Cái loại người ấy, người gì?

 Cái loại người ấy, người gì?


Dương Tự Lập

* * *

Ngày 7/2/2021, nhà báo Nguyễn Như Phong có bài viết: Chuyện của tôi ở … cải cách ruộng đất. Mở đầu bài, ông viết: “Nói chuyện về cải cách ruộng đất thì phải khẳng định đó là một trang lịch sử đẫm máu của Việt Nam… Nhưng không nên bàn luận nhiều về việc này, mặc dù người ta vẫn cố lấp liếm, cố bưng bít”.
Kết thúc câu chuyện, ông Phong viết: “Còn mẹ tôi, mỗi khi nhắc đến cải cách ruộng đất, bà lạnh lùng: ‘Tao ỉa năm bảy đống vào cái Đảng nhà chúng mày’!!!”

Nhà báo Nguyễn Như Phong từng là Tổng Biên tập báo Petro Times, thuộc Hội Dầu khí Việt Nam, Phó tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân và từng là cựu đại tá công an. Ông cũng là đảng viên đảng Cộng sản, đã từng “lên voi” trong cỗ máy tuyên truyền bịp bợm của Ban Tuyên giáo đảng Cộng sản Việt Nam. 

Dù biết rõ mẹ mình muốn “ỉa năm bảy đống” vào cái Đảng man rợ ấy, nhưng Phong vẫn đi theo nó cả đời, nếu không có cú đạp, phế truất ông ta của “bác Tổng Trọng” ở khúc cuối đoạn trường.

Đầu tháng 10/2016, bất ngờ ông Phong bị “người đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xử. 
Ngày 3/10/2016, Bộ này quyết định thu thẻ nhà báo đối với Nguyễn Như Phong và đình bản 3 tháng với tờ báo này, vì can tội qua mặt Tổng Trọng và Bộ Công an, tiết lộ bí mật “không phải quốc gia”, khi cho đăng bài của blogger Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, sống ở Đức, tung tin về Trịnh Xuân Thanh, một nhân vật tham nhũng, “cướp có môn bài” đang bị Đảng CSVN truy nã. 
Lúc đó, Thanh đã cao chạy xa bay, rồi quay lại nhổ vào mặt Đảng, phun nước bọt vào “bác Trọng kính mến” và cũng là Đảng trưởng của Thanh.

Trịnh Xuân Thanh từng là đảng viên, Đại biểu Quốc hội, trải qua nhiều cương vị khác nhau, trước khi bị truy nã và bị ông Trọng biến thành “củi”. Sau những phi vụ tham nhũng tiền tỉ của nhà nước (thật ra đó là tiền của dân đen ky cóp, đóng góp vào nuôi một bầy sâu ăn tàn phá hại đất nước này), Thanh nhận thấy cơ sự bất ổn, sợ sa thân vào tay đồng bọn sát nhân, nên đã bỏ chạy sang Berlin, Đức quốc, để trốn tội, trước khi nộp đơn xin tin nạn ở Đức.

Không rõ ai môi giới mà Thanh tìm đến kết thân với Blogger Người buôn gió – Bùi Thanh Hiếu, để trao gửi niềm tin. Với cương vị của Thanh, nếu còn ở quê nhà, Bùi Thanh Hiếu muốn được gặp, có lẽ phải mang một vali tiền đến ngồi chầu chực trước cửa ngõ nhà Thanh nhiều tháng trời, may ra Thanh mới cho gặp. Nay Thanh thất thế: “Đang khi bất ý chẳng ngờ/ Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn“.
Hèn nhưng vì cái máu ngông nghênh “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nên Thanh hùng hồn tuyên bố bỏ đảng và to mồm chửi, rằng “không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng”, rằng nếu cho mở một cuộc họp tại Hà Nội, có mặt đầy đủ bá quan văn võ từ Bộ Chính trị cho tới Trung ương, thì Thanh sẵn sàng trở về nước đối chất xem có thằng nào con nào dám đủ bản lãnh lộ mặt ho he với Thanh không.

Thanh đâu có ăn một mình, mà có cả một lũ cùng ăn với Thanh. 

Nhưng Thanh chỉ là một con gà mờ không may bị cắt tiết trong một đàn gà cùng mò vào mổ trộm thóc của chủ. Thanh phải bỏ Đảng ra đi lúc đó, vừa tiếc mất chức mất quyền, mất ăn trơn mặc trắng, mất gái xinh phục vụ những đêm vắng thanh tao, vừa mang nhiều ấm ức trong lòng. Thanh muốn khi chết, phải kéo theo cả cái Đảng này chết cùng thì Thanh mới hả cơn tức.

Đùng một cái, Thanh bị lão Trọng điểm đúng huyệt, cho gái đẹp sang tận xứ Đức nhử vào khách sạn nhiều sao, tóm sống mang về nước hồi cuối tháng 7 năm 2017. 

Dẫu bị dẫn qua các cửa khẩu sân bay Quốc tế nhưng Thanh cũng không dám la hét kêu cứu. Ở Đức, Thanh to mồm chửi Đảng, chửi lão Trọng bao nhiêu, thì trước vành móng ngựa tại Hà Nội, Thanh cúi đầu, van xin “bác Trọng” bấy nhiêu. 

Khi bị “bác Trọng” mang ra xử, trong phiên tòa ngày 17/1/2018, Thanh òa khóc và nói: “Cháu muốn gửi lời xin lỗi đến bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mong bác tha lỗi cho cháu, coi cháu như người con, người cháu trong gia đình”.

***

Thanh chết đáng đời mà Nguyễn Như Phong lại khen Thanh thành lời, chẳng khác nào Phong cố tình trêu ngươi lão Trọng, mai mỉa khinh bỉ châm chọc bọn Tô Lâm. 

Làm cái việc cầm đèn chạy trước ô-tô này, những tưởng Phong sẽ nổi đình nổi đám hơn trong các thể loại Tổng Biên tập tạp nham tả pín lù khác của Đảng, ai dè chính Phong đã tự đưa “chim” của mình vào Ê-tô để kẹp.

Qua lời nói “ỉa vào mặt Đảng” của mẹ Phong, ta có thể đoán lòng hận Đảng của người đàn bà quê mùa chân chất này lên mức độ nào. 

Những tưởng Nguyễn Như Phong lớn lên trong một gia đình như vậy, được người mẹ trực tính hàng ngày chăm ẵm, hun đúc, dạy dỗ, lẽ ra theo gót mẹ, nuôi chí trả thù cha, về sau Phong phải ỉa liên tiếp nhiều bãi hơn nữa vào cái bộ mặt của Đảng này, thì mới giúp nguôi cơn giận cho mẹ, trả được công sinh thành cho cha.

Nhưng than ôi! Vô phúc thay cho người mẹ của Phong, mang nặng đẻ đau, tưởng con trai của mình sẽ có ngày rửa nỗi nhục cho bà, gột nỗi hận cho ông ngoại Phong bị Đảng nhốt ở chuồng lợn, chờ ngày ra pháp trường. Cũng chính cái đảng này suýt cướp đi mạng sống của Phong, khi cu Phong chưa đầy một tuổi, chỉ tí tẹo tèo teo, bị bà mẹ phẫn uất Đảng, định ôm con lao xuống giếng tự vẫn. Nếu không có người “vô tình” gọi ngoài cổng đúng phút kịch tính giữa đêm hôm ấy, thì Phong không còn sống đến ngày nay (lời của Phong trong bài).

Mọi người đọc đến đoạn này hú ba hồn bẩy vía, rụng rời cả tứ chi, lâm ly y như chuyện tình Lan- Điệp. 

Giả dụ không có giây phút “vô tình” đêm đó, chắc chắn Phong đã chết trương phình bụng cóc, thối hoắc thân ễnh ương dưới đáy giếng, coi như Đảng mất đi một nhân tố cực kỳ quan trọng của tương lai ngày mai xán lạn đi lên “thiên đường Xã hội Chủ nghĩa”. Và rồi sau đó, Nguyễn Như Phong đứng trong hàng ngũ “còn Đảng còn mình” ấy, trở thành “thanh kiếm lá chắn”, bảo vệ Đảng.




Sẽ không có những bài viết kiểu dạng dưới đây nếu như con đường thăng quan tiến chức của cựu Đại tá Công an Nguyễn Như Phong suôn sẻ: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy“, đăng trên báo Petro Times, ngày 10/6/2016. 

Lúc đó Phong đã bị “xuống chó” nên viết thế này:

“Trong các loài vật, có lẽ không có loài nào gắn bó với con người hơn con chó. Chó trung thành với chủ, gần như tuyệt đối. Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt. Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ. Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ chửi mắng, thậm chí bị chủ đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi đi đón chủ về…”

Sau bài báo này, người đời gọi Phong là “nhà báo chó”, hay “Phong chó”. Đó là con chó thật trong đời thường Phong tả. 

Qua bài viết, người ta biết Phong lúc nào cũng mánh lới, đóng vai con chó, giả vờ yêu chủ.
Phong viết về con chó, nghiễm nhiên Phong càng bộc lộ bản chất mình. Phong sẵn sàng làm cái việc đi đón lại ông chủ Phú Trọng trở về, chẳng thế khi bị ông Trọng vả mặt, giật lại thẻ nhà báo rồi cưa luôn cái ghế Tổng biên tập, Phong chạy vạy các cửa, những mong ông chủ Trọng động lòng trắc ẩn, trả lại thẻ và ghế, nhưng chờ mãi không thấy. 

Nằm trong tay Tổng Trọng để bảo vệ Đảng mà Phong quá coi thường ông ta, một người biết dùng và thải Phong thời điểm nào.

Từ đáy lòng mình, tôi càng thấy con mắt tinh đời của lão đốt lò Nguyễn Phú Trọng. Lão biết chiêu dụ người dùng loại ngoa ngôn, trường thanh đại họng Nguyễn Như Phong làm cái loa cho Tuyên giáo Đảng, nhưng lão cũng nhìn thấu tim đen Phong, là loài quái thai với hai cái lưỡi, hai lòng trong khi con người ta chỉ có một lưỡi, một lòng.

Thờ chủ mà thờ hai lòng là đồ phản phúc, phản lại cha mẹ đẻ là đồ vô luân. Vậy lão Phú Trọng chỉ dùng Phong tới điểm dừng đó, xong lão co cẳng đạp Phong xuống hố, chứ Phong chưa phải chịu nhục nhã như ông ngoại của Phong ngày xưa bị Đảng nhốt trong chuồng lợn, như con lợn chờ lôi ra xử. Phải nói tiếp đoạn trên cho hết nhẽ, vì đi theo Đảng, bố Phong cũng trở thành kẻ đáng căm giận, khốn kiếp. Phong viết:

“Bố tôi – nhà văn Hoài An khi đó là phóng viên báo Quân đội Nhân dân, bị quy ‘lấy con nhà địa chủ’ và bị bắt đưa đi cải tạo. Nhưng trước khi bị đưa đi, bố tôi bị vệ binh của báo QĐND áp giải về tận nhà mẹ tôi ở Hương Ngải, và phải nói: ‘Cô là con phản động. Nay tôi không thể sống với cô được nữa… từ nay chúng ta chấm dứt tình nghĩa vợ chồng’...”

