miền Nam trước năm 1975, Giáo sư Nguyễn Văn Trung: “Tưởng niệm Việt Nam
Cộng hòa” (In memoriam Việt Nam Cộng hòa); hồi ký này được viết từ năm 1993
và được công bố lần đầu tiên trong Tạp chí Văn Học (Cali) năm
2000.[8] Giới thiệu phần hồi ký đặc biệt này, Tạp Chí Văn Học viết, “Chúng
tôi xem bài viết của Giáo sư Trung là một biểu hiện của sự liêm khiết và can
đảm của người trí thức, vì cho đến nay, trên toàn cầu, giới trí thức khuynh tả
vẫn chưa có can đảm “tự phán” một cách sòng phẳng, rốt ráo. Họ không dám nhận
rằng chỗ đứng an toàn của họ không đâu khác hơn là xã hội cho phép họ được công
khai bày tỏ lập trường khuynh tả, và khi chế độ bị họ khinh miệt tiêu vong, để
thay thế bằng một chế độ toàn trị, thì số phận của họ cũng bị tiêu vong theo.
Hay nói như Giáo sư Nguyễn Văn Trung, “tham gia Cách mạng là tham gia vào một
quá trình tự tiêu diệt sau này”. (Thư tòa soạn)
Qua hồi ký, Nguyễn Văn
Trung đã phác họa lại hình ảnh chân xác của VNCH bằng cách hướng cái nhìn vào
một số nét cụ thể khá đa dạng và phong phú không lệ thuộc vào các Chính phủ,
thường bị bỏ quên hay bị che mờ bởi thiên kiến hay bởi một nhãn quan lệch lạc,
thậm chí có tính cách thù nghịch.
Một trong những nền tảng
của VNCH là cơ chế công chức.
Theo ông, “Khi
người Pháp ra đi, một trong những điều tích cực của họ để lại là một số thể chế
nhà nước, cụ thể là một nền hành chánh và một giới công chức được đào tạo theo
tinh thần phân biệt tôn giáo và nhà nước”.[9] Trong vòng 20 năm
(1955-1975), dù có nhiều thay đổi trong Chính phủ, cái hệ thống hành chánh,
guồng máy đó vẫn như thế, vẫn chạy đều như không có gì xảy ra. Công chức cấp
dưới có trình độ văn hóa tương đối, còn công chức cao cấp tối thiểu cũng có bằng
tú tài hay tốt nghiệp đại học. Và dù ở cấp nào, giới công chức vẫn giữ phong
cách của những người làm việc công: mực thước, tôn trọng của công, tôn trọng
luật pháp và phục vụ công chúng.
Một đặc điểm khác của
VNCH là “xã hội dân sự”.
“Những “chính quyền” hay
[những] thay đổi ở miền Nam cần phân biệt với “chế độ xã hội” miền Nam ít nhiều
vẫn duy trì và phát huy những sinh hoạt của điều mà ta gọi là xã hội dân sự
(société civile)”.(…) “Nếu phân biệt “xã hội công” (le social public) với “xã
hội tư”(le social privé) thì “xã hội dân sự” là một loại hình xã hội trong đó
nhà nước không can thiệp vào xã hội tư về các quan hệ nghề nghiệp, giáo dục, tư
tưởng, văn hóa, cứu tế, liên đới xã hội và các quan hệ về mặt tình cảm (gia
đình, họ hàng, bè bạn, thầy trò…). Xã hội dân sự miền Nam, do đó, là một xã hội đa dạng với
vô số tổ chức, hội đoàn tư nhân lớn, nhỏ hoạt động độc lập và hợp pháp, được
chính quyền tôn trọng và giúp đỡ từ tôn giáo, nghề nghiệp, cho đến kinh doanh,
văn nghệ, vân vân.
Lợi dụng điều này, người
Cộng sản đã đứng ra thành lập nhiều hội đoàn, tổ chức hợp pháp để ngụy trang
cho các hoạt động của mình.
Có thể đây chính là lý do
khiến nhà cầm quyền Cộng sản hiện nay rất sợ hình thức “xã hội dân sự”.
Đề cập đến pháp lý và đạo
lý, Nguyễn Văn Trung viết, “Một trường hợp cũng khá phổ biến trước đây ở
miền Nam: Trong cái thế đối lập giữa hai trật tự: trật tự pháp lý chính trị và
trật tự đạo lý tình người, có những lựa chọn trật tự cao hơn (đạo lý tình
người), chẳng hạn anh em, con cháu, bạn bè theo Việt Cộng trà trộn trong cơ
quan, trong dân chúng, biết mà không tố cáo, thậm chí còn cho tá túc trong nhà
vì coi tình nghĩa ruột thịt, bạn bè cao hơn quyền lợi chính trị, pháp luật…”.
