Nghĩ từ vụ án Hồ Duy Hải


Trần Văn Chánh

Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự giết người ở Việt Nam xảy ra vào tối 13-1-2008 tại Bưu Điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ngày 21-3-2008, nghi phạm Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, bị bắt, rồi sau mấy lần xét xử (sơ thẩm năm 2008, phúc thẩm năm 2009) đương sự bị kết án tử hình về tội giết người.
Do trong quá trình điều tra xét xử còn nhiều vấn đề tranh luận từ rất nhiều giới khác nhau, có hoặc không liên quan đến luật pháp, đến nay tính ra chỉ còn vài ngày nữa là đã tròn 17 năm, người thanh niên họ Hồ 39 tuổi này vẫn còn bị giam giữ mà vẫn chưa được trả tự do hay thi hành án tử.
Đây là một vụ án quá nổi tiếng, kéo dài đến nỗi ai ai trong nước, ngoài nước, kể cả thường dân ở tận những xứ khỉ ho cò gáy cũng đều biết, thiết nghĩ không cần nhắc lại các tình tiết xảy ra vụ án cũng như quá trình xét xử dông dài. Chỉ cần đặt câu hỏi: Hồ Duy Hải thật sự có tội hay không? Nếu không có tội thì tại sao không thả? Nếu có tội thì tại sao không đưa ra hành quyết theo kết luận của hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm? Ai chịu trách nhiệm quyết định cuối cùng về tình trạng lấp lửng rất kỳ quặc này? (Thời xưa thì có vua, bây giờ là ai?)

Kẻ viết bài này chỉ là thường dân bên ngoài, không quen biết gì với gia đình Hồ Duy Hải và cũng không có điều kiện/ khả năng truy cứu sự thật, vốn thuộc trách nhiệm của các ngành chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án. Ngoài ba ngành này, còn có người đứng đầu về mặt chính phủ, trên chính phủ còn có Đảng Cộng sản quang vinh, vì nước vì dân lãnh đạo, tụ lại trong khoảng 200 ông bà ủy viên trung ương, hơn nữa, còn có khoảng 500 đại biểu Quốc hội, chưa kể thêm Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên…, với bốn nhân vật “đứng đầu của đứng đầu” thuộc hàng tứ trụ chỉ huy/ quyết định tất cả. 
Thế mà tại sao cả cái hệ thống chính trị vốn luôn tự hào là tinh hoa đất nước này trong suốt gần 17 năm trời lại không muốn, không dám, không có khả năng và tỏ ra bất lực trong việc giải quyết dứt điểm một vụ án cỏn con?



Việc nhỏ như vậy làm không xong thì việc lớn thế nào? 
Ai tin đươc? 
Thật là hèn kém và nhục nhã!

Điều này càng khẳng định thêm lề lối lãnh đạo tập thể tất yếu dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm tập thể, và cả cái hệ thống chính trị vừa kể trên là bất lực, không còn xài được nữa!

Càng tập thể bao nhiêu thì lại càng cá nhân chủ nghĩa bấy nhiêu. Trong giới lãnh đạo cấp cao, hầu hết đều là một đám gian tham giả đạo đức, chỉ bo bo chia quyền tham nhũng, mà việc có cả chục ông bao gồm trong tứ trụ và hàng thứ trưởng/ bộ trưởng vừa rồi bị kỷ luật, hoặc “vào lò” là một sự minh chứng rất hùng hồn.
 Rằng các ông chủ yếu chỉ lo giữ ghế, kiếm tiền, không ai dám công khai nói lời trung thực, bênh vực công lý, vì sợ đồng chí dòm ngó bắt bẻ, ảnh hưởng đến tiền đồ; cũng không còn lòng dạ đâu để tỏ chút lòng xót thương đối với số phận nhỏ nhoi của một dân hèn như Hồ Duy Hải và như biết bao người khác nữa…


Bầu chọn, quyết định cho các ông lên theo đúng quy định và quy trình, lại còn trình diễn bỏ phiếu tín nhiệm nữa, nhưng ông nào được phiếu tín nhiệm cao giữ chức lớn cũng đều tào lao hết! Cho thấy tổng thể bao gồm Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội…, tức cả cái hệ thống chính trị cũng chẳng ra gì!
Hy vọng một số ông lớn chưa bị “cho xin từ chức” sẽ đỡ hơn mấy ông bà lớn vừa bị kỷ luật, thấy được mấu chốt của vấn đề đang xét mà tìm cách sửa đổi sự trục trặc của cả hệ thống một cách căn bản hơn, thay vì chỉ vá víu, lấy cái sai này để chữa cho cái sai khác.

Tạm không truy xét kỹ quá khứ của mấy nhân vật tứ trụ đang còn đương nhiệm, mà chỉ cần quan tâm xem xét trong hiện tại họ đang có chủ trương gì tốt có thể mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước hay không. Trong chiều hướng suy nghĩ này, tôi cho rằng lời nói gần đây của ông TBT đương nhiệm “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” là một nhận định nghiêm túc, trung thực và đúng đắn, đáng coi là lý luận tiền đề quan trọng về mặt nhận thức để khởi động những công cuộc cải cách chính trị tiếp theo, nhằm thực hiện kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Có lẽ sớm nhận ra hai chữ “thể chế” dường như quá căng, dễ bị các đồng chí bảo thủ và bảo hoàng hơn vua tập trung ném đá, nên ông đã đổi sang một cách diễn đạt uyển chuyển dễ nghe hơn, gọi là tinh giản bộ máy – tiết kiệm ngân sách để tập trung cho vốn đầu tư phát triển, đồng thời với việc đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thực chất, những nội dung này cũng gần như đồng nghĩa với cải cách thể chế. 

Đây là một tư tưởng lớn mang tính đột phá và cách mạng, nhưng nếu đặt trong điều kiện thực tế của nền chính trị Việt Nam XHCN vốn đã cổ hủ, thối nát toàn tập, thì việc thực hiện sẽ đầy khó khăn phức tạp, với rất nhiều thách thức không dễ vượt qua, và kế hoạch lớn tuy xuất phát từ thành ý cải cách của người chủ trương nhưng rất dễ bị rơi vào “thiểu số”.

Cần nhận ra rằng, so với người đồng chức tiền nhiệm, nhân vật đang nắm đại quyền hiện nay hơn hẳn về mặt kiến thức, viễn kiến, có đầu óc thực tế và hiểu rõ hiện tình đất nước hơn, đặc biệt không còn cứ chăm bẵm mãi vào giáo điều chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong khi trên thực tế chẳng còn ai thật sự tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin hoặc thực hành theo lời dạy của Bác cả, kể cả bộ sậu mấy chục ông lớn năm nào cũng trình diễn vào thăm lăng Bác đến bốn năm lần!

Tuy nhiên, muốn giải quyết rốt ráo điểm nghẽn thì cần bổ sung nhận rõ thêm một điểm nghẽn mấu chốt nữa, đó gọi là “điểm nghẽn” của điểm nghẽn của điểm nghẽn…
Vậy thì, để vượt điểm nghẽn mấu chốt, phải dựa theo ý kiến cải cách của các nhà trí thức có tài năng và thiện chí, và nhất là chiều theo nguyện vọng của toàn dân. Điều này có nghĩa phải dám mạnh dạn sử dụng con người không theo chủ nghĩa lý lịch, tất cả vì quyền lợi đất nước.

Trong vấn đề chống tham nhũng, việc gì đang điều tra xét xử thì cần làm sớm cho xong, nhưng có thể tạm giảm bớt nhiệt độ đốt lò để không gây thêm một số hiệu ứng phụ cũng như tình trạng mất đoàn kết chống phá nhau từ trong nội bộ, ngăn cản công cuộc cải cách. Sau đó có thể ra một nghị quyết, đại khái, “kể từ ngày…, tháng…, năm…, nếu ai còn ăn một đồng nào của dân sẽ bị bắn bỏ…”, theo kiểu nhà độc tài Phác Chính Hy (Park Chung-hee) đã từng áp dụng cho xứ sở Hàn Quốc trước đây.