Đọc đoạn Phong viết, bỗng nhớ tới câu chuyện khác cũng na ná, nói về cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương Chu Văn Biên thời Cải cách ruộng đất (1953-1956) từng ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ mạt sát. Trong chương 7, sách Đèn Cù, tác giả Trần Đĩnh thuật lại lời của Biên nói với mẹ mình: 

“Tao với mi không mẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì nhất định chống lại“. Mẹ Biên cắn lưỡi, rồi nhẩy giếng tự tử chết. Sau thành tích tiêu diệt mẹ của tay đảng viên Chu Văn Biên, hắn được cất nhắc lên làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Trong những câu chuyện tản mạn đâu đó của đời mình, tôi thường được nghe nói về cựu Tổng Bí Đặng Xuân Khu – Trường Chinh, kẻ cũng từng chửi cha đẻ mình trong vụ Cải cách ruộng đất. Hay như ông nhạc sĩ Phạm Tuyên, có cha đẻ là học giả nổi tiếng Phạm Quỳnh, chủ bút tạp chí Nam Phong, cũng bị Việt Minh giết hại, nhưng người con Phạm Tuyên vẫn mê muội, một lòng theo Đảng, ca ngợi Đảng, mà tôi đã có bài trên Tiếng Dân ngày 24/3/2019: “Bài hát của Phạm Tuyên, người hàng xóm nhà tôi”.

Trong vụ Cải cách ruộng đất hồi thập niên 1950, con số bị quy là địa chủ, cường hào, phú nông oan sai, bị Cộng sản tàn sát tại chỗ cũng như chết dần, chết mòn trong ngục tù lên tới cả trăm ngàn người. Tôi cho rằng trong thời Cải cách ruộng đất xa xưa cũng như ngày nay, Cộng sản vẫn giỏi mánh lới chiêu dụ, sẽ có nhiều hơn nữa mà ta không được biết những đứa con bất lương, bất hiếu, chửi cha, nguyền rủa mẹ, ruồng vợ rẫy vợ chồng, như Trường Chinh, Chu Văn Biên, Phạm Tuyên, hay Hoài An, cha đẻ Phong…

***

Sau khi bị ông chủ Trọng đạp Phong “xuống chó”, Phong càng bộc lộ qua nhiều bài viết “trở cờ” chống Đảng, rao giảng đạo đức, như: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy” hay “Nửa ngày rau dưa với Trung tướng Phan Văn Vĩnh”, với hình ảnh chụp Phong đang ngồi ăn bữa cơm đạm bạc với Trung tướng Đảng viên trộm cướp công nghệ cao Vĩnh, cũng như bài “Nói một chút về Phan Văn Vĩnh – Bạn tôi“. Ảnh đăng kèm, Phong đang ôm Vĩnh trên giường bệnh rất… con người. 

Nếu không bị xuống chó, làm sao độc giả đọc được bài “Chuyện của tôi ở… cải cách ruộng đất”, hay những bài viết kể trên, cũng như các tấm ảnh Phong chụp chung với tướng cướp Phan Văn Vĩnh?

Ngoài nhiều bài đã đăng báo, Phong còn đăng trên trang facebook của mình các tiểu phẩm, kiểu viết như ca ngợi lòng nghĩa hiệp của Đảng viên Dương Tự Trọng, cựu Đại tá Công an, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, từng tổ chức cho anh ruột là tên quan tham, đảng viên lưu manh Dương Chí Dũng chạy trốn ra nước ngoài.

Chính Dương Tự Trọng, cựu Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, là người đã từng ký lệnh bắt giam và khởi tố oan sai Nguyễn Văn Chưởng, người thanh niên vô tội suýt bị mang ra hành quyết, hiện vẫn còn bị giam sau 14 năm chưa được thả. Cũng Dương Tự Trọng là người đã kéo quân về Tiên Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn ngày 5/1/2012. Rồi luật nhân quả không chừa một ai, Dương Tự Trọng cùng người anh là Dương Chí Dũng đã và đang ngồi tù vì vụ án khác.

Chưa biết Đại tá công an Dương Tự Trọng và Trung tướng Phan Văn Vĩnh có phải là khắc tinh của bọn trộm cướp, lưu manh xã hội đen như Phong ngợi ca không, nhưng chính bọn chúng là những kẻ khuyết tật của một băng Đảng với tiền sử thì trộm cướp, tiền án thì lưu manh có số má, cân hạng, thứ bậc, tên tuổi rõ ràng mà chính Phong gài chân trong đó.

Ngoài ra, Phong còn viết bài bóng gió ngợi khen hãng xe VinFast của tập đoàn VinGroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập. Vượng có em trai là Phạm Nhật Vũ, là một trong những nhân vật chính của đại án Mobifone mua AVG, đã bị Tổng Trọng cho “vào lò”, cùng với hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, tìm cách hốt lớn qua thương vụ mua gian bán lận.

Mới đây Phong còn đe dọa sẽ cho công bố tố cáo tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của 55 kẻ mua bằng giả của Đại học Đông Đô, đang nắm giữ nhiều chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Phong còn ra hạn, trong vòng một tháng, nếu không 55 kẻ này sẽ chết dưới tay Phong. Mấy tháng trôi qua chẳng có kẻ nào ló mặt mà Phong cũng ngậm tăm luôn. Cựu đại tá Công an Phong nghiễm nhiên phạm vào hai tội, đe dọa vu khống và tội biết kẻ phạm pháp mà không khai báo với nhà chức trách, mà để dành ăn mảnh.

***

Khi chưa biết nhà báo Nguyễn Như Phong, cứ nghe độc giả gọi “nhà chó” chứ nhà báo gì loại đó, tôi thấy hơi nặng lời và bất nhã. Nhưng sau khi đọc bài: ” Chuyện của tôi ở … cải cách ruộng đất“, thì thấy Phong để lộ chân tướng quá trắng trợn. 

Thật khó có thể lý giải, một kẻ biết rõ mẹ đẻ của mình muốn “ỉa năm bảy đống” vào cái Đảng đó, mà Phong bỏ ngoài tai vẫn quyết đi theo chúng nó, thì không biết nên gọi Phong là gì cho chính xác.

Tôi cảm thấy ngao ngán, tự hỏi về Nguyễn Như Phong? Cái loại người ấy, người gì?!

...................../.

