...... BÀ TÁM, ÔNG TÁM





BÀ TÁM, ÔNG TÁM VÀ CÁI NÍU TAY GIỮA CHỢ...




***



Nói ngay, bà Tám (Nguyễn Thị Tám) là má chồng tôi, dân Sài Gòn gốc Long An- một bà cụ 80 tuổi bình dị như rất nhiều bà cụ Việt Nam đang sống ở Orange County này. Còn ông Tám - Lý Lược Tam ở Chợ Mới An Giang là nhà nghiên cứu Nam bộ vừa qua đời hồi giữa năm nay, thọ 86 tuổi. Tôi quen bà Tám (dĩ nhiên rồi) nhưng không quen ông Tám, chỉ biết ông qua sách báo. Ông Tám- bà Tám cũng chẳng biết nhau- nhưng với riêng tôi thì họ vẫn luôn là những cái níu tay của cảm giác quê nhà nơi phố chợ này- nhất là mấy độ Tết về...






Tết về mà không có bà Tám- (tức bà Nội mấy đứa nhỏ, tức cô Tám dì Tám của đại gia đình nhà chồng tôi) thì ắt là chưa Tết. Bởi không có bà Tám lấy ai đủ uy tín hô hào tập hợp lũ lượt con cháu tụ về khi Monterey Park, khi Garden Grove, lúc Huntington Beach bên nhau xì xụp, cuốn trộn, thịt kho dưa giá, canh gà nhồi hột, bánh tét bánh chưng, giò thủ dưa món... có năm vào đúng mồng Một, mồng Hai có năm tận mồng Năm mồng Sáu tùy vào năm đó Tết gần... "weekend" nào! Không có bà Tám lấy ai hối đám đàn bà con gái áo dài lên chùa, ra hội chợ, thúc đám con trai chỉnh tề áo xống để mỗi năm có được một tấm hình đoàn viên đầy đủ, đặng gửi về Sài Gòn hay "meo" qua Texas, Paris...
Không thể tưởng được năm nào cũng gần như chỉ một mình bà loay hoay với từng ấy món ăn cho mấy chục mạng lớn bé tụ về mấy ngày Tết, vừa ăn tại chỗ lại còn gói mang về. Đám con cháu cứ ngại: "Tám làm nhiều món quá, cực quá!" bà cứ cười: "Tụi bay mắc đi làm, đi học... để đó Tám làm, túc tắc mấy bữa là xong!" Nhớ có năm bà xuống nhà tôi phơi củ cải làm dưa món, nhờ ông con trai to lớn của bà vắt khô chậu củ cải thái miếng, ông con trai vắt xong mặt cũng méo luôn vì tay mỏi nhừ. Mà đó chỉ là một trong những việc nhỏ không tên của đôi tay bà mấy chục năm nay, mỗi độ Tết về.
Mà không chỉ mỗi độ Tết về, không chỉ đến hồi làm dưa món... quanh năm khi cặm cụi làm một món ăn nào đó là bà trở thành một người kể chuyện kỳ tài nối dòng ký ức Long An- Sài Gòn trầm tư , sôi nổi...
Chẳng hạn, khi dằm những con mắm cá linh (mua từ chợ Hòa Bình Garden Grove) để chuẩn bị cho nồi bún mắm, bà có thể cho tôi nhìn thấy những rặng dừa nước Thanh Vĩnh Đông- Long An quê bà, mùa nước nổi tầm tháng Chín, tháng Mười đám cá linh non đầu mùa ùa theo con nước, lội xanh mặt sông, chỉ việc đặt lọp... xúc cá về nhà. Cá linh non xương chưa cứng, bụng beo béo, đem kho mẳn, kho tiêu hay nấu canh chua so đũa... ngon hết biết. Hay lúc khèo mấy cục thịt heo làm xá xíu nấu hủ tíu mì bà sẽ nhắc tiệm mì miệt Bà Điểm trong vườn cau xanh mát nổi tiếng mì ngon mà cũng nổi tiếng vì chỉ bán cho mỗi khách một tô, ăn xong thòm thèm gọi thêm tô thứ 2 thể nào cũng bị ông chủ tiệm nạt: "Ăn cho cố rồi chê mì người ta dở!"
Bà kể chỉ có một lần hồi bầu thằng Dũng này má tới ăn ổng thấy bầu bì nên thương tình... phá lệ bán cho má thêm tô nữa! Tôi phì cười nhớ ngay cái tiêm mì Nhật Hakata Ramen ở Fountain Valley cũng nổi tiếng ngon và nguyên tắc chỉ ăn tại chỗ, không bán "to go" mang về. Phải chăng cũng là vì cái "triết lý" muốn giữ gìn sự ngon cho khách: mì ngon phải ăn ngay, chứ đem về nhà rồi lại chê mì người ta dở? Thấy những câu chuyện xưa, do người già rỉ rả kể lại, bao giờ cũng đậm như chén thuốc sắc từ trải nghiệm.
Thì cũng kiểu như việc thỉnh thoảng khi nghe tiếng chửi thề từ bàn cà phê của mấy ông già ở khu Bolsa, tôi lại nhớ- nhớ đến kỳ lạ một đoạn trong bài viết về ông Tám- Lý Lược Tam thời ông sống ở Mỹ Luông, An Giang trong sách "Sài Gòn chuyện đời của phố"(Phạm Công Luận):
"...Chiều tà, ông ra quán cà phê ngoài xóm và quan sát chợ quê. Cà phê ngàn đồng một ly, uống chung với đá bào. Vậy mà ngồi được mấy tiếng đồng hồ. Mấy ông già Nam bộ ngồi chơi với nhau hay chửi thề. Ông bảo: "Ông chủ vựa cá ngoài chợ chửi thề nghe thần sầu, chửi rất bậy nhưng thật ra ổng rất đàng hoàng. Ổng không chửi thì làm sao điều khiển được mấy bà bán cá cùng mấy mụ mua cá. Mấy bả lộn xộn và dữ lắm, nhưng đàn ông không đánh được mấy bà , nên chỉ có chửi mới giữ được trật tự!" Mấy ông già không ai nhậu nhẹt, ra quán cà phê chỉ uống cà phê hoặc trà đường vậy mà vui. Đến khuya ở xóm ông chẳng thấy nhà nào đóng cửa. Khách đang ngồi chơi với ông tự nhiên thấy một thằng nhóc lạ hoắc ngồi thu lu cạnh mình: "Ủa, mày ở đâu ra?". "Dạ con ở bên kia" Nó chỉ đâu đó dãy nhà xa xa. Xóm này chả có gì chơi, con nít thấy người lạ là luông tuồng qua nhà người này chơi người kia chơi vậy đó, chẳng ai la rầy. Dưới nhà ông chuột chạy rần rần, mèo nhảy ầm ầm, ông bảo: "Chuột nó chạy đi chơi thôi, không sao đâu, nó cũng no rồi, nhà gần chợ mà. Còn con mèo thì nó.... đi tuần, nó ngó quanh nhà mình rồi qua nhà khác, chả làm bể món đồ nào..."
Với tôi, đoạn viết này thật đẹp, cái đẹp bình yên của miền Nam một thời chỉ còn lưu lại qua ký ức của những người ở thế hệ ông Tám. Và nó ấn tượng với tôi- một kẻ hậu sinh- tựa như một cái níu tay giữa chợ chỉ vì vô tình nghe... một tiếng chửi thề!
Rồi có khi không cần nghe, tôi cảm được cả cái níu tay lúc lặng yên ngắm mấy chậu sứ chật cứng những cành mai rừng Mỹ trong chợ hoa Phúc Lộc Thọ một ngày giáp Tết. Sang đây hơn 10 năm, tôi đã quen mắt với cái dáng suông đuộc của loại mai rừng Mỹ chi chít hoa vàng rực Tết trong những ngôi nhà Việt. Tôi không rõ người Việt ở Cali bắt đầu phát hiện và đưa mai rừng Mỹ (Forsythia) xuống phố bán cho nhau chưng tết thay cho nỗi nhớ mai vàng quê nhà từ khi nào. Cái xuất xứ ấy chắc cũng chẳng khác gì chuyện đem mai rừng 5 cánh về Sài Gòn bán từ hơn nửa thế kỷ trước được kể lại trong cuộc hàn huyên một chiều 29 Tết giữa ông Tám và mấy bạn già bên lề đường Lê Công Kiều- Sài Gòn:
"...Hồi xưa người ta không có mua mai về chưng tết đâu à nghen! Chú Lý- nhân viên Ngân hàng Việt Nam Thương Tín nhớ lại... Mà phải có mấy chậu cây quan trọng là vạn thọ và mồng gà. Mồng gà sặc sỡ, vạn thọ thơm. Ai có cây mai trồng trước sân thì chăm sóc cho nở bông, nhưng chẳng mấy ai cắt cành chưng trong nhà. Đến khi người Pháp quay trở lại miền Nam sau khi thua trận Điện Biên, Sài Gòn phát triển việc kinh doanh, mới thấy người ta bắt đầu chưng mai, với mong muốn may mắn, cát tường. Mấy người lính sẵn có phương tiện xe cộ và quyền di chuyển, vào tận rừng sâu miệt Hớn Quản, Lộc Ninh, Chơn Thành chặt mai rừng về cho người nhà đem ra chợ bán. Đến giờ, nhà nào cũng chưng cành mai hoặc thuê hay đặt chăm sóc mai ở vườn rồi bưng cả chậu đặt trong nhà. Đó là điều "khác hoắc"..."*
Thời gian, sự dịch chuyển... đã tạo ra bao điều "khác hoắc"(từ Nam bộ giờ ít ai còn nói) trong cái thú chưng mai ngày Tết, khác hoắc từ thời ông Tám ông Lý đến thời con cháu bây giờ. Và khác hoắc từ Sài Gòn đến Cali: ông Tám chắc chẳng thể ngờ những gốc mai vàng 5 cánh truyền thống VN đã có mặt sum vầy và kiêu hãnh ở chợ hoa Phúc Lộc Thọ- Quận Cam này từ Tết năm kia 2014- và cũng từ Tết năm ngoái 2015 những cành mai rừng Mỹ suông đuộc- thật ngoạn mục- lại đảo ngược nhập về VN "gây sốt" cho thú chơi hoa Tết của giới nhà giàu thích của lạ ở Sài Gòn, Hà Nội! Thật là khác hoắc!
Ở tuổi này, bà Tám đã có thể bình thản với mọi sự "khác hoắc" bởi cuộc đời bà là những chuỗi đổi thay: từ cô bé chèo ghe thoăn thoắt trên sông nước Long An theo gia đình về Sài Gòn khi người cha cắm đất dựng nhà ở khu Nancy (Quận 5 giáp Quận 1) lúc nơi đây còn là vùng lau sậy, trở thành thợ may, lấy chồng sanh con, rồi chờ chồng- khóc chồng nơi trại tù cải tạo, rồi sang Mỹ một mình tần tảo nuôi dạy năm đứa con, con cái trưởng thành, giờ lo đến cháu... Bao thác ghềnh qua, bao cái Tết qua, bà vẫn là nơi níu giữ những tình thân họ tộc, giữ những phong tục thói lề cho con cháu trong đời sống bận rộn nhập gia tùy tục xứ này.
Ở một nơi ngôn ngữ khác, tập tục khác, Tết cũng khác nhưng dù "khác hoắc" thế nào thì chúng tôi vẫn luôn có được cái níu tay ấm áp từ bà để nhớ"mình là người Việt", níu thêm chút nữa:"là người Nam!" Cái núm níu bền bỉ thơm tho như mâm cúng chiều 30 Tết từ hồi bà về làm dâu ở nhà chồng cho đến bây giờ vẫn một tinh thần Nam bộ chơn chất: mâm trái cây "cầu-dừa- đủ-xoài", nồi thịt kho với miếng thịt vuông lớn cùng hột vịt tròn để cầu được sự toàn vẹn vuông tròn, tô canh khổ qua đề mong cái khổ sẽ qua, cái sung sướng tới... 
Tết đến, thử hỏi còn lời chúc nhau nào trên môi đậu xuống mâm ăn lại tương phùng như thế?
ÔNG TÁM - LÝ LƯỢC TAM

