Trong bài “Từ mộng làm quan đến đường cách mạng Hồ Chí Minh và Trường Thuộc Địa”, hai tác giả Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu đã phổ biến ảnh sao (photocopy) hai lá thư của Nguyễn Tất Thành đề ngày 15-9-1911 gởi cho tổng thống Pháp và bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp, xin hai nhà lãnh đạo Pháp ban ân huệ cho Thành được đặc cách vào học Trường Thuộc Địa Paris, nơi đào tạo quan lại cho các thuộc địa Pháp trong đó có Đông Dương. Phần chính trong nội dung của hai lá thư nầy hoàn toàn giống nhau. Đó là:
“Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của ông ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú Trường Thuộc Địa. Tôi hiện đang làm công trong công ty Chargeurs Réunis để sinh sống (trên tàu Amiral Latouche-Tréville). Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được ích lợi của nền học vấn…” (Đặc san Đường Mới, số 1, Paris, tt. 8-25)
Nguyên phụ thân của Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) là Nguyễn Sinh Sắc (còn có tên là Huy) đỗ phó bảng trong kỳ thi Hội và thi Đình năm 1901 tại Thừa Thiên, và được triều đình Huế bổ làm thừa biện bộ Lễ (tại Huế) từ 1902 đến 1909, rồi đi tri huyện Bình Khê (thuộc tỉnh Bình Định) tháng 5 năm đó. Từ thừa biện lên tri huyện là thăng quan chứ không phải xuống chức.
Nguyễn Sinh Sắc vốn nghiện rượu. Trong một cơn say rượu, tri huyện Nguyễn Sinh Sắc cho thuộc hạ dùng roi mây trừng phạt và đánh chết một người tù vào tháng 1-1910. Gia đình người nầy kiện lên cấp trên. Dù tri huyện Nguyễn Sinh Sắc đã chối cãi rằng không phải vì trận đòn của ông mà người kia chết, ông vẫn bị triều đình ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng.
Hình phạt nầy được chuyển đổi qua hạ bốn cấp quan lại và sa thải. (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ‘Indochine au Vietnam [Hồ Chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam], Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tr. 133). Lý do chuyển đổi hình phạt để Nguyễn Sinh Sắc khỏi bị đánh đòn có thể nhắm giữ thể diện của một quan chức triều đình, và nhất là vị nầy lại là người có học vị cao.
Ngày 26-2-1911, Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Ông ở lại Sài Gòn một thời gian, rồi đi Lộc Ninh làm giám thị đồn điền. Từ đó, ông không bao giờ trở ra Nghệ An. Ông sống lang thang ở miền Nam bằng nghề đông y, và nghề viết liễn đối cho dân chúng. Gần cuối đời, ông đến định cư tại làng Hội Hòa An, Sa Đéc, và từ trần ngày 29-11-1929.
Trước cảnh nghèo túng của cha, Nguyễn Tất Thành viết thư từ New York cho khâm sứ Pháp tại Huế ngày 15-12-1912, có những đoạn như “… cầu mong Ngài [chỉ khâm sứ Pháp] vui lòng cho cha tôi [cha của Thành tức Nguyễn Sinh Sắc] được nhận một công việc như thừa biện ở các bộ, hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài…” ( Thành Tín [tức Bùi Tín], Mặt thật, California: Nxb. Saigon Press, 1993, tt. 95-96).
Đây là một việc làm hiếu đễ đáng khen của thanh niên Nguyễn Tất Thành, nhưng rất tiếc khi gia nhập đảng Cộng Sản, thì Nguyễn Tất Thành từ bỏ luân lý truyền thống dân tộc, chuyển lòng trung hiếu thành lý tưởng phục vụ đảng và chủ nghĩa cộng sản, đến nỗi sau đó chính Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân Nguyễn Tất Thành, rất bực mình “không muốn nghe nói đến “đứa con hư” của mình [...] mà các chủ thuyết chẳng những đả phá uy quyền của nhà vua, mà còn đả phá luôn cả uy quyền của người gia trưởng.” (Daniel Hémery, sđd. tr. 134).
Hai lá đơn trên cùng với lá thư gởi năn nỉ viên khâm sứ Pháp tại Huế cho thấy lúc mới ra đi, Nguyễn Tất Thành chỉ nhắm mục đích sinh nhai. Vì sinh kế gia đình, lúc đó Nguyễn Tất Thành sẵn sàng thỏa hiệp với người Pháp để kiếm một chức quan cho cá nhân ông (bằng cách xin vào học Trường Thuộc Địa), hoặc cho phụ thân ông, chứ Nguyễn Tất Thành không chống lại nhà cầm quyền thực dân Pháp.
Giải quyết sinh kế cho gia đình là chuyện bình thường của đời sống con người. Lớn lên, ai ai cũng phải kiếm cách mưu sinh để tự nuôi sống mình và nuôi sống gia đình. Ngày 5-6-1911 Nguyễn Tất Thành xuống tàu Amiral Latouche-Tréville ra đi không phải để tìm đường cứu nước mà để TÌM ĐƯỜNG CỨU NHÀ. Đơn giản chỉ có thế.
http://www.danchimviet.info/archives/35933