Nhát đinh của Phù Nam

 Nhát đinh của Phù Nam


Có những cái chết (dự báo trước), hoặc cận kề cái chết, đáng lý cần được chú ý hơn, bởi nó liên quan đến mạng sống của hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh quốc gia Việt Nam nói chung. Đó là dự án kênh đào Phù Nam, mà theo nhận định của Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, là: “Chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài ĐBSCL" (“This artificial canal project could be the final nail in the Mekong Delta coffin”). Ngày 5-8-2024, dự án này bắt đầu được khởi công.
Viết trên Nikkei Asia ngày 23-5-2024, chính trị gia Campuchia lưu vong, Sam Rainsy (đồng sáng lập và quyền lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia, cựu Bộ trưởng Tài chính) nhấn mạnh, yếu tố thương mại lẫn nông nghiệp dường như không phải là lý do thực sự khiến Hun Sen (cựu Thủ tướng và là đương kim Chủ tịch Thượng viện Campuchia) và Hun Manet (đương kim Thủ tướng) theo đuổi dự án kênh đào Phù Nam (Funan Techo).


Điểm cần chú ý – theo Sam Rainsy - là cửa kênh Phù Nam nằm cách căn cứ Hải quân Ream chỉ khoảng 70 km về phía Đông, nơi được tin là tiền đồn nước ngoài của Hải quân Trung Quốc. Cho đến nay (hạ tuần tháng 7-2024), ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu chiến Trung Quốc vẫn hiện diện tại Căn cứ Hải quân Ream. Hai tàu chiến này có mặt từ cuối năm 2023. Ngày 3-12-2023, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh thậm chí đã đến thăm các tàu Trung Quốc cùng với đại sứ Bắc Kinh tại Phnom Penh.
Cựu Thủ tướng Hun Sen liên tục phủ nhận việc Campuchia cho phép Trung Quốc sử dụng Ream làm căn cứ, gọi những kết luận như vậy là “vu khống”. Con trai ông, Hun Manet, bắt đầu ngồi ghế thủ tướng từ tháng 8-2023, cũng nhắc lại vào tháng 1-2024 rằng sẽ không có căn cứ quân sự nước ngoài nào trên đất Campuchia vì điều đó trái với Hiến pháp.
Trong bài viết thượng dẫn, Sam Rainsy nhắc lại, một số nhà phân tích phương Tây tin rằng Bắc Kinh đang hối thúc Campuchia tiến hành dự án kênh đào Phù Nam (có chiều rộng lên tới 100 mét và độ sâu 5,4 m) để Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng tấn công Việt Nam trong trường hợp xảy ra xung đột. Kênh đào còn cung cấp cho Bắc Kinh một ngả ra biển, khi xuất phát từ tỉnh Vân Nam; đồng thời tàu Trung Quốc có thể đi đến tận Vịnh Thái Lan.
Cần nhấn mạnh, Campuchia không bỏ một xu trong dự án Phù Nam ước tính 1,7 tỷ USD, dự kiến hoàn thành trong ba năm. Không như nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển, Campuchia không tốn hoặc vay đồng nợ nào để thực hiện Funan Techo vì nó được làm trên cơ sở “xây dựng-vận hành-chuyển giao” (BOT), trong đó nhà thầu Trung Quốc giữ quyền khai thác, “lời ăn lỗ chịu”, trong 50 năm.
Xét về tác hại môi trường và sinh thái, Việt Nam từng nhiều lần bày tỏ lo lắng việc kênh Phù Nam gây ảnh hưởng nghiêm trọng sông Mekong, đặc biệt ĐBSCL (Đồng bằng sông Cửu Long). Việc phân phối lại các nguồn nước sẵn có là điều phải làm; tuy nhiên, Hun Sen đã từ chối đàm phán với Hà Nội về vấn đề này, nói rằng ông chưa bao giờ ra quyết định sai lầm trong 47 năm qua. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn tại Washington, cho biết Phù Nam sẽ ngăn lũ vào mùa mưa và gây thiệt hại cho các vùng ngập nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp lẫn hệ sinh thái lưu vực Mekong. Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, thậm chí nói: “Dự án kênh đào nhân tạo này có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài (ĐBSCL).
Cảnh báo của Brian Eyler không phải không có căn cứ. Ngày 27-4-2020, trong hội nghị chuyên đề do Diễn đàn Môi trường Mekong, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Cần Thơ tổ chức trực tuyến, nhà nghiên cứu Philip Minderhoud và Sepher Eslami Arab thuộc Đại học Utrecht, thành viên Dự án Rise and Fall, đã chia sẻ kết quả cuộc điều tra kéo dài sáu năm của họ. Nghiên cứu của họ cho thấy chưa đến 5% lượng nước mặn xâm nhập ĐBSCL là do biến đổi khí hậu. Thủ phạm chính xác hơn là hệ thống thủy điện chằng chịt. Hai nhà nghiên cứu khẳng định, các con đập ở thượng nguồn là nguyên nhân khiến nguồn cung cấp trầm tích của ĐBSCL giảm hơn 90%. Trong thực tế, Mekong hấp hối từ lâu đã là tiếng chuông được gióng lên nhiều lần.
