THUYỀN NHÂN VIỆT – HỢP PHÁP hay BẤT HỢP PHÁP?




THUYỀN NHÂN VIỆT – HỢP PHÁP hay BẤT HỢP PHÁP?





****

Sau ba ngày ba đêm lênