Thành ngữ thời hiện đại




Thành ngữ thời hiện đại


 

N.V.Ph - Hội Người cao tuổi phường Tân Thành, TP Thái Nguyên

 


 

1 .Dạy con trẻ vạn lời hay, không bằng nửa ngày làm gương, làm mẫu.
2. Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi. Con cái thích vòi mà không biết trả.
3. Dâu, rể tốt cha mẹ được đề cao. Con cái hỗn hào đứt mười khúc ruột.
4. Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời. Bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn.
5. Cha nỡ coi khinh, mẹ dám coi thường. Bước chân ra đường phi trộm thì cướp.
6. Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han. Bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng.
7. Con trai chào trăm câu không bằng nàng dâu một lời thăm hỏi.
8. Khôn đừng cãi người già, chớ có dại mà chửi nhau với trẻ.
9. Gọi cha: ông khốt, gọi mẹ: bà bô. Ăn nói xô bồ thành người vô đạo.
10. Mỗi cây mỗi hoa, đừng trách mẹ cha nghèo tiền nghèo của.
11. Cái gì cũng cho con tất cả, coi chừng ra mả mà cười.
12. Đồng tiền trên nghĩa, trên tình, mái ấm gia đình trở thành mái lạnh.
13. Gian nhà, hòn đất, mất cả anh em. Mái ấm bỗng nhiên trở thành mái nóng.
14. Bố mẹ không có của ăn của để, con rể khinh luôn.
15. Coi khinh bên ngoại, chớ mong có rể hiền.
      Ăn ở mất cả họ hàng, chớ mơ có nàng dâu thảo.
16. Rể quý bố vợ vì có nhà mặt phố.
      Con trai thương bố vì chức vì quyền.
17. Đi với Bụt mặc áo cà sa
      Quen sống bê tha thân tàn ma dại.
18. Ngồi bên bia rượu hàng giờ, dễ hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ.
20. Củi mục khó đun, chồng cùn sống bậy, con cái mất dạy, phí cả một đời.
21 Hay thì ở, dở ra toà, chia của chia nhà, con vào xóm “bụi”.
22. Ngồi cùng thiên hạ, trăm việc khoe hay
      Mẹ ốm bảy ngày không lời thăm hỏi.
23.  Đi có bạn đường chân không biết mỏi, còn có mẹ cha sao không hỏi khi cần.
24. Nói gần nói xa, đừng biến mẹ già thành bà đi ở.
25. Bài hát Tây Tàu hát hay mọi nhẽ
      Lời ru của mẹ chẳng thuộc câu nào.
26. Con trai, con rể bí tỷ say mềm
      Nàng dâu ngồi chơi, mẹ già rửa bát.
27. Khoẻ mạnh mẹ ở với con, đau ốm gầy còm tuỳ nghi di tản.
28. Thắt lưng buộc bụng nhịn đói nuôi con, dâu rể vuông tròn, cuối đời chết rét.
39. Mẹ chết mồ mả chưa yên, anh em xô nhau chia tiền phúng viếng.
30. Khấn Phật, cầu Trời, lễ bái khắp nơi, nhưng quên ngày giỗ Tổ.
31. Vào quán thịt cầy, trăm ngàn coi nhẹ, góp giỗ cha mẹ suy tị từng đồng.
32. Giỗ cha coi nhẹ, nuôi mẹ thì không
      Cả vợ lẫn chồng đi làm từ thiện.
33. Một miếng ngọt bùi khi còn cha mẹ, một miếng bánh đa hơn mười ba mâm báo hiếu.
34. Cha mẹ còn thơm thảo bát canh rau
      Đừng để mai sau xây mồ to, mả đẹp.
35. Ở đời bất thiện, là tại nhàn cư
      Con cháu mới hư đừng cho là hỏng.
36. Bạn bè tri kỷ, nói thẳng nói ngay
      Con cháu chưa hay đừng chê đồ bỏ.
37. Bảy mươi còn phải học bảy mốt
      Mới nhảy vài bước chớ vội khoe tài.
38. Phong bì trao trước, bia bọt uống sau, dâu rể ngồi đâu đố ai mà biết!
39. Tiếp thị vào nhà bẻm mép, cẩn thận cảnh giác, đôi dép không còn.
40. Cầu thủ thế giới tên gọi chi chi, thoáng nhìn tivi đọc như cháo chảy, ông nội ngồi đấy thử hỏi tên gì?

 N.V.Ph - Hội Người cao tuổi phường Tân Thành,
TP Thái Nguyên



........./.

“ PHÊ BÌNH “TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN”-MỘT BẢN TUYÊN NGÔN PHI KHOA HỌC



“ PHÊ BÌNH “TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN”-MỘT BẢN TUYÊN NGÔN PHI KHOA HỌC



TRẦN MẠNH HẢO

Suốt hai năm qua, chúng tôi đã vùi đầu đọc lại ngót 60 cuốn sách dày cộp bộ toàn tập Marx-Engel-Leinne với tâm thế của một nhà nghiên cứu, nhà khoa học, hơn là lối cảm thụ của một nhà văn. Trước hết, chúng tôi xin phê bình cuốn “TUYÊN NGÔN ĐẢNG CỘNG SẢN” là tác phẩm được coi như linh hồn của chủ nghĩa Marx-Engel, in đầu tiên ở Luân Đôn năm 1848. Bản “TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN” của Marx và Engel từ trang 501 đến trang 607 trong tập một, bộ tuyển tập Mác Ăng-Ghen do NXB Sự Thật Hà Nội 1980 được NXB ST dịch từ nguyên bản tiếng Đức ( do Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin trực thuộc Ban Chấp hành trung ương Đảng Xả Hội chủ Nghĩa Thống Nhất Đức xuất bản). Trong bài, chỉ nhắc tên Marx, cũng bao hàm cả tên Engel trong đó !

PHI KHOA HỌC 1 :
XÓA BỎ TƯ HỮU, SỞ HỮU.

Ở trang 559 (Các đoạn trích trong bài tòan là trích ở sách đã dẫn tức : “TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN”), Marx viết : “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản. Nhưng chế độ tư hữu hiện thời, chế độ sở hữu tư sản, lại là biều hiện cuối cùng và hoàn bị nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu dựa trên cơ sở những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia.
Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất này : xóa bỏ chế độ tư hữu…”
Marx, trong biện giải thường ngụy biện và thiếu logic, áp đặt những ý kiến chủ quan của mình lên tất cả các sự vật. Khi ông chủ trương XÓA BỎ CHẾ ĐỘ TƯ HỮU tức là ông đã xóa bỏ chính cá nhân, xóa bỏ chính mỗi con người, xóa bỏ chính ông, xóa bỏ chính gia đình ông, xóa bỏ chính bà vợ Jenny von Westphalen xinh đẹp của ông, xóa bỏ tiền bạc mà ông đang hưởng do tài sản tư bản của gia đình ông cung cầp, do tiền của nhà tư bản Engel cung cấp, xoá bỏ tiếng Đức vì tiếng Đức cũng có tư hữu, tức là danh từ sở hữu, xóa bỏ chính cái xã hội đẻ ra ông và học thuyết của ông, cũng có nghĩa là ông xóa bỏ chính lịch sử bản thân mình và lịch sử xã hội loài người.
XOÁ BỎ TƯ HỮU, MARX và ENGEL xoá bỏ chữ “CỦA”. Chúng ta hãy làm một thử nghiệm trong trường hợp cá nhân ông Marx.
Sáng thức dậy ông bắt đầu xóa sở hữu, xóa tư hữu : sở hữu đầu tiên của Marx là chính bản thân ông ! Con người thân xác ông không phải của ông thì là của ai nào ? ÔNG MARX, trước hết là CỦA ( tư hữu) chính ông Marx, chứ phải nào phải của ông Engel ? Chao ôi, khởi nguồn của tư hữu là trước hết và sau cùng : TÔI LÀ CỦA CHÍNH TÔI CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA AI KHÁC !
XOÁ TƯ HỮU đầu tiên là ông Marx phải xoá chính ông, phủ nhận chính ông, xuống bếp cầm dao lên để tự đâm chết mình mới có thể giải quyết vấn đề “ mình tư hữu thân xác mình”. Nhưng ông Marx đâu dám tự sát vì ông đang đói bụng, đang thèm sở hữu đồ ăn. Ông bèn tìm chiếc chạn gỗ mà ừng ực như sông Ranh tu nước đại dương : sở hữu nửa lít sữa cái đã, xong sở hữu luôn 5 quả trứng gà ốp-la và cái bánh mỳ tổ chảng. Đoạn, ông quên mất, trên người ông đang sở hữu quần áo, ĐẦU ÔNG ĐANG TƯ HỮU CÁI KHÁI NIỆM XÓA TƯ HỮU, bụng ông đang tư hữu thức ăn. Nghĩa là trong một khoảng thời gian nhỏ nhất, ông Marx đang tư hữu chính ông và tư hữu trăm điều khác trong quan hệ giữa thân xác và tinh thần của ông với tự nhiên và xã hội.
XOÁ BỎ TƯ HỮU đầu tiên là xin ông Marx hãy xoá bỏ chữ CỦA trong ông trước nhé : xoá bỏ vợ ông, con ông, quần áo của ông, thức ăn của ông đang ăn, không khí ông đang thở, ống pip ông đang thổi bễ lò rèn, tư tưởng tiêu diệt tư sản, tiêu diệt tư hữu ông đang sở hữu trong đầu và trong học thuyết đấu tranh giai cấp của ông; ngay cả tiếng Đức của ông cũng phải xóa đi vì nó có danh từ sở hữu … rồi ông tư duy rộng hơn rằng TA hay NƯỚC ĐỨC đang sở hữu nhau, xoá “thằng” nào trước đây ?
Nói tóm lại, từ lập luận xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ chế độ tư hữu, ông MARX TUYÊN BỐ HỌC THUYẾT CỦA TA PHẢI XÓA BỎ MỖI CON NGƯỜI, XÓA BỎ TỪNG CON NGƯỜI, DO ĐÓ PHẢI XÓA BỎ TOÀN BỘ XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI !??
Xin hỏi ông Marx rằng, nếu lấy bộ TƯ BẢN của ông ra mà xoá bỏ tất cả khái niệm sở hữu của danh từ, tức bỏ hẳn chữ CỦA đi, thì văn bản của ông, học thuyết của ông sẽ thành vô nghĩa, thành một hệ thống zê - rô ! Và chính ý muốn xóa bỏ TƯ HỮU đã chứng tỏ học thuyết của ông Marx là học thuyết phi khoa học!
Chính từ quan điểm triệt để XÓA BỎ TƯ HỮU này, chủ nghĩa cộng sản đã công khai tuyên bố bằng chính lời của Marx : CNCS TƯỚC ĐOẠT CHỦ QUYỀN CỦA TỪNG CON NGƯỜI : rằng, MÀY = CON NGƯỜI, mày hoàn toàn mất quyền sở hữu mày, MÀY LÀ CON VẬT MẤT CHỦ QUYỀN, mày = thằng người = tên công dân vong thân, hoàn toàn mất tự do !

PHI KHOA HỌC 2 :
XOÁ BỎ LỊCH SỬ, XÓA BỎ KÝ ỨC CỦA NHÂN LOẠI :

Ở trang 567, Marx viết : “Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sỡ hữu cổ truyền; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng cổ truyền…”.
MARX chủ trương “Cách mạng cộng sản chủ nghĩa” phải “ĐOẠN TUYỆT VỚI NHỮNG TƯ TƯỞNG CỔ TRUYỀN” trước năm 1848, năm ông viết bản TUYÊN NGÔN ĐOẠN TUYỆT VỚI LỊCH SỬ ( tức là các tư tưởng cổ truyền) này.
Trước hết ta xét chuyện Marx đoạn tuyệt với tư tưởng của G. Hegel là người cha đẻ ra học thuyết của ông, như là thái độ vô ơn bội nghĩa, khác gì con cái đoạn tuyệt lại cha mẹ ! Thế ra muốn làm “CÁCH MẠNG CỘNG SẢN” con người phải theo lời Marx dạy mà đoạn tuyệt với cha ông, đoạn tuyệt quá khứ, đoạn tuyệt ký ức của mình, lịch sử của mình, đoạn tuyệt với jene di truyền đời sống tinh thần của mình và đời sống thể xác của mình ư ? Khi MARX dạy những người cộng sản điều tiên muốn làm cách mạng là phải xóa bỏ toàn bộ hệ thống các tư tưởng cổ truyền : đoạn tuyệt và xóa bỏ chủ nghĩa nhân văn của văn minh Hy Lạp, La Mã, thì lấy đâu chữ mà viết, lấy đâu ý niệm về nền cộng hòa, về nền triết học cổ đại huy hoàng Hy-La mà diễn giải các khái niệm, các tiên đề triết học cho Marx viết “Tư bản luận” ? Đoạn tuyệt và xóa bỏ tư tưởng thời Phục Hưng, tư tưởng thế kỷ Ánh Sáng, đoạn tuyệt và xóa bỏ nền triết học cổ điển Đức tiền Marx thì lấy đâu ra cơ sở để tạo nên triết học của chính ông ?
Cho nên, chủ nghĩa cộng sản của Marx là quá trình làm rỗng không toàn bộ bộ óc của con người, khiến con người không còn tự nhận biết mình là người vì nó không còn ký ức, không còn lịch sử, không còn quá khứ !