Mặt khác, một người có người thân hay họ hàng đi theo Cộng sản, con cái họ
chẳng gặp khó khăn gì trong việc học hành, thi cử và những quyền lợi hợp pháp
khác và khi lớn lên, nếu không trực tiếp tham gia hoạt động cho Cộng sản thì
vẫn được đi làm việc bình thường, không bị phân biệt đối xử. Có người còn được
cấp học bổng đi du học nước ngoài, và về sau lại hoạt động chống đối kịch liệt
VNCH. Chính vì thế, “Dù người dân có khinh ghét chính quyền Sài Gòn thế nào
đi nữa, có lẽ ít ai nghĩ rằng mình đang sống trong vùng Mỹ-ngụy, vùng tạm chiếm
mà chỉ nhìn nhận: Việt Nam là một dân tộc, nhưng hiện đang bị chia cắt, có hai
thể chế chính trị: Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và mong muốn
một ngày nào đó có thống nhất trong hoà bình,” theo ông.
Nói về quân đội, Nguyễn
Văn Trung nhận định, “Trong quân đội ngay từ những khóa hạ sĩ quan Nam Định
hồi 1951-1952 đến các khóa học của trường Võ Bị Đà lạt, Nha Trang, Thủ Đức hồi
đầu thời Đệ nhất Cộng hòa cũng dần dà tạo được một giới sĩ quan có trình độ tú
tài hay đại học không hề mặc cảm là lính đánh thuê của quân đội viễn chinh,
trái lại họ có được một điều mà nền Đệ nhất Cộng hòa đã tạo cho họ đó là một
bản sắc, một căn cước quốc gia (identité nationale)”.
Một trong những mặt xuất
sắc nhất của VNCH là văn học nghệ thuật. Nó thoát thai từ sự kiện: VNCH là một
xã hội mở, xã hội tự do.
Theo Nguyễn Văn Trung,
trong kinh nghiệm rất riêng của mình, những nhà văn, nhà trí thức miền Nam viết
bất cứ cái gì mà không bận tâm mấy về an ninh bản thân. Họ chỉ bận tâm về “viết
cái gì” và “viết thế nào”, chứ không phải về “có thể viết được
hay không”.
Có được như thế là nhờ
phong cách làm việc trí thức của giới công chức trong các bộ liên hệ: Bộ Văn
hóa, Bộ Thông tin và Bộ Nội vụ. Về điểm này, cũng theo Nguyễn Văn Trung, trong
một bài viết khác, “Hướng về Miền Nam Việt Nam”, thì dưới chế độ VNCH, “Báo
thì không phải kiểm duyệt nhưng có thể bị tịch thu đưa ra tòa. Trong khuôn khổ
chính sách hạn chế tự do chính trị như vậy, nếu không xuất bản công khai, hợp
pháp, vẫn có thể in ronéo, phổ biến, bày bán ngay cả trên các sạp báo và có thể
bị tịch thu… Người cầm bút viết những điều cấm kỵ, phê phán chính sách này,
chính sách kia của nhà nước, thậm chí họp nhau viết kháng thư phản đối, đăng
trên báo mà không lo ngại về an ninh chính trị của bản thân gia đình bạn bè.
Nói cách khác, viết phê phán mà không sợ nhà nước”.[10]
Trong bài thuyết trình
“Tính “văn học” trong Văn học Miền Nam”[11] đọc trong buổi hội thảo về Văn học
Miền Nam tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt vào ngày 6/12/2014, tôi đã
phân tích kỹ về tính chất đa dạng, tự do, hiện đại, kế tục, nhân bản… của Văn
học miền Nam, những tính chất khiến cho tự bản thân, nền văn học đó đã mang một
giá trị bất khả bàn cãi và cao hơn hẳn một nền văn học được chỉ đạo bằng các
nghị quyết chính trị.
Xin cụ thể hóa nhận định
trên của Nguyễn Văn Trung bằng một trích đoạn đề cập đến việc tiếp quản trường
Đại học Vạn Hạnh sau ngày 30/4/1975 trong một bài viết ngắn của một người miền
Bắc có tham gia vào công việc này:
“Nhưng miền Bắc không
chỉ Giải phóng miền Nam khỏi những văn bản cổ của văn minh nhân loại hay những
trước tác nóng hổi nhất trên thế giới nửa thế kỉ trước, miền Bắc chúng ta đã
Giải phóng họ khỏi một nền đại học được xây dựng trên ý niệm tự do. Trong số
sách Thư viện Vạn Hạnh còn sót lại, có một loại sách đặc biệt, do trường xuất
bản, in những bài phát biểu của các diễn giả được mời đến nói chuyện và tranh
luận với giảng viên, sinh viên của trường. Đọc những cuốn sách đó, bạn sẽ nhận
ra Đại học Vạn Hạnh đương thời giống như một diễn đàn khổng lồ của xã hội dân
sự, nơi tất cả các xu hướng tư tưởng khác nhau đều được cất lên tiếng nói của
mình, từ chống Cộng sản đến chống Hoa Kỳ, ủng hộ miền Bắc đến ủng hộ VNCH… Tất
cả đều có một không gian bình đẳng để giải thích vì sao họ suy nghĩ và hành
động như vậy. Lúc đó tôi đã tự hỏi, giữa Sài Gòn thời đó thì có những tiếng nói
chống lại hệ thống Cộng sản là đương nhiên, nhưng tại sao chế độ Việt Nam Cộng
hòa lại để cho Đại học Vạn Hạnh (và đương nhiên không chỉ Vạn Hạnh) trở thành
nơi những người chống lại mình có thể phát biểu tư tưởng?
