Reuters: Chính phủ Việt Nam làm giảm tốc độ truy cập Facebook

Reuters: Chính phủ Việt Nam làm giảm tốc độ truy cập Facebook





............

Dương Ngọc Thái
Kỹ sư an ninh mạng đang làm việc tại Google (Hoa Kỳ) 


***


James Pearson, trưởng đại diện Reuters ở Việt Nam, dẫn lời hai nguồn tin cho biết máy chủ của Facebook đặt ở Viettel và VNPT đã bị tắt trong vòng 7 tuần, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4 năm nay. Các máy chủ này chỉ được mở lại sau khi Facebook đồng ý tăng cường kiểm duyệt các nội dung "chống chính phủ".

Theo VietnamNet, khi người dân than phiền vào Facebook chập chờn, VNPT và Viettel đã giải thích như sau:

Trước những phàn nàn của người dùng Internet, mới đây một số nhà mạng lớn trong nước đã lên tiếng để trấn an người dùng.

Chia sẻ trên fanpage của mình, nhà mạng VNPT đưa ra lời giải thích, hiện tượng đường truyền Facebook không ổn định là do vấn đề kết nối tới máy chủ quốc tế. Đây cũng là cách lý giải được đưa ra bởi nhà mạng Viettel.

Cả VNPT và Viettel đều cho biết đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị đối tác liên quan để kiểm tra nhằm khác phục triệt để. Trên fanpage của mình, hai đơn vị này cũng ngỏ lời mong người sử dụng thông cảm.

Tại sao Facebook lại đặt máy chủ ở Việt Nam? Tôi không rõ thiết kế của Facebook, nhưng để tối ưu tốc độ phục vụ người dùng các công ty sẽ muốn đặt máy chủ càng gần người dùng càng tốt. Cách tốt nhất là thuê chỗ ở trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các máy chủ này thường sẽ không có chứa dữ liệu riêng tư của người dùng, mà chỉ chứa những nội dung mà ai cũng xem được. Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được, nhưng tốc độ sẽ giảm xuống vì lúc này người dùng sẽ phải kết nối thẳng đến trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Singapore, Đài Loan hay Hồng Kông.

Nếu thông tin Reuters đưa là chính xác, việc Facebook đồng ý kiểm duyệt đi ngược lại với cam kết bảo vệ tự do ngôn luận mà Mark Zukerberg đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu ở Georgetown University hồi tháng 10/2019. Tôi hi vọng Ủy ban Việt Nam của Quốc hội Mỹ sẽ sớm có phiên điều trần về việc này.

Việc Chính phủ Việt Nam yêu cầu Facebook phải kiểm duyệt nội dung "chống chính phủ" mà không thể tự làm, chứng tỏ Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thể tự ý xóa nội dung hay truy cập dữ liệu người dùng Facebook để xác định ai đã gửi bài gì, rồi dùng "các biện pháp nghiệp vụ" để ngăn chặn họ. Đây có thể xem là một tin vui cho những ai vẫn đang còn kỳ vọng về một môi trường Internet tự do cho Việt Nam.

Tin Việt Nam tắt máy chủ của Facebook để tăng cường kiểm duyệt sẽ làm lu mờ hình ảnh một Việt Nam đang rất đẹp giữa đại dịch COVID-19. Quyết định này cho thấy rõ bản chất của Luật An ninh mạng. Luật này yêu cầu các công ty Internet quốc tế phải đặt máy chủ và dữ liệu người dùng ở Việt Nam và bây giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao những người tạo ra luật này muốn như vậy.

Kể từ đây về sau, có công ty Internet quốc tế nào còn muốn đầu tư lâu dài hay mở văn phòng ở Việt Nam? Máy tính tắt thì thôi, chứ có công ty nào muốn nhân viên của mình trở thành con tin. Tôi đã từng hỏi chính sách của Việt Nam như thế nào để rồi chỉ yêu cầu mở văn phòng thôi, chứ chưa nói đầu tư hay chuyển giao công nghệ gì, mà Facebook vẫn không muốn vào Việt Nam? Hôm nay chúng ta đã có câu trả lời.

