Bằng tiến sĩ siêu tốc, nặng mùi hương khói cúng dường!


Bằng tiến sĩ siêu tốc, nặng mùi hương khói cúng dường!

***
Gió Bấc/ RFA:



Cơn thịnh nộ về các bài giảng nghiệp báo, cúng dường xàm xí chưa yên, dư luận lại bùng nổ về bằng tiến sĩ luật siêu tốc của Thích Chân Quang. Chỉ sau hai năm, ngay trong mùa Covid, anh cử nhân luật hệ tại chức bỗng dưng trở thành tiến sĩ. Trường Đại học Luật Hà Nội (ĐHL) lên tiếng phân bua, tất cả đều đúng quy trình nhưng Bộ Giáo dục – Đào Tạo yêu cầu báo cáo chi tiết. Mạng xã hội điều tra đào bới và nhiều dấu hiệu cho thấy bằng tiến sĩ này bốc mùi hương khói cúng dường rất nặng.

Mấy ngày gần đây, dư luận bùng nổ, đặt câu hỏi về bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, tức Thượng tọa Thích Chân Quang.
Theo thông cáo báo chí của trường ĐH Luật thì ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh năm 2001 tại Trường Đại học Ngoại ngữ - nay là Trường Đại học Hà Nội; tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 - vừa học vừa làm).

Trường phân bua siêu tốc đúng, chẳng mấy ai tin!
Ông Việt được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng cử nhân ngành Luật văn bằng 2 - Vừa học vừa làm vào ngày 15/1/2019, xếp hạng loại giỏi. Đến ngày 26/11/2019, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển Nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngày 26/12/2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh. Đến ngày 9/12/2021, nghiên cứu sinh này bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường. Ngày 17/3/2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ ngành Luật hiến pháp - hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội". Các giáo sư của trường này cũng dành những lời có cánh khen ngợi Vương Tấn Việt (1).

Mặc dù ĐH Luật trả lời "tất cả đều đúng quy trình", nhưng từ cử nhân lên tiến sĩ chỉ hai năm không qua thạc sĩ là nhanh siêu tốc, làm người ta thắc mắc, săm soi rất nhiều nghi vấn. Ông Chân Quang ở Bà Rịa Vũng Tàu, trường Luật TP.HCM cũng có hệ đào tạo bằng hai vừa học vừa làm, sao ông lại phải học ĐH Luật tại chi nhánh liên kết với trường Cao Đẳng Bách Việt ở TP.HCM? Luật sư Trần Vũ Hải thắc mắc về tính pháp lý của cơ sở đào tạo này.

Theo PGS Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM, việc một cử nhân hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) học thẳng lên bậc tiến sĩ không nhiều, "có thể coi là hiếm". Cũng theo PGS Nguyễn Tiến Trung, quy chế đào tạo chung của Bộ GD&ĐT nêu rõ, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 - 4 năm. Chỉ nghiên cứu sinh đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa 36 tháng (3 năm). Trong khi đó, ông Thích Chân Quang lại chỉ cần 25 tháng (hơn 2 năm) để hoàn thành. Điều này cần xem xét lại quy chế của trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo tiến sĩ và quy trình thẩm định kết quả học tập của nhà trường.

Thứ hai, thông thường, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ sẽ phải học bổ sung từ 4 - 8 môn (trung bình mỗi môn 2 - 3 tín chỉ). Các nghiên cứu sinh sẽ cần tới gần 1 năm để hoàn thành hết số tín chỉ bổ sung theo quy định.

Sau đó các nghiên cứu sinh sẽ tự làm việc, tự học tập, bổ sung đầy đủ các kiến thức ở bậc tiến sĩ, quãng thời gian này mất khoảng gần 2 năm. Như vậy, để hoàn thành các nội dung đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần tối thiểu 3 năm, tiếp đó mới bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện khảo sát, viết luận án.

Ông Trung khẳng định: "Tôi chưa từng gặp nghiên cứu sinh nào học thẳng từ cử nhân lên mà hoàn thành chương trình tiến sĩ trong 2 năm. Trừ trường hợp nhà trường dồn toàn lực cho nghiên cứu sinh, dạy ngày dạy đêm, thậm chí tổ chức dạy cả cuối tuần mới chạy đủ các nội dung kiến thức bổ sung. Người học cũng phải 'siêu nhân lắm' mới có thể tiếp thu và hoàn thành được chương trình với thời gian siêu ngắn" (2).

Luận văn hiểu sai về nhân quyền, trái hiến pháp
Quá trình lấy bằng siêu tốc gây nghi ngờ, còn nội dung luận văn tiến sĩ càng gây thêm phẫn nộ trong giới học thuật.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thẳng thắn đánh giá đề tài luận văn “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” của Vương Tấn Việt là rất bất hợp lý, thiếu cơ sở lý thuyết và thực tiễn. Pháp luật quốc tế chỉ tập trung quy định về quyền con người, không quy định về nghĩa vụ con người. Các quy định của pháp luật quốc tế chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm của các quốc gia, phải bảo đảm và bảo vệ quyền con người. 50% nội dung đề tài là không có dữ liệu để thu thập, và tất nhiên là cũng không có thực tiễn để nghiên cứu. “Một luận án tiến sĩ cần có tính mới mẻ và đóng góp thực tiễn hoặc lý thuyết quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu. Với đề tài này, tính mới mẻ và đóng góp sẽ bị hạn chế do thiếu các tiền lệ và nghiên cứu trước đó, cũng như phạm vi áp dụng thực tế của đề tài" (3).

PGS TS Ngô Huy Cương, giảng viên khoa Luật của trường Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2022 đã có ý kiến phê phán luận văn này. Mới đây,ông có status trên Facebook khá gay gắt: Cái bậy bạ trong quan điểm của Thích Chân Quang và trường Đại học Luật Hà Nội.
TS Ngô Huy Cương dẫn một đoạn trong luận văn của Vương Tấn Việt: "Tóm lại, Quyền con người do chính Nghĩa vụ con người quyết định. Có chăng nhà nước chịu trách nhiệm tạo cơ hội cho con người được thực thi Nghĩa vụ, nghĩa là không để cho ai trở thành vô dụng, và nhà nước cũng chịu trách nhiệm cung cấp Quyền con người một cách công bằng tương xứng”.

TS Ngô Huy Cương đã phân tích quan điểm này đi ngược lại Tuyên ngôn Toàn Thế giới về Quyền con người năm 1948 và Điều 19, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Ông kết luận rằng: “Vậy có phải Thích Chân Quang và Trường Đại học Luật Hà Nội không thừa nhận tự do và nhân phẩm của con người (nền tảng của quyền con người mà đã được tuyên bố trong Tuyên ngôn về Quyền con người đã dẫn ở trên), bác bỏ pháp luật quốc tế về quyền con người và không thừa nhận Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam?
Nếu đúng vậy thì có nên kết luận là phản động thực sự được không” (4).

Do ý kiến trái chiều này, ngày 26-6 Bộ GD-ĐT đề nghị Trường ĐH Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo Tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ, phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt (5).


Thầy giáo đảnh lễ học trò!!!
Trong khi chờ đợi báo cáo của ĐH Luật và kết luận của Bộ GD-ĐT, cộng đồng mạng tiếp tục phát hiện nhiều điều bất thường trong quá trình nghiên cứu và bảo vệ luận án của Vương Tấn Việt.
Ngay trên trang Facebook Thiền Tôn Phật Quang có đưa sự kiện ngày 15/11/2020, tại Bảo tàng Hàng Không (số 196 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội), Thượng tọa Thích Chân Quang đã tổ chức buổi lễ tri ân Thầy Cô giáo, với sự tham gia của hơn 50 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đến từ trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Kiểm sát và gần 1.000 Phật tử đến từ các Đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trên cả nước. Điều bất bình thường là, hình ảnh trong buổi lễ tri ân ấy cho thấy một số thầy cô giáo quỳ đảnh lễ và dâng cúng dường cho học trò là Thượng Tọa Thích Chân Quang. (Mời xem ảnh lấy từ Facebook Thiền Tôn Phật Quang). Giống như con tôm lộn c*t lên đầu, quan hệ thầy trò trong lễ tri ân ngày nhà giáo lại trở thành lễ cúng dường của con nhang và thầy cúng (6).


Luật gia Trần Đình Thu còn phát hiện trong video ghi hình lễ bảo vệ luận án tại trường ĐH Luật, TS Trần Kim Liễu, một trong hai người hướng dẫn khoa học của ông Vương Tấn Việt trình bày trước Hội Đồng tóm tắt hồ sơ nghiên cứu.

Mở đầu, thay vì "kính thưa Hội Đồng", TS Trần Kim Liễu lại cung kính cúi đầu và kính thưa sư phụ. Hóa ra lễ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt đã trở thành lễ vinh danh, cúng dường bằng tiến sĩ cho thầy cúng Thượng Tọa Thích Chân Quang (7).


Thích Chân Quang không phải là tác giả luận án!
Đặc biệt hơn nữa, trang mạng báo Tiếng Dân còn đăng bài viết “Ai thực sự là người viết luận án của ông Vương Tấn Việt?” của tác giả Khánh Duy. Bằng công cụ tra cứu nào đó, Khánh Duy đã đưa thông tin chấn động.

Hồ sơ bảo vệ luận án của ông Vương Tấn Việt công bố trên Chuyên trang Luận văn – Luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm 6 tài liệu. Tác giả các file tài liệu này đều không phải ông Vương Tấn Việt.

1. Toàn văn luận án tiến sĩ: Tác giả file này là minhdoan3000@yahoo.com. Đây là email của GS TS Nguyễn Minh Đoan, người hướng dẫn khoa học chính của ông Vương Tấn Việt.
2. Thông tin về những đóng góp mới của luận án, bản tiếng Việt: Tác giả file này là Phap Vu, nhiều khả năng là đại đức Thích Pháp Vũ ở chùa Phật Quang, nơi thượng tọa Thích Chân Quang làm trụ trì.
3. Thông tin về những đóng góp mới của luận án, bản tiếng Anh: Tác giả cũng là Phap Vu.
4. Toàn văn luận án tiến sĩ, bản tiếng Anh: Tác giả file này là minhdoan3000@yahoo.com.
Ngoài ra, bài báo cáo hội thảo mang tiêu đề “Administration in the digital era: opportunities and challenges for building a 'Good government'. Mr. Vuong Tan Viet Administration in the Digital Era", tác giả file này là Kim Liễu, nhiều khả năng là TS Trần Kim Liễu, một trong hai người hướng dẫn khoa học của ông Vương Tấn Việt (😎.

Tất cả các thông tin của Khánh Duy đều có hình ảnh minh họa và link liên kết nguồn. Như vậy có quá nhiều dấu hiệu cho thấy bằng tiến sĩ của Vương Tấn Việt nặng mùi hương khói cúng dường. Khốn thay, mùi xú uế này bốc lên từ người đã có quá nhiều tiếng tăm, xú danh khét lẹt Thích Cúng Dường mà còn ngày lan rộng đến các giáo sư tiến sĩ của ĐH Luật có liên quan trong vở hài kịch này.

Vì sao họ cố sống cố chết, thần tốc cấp bằng cho một nghiên cứu sinh kém cỏi, một luận văn phi khoa học về phương pháp, phản động, chống lại loài người về tư tưởng?

Lẽ nào với kiến thức, IQ tầm giáo sư, tiến sĩ họ có thể bị Thích Chân Quang ma mị biến thành những con nhang cuồng tín? Phải chăng có cuộc cúng dường xuôi ngược giữa thầy và trò đã bôi trơn tăng tốc cho việc cấp bằng.