Câu trả lời nằm ở Hiến
pháp 1967 miền Nam Việt Nam: Đại học là tự trị. (…)
Những trải nghiệm như thế
làm cho mọi chàng “miền Bắc có lý luận” cảm thấy mình thuộc về “miền Nam”.[12]
Quy chế “đại học tự trị”
quả là một ưu điểm đáng kể của VNCH, góp phần tạo nên một môi trường tri thức
thực sự, không thua bất cứ một đại học của một nước tiên tiến nào trên thế
giới. Chính vì thế mà dù sống trong thời chiến, các Giáo sư và sinh viên vẫn
được hưởng một không khí thoải mái trong nghiên cứu và học tập, thậm chí trong
các cuộc đấu tranh đòi dân chủ, hòa bình và chống chính quyền.[13]
Tác giả bài viết trên tỏ
ra ngạc nhiên về tính cách “tự do tư tưởng” khi tiếp quản trường Đại học Vạn
Hạnh, một trường mới được thành lập sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Thực
ra, sự cởi mở của VNCH về phương diện tư tưởng đã hiện hữu từ thời Đệ nhất Cộng
hòa. Hồi đó, hầu hết các tác phẩm được viết trước năm 1945 của những tác giả
đang sống và phục vụ dưới chế độ Cộng sản miền Bắc (trừ một số tác phẩm nặng
tính chất tuyên truyền của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi…) từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế
Lan Viên, Tô Hoài, Anh Thơ cho đến Thế Lữ, Nguyễn Tuân…đều được tái bản, không
những thế, còn được đưa vào chương trình dạy văn của học sinh từ tiểu học đến
trung và đại học, được đánh giá xứng đáng với giá trị nghệ thuật và vai trò của
chúng trong lịch sử văn học. Các tác phẩm đó được nghiên cứu y như chúng hoàn
toàn độc lập đối với lập trường và hành vi chính trị hiện đương của các tác
giả. Nhờ thế mà thế hệ chúng tôi lớn lên ở miền Nam biết khá rõ giá trị văn
chương của từng tác giả, để làm cơ sở đối chiếu với những sáng tác đầy tính
chất tuyên truyền, phi-văn chương sau này của họ. Cũng cần ghi nhận ngay bản
“Quốc ca” VNCH (đã đổi lời một phần) được sử dụng tại miền Nam hồi đó và tại
hải ngoại hiện nay cũng được ghi tên tác giả là Lưu Hữu Phước vốn là một người
Cộng sản.
Nhà thơ Nguyễn Đăng
Thường đã từng đưa lên trang mạng “Talawas” một Phụ lục “Thay lời phi lộ” là
lời của Nhà xuất bản Hoa Tiên khi cho tái bản tại miền Nam các tác phẩm Lửa
thiêng của Huy Cận năm 1967, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư năm 1968, Quê ngoại của
Hồ Dzếnh năm 1969… Lời phi lộ cho thấy nhà xuất bản đã tách rời văn bản ra khỏi
con người tác giả.[14]
Sau 1975, nhà nước Cộng
sản tìm mọi cách hủy diệt nền văn học nghệ thuật VNCH qua một chiến dịch rất
bài bản, liên tục và quyết liệt bằng cách đốt sách báo và bắt bỏ tù nhà văn,
nhà báo và cả những người giữ sách báo, nhưng rốt cuộc, chỉ là công dã tràng.
Họ chỉ có thể đốt phá cái hữu hình nhưng không thể đốt phá được cái vô hình: tư
tưởng và tấm lòng.
Rốt cuộc, không những nền
văn học đó không biến mất mà tồn tại, dai dẳng tồn tại và được trân trọng bảo
tồn cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc. Càng về sau, văn học miền Nam càng được đánh
giá một cách tích cực, từ những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cho đến ngay cả từ
chính nhà cầm quyền Cộng sản.
Trong bài nghiên cứu khá
kỹ và ít thiên kiến, “Chiến tranh, xã hội tiêu thụ và thị trường văn học
miền Nam 1954 – 1975”, đăng trên tập san “Nghiên cứu văn học”, một
trong những cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu của nhà nước Cộng sản, có đoạn
viết:
“Thật vậy, những cơ sở
báo chí và xuất bản trung thực đã giúp người đọc miền Nam nhìn rõ hơn xã hội ở
chung quanh mình, đã liên kết những người thiện chí trong một nỗ lực vận động
cho hòa bình, tự do, độc lập dân tộc và một nền văn hóa văn nghệ tiến bộ, cho
thấy mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, sinh hoạt văn hóa miền Nam
không có tính chất một chiều mà còn có những mầm mống của dân chủ, thông qua
tiếng nói phản biện và phản kháng.