PHI KHOA HỌC 3 :

MARX TỬ HÌNH CÁC TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA CÁCH MẠNG TƯ SẢN PHÁP, TỬ HÌNH PHƯƠNG PHÁP LUẬN BIỆN CHỨNG CỦA HEGEL,TỬ HÌNH QUY LUẬT “ TỒN TẠI QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC”, TOÀN DÙNG PHƯƠNG PHÁP LUẬN DUY TÂM XÉT ĐOÁN CÁC SỰ VẬT : “Ý THỨC QUYẾT ĐỊNH HIỆN TỒN” NHƯ MỘT NHÀ DUY TÂM CHỦ QUAN CHÍNH HIỆU :
Trong bản TUYÊN NGÔN này, Marx đã dành hai trang ( 546, 547) ca ngợi hết lời giai cấp tư sản khi nó vừa bước lên vũ đài lịch sử. Nhưng, ngay sau đó, cũng chính Marx lại dùng những lời nguyền rủa khủng khiếp nhất để chửi giai cấp tư sản khi nó đi vào tích lũy tư bản. Marx gán cho tư bản cái tội ác ghê tởm mà nó không có : một mình tham ăn, ngồm ngoàm nuốt sống các giá trị thặng dư, không cho vô sản hưởng lợi từ nền đại công nghiệp; rằng tư sản càng ngày càng giàu lên và vô sản càng ngày càng nghèo đi, biến thành nô lệ công nghiệp. Marx toàn áp đặt ý chủ quan mình lên các sự việc bằng thái độ cực đoan, bất cứ cái gì cũng cho khái niệm TUYỆT ĐỐI ( là khái niệm duy tâm cực đoan của Hegel) vào để : tuyệt đối hoá cái xấu tư bản, tuyệt đối hoá cái tốt vô sản, tuyệt đối hoá sự bóc lột các giá trị thặng dư, tuyệt đối hoá sự nô lệ của vô sản trong khi tư sản không hề cầm súng bắt vô sản phải lao động, mà do vô sản làm thuê với sự tự nguyện. Nào có ai nô lệ hoá vô sản đâu mà Marx vu cáo?
Trong bản tuyên ngôn này, Marx trút toàn bộ tính xấu, tính tráo trở, ác độc, vô luôn , đĩ điếm lên đầu giai cấp tư sản là giai cấp mà ông cùng với ngài tư bản Engel đang sắm vai trò chính yếu. Ông chửi giai cấp tư sản là lưu manh, là lửa đảo, là đốn mạt, vô đạo đức : “ Công khai tuyên bố lợi nhuận là mục đích duy nhất của nó, thì nó lại càng trở thành ti tiện, bỉ ổi, đáng căm ghét” ( 550).
Marx vu cáo chế độ tư sản, như là phát súng bịa tạc, ác ý ông dùng để bắn vào đầu cuộc Cách Mạng Tư Sản Pháp : “Đối với người tư sản, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ sản xuất…”… “ Hôn nhân của giai cấp tư sản thật ra là chế độ cộng thê…”. Thế thì gia đình của Marx đang là một gia đình tư sản quý tộc, có sự cộng thê hay không ? Có sự biến vợ Marx là Jenny thành “công cụ sản xuất” không ?
Chỉ có Marx nô lệ hóa các sự vật vào cái nhìn phi biện chứng, phản duy vật của mình, bằng một thái độ áp đặt ý thức lên tồn tại, với cách nhìn TUYỆT ĐỐI CHỦ QUAN của ông lên thực tại khách quan. Trong một thế giới tương đối, không có chân lý tuyệt đối, thì thái độ TUYỆT ĐỐI HOÁ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU của ông chính là lối suy tư, biện giải phi khoa học. Marx không bao giờ nhìn sự vật bằng con mắt biện chứng của Hegel : sự vật nào cũng tồn tại và phát triển trong một quá trình mang tính lịch sử, mang tính da dạng nhiều chiều, nhiều vỉa, trong các mối liên hệ vừa giản dị vừa phức tạp nội tại, trong sự phát triển không ngừng, vận động không ngừng theo quy luật vừa như ngẫu nhiên vừa như tất định…
Marx phá huỷ phép biện chứng Hegel, xóa bỏ biện chứng duy tâm của Hegel đã đành; mà ông còn phá bỏ phép biện chứng duy vật của chính ông trong quá trình phán xét sự vật.
Marx nhìn con người bằng cái nhìn cứng ngắt, dung tục, một chiều, khô chết, duy nhất hoá mối liên hệ giai cấp giả tạo, mối liên hệ kinh tế giả tạo của nó, biến con người thành công cụ, thành hàng hoá, thành các bậc thang vĩnh viễn bất động. Con người trong mắt Marx là con người bị tuyệt đối hoá giai cấp, tuyệt đối hóa kinh tế y như con người nhồi bông.
Trong khi đó, con người trong đời sống xã hội và tự nhiên, còn có bao nhiêu mối liên hệ khác vây xung quanh nó : như con người tôn giáo, con người đạo đức, con người tinh thần, con người lương tâm, con người ý thức, con người nội tâm, con người của quy luật tự nhiên !
Cho nên, chúng ta rất dễ hiểu vì sao Marx lại định nghĩa về con người sai trái đến kinh ngạc, như Marx viết : “ Phơ –bách quy bản chất tôn giáo về bản chất con người. Song bản chất con người không phải là cái trừu tượng vốn có của một cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. ( Marx : “ Luận cương về Phơ-bách”, Marx-Engel tuyển tập NXB Sự Thật, Hà Nội 1971, t.II, tr. 492-493)
Với định nghĩa về con người tuyệt đối sai trái là phủ nhận con người tự nhiên, tuyệt đối hoá vai trò xã hội của con người, ngầm phủ nhận con người bên trong là con người tự nhiên ( con người bản ngã), Marx đã đặt dấu chấm hết cho học thuyết phi khoa học của ông từ trong nguyên nhân gốc này !
Con người - đối tượng nghiên cứu của Marx là con người vật dục, con người của DUY miếng ăn và DUY cái dạ dày, không bao giờ là con người đúng nghĩa của nó ! CON NGƯỜI TRONG HỌC THUYẾT MÁC LÀ CON NGƯỜI DUY LỢI, DUY ÁC, DUY KINH TẾ, DUY GIAI CẤP và do đó là CON NGƯỜI DUY TÂM, DUY Ý CHÍ - một hình nhân chứ không phải một con người đúng nghĩa !
Marx luôn luôn biến cái xã hội chưa có, không có tức XÃ HỘI HƯ VÔ = CỘNG SẢN ĐẠI ĐỒNG thành “ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC”, rồi rút tỉa từ cái xã hội không có thật ấy ra thành những quy luật mà ông gọi là những quy luật của chủ nghĩa cộng sản.
Cũng giống như ông Marx chưa hề lên thiên đường, chưa hề gặp Thánh Phê-rô và Chúa Trời, nhưng suốt ngày ngồi nghiên cứu thiên đường, rồi rút ra từ cái ẢO TƯỞNG THIÊN ĐƯỜNG kia những QUY LUẬT TRẦN GIAN để dùng nó cải tạo thế giới thì lạ thật !
Hãy nhe ông Marx áp dụng DUY VẬT BIỆN CHỨNG bằng cách hô âm binh là quy luật của chủ nghĩa cộng sản từ hư vô về, đặng xây dựng lý thuyết “chủ nghĩa xã hội khoa học” : “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác” ( 562)
Toàn là những chân lý rút ra từ xã hội tương lai chưa có thật, mà dám gọi là duy vật biện chứng, duy vật lịch sử ư, thưa ông Marx : “ Trong xã hội cộng sản, lao động tích lũy chỉ là một phương tiện để mở rộng, làm phong phú và làm đẹp thêm đời sống của những người lao động” ( 560) . Cái xã hội không có thật cộng sản kia đã giúp Marx phát minh ra chân lý ảo : “ Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”; rằng đến chủ nghĩa cộng sản, quy luật khoa học triết học Mác-xít quy định rằng con người hoá thánh cả, không còn cái ác, không còn mâu thuẫn, không còn sự vận động của biện chứng pháp nữa : thế giới đứng im và quả đất thôi quay !
Tóm lại, toàn bộ triết học Marx là một triết học ảo, phi thực tại, triết học của thứ chủ nghĩa xã hội THIẾU CƠ SỞ KHOA HỌC : XÓA BỎ CHÍNH CON NGƯỜI, xóa bỏ cá nhân, gia đình, xóa bỏ xã hội, xóa bỏ lịch sử như chính Marx đã tuyên ngôn trên giấy trắng mực đen !