Với ĐBSCL, chịu ảnh hưởng mạnh bởi kênh Phù Nam là những nơi nằm dọc sông Tiền và sông Hậu, trong đó có An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… Báo Thanh Niên ngày 24-4-2024 cho biết, ông Lê Anh Tuấn, cựu Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nhận định rằng, bởi tác động của kênh Phù Nam, sự thiếu hụt nước ở ĐBSCL sẽ trầm trọng hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác của vùng vào mùa khô!
Trở lại với âm mưu sử dụng Phù Nam làm “đường dẫn quân sự”. Việc Bắc Kinh nuốt chửng Campuchia và biến Phnom Penh thành chư hầu đã không là chuyện gì bí mật. Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã để tuột Phnom Penh vào vòng tay Bắc Kinh. Campuchia không chỉ lệ thuộc Bắc Kinh vào kinh tế mà còn cho phép họ trở thành “một phần đất” thuộc sở hữu Trung Quốc.
Việc thành lập căn cứ hải quân Trung Quốc ở Campuchia - tiền đồn thứ hai ở nước ngoài và là căn cứ đầu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Nó là một phần trong chiến lược xây dựng mạng lưới cơ sở quân sự trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất của Trung Quốc hiện nay được đặt ở Djibouti (Đông châu Phi).
Bắc Kinh bắt đầu dòm ngó Campuchia như một căn cứ quân sự từ năm 2019 và đó là thời điểm họ bí mật xây một cơ sở hải quân ở phía Bắc Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia. Theo một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong chuyến công du Campuchia năm 2021, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã yêu cầu Phnom Penh nói rõ lý do san bằng hai cơ sở do Mỹ tài trợ trên Căn cứ Hải quân Ream vào năm trước đó. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, việc phá hủy này xảy ra sau khi Campuchia từ chối đề nghị trả tiền của Mỹ để cải tạo một trong hai cơ sở này. Khi khước từ đề nghị Mỹ, Phnom Penh lại bí mật bắt tay với Bắc Kinh. Năm 2021 cũng là khoảng thời gian mà tòa nhà “Hữu nghị chung Việt Nam” (do Việt Nam xây) được dời khỏi Căn cứ Hải quân Ream!
Quan hệ Bắc Kinh-Phnom Penh ngày càng được thắt chặt hơn bao giờ hết. Tờ Khmer Times ngày 24-5-2024 cho biết, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đã tiếp Shohrat Zakir, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc tại Phnom Penh. Trong cuộc gặp, Hun Sen nhấn mạnh lập trường Campuchia đối với Trung Quốc là không thay đổi; rằng Trung Quốc nên tiếp tục coi Campuchia là một người bạn đáng tin cậy; tân chính phủ Hoàng gia, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet, đang “cố gắng củng cố mối quan hệ hiện có bằng những ý tưởng mới để làm cho mối quan hệ trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn.”
Phần mình, Việt Nam vừa vuột mất con cừu Campuchia vừa tiếp tục ngán ngại con sói Trung Quốc. Viết về vụ kênh đào Phù Nam, báo chí trong nước không dám đề cập yếu tố rủi ro từ mối đe dọa an ninh quốc gia mang lại từ một dự án mà Trung Quốc thầu trọn gói với thời hạn khai thác lên đến nửa thế kỷ. Chẳng ai biết, trong vòng 50 năm đó, chuyện gì sẽ xảy ra.
Tường thuật chuyến công du Campuchia (và Lào) vào giữa tháng 7-2024 của Tô Lâm, với cương vị chủ tịch nước, báo chí tuyệt đối không nhắc đến dự án Phù Nam. Tô Lâm có đề cập Phù Nam với Campuchia hay không, không ai biết. Báo chí trong nước cũng đã hoàn toàn ngưng nói về Phù Nam. Truy cập ngày 25-7-2024 cho thấy những bài báo liên quan Phù Nam đã bắt đầu ngưng từ cuối tháng 5-2024. Liệu có “chỉ đạo” về việc ngừng này?
Xét riêng về truyền thông, ngay cả khi được phép viết, báo chí Việt Nam cũng thua xa báo chí Campuchia, đặc biệt mặt trận truyền thông tiếng Anh. Họ được bật đèn xanh hết cỡ để viết về lợi ích của kênh đào Phù Nam. Riêng về báo tiếng Anh, điều rất đáng nói là Việt Nam cho đến nay vẫn không có tờ báo tiếng Anh nào đủ mạnh cỡ Khmer Times của Campuchia. Đây là một yếu kém không thể chấp nhận. Thực tế này cho thấy tiếng nói truyền thông Việt Nam trên các diễn đàn “phản biện” quốc tế là rất kém và vô cùng yếu ớt. Không thể cất tiếng để bênh vực lợi ích an ninh và chính trị quốc gia của chính mình thì ai có thể nói thay cho mình.
Dự kiến hoàn thành năm 2027, và sau ba năm, cái đinh cuối cùng của cỗ quan tài sẽ được đóng nhát cuối cùng. Bất lực trước việc ngăn cản dự án Phù Nam, Việt Nam sẽ làm gì, đặc biệt vấn đề an ninh quốc gia, khi mà cái thòng lọng Trung Quốc từ nay bắt đầu lơ lửng và luôn trong tình trạng sẵn sàng?
________