========================
Chuyện của tôi ở … cải cách ruộng đất
Nguyễn Như Phong
7-2-2021
....
Nói chuyện về cải cách ruộng đất thì phải khẳng định đó là một trang lịch sử đẫm máu của Việt Nam… Nhưng không nên bàn luận nhiều về việc này, mặc dù người ta vẫn cố lấp liếm, cố bưng bít.
Tôi xin kể chuyện của tôi, chính thằng tôi, cũng suýt là nạn nhân của ‘Cải cách ruộng đất’, mặc dù khi đó tôi chưa đầy năm!

Số là ngày ấy, ông ngoại tôi – Nhà văn, Danh y Nguyễn Tử Siêu ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi bị quy là “phản động, là đảng viên Đại Việt” và thế là bị kết án tử hình.

Bố tôi – nhà văn Hoài An – khi đó là phóng viên báo Quân đội Nhân dân, ngay lập tức bị quy vào việc “lấy con nhà địa chủ” và bị bắt đưa đi cải tạo. Nhưng trước khi bị đưa đi, bố tôi bị vệ binh của báo QĐND áp giải về tận nhà mẹ tôi ở Hương Ngải, và phải nói: “Cô là con phản động. Nay tôi không thể sống với cô được nữa… Từ nay chúng ta chấm dứt tình nghĩa vợ chồng“. 

Mẹ tôi bình tĩnh và bảo: “Bố tôi có là phản động hay không thì tôi biết… Anh cứ đi đường anh… Tôi không gây phiền cho anh đâu“.

Nỗi uất ức vì bố bị vu oan, giam trong chuồng lợn, chờ ngày ra pháp trường, uất ức vì chồng như vậy, uất ức về việc phải ra khỏi Đảng, mặc dù mẹ tôi được kết nạp Đảng từ năm 1948… Tất cả những nỗi uất ức đó cộng lại khiến mẹ tôi chịu không nổi và bà quyết định tự sát bằng cách ôm cả tôi nhảy xuống giếng …

Khi bế tôi ra đến giếng thì có tiếng gõ cổng, mặc dù đã gần nửa đêm… Mẹ tôi đặt tôi xuống cạnh giếng, chạy ra mở cổng. Và bà sững lại khi thấy nhà báo Phú Bằng, Ngô Thông… và hai người nữa đến. Và chưa kịp hỏi han gì thì tôi oe khóc… Ông Phú Bằng ra ngay giếng và bế tôi lên.. .Ông hiểu ngay ra sự tình.

Ông Ngô Thông nói gấp gáp: “Sao cô nghĩ liều thế. Thằng Hoài An nó cũng khổ lắm. Cấp trên bắt nó phải nói đấy! Nó gửi tiền về đây và dặn cô phải cố nuôi thằng Phong. Còn việc này Đảng sai rồi...”

Nói xong, mấy ông lại biến vào trong màn đêm. Nhờ thế mà tôi sống. Còn ông Ngoại tôi, cũng may mắn được tha tội chết vì là danh y… 

Còn mẹ tôi, mỗi khi nhắc đến cải cách ruộng đất, bà lạnh lùng: “Tao ỉa năm bảy đống vào cái Đảng nhà chúng mày!!!”

Chuyện là thế đấy!

....................../.

https://www.facebook.com/nguyenhuuvinh.basam

Tỷ phú và quyền lực được bảo kê nơi cung đình (Kỳ 2)

 

Trần Kỳ Khôi

Tỷ phú và quyền lực được bảo kê nơi cung đình (Kỳ 2)

***

Trong kỳ 1, chúng tôi đã giới thiệu bốn "doanh nhân thành đạt" đã được các nhân vật chóp bu nơi cung đình bảo kê, giúp họ làm giàu như thế thế nào. Kỳ này, chúng tôi xin được giới thiệu thêm ba "doanh nhân" khác, để mọi người hiểu thêm cách làm giàu của họ, cũng như hiểu thêm rằng các "doanh nhân" này càng giàu thì đất nước mạt, người dân càng bị bần cùng hóa.

TH True Milk và “người đàn bà sữa tươi”
Thái Thị Hương, tức Thái Hương, hay Hương Bắc Á sinh năm 1958, quê Nghệ An. Thái Hương đang nắm giữ hai chức vụ quan trọng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa TH True Milk; Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK).
Xuất phát điểm của Thái Hương chỉ là một viên chức kế toán tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An, sau buôn bán vựa xi măng, sắt thép. Nhờ sự bảo kê của “ông anh” đồng hương là bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nên Thái Hương có tất cả. Thái Hương có được ngân hàng, có TH Group, có trang trại hàng ngàn hecta. Bằng khen, huân chương, danh hiệu, Thái Hương đếm không xuể, thậm chí còn có cả danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
TH Group đầu tư ở Tuyên Quang, Sơn La, sắp đến sẽ vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, với tổng số tiền đầu tư dự kiến 1,2 tỷ USD. Thái Hương cũng đã lấn sân sang xây dựng và vận hành hệ thống trường TH School; xây dựng hệ thống bệnh viện đa khoa quốc tế 5 sao và trung tâm y tế điện tử tại Hà Nội.
Năm 2011, lợi dụng mình là chủ Ngân hàng Bắc Á, Thái Hương đã rút tiền tài trợ cho các dự án của bà ta, cũng như cho "con cháu các cụ cả" vay tiền mà không cần thế chấp. Các dự án này làm ăn không hiệu quả, kết quả là Bắc Á Bank ngập ngụa trong đống nợ, với 9.000 tỷ đồng không có khả năng chi trả. May mắn cho Hương, lúc đó "ông anh" đồng hương vừa ngồi vào ghế Chủ tịch Quốc hội. Nhờ sự giúp đỡ của "ông anh" mà Ngân hàng Nhà nước VN, Agribank cùng với BIDV đã chuyển cho Bắc Á Bank 10.000 tỷ đồng để cứu "cô em".
Tháng 6 năm 2012, Thái Hương đã bỏ ra 150 tỷ đồng để xây “nhà thờ tổ” vô cùng hoành tráng cho dòng họ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại núi Chung, Nam Đàn, Nghệ An, gây xôn xao dư luận. Thì ra, “bánh ít ném đi, bánh quy ném lại”, được 10.000 tỷ mà chỉ mất 150 tỷ, Thái Hương vừa thoát khỏi tù tội, phá sản, lại còn được tiếng là doanh nhân tốt bụng, bỏ tiền ra xây nhà thờ tổ cho dòng họ ... ông Hồ!
****