Một đảng độc tài toàn trị mà đảng viên mất đoàn kết chống phá nhau vì quyền lợi cá nhân thì có khác gì đa đảng, nhưng lại là một thứ đa đảng dị hợm, tật nguyền, chỉ gây hại cho dân.
Điều quan trọng đối với người có chí lớn cải cách chính trị, làm nên trang sử mới là phải dựa vào toàn dân, làm sao cho mọi người tâm phục khẩu phục, có thể áp đảo và lôi cuốn dần dần cả các thành phần bảo thủ.
Cần giải quyết dứt điểm những việc gây dư luận xấu kéo dài, từ những việc nhỏ như vụ án Hồ Duy Hải, để thu phục nhân tâm.
Nên thực hiện phương châm minh triết và nhân bản về cách áp dụng luật pháp của người xưa: “Nếu tội mà còn nghi thì nên tha, để mở rộng về việc hình”.
Cải cách mạnh mẽ, quyết liệt bộ máy hành chánh và tư pháp, xử án độc lập (không có những vụ “bỏ túi” hoặc xử kín), nâng cao vai trò của luật sư. Đơn giản hóa mọi thủ tục hành chánh, đặc biệt các thủ tục về nhà đất đã làm khổ dân từ mấy chục năm nay. Coi cải cách hành chánh cũng là một cuộc cách mạng, nếu làm thành công sẽ có tác dụng và giá trị tương đương một cuộc cải cách thể chế chính trị mà ĐCS vẫn không bị mất quyền lãnh đạo.

Mở rộng dân chủ trong dân.
Thực hiện trên thực chất và đúng theo Điều 25 của Hiến pháp 2013 về các quyền tự do. Nên phóng thích ngay những người bất đồng chính kiến ít nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Cùng lắm là “thay đổi biện pháp ngăn chặn” đối với họ bằng nhiều hình thức uyển chuyển thích hợp khác nhau. Việc làm này hoàn toàn không tốn đồng xu nào mà còn có thể thu hút sự hỗ trợ mạnh hơn về nhiều mặt của các nước đã nâng tầm ngoại giao chiến lược toàn diện với Việt Nam.

.................../.

Từ độc tài sang dân chủ: Mô hình chuyển đổi chế độ nào thích hợp nhất cho Việt Nam?



Từ độc tài sang dân chủ: Mô hình chuyển đổi chế độ nào thích hợp nhất cho Việt Nam?


 Vũ Đức Khanh


Việc phân tích sự thành công của Hàn Quốc và Đài Loan trong quá trình chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ, đồng thời xem xét khả năng áp dụng cho Việt Nam, đòi hỏi sự hiểu biết về cả yếu tố nội tại lẫn áp lực từ bên ngoài.
Dưới đây là phân tích cụ thể về hai quốc gia này, cùng với việc đánh giá tính khả thi của quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

Hy vọng bài phân tích này sẽ đặc biệt giúp ông Tô Lâm, cũng như các thế lực cầm quyền ở Việt Nam và các nhà vận động dân chủ cho Việt Nam có thêm dữ liệu, góc nhìn đa chiều để hướng tới một "giải pháp chính trị khả thi" cho Việt Nam.


Vào ngày 18/5/1980, người dân Gwangju đổ ra trung tâm thành phố phản đối chính quyền độc tài.