Trong đời sống văn học
miền Nam, những sáng tác và công trình nghiên cứu chứa đựng những yếu tố dân
tộc, nhân đạo, dân chủ và cách tân, xuất hiện trên cái nền của hoạt động báo
chí và xuất bản rất đa dạng và phức tạp của nhiều khuynh hướng khác nhau về tư
tưởng cũng như về nghệ thuật. Giữa các khuynh hướng đó không có ranh giới tuyệt
đối, mà có sự giao thoa, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau. Sách báo thân chính
quyền cũng có lúc ấn hành những tác phẩm đả kích quan chức của chế độ, thậm chí
bị tịch thu. Sự chuyển biến của sách báo khuynh tả cũng là một quá trình từ tự
phát đến tự giác. Trên một tờ báo hay một nhà xuất bản có thể xuất hiện những
cộng tác viên đối lập nhau về lập trường chính trị và quan điểm văn học”.[15]
Một nhận định văn học khá
lạ, nhất là dưới cái nhìn của kẻ thắng cuộc nhìn về kẻ thua cuộc. Nếu không
trích dẫn nguồn, có thể chúng ta sẽ cho đó là bài viết của một cây bút VNCH nào
đó tự đánh giá văn học miền Nam. Còn lạ hơn nữa, mới đây, Nhân Dân, tờ báo
chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho đi một bài của Hạnh Nguyên, Ứng xử
với văn học miền nam trước 1975, trong đó có đoạn:
“Từ chỗ bị phê phán
gay gắt, bị loại bỏ, cấm phổ biến, văn học miền Nam dần dần đã được coi là một
bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam, được xuất bản và nghiên cứu
nghiêm túc. Nhiều tác giả (nhà văn, nhà phê bình) miền nam xuất hiện trở lại
trong đời sống văn học đương đại, nhiều tác phẩm (sáng tác, nghiên cứu, phê
bình, văn học sử) được in lại và được bạn đọc ghi nhận. Báo Văn nghệ của Hội
Nhà văn Việt Nam, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các
Hội VHNT Việt Nam đều từng mở chuyên mục giới thiệu văn học miền nam trước
1975; nhiều tạp chí chuyên ngành ở trung ương và địa phương cũng đăng tải những
nghiên cứu về các tác giả, tác phẩm, hiện tượng văn học, phê bình văn học Sài
Gòn trước 1975; không ít luận án, luận văn cao học và không ít đề tài nghiên
cứu cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước đã lấy văn học, học thuật miền nam
1954-1975 làm đối tượng khảo sát, phân tích, đánh giá; một số nhà xuất bản,
công ty văn hóa truyền thông đã chọn lọc giới thiệu những “người lạ mặt quen
thuộc”… Nói cách khác, sự thay đổi trong thái độ đối với văn học miền nam diễn
ra ở cả khu vực nghiên cứu, xuất bản, lẫn giảng dạy, sưu tầm, giới thiệu, phổ
biến đến công chúng. Hoạt động được khuyến khích là vượt qua định kiến, thiên
kiến, tỉnh táo chọn lọc những tác phẩm có yếu tố dân tộc, tinh thần nhân đạo,
dân chủ, yêu nước và tiến bộ, có giá trị cách tân.
Có thể nói, nếu không có
không khí cởi mở, chắc chắn những sáng tác của Du Tử Lê, Trần Thị NgH, Đinh
Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện…; những nghiên cứu của Nguyễn Văn
Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Thanh Lãng, Toan Ánh… không có điều kiện
tái xuất hiện trong đời sống văn học. Nhờ sự thay đổi trong cách ứng xử, mới có
những nghiên cứu về các trường hợp như Lê Tuyên, Thanh Tâm Tuyền… về tư tưởng
triết học và các khuynh hướng lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền nam 1954
– 1975.
Theo GS Huỳnh Như Phương:
“Từ 1975 đến nay, khoảng 160 tác giả và dịch giả ở các đô thị miền nam có tác
phẩm được tái bản chính thức trong nước, trong đó có người còn sống, người đã
mất và một số ít đang định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân,
việc làm đó chưa thật hệ thống và đầy đủ. Trong thời điểm hiện nay, xúc tiến
việc tập hợp, tuyển chọn những tác phẩm, công trình có giá trị là việc làm đúng
lúc và cần thiết, không chỉ để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu mà còn
góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của đất nước”.[16]
Từ chỗ “ngăn chặn,
chống, phê phán, đấu tranh, quét sạch văn hóa nô dịch, đồi trụy, lai căng; xóa
bỏ những xuất bản phẩm phản động, khiêu dâm; trừng trị nghiêm khắc những ai cố
ý vi phạm các quy định của Nhà nước…” đến chỗ thừa nhận văn học miền Nam
là “một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam”, “không
chỉ để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu mà còn góp phần làm phong phú
và đa dạng đời sống tinh thần của đất nước” quả là một thay đổi 180 độ. Đâu
là động lực của thái độ tích cực đó? Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý
do chính theo tôi, đó là giá trị thuyết phục của tự bản thân Văn Học Miền Nam.