Đông Lào từng có lò ấp trứng học viện của Viện Hàn Lâm xòn xòn mỗi ngày một tiến sĩ thì chuyện này không phải mới.

Nhà báo Tâm Chánh, cựu Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, đã than trên Facebook: “Chuyện không còn là một gã thầy tu háo danh, mà đã thành chuyện nhân cách, tư cách của nhà khoa học, của người thầy, của bậc trí giả.
Chuyện cứt lộn lên đầu! Kiểu diễn đạt quấy quá về khái niệm quyền và nghĩa vụ của tay thầy chùa xuất phát từ lối bợ đít chính trị trong học thuật. Đó mới là đại nạn 'tiến sĩ luật'!” (9).

Chú thích:
Các thầy cô trường ĐH Luật đang quỳ trước học trò Vương Tấn Việt - Thích Chân Quang dịp lễ 20/11. Nguồn: Thiền Tôn Phật Quang




............. /.


Khất sĩ Thích Minh Tuệ mang đến sự tương phản đáng hổ thẹn cho giới tinh hoa Việt Nam


Khất sĩ Thích Minh Tuệ mang đến sự tương phản đáng hổ thẹn cho giới tinh hoa Việt Nam



Mặc dù mang lại nhiều tổn thất cho ĐCSVN nhưng Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn không làm thuyên giảm nạn tham ô, hối lộ.

Vào đầu tháng này, nhà cầm quyền Việt Nam đã ép buộc nhà sư theo trường phái tu khổ hạnh Thích Minh Tuệ - người đã trở thành một hiện tượng trên mạng internet - từ bỏ hành trình khất thực dọc chiều dài đất nước đã kéo dài bảy năm của mình.
Nhà cầm quyền nhấn mạnh rằng nhà sư khất thực chân trần này – người đã thu hút hàng ngàn người dõi theo – là một mối đe dọa đối với an toàn giao thông. Nhưng cái tội thực sự của ông ấy là lối sống khiêm nhường, giản dị, trái ngược hoàn toàn với những vụ bê bối tham nhũng làm rung chuyển Việt Nam gần đây.

Trong số các vụ tai tiếng này có vụ tham ô 24 tỷ USD tại Ngân hàng Thương mại Sài gòn (SCB). Chủ nhân của ngân hàng này đã bị kết án tử hình.
Sáu ủy viên Bộ Chính trị - một phần ba trong số ủy viên được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 diễn ra vào tháng 1/2021 - đã buộc phải từ chức trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 5 năm nay. Trong số này có hai chủ tịch nước, một phó thủ tướng, chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu Ban bí thư, phụ trách điều hành công việc hàng ngày của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Việc ông Đinh Tiến Dũng vừa được cho thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội cho thấy vị cựu Bộ trưởng Tài chính này có khả năng sẽ trở thành ủy viên thứ 7 phải rời khỏi Bộ Chính trị.


Thêm vào đó, 20 trong tổng số 180 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã được bầu vào tháng 1/2021 (tương đương với 11%), đã bị buộc thôi việc, chưa kể đến các vị cựu bộ trưởng.


Điều trớ trêu mà ai cũng thấy là sau tất cả các cuộc thanh lọc, trấn áp, người đàn ông xuất hiện ở vị trí chiến thắng lại là người đã bị quay phim khi món ăn bít tết dát vàng trị giá hàng nghìn USD tại một nhà hàng của một đầu bếp nổi tiếng ở London sau khi quan chức này đặt vòng hoa tại mộ của Karl Marx.

Đó đã có thể là sự kết thúc của một sự nghiệp nhưng đối với cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, cách phòng thủ tốt nhất chính là chủ động tấn công và ông ta đã hạ bệ từng đối thủ của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả - một sự thể hiện tham vọng cá nhân chưa từng có tiền lệ trong một hệ thống vốn tự hào về sự lãnh đạo tập thể.