1. Hàn Quốc: Từ độc tài quân sự đến nền dân chủ thành công
1.1. Trước khi dân chủ hóa
1.1.1. Giai đoạn độc tài quân sự (1961-1987):
Sau cuộc đảo chính của tướng Park Chung-hee năm 1961, Hàn Quốc bị cai trị bởi các chính quyền quân sự độc tài. Trong thời gian này, kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh nhờ các chính sách công nghiệp hóa và xuất khẩu. Tuy nhiên, tự do chính trị bị hạn chế nghiêm trọng, và các phong trào đòi dân chủ thường xuyên bị đàn áp.
1.1.2. Sự kiện Gwangju (1980):
Vụ đàn áp bạo lực của chính quyền với các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Gwangju đã trở thành một bước ngoặt quan trọng. Hàng trăm người biểu tình bị giết hại, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ trong dân chúng và gây áp lực lớn lên chính quyền.
1.2. Chuyển đổi thành công
1.2.1. Phong trào dân chủ (1987):
Dưới áp lực từ các phong trào sinh viên và tầng lớp trung lưu, chính quyền độc tài buộc phải nhượng bộ. Cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tổ chức vào năm 1987, đánh dấu bước đầu của quá trình dân chủ hóa.
1.2.2. Điều kiện cần và đủ:
1.2.2.a. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu:
Kinh tế phát triển đã tạo ra một tầng lớp trung lưu có yêu cầu cao về quyền lợi chính trị và xã hội.
1.2.2.b. Sự yếu kém của chính quyền độc tài:
Áp lực quốc tế, cùng với sự bất mãn trong nước, đã khiến chính quyền mất đi tính chính danh.
1.2.2.c. Sự can thiệp của Mỹ:
Là một đồng minh thân cận, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách dân chủ ở Hàn Quốc.

Tưởng Kinh Quốc (trái) cùng cha là Tưởng Giới Thạch năm 1948.


2. Đài Loan: Từ độc tài Quốc dân Đảng đến nền dân chủ toàn diện
2.1. Trước khi dân chủ hóa
2.1.1. Chế độ độc tài Quốc dân Đảng (1949-1987):
Sau khi Quốc dân Đảng (KMT) thua trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ rút về Đài Loan và thiết lập chế độ độc tài. Trong nhiều thập kỷ, Đài Loan bị cai trị bởi chính quyền độc tài với thiết quân luật kéo dài từ năm 1949 đến 1987.
2.1.2. Áp lực từ các phong trào dân chủ:
Các phong trào đòi dân chủ dần hình thành trong những năm 1970-1980, với sự xuất hiện của các nhóm chính trị mới và các cuộc biểu tình đòi bãi bỏ thiết quân luật.
2.2. Chuyển đổi thành công
2.2.1. Chính sách cải cách của Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo):
Dưới áp lực trong và ngoài nước, lãnh đạo Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch, bắt đầu quá trình cải cách chính trị từ thập niên 1980. Ông chấm dứt chế độ thiết quân luật vào năm 1987 và mở đường cho các cuộc bầu cử dân chủ vào những năm 1990.
2.2.2. Điều kiện cần và đủ:
2.2.2.a. Sự cải cách từ bên trong chính quyền:
Tưởng Kinh Quốc đã nhận ra sự cần thiết của cải cách để bảo đảm sự ổn định và phát triển của Đài Loan.
2.2.2.b. Áp lực từ xã hội dân sự:
Phong trào dân chủ mạnh mẽ, cùng với áp lực từ quốc tế, đã buộc chính quyền Quốc dân Đảng phải thay đổi.
2.2.2.c. Quan hệ với Mỹ:
Cũng như Hàn Quốc, Đài Loan có quan hệ mật thiết với Mỹ, và sự hỗ trợ của Mỹ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa.