Sài Gòn ngày 24-02-2006
Trần Mạnh Hảo
……../.


Cờ đỏ, cờ vàng và hòa giải



www.facebook.com/Osinhuyduc



Huy Đức

Tháng 8-2001, tôi ghé thăm một phóng viên báo Tuổi Trẻ đang học báo chí ở đại học Fullerton, California. Cô khoe, nhóm sinh viên đến từ Việt Nam vừa đấu tranh thành công để cờ đỏ sao vàng được treo ở trại hè do trường tổ chức.

Cuộc tranh giành màu cờ tại Fullerton trở nên kịch tính trong năm 2004 khi nhóm sinh viên gốc Việt tuyên bố không tham dự lễ ra trường nếu cờ đỏ sao vàng được sử dụng theo yêu cầu của các sinh viên đến từ Việt Nam. Trường Fullerton phải chọn giải pháp không treo cờ của nước nào trong lễ tốt nghiệp.

Phần lớn người Việt đến Mỹ phải lao động, học tập để vươn lên, họ không có nhiều thời gian để "care" (quan tâm) đến chính trị Việt Nam. Tháng 7-1995, khi Hà Nội và Washington thiết lập bang giao, cờ đỏ sao vàng chính thức được kéo lên trên đất Mỹ. Thật dễ hiểu khi những người Việt vượt biển trên những chiếc thuyền con, những người Việt đã nằm 15 năm, 17 năm trong các trại cải tạo, từ chối đứng dưới cờ đỏ sao vàng.

Nhưng phản ứng chỉ bắt đầu quyết liệt vào năm năm 1999, khi một người đàn ông sống tại Little Sai Gon, tên là Trần Văn Trường, cho treo trước cửa tiệm ảnh Hồ Chí Minh cùng cờ đỏ sao vàng. Cộng đồng người Việt đã biểu tình liên tục trong suốt 53 ngày để phản đối. Từ California,"chiến dịch Cờ Vàng” bắt đầu, dẫn đến việc 14 tiểu bang, gần 100 thành phố công nhận cờ vàng ba sọc đỏ như một biểu tượng của cộng đồng gốc Việt.

Cờ vàng không chỉ xuất hiện ở Mỹ.

Từ giữa thập niên 1990, nhiều nhà lãnh đạo của Hà Nội phản ứng gay gắt khi trong các chuyến công du thấy "quần chúng đón rước" không dùng cờ đỏ sao vàng mà chỉ dùng cờ vàng ba sọc đỏ. Không phải quan chức Việt Nam nào cũng hiểu chính quyền sở tại không (dại gì) đứng sau những nhóm quần chúng tự phát đó. Cho tới năm 2004, các nhà ngoại giao Việt Nam ở Mỹ vẫn mất rất nhiều công sức để ngăn chặn chính quyền các tiểu bang công nhận cờ vàng.

Việc chính quyền tiểu bang công nhận cờ vàng chỉ là một động thái đối nội. Nhà nước Việt Nam Cộng hòa rõ ràng không còn tồn tại, chính quyền Mỹ bang giao với nhà nước CHXHCN Việt Nam và công nhận cờ đỏ sao vàng. Nhưng, chính quyền Mỹ không thể ngăn cản cộng đồng người Mỹ gốc Việt chọn cho mình biểu tượng.

Một quan chức Việt Nam và thậm chí một thường dân đang cầm hộ chiếu nước CHXHCN Việt Nam, trong một nghi lễ chính thức, có quyền chỉ đứng dưới cờ đỏ sao vàng. Nhưng, một quan chức đi làm "kiều vận" mà không dám bước vào một ngôi nhà có treo cờ vàng thì sẽ không thể nào bước vào cộng đồng người Việt. Tất nhiên, bất cứ thành công nào cũng cần nỗ lực từ nhiều phía.

Năm 2006, tôi gặp lại cô bạn phóng viên Tuổi Trẻ từng học ở Fullerton. Nhà cô vào giờ đó thay vì treo cờ đỏ sao vàng, góc nào cũng tràn ngập cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi chưa kịp tìm hiểu đó là sự lựa chọn mới của cô hay đó là cách để có thể hòa nhập vào "cộng đồng".

Năm 2008, "cộng đồng người Việt Cali" đã biểu tình kéo dài khi người phụ trách tòa soạn tờ Người Việt, Vũ Quý Hạo Nhiên, cho in tấm hình chụp một cái bồn ngâm chân có in biểu tượng cờ vàng. Hạo Nhiên, thêm sự cố 2012, đã phải ra đi và biết chắc khó lòng quay trở lại. Biểu tình năm 1999, cho dù là "ôn hòa", cũng đã khiến cho Trần Văn Trường phải chạy về Việt Nam.

Cờ đỏ sao vàng khó có thể xuất hiện ở Californiacho dù ở đó có xuất hiện một cộng đồng người Việt đến từ miền Bắc.

Nếu như nhiều người dân miền Nam trước đây tin cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của tự do thì đối với phần lớn người dân miền Bắc và thế hệ trẻ hiện nay ở miền Nam, cờ đỏ sao vàng không hẳn là biểu tượng của chế độ mà là biểu tượng quốc gia. Nhiều người đã đứng dưới lá cờ ấy để đấu tranh cho điều mà họ tin là độc lập, tự do; nhiều người đã theo lá cờ ấy mà không phải là cộng sản.