Nhưng ông Tô Lâm, giờ đây là Chủ tịch nước, đã chỉ làm theo lệnh của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư 80 tuổi của ĐCSVN – người vẫn chưa nhận bất cứ trách nhiệm nào về một chiến dịch đã không chỉ tạo ra khủng hoảng về chính trị, gây lo sợ cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn khiến cho ĐCSVN yếu hơn về mặt thể chế cũng như mất tính chính danh trong mắt công chúng.

Ông Trọng đã đúng khi nhận định rằng tham nhũng đe dọa tính chính danh của Đảng và ông đã biến chiến dịch “Đốt lò” trở thành trọng tâm trong nhiệm kỳ 13 năm của mình.

Tham nhũng – căn bệnh phổ biến
Tham nhũng là căn bệnh phổ biến và nó đang trở nên tồi tệ hơn ở nhiều góc độ.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tham nhũng từng có thể dự đoán được. Nhưng với số tiền cam kết đầu tư khoảng 36 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2023 và 11 tỷ USD trong quý I của năm 2024, mọi người đều đang muốn có phần. Tham nhũng đang đến từ mọi hướng và ở tất cả các cấp. Nó không còn chỉ là chất bôi trơn để thực hiện các giao dịch, mà bắt đầu trở nên hung hãn và kìm hãm sự tăng trưởng.

Thật khó để thấy rằng các cuộc điều tra về giới lãnh đạo cấp cao đã có hiệu quả. Bằng nhiều hình thức, Đảng đã tạo ra một trò hề từ các cáo buộc tham nhũng xung quanh các lãnh đạo của mình.

Cho đến nay, tất cả sáu ủy viên Bộ Chính trị đều được “hạ cánh an toàn”, cho phép được từ chức với cảnh cáo nhẹ và được giữ địa vị, đặc quyền, đặc lợi và tài sản. Chưa có ai bị điều tra hình sự.



Một vài người đã được phục hồi một số hoạt động. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ảnh đang tham gia cùng với các lãnh đạo khác của Đảng viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước một số cuộc họp quan trọng.

Xét ở góc độ chính trị, ông Trọng đã nhả ra một thứ mà ông mất khả năng kiểm soát. Ông đã phải đứng ngoài nhìn các chiến hữu của mình, trong đó có ứng cử viên kế vị số một, ông Vương Đình Huệ, lần lượt bị đốn hạ.

Chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng cũng mang đến những thiệt hại lâu dài cho hình ảnh của Đảng.
Chiến dịch này đã phơi bày một sự thật không lấy gì làm vui vẻ. Đó là: Không chỉ có một hay hai “con sâu” trong giới lãnh đạo cấp cao, mà tất tất cả đều dính dáng đến tham nhũng.
Sự thật về các nhà lãnh đạo cấp cao lần lượt được phơi bày ra trước công chúng. Những nhà lãnh đạo này đều đã được kiểm tra, đánh giá trong quá trình thăng tiến của mình. Mỗi người trong số họ đã trở nên giàu có nhờ tiền lại quả, khả năng tiếp cận đất đai hoặc các cổ phần doanh nghiệp mà gia đình và bạn bè nắm giữ.

Thiếu chuyên môn
Trong khi ông Trọng tin rằng tính chính danh của Đảng đến từ các nỗ lực chống tham nhũng thì trong thực tế tính chính danh lại chủ yếu đến từ việc thực hiện công việc.
Việc thanh trừng các nhà kỹ trị có kinh nghiệm, việc bổ sung thành viên cho Bộ Chính trị với số nhân sự mất cân đối (5 trong số 18 ủy viên) từ Bộ Công an vốn có định hướng kiểm soát cũng như sự thiếu kinh nghiệm kinh tế nói chung, đều không làm ông Trọng bận tâm.