3. Liệu Việt Nam có thể dân chủ hóa?
3.1. Thách thức nội tại
3.1.1. Chế độ toàn trị và bộ máy an ninh chặt chẽ:
Việt Nam hiện đang bị cai trị bởi Đảng Cộng sản, với sự kiểm soát nghiêm ngặt của bộ máy công an, tình báo, và an ninh. Bộ máy này đã ngăn chặn hiệu quả các phong trào đòi dân chủ và kiểm duyệt các tiếng nói đối lập. Đây là thách thức lớn nhất đối với quá trình dân chủ hóa.
3.1.2. Tính hợp pháp của Đảng Cộng sản:
Dù có nhiều chỉ trích, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ được tính hợp pháp trong mắt nhiều người dân, nhờ vào những thành tựu kinh tế kể từ Đổi Mới. Điều này khác biệt với tình hình ở Hàn Quốc và Đài Loan, nơi chính quyền độc tài bị mất lòng dân trước khi dân chủ hóa.
3.1.3. Sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc:
Việt Nam, dù có những căng thẳng chính trị với Trung Quốc, vẫn phụ thuộc nhiều vào quốc gia láng giềng này về kinh tế. Trung Quốc có thể không muốn thấy một Việt Nam dân chủ và có thể gây sức ép để ngăn chặn bất kỳ sự thay đổi nào.
3.1.4. Áp lực quốc tế và khu vực:
Nếu Việt Nam muốn tiếp tục hội nhập quốc tế, họ sẽ phải đối mặt với áp lực từ các quốc gia dân chủ, đặc biệt là Mỹ và EU, trong việc cải cách chính trị. Các hiệp định thương mại như CPTPP, bao gồm những điều khoản về lao động và nhân quyền, tạo ra một nền tảng cho các cải cách dân chủ.
3.1.5. Tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh:
Giống như Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển của tầng lớp trung lưu, những người đòi hỏi nhiều hơn về quyền lợi chính trị và xã hội. Tầng lớp này có thể trở thành lực lượng chính, yêu cầu cải cách trong tương lai.
3.1.6. Sự yếu kém của Đảng Cộng sản:
Nếu Đảng Cộng sản mất đi tính chính danh do các vấn đề tham nhũng, quản lý yếu kém hoặc không đáp ứng được nguyện vọng của người dân, họ có thể buộc phải nhượng bộ trước các yêu cầu dân chủ hóa.
3.2. Yếu tố quyết định thành công
3.2.1. Áp lực từ bên trong:
Quá trình dân chủ hóa thành công sẽ cần phải có áp lực từ nội bộ, bao gồm cả tầng lớp trung lưu, trí thức, và các nhóm xã hội dân sự. Cải cách từ bên trong Đảng, như trường hợp Đài Loan, có thể là một con đường khả thi.
3.2 2. Sự hỗ trợ quốc tế:
Mỹ và các nước phương Tây có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sức ép cải cách. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi chiến lược trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, chuyển từ phụ thuộc vào Trung Quốc sang hợp tác với các nước dân chủ.
3.2.3. Tính sẵn sàng của chính quyền:
Cải cách sẽ chỉ thành công nếu lãnh đạo Việt Nam nhận thấy rằng việc tiếp tục duy trì chế độ toàn trị sẽ gây hại nhiều hơn là lợi. Tình trạng tham nhũng, bất mãn xã hội và áp lực quốc tế có thể làm cho điều này trở nên rõ ràng.


4. Kết luận
Việt Nam có tiềm năng để dân chủ hóa, nhưng quá trình này sẽ đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng từ bộ máy an ninh và sự kiểm soát của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, nếu có sự kết hợp giữa áp lực từ nội bộ, tầng lớp trung lưu phát triển, cùng với sự hỗ trợ quốc tế, Việt Nam có thể theo gương Hàn Quốc và Đài Loan, từng bước chuyển đổi sang một nền dân chủ, trong khi vẫn duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp quý độc giả, đặc biệt là những thành phần nêu trên, hiểu rõ hơn về những điều kiện cần thiết để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam. ............../.

ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC : VI PHẠM TIÊN ĐỀ THÌ ĐỪNG!


ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC : VI PHẠM TIÊN ĐỀ THÌ ĐỪNG!