Nếu các công ty Internet quốc tế không mở văn phòng, không đầu tư, xây dựng hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ người Việt Nam tốt hơn, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại này của người dân? Bao nhiêu người đang kiếm sống nhờ vào Facebook. Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hi vọng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt Nam. Không ai ngu đến nỗi đầu tư vài trăm triệu USD để rồi người khác muốn tắt là tắt. Thiếu một hạ tầng điện toán đám mây hiện đại sẽ khiến những nghị quyết 4.0 mãi vẫn còn nguyên giá trị.

Vai trò của Facebook ở Việt Nam không chỉ là nơi người ta gặp gỡ, trao đổi, kinh doanh, mua bán mà còn là nơi người dân tìm kiếm tự do và bình đẳng. Người Mỹ có thành ngữ "san phẳng sân chơi" (level the playing field), ý nói muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Bình đẳng ở đây không có nghĩa là bình đẳng đầu ra, tức là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu theo chủ nghĩa cộng sản duy lý nhã kỳ, mà cũng không có nghĩa là bình đẳng đầu vào, vì không có cách nào khiến người sinh ra ở Chắc Cà Đao cũng có nhiều cơ hội như người sinh ra ở Sài Gòn. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về luật chơi.

Luật chơi ở Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn câu vè mà ai cũng đã từng nghe:
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Đứng chót trí tuệ

Bao nhiêu bất công, oan trái, trì trệ của xã hội có thể truy ra nguồn gốc từ luật chơi oái ăm này. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam. Ở đâu và thời nào thì người có tiền, có quyền và có quan hệ cũng muốn thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho họ, nhưng một xã hội thông minh sẽ thiết lập các thể chế để ngăn chặn, phát hiện và xử lý bọn chơi ăn gian. Họ sẽ có tam quyền phân lập. Họ sẽ đặt chính phủ dưới sự kiểm soát của các đảng phái chính trị đối lập. Họ sẽ có những tờ báo độc lập, những tổ chức xã hội dân sự để kiểm soát chính quyền và tất cả những ai muốn chơi xấu. Việt Nam thiếu tất cả những thể chế như vậy, thành ra người Việt chưa bao giờ có một sân chơi bình đẳng.

Mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi Internet và Facebook (và YouTube) du nhập vào Việt Nam. Lần đầu tiên trong vài chục năm qua, người Việt Nam có một sân chơi mà trí tuệ là tiêu chí hàng đầu. Ai có tài năng hay ý kiến mới, người đó có sân khấu và vài chục triệu khán giả. Nói không ngoa, đây là thay đổi tích cực nhất về tự do dân chủ, công bằng xã hội ở Việt Nam kể từ ngày đổi mới. Tắt máy chủ Facebook là cách nhanh nhất triệt tiêu những thay đổi tích cực này.

Rõ ràng một quyết định gây nhiều thiệt hại như vầy phải được Chính phủ Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi hi vọng Chính phủ sẽ công bố lợi ích vĩ đại của việc tắt máy chủ Facebook ngoại trừ tiết kiệm điện và giải thích tại sao người dân Việt Nam phải chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế và tự do cá nhân để Chính phủ kiểm duyệt các nội dung "chống chính phủ" trên Facebook. Người dân hết sức quan tâm đến sức khỏe tâm thần của lãnh đạo, nếu biết lãnh đạo không thích "ăn" chửi, tôi tin họ sẽ không chửi thẳng nữa đâu, mà sẽ chuyển qua chửi đổng. Lợi cả đôi đường, dân vẫn được chửi để giải tỏa, lãnh đạo vẫn được quyền nghĩ "chắc nó chừa mình ra". Ít nhất là cho đến hết Đại hội Đảng.