Nhiều người dân trong nước vẫn dùng cờ đỏ khi bày tỏ lòng yêu nước.

Tất nhiên cũng cần phân biệt hành động của một số kẻ cực đoan (chống lại cờ đỏ sao vàng) với hành vi của những quan chức chính quyền. Ngăn cản những du học sinh đến từ Việt Nam sử dụng cờ đỏ sao vàng cũng là một việc làm phi dân chủ. Những người hiểu được các giá trị của tự do không thể ngăn cản người khác đứng dưới một lá cờ mà mình không thích.

Nhiều người Mỹ vẫn treo cờ miền Nam cho tới ngày nay cho dù nội chiến Bắc - Nam đã kết thúc từ năm 1865. Thật khó để nghĩ tới tình huống người dân miền Nam Việt Nam được phép treo cờ vàng sau ngày 30-4-1975. Cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm không chỉ thống nhất non sông mà còn để áp đặt ý thức hệ cộng sản lên người dân Việt. Một thời, phải "yêu chủ nghĩa xã hội" mới được Đảng công nhận là yêu nước. Ngay lá cờ nửa đỏ nửa xanh của "mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam" một tổ chức do Đảng cộng sản lập ra cũng đã biến mất chỉ sau mấy tháng.

Nhiều người Việt Nam nghĩ, làm biến mất lá cờ vàng ba sọc đỏ là khôn ngoan. Nhiều người cho rằng lá cờ đó thuộc về một chính thể không còn tồn tại và là biểu tượng của một sự thất bại. Nhiều người được dạy, lá cờ đó gắn liền với những xấu xa như là "Việt gian, bán nước".

Cuối năm 2012, sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha bị bắt khi rải truyền đơn ở Long An có kèm theo biểu tượng cờ vàng.

Chúng ta không có đủ thông tin để khẳng định Phương Uyên và Nguyên Kha chủ động chọn lá cờ này hay được hướng dẫn "bởi các thế lực bên ngoài". Cho dù lá cờ ấy đến từ bên nào cũng cho thấy cờ vàng đã không biến mất như nhiều người mong muốn. Cho dù không ai biết được lá cờ nào sẽ được chọn trong tương lai, sự trở lại của cờ vàng buộc chúng ta phải thừa nhận, trong nội bộ người Việt với nhau còn bao gồm cả người Việt Nam quốc gia và người Việt Nam cộng sản.

Và, trong không gian nước Việt cũng không chỉ có người Việt.

Chín mươi triệu người dân Việt Nam rõ ràng không phải là "con một cha, nhà một nóc". Khi "mở cõi" xuống phía Nam, các bậc tiền bối đã từng mang cuốc nhưng cũng đã từng mang gươm.

Người dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên và những bộ tộc Chăm chưa hẳn không còn nghĩ tới đế chế Champa. Những chính khách đối lập ở Campuchia vẫn thường khai thác chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi nhắc Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây một thời là đất đai của họ...

Sự khác biệt đó trong cộng đồng Việt Nam có thể là những mối đe dọa, đồng thời, cũng là nền móng để xây dựng một Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Một quốc gia sẽ trở nên vững mạnh khi sự đa dạng được thừa nhận. Một quốc gia cũng có thể rơi vào sự hỗn loạn hoặc không thể phát triển nếu sự thống nhất bị phá vỡ.

Nhưng, thống nhất quốc gia mà không dựa trên nền tảng hòa giải quốc gia thì sự thống nhất đó chỉ là tạm thời. Thống nhất quốc gia mà bằng cách ém nhẹm lịch sử và dùng vũ lực để dập tắt sự trỗi dậy của những sự khác biệt thì chẳng khác nào gài vào thế hệ tương lai một trái bom.

Nam Tư thời Tito được coi là thịnh trị, các cuộc nổi dậy đều bị dập tắt. Nhưng, không lâu sau thời hậu Tito, nước Nam Tư bắt đầu rơi vào hơn một thập niên xung đột. Các sắc tộc chém giết lẫn nhau, cơ cấu liên bang sụp đổ. Không chỉ có Nam Tư, Indonesia hồi thập niên 1990 và Myanmar hiện nay cũng đang diễn ra những điều tương tự.

Đừng sợ những người Khmer ở miền Tây sẽ đòi mang đất về Campuchia trừ khi về phát triển và tự do, dân chủ, Việt Nam kém quá nhiều so với Campuchia. Không có người dân Arizona nào không biết đất ấy từng thuộc về Mexico nhưng không ai đòi đưa Arizona trả về cho "đất mẹ". Ranh giới quốc gia càng ngày càng trở nên mong manh. Ở đâu có cơm no áo ấm hơn, ở đâu có tự do hơn, thì người dân sẽ chọn.

Sự khác biệt và đa dạng lúc nào cũng có thể bị kích động bởi các thế lực cực đoan. Không phải độc tài, toàn trị mà theo kinh nghiệm của những quốc gia thành công, càng nhiều tự do thì càng tránh cho sự khác biệt đó trở thành xung đột.

Tiến trình tự do cũng phải mất thời gian để thuyết phục không chỉ với những người đang cầm quyền mà cả những người dân bình thường và những thành viên trên facebook này. Trong ngày 30-4, có thể nhiều người không muốn treo cờ đỏ sao vàng (khi bị tổ dân phố yêu cầu) nhưng chính họ, chưa chắc đã hài lòng khi nhà hàng xóm treo cờ vàng ba sọc đỏ. Vấn đề là chính quyền phải làm sao để mọi phản ứng đều phải ở dưới hình thức ôn hòa.

Câu chuyện đốt cờ Mỹ sau đây có thể giúp ta có thêm thời gian suy nghĩ.

Nhiều thập niên sau nội chiến (1861-1865) nhiềungười Mỹ lo ngại giá trị quốc kỳ bị giảm khi nó được các thương gia dùng để vẽ logo và đặc biệt khi nhiều người da trắng ở miền Nam thích treo cờ miền Nam (Confederate flag) hơn. Để phản ứng lại điều này, 48 tiểu bang của Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm mạo phạm quốc kỳ, các hành động như xé, đốt, dùng cờ để quảng cáo... đều bị cấm.

Năm1905, Halter đã bị tòa tiểu bang buộc tội "khi kỳ" khi bán những chai bia có in cờ Mỹ. Năm 1907, Halter tiếp tục thua kiện ở Tối cao pháp viện.

Cho tới năm 1968, Quốc hội Mỹ vẫn thông qua luật cấm "đụng chạm" tới quốc kỳ sau khi một nhóm người Mỹ chống chiến tranh Việt Nam đốt cờ ở Central Park. Nhưng một năm sau đó, khi nghe tin cảnh sát bắn James Meredith, một nhà hoạt động dân quyền, Sydney Street đã đốt một lá cờ Mỹ ở một ngã tư của New York. Ông bị bắt và bị buộc tội "khi kỳ".