****


1.
Đứng trong rừng, khó xác định đường ra khỏi rừng. Đứng trên núi cao nhìn hết toàn rừng lại xác định hướng đi dễ. Nhiều vấn đề phức tạp, nhìn thấy được các tiên đề thì sẽ trở thành đơn giản. Sa vào tính toán tiểu tiết, không tìm ra lối thoát.
Ở mặt khác, chẳng hạn như trong chiến tranh, quyết định tiến hành một chiến dịch hay không tiến hành, thường dựa trên các yếu tố mang tính tiên đề. Còn tiến hành chiến dịch như thế nào lại thuộc về giai đoạn khác, thuộc bộ tổng tham mưu, nơi thảo ra những tính toán chi tiết.



Quyết định về xây dựng Đường sắt cao tốc (ĐSCT) hay Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) cho tuyến đường Hà Nội – TP HCM là một quyết định không phức tạp khi biết dựa vào các nhân tố mang tính tiên đề.
2.
Trong suốt hơn 15 năm qua, đã có nhiều bài viết, nhiều ý kiến, nhiều tính toán chỉ ra sự vi phạm tiên đề trong đề xuất xây dựng ĐSCT tuyến Hà Nội – TP HCM, tốc độ 320-350 km/h, chỉ chở khách mà không chở hàng. Bất chấp các vi phạm tiên đề, dường như có một “dòng chảy ngầm” xuyên suốt ở Bộ GTVT và ở cấp cao hơn, không ngừng ủng hộ ĐSCT chở khách mà không chở hàng, đồng thời kiên trì loại bỏ ĐSTĐC 200 km/h chở khách và 120 km/h chở hàng mà Bộ KH&ĐT và Hội đồng thẩm định Nhà nước đã đề xuất [1].
Lập luận rằng ĐSCT tốc độ 320 km/h (mà vận hành thực tế chỉ ở khoảng 250-260 km/h) sẽ cho người dân ăn sáng ở Hà Nội, ăn tối ở TPHCM, cạnh tranh được với máy bay, đi tắt đón đầu, không bị lạc hậu, ngang bằng với các nước tiên tiến. Còn vận tải hàng hoá thì dựa vào lý lẽ sẽ nâng cấp tuyến đường hiện hành (mà trên thực tế, không biết đến bao giờ mới có tài chính để thực hiện).
Ai đó đã cố tình quên đi:
- Vận tải hàng không vận tải đường sắt bổ sung hộ trợ cho nhau, chứ không phải cạnh tranh với nhau.
Xây dựng ĐSCT tốc độ 320 km/h thì 10 người chỉ có 1 người đủ khả năng tài chính để đi, 9 người ngồi nhà; còn xây dựng ĐSTĐC thì cả 10 người được đi. Hãy tính lưu lượng di chuyển giữa 10 triệu người với 100 triệu người đi lại để thấy được sự khác biệt của nền kinh tế.
- ĐSTĐC 200 km/h chở khách, 120km/h chở hàng, giúp cho 70 triệu người dân nông thôn được đi lại, nông sản không bị thối rữa, vận chuyển hàng hoá nhanh chóng, chi phí thấp, giúp cho cạnh tranh quốc tế.
- ĐSCT tốc độ 320 km/h để lại một gánh nợ khổng lồ khoảng 70 tỷ USD, chưa biết lúc nào có thể vận hành toàn bộ, chưa biết lúc nào có thể cắt lỗ, không giúp gì được cho vận tải hàng hoá cũng như vận tải quốc phòng.
- Xây dựng ĐSTĐC 200 km/h chở khách, 120km/h chở hàng thì 10 năm sau đưa vào vận hành được, không bị lỗ.
Xin lưu ý những người hay đề cao “ đi tắt đón đầu”, “tiến thẳng lên hiện đại”:
- ĐSCT tốc độ 320 km/h không thể cho Việt Nam bắt kịp được các nước tiên tiến. Khi ĐSCT tốc độ 320 km/h nếu may mắn hoàn thành được vào năm 2050 ở Việt Nam, thì thế giới đã có ĐSCT tốc độ 500 - 600 km/h. Việt Nam, một nước không sở hữu nền công nghiệp hiện đại, không sở hữu công nghệ nguồn thì không bao giờ đi đầu, ngang bằng được với các nước tiên tiến. Hôm nay bạn có Iphone 14 đời mới nhất, thì cùng lúc có người khác đã sở hữu Iphone đời mới tiếp theo rồi. Chừng nào còn là quốc gia tiêu thụ, thì chừng đó luôn là người tiêu dùng hàng thế hệ, may ra là , “áp cuối”.
- Ảo tưởng tiến lên CNXH bỏ qua giai đoạn TBCN là một thực tế đau xót bắt khoảng một nửa nhân loại phải trả giá gần suốt một thế kỷ, dẫn đến Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, buộc Trung Quốc (TQ) phải mở cửa từ năm 1978 với khẩu hiệu “mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột”, với sự từ bỏ trá hình “CNXH mang màu sắc TQ”; Còn Việt Nam thì phải tiến hành chính sách “Đổi mới” từ tháng 12/ 1986. Hãy quên đi sự hô hào bắt kịp các nước tiên tiến trên thế giới trong xây dựng ĐSCT. Một tốc độ chạy tàu 150- 200 km/h, để đi từ Hà Nội vào Vinh chỉ 2 tiếng đã là một ước mơ thế kỷ.