Được sự bảo kê của "ông anh", người phụ nữ nghèo xứ Nghệ ngày nào, nay đã thành "người đàn bà sữa tươi” đại gia ngàn tỷ, tên tuổi vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Các đại quan Nghệ Tĩnh và đàn em của Nguyễn Sinh Hùng hiện nay đang chiếm thế thượng phong ở triều đình. Nhờ đó, Thái Hương vươn “vòi bạch tuột” đi hái tiền khắp mọi miền đất nước mà không sợ bị ném "vào lò".

.................
Đại Nam và ông chủ Dũng “lò vôi”
Huỳnh Phi Dũng, tức Huỳnh Uy Dũng, còn gọi là Dũng “lò vôi”, sinh năm 1961, quê Bình Định. Dũng hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam.
Mới học lớp 10, Dũng "trúng tuyển" nghĩa vụ quân sự. Vài năm sau xuất ngũ, Dũng vác ba lô lang thang vào miền Nam kiếm việc. Tình cờ Dũng quen biết với Trần Thị Tuyết, sinh năm 1954, con gái ông Trần Văn Thu, tức Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Năm 1981, Dũng kết hôn với Tuyết. Được bố vợ xin vào Phòng Tổ chức công an Sông Bé, sau chuyển sang hậu cần, cuộc sống của Dũng bắt đầu đỡ hơn. Có chút tiền, Dũng mở nhiều lò nung vôi để bán. Và biệt danh Dũng “lò vôi” có từ đó. Nhờ vào thế lực nhà vợ, bạn bè của bố vợ bảo kê, Dũng “lò vôi” bỏ ngành công an, được lãnh đạo tỉnh Sông Bé giao cho chức giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thành Lễ, tức Sơn mài Thành Lễ, một công ty nổi tiếng trước năm 1975.
Thời kỳ này, đàn em ông Ba Thu là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1942, trúng cử Tỉnh uỷ viên, nắm chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé. Ông Triết chính là nhân vật bảo kê cho hành trình cướp đất làm giàu của Dũng “lò vôi” từ đó.
Tháng 6-1991, Nguyễn Minh Triết trúng cử Uỷ viên Trung ương khoá 7, làm bí thư Tỉnh uỷ Sông Bé giai, đoạn 1991-1996. Thầy lên thì trò cũng lên, Huỳnh Phi Dũng, tức “Dũng lò vôi” được đưa vào làm đại biểu Quốc hội khóa X (1997 - 2002) để ngồi ngang hàng với các chính trị gia khác.
Huỳnh Phi Dũng phất lên như diều gặp gió. Tài sản của nhà nước cứ thế chảy sang túi gia đình ông ta. Dũng thâu tóm đất đai, xây dựng ba khu công nghiệp, cho các đối tác thuê nhà máy, xí nghiệp, kho vận và bến bãi:
- Sóng Thần 1, có diện tích 178 hecta. Khởi công năm 1992, hoạt động 1995, đầu tư 245 tỷ, thuộc tài sản quốc doanh Công ty XNK Thành Lễ, sau này Dũng “lò vôi” nuốt luôn.
- Sóng Thần 2, có diện tích 279 hecta, tổng vốn đầu tư 423 tỷ đồng
- Sóng Thần 3, có diện tích 534 hecta, tổng vốn đầu tư 936 tỷ đồng
Ngoài ra, Dũng còn sở hữu nhiều quỹ đất lớn, phát triển các dự án như triển Khu đô thị, Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần… Riêng Khu du lịch Đại Nam rộng 700 hecta, Dũng bỏ ra đến 6000 tỷ, xây dựng từ năm 1999 đến năm 2008 mới kinh doanh đón khách.




Cũng trong năm 2008, Dũng “lò vôi” đổi tên từ Huỳnh Phi Dũng thành Huỳnh Uy Dũng. Năm 2010, Dũng ly hôn người vợ thuở hàn vi, để cưới bà Nguyễn Phương Hằng. Hằng tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1971. Trước khi lấy Dũng lò vôi, bà Hằng đã từng có hai người đàn ông đi "chăn kiến", đó là Đỗ Đạt Giang, đàn em của Năm Cam và người kia là doanh nhân Trần Văn Thìn.


Dũng "lò vôi" là một trọc phú chơi ngông. Trong lễ mừng thọ mẹ, Dũng tổ chức tại Đại Nam. Dũng “lò vôi” đã mời cả chục ngàn quan khách, trong đó có người khách đặt biệt đã được ông ta trang trí lọng vàng để che là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng phu nhân, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, cùng nhiều cán bộ cấp cao trung ương và địa phương tới dự.
Từ một kẻ vô danh, được lãnh đạo đảng cấp cao ưu ái, giúp Huỳnh Uy Dũng cướp hết đất đai của người dân Bình Dương khai khẩn, trong những miếng đất đó có mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của dân Bình Dương.

Ông Chín Cung, tức Lê Thanh Cung, Phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2010-2014, đã từng thốt lên: “Dũng ‘lò vôi’ bất tài, lừa đảo”; “Dũng sống được cũng nhờ ‘xương’, ‘máu’ của tỉnh Bình Dương chứ. Nhờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương, ông Dũng mới có tài sản như hiện nay chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi”.
......................