Đang có một sự thiếu vắng chuyên môn kinh tế một cách đáng sợ trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao hiện nay của Đảng Cộng Sản. Tình hình này có thể còn tồi tệ thêm khi ông Dũng buộc phải từ chức. Một ủy viên Bộ Chính trị mới được bổ nhiệm - ông Lê Minh Hưng - có những kinh nghiệm quản lý kinh tế đáng kế nhưng vì đang phải phụ trách công tác nhân sự của đảng, ông này sẽ bận rộn với công việc quan trọng này trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 14.

Các cuộc điều tra chống tham nhũng đã dẫn đến tình trạng ngưng trệ hoạt động chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cần thiết. Lý do là: các quan chức nhà nước cấp trung sợ bị điều tra.


Mặc dù Việt Nam vẫn có được tốc độ tăng trưởng GDP đáng ghen tị, chính phủ nước này đang trong năm thứ hai liên tiếp không đạt được mục tiêu kinh tế đề ra. Trong khi đó, các đối thủ trong khu vực lại đang trở nên hấp dẫn hơn.

Những xáo trộn trong bộ máy lãnh đạo cấp cao đã tàn phá hoàn toàn lợi thế về sự ổn định và có thể dự đoán được về chính trị - vốn là một điểm hấp hẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhắm mục tiêu vào một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo sẽ không làm thay đổi bản chất con người. Tham nhũng là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam vì lương nhà nước thấp, quyền sở hữu bất động sản không rõ ràng và đảm bảo, thái độ thao túng, khai thác, vơ vét và đảng cầm quyền tự cho mình đứng trên pháp luật. Không có một nền báo chí tự do và lực lượng xã hội dân sự mạnh, chính phủ Việt Nam sẽ luôn vô trách nhiệm.

Bắt giữ người nói lên sự thật
Trường hợp của ông Trương Huy San đã củng cố luận điểm này.
Được biết đến nhiều hơn với với bút danh Huy Đức, nhà báo độc lập và có tầm ảnh hưởng này đã bị bắt vào đầu tháng 6. Mặc dù đã được tiên lượng trước nhưng việc bắt giữ ông vẫn gây không ít ngạc nhiên bởi ông có quan hệ gần gũi với nhiều lãnh đạo cấp cao.

Những công kích gần đây của Huy Đức về ông Tô Lâm và ông Trọng có thể là giọt nước làm tràn ly.

Vào ngày 26/5, Huy Đức đăng một bài viết trên Facebook với tựa đề “Một đất nước không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”. Bài báo phê phán việc vũ khí hóa các cuộc điều tra chống tham nhũng đã đưa ông Lâm lên vị trí chủ tịch nước đồng thời là một ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng bí thư tiếp tới của ĐCSVN.
Việc bổ nhiệm ông Lương Tam Quang - đệ tử của ông Lâm - làm Bộ trưởng Bộ Công an, báo hiệu rằng các cuộc điều tra chống tham nhũng sẽ tiếp tục được sử dụng để nhằm vào các đối thủ.

Hai ngày sau đó, Huy Đức chỉ trích chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng là không hiệu quả và phản tác dụng.
Bị truy tố với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự, Huy Đức đã đi tới một sự thật, đó là: Không có các cải cách về pháp luật và thể chế cũng như không trao tự do cho báo chí, sẽ không chiến dịch chống tham nhũng nào có thể thành công.


Trái ngược với việc củng cố Đảng, ông Trọng đã góp phần phi chính danh hóa nó, phơi bày sự thối rữa trong giới lãnh đạo cấp cao, đồng thời làm chậm lại tăng trưởng kinh tế. Ông cũng đã bóp nghẹt xã hội dân sự và báo chí độc lập - những lực lượng cố gắng buộc giới lãnh đạo Đảng phải có trách nhiệm giải trình.