Để cảnh tỉnh xin nhắc lại vài con số :
Theo thiết kế, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ dài 174,41 km, tốc độ chở khách 190 km/h, tốc độ chở hàng 120 km/h, có 15 nhà ga, 11 trạm bảo dưỡng. Tổng mức đầu tư 9, 07 tỷ USD (213 948 tỷ đồng). Bình quân 52 triệu USD/km [3].
Trong khi đó, tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc (TQ) đoạn Vientiene- Botan dài 422 km, tốc độ chở khách 160 km/h, tốc độ chở hàng 120 km/h, 10 ga hàng hoá, 10 ga hành khách, 75 đường hầm, 77 cây cầu. Tổng mức đầu tư 5,9 tỷ USD. Bình quân 14 triệu USD/km cho tuyến đơn và 28 triệu USD/km cho tuyến đôi [4]
Như vậy, một cách tương đối, giá thành 1 km tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ đắt gấp 1,85 lần tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc (cho tuyến đôi). Nếu lưu ý rằng, vốn chung 2 nước chiếm 40%, vốn vay Trung Quốc 60%, Trung Quốc là người xây dựng, thì có thể đồ rằng, giá trị xây dựng thực của nhà thầu không quá 75%, tức là khoảng 10,5 triệu USD/km cho tuyến đơn, và 21 triệu USD cho tuyến đôi. Nếu tính theo giá thành này, tuyến ĐSTĐC Hà Nội – TP HCM dài 1 508,6 km có giá thành khoảng 31 tỷ 680 triệu USD gần với con số dự báo ban đầu của Bộ KH&ĐT. Còn nếu là các tập đoàn tư nhân xây dựng, thì chi phí nằm trong khoảng 20- 25 tỷ USD, với thời gian xây dựng chừng 10 năm là có thể đưa vào khai thác.