“Muội” Vạn Thịnh Phát và hung thần Hai Nhựt
Trương Mỹ Lan, tức Trương Muội, sinh năm 1956, người Việt gốc Hoa, sinh tại Sài Gòn. Muội là tiểu thương bán vải chợ Soái Kình Lâm, tức Thương xá Đồng Khánh, thuộc quận 5, Sài thành. Tình cờ Trương Muội quen biết với Trương Thị Hiền, vợ của Lê Thanh Hải và là em gái của hai nhân vật nổi tiếng là Trương Mỹ Lệ và Trương Mỹ Hoa. Từ đó, Muội kết nghĩa với vợ chồng Lê Thanh Hải, bí thư quận uỷ quận 5. Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan.

Nếu không có sự bảo kê tuyệt đối của Lê Thanh Hải (tức Hai Nhựt), Uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư thành Hồ, cùng với chị vợ của Hai Nhựt là Trương Mỹ Hoa, Phó chủ tịch nước, trong suốt thời gian từ năm 1990 đến năm 2016, thì sẽ không có nhân vật Trương Mỹ Lan.

Trương Mỹ Lan thâu tóm hết bất động sản trên các tuyến đường đắt đỏ nhất Sài Gòn, mua đứt luôn ngân hàng SCB. Đất vàng, đất “kim cương” ở trung tâm thành phố “Hòn Ngọc Viễn Đông”, công sản, dinh thự của các cơ quan chính phủ, của tư sản thời VNCH, bị chính quyền cộng sản tịch thu sau năm 1975, đều được quan chức thành Hồ dâng cho Trương Mỹ Lan. Chưa hết, Vạn Thịnh Phát còn gom hàng trăm hecta đất mà chính quyền cướp được từ dân Thủ Thiêm.

Vạn Thịnh Phát huy động vốn ngân hàng, phát hành cổ phiếu, thao túng thị trường nhà đất khu vực phía Nam ngót mấy chục năm. Ngoài sự bảo kê của gia tộc Lê Thanh Hải, những kẻ nhận tiền hối lộ của Trương Mỹ Lan còn có cả bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, cũng như các “trùm” ở Ngân hàng Nhà nước. Vụ này, từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, đến Trưởng ban Nội chính Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và cả bộ máy ở trung ương đều biết cả, nhưng làm ngơ.
Chỉ là một quan chức quèn như Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) nhưng đã nhận hối lộ từ Trương Mỹ Lan số tiền khủng, lên tới 5,2 triệu USD. Vậy tầm các Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, đã cầm của Trương Mỹ Lan số tiền lên tới bao nhiêu?




Tiền đã chảy hết ra nước ngoài, Trương Mỹ Lan mới bị bắt giam. Bà ta bị đề nghị truy tố các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ. Về hành vi tham ô tài sản, cơ quan điều tra xác định, bà Lan đã chiếm đoạt hơn 300 ngàn tỉ đồng (khoảng 12,5 tỉ đô la) và gây thiệt hại gần 130 ngàn tỉ đồng (khoảng 5,4 tỉ đô la).

Hàng triệu người dân đã gởi tiền vào ngân hàng SCB, mua cổ phiếu “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát, ai sẽ trả lại số tiền đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu cho họ?

......................../.


HOÀNG VĂN HOAN VÀ NHỮNG "NƯỚC ĐI" CỦA BẮC KINH


HOÀNG VĂN HOAN VÀ NHỮNG "NƯỚC ĐI" CỦA BẮC KINH
https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid0ozKR8to9jj2ZQC5hK6G88CUE29CacyMWeurUttVAkm2LMwdNrYbctyePC6N3sToEl


Ngày 3-7-1979, Phó Chủ tịch Quốc hội Hoàng Văn Hoan trên đường sang Đức chữa bệnh, khi máy bay của hãng Interflux quá cảnh ở Carasi, Pakistan, ông đã cáo bệnh ở lại, rồi hôm sau đánh lừa người bác sĩ đi cùng, đi taxi đến lãnh sự quán Trung Quốc. Ngày 5-7-1979, ông được đưa tới Bắc Kinh.
Đôi bên lặng ngắt. Hơn một tháng sau, ngày 5-8-1979, TTXVN mới phát đi bài phỏng vấn Tổng thư ký UBTV Quốc hội Xuân Thủy về “Vụ Hoàng Văn Hoan bỏ trốn”.
Ngày 9-8-1979, từ Bắc Kinh, Hoàng Văn Hoan có “Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam”, buộc tội Lê Duẩn đã “khống chế đất nước”. Theo ông, trong lúc “nhân dân ta đang khao khát sống yên ổn [sau 30 năm chiến đấu gian khổ], xây dựng tổ quốc để mở ra con đường tiến tới tương lai tốt đẹp” thì, “triển vọng đó đã bị Lê Duẩn phá hoại hoàn toàn”.
Bức thư được đài Bắc Kinh và BBC phát đi như một quả bom, chấm dứt những đồn đoán trước đó. Không khí chính trị trong nước đã ngột ngạt, càng thêm ngột ngạt.