Nhận định về ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật miền Nam đối với miền Bắc, nhà
thơ Hoàng Hưng, một trong những thành viên nòng cốt của trang mạng Văn
Việt ở trong nước, nhận xét:
Sự tiếp xúc với Văn học
miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho
không ít tác giả của nền văn học “chính thống” miền Bắc. Tinh thần tự do, nhân
bản và cách tân của nó đã dần dần “tẩy rửa” thói quen “tự kiểm duyệt” và “phục
vụ chính trị”, giáo điều “hiện thực xã hội chủ nghĩa”… vốn ngấm sâu vào tâm trí
của thế hệ cầm bút “chống Pháp chống Mỹ”. Chắc chắn nó đã khởi hứng cho những ý
tưởng thay đổi mạnh mẽ của vài nhà lãnh đạo văn nghệ cuối thập niên 1970 như
Trần Độ, Nguyên Ngọc… và của nhiều cây bút thành công từ sau khi có chính sách
“Đổi mới”cuối thập niên 1980. Hầu hết những cây bút trẻ hiện nay ở Việt Nam
đang đi theo tinh thần ấy.[17 ]
4.
Trong lúc các tác phẩm
văn học VNCH vẫn còn được xuất bản hạn chế, thì một hình thái nghệ thuật khác
của VNCH, ca nhạc, hay nói theo cách nói phổ biến hiện nay là nhạc vàng, gần
như “thống trị” sinh hoạt ca nhạc trong nước.
Ca nhạc miền Nam đã có
ảnh hưởng từ đầu, ngay sau ngày 30 tháng Tư. “Sau khi Quân đội miền Bắc tiếp
quản miền Nam, dường như nhạc miền Nam lại đổ bộ ra Bắc,” theo Jason Gibbs
trong một bài nghiên cứu công phu về loại nhạc này, Nhạc vàng “hóa vàng”.[18]
Gibbs viết:
“Sau năm 1975, với sự
sụp đổ của Sài Gòn, trước sự ra đi của người Mỹ và sự tan rã của Việt Nam Cộng
hòa, những quan toà văn hoá Việt Nam đối diện với tình huống khó xử mới. Họ
tiếp quản một địa bàn có đến hàng triệu tờ, đĩa và băng – gần hết là nhạc vàng
– đã được mua bán trao đổi phân phối. (…) Từng bị tiêm nhiễm một thứ văn hoá,
không dễ dàng để một người từ bỏ nó chỉ một sớm một chiều. Mặc dù không có khả
năng nghe một bài hát cũ nữa, một người có thể nhớ nó, hát hoặc nhảy với nó
trong một thời gian dài trong tương lai. Một bài hát cũ chỉ có thể chắc chắn đã
chết khi nó không thể còn được nhớ đến, nhảy múa hay hát hò gì nữa.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề
làm hồi tỉnh những ai đã nuốt phải thuốc độc của chủ nghĩa thực dân mới, họ
phải đối phó với sự lan truyền của những người lính Quân đội miền Bắc khi họ
mang theo loại nhạc này khi trở về nhà hay làng quê họ.
Một nhà nghiên cứu giải
thích rằng sự quảng bá của loại nhạc này đối với người miền Bắc thành ra một
vấn đề cấp thiết hơn là cố ngăn dừng chúng lại ở miền Nam bởi vì người Bắc nghe
nhạc ấy như một món mới lạ và chưa được “miễn dịch” chống lại trước đó”. (…)
“Lần đầu đến Việt Nam năm 1993 tôi đã rất kinh ngạc là thứ nhạc phổ biến ở Việt
Nam Cộng sản lại giống với nhạc mà người Mỹ gốc Việt vẫn nghe, dĩ nhiên là
chúng không được phát thanh, và trong mọi trường hợp là bất hợp pháp. Tuy là
sản phẩm buôn lậu, những băng cassette và video vẫn được trao đổi tự do, và
nhạc này có ở trong gần như mọi nhà tôi đến. Mặc dù nhạc vàng vẫn phải mang tội
danh phản động, ít người nghe bình thường để ý đến điều đó”.
Rốt cuộc, nhạc vàng, thay
vì hiểu là thứ nhạc vàng vọt, ủy mị thì lại trở thành thứ nhạc với ý nghĩa tích
cực: vàng là kim loại quý, như được hiểu trước năm 1975 ở Sài Gòn, cũng theo
Gibbs.
