BINH
ĐOÀN "NGŨ MAO ĐẢNG"
Lực lượng gọi là “dư luận viên” đang được
sử dụng là một phiên bản copy từ Trung Quốc. Cách đây bốn năm, tôi có làm bài
này, xin post lại.
Đâu chỉ sử dụng lực lượng tin tặc đánh phá
Gmail hay đột nhập các tập đoàn quốc phòng Mỹ để thò tay ăn cắp thông tin,
Trung Quốc còn sử dụng một lực lượng trên mạng chuyên “ném đá” đả kích các mục
tiêu liên quan chính trị hoặc nhằm bênh vực chính sách chính phủ theo từng đơn
đặt hàng cụ thể. Loạt “đá” ném tới tấp mịt mù trên mạng vài ngày qua nhằm vào
Việt Nam lẫn Philippines trong vụ xung đột biển Đông đang diễn ra là trò khẩu
chiến mới nhất liên quan lực lượng này, được biết dưới những cái tên như “Ngũ Mao
đảng” (五毛党), Võng lạc bình luận
viên (网络评论员), Võng bình viên (网评猿), Hồng mã giáp (红马甲), hay Võng lạc duyệt bình viên (网络阅评员)...
Những tay bút chiến chuyên nghiệp
Bằng thủ thuật viết blog và lập diễn đàn
trực tuyến, “Ngũ Mao đảng” đang là thành phần đắc dụng cho các cuộc khẩu chiến
bênh vực đường lối của Trung Quốc, từ trung ương xuống địa phương. “Ngũ Mao
đảng” hiện qui tụ “ít nhất hàng chục ngàn người” – theo blogger nổi tiếng Trung
Quốc Lê Minh (1), hoặc thậm chí khoảng 300.000 người (2). Hầu hết bọn chúng là
sinh viên học sinh, thành thục kỹ năng lướt web cũng như kỹ thuật sử dụng ngôn
từ “chửi bới” và kích động tuyên truyền một chiều. Chuyên gia về Internet Trung
Quốc, Renaud de Spens, cho biết lực lượng này đa dạng đến mức hiện có cả sự
tham gia của viên chức nghỉ hưu, giới chức chính quyền địa phương, nhân viên
công ty nhà nước hoặc thậm chí các bà nội trợ! Từ các đơn vị nhỏ tại những công
ty nhà nước đến cấp quận, cấp tỉnh và cấp thành đều có bóng dáng “Ngũ Mao
đảng”, kể từ khi làn sóng viết blog bùng nổ tại Trung Quốc cách đây độ 5 năm,
đóng góp vào làn sóng nhộn nhịp “sinh hoạt dân chủ” trên cộng đồng mạng với
tinh thần quyết liệt ủng hộ chính sách nhà nước, đặc biệt các chính sách gây
tranh cãi như giải tỏa đền bù (đối nội) hay các vấn đề khoác áo chủ quyền quốc
gia (đối ngoại). Danh tiếng lực lượng tuyên truyền “Ngũ Mao đảng” ngày càng lan
truyền rộng rãi. Tháng 3-2011, tổng thư ký tổ chức Ân xá Quốc tế Salil Shetty
nói rằng, Trung Quốc (cùng Iran) đang đầu tư “nguồn lực đáng kể cho các trang
blog ủng hộ chính phủ nước họ”.
Tại sao gọi là “Ngũ Mao đảng”? Thuật từ này
xuất phát từ việc chúng (thoạt đầu) được trả “ngũ mao” (0,5 nhân dân tệ) cho
một bài blog giúp tuyên truyền ủng hộ nghị sự chính phủ trung ương hay chính
quyền địa phương. Thật ra người ta có thể thấy quan điểm thật sự chính phủ
Trung Quốc như thế nào trong các vấn đề chính trị thế giới qua “chính kiến”
được “Ngũ Mao đảng” bày tỏ (dùm), như trong vụ NATO xử rắn Libya, vụ Mỹ khử
trùm khủng bố Bin Laden, vụ Trung Quốc ngang ngược lấn chiếm biển Đông, hoặc
việc bốc thơm tận mây xanh sức mạnh quân sự Trung Quốc… Lực lượng hùng hậu “Ngũ
Mao đảng” đã “được trả tiền dựa vào số bài bình luận đưa lên mạng và có thể
được thưởng thêm nếu bài viết được xếp hạng cao với tỉ lệ nhiều người đọc” –
theo blogger Lê Minh.
Trung Quốc chẳng hề thấy có gì xấu hổ khi
đề cập thẳng lực lượng “Ngũ Mao đảng”. Trong bài viết trên tờ báo Trung Quốc
Global Times (3), tác giả Trương Lỗi (Zhang Lei) đã cung cấp nhiều chi tiết về
thành phần “khua môi, múa… bút” này. Theo họ Trương, chính quyền tỉnh Cam Túc
từng tuyển mộ một nhóm gồm 650 “bình luận viên Internet” để định hướng dư luận.
Dẫn lời một chuyên gia truyền thông tên tuổi với 20 năm kinh nghiệm, tác giả
Trương cho biết, các website chính phủ cũng sử dụng lực lượng “võng bình viên”
(bình luận viên trên mạng) để thực hiện cuộc chiến làm nhiễu thông tin đối với
nhiều vấn đề đụng chạm đến “lợi ích cốt lõi” chẳng hạn việc Mỹ bán vũ khí cho
Đài Loan. Thậm chí một số trường chẳng hạn Đại học sư phạm Sơn Tây cũng sử dụng
lực lượng “Ngũ Mao đảng”, để không chỉ viết bài ủng hộ quan điểm nhà nước mà
còn lập báo cáo “theo dõi hoạt động mạng” gửi về chính quyền địa phương (4).
Tiếng nói Internet rõ ràng là có trọng
lượng nhất định và giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn thấy lợi ích của việc sử
dụng diễn đàn trực tuyến như một kênh thông tin bán chính thống. Năm 2005, Lưu
Chính Vinh, giám đốc Cơ quan quản lý Internet thuộc Phòng thông tin Quốc vụ
viện, nói rằng các cuộc tranh luận trực tuyến ngày càng có ảnh hưởng sâu mạnh
đối với quan điểm công chúng, với sức lan tỏa hơn hẳn báo chí truyền thống lẫn
radio và truyền hình. Thế là người ta tận dụng tối đa sức mạnh của thế giới ảo,
theo tinh thần của chủ trương từng được lãnh đạo Đảng đề ra: “Kiện khang hướng
thượng, phong phú sinh động đích chủ lưu dư luận” (健康向上、丰富生动的主流舆论 - Tạo ra dư luận công chúng một cách sống động và lành
mạnh).
Nhiều địa phương Trung Quốc bắt đầu triển
khai công tác xây dựng lực lượng “Ngũ Mao đảng”. Tháng 4-2005, chính quyền thị
trấn Tú Thiên (Giang Tô) đã mướn 26 tay bút chiến chuyên nghiệp (ứng cử viên
hợp lệ được yêu cầu phải có “Đảng tính” cao và khả năng diễn đạt sắc bén). Năm
2004, đảng ủy thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) cũng thuê một nhóm “võng lạc
bình luận viên” với lương cơ bản 600 tệ/tháng, cộng thêm nửa đồng nhân dân tệ
(khoảng 7 xu USD) cho mỗi bài được đưa lên mạng. Mức “nhuận bút” chẳng phải quá
cao nhưng không hề bèo bọt đã khiến bà con rủ nhau đăng ký tham gia nhiệt tình
vào binh đoàn “Ngũ Mao đảng”. Cho nên, gần đây, một số “ban biên tập” đã phải hạ
giá: trên website Hành Dương đảng kiến (Hengyang Dangjian), một “cáo thị” mới
cho biết một bài viết bây giờ chỉ còn được trả 0,1 tệ và không hơn 100 tệ/tháng
cho lương cơ bản…
“Dư luận dẫn đạo công tác” (舆论引导工作)
Cũng theo Trương Lỗi (Global Times), một tay
cựu “võng bình viên” tên Bắc Phong cho biết, thành phần “Ngũ Mao đảng” hoặc làm
việc toàn thời gian cho các website nhà nước chẳng hạn xinhuanet.com,people.com.cn hay southcn.com; hoặc làm bán thời gian cho
các cơ quan-tổ chức nhà nước trong đó có các bộ và viện nghiên cứu… “Hiện có
khoảng 20 “võng bình viên” làm việc toàn thời gian cho chính quyền Quảng Đông.
Chúng thường viết 2-4 bài/tuần” – Bắc Phong nói. Nếu các cơ quan thông tin địa
phương đăng bài của chúng, chúng được trả 40 tệ/bài (độ dài trung bình 500 từ).
Giá “nhuận bút” có thể lên đến 200 tệ nếu được đăng trên các website thuộc
chính phủ trung ương. Trương Lỗi nói rõ rằng, bọn “võng bình viên” chuyên
nghiệp tại Trường Sa đã được đào tạo chính qui hẳn hòi, bởi rednet.cn (diễn đàn
thuộc quản lý của Cơ quan tuyên truyền đảng ủy Hồ Nam).
Chúng được dạy cách thể hiện ý tưởng bài
viết, cách liên lạc với nhau để tổ chức chiến dịch đánh “bề hội đồng” và cách
cùng nhau vỗ… bàn phím rào rào cổ súy một nghị sự nhà nước. Vài ngày trước Quốc
khánh Trung Quốc 2008 chẳng hạn, 20 “võng bình viên” tại Hành Dương (Hồ Nam) đã
nhận được chỉ thị khẩn cấp viết 1.000 bài ca ngợi ân đức như trời cao biển rộng
của các vị “nô bộc” nhân dân tại địa phương cũng như những thành tích sáng láng
mang lại cơm no áo ấm cho đồng bào. Chỉ thị cũng nêu rõ “anh em” phải chuẩn bị
tinh thần sẵn sàng “ném đá” thẳng tay vào những ý kiến tiêu cực xuất hiện thời
điểm trên. Chúng được khuyến khích viết càng nhiều càng tốt và ký càng nhiều tên
khác nhau càng hay, để làn sóng “sinh hoạt dân chủ” có thêm không khí xôm tụ và
hào hứng. Chúng thậm chí được cấp một cẩm nang hướng dẫn những gì cần và những
gì không nên trong việc viết bài định hướng hoặc lèo lái dư luận.