Hoàng Văn Hoan

Hoàng Văn Hoan “nối gót” một người cùng quê, ông Hồ Tùng Mậu, xuất dương, trở thành “học trò lớp thứ Hai” của Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, rồi trở về quê thành lập Chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội đầu tiên ở Quỳnh Đôi. Ông sát cánh cùng Hồ Chí Minh ở “Đảng Cộng sản Xiêm”. Cùng một số người Việt giúp cụ Hồ Học Lãm đồng sáng lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội [Việt Minh].
Đầu năm 1942, ông về Cao Bằng, cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp “cố vấn cho tỉnh ủy Cao Bằng” xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Ông là một trong 7 người “theo chỉ dẫn của Bác Hồ trực tiếp xây dựng lực lượng vũ trang Cách mạng”[Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp và Phan Anh, Tạ Quang Bửu (từ Trường Thanh niên Tiền tuyến)].
Trong những ngày ngay sau 2-9-1945, ông là thứ trưởng Quốc phòng và được giao phụ trách công tác chính trị [Chính ủy toàn quân].
Năm 1956, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Trước Đại hội IV, Lê Duẩn cử ông đi “dự phiên họp đầu khóa của Quốc hội Cuba” và khi trở về thì Đại hội đã xong phần trù bị [làm nhân sự], Hoàng Văn Hoan bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị.
Trên bàn làm việc của Hoàng Văn Hoan được nói là luôn có một cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bằng chữ Hán[của một học giả người Nhật tặng] và một cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nhà Nho, hẳn biết rõ Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, vậy điều gì khiến ông quyết định đến Bắc Kinh khi Bắc Kinh vừa gây ra một cuộc chiến tranh và cả bộ máy tuyên truyền đang khiến nhân dân sục sôi chống “quân bành trướng”?
Ngày 18-5-1991, Hoàng Văn Hoan qua đời ở Bắc Kinh, hưởng thọ 86 tuổi. Theo đề nghị của ông, tro cốt được chia làm 3 phần: “Một phần rắc nơi đầu nguồn sông Hồng để tôi được về với Tổ Quốc Việt Nam thân yêu; Một phần lưu lại Trung Quốc để tỏ tấm lòng lưu luyến, biết ơn của tôi với ĐCS, nhân dân Trung Quốc và bà con Việt Kiều…”
Phần lưu lại được Bắc Kinh đặt trang trọng ở Bát Bảo Sơn, phần đưa về Việt Nam an táng tại quê nhà. Bia mộ ghi ba chữ, “Trung Chính Công” [bậc trung chính]. Hai bên có đôi câu đối: “Công danh kí sơn hà, thiên thu định luận/ Nhân cách tồn chính sử, lưỡng quốc lưu hương”. Trên đầu bia có dòng chữ "Cao chiêm viễn chúc"[đứng trên cao để nhìn xa]. Dưới ghi ”Kính tùng ngạo băng tuyết"[Cây tùng (cứng cỏi) coi thường băng tuyết. Câu này trích từ một bài thơ chữ Hán của Hoàng Văn Hoan với hai câu đầu, "Kính tùng ngạo băng tuyết/ Hàn đống độc thư nghiên"[Cây tùng cứng cỏi ngạo băng tuyết/ Trong sương giá vẫn một mình tươi xanh].
Sau khi Hoàng Văn Hoan “trốn sang hàng ngũ kẻ xâm lược nước ta”[lời của Tòa án], một người đồng chí của ông là Chu Văn Tấn cũng bị giam giữ. Chu Văn Tấn qua đời trong điều kiện bị giam lỏng vào năm 1985.
Ngày 26-6-1980, TAND TC đã tuyên xử tử hình Hoàng Văn Hoan về tội phản quốc. Báo chí thì đã “xử” ông không biết bao nhiêu giấy mực.
Cứ cho là có “thiên thu định luận”.
Nhắc lại câu chuyện Hoàng Văn Hoan hôm nay chỉ để nói câu chuyện “chơi bài” của Bắc Kinh.
Ông Hoàng Văn Hoan làm Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh từ 1950-1957. Ngay khi có mặt ở TLSQ Trung Quốc ở Carasi, “ông mượn mấy đồng Rupi trả tiền taxi, rồi đi thẳng vào trong nhà tự nhiên như người quen biết cũ”. Khi cầm bức điện Hoàng Văn Hoan thảo gửi Lý Tiên Niệm [CTN], các cán bộ lãnh sự hiểu ngay vấn đề, họ “khẩn trương thu xếp chỗ ở kín đáo” cho ông.
Ngay chiều hôm đó, Bắc Kinh trả lời và chỉ thị đưa ông tới Bắc Kinh “càng sớm càng tốt”.
Việc đầu tiên, Hoàng Văn Hoan được Trung Quốc đưa vào viện 103, nơi các bác sĩ phát hiện ông bị ung thư phổi. Bắc Kinh đã mời Viện trưởng Viện Ung thư Nhật và một đoàn chuyên gia Nhật sang, hội chẩn và cùng các bác sĩ Trung Quốc mổ cho ông.
Ông không chỉ được chăm sóc chu đáo ở bệnh viện. Gần 12 năm ở Trung Quốc, Hoàng Văn Hoan được bố trí ở trong một biệt thự lớn gọi là “Lầu 10” nằm trên một đồi cao, phía trước là một vườn đào rộng mấy hecta, phía sau là núi, phía xa là hồ nước “rộng như hồ Ba Mẫu”.
Lầu 10 nằm ở Ngọc Tuyền Sơn, một khu an dưỡng đặc biệt dành cho lãnh đạo cao cấp. Trong khoảng 1965-1968, Hồ Chí Minh cũng đã mấy lần ở Lầu 1 của Ngọc Tuyền Sơn[cách Lầu 10 hơn 1 km].
Ngoài phòng khách, phòng làm việc, phòng giải trí, phòng ngủ, phòng làm thuốc… Lầu 10 còn có nhiều phòng khác cho thư ký, cận vệ, cần vụ, cấp dưỡng, y tá, lái xe… Bắc Kinh cũng dành cho Hoàng Văn Hoan một xe Hồng Kỳ, loại xe chỉ “lãnh đạo tối cao” của Bắc Kinh mới được sử dụng.
Bắc Kinh là thế.
Năm 1970, Norodom Sihanouk bị Lonnon lật đổ khi ông đang ở thăm Mascova. Chủ tịch HĐBT Liên Xô, Aleksei Kosygin, chỉ cho ông Hoàng biết tin trên đường tống tiễn ra sân bay. Nhưng Bắc Kinh không chơi như vậy. Bắc Kinh vẫn đón Sihanouk theo lịch trình và Chu Ân Lai đã yêu cầu các đại sứ nước ngoài đang ở Bắc Kinh cùng ra bay đón ông Hoàng dù Vua không còn ngai nữa.
Sihanouk cũng ở Ngọc Tuyền Sơn trong nhiều năm với rất nhiều cung nữ và các đầu bếp thượng hạng, có đủ Tây, Tàu.
Bắc Kinh không đặt cược hết vào Khmer Đỏ. Người Trung Quốc biết Pol Pot, Yeng Sary được những người CS Việt Nam đưa vào Đảng ở Paris. Cũng những người CS Việt Nam đảm bảo cho Pol Pot, Yeng Sary tiếp tục sinh hoạt trong tổ chức đảng khi quay về CPC.
Bắc Kinh thường chỉ hậu thuẫn cho các tổ chức Maoist ở Đông Nam Á như những nhóm phiến quân. Khi đó, Bắc Kinh vẫn tưởng, Khmer Đỏ lên nắm quyền thì sẽ thân Hà Nội hơn. Việc để Khmer Đỏ đứng chung với Sihanouk, sử dụng uy tín quốc gia của ông là do nỗ lực nhiều hơn từ Hà Nội.
Từ năm 1973, theo Thượng tướng Trần Văn Trà, “Ta giúp bạn giải phóng các tỉnh phía Đông CPC”. Năm 1975, đặc công Việt Nam đã giúp Khmer Đỏ đánh sập cầu Chhroy Chhangva và pháo binh Việt Nam đã khống chế sân bay cũng như hỏa lực của Lonnon, giúp Khmer Đỏ nắm quyền ở Phnom Penh trước khi “giải phóng Sài Gòn” hai tuần.
Tôi vừa đọc xong hồi ký của một người Khmer sống sót qua chế độ Pol Pot. Ông là một trong 3 người còn lại trong số khoảng 800 người “Khmer tập kết” mà Hà Nội giao cho Pol Pot, Ieng Sary đầu thập niên 1970s. Rất nhiều người trong số họ đã cố gắng đào thoát sang Việt Nam trước khi Khmer Đỏ lên cầm quyền nhưng đã bị trả lại cho Khmer Đỏ.
Chúng ta đổ xương máu để “rèn” Khmer Đỏ thành một con dao găm. Để rồi Bắc Kinh là người đã nắm đằng cán để thúc lưỡi dao ấy vào sườn phía Tây Nam của Tổ Quốc.
Năm 1990, khi Lê Đức Anh muốn “giải pháp đỏ” thì Bắc Kinh đã chuẩn bị chơi quân cờ khác. Cộng sản Bắc Kinh sử dụng các quân cờ vì nó sử dụng được chứ không vì nó xanh hay đỏ.
Ngày 14-11-1991, khi chiếc Boeing đưa Sihanouk từ Bắc Kinh về lại Phnom Penh, xuất hiện cùng ông ở cầu thang máy bay là Hun Sen. Năm 1998, khi đã thiết lập được những mối quan hệ vững chắc với Phnom Penh, Bắc Kinh cắt hầu bao, Khmer Đỏ mới thực sự tan rã.
Cho dù, trong các cuộc can thiệp quân sự ra nước ngoài trên thế giới từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay, CPC là một điển hình thành công. Chính quyền do Việt Nam dựng lên vẫn tồn tại sau 35 năm rút quân. Nhưng, ai thực sự đắc lợi từ chính quyền ấy mới là điều rất cần suy nghĩ.
Trở lại với câu chuyện Hoàng Văn Hoan trong đoạn kết của cuộc chiến tranh Biên giới Việt - Trung.
Ngày 29-3-1990, trong một hội nghị quốc tế kỷ niệm “100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với con trai Hoàng Văn Hoan, ông Hoàng Nhật Tân, “Mình nghe nói Trung ương đã quyết định để Tân sang Trung Quốc thăm cụ Hoan”. Và khi ông Tân đến chào Thứ trưởng Ngoại giao Đinh Nho Liêm thì ông Liêm rất niềm nở và nói là “sẽ cử cán bộ đến nhà bàn việc gia đình sang Bắc Kinh thăm ông cụ”.
Ngày 31-3-1990, hai cán bộ ngoại giao đến nhà chính thức thông báo “việc sang Bắc Kinh thăm ông cụ đã được Trung ương chuẩn y”. Cả Bộ Ngoại giao Việt Nam và Sứ quán Trung Quốc nhanh chóng làm thủ tục để phu nhân, con trai và cháu nội Hoàng Văn Hoan đi Trung Quốc hai tuần sau đó. Họ được đón tiếp nồng hậu tại Cửa khẩu. Ngày 17-4-1990, đích thân Bí thư Khu Tự trị Quảng Tây tiễn 3 mẹ con lên một khoang tàu sang trọng chạy đến Bắc Kinh.