Nói về sự “thống trị” của
ca nhạc VNCH trong sinh hoạt giải trí hiện nay ở trong nước, nhà thơ Hoàng
Hưng, cho biết, “Nhu cầu ca hát, một trong những nhu cầu tự nhiên nhất
của con người, sau nhiều năm bị “nhạc đỏ” độc quyền thống trị, đã bùng lên với
“nhạc vàng” khắp phố phường ngõ xóm (…) Đến mức bây giờ, nhạc “bolero” một thời
vốn không được đánh giá cao lắm bởi giới có học ở Sài Gòn, nay đang “tràn ngập
lãnh thổ”, chiếm lĩnh không gian âm nhạc cả chính thống lẫn tự phát!” Tại
sao có sự chiếm lĩnh đó? Theo nhận xét của Hoàng Hưng, một trong những điểm
đáng nói là phong cách hát. “Các ca sĩ miền Bắc nhìn chung được học bài bản
hơn, nhưng sau khi nghe ca sĩ miền Nam, số đông người nghe bỗng nhận ra cái gì
đó không thú lắm ở lối hát miền Bắc. Thì ra kỹ thuật thanh nhạc không thay thế
được tình cảm tự nhiên, càng không lại được cái hồn gửi vào tiếng hát, và “bel
canto” của “opera” không thể cuốn hút bằng cái sự tròn vành rõ chữ tiếng Việt!”[19]
Nói chung là như thế,
nhưng nếu đi sâu hơn, ta sẽ nhận ra rằng chuyện nhạc vàng-nhạc đỏ không chỉ
thuần túy là vấn đề ca nhạc, mà hàm chứa trong đó một cuộc “đấu tranh chính
trị” dai dẳng và quyết liệt. Cứ theo dõi chuyện tranh cãi về việc “cho
cho cấm cấm” rồi lại “cấm cấm cho cho” một số các bản nhạc miền Nam như
“Con đường xưa em đi”, “Tôi đưa em sang sông, hay “Ly rượu mừng” chẳng hạn,
chúng ta sẽ thấy trước sau, nhà nước Cộng sản đứng trước một sự chọn lựa “chẳng
đặng đừng”, một chọn lựa đau đớn khi cho phép dòng nhạc miền Nam tiếp tục chiếm
lĩnh thị trường giải trí cả nước.
Phải nói là “không ngăn
chặn được” chứ không phải là “cho phép”. Dù trực tiếp hay gián tiếp, dù bóng
gió xa xôi hay êm đềm gần gũi, nhạc miền Nam nói chung chứa đựng trong đó tất
cả cái không khí đa dạng, thấm đẫm tình người, tình nước của Việt Nam Cộng hòa.
Nói như Đỗ Trung Quân, sự
thắng thế của nhạc miền Nam là cuộc “phục thù ngọt ngào” của bên thua cuộc. “Khán
giả chọn lựa nó, thứ âm nhạc chôn mà không chết. Muốn nó chết, dễ thôi! Các anh
hãy làm nhạc hay hơn nó, có tài năng hơn nó để vĩnh cửu như nó …Dèm pha, mai
mỉa, xúc phạm nó vô nghĩa! Nó càng bất tử! Chỉ vậy thôi!”[20]
Quả thật là phục thù ngọt
ngào! Trong “Trận chiến nhạc vàng”, tác giả Kiva đánh thẳng vào mục
tiêu, không ỡm ỡm ờ ờ gì cả khi cho rằng:
“Sự hồi sinh mạnh mẽ
của dòng nhạc vàng cho thấy âm nhạc VNCH lúc xưa chưa có thua. Sau 40 năm chiến
đấu cam go, bằng một sức mạnh mềm, nhạc vàng đã lật ngược được thế cờ, giành
chiến thắng trên cả nước. Đầu thế kỷ 21, tôi đã thấy được một cuộc chiến tranh
nhân dân ôn hòa, lãng mạn, thú vị mà không do những người Cộng sản điều khiển.