Ông Trọng đã đổ lỗi cho tất cả mọi người, trừ bản thân mình trong khi tiếp tục định hình Đảng Cộng Sản trong những tháng trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 14 vào đầu năm 2026. Khi kêu gọi những người khác chịu trách nhiệm đối với những tổn hại họ đã gây ra cho Đảng, ông cũng nên áp dụng một chuẩn mực tương tự đối với bản thân mình.

Thay vì thực hiện các cải cách thể chế, ông Trọng đang nhắm mục tiêu vào một nhà sư khổ hạnh – người đã thu hút được đông đảo người dõi theo và hâm mộ chỉ đơn giản bằng cách đứng hoàn toàn tương phản với giới lãnh đạo quốc gia – những người, bất chấp tinh thần xã hội chủ nghĩa mà họ đã cam kết, đã không còn gắn kết với những giá trị của mình và trở nên sa lầy trong tham nhũng.

................/.

Báo chí: Tất cả đều nằm trong rọ

Không chỉ bị áp đặt với chính sách kiểm duyệt cực kỳ khắc nghiệt đối với báo chí trong nước, các nền tảng truyền thông nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, từ Google, TikTok đến Facebook, đều bị quản lý nghiêm ngặt.
Trong bài báo ngày 19-6-2023 trên The Washington Post, tác giả Rebecca Tan, chánh văn phòng Đông Nam Á của The Washington Post, tiết lộ rằng Facebook thậm chí có một danh sách viên chức cộng sản Việt Nam “bất khả xâm phạm”, tức bất kỳ thông tin gì liên quan họ đều bị Facebook kiểm duyệt.
Meta – công ty mẹ của Facebook - đã thông qua một danh sách lưu hành nội bộ với tên các quan chức thuộc hệ thống đảng không được phép bị chỉ trích trên Facebook. Danh sách này, được giữ kín trong công ty và chưa từng được báo cáo công khai trước đây, được đưa vào phần hướng dẫn sử dụng để kiểm soát nội dung trực tuyến. Theo tiết lộ của những cựu nhân viên Facebook, đây là danh sách duy nhất ở khu vực Đông Á!




Meta không là công ty truyền thông duy nhất nhân nhượng trong việc gỡ bỏ nội dung “nhạy cảm” ở Việt Nam. Kể từ năm 2019, Google, nơi sở hữu YouTube, đã nhận được hơn 2.000 yêu cầu của chính quyền Việt Nam về việc gỡ bỏ nội dung và họ đã tuân thủ phần lớn các yêu cầu. TikTok cho biết họ cũng xóa hoặc hạn chế hơn 300 bài đăng ở Việt Nam vào năm 2022 vì vi phạm luật địa phương.
The Washington Post nhấn mạnh, dù một số chính phủ trên thế giới có thể yêu cầu Facebook gỡ bỏ nội dung nhưng những nhượng bộ mà Meta thực hiện để có thể sống khỏe tại Việt Nam - quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới - vượt xa những nhượng bộ mà Meta đã đưa ra ở bất kỳ nơi nào khác tại khu vực Đông Á.
Meta bắt đầu theo dõi những yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam từ năm 2017. Tính đến tháng 6-2022, Facebook đã chặn hơn 8.000 bài đăng trong nước, hầu hết bị cáo buộc chứa “nội dung chống Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam” hoặc thông tin “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm” các tổ chức hoặc cá nhân. Việc kiểm duyệt lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 với 3.044 lượt xóa – vào thời điểm trước Đại hội Đảng 2021. Dữ liệu kiểm duyệt ít khi được tiết lộ nhưng cơ quan quản lý văn hóa thông tin cho biết từ ngày 15-4 đến ngày 15-5-2023, bộ máy kiểm duyệt Việt Nam đã xem xét hơn 400 bài đăng trên Facebook được xem là lừa đảo hoặc “chống phá nhà nước”; và Meta đã loại bỏ 91% trong số đó.
Báo chí nói chung đang rất nghẹt thở. Mạng xã hội tương tự. Tất cả đều có thể bị “giết” thẳng tay bởi hai điều luật cực kỳ mơ hồ là 331 và 117.
___________________
“Lịch sử” vài vụ “chôn sống”
-Ngày 1-8-2008: Nguyễn Quốc Phong (Phó Tổng biên tập Thanh Niên), Bùi Thanh (Phó Tổng biên tập Tuổi Trẻ) bị tước thẻ nhà báo.
-Ngày 5-1-2021, Phạm Chí Dũng bị xử 15 năm tù (cùng vụ án, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù). Tội danh bị quy kết: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước, theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
-Ngày 28-10-2021, Trương Châu Hữu Danh bị xử 4 năm 6 tháng tù. Tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
-Ngày 23-3-2022: Lê Văn Dũng (Dũng Vova) bị xử năm năm tù. Tội: Tuyên truyền chống Nhà nước, theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
-Ngày 25-8-2022, Tòa án Hà Nội tuyên y án Phạm Đoan Trang chín năm tù. Tội: Tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 cũ, tức Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.
-Ngày 12-4-2023, Nguyễn Lân Thắng bị xử sáu năm tù và hai năm quản chế, theo Điều 117 Bộ luật hình sự. Tội: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước; xuyên tạc đường lối, chính sách Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân.
-Ngày 12-5-2023, Trần Văn Bang bị xử tám năm tù và hai năm quản chế; Ngày 6-6-2023, Đặng Đăng Phước bị xử tám năm tù và bốn năm quản chế. Tội: Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước, theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
-Ngày 1-6-2024, Huy Đức bị bắt. Ngày 7-6-2024, quyết định khởi tố, bắt tạm giam Huy Đức được chính thức loan bố. Tội: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân - theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.