Sau một thời gian bố trí cho gia đình thăm thú Trung Quốc và trị bệnh cho bà Hoàng Văn Hoan, chiều 4-7-1990, Giang Trạch Dân tới Ngọc Tuyền Sơn thăm Hoàng Văn Hoan và gia đình. Ngày 7-7-1990, “Hoàng Lão” được mời vào Trung Nam Hải hội kiến với “đồng chí Giang Trạch Dân”, ông Hoàng Nhật Tân và “đích tôn”, Hoàng Thái, cũng được đưa vào để tối ấy Giang Trạch Dân đãi tiệc.
Ngày 12-8-1990, hai ngày sau khi về tới Hà Nội, ông Hoàng Nhật Tân viết thư cho TBT Nguyễn Văn Linh, hôm sau, TBT Nguyễn Văn Linh cho xe Lada tới tận nhà đón ông lên Văn phòng gặp. Tinh thần “cuộc hội đàm” giữa Giang Trạch Dân và Hoàng Văn Hoan đã được Hoàng Nhật Tân chuyển về Hà Nội. Ông Tân sau đó còn tiếp xúc với Nguyễn Cơ Thạch, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng…
Ngày 3-9-1990, TBT Nguyễn Văn Linh đi Trung Quốc, một cuộc gặp cấp cao diễn ra bí mật, về sau được biết với tên gọi, “Hội nghị Thành Đô”.
Chúng ta không biết hết những con đường dẫn đến bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, nhưng, con đường Hoàng Văn Hoan là rất trực tiếp.
Rồi ai “định luận”.


....................../.