Một cuộc chiến tranh không có bom đạn, sắt máu, mà chỉ có lời ca tiếng nhạc du
dương, êm đềm, thơ mộng. Nhạc xưa đã trở lại, nhưng không phải là sự thụt lùi
mà là sự đáp ứng nhu cầu, phản ảnh tâm thức của người dân muốn hướng đến một xã
hội tràn đầy yêu thương, nhân bản, thấm đượm tình quê hương dân tộc”.[21]
Ngay cả trên một trong
những tờ báo mạng hàng đầu ở trong nước hiện nay (VnExpress.net), ta cũng tìm
thấy những lời ca ngợi âm nhạc miền Nam và thẳng thắng phê phán chính sách cấm
đoán của nhà cầm quyền Cộng sản đối với loại nhạc này:
“Những thân phận lạc
loài vì chiến tranh, kêu đòi hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh là điểm
nhấn của cả một thời kỳ người đô thị miền Nam hát vì yêu nước, đến nay cũng vẫn
không được phổ biến một cách oan uổng; như ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn,
dù nhạc sĩ sau ngày Thống nhất cho đến tận khi mất vẫn cống hiến rất nhiều cho
âm nhạc nước nhà. Nếu nghe thật kỹ ca từ “Một mai giã từ vũ khí” của Trịnh Lâm
Ngân, chỉ thấy khắc khoải mơ ước hòa bình để xây dựng lại một xã hội người
người thương yêu nhau, vậy mà nó luôn nằm đầu bảng danh sách các ca khúc bị cấm
biểu diễn. (…) Quan trọng hơn, một thực tế không thể chối cãi, đó là rất nhiều
trong những bài hát bị cấm phổ biến vẫn được mọi người yêu mến. Dù được viết đã
rất lâu, bằng cách nào đó, chúng đang và còn nói được tiếng lòng đại chúng ở
hiện thời. Việc cấm sử dụng các ca khúc được nhiều người yêu mến là đi ngược
quy luật xã hội, vô ích trong quản lý và tốn thêm các chi phí khác cho việc
giám sát”.[22]
Nhạc miền Nam trở lại
không chỉ bằng nhạc mà bằng cả chính các ca nhạc sĩ một thời xây dựng nên không
khí VNCH. Dân miền Nam muốn sống lại những tháng năm xưa êm đềm với các thần
tượng của mình, còn dân miền Bắc thì lại muốn được trực tiếp chia xẻ cái không
khí chứa chan tình người mà họ không có cơ hội được hưởng vì sự biến mất đau
đớn của VNCH. Những chương trình ca nhạc như thế, nhất là ở Hà Nội, là những
“biến cố” xưa nay hiếm, đánh động vào một thế giới hoài niệm rưng rưng, xa
xót![23]
Văn học nghệ thuật quả đã
mang VNCH lừng lững đi vào, đi sâu trong lòng đất nước. Đây không phải là một
diễn biến hòa bình. Cũng không phải một vận động thay ngôi đổi chủ. Đơn thuần
chỉ là một hiện tượng phục hồi. Sự phục hồi của một giá trị, một giá trị vô
cùng lớn lao mà nếu biết vận dụng, nó có thể đưa đến sự thay đổi ngoạn mục dòng
sinh mệnh dân tộc.
5.
Ngoài yếu tố tự thân, sự
phục hồi này còn được hỗ trợ bởi những yếu tố khách quan khác.
Trước hết là sự phát
triển của mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Qua mạng xã hội, lần đầu tiên
người dân cảm thấy mình được tự do, được thoát ra khỏi sự kềm chế của nhà nước,
được nói, được viết, được trao đổi đủ thứ thông tin đa dạng, đa chiều mà không
phải thông qua một hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt của bộ máy công an. Cũng qua
mạng xã hội, họ xây dựng được một xã hội khác với thứ xã hội bị kềm kẹp bên
ngoài: xã hội dân sự. Tất cả tạo thành một sức mạnh, làm đối trọng với nhà cầm
quyền.
Các tư tưởng dân chủ, tự
do được đề cao.
Và đặc biệt, các trang
mạng xã hội cũng là nơi chứa đựng hình ảnh và thông tin đáng quý và hữu ích về
một VNCH ngày cũ, từ âm nhạc, văn chương, nghệ thuật cho đến quân đội, giáo
dục, kinh tế…
Mặt khác, do sự biến mất
các yếu tố hấp dẫn của các chiêu bài lý tưởng (độc lập, giai cấp, chủ nghĩa…)
cũng như vì sự mâu thuẫn về quyền lợi phát sinh do một đảng cầm quyền quá lâu,
“Nền chính trị Việt Nam đã chính thức bước vào chế độ tài phiệt (plutocracy),”
theo Đoan Trang và Nguyễn Hữu Long. Phân tích về điểm này, hai tác giả nhận
định:
“Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng, nhân vật trung tâm của chính trị Việt Nam thập kỷ qua, đã phơi bày
một phần cuộc đấu đá quyền lực trong đảng ra trước mặt báo và pháp đình, thông
qua chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đảng. Chiến dịch
này đã làm thay đổi hẳn cách nhìn về quan chức nhà nước và cơ quan nhà nước
trong công chúng nước ta. Trước đây, người ta coi làm quan, làm nhà nước là một
công việc ổn định, vừa màu mỡ vừa an toàn, “đến hẹn lại lên”.
Nay, ấn tượng đó đã sụp
đổ cùng với những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son,
Trương Minh Tuấn, v.v. (…) Hai cái chết bí ẩn của Nguyễn Bá Thanh và Trần Đại Quang,
cùng với vụ mất tích kỳ lạ của Đinh Thế Huynh,
tiếp tục phủ bóng chính trường với nhiều màu sắc ma quái, tạo ra ấn tượng mạnh
mẽ trong công chúng về những phương pháp thanh trừng nội bộ cổ xưa. Pháp luật,
suy cho cùng, vẫn chỉ là công cụ thanh trừng chứ không phải là nguyên tắc tổ
chức quyền lực nhà nước. Không có thứ công lý nào đạt được với một thứ pháp
luật như vậy”.[24]
Trong tình huống này, phủ
nhận cơ chế nhà nước Cộng sản hiện nay tất yếu phải dẫn đến chỗ thừa nhận những
giá trị mà VNCH đã từng thể hiện trong thời gian 20 năm trước đây.