Sydney Street kháng án vì cho rằng: "Nếu cảnh sát làm điều đó với Maredith chúng ta không cần lá cờ Mỹ". Tối cao pháp viện đã bác án của tòa New York vì, Hiến pháp bảo vệ quyền bày tỏ chính kiến khác nhau, bao gồm cả quyền thách thức hay khinh thường quốc kỳ.

Cuộc đấu tranh đã không dừng lại.

Năm 1972, một học sinh ở Massachusetts, Goquen, bị bắt, bị xử 6 tháng tù khi may một cờ Mỹ ở đít quần. Nội vụ được chuyển lên Tối cao pháp viện. Tối cao pháp viện tuyên bố luật tiểu bang (dùng để xử Goquen) là vi hiến. Các vị thẩm phán Tối cao cho rằng, trong một quốc gia đa văn hóa, có những hành động mà người này cho là "khinh " thì người kia lại cho là trân trọng, cho nên, chính phủ không có quyền bảo người dân phải bày tỏ thái độ, ý kiến theo cách nào.

Năm 1984, để phản đối các chính sách của Tổng thống Reagan, Lee Johnson đã nhúng dầu và đốt một lá cờ trước cửa cung đại hội của đảng Cộng hòa. Ông bị bắt, bị xử tù 1 năm và phải nộp phạt 2000 dollars. Tòa tối cao tiểu bang Texas bảo vệ Johnson và cho rằng tòa án cấp dưới sai khi coi hành vi "gây xáo trộn xã hội" của Johnson là "tội". Theo Tòa tối cao Texas: Tạo ra sự bất ổn, tạo ra sự xáo trộn, thậm chí tạo ra sự giận dữ của người dân là cần thiết, vì chỉ khi đó chính phủ mới biết rõ nhất chính kiến người dân.

Vụ việc dẫn tới, năm1989, Tối cao pháp viện Mỹ quyết định bãi bỏ các luật cấm đốt cờ ở 48 tiểu bang. Các quan tòa đưa ra phán quyết này giải thích rằng, nếu tự do bày tỏ chính kiến là có thật nó phải bao gồm cả tự do bày tỏ những ý kiến mà người khác không đồng ý, hoặc làm người khác khó chịu. Ngay cả thái độ với quốc kỳ, chính phủ cũng không có quyền bắt người dân chỉ được gửi đi những thông điệp ôn hòa và không làm cho ai khó chịu. Cuộc tranh cãi kéo dài tới nhiều năm sau, Quốc hội Mỹ có thêm 7 lần dự thảo tu chính án để chống lại phán quyết này nhưng đều thất bại.

Việc để cho người dân treo lá cờ cũ của phe bại trận miền Nam, việc để cho người dân quyền được bày tỏ thái độ, kể cả bằng cách đốt cờ, đã không làm cho giá trị quốc kỳ của Hoa Kỳ giảm xuống.

Những điều trên đây rõ ràng chưa thể xảy ra ở Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng không nên coi đấy là độc quyền của Mỹ. Người dân Việt Nam cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Người dân Việt Nam, dù là Việt hay H'mong, dù là Khmer hay Chăm... cũng xứng đáng được gìn giữ và phát triển sự khác biệt của mình. Người Việt Nam, dù là cộng sản hay quốc gia, cũng xứng đáng có quyền bày tỏ những gì mà mình tin tưởng.

Không thể có tự do trong một chế độc tài toàn trị. Nhưng, tự do cũng không thể có nếu như mỗi người dân không tự nhận ra đó là quyền của mình. Bạn không thể hành động như một người tự do nếu không bắt đầu bằng tự do trong chính tư duy của bạn.




........./.

Thư gửi ông Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội


http://www.viet-studies.info/ThuGui_BaoChauThoThuan.htm





Ishikawa, Chicago, Tokyo và Paris, ngày 18 tháng 4 năm 2014

Thư gửi ông Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội
 

Kính gửi  Giáo sư Nguyễn Văn Minh,
        Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 
Thưa ông Hiệu trưởng,
Chúng tôi được các bạn đồng nghiệp ở trong nước cũng như ở ngoài nước cho biết xúc động của họ về việc tái thẩm định luận văn thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan và hậu quả khắc nghiệt mà việc đó đã đem lại cho cô giáo Đỗ Thị Thoan và bà Nguyễn Thị Bình, người đã hướng dẫn luận văn của cô. Là những người đã từng làm việc lâu năm trong các đại học ở nước ngoài, chúng tôi chưa thấy một trường hợp nào tương tự đã xảy ra, và cũng không hình dung được khả năng nào có thể xảy ra hiện tượng đó về mặt khoa học. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nỗi xúc động chính đáng của các đồng nghiệp ở trong nước và bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi đối với hiện tình của nền học thuật đại học tại Việt Nam qua sự cố này.
Trong sự việc đang làm dấy lên phản ứng, chúng tôi thấy cần phải phân biệt rõ ràng hai chỗ đứng khác nhau: một đằng là một hiện tượng văn học, một đằng là việc nghiên cứu hiện tượng đó. Nghiên cứu một hiện tượng không có nghĩa là người nghiên cứu đồng ý với hiện tượng ấy. Giá trị của luận văn, vì vậy, không thể căn cứ trên xét đoán chủ quan của người này người nọ về tính cách đúng sai của hiện tượng mà chỉ duy nhất căn cứ trên những tiêu chuẩn khoa học liên quan đến công trình nghiên cứu. Và người thẩm định duy nhất về giá trị khoa học đó không có ai khác hơn là hội đồng giám khảo. Khi một hội đồng giám khảo (do nhà trường lập ra theo đúng quy trình) đã tuyên bố kết quả của việc thẩm định rồi thì không có cơ quan nào khác có thẩm quyền truất phế kết quả ấy. Tất nhiên ai cũng có quyền phê bình luận văn, nhất là trên những sách báo chuyên môn, nhưng phê bình là một chuyện mà trừng phạt là chuyện khác. Sự “trừng phạt” duy nhất mà các luận văn kém chất lượng khoa học phải chịu là sự phê phán của giới khoa học trong ngành, và bất lợi trong các cuộc tuyển chọn giáo chức. Nhưng dù bị loại trong các cuộc tuyển, tác giả cũng không bị mất danh vị tiến sĩ, thạc sĩ. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một việc trừng phạt đau xót và bất nhẫn như hình phạt mà cô Đỗ Thị Thoan và, gián tiếp, bà Nguyễn Thị Bình đã phải chịu.
Chúng ta hằng mong muốn chứng tỏ đại học của chúng ta xứng tầm với các đại học trên thế giới tiên tiến. Muốn thế, chúng ta phải tôn trọng những nguyên tắc căn bản của đại học, trong đó phê phán chỉ có thể dựa trên những tiêu chuẩn thuần túy khoa học là một nguyên tắc tối thiểu.
Cuối cùng, chúng tôi cũng mong muốn rằng thái độ cư xử giữa các đồng nghiệp với nhau, cũng như giữa giáo sư và sinh viên trong đại học của ta, không khác với tinh thần trong các đại học của thế giới văn minh: rộng mở, tự do, bình đẳng, nhân ái.
Chúng tôi cám ơn sự chú ý mà ông Hiệu trưởng dành cho bức thư này.
Trân trọng kính chào ông Hiệu trưởng

Hồ Tú Bảo, Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Ishikawa, Nhật Bản.
Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đại học Chicago, Hoa Kỳ.
Trần Văn Thọ, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản.
Cao Huy Thuần, nguyên Giáo sư Đại học Picardie, Paris, Cộng hoà Pháp.



