Tản mạn chuyện lang tỳ, lang phế, lang băm...

450PX-~1.JPG
Tượng Cụ Lang Nguyễn Sinh Sắc trong khu lăng mộ cụ ở TP Cao Lãnh - Nguồn: //vi.wikipedia.org/
Những ai đã đọc Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng thì đều biết lang tỳ lang phế là ai rồi. Họ đều là những vị thầy thuốc (thầy lang - Đông y) có những biệt tài, bí quyết (gia truyền) riêng. Do không ai phục tài của ai, nên luôn tranh giành hơn thua, sinh cãi vã, chê bai nhau... khiến thiên hạ đàm tiếu. Còn "lang băm" thường ám chỉ những người không có bằng cấp gì về ngành y. Nhưng cũng tham gia việc chữa bệnh cứu người, như ông già Ozon chẳng hạn. Xa hơn, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi bị cách chức (quan tri huyện vì can trọng tội đánh chết người), do gỉỏi chữ nho (đọc được sách thuốc), cụ vào Nam Bộ làm thầy thuốc (lang y) giúp dân nghèo, sống thanh bạch cho đến lúc qua đời... (*). Nhưng có nhẽ chẳng ai nỡ gọi cụ Sinh Sắc là "lang băm" vì đã có công sinh ra vị "cha già dân tộc", cho dù về bản chất, dù trí thức khoa bảng mà không có bằng cấp chứng chỉ ngành y, nên vẫn chỉ là "lang băm" giống như ông già Ozon mà thôi.
Như bài trước (703-Độc quyền cả chuyện sống chết của người bệnh) đã nói, cái tội yêu nước yêu người (bệnh) chưa đúng (định) hướng đúng cách của TS Nguyễn Văn Khải, đã bị Bộ Y tế truất quyền chữa bệnh ở Bệnh viên Đa khoa Ninh Thuận, cho dù ông được lãnh đạo tỉnh mời. Nay thấy tác giả Lê Xuân đưa tin trên báo Thanh Niên: Viện Pasteur Nha Trang bác bỏ cách chữa bệnh của TS Khải, xin đưa nguyên văn như sau:
"Hôm qua 18.11, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận đã họp bàn về phương pháp chữa bệnh tay chân miệng (TCM) bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa (Anolyte và Catolyte) của TS vật lý Nguyễn Văn Khải.
Tại cuộc họp, TS Viên Quang Mai - Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho rằng, phương pháp chữa bệnh này phản khoa học và trên thế giới chưa có tài liệu nào chứng minh dung dịch Anolyte có thể chữa bệnh TCM. Theo một số tài liệu khoa học, nếu đưa dung dịch Anolyte vào cơ thể sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, về lâu dài có thể dẫn đến ung thư. Dùng bôi ngoài da thì dung dịch Anolyte có tác dụng như ô xy già là sát khuẩn, chứ không có tác dụng chữa bệnh TCM như TS Khải nói. Viện đề nghị Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận dừng ngay phương pháp chữa bệnh của TS Khải, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị bệnh TCM của Bộ Y tế." (**)
tien%20-%20sy%20-%20N%20-%20V%20-%20Khai_copy.jpg
Cụ "lang băm" - "ông già Ozon" - TS Nguyễn Văn Khải - Nguồn: GDVN
Thiết nghĩ đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi không ưa thì dưa hóa dòi. Chả bao giờ các đấng thầy thuốc có mác mỏ chính thống lại chấp nhận cho những kẻ ngoại đạo vào đá chén cơm của mình một cách dễ ràng như vậy được. Cho dù trong thực tiễn cuộc sống có rất nhiều "lang băm" đã trị bệnh cứu người một cách rất thành công. Xin kể về trường hợp cụ lương y ("lang băm") Nguyễn Tham Tán mà tôi có quen biết hồi cuối thập niên 80s!
Theo chân Lại Văn Sinh, tôi có tới làm việc với Vụ Y học dân tộc - Bộ Y tế. Gặp giáo sư Nhạc (Vụ trưởng), ông kể, cụ Lang Tán vốn tham gia Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái học ở Yên Bái, bị khủng bố phải chạy trốn về vùng Thanh Thuỷ, Vĩnh Phú ẩn náu. Ông được một thầy lang ở Thanh Thuỷ cưu mang, sau đó gả cô con gái rượu cho và truyền nghề bốc thuốc Nam gia truyền cho cả hai vợ chồng. Ban đầu chỉ là một anh giúp việc đơn giản như phơi, sao, băm, thái... thuốc Nam, cụ Tán nghiên cứu tìm ra một phương pháp mới "Chẩn trị bệnh bằng tác động cột sống" - còn gọi là Trung Y - chữa bệnh không (hay ít) dùng thuốc. Cụ Lang Tán đã chữa khỏi được rất nhiều bệnh như suy tuỷ; thần kinh tọa; áp huyết thấp; đau dạ dày (do Stress); đau đầu (tiền đình); sa dạ con; tim mạch, chứng mất ngủ... Những bệnh nhân được cụ điều trị thường đã qua nhiều cơ sở Đông, Tây y rồi mà không có kết qủa. Bệnh nhân được cụ chữa khỏi cùng đinh có. Nhưng cũng có rất nhiều người có máu mặt như bà Thu An (nguyên Đại tá, cán bộ Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Công An); Nhạc sỹ Ngọc Tấn (Hội Nhạc sỹ VN); vợ chồng bác sỹ Hải+Ngọc (bác sỹ Hải làm ở Bộ Y tế - ông Ngọc là con nuôi của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng)... Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân có thế lực đã thỉnh cả hai vợ chồng cụ Tán về sống ở Hà Nội. Được nhà nước cấp cho một căn hộ trung cư tầng trệt ở khu D - Khu tập thể Trung Tự (tiêu chuẩn bao cấp cho Cục, Vụ trưởng). Nhưng dưới con mắt của nhiều thầy thuốc cả Đông và Tây y mà tôi có dịp trao đổi thì họ đều coi cụ là "lang băm" không hơn không kém. Bởi cách chữa trị của cụ lang Tán và các học trò chủ yếu thuộc về kinh nghiệm chủ nghiã. Chỉ dùng bàn tay rờ trên các đốt của cột sống... để chẩn trị bệnh qua nhận biết từ các thay đổi (rối loạn) thân nhiệt trên các vùng da bên ngoài của các đốt sống... như vậy rất khó mà cân đong đo đếm, đúc kết thành bài bản (lý thuyết) hoàn chỉnh được.
Trong thực tiễn cuộc sống thì có nhiều trường hợp thật oái oăm. Như cùng căn bệnh, cùng áp dụng một phác đồ điều trị như nhau nhưng có người thì khỏi, người không. Cùng một người bệnh, cùng toa thuốc gia giảm như nhau ở tay thầy thuốc này thì khỏi mà tay người khác thì không. Bởi vậy mới có từ "mát tay". Hoặc câu "gặp thầy gặp thuốc" là để chỉ những điều khó lý giải đó. Như trường hợp bà Thu An mà tôi đã nhắc ở trên, tôi đã tới tận nhà bà tại ngôi biệt thự bên Hồ Thuyền Quang (Hà Nội) để tìm hiểu, bà bị bệnh phù tim, là cán bộ cao cấp (chồng bà là Thiếu tướng Ngô Du - nguyên Thứ trưởng Bộ CA), đã được nhà nước đưa đi chữa bệnh ở CHDC Đức (Đông Đức cũ) mà bệnh không khỏi. Chưa đến tuổi về hưu mà bà phải tạm nghỉ việc vì bà không thể leo lên thang gác nơi bà đang làm việc được. Vào tay cụ Lang Tán, chỉ sau vài tháng day (tác động) trên cột sống, tim bà đã dần bớt phù nề, tay chân đỡ nặng do không còn tích nước... sau 6 tháng thì bà đã khoẻ hẳn, đi lại nhanh nhẹn và có thể tới cơ quan làm việc trở lại cho tới lúc về hưu. Trường hợp bệnh sa dạ con của bác sỹ (Tây y) - bà Hải làm việc ở Bộ Y tế cũng vậy, vợ chồng bà lấy nhau cả chục năm mà không có con. Trong lúc cả Tây lẫn Đông y (lúc bấy giờ) đều bó tay, vợ chồng bà mới tìm đến hai cụ Lang Tán... và đứa con gái đầu lòng đã được chào đời sau hơn 1 năm chữa bệnh bằng "tác động cột sống".
Người đang viết những dòng này cũng có chút kỷ niệm nho nhỏ với bàn tay thần diệu của cụ Tán. Chả là vào mùa Đông năm 1990, trong một lần đi làm đêm về nhà, xe máy của tôi sa xuống một cái rãnh sâu (mới đào) gần nhà, bị bất ngờ, tôi như cây chuối đổ gục xuống một cái rễ cây (củi) xà cừ chổng ngược của nhà hàng xóm làm mạng sườn ngực trái tím bầm, tụ máu. May có chú em mang mật gấu tới xoa bóp kịp thời nên chỉ 3 ngày sau là khỏi được vết bầm. Song ngực trái của tôi cứ như có một sợi dây mây vô hình bó, lúc chặt lúc lỏng, rất khó chịu. Tôi phải vào bệnh viện Saint Paul (Xanh Pôn) chụp, chiếu điện kiểm tra. Kết quả không phát hiện ra bất cứ một tổn thương nào. Tôi tìm đến cụ Lang Tán ở Trung Tự, chỉ sau dăm phút day cột sống phía sau, "sợi dây mây" vô hình như được tháo gỡ. Nhưng cụ Tán nói, chưa khỏi ngay được đâu, ngày mai hay ngày kia, lúc nào thấy xuất hiện "sợi dây" bó ngực... thì anh lại đến đây!.... Sau một tuần tới nhà cụ Tán như vậy, mọi chuyện mới hoàn toàn bình phục. Mừng qúa, gặp đạo diễn Huy Thành ở Hội Điện ảnh (từ Sài Gòn ra công tác), ông nói ông thỉnh thoảng bị đau buốt như có kim cắm ở bắp chân mà không tìm ra bệnh gì. Tôi dẫn anh Thành tới cụ Tán chữa vài lần... nhưng không thấy kết qủa. Cho dù cụ vẫn khẳng định, nếu chữa một cách "trường kỳ" thì vẫn có hy vọng. Nhưng có phải ai cũng có thời gian để theo thầy để chữa một chứng bệnh nhỏ một cách kỳ khu như thế.
P1070110.JPG
Cụ Lang Nguyễn Tham Tán và Gocomay (Ảnh chụp tại nhà cụ Tán ở Trung Tự năm 1990)
Trở lại câu chuyện dùng Anolyte chữa bệnh tay chân miệng của ông già Ozon, xin trích ý kiến của một Bác sỹ 'bắt bệnh' câu chuyện TS Khải và bộ Y tế như sau:
"TS Khải tuyên bố có thể chữa khỏi bệnh tay chân miệng và sẵn sàng giúp tỉnh Ninh Thuận giập dịch. Ông Khải đã trực tiếp xuống Bệnh viện Đa khoa của tỉnh để hướng dẫn các gia đình chăm sóc bệnh nhi bị bệnh chân tay miệng. Theo đánh giá của Bác sĩ Trần Phúc, Giám đốc bệnh viện, các triệu chứng ngoài da của các cháu dùng phương pháp điều trị này đều có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, theo ông Phúc: "bệnh tay chân miệng không phải chỉ điều trị các triệu chứng ngoài da là khỏi hẳn, bởi các vết lở loét và nổi mẩn chỉ là một trong nhiều triệu chứng của bệnh". Về lý thuyết, những điều BS Phúc nói là hoàn toàn đúng. Biểu hiện ngoài da chỉ là một phần của căn bệnh, chữa khỏi tổn thương da chưa đồng nghĩa với chữa khỏi bệnh
."

Vị bác sỹ công tâm này đã khuyến cáo Hãy hành động thì mới thấy được kết quả. Ông cho rằng: "Như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ nên khoanh tay ngồi nhìn các tổn thương này, chờ cho chúng tự khỏi. Và cũng về lý thuyết, khó có thể nói Anolyte chữa khỏi bệnh chân tay miệng. Nhưng thực tế cho thấy tình trạng sức khỏe nói chung và tổn thương ngoài da nói riêng của nhiều cháu bé tại Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận đã được cải thiện sau vài ngày sử dụng Anolyte.

Cha mẹ các cháu cũng nhất trí với đánh giá này. Như vậy không thể phủ nhận những lợi ích trước mắt mà Anolyte đem lại. Nó giúp cải thiện chất lượng sống của cả người bệnh và gia đình. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để người ta khó có thể thờ ơ với Anolyte! Hãy cùng nhau nhìn về một phía Trong khoa học, để tìm ra chân lý, tranh luận là điều tất yếu.

Nhưng khi mà mỗi ngày biết bao con trẻ vẫn phải đau đớn nơi giường bệnh, biết bao ông bố bà mẹ nơm nớp lo lắng cho mạng sống của con mình, xin khoan hãy nói chuyện ai đúng ai sai. Xin hãy cùng nhau nhìn về một phía, phía người bệnh.... nếu quả thực Anolyte có thể làm được điều mà phác đồ điều trị của Bộ Y tế đến nay chưa làm được, là đẩy nhanh quá trình lành vết thương ở da niêm mạc và cải thiện tình trạng sức khỏe nói chung của bệnh nhi, thì chuyện người dân mong nuốn sớm có được những kết luận khoa học về vấn đề này từ phía ngành y tế là chuyện thật dễ hiểu." (***)
images_copy.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại đã thấy được hiệu quả phương pháp điều trị TCM của TS Khải - Nguồn: //giaoduc.net.vn/
Nay với kết luận của Viện Pasteur Nha Trang bác bỏ thẳng thừng cách chữa bệnh của TS Khải. Chứng tỏ các "lang tỳ", "lang phế" và "lang băm" ở xứ ta vẫn không chịu nhìn về một phía... thì chỉ có người bệnh thấp cổ bé miệng là lãnh đủ. Sự chéo ngoe này do tính bảo thủ? Tự ái nghề nghiệp? Miếng ăn miếng uống? Hay sự độc quyền cả chuyện sống chết của người bệnh?
Trong lúc khẩn trương "cứu người như cứu hoả" này, mấy ai còn nhớ được bài học y đức sáng ngời của BS William Osler, vị thầy thuốc lừng danh người Canada, vốn được coi là "cha đẻ của ngành y tế hiện đại" đã dạy các học trò của mình: "Hãy chữa trị người bệnh, đừng điều trị căn bệnh" (***). Bởi xét trên phương diện căn bệnh, bằng lý thuyết, cụ "lang băm" Nguyễn Tham Tán lấy cơ sở khoa học nào để chứng minh sẽ chữa khỏi bệnh được cho bà An hay bà Hải (khi Tây y đã bó tay) như thượng dẫn? Xa hơn, nếu thời phong kiến thực dân thối nát xưa mà cũng hành tỏi về chuyện bằng cấp chuyên môn như Bộ Y tế của xứ thiên đường mình bây giờ thì cụ "lang băm" Nguyễn Sinh Sắc đâu có cơ hội để được hành nghề (kê đơn bốc thuốc) mà cứu giúp dân nghèo, để được nhân dân ở Cao Lãnh, Đồng Tháp mến mộ và thương tiếc như thế?!
Và câu chuyện lang tỳ, lang phế, lang băm sẽ còn mãi trên đất nước lắm thầy nhiều ma này...
Gocomay

 *) Theo //vi.wikipedia.org/
(**) http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111119/vien-pasteur-nha-trang-bac-bo-cach-chua-benh-cua-ts-khai.aspx
(***) http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Bac-sy-bat-benh-cau-chuyen-TS-Khai-va-bo-Y-te/75260.gd