Khi Luật An ninh mạng còn là bản thảo, tôi đã dự đoán Facebook sẽ không bị chặn hẳn nhưng sẽ bị làm chậm, nhưng thú thật từ lúc nghe tin này đến giờ tôi vẫn còn choáng váng, vì không ngờ cá mập ở Biển Đông lại làm việc cho Chính phủ Việt Nam. Trump có Space Force thì Việt Nam cũng ngạo nghễ có kém gì với Shark Force. Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm duyệt Facebook, hi vọng Chính phủ sẽ điều động đội quân cá mập này ra cắn bớt tàu chiến và dàn khoan của nước lạ đang ra vô Biển Đông như cái chợ.


......../.

Tan nát Liên Hiệp Quốc!


Tan nát Liên Hiệp Quốc!
MẠNH KIM
****

Đúng thời điểm gần dịp kỷ niệm 75 năm thành lập (ngày 24-10), Liên Hiệp Quốc (UN) đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Vai trò và chức năng của tổ chức quốc tế này ngày một suy yếu. Cuộc khủng hoảng đại dịch cho thấy UN trở nên lỏng lẻo, rời rạc và mất phương hướng như thế nào…
Ngày 15-4, UN quyết định không bắt tay với hãng viễn thông Tencent Holdings của Trung Quốc để được cung cấp dịch vụ videoconferencing và tin nhắn phục vụ dịp UN tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày thành lập. Nếu không bị sức ép Mỹ cũng như nhiều tổ chức nhân quyền, Tencent sẽ ôm gói thầu béo bở này. Ngày 30-3-2020, UN đã gây cơn bão chính trị khi loan bố Tencent là nhà cung cấp dịch vụ cho UN dịp 75 năm thành lập, nhằm đưa sự kiện đến “hàng triệu người trên toàn cầu, có thể nghe được những suy nghĩ về những gì mà thế giới sẽ trở thành trong 25 năm tới, về những gì mà hợp tác quốc tế đóng góp để giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu và các trận đại dịch như coronavirus”.
Tại sao chọn Tencent? UN nói rằng Google Hangouts hay Facebook không thích hợp cho một sự kiện quốc tế như lễ kỷ niệm 75 năm thành lập vì những dịch vụ này bị chặn tại Trung Quốc, trong khi UN muốn chương trình càng được lan rộng càng tốt. Theo hợp đồng, UN sử dụng các nền tảng của Tencent, từ VooV Meeting, WeChat Work đến mạng phiên dịch tự động. Thật khó có thể tưởng tượng UN không ý thức được rằng Tencent không chỉ là sân sau của bộ máy cộng sản Trung Quốc mà còn là “tay sai” đắc lực của Bắc Kinh với chính sách kiểm duyệt hầu bịt tai và bịt miệng hàng triệu người dân Trung Quốc. WeChat của Tencent đã kiểm duyệt thông tin dịch bệnh tại Trung Quốc từ tháng 12-2019.
Chi phí cho gói thầu (dự kiến) của Tencent với UN nằm trong ngân sách tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm. Trong ngân sách chương trình với hơn 7,6 triệu USD, có hơn 3 triệu USD từ Đức, Pháp, Iceland, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Các tổ chức đóng góp gồm Bill & Melinda Gates Foundation, Ford Foundation, Open Society Foundations, và United Nations Foundation (với tổng cộng gần 4,5 triệu USD). Phần mình, Trung Quốc góp khoảng 300.000 USD; trong khi đó, Mỹ không góp đồng nào (Foreign Policy 15-4-2020).
Câu chuyện Tencent là một trong những ví dụ cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với UN. Trong khi đó, hoạt động UN ngày càng chệch choạc. Các thành viên UN không gắn kết và làm việc trên tinh thần một cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ những vấn đề thế giới. Nhiều năm nay, UN gần như không có vai trò gì đối với các vấn đề lớn như Syria, Iran, Bắc Hàn… Cho đến nay, từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch cúm Vũ Hán là đại dịch toàn cầu vào ngày 11-3-2020, UN vẫn thể hiện như một hình ảnh có tính biểu tượng.