......./.

Một nền y học bị chính trị hóa



Một nền y học bị chính trị hóa



BS. NGỌC


Hiếm thấy một thời đại nào mà y giới bị khinh như ngày hôm nay. Những gì xảy ra ở bệnh viện Năm Căn có lẽ là một sự tức nước vỡ bờ. Có đồng nghiệp nói đó là một nền “y khoa đổ vỡ”, nhưng tôi cho rằng đó một nền y học bị chính trị hóa. Vâng, chính vì y học bị chính trị hóa nên mới thảm hại như hiện nay.
Cái quá trình chính trị hóa y học ở ta xảy ra một cách toàn diện. Nó bắt đầu ngay từ khâu tuyển sinh, đến khâu học tập và kéo dài đến khi ra trường và hành nghề. BS Đỗ Hồng Ngọc trong một bài nói chuyện ở Long Hải gần đây kêu gọi (ai?) phải quan tâm đến “đầu vào”, “hộp đen” và “đầu ra”. Nhưng tôi e rằng ông không nói hết hay tránh né không nói đến sự chính trị hóa trong 3 khâu ông nói đến. Tôi nghĩ rằng những hiện tượng tiêu cực trong ngành y chúng ta đang chứng kiến ngày nay chính là hậu quả của quá trình chính trị hóa y học. Nói như nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Chúng ta đang gặt một mùa bội thu sự vô cảm
Vì chúng ta gieo nó
Chúng ta phó mặc cho định mệnh vì chúng ta không tin gì cả.
Chúng ta quen nói dối
Chính trị hóa được gieo mầm ngay từ khi tuyển sinh. Chúng ta chưa quên chính sách hồng hơn chuyên sau 1975. Hồng là đỏ, là cách mạnh. Chuyên là chuyên môn. Hồng hơn chuyên là có nhân thân cách mạng tốt hơn có tài chuyên môn. Chính sách hồng hơn chuyên thực chất là một sản phẩm của chủ nghĩa lý lịch. Chủ nghĩa lý lịch hoàn toàn nhất quán với chính sách chính trị thống lãnh giáo dục. Chúng ta còn nhớ sau 1975, lý lịch sinh viên học sinh được chia thành 14 bậc. Con cái của “ngụy” ở bậc thứ 13 hay 14. Ở bậc này cũng đồng nghĩa với không được vào học y khoa dù có điểm cao. Bao nhiêu nhân tài chỉ vì cái tội con cháu của ngụy bị đẩy ra ngoài. Thay vào đó, con cháu cách mạng dù điểm thấp vẫn được vào học y khoa. Điểm 2, 3 cũng được vào trường y. Đã có người sửa điểm thành 25, 30. Một xã hội xem thường tài năng thì làm sao khá được. Hậu quả là chúng ta có vài thế hệ bác sĩ tồi và giáo sư “dỏm” như ngày nay.
Sẽ là rất sai lầm nếu nghĩ rằng chủ nghĩa lý lịch đã chấm dứt. Cái “đầu vào” mà BS Đỗ Hồng Ngọc không muốn hay không dám nói đến là gì? Tôi xin nói thay ông, đó là những “cử tuyển”, “chuyên tu”, “bồi dưỡng”. Đó là những mã ngữ mà nhiều người khó có thể hiểu nổi. Nói thẳng ra, mỗi năm người ta đưa ra một danh sách “sinh viên”được cử đi học y khoa, trường đại học không thể từ chối. Không thể từ chối vì đó là lệnh. Chưa nói đến chuyên tu. Dân gian có câu nhạo báng “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, nhưng trớ trêu thay, chuyên tu và tại chức có quyền hơn chính quy. Có quyền là vì họ là người của Đảng. Đảng tin họ. Có mấy ai biết rằng chính những bác sĩ chuyên tu là những người đang nắm quyền sinh sát ngành y. Hãy nhìn quanh xem, giám đốc các sở y tế là ai, nếu không là chuyên tu. Họ nắm quyền từ cấp trung ương đến địa phương.
Quá trình chính trị hóa tiếp tục trong trường y. Sinh viên y ngày nay phải học những môn học xa lạ với y khoa. Chủ nghĩa Mác Lê. Tư tưởng Hồ Chí Minh, dù ông chưa bao giờ tự nhận rằng mình có tư tưởng. Lịch sử Đảng CSVN. Tôi không rõ có trường y nào trên thế giới dành một thời lượng 20% để dạy những môn học như trên. Dĩ nhiên là ngoại trừ Trung Quốc, cái nước mà giới lãnh đạo chúng ta răm rắp làm theo cứ như là một học trò bé nhỏ trung thành. Dù ai cũng có thể thấy những môn học đó chẳng liên quan gì đến nghề y, nhưng nó vẫn được giảng dạy như là những môn học bắt buộc. Biết được chủ nghĩa Mác Lê, hay tư tưởng Hồ Chí Minh, hay lịch sử Đảng có làm cho người bác sĩ có tay nghề cao trong việc điều trị bệnh? Chắc chắn không. Vậy thì đừng hỏi tại sao kiến thức chuyên môn của bác sĩ ngày nay quá thấp.
Chủ nghĩa Mác Lê dựa vào đấu tranh giai cấp. Do đó, cái giá của sự ưu tiên cho học chính trị là sự suy đồi đạo đức y khoa. Một sinh viên mới vào trường y đã được nhồi nhét những thông tin vế đấu tranh giai cấp, về kẻ thù, về phản động … thì đừng trách sao đầu óc của họ được uốn nắn để trở thành những kẻ chỉ biết đến Đảng và đấu tranh, chứ chẳng quan tâm đến bệnh nhân. Vậy thì đừng hỏi tại sao bác sĩ mới ra trường non choẹt nhưng đã bắt đầu hoạnh họe bệnh nhân và tự xem mình là ông quan, ăn trên ngồi chốc. Thử hỏi có bác sĩ chân chính nào vô tâm đến nỗi để cho thân nhân quỳ lạy mà vẫn vô tư bỏ đi ngủ và để cho bệnh nhân phải chết? Đó là kẻ sát nhân, chứ đâu phải “bác sĩ”. Cũng đừng trách tại sao sinh viên mới học 1,2 năm trong trường y đã bi bô khoe khám chỗ kín của phụ nữ. Khoe ngay trên mặt báo. Họ còn dùng chữ “chị em”. Thật chưa bao giờ đất nước này có những sinh viên y khoa mất dạynhư thế. Tôi khẳng định dùng chữ mất dạy hoàn toàn chính xác trong tình huống vừa nói trên. Nhớ ngày xưa khi theo thầy vào phòng mổ, một đứa bạn nay là một nhà phẫu thuật tài ba ở Mỹ lỡ lời thốt lên một câu khiếm nhã về cái chân của bệnh nhân, sau đó bị thầy tán cho một bạt tay nhớ đời và cả đám lãnh đủ một bài giảng moral. Vậy mà bây giờ có những sinh viên y khoa không ý thức được thiên chức của nghề y và sự tin tưởng của xã hội để lên báo chí thốt lên những câu chữ chỉ có thể mô tả là mất dạy. Những sinh viên này không nên hành nghề thầy thuốc vì bộ não của họ đã bị đầu độc bởi những vi khuẩn hạ tiện.