70 năm sự kiện di cư 1954

 70 năm sự kiện di cư 1954



70 năm đã trôi qua kể từ cuộc thiên di vĩ đại nhất Việt Nam đương đại. Gia đình ông nội tôi là một trong những gia đình có mặt trong cuộc di cư lịch sử. Khi mẹ mang bầu tôi thì ông nội tôi mất. Bố tôi mất sớm nên tôi cũng không có cơ hội hỏi ông về những gì xảy ra vào năm 1954.
Tôi chỉ biết rằng, khi vào Nam, một trong những nơi đầu tiên mà ông nội tôi lập nghiệp, cùng bà vợ trẻ và đàn con nheo nhóc gần 10 người, là Tây Ninh. Sau đó ông đưa cả nhà về Phú Nhuận. Đến khi tôi trưởng thành, căn nhà gỗ một tầng mà ông dựng lên vẫn còn và đó vẫn là nơi mà con cháu luôn tề tựu mỗi năm vài lần, vào dịp Tết nhất và dịp giỗ ông.
Lúc còn sống, bà nội kể với tôi, khi ông bà dọn về đây – trước 1975 gọi là đường Nguyễn Huệ và sau 1975 đổi thành Thích Quảng Đức – khu vực này vẫn còn hoang vắng. Chung quanh đều là rừng. Cỏ lau ngập đầu người. Thú hoang vẫn còn đầy khắp. Tối ngủ có khi còn nghe cọp rống. Lưa thưa mới có vài căn nhà. Hầu hết là dân Bắc di cư 54 cả. Nhắc đến bà, tôi nhớ như in hình ảnh một bà nông dân Bắc Bộ truyền thống. Răng nhuộm đen, nhai trầu bỏm bẻm, chít khăn mỏ quạ, thỉnh thoảng “nhạt mồm” hát ư ử vài câu Quan họ.
Bà vẫn giữ nếp quê nghèo khó dù gia đình chưa bao giờ thiếu ăn thiếu mặc. Trong nhà lúc nào bà cũng “tích trữ lương thực”, từ lọ đậu vừng đến thố cải chua. Bà ăn uống tằn tiện như thể ngày mai chẳng còn gì mà ăn. Thỉnh thoảng tôi hỏi bà này nọ. Vẫn giữ nếp quê rặt một nông dân Bắc bộ, bà nằm trên chiếc võng căng giữa nhà, đung đưa cọt kẹt, tay cầm quạt mo phe phẩy, bà kể chuyện quê ngoài Bắc. Bà tiết lộ bí quyết nấu món cá chép kho riềng. Bà vừa nhổ bã trầu vừa nói về kỹ thuật nấu xôi vò.
Nếu bây giờ bà còn sống, tôi sẽ không thắc mắc về chuyện nấu xôi đúng kiểu người Bắc. Tôi sẽ hỏi bà về chuyện bà gánh gạo đi bộ từ làng Ngọc Trì, Bắc Ninh, lên tận Hà Nội để nuôi bố tôi ăn học ra sao, rằng bà đi nhọc như thế mất bao nhiêu ngày, bà nghỉ ở đâu, rồi bà ở Hà Nội bao lâu hay lại quày quả quay về ngay để còn kịp ngày ra ruộng. Và nữa, tôi sẽ hỏi bà, rằng ông cùng bà vào Nam như thế nào. Tôi không biết và không thể tưởng tượng nổi, dù cố gắng hết mức, có thể hình dung tâm trạng của ông và bà tôi khi quyết định chọn con đường duy nhất đầy rủi ro là bỏ hết tất cả tài sản để vào Nam với bàn tay trắng.



Cuộc ra đi kéo dài 300 ngày đó là cuộc ra đi lịch sử của dân tộc. Nó là cuộc thiên di định mệnh của gần một triệu đồng bào Bắc Việt tay xách nách mang vào Nam tạo dựng lại cuộc đời. Dù không thể biết tâm trạng và cảm xúc của những người như ông nội tôi nhưng chắc chắn một điều rằng chẳng có cuộc ra đi nào khỏi nơi chôn nhau cắt rốn là một chọn lựa nhẹ nhõm. Nó rất nặng nề. Thậm chí vô cùng đau đớn. Họ để lại phía sau vô số kỷ niệm. Họ để lại không chỉ hình ảnh bụi tre, sân đình hay giếng nước. Họ thậm chí để lại những cuộc tình.