Tết đến, người ta chúc người nhỏ mau lớn còn người già thì chúc khỏe, chứ thêm Tết là thêm già, thêm già là thêm... mất. Hồi giữa năm nay, ông Tám Lý Lược Tam đã mất ở tuổi 86 nhưng bao câu chuyện về Sài Gòn xưa của ông vẫn sống động trong những trang sách. Nỗi nhớ Sài Gòn với tôi bây giờ đã kèm theo nỗi nhớ ông Tám- một người chưa từng quen biết- nhưng đã giúp tôi được làm quen với một Sài Gòn- một miền Nam thời quá vãng.
Ông từng là nghệ nhân làm gốm ở An Giang, từng gắn bó và giúp ông Vương Hồng Sển dịch tài liệu, thơ văn bằng chữ Hán trên đồ sứ cổ từ đầu thập niên 70, được ông Sển giới thiệu với ông Sơn Nam rồi trở thành thân thiết, nhiều chi tiết trong sách của Sơn Nam về Bình Dương- Lái Thiêu là từ lời kể của ông Tám, cũng như sau này là nhiều câu chuyện về Sài Gòn trong sách Phạm Công Luận, ông là người quen cũ của con đường đồ cổ Lê Cồng Kiều, là một nhà nghiên cứu gốm Nam Bộ say mê cần mẫn...
"Và trên tất cả ông như một ông đồ già vui tính, thích ngao du với một thái độ sống thật bình thản, nhẹ nhàng và khoan hòa"**
Người ta có thể biết yêu hơn, được gắn bó hơn với cái hồn vía của một nơi chốn không bằng những điều gì to tát mà chính từ những câu chuyện chậm rãi ung dung của những người lưu giữ ký ức như ông Tám, bà Tám...
Như với tôi thỉnh thoảng hay nói câu "Dở như hạch!", cứ nói ào ào mà nào biết tại sao lại "như hạch" cho đến khi được nghe câu chuyện của ông Tám thời còn là một cậu bé được đi cùng mấy người chú từ Lái Thiêu lên Sài Gòn chơi:
"... Khoảng thời gian đó (thập niên 40) có nhiều người Ấn sống ở khu trung tâm Sài Gòn gần chợ. Người Ấn gốc Bombay chuyên cho vay lấy lãi và bán vải, còn những người Hạch chuyên thức đêm làm gác cửa, gác tiệm buôn. Nhóm người Hạch gốc Hồi giáo có làn da ngăm đen giống người Ấn và làm nghề gác cửa thì rất cần mẫn. Mấy ông chú nói với Thân (tên ông Tám lúc nhỏ) là họ chỉ giỏi nghề gác cửa, chuyển sang nghề khác thì dở ẹc nên mới có câu "Dở như Hạch". Sau này Thân biết Hạch nghĩa là Hadj, đứng đầu tên của họ- nghĩa là "hành hương" trong tiếng Á Rập, nhắc đến mơ ước một đời là hành hương đến thánh địa Mecca. Và ai có chữ Hadj đứng trước tên nghĩa là đã đến đó rồi"***
Đã đến đó rồi- những thánh địa trong tâm tưởng- cũng như nơi đây vùng đất tôi đang sống, bao người đã đến và cùng sống, cùng làm việc, cùng buồn-vui và ghi- dấu- riêng- mình: người Ấn, người Việt, người Mexico, người Đại Hàn, người Nhật... Rồi ai sẽ tiếp tục kể những câu chuyện đời người như thế của hôm nay- như ông Tám bà Tám đã kể- cho mai sau, trong muôn đời của Tết, trong những trang sách sẽ được lật ra...


THÚY HÀ

____________________________
Chú thích:
*bài "Đẹp xưa" trong "Sài Gòn chuyện đời của phố" tập 1- Phạm Công Luận
**bài "Ông Tám ở phố Lê Công Kiều" trong "Sài Gòn chuyện đời của phố" tập 1- Phạm Công Luận 
***bài "Lang thang trên thành phố xưa" trong " Sài Gòn chuyện đời của phố" tập3- Phạm Công Luận


............./.