________
-Ngày 16-7-2018, báo Tuổi trẻ Online bị đình bản ba tháng, phạt 220 triệu đồng. Tội: Thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng “rất nghiêm trọng” trong bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” đăng trên Tuổi trẻ Online ngày 19-6-2018; trong đó có chi tiết: “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này”.
-Ngày 7-9-2020, bốn tờ báo bị phạt.
*Dân Việt, tội “thông tin sai sự thật” trong bài "Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư TP Hồ Chí Minh" (bị phạt ba triệu);
*Báo điện tử Tổ Quốc, tội “thông tin sai sự thật” trong bài "Chủ tịch HCM - Người sáng lập Nhà nước VNDCCH" (bị phạt 12 triệu);
*VNExpress, tội “thông tin sai sự thật” trong bài 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Ðảng (bị phạt 12 triệu);
*Báo Thanh Niên, tội “thông tin sai sự thật” trong loạt bài tháng 5-2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại Hải Phòng (bị phạt 45 triệu).
-Ngày 5-7-2022: Báo Pháp Luật Việt Nam bị phạt 325 triệu đồng, tước giấy phép báo điện tử trong ba tháng. Tội: “Đăng tải thông tin sai sự thật trong 13 bài viết, vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí 2016, trong đó có hai bài viết gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.
-Ngày 14-7-2023: Zing News bị tước giấy phép ba tháng và bị phạt 243,5 triệu đồng. Tội: “Không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng”.
-Ngày 12-3-2024, Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp bị phạt 71,25 triệu đồng vì “những sai phạm trong hoạt động báo chí”.
__________
-Điều 25 Hiến pháp năm 2013 ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
-Điều 13 Luật Báo chí năm 2016 quy định “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ”.
-Điều 331 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm; hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
-Điều 117 Bộ luật hình sự quy định về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước. Điều luật này được sửa đổi, bổ sung từ Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều 117 có ba khung hình phạt chính:
–Khung 1: Tù từ 5 năm đến 12 năm, đối với người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
–Khung 2: Tù từ 10 năm đến 20 năm, với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
–Khung 3: Quy định người “chuẩn bị phạm tội” thì bị phạt từ một năm đến 5 năm tù.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc vài hình phạt bổ sung, quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015. Đó là tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm; phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến 5 năm; bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

................/.