Có điều tôi biết chắc rằng, khi di cư năm 1954, người Bắc đã bỏ lại quê hương chôn nhau cắt rốn nhiều thứ nhưng có một thứ mà họ ôm khư khư trong lòng, giữ chặt trong tim và sau đó khi định cư nơi miền đất mới Nam kỳ, họ lại xõa nó ra, như xõa cái búi tóc từ chiếc khăn mỏ quạ: Hương hồn văn hóa đất Bắc kinh kỳ. Văn hóa miền Nam trước 1975 không thể phát triển đến mức đồ sộ như được biết nếu không có đóng góp của nhân tài đất Bắc. Họ mang vào miền Nam những thi bá Vũ Hoàng Chương…; những nghệ sĩ Thái Thanh, Phạm Duy, Kiều Chinh, Hoàng Trọng, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Khánh Ngọc…; những văn sĩ Mai Thảo, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ…; những nhà báo Nguyễn Mạnh Côn…




Giới trí thức Bắc kỳ di cư ngày ấy là tinh hoa không chỉ của miền Nam mà của cả dân tộc. Những gì họ để lại là một di sản văn hóa khổng lồ. Họ mang vào Nam một cách sống và đặc biệt: Một giọng nói nhẹ nhàng sang trọng lịch lãm rất đặc thù mà bây giờ vẫn còn nghe ở những người gốc Bắc di cư thuở ấy, như ông Nguyễn Ngọc Ngạn chẳng hạn. Họ nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, hòa nhã, từ tốn, khiêm cung và dĩ nhiên rất văn hoa lả lướt. Lời lẽ ý nhị và cầu kỳ. Đến bây giờ, họ vẫn giữ sự lịch lãm không thể lẫn vào đâu được của tinh hoa văn hóa một thời.
Trong lần phỏng vấn nghệ sĩ Kiều Chinh, tôi luôn nghe bà bắt đầu câu trả lời bằng “Dạ thưa, chuyện thế này anh ạ…”. Tiếp xúc nhiều lần với những người khác, từ giáo sư Lê Xuân Khoa, bác sĩ-nhà văn Ngô Thế Vinh, kỹ sư Phạm Phan Long, nhạc sĩ Nam Lộc, đến nhà báo Uyên Thao…, tôi cũng thấy họ vẫn giữ phong cách lịch lãm ngày nào, như thể điều đó đã bám rễ sâu vào nhân cách họ.
Vào Nam, những người như ông bà tôi, bố tôi, cô chú tôi, và cả triệu người Bắc khác, đã hòa nhập rất nhanh với văn hóa miền Nam. Vừa hòa nhập, họ vừa mang lại những ảnh hưởng văn hóa Bắc bộ cho đồng bào miền Nam. Không chỉ văn hóa. Phải kể đến ẩm thực. Quán cơm Bà Cả Đọi không chỉ thỏa mãn những Vũ Bằng hoặc Hoàng Hải Thủy mà còn chinh phục cả thường dân Sài Gòn Nam kỳ chính cống. Người miền Nam bắt đầu quen với cà pháo mắm tôm và tiết canh lòng luộc.
Trước 1975, gia đình tôi sống ở hẻm Đội Có (đường Cô Giang, Phú Nhuận). Đó là xóm di cư, nơi có cái giếng cạn trong suốt quanh năm mà nhà ông kịch sĩ Thanh Hoài ở gần đó. Tôi có thể thấy rõ sự hòa nhập Bắc-Nam ngay trong xóm tôi ở. Những lạ lẫm ban đầu mà người Bắc mang vào Nam đã trở thành một phần của văn hóa miền Nam, nơi dung nạp tất cả đặc tính văn hóa vùng miền của dân tộc.
Trong “Văn học miền Nam tổng quan”, ông Võ Phiến viết:
“Cuộc di cư còn có ảnh hưởng vào văn hóa miền Nam một cách sâu xa hơn, tuy âm thầm lặng lẽ hơn. Thật vậy, từ sau cuộc di cư 1954, ngày một ngày hai không ai để ý đến, nhưng cuộc sống ở miền Nam đổi khác: Cái quai nón của người con gái đổi khác, chiếc áo đàn bà mặc trên người đổi khác, món quà người ta ăn hàng ngày không giống xưa, cái bìa báo bìa sách biến dạng đi v.v... Giọng nói miền Nam cũng biến đổi nữa, không sao! Sau này có cô ca sĩ nào mà không hát giọng Bắc; vả lại không cần phải chờ đến lúc thành ca sĩ mới đổi giọng: mọi nữ sinh, kể cả những cô nữ sinh trung học tận dưới Rạch Giá, Cà Mau hễ cất giọng lên là cũng hát giọng Bắc luôn...”
________
Chỉ khoảng hai năm sau khi di cư vào Nam, trong tạp chí “Sáng Tạo”, số tháng 10-1956, ông Mai Thảo đã viết về Sài Gòn như được trích sau đây. Phải là người rất yêu miền Nam và yêu Sài Gòn, hòa nhập thật sự vào văn hóa miền Nam, mới có thể viết được như thế. Những gì ông Mai Thảo viết chắc chắn là cảm nhận của nhiều người, những người Bắc di cư vào Nam và chọn vùng đất này, để sống và để chết, cùng với nó:
“Sài Gòn thủ đô văn Hóa Việt Nam: Không phải là một danh từ, một câu nói xuông nhạt. Không phải là một ảnh hình trừu tượng. Không phải là một ảo tưởng mong manh còn nằm trong ngày tới xa thẳm. Không phải là một ý niệm khát khao đợi chờ. Đã là một thực thế được minh định: Văn Hóa Việt Nam, thực hiện hôm nay và sẽ được kiện toàn trong ngày tới đã có được một trung tâm xuất phát và sinh thành: Thủ đô Sài Gòn (...)
Tôi đặt chân xuống phi trường Tân sơn Nhất từ mùa nắng 54. Những người bạn đường đã sinh trưởng ở đây kể từ ngày thành phố xuất hiện trên những kinh rạch ẩm ướt đen tối. Những người bạn đường còn ở rải rác trên những đô thị thế giới, bên kia muôn ngàn trùng dương. Tất cả đời sống chúng ta, kể cả phần tâm tưởng thầm kín đến phần sinh hoạt thường nhật, đều hướng về Sài Gòn. Như những nhành hoa hướng dương nở về một phía bình minh. Như những bước chân đi về trạm hẹn (...)
Bởi vì Sài Gòn, nếu chưa thật sự – một trưởng thành nào cũng phải có đủ thời gian – thì cũng đang trở nên trung tâm văn hóa đất nước. “Trung tâm” xứng đáng với ý nghĩa của toàn thể toàn diện. Những hạt muối đang kết tinh trong nắng. Những bông hoa đang phơi mở. Những trái ngọt đang căng đầy. Từ trung tâm, những nền tảng đã đặt định đề văn hóa được trưởng thành. Những nỗ lực này tiếp tay những nỗ lực khác. Trên một hình thức kiến trúc những công trình thể hiện đang làm đầy phần chứa đựng, phần nội dung. Những vật liệu văn hóa còn ngổn ngang bộn bề, nhưng hình thể của lâu đài văn hóa đã nhìn thấy (…)
______________
Một điều nữa, trong rất nhiều điều không thể viết ngắn trong một bài, cần nhắc lại là di sản lớn nhất của người Bắc di cư lẫn văn hóa miền Nam trước 1975 là sự tôn vinh cội nguồn. Người ta có thể thấy rõ điều đó trong những tác phẩm văn học, thi ca và âm nhạc mà họ để lại. Đọc lại những tản văn về văn hóa dân tộc hoặc nghe lại những ca khúc quê hương của họ, vào giai đoạn này, sau bao nhiêu năm rồi, vẫn không có cách nào có thể cảm nhận được đầy đủ sức nặng dữ dội của tình cảm quê hương chất chứa trong lòng họ. Tình cảm cội nguồn, với họ, có giá trị thiêng liêng vĩnh cửu như những nén nhang thắp cho tổ tiên không bao giờ tắt. Trong cuộc phỏng vấn bà Kiều Chinh vào tháng 10-2021 nhân dịp bà ra mắt hồi ký “Kiều Chinh-Nghệ sĩ lưu vong”, tôi có hỏi:
-Thưa bà, những người thuộc thế hệ bà, những Mai Thảo, Nguyên Sa, Phạm Duy, Du Tử Lê… có một đặc điểm chung nổi bật: Thường tự vác lên vai hai chữ “Việt Nam” và yêu mến quê hương không chỉ bằng tình cảm mà còn với một sự kính trọng thiêng liêng. Nhờ đâu mà các vị nuôi dưỡng bền bỉ một tình cảm đặc biệt như vậy, khi dường như không bao giờ các vị có thể trút khỏi vai cái gánh nặng tự tình dân tộc, cho dù các vị ở bất kỳ đâu?
Bà trả lời:
“Cá nhân mình, tôi thấy tình cảm dành cho quê hương là quan trọng vô cùng. Dù ở đâu thì cái identity của mình, gốc gác của mình, cũng phải luôn nhớ đến. Cội nguồn quan trọng lắm. Năm nay tôi hơn 80 tuổi. Tính từ năm 1937 khi sinh ra cho đến năm 1954, tôi ở Hà Nội trên 16 năm; rồi vào miền Nam ở hơn 21 năm cho đến 1975. Vậy thì tôi chỉ ở Việt Nam 37 năm thôi; trong khi đó, tôi sống ở Mỹ hơn 46 năm rồi. Thế nhưng, cho dù ở Mỹ nhiều hơn trên đất nước mình, tôi lúc nào cũng nghĩ đến Việt Nam cả. Mà nghĩ đến Việt Nam là nhớ đến Hà Nội, nơi mình sanh ra, nơi ông bà bố mẹ mình lớn lên và mất tại đó...”
________
Một phần bài viết này tôi đã đăng trên tờ Người Việt ngày 20-7-2024, trong loạt bốn bài về sự kiện di cư 1954.
__________________

Ảnh: Naval History and Heritage Command

Nguyễn Phú Trọng: Công với ai và tội với ai?