Nhìn chiến hạm Mỹ
Theodore Roosevelt ghé thăm Đà Nẵng vào tháng 3/2020 vừa qua, nhìn cách nhà
nước Cộng sản đang loay hoay đòi biển đòi đảo, loay hoay trườn ra khỏi ảnh
hưởng của chế độ bá quyền xảo quyệt phương Bắc, tôi nhận ra một điều vừa khôi
hài lại vừa chua chát:
Chính quyền Cộng sản đã
mất công chiến đấu, phỉnh gạt và hy sinh bao nhiêu thế hệ để cũng đi đến cái
mục tiêu mà VNCH đã từng theo đuổi: thân Mỹ, chống Tàu, biến Việt Nam thành một
đất nước pháp trị với tam quyền phân lập, đa nguyên trong sinh hoạt chính trị,
tự do trong kinh tế thị trường, cởi mở trong văn học nghệ thuật, đất đai thuộc
sở hữu tư nhân, tự trị đại học… Bị giam giữ trong nhà tù ý thức hệ, bị nhốt kín
trong nỗi đam mê thành tích quá khứ, Đảng Cộng sản tiếp tục dẫn dắt dân tộc đi
vào một con đường “dead-end”, không lối thoát.
Bốn mươi lăm năm bát
nháo, ỡm ờ!
Bốn mươi lăm năm loay
hoay.
Bốn mươi lăm năm sinh
sát.
Rốt cuộc, chính quyền
Cộng sản hiện hình là một cơ chế nửa nạc nửa mỡ, tiến thối lưỡng nan.
Hơn thế nữa, cái chính
quyền đó tự biến thành một khối u ác tính của chính mình. Nó tự đối đầu với
chính nó, tự bào mòn chính nó, tự cắt xé chính nó. Thế lực phản động không còn
đến từ bên ngoài, mà mưng mủ từ bên trong.
Biến cố Đồng Tâm chẳng
hạn là biểu hiện sinh động, là đỉnh cao của cái ung nhọt tự phát trong lòng chế
độ.
Chính những người đã từng
hy sinh xương máu của họ để phục vụ chế độ càng ngày càng đứng lên chống lại
nó, rạch ròi, dứt khoát và đầy chính nghĩa.
Trong một bối cảnh như
vậy, nếu người ta hướng về VNCH cũng là điều rất hiển nhiên. Và hợp lý. Một
trong những nhà nghiên cứu văn học tiếng tăm trong nước, Vương Trí Nhàn, đã can
đảm nhận định về Tô Thùy Yên và qua đó, về những con người VNCH như sau:
“Qua nhiều tài liệu về
các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối
các trại tù này là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy
nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy
vọng, tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục. Trường
hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ “Ta về” chứng
tỏ mọi ý đồ loại đó đã phá sản, đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai
người mà phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được
lòng khao khát yêu đời và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra
sống ở hải ngoại. Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta. Mà
điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai
mươi năm 1955-1975” (Tôi nhấn mạnh).
Đây là một nhận định
chính xác, can đảm của một nhà phê bình văn học, người ở bên phe thắng cuộc.
Những người hiện đứng lên tranh đấu cho một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do, dân
chủ ở trong nước đang đòi hỏi cái mà chúng tôi đã từng tranh đấu để có và đã
từng có vào những năm tháng VNCH.
Giá trị VNCH, do đó,
không có gì cao xa, cũng chẳng cần phải dựa trên một lý thuyết nào, trái lại,
rất đơn giản.
Đơn giản như lao Thừa Phủ
ngày nào đã cho phép hai tù nhân học sinh Lê Hiếu Đằng và Lý Thiện Sanh được đi
thi Tú Tài để khỏi đánh mất tương lai. Đơn giản như những bài hát bolero VNCH,
dân dã, thắm tình. Không cần kinh qua những cuộc đấu tố cải cách long trời lở
đất và những năm tháng chiến tranh hao người tốn của. Cũng không cần những bà
mẹ anh hùng, những tượng đài, những địa đạo, những thi đua, những sùng bái cá
nhân và lăng tẩm, vân vân.
Xin được nhắc lại, nhất
định là không thừa: Rốt cuộc, đổi mới là gì, cải cách là gì nếu không muốn nói
là con đường dẫn đến những giá trị VNCH. Chả thế mà, Giáo sư Nguyễn Văn Trung
nhận định, “Cái gọi là “đổi mới” thực chất là “ đổi mới chẳng
qua là trở về những cái cũ đã bị phủ nhận”.[25]
Hiểu như thế, VNCH không
phải là quá khứ, mà chính là tương lai. Là mô hình của một Việt Nam đổi mới,
dân chủ, tự do.
Khi thừa nhận tính cách
hợp pháp của chế độ VNCH, nhà cầm quyền Cộng sản chắc không muốn nghĩ tới điều
đơn giản đó.
Không sao!
Lịch sử có những lối đi
riêng bất ngờ của nó.
Tháng 4/2020
T.D.N.