Hội đồng thẩm định nhà nước đã đề xuất phương án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tốc độ chở khách 200 km/h, tốc độ chở hàng 120 km/h, mà không chấp thuận phương án chỉ chở khách 320 km/h. Hội động thẩm định Nhà nước cũng đã có công khi điều chỉnh rút ngắn tuyến đường xuống 1.508,6km thay vì 1.559km., và giảm giá thành đầu tư xuống 61,02 tỷ USD, ít hơn 15,34 tỷ USD so với 76,39 tỷ USD theo đề xuất của Bộ GTVT [1].
3.
TQ không phải là quốc gia có công nghệ tiên tiến bậc nhất, nhưng xây dựng ĐSCT thì TQ là quốc gia đứng số 1, làm nhanh nhất, rẻ nhất. Nhưng đó là người TQ làm cho người TQ. Còn người TQ làm ĐSCT, ĐSTĐC cho nước ngoài, muốn nhanh phải có cổ phần áp đảo của TQ, do TQ khai thác vận hành. Tuy nhiên lúc đó giá thành được đẩy lên, ít nhất là bù đủ chi phí của TQ.
Còn làm cho nước ngoài, không có cổ phần của TQ thì giá thành tăng gấp 2,3,4,5 lần. Thời gian thi công kéo dài. Như trường hợp tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Nhưng nỗi lo chính khi TQ xây đựng ĐSCT hay ĐSTĐC mà không có cổ phần áp đảo của TQ nằm ở điểm khác, chứ không phải chỉ ở giá cao, thiết bị không an toàn. Các nước Âu Mỹ lo về công nghệ gián điệp của TQ. Vụ nổ máy nhắn tin làm gần 3000 người bị thương và thiệt mạng ở Lebanon ngày 17/9/2024 [2] là một chứng cớ sởn gai ốc. Các nước sở hữu công nghệ, có khả năng truy xét thiết bị gián điệp như Mỹ mà còn phải tránh xa thiết bị TQ, thì đừng nói đến Việt Nam - “i tờ” về công nghệ cao. Không có khả năng kiểm soát, tiên đề là “tránh xa”.
4.
Quyết định xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Sài Gòn là một quyết định ảnh hưởng to lớn đến các đời con cháu mai sau. Hoặc giúp cho con cháu giàu có lên, hoặc đưa đến cho cháu con những khoản lỗ khổng lồ. Lúc đó, dẫu không muốn lưu danh, thì hậu thế cũng buộc phải nhắc đến.
Bởi thế, các UVTƯ là những người biểu quyết quyết định phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM cần rất thận trọng. Chọn ĐSTĐC 200 km/h chở khách và 120 km/h chở hàng hay chọn ĐSCT 320 km/h chỉ chở khách phụ thuộc vào lợi ích của ai? Số đông hay số ít? . Đó không thể là một biểu quyết vì ai đó đã quyết, hay vì đối ngoại, càng không thể sợ cản bước tiến cá nhân. Cá nhân không thể đạp lên vai số đông cần lao để thăng tiến.
5.
Chu Văn An dâng sớ thất trảm, chỉ lui về ở ẩn ở Chí Linh mà không nguy hại đến tính mệnh. Vương Luỹ treo mình trước cổng thành can ngăn Lưu Chương, tự mình cắt dây rơi xuống thiệt mạng chứ không do Lưu Chương giết. Nhưng Điền Phong can Viên Thiệu bị giam vào ngục, bị Thiệu bức tự tử. Còn Tỷ Can ngăn Trụ Vương thì bị moi tim. Đó là thời xa xưa.
Trong dự án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM, đã từng có một số tờ báo lớn đăng nhiều bài viết phản biện về ĐSCT và ĐSTĐC.
Đặc biệt Bộ KH&ĐT đã đề xuất và kiên trì ủng hộ cho phương án 200 km/h chở khách, 120km/h chở hàng. Hy vọng Bộ KH&ĐT từ góc nhìn của cần lao số đông mà kiên trì phản biện đến cùng.
Hội đồng thẩm định Nhà nước đã thể hiện chính kiến của mình, bảo vệ và góp ý cho phương án vừa chở khách vừa chở hàng, càng không thể vì lý do gì mà rời xa bản chất khoa học.
Còn nữa là Bộ NN &PT NN, đừng quên lợi ích của 70 triệu dân vùng nông thôn miền núi nghèo khó. Họ cần được di chuyển. Họ cần được bán hàng. Họ là đối tượng lớn cần được để tâm nếu muốn Việt Nam sớm vượt qua mức sống trung bình của thế giới.

................../.