Nguyễn Phú Trọng: Công với ai và tội với ai?

 Gió Bấc/ RFA


https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/pfbid02i62jLc9qLn9h4CbwaUzmiH6pGXXTJvFCdciydS9gFmnExbC3HQXiM3UrAWxVz9dDl


Ngày 17-7, người dân Việt chợt giật mình khi Bộ Chính Trị lần đầu tiên ban bố đặc ân hé ra cho người dân thông tin tối mật về sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng. Té ra bấy lâu nay ông Trọng “vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe” nay đã đến lúc “cần phải tiếp tục ưu tiên dành thời gian để đồng chí Tổng bí thư tập trung điều trị tích cực”.
Thật ra đây chỉ là cái cớ, là thông tin nền, chủ đề chính, nội dung cốt lõi của bản tin này là công bố “tân nhiếp chính vương”: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, trước mắt, Bộ Chính trị phân công đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định” (1).



Bổ nhiệm nhiếp chính khi vua chưa băng hà là ngoại lệ chưa từng có trong các triều đại cộng sản “cường thịnh”, từ Lenin, Stalin ở Nga, Mao ở Tàu hay Lê Duẩn ở ta.

Các "lãnh tụ anh minh yêu đảng, yêu nước vĩ đại" luôn phấn đấu hy sinh phụng sự đến hơi thở sau cùng. Chính vì vậy, khi lãnh tụ trút hơi tàn thì đám cận thần phải sống mái dành vị trí quan trọng nhất trong ban lễ tang, vị trí đứng cạnh quan tài để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, cũng đồng thời gián tiếp thể hiện vai trò kế vị.

Thông thường là tắm máu. Trotsky đã đào tẩu vẫn bị truy sát. Beria phải dựa cột. Tứ nhân bang phải vào tù để tế cờ cho vương triều mới.
Công bố quyền lực Nhiếp Chính Vương kèm theo lời hiệu triệu "toàn đảng đoàn kết", vừa huấn thị, vừa răn đe trước khi báo tang, hy vọng quyền lực đã và sẽ được chuyển giao êm thắm mà không phải tắm máu như các tiên triều của đàn anh.
Triều đình ít biến động, chém giết, hy vọng rằng dân đen cũng đỡ lầm than khổ nạn tai bay họa gió. Phải chăng đây là tiên liệu, là sự sắp đặt của "người đốt lò vĩ đại", vị tổng bí thư ba nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng?

E rằng không mà còn ngược lại!

Càng về cuối nhiệm kỳ ba, quyền lực Tổng Trọng ngày càng suy giảm, song hành với tình trạng sức khoẻ; nhưng sự suy giảm quyền lực chừng như không phải do sức khỏe mà do hậu quả những tính toán sai lầm trong "công cuộc đốt lò", trong việc điều hành các nhóm lợi ích, các phe nhóm dưới trướng. Lửa đốt lò càng lúc càng đậm nhưng củi đưa vào lò càng lúc càng xa tay với của chủ lò.

Về công cuộc đốt lò, nhiều người khen Nguyễn Phú Trọng là đầu tàu chống tham nhũng nhưng có không ít ý kiến nghi ngại đây chỉ là công cụ chiến lược tạo thế cho bọn đàn em thành lũ quần ngư tranh thực để Tổng Trọng tọa sơn quan hổ đấu, ngư ông đắc lợi. Thoạt đầu, củi đốt lò là đàn em thân tín của Ba X như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà… Nhưng trước những thanh củi to Lê Thanh Hải, Vũ Huy Hoàng, lửa lò lại chập chờn khi nóng khi lạnh.

Lửa thật sự dữ dội từ sau “tai nạn” bò dát vàng của Tô Đại Tướng. Câu nói xa gần của Tổng Trọng “Tôi nhớ nhà văn Nga Maxim Gorky có nói: 'Con người - hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao!'. Nhưng con người cũng có không ít tật: 'Kém một miếng không chịu được', 'Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!'. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” (2).


Chừng như đã kích hoạt năng lượng tiềm tàng của thanh kiếm Tô Lâm, mục tiêu đốt lò dần chuyển hướng. Từ vụ test kit Việt Á, đến chuyến bay giải cứu, rồi đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tăng dần đến Hậu Pháo, Phúc Sơn, cái trật tự quyền lực Công An báo cáo, Kiểm Tra kết luận, Công An khởi tố đã bị đảo lộn. Công An khởi tố sân sau, bắt nóng trợ lý lãnh đạo cấp cao thậm chí cả Ủy Viên Trung ương đảng đương nhiệm như Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Vĩnh Phúc buộc Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ phải tự xin từ chức. Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương phải cập rập bẽ bàng đề nghị kỷ luật đảng viên với những phạm nhân. Uy thế của hai cánh tay quyền lực của Đảng ngày càng mờ nhạt, thụ động hợp thức hóa các quyết định tố tụng của Công An.