Pháp là nước đầu tiên đề nghị một nghị quyết chung kêu gọi thế giới ngưng chiến tranh để cùng tìm giải pháp chống dịch. Ý kiến này sau đó đóng băng sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson nhập viện vì nhiễm coronavirus. Tiếp đó, Estonia – một trong 10 thành viên không thường trực Hội đồng bảo an (UNSC) – kêu gọi UNSC ra tuyên bố rằng trận đại dịch “có thể trở thành hiểm họa đối với an ninh và hòa bình quốc tế”. Tuy nhiên, ý kiến Estonia bị Nam Phi phản bác, vì “không liên quan đến UNSC”. Lập luận Nam Phi được Trung Quốc ủng hộ, cho rằng vấn đề dịch bệnh đã có WHO lo. Tại sao Trung Quốc tránh né? Có lẽ Bắc Kinh không muốn bị các nước đối chất vấn đề xử lý dịch bệnh của họ trên diễn đàn UN.
Ngày 3-4-2020, Tổng thư ký UN António Guterres, trong buổi họp báo trực tuyến, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay chống dịch. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông lọt thỏm giữa những rối ren mà các quốc gia đối mặt. Trước đó một ngày, sáu nước – Ghana, Indonesia, Liechtenstein, Na Uy, Singapore, và Thụy Sĩ – ủng hộ một nghị quyết Đại hội đồng UN kêu gọi “tăng cường hợp tác quốc tế để khống chế và đánh gục” coronavirus (nhân dịp này, Nga tranh thủ đưa ra một nghị quyết kêu gọi chấm dứt tất cả các cuộc cấm vận và không cần thông qua UNSC; “sáng kiến” này bị bác). Tuy nhiên, nghị quyết Đại hội đồng thường có tính hình thức (so với các nghị quyết UNSC vốn đưa ra cụ thể chương trình hành động) và do vậy nó gần như cũng không mang lại giá trị gì.
Thật ra không phải đến bây giờ mới UN mới rơi vào tình trạng khủng hoảng. Từ thời Bill Clinton đến George W. Bush, UN đã dính hết scandal này đến scandal khác. Năm 2004, thượng nghị sĩ Mỹ Norm Coleman từng viết trên Wall Street Journal, yêu cầu Tổng thư ký Kofi Annan từ chức, sau khi xảy ra vụ con trai ông Kofi – Kojo Annan – bị cáo buộc tham nhũng liên quan Chương trình đổi dầu lấy lương thực Iraq. Vụ tai tiếng này không chỉ dính dáng con trai ông Kofi Annan mà còn cả người nhà cựu Tổng thư ký UN Boutros Boutros-Ghali. Đó là chưa kể nhiều vụ cáo buộc quấy rối tình dục của lực lượng Mũ Nồi Xanh UN.
Vấn đề UN ngày càng cho thấy rõ rằng, bất luận cơ chế quốc tế nào cũng cần điều chỉnh, đặc biệt cấu trúc. Nếu không thay đổi cấu trúc, khó có thể thay đổi đường lối hành động. Trong thực tế, việc cải tổ UN đã được đề cập không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn ì ạch dậm chân tại chỗ. Phác thảo kế hoạch cải tổ từng đệ trình lên Kofi Annan đầu tháng 12-2005, chủ yếu với ý tưởng ủng hộ mở rộng UNSC. Công thức năm quốc gia thường trực UNSC – kiểu mẫu sắp xếp trật tự thế giới thời hậu Thế chiến thứ hai – đã trở nên lạc hậu, khi Đức lẫn Nhật không còn là mối đe dọa cho an ninh toàn cầu, mà ngược lại, họ là một phần của xương sống kinh tế thế giới. Trong khi đó, khái niệm quyền lực cũng đã chuyển dịch. Cần nhắc lại, lần mở rộng UNSC “gần đây nhất” là năm 1963 (từ 11 lên 15 thành viên).
Trung Quốc là nước phản đối gay gắt nhất việc cải tổ-mở rộng UNSC vì nếu điều này được thực hiện, Nhật gần như chắc chắn được bầu vào vị trí thành viên thường trực. Tháng 4-2005, khi cuộc thảo luận mở rộng UNSC trở thành đề tài nóng, hàng chục ngàn người Trung Quốc đã được kích động và giật dây để tràn xuống đường tại nhiều thành phố lớn nước này, thể hiện “sự bất bình” bằng cách chửi bới và ném đá vào văn phòng các cơ quan ngoại giao Nhật và sau đó còn đập phá nhà hàng Nhật! Từ đó đến nay, Trung Quốc không chỉ “ném đá” mà còn “giấu tay” trong việc khống chế và khuynh loát UN. Nếu vấn đề cải tổ còn chưa thực hiện, UN sẽ trở thành một hình nộm không hơn không kém.