Trong nhiều vụ, binh đoàn “Ngũ Mao đảng”
thường được trưng dụng để kích dư luận mạnh lên hay làm dịu xuống, tùy trường
hợp cụ thể. Vấn đề tích cực thì “nâng” trong khi vụ việc tiêu cực thì “dìm”,
chẳng hạn trường hợp “võng bình viên” được triệu tập khẩn cấp viết bài làm dịu
bớt sự phẫn nộ công chúng liên quan những vụ lạm quyền của công an thị trấn
Tiêu Tác thuộc tỉnh Hà Nam (5). Sức mạnh “Ngũ Mao đảng” rõ ràng không thể xem
thường. Và lực lượng “võng bình viên” hiện vẫn là công cụ đắc dụng trong cuộc
chiến “PR” cho chính quyền Trung Quốc đối với các vấn đề đường lối chính sách.
Ngày 16-3-2011, Cơ quan quản lý-giám sát nguồn vốn nhà nước Sơn Tây ra thông
cáo (6), cho biết họ sẽ thực hiện một chiến dịch gọi là “Võng lạc Hồng thiếu
sinh” (Internet Red Scout) nhằm bảo vệ uy tín chính quyền, với hỗ trợ của Đoàn
thanh niên. “Chiến dịch sẽ bắt đầu từ ngày 31-3-2011” – thông báo cho biết, và
mỗi tình nguyện viên tham gia phải tung lên mạng tối thiểu một bài mỗi tuần…
Tuy nhiên, có lẽ thấy… mắc cỡ trước việc
phải cậy đến lực lượng “lính đánh thuê trên mạng” để “đấm đá” trợ lực cho các
chính sách Trung Quốc, cây bút “chính luận sắc sảo” với kỹ năng “mồm loa, mép
giải” tên tuổi vang lừng Lý Hồng Mai, người từng “thành thật khuyên Việt Nam”
không nên “chơi với lửa” khi “quốc tế hóa vấn đề biển Đông” và Việt Nam “nên
cần được dạy một bài học” (trên Nhân Dân nhật báo 17-8-2010), đã phải thừa nhận
rằng, việc sử dụng “Ngũ Mao đảng” chỉ làm ảnh hưởng hình ảnh Trung Quốc, trong
khi nước này bây giờ “có đủ can đảm để thể hiện chính mình như vốn có của nó”.
Với “sự tự tin và sức mạnh tăng dần” như hiện nay của Trung Quốc, “bình luận
gia” Lý cho rằng người dân Trung Quốc sẽ cứng cáp hơn để khỏi phải được nuốt
những “viên đạn bọc đường” và rồi “Ngũ Mao đảng” cuối cùng sẽ tự thân rã đám
(7). Chính xác là như vậy! Một siêu cường với tư cách chững chạc sắp qua mặt
Nhật về kinh tế và gần ngang ngửa Mỹ về quân sự như Trung Quốc đâu cần phải
dùng đến bọn bồi bút rẻ rúng 50 xu như thế!
///////////
(1) China pays internet
users to flood web forums with pro-government propaganda, AFP (16-5-2011)
(2) China's Fifty Cent Party for Internet Propaganda, Usha Haley,Huffingtonpost.com (4-10-2010)
(3) Invisible footprints of online commentators, Zhang Lei, Global Times (4-2-2010)
(4) China’s Guerrilla War for the Web, David Bandurski, Far Eastern Economic Review (7-2008)
(5) Chinese Bloggers on the History and Influence of the “Fifty Cent Party”, China Digital Times (15-5-2008)
(6) Shanxi Government to Launch "Internet Red Scout" Campaign to Rebut Criticism of the Party, China News Service (16-3-2011)
(7) Let go of "WuMaoDang" and "50-cent Party", Li Hongmei, English.people.com.cn (23-5-2011)
(2) China's Fifty Cent Party for Internet Propaganda, Usha Haley,Huffingtonpost.com (4-10-2010)
(3) Invisible footprints of online commentators, Zhang Lei, Global Times (4-2-2010)
(4) China’s Guerrilla War for the Web, David Bandurski, Far Eastern Economic Review (7-2008)
(5) Chinese Bloggers on the History and Influence of the “Fifty Cent Party”, China Digital Times (15-5-2008)
(6) Shanxi Government to Launch "Internet Red Scout" Campaign to Rebut Criticism of the Party, China News Service (16-3-2011)
(7) Let go of "WuMaoDang" and "50-cent Party", Li Hongmei, English.people.com.cn (23-5-2011)
.........../.