Mới đây nhất, Phó Ban Nội Chính Nguyễn Văn Yên bị bắt giam, cuộc điều tra các dự án môi trường đang mở rộng, số phận của Trưởng ban Nội chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra rung lắc như cây non trong bão lớn, càng cho thấy "công cuộc đốt lò" đã nằm ngoài tầm tay của Nguyễn Phú Trọng và trước sau nó hoàn toàn không nhằm chống tham nhũng như đã nhân danh. Thực chất nó chỉ là cuộc đấu đá giữa các nhóm quyền lực, lợi ích.

Quy mô, tính chất các vụ tham nhũng đã lộ sáng càng về sau càng lớn hơn các vụ trước với cấp số nhân. Với Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng số tiền thiệt hại tham nhũng ngàn tỷ đã là con số khủng nhưng các đại án sau này như Trịnh Văn Quyết, SCB số tiền thiệt hại là chục ngàn, trăm ngàn tỷ. Trong cái nhìn của giới chuyên môn, vẫn còn đó nhiều vụ án tiềm năng giá trị thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ hoặc lớn hơn.


Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng qua ba khóa Tổng Bí thư của Tổng Trọng, hàng loạt ngân hàng phải quản lý đặc biệt, phải mua lại 0 đồng; kinh khủng nhất là ngân hàng SCB, nhà nước phải chi 25 tỉ USD (bằng 6% GDP cả nước năm 2023) để giải cứu. Thế nhưng các Thống Đốc Ngân Hàng Nguyễn Văn Bình, Lê Minh Hưng không chịu trách nhiệm gì, mà còn thăng tiến vào Bộ Chính Trị. Rõ là "công cuộc đốt lò" không ngăn chặn, giảm thiểu, mà tham nhũng ngày càng lớn mạnh hơn.

Giới chức tự xưng yêu đảng, tung hô Nguyễn Phú Trọng có công xây dựng đảng. Quả thật, Nguyễn Phú Trọng nói nhiều, ra nhiều quy định mới, in nhiều sách về xây dựng đảng nhưng nhìn lại cái đảng sau gần ba khóa được Trọng xây dựng, đã rệu rã như thế nào?

Với tầng lớp lãnh đạo cao cấp do Tổng Trọng đào tạo, tuyển chọn trong khóa 13 này thì 7/18 Ủy viên Bộ Chính Trị bị cách chức, cho thôi giữ chức do bị nhúng chàm. Hơn 30 Ủy Viên BCH TƯ bị bắt, cách chức, cho thôi giữ chức vì tham nhũng. Cấp thấp hơn tuần tự là số trăm, số ngàn. Những thiệt hại nhân sự khủng khiếp chưa từng có, ngay cả trong thời non trẻ hoạt động bí mật bị thực dân Pháp đàn áp hay trong chiến tranh. Đây chỉ là con số nhúng chàm đã bị lộ, con số đảng viên cán bộ nhúng chàm chưa bị lộ thì khó có thể thống kê.


Đảng có trăm tai nghìn mắt, đảng viên ai cũng học theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện 19 điều cấm, kê khai tài sản hàng năm… theo chương trình xây dựng đảng của Tổng Trọng. Thế nhưng, nhờ bọn tin tặc lừa đảo, đảng mới biết chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị chiếm đoạt hơn 170 tỉ đồng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc nhưng cũng chẳng ai giải đáp thắc mắc của người dân số tiền khổng lồ ấy từ đâu mà có. Cơ quan chống tham nhũng, xây dựng đảng thực chất chỉ làm công việc xử lý lấp liếm sai phạm lộ liễu không thể giấu và cố tình che đậy thô thiển những gì có thể che đậy.


Một chính sách lợi hại của Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng đảng là luân chuyển cán bộ. Nhưng thực chất đó chỉ là thủ thuật xào bài, cài người phe đảng để Trọng chiếm đa số Ủy viên Trung ương, lật đổ Nguyễn Tấn Dũng trong đại hội khóa 12 và duy trì quyền lực cho Trọng trong khóa 13. Điểm lại các trường hợp cán bộ lãnh đạo bị lộ, bị xử lý, hầu hết là sai phạm từ nhiều năm trước, từ những chức danh trước đó mấy khóa và chỉ bị lộ ra nhờ những nguyên cớ tình cờ.
Trịnh Xuân Thanh sai phạm từ thời làm ở xây dựng dầu khí, được luân chuyển về Bộ Công thương, luân chuyển tiếp về Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang mới bị lộ nhờ vụ xe bảng trắng bảng xanh. Đinh La Thăng cũng sai phạm từ dầu khí, luân chuyển về Bô Giao thông, Bí thư Thành Ủy Hồ Chí Minh, bị lộ từ nâng đỡ Trịnh Xuân Thanh. Võ Văn Thưởng sai từ khi làm Bí thư Quảng Ngãi, luân chuyển hàng tá chức lên đến Chủ tịch nước thì mới lộ vì đàn em Hậu Pháo...
Nói cách nào đó, luân chuyển là phương cách hữu hiệu để kẻ sai phạm chuyển vùng hoạt động né tránh, che giấu hậu quả sai phạm của mình. Luân chuyển cán bộ cũng là cơ hội, phương tiện cho loại hình tham nhũng mới là mua bán chức quyền.