Thật khó nói có nơi nào trên thế giới mà người ta lẫn lộn giữa cán bộ y tế và bác sĩ. BS Đỗ Hồng Ngọc nói đến Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định mục tiêu đào tạo “Bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng”. Nếu mục tiêu là hướng về sức khỏe cộng đồng thì tại sao trường có tên là “Đại học Y khoa”? Tại sao không gọi là Trường cao đẳng y tế cộng đồng cho phù hợp hơn? Thật ra, tiền thân của trường là Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố, một cái tên rất thích hợp. Khó định nghĩa khái niệm bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng vì chẳng ai định nghĩa đó là bác sĩ loại gì. Đối tượng của nghề y là người bệnh — con người và bệnh. Đối tượng của cán bộ y tế là cộng đồng, sức khỏe cộng đồng. Bác sĩ có thể là cán bộ y tế, nhưng cán bộ y tế không thể là bác sĩ. Lầm lẫn giữa y khoa và y tế dẫn đến sai lầm trong triết lý đào tạo. Trong thực tế, ai cũng biết trung tâm từng là cái nôi dành cho con em của quan chức, cán bộ. Mang tiếng là phục vụ cộng đồng, nhưng trong thực tế họ đều quanh quẩn trong các bệnh viện. Hậu quả là chúng ta có 15 thế hệ nửa thầy (bác sĩ) nửa thợ (cán bộ y tế). Khó tưởng tượng có nơi nào có hệ thống đào tạo quái gở như thế.
Quá trình chính trị hóa nghề y còn diễn ra sau khi sinh viên tốt nghiệp trường y. Cũng như bất cứ cơ quan công nào, bệnh viện cũng có chi bộ của Đảng. Chi bộ đảng dĩ nhiên chỉ dành cho Đảng viên. Chi bộ có bác sĩ nhưng cũng có những người ngoài y giới, như tài xế lái xe. Những người ngoài y giới cũng có tiếng nói như bác sĩ khi họ ngồi trong chi bộ. Người có quyền nhất trong bệnh viện không hẳn là giám đốc mà là bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ trên danh nghĩa là chính trị viên, nhưng lại can thiệp vào những vấn đề chuyên môn liên quan đến y khoa! Tiếng nói chuyên môn không có giá trị bằng tiếng nói của Đảng. Thật trớ trêu. Thật quái đản. Một nền y khoa bị chính trị hóa.
Y khoa không phân biệt thù hay bạn. Người thầy thuốc chân chính không phân biệt bệnh nhân mình là phía bên kia hay bên này, không phân biệt người đó theo đạo gì, hay theo chủ nghĩa gì, không phân biệt thành phần xã hội. Tất cả đều được đối xử như nhau. Nhưng rất tiếc cái lý tưởng cao cả và phổ quát đó đã bị chính trị vứt bỏ một cách không thương tiếc. Chính vì thế mà ngày nay chúng ta có những khu đặc trị dành cho cán bộ cao cấp, biệt lập với khu dành cho thường dân. Đó không phải là ăn trên ngồi chốc thì là gì? Đó có phải là lý tưởng cách mạng? Nhưng sự phân biệt này đâu chỉ xảy ra mới đây. Nó còn tàn nhẫn hơn ngay từ ngày 30/4/1975. Hãy nhớ rằng ngày 30 tháng Tư năm 1975 bệnh nhân trong Quân y viện Cộng Hoà bị đuổi ra khỏi viện. Anh mù cõng anh què. Anh đổ ruột vịn vai anh cụt tay. Đó là thời điểm người Sài Gòn biết được y đức của nền y học mới. Đó là loại y đức bị chính trị hóa.
Hậu quả của quá trình chính trị hóa từ khâu tuyển sinh, giảng dạy và tốt nghiệp là nhiều thế hệ bác sĩ có trình độ chuyên môn thấp. Mấy năm trước tôi đọc thấy ở Mỹ mỗi năm có hàng trăm ngàn bệnh nhân chết do sai sót trong y khoa. Một nền y học tuyệt vời và nhân bản như Mỹ mà còn như thế thì ở nước ta câu hỏi là đã có bao nhiêu người chết vì sự phân biệt trong điều trị? Những gì xảy ra ở bệnh viện Năm Căn và hàng ngày trên khắp nước chỉ là những “thành quả” đã được gieo giống từ rất lâu. Hậu quả cũng là hàng ngàn giáo sư dỏm, tiến sĩ dỏm, dỏm đến độ người dân khinh.
Chính trị hóa y khoa đã xảy ra rất lâu chứ không phải mới đây. Nó còn được luật hóa. Điều 41 trong Hiến pháp ghi: “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình và xã hội cùng với nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”.  Điều 37 ghi: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nhà nước tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam […]  chống các tư tưởng phong kiến, tư sản và ảnh hưởng của văn hóa đế quốc, thực dân; phê phán tư tưởng tiểu tư sản; xây dựng nếp sống xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ nếp sống lạc hậu, bài trừ mê tín, dị đoan”. Như thế, việc chính trị hóa y khoa không có gì đáng ngạc nhiên vì nó nằm trong chính sách của Đảng được hiến pháp quy định. Do đó, nếu muốn làm cho nền y khoa của chúng ta tốt hơn thì hãy thay đổi từ cái gốc, chứ không nên kêu gọi chung chung về y đức. Y đức chỉ là một sản phẩm của cái triết lý giáo dục bị chính trị hóa. Nguyên nhân chính dẫn đến nền y khoa nước ta bị suy thoái nằm ngay trên những dòng chữ tôi trích trên đây.


07/07/2011
........./.