........../.

ĐỂ CHÚNG TA TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÍ NHỚ



QUA NẠN DỊCH NÀY, ĐỂ CHÚNG TA TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÍ NHỚ
______________________
Tác giả: DIÊM LIÊN KHOA

[tuoitrecuoituan]



(..trích)
Trong cuộc sống của chúng ta, trong lịch sử và hiện thực mà chúng ta đang sống, bất luận là kiếp nạn và tai ương của cá nhân, gia đình hay xã hội, thời đại, quốc gia, vì sao luôn cứ cái nọ nối tiếp cái kia như thế?
Vì sao những kiếp nạn và vực thẳm của lịch sử và thời đại luôn luôn do những cái chết và sinh mạng của hàng ngàn hàng vạn người dân chúng ta gánh chịu và lấp đầy?
Trong rất nhiều, rất nhiều nhân tố mà chúng ta không biết, không truy hỏi, không cho truy hỏi thì không hỏi, có một điểm, đó là CHÚNG TA LÀ NHỮNG CON NGƯỜI - HÀNG NGÀN HÀNG VẠN NGƯỜI DÂN CHÚNG TA HAY CON SÂU CÁI KIẾN - NHƯNG BẢN THÂN CHÚNG TA RẤT KHÔNG CÓ TRÍ NHỚ!
Ký ức cá nhân của chúng ta đã bị khoanh vùng, thay thế và xóa bỏ rồi!
Chúng ta thảy đều bị người ta cho ghi nhớ cái gì thì nhớ cái ấy, bắt quên cái gì thì quên cái ấy, bắt im lặng thì im lặng, cho hát ca thì hát ca.
Ký ức cá nhân đã trở thành công cụ của thời đại, còn ký ức của tập thể và quốc gia thì trở thành nơi phụ trách và phân phối cho cái quên hay cái nhớ của mỗi cá nhân.
Thử nghĩ một chút, chúng ta sẽ không thảo luận về những chuyện lịch sử đã được thay đổi nhan đề và áo bìa nữa, mà chỉ cần nói đến những chuyện trong hai chục năm gần đây nhất, và những tai họa gần như toàn quốc mà những bạn trẻ 8X, 9X giống như các bạn đều trải qua và nhớ được: bệnh AIDS, dịch SARS và dịch viêm phổi do virút corona chủng mới này. Rốt cuộc chúng là những tai nạn nhân họa, hay là kiếp nạn do ông trời gây ra mà con người khó có thể cưỡng lại như động đất ở Đường Sơn, Vấn Xuyên?
Trong những tai họa toàn quốc ở điều thứ nhất, yếu tố nhân tạo vì sao lại giống nhau tựa hồ cùng một khuôn đúc ra như thế?
Đặc biệt là sự hoành hành và lây lan của dịch SARS xảy ra 17 năm trước và dịch viêm phổi do virút corona chủng mới hôm nay, NÓ GIỐNG HỆT NHƯ CÙNG MỘT VỊ ĐẠO DIỄN ĐEM CÙNG MỘT VỞ BI KỊCH LẠI MỘT LẦN NỮA SOẠN LẠI VÀ TRÌNH DIỄN.
Là những con người nhỏ bé như một hạt cát, chúng ta đã chẳng những không thể truy vấn vị đạo diễn ấy là ai, mà cũng không có tri thức chuyên ngành để suy tưởng, cấu tứ và sáng tác hoàn nguyên lại kịch bản.
Vậy khi chúng ta lại một lần nữa đứng trước vở kịch sống chết đang soạn lại, ít nhất chúng ta có thể thử hỏi ký ức còn lưu lại về vở diễn bi thương lần trước của chúng ta đã đi đâu cả rồi? Trí nhớ của chúng ta đã bị ai xóa đi, moi đi mất rồi?!
……….

Người không có trí nhớ, về bản chất mà nói, chỉ là đất trên đường đi, trên đồng nội. Một cái giày da muốn giẫm chúng ta thành ra hình dạng thế nào, thì ấy là do hoa văn khắc trên đế cái giày da ấy quyết định.
Người không có ký ức, về bản chất mà nói, chỉ là một khúc gỗ hay tấm ván đã bị cắt đứt khỏi sinh mệnh trước kia của mình, tương lai chúng sẽ thành một đồ vật với hình dáng thế nào là do lưỡi búa và cái cưa quyết định.

………..

Đối với chúng ta mà nói - đối với những người vì say mê viết lách mà khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa, những người cả đời phải sống dựa vào những con chữ chúng ta, nếu như ngay chúng ta cũng đều vứt bỏ ký ức và trí nhớ đến từ máu và sinh mệnh của chúng ta, thuộc về cá nhân chúng ta, như vậy thì sáng tác rốt cuộc còn có ý nghĩa gì đây?
Văn học còn có giá trị gì đây?
Xã hội này của chúng ta còn cần nhà văn làm gì?
Dẫu có viết lách không ngừng, nỗ lực phấn đấu, trước tác đầy mình thì bạn với con rối gỗ bị người giật dây, điều khiển cũng có khác gì nhau đâu?
Nhà báo không viết những gì anh ta chính mắt trông thấy; nhà văn không viết về ký ức cá nhân, những cảm nhận của riêng mình; giữa dư luận của xã hội, những người có thể nói và biết nói, chỉ luôn dùng giọng điệu trữ tình chính thống đơn thuần của quốc gia để nói, để đọc, để hô hào, thì còn có ai có thể nói cho chúng ta biết được sống trên thế giới này, làm một cá thể chân thực chân tướng, và tồn tại với sinh mệnh đầy đủ máu thịt là gì?
Thử nghĩ một chút xem, VŨ HÁN NGÀY HÔM NAY NẾU NHƯ KHÔNG CÓ SỰ TỒN TẠI VÀ GHI CHÉP CỦA NHÀ VĂN PHƯƠNG PHƯƠNG, không có Phương Phương dùng văn tự để viết lại những ký ức và cảm nhận của cá nhân cô ấy, KHÔNG CÓ HÀNG NGÀN HÀNG VẠN NHỮNG NGƯỜI GIỐNG NHƯ PHƯƠNG PHƯƠNG, QUA CHIẾC ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG TRUYỀN TỚI CHO CHÚNG TA NHỮNG TIẾNG KÊU CỨU, NHỮNG TIẾNG GÀO KHÓC SỐNG CHẾT, THÌ CHÚNG TA SẼ NGHE THẤY NHỮNG GÌ ĐÂY, SẼ NHÌN THẤY NHỮNG GÌ ĐÂY?
Trong dòng thác lũ to lớn của thời đại, ký ức của cá nhân thường bị coi là những bong bóng, bọt nước, và tiếng ồn ào thừa thãi của thời đại, sẽ bị thời đại cắt bỏ, ném đi hay vứt sang một bên, khiến cho nó trở nên im lặng, không lời, giống như trước nay nó chưa từng tồn tại, vì vậy mà khi một thời đại giống như một cái guồng nước quay qua thì một sự lãng quên to lớn đã đến rồi.
Máu thịt có linh hồn đã không còn nữa rồi. Tất cả đều đã bình an và tĩnh lặng rồi.
Một điểm tựa có thể nâng cả địa cầu, nhỏ nhưng có sự chân thực của nhỏ, không còn nữa rồi!
Như vậy là lịch sử sẽ trở thành một truyền thuyết không căn không cứ, lãng quên và tưởng tượng.
Từ góc độ này mà nói, VIỆC CHÚNG TA LUÔN CÓ TRÍ NHỚ, SẴN CÓ MỘT KÝ ỨC CÁ NHÂN KHÔNG BỊ THAY ĐỔI, MÀI MÒN, MỚI LÀ MỘT VIỆC QUAN TRỌNG THẾ NÀO, LÀ SỰ CHÂN THỰC VÀ CHỨNG CỨ THẤP NHẤT ĐỂ NÓI MỘT CHÚT SỰ THỰC…
Nếu một ngày, ngay cả chúng ta cũng không còn chút ký ức và chân thực đáng thương ấy thì trên thế giới này, rốt cuộc có còn sự thực và chân tướng của cá nhân và lịch sử nữa hay không?
Nói thật rằng, trí nhớ và ký ức vốn có của chúng ta dẫu cho không thể thay đổi thế giới và hiện thực nhưng chí ít khi đối diện với sự thật được thống nhất, khoanh vùng, chúng ta cũng sẽ thầm nhủ trong lòng mình rằng: “Sự tình không phải như thế này!”. Chí ít khi bước ngoặt của dịch bệnh viêm phổi do virút corona chủng mới thực sự đã đến, trong tiếng trống chiêng ầm ĩ chúc mừng thắng lợi, chúng ta còn có thể nghe thấy, nhớ được những tiếng than khóc kêu gào bên lề của những cá nhân, gia đình.
Ký ức cá nhân không thể thay đổi thế giới, nhưng nó có thể khiến chúng ta có được một nội tâm chân thực.
Ký ức cá nhân không nhất định có thể trở thành sức mạnh thay đổi hiện thực, nhưng khi bắt gặp những lời dối trá chí ít nó có thể giúp chúng ta đặt một dấu hỏi trong lòng mình.
Chí ít là, một ngày nào đó lại có thời đại của đại nhảy vọt, đại luyện gang thép, thì chúng ta tin rằng cát không thể luyện thành thép được, sản lượng một mẫu không thể đạt được một vạn cân, là những hiểu biết thường thức cơ bản nhất của thường thức, chứ không hề có kỳ tích ý thức sáng tạo vật chất, không khí sản xuất ra lương thực đâu. Cũng chí ít là, một ngày nào đó lại có một cuộc cách mạng giống như “mười năm kiếp nạn ấy” thì chúng ta có thể đảm bảo rằng sẽ không đem cha mẹ mình tống vào nhà tù hay lên đoạn đầu đài.
Các bạn thân mến, chúng ta đều là học sinh văn khoa, chúng ta có thể cả đời đều phải dựa vào ngôn ngữ để giao lưu với hiện thực và ký ức.
Nói về ký ức, chúng ta không nói những câu như ký ức của hàng ngàn hàng vạn cá nhân, cũng chính là ký ức của tập thể, ký ức của quốc gia, ký ức của dân tộc, bởi vì trong lịch sử của chúng ta, ký ức quốc gia, ký ức tập thể luôn luôn che đậy, thay đổi trí nhớ và ký ức cá nhân của chúng ta.
Vào hôm nay, lúc này đây, khi bệnh dịch vẫn còn rất lâu mới ngưng kết thành ký ức, nhưng bên cạnh, xung quanh chúng ta, đều đã bắt đầu vang lên những tiếng trống chiêng ca tụng thánh minh, vui mừng khánh chúc rồi. Chính vì một điểm này, tôi hi vọng các bạn, hi vọng chúng ta - những người đã trải qua kiếp nạn dịch bệnh viêm phổi do virút corona chủng mới, từ việc trải qua kiếp nạn này đều có thể trở thành những người luôn có trí nhớ, những người có thể khiến trí nhớ sản sinh ra ký ức.
Trong thời gian không lâu nữa, có thể dự đoán trước được, khi tiếng chiêng trống vang trời, thơ văn tới tấp, bắt đầu vang trời dậy đất ca tụng thắng lợi của cuộc chiến đấu đánh thắng bệnh viêm phổi do virút corona chủng mới, hi vọng mọi người chúng ta không phải là những người sáng tác sáo rỗng ấy, mà chỉ cần là một người có được ký ức cá nhân chân thực.
Khi màn diễn xuất hoành tráng che trời rợp đất diễn ra, hi vọng chúng ta không phải là những diễn viên hay người đọc tấu trên sân khấu, không phải là người vỗ tay cho màn diễn ấy, mà là một người yếu đuối bất lực, đứng cách xa nhất sân khấu ấy, lặng lẽ xem trò diễn mà mắt tràn lệ nóng.
Tài hoa, dũng khí và tâm lực của chúng ta, nếu như không thể khiến chúng ta trở thành một người viết như Phương Phương thì chí ít trong đám đông đang nghi kỵ, chê cười Phương Phương, không được có hình bóng và tiếng nói của mình.
Trong đời thịnh trị êm đềm mà cuối cùng sẽ phải quay về, phải đến ấy, trong tiếng hát ca mênh mang như đại dương, đối diện với căn nguyên và sự lan tràn của dịch bệnh này, NẾU CHÚNG TA KHÔNG THỂ ĐEM CÂU HỎI NGHI VẤN NÓI TO LÊN THÌ NHỎ LỜI THAN THỞ CŨNG LÀ LƯƠNG TRI VÀ DŨNG KHÍ.
Đứng sau trại tập trung Auschwitz (trại tập trung của Đức Quốc xã ở Ba Lan - ND) làm thơ là dã man, nhưng nếu lại không nói không rằng và lãng quên thì chẳng những là dã man, mà còn càng dã man, đáng sợ hơn vậy.
KHÔNG THỂ LÀM MỘT NGƯỜI THỔI CÒI NHƯ LÝ VĂN LƯỢNG THÌ HÃY ĐỂ CHÚNG TA LÀM MỘT NGƯỜI NGHE THẤY TIẾNG CÒI.
KHÔNG THỂ NÓI LỚN THÌ LÀM MỘT NGƯỜI NÓI THẦM, KHÔNG THỂ LÀM MỘT NGƯỜI NÓI THẦM THÌ LÀM MỘT NGƯỜI IM LẶNG CÓ TRÍ NHỚ VÀ KÝ ỨC.
Trong dàn hợp xướng muôn người ca ngợi cuộc chiến tranh thắng lợi trước phát sinh, hoành hành và tràn lan của dịch bệnh lần này sắp diễn ra này, hãy để chúng ta lặng lẽ đứng sang một bên, trở thành một người mang mộ phần trong tim, một người có trí nhớ in sâu, một người có thể trong một ngày nào đó đem trí nhớ ấy sinh ra ký ức cá nhân và trao nó lại cho những người đi sau mình. ■

Châu Hải Đường (dịch)




..........