Có người khen Nguyễn Phú Trọng kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Phú Trọng cũng tự hào về điều đó dù tuyên bố rằng con đường lên chủ nghĩa xã hội còn dài lắm không biết bao giờ mới tới. Chủ nghĩa Mác - Lê có hai phần chính là ảo tưởng về xã hội tốt đẹp phân phối theo lao động, người dân hạnh phúc ấm no nhờ phúc lợi dồi dào mà hiện các nước Bắc Âu đang thụ hưởng. Phần thứ hai là thực thể chuyên chính vô sản với chính quyền độc tài toàn trị và công cụ bạo lực là công an, quân đội.

Xem ra ba nhiệm kỳ của ông Trọng những chỉ số phúc lợi an sinh xã hội của nhà nước không có gì khởi sắc nếu không nói là ảm đạm.

Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố, năm 2021, dự toán chi ngân sách cho Bộ công an là khoảng 96 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần Bộ y tế (khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng) và Bộ giáo dục là 7,1 ngàn tỷ đồng. Năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng và tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023 (3).

Ngoài ra, ngành Công An còn được trích đến 85% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, bán đấu giá bản số xe,… điều này cho thấy ông Trọng không kiên định với đường lối, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà kiên định và đầu tư chăm chút cho thực thể bộ máy chuyên chính vô sản.

Sự đàn áp, tước đoạt tài sản người dân nhất là trong lĩnh vực đất đai trong ba nhiệm kỳ của Tổng Trọng quy mô lớn, tàn bạo và đẫm máu nhất so với các Tổng bí thư khác từ 1975 đến nay. Nhà nước đã dùng pháp quyền hành chính, hình sự và cả sức mạnh súng đạn để đàn áp người dân vừa cướp đất vừa bắn giết, tù đày những người mất đất. Điển hình là vụ Cống Rộc, Hải Phòng với gia đình Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang, Hưng Yên,… Đặc biệt, vụ Đồng Tâm, Hà Nội, dân thôn Hoành bị cướp hàng chục ha đất.

Cụ Lê Đình Kình, đảng viên lão thành trên 60 năm tuổi đảng bị thảm sát, con cháu bị án tử hình, chung thân ngược lại ba hung thủ trong số hơn 300 tên khủng bố nửa đêm xông vào nhà dân bắn giết lại được chính Nguyễn Phú Trọng ký truy tặng huân chương.


Báo chí, tôn giáo dưới thời Nguyễn Phú Trọng cũng bị bóp nghẹt hơn bao giờ hết. Quy hoạch báo chí, Luật An ninh mạng, điều 331 đã giết chết hoàn toàn tự do báo chí và cả không gian mạng xã hội. Nhiều nhà báo phản biện hay điều tra chống tiêu cực như Phạm Đoan Trang, Mai Phan Lợi, Nguyễn Hoài Nam, Trương Châu Hữu Danh … bị kết án tù rất nặng nề.
Ngay trong số cán bộ đảng viên, Nguyễn Phú Trọng cũng có sáng kiến độc đáo, vũ khí đặc biệt để đàn áp, bóp nghẹt tiếng nói phản biện. Đó là khái niệm mơ hồ “tự chuyển biến, tự chuyển hóa, tha hóa mất phẩm chất” và bị kết tội về những hành vi mơ hồ ất ơ lợi dụng chức vụ quyền hạn, trốn thuế như vị lão tướng nhà báo Nguyễn Kim Hoa, luật sư Trần Vũ Hải. Gần đây nhất là Phó ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nhà báo Huy Đức, Luật sư Trần Đình Triển, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.


Đạo lý của dân tộc, nghĩa tử là nghĩa tận, lẽ ra không nên nặng lời với người đã khuất. Nhưng ngay khi chúng tôi viết những dòng chữ này thì cả hệ thống truyền thông đồ sộ của Đảng đang huy động hết công suất ca ngợi công đức của Nguyễn Phú Trọng bằng ngôn từ dối trá, hài hước không kém “Người kể chuyện phi thường” Hồ Chí Bảo và “Quốc Trung hiền sĩ” tán tụng khen nhau. Một lần nữa họ lại lấy tiền của, phương tiện hiện đại của đất nước, của người dân để đầu độc nhận thức cộng đồng. Ai đã tuyệt nghĩa tử nghĩa tận với cụ Lê Đình Kình khi thi hài cụ bị bị hành hạ, phanh thây, tang lễ cụ bị bao vây? Ai sẽ nói thay những người đã và đang bị cướp tài sản, bị đàn áp giam cầm?

Lịch sử đảng cộng sản, các tổ chức độc tài khác sẽ tán dương công đức, tài trí kinh nghiệm củng cố thể chế chuyên quyền đàn áp của Nguyễn Phú Trọng. Phần còn lại của thế giới cần phải hiểu và nhận diện con người thật của ông ta.
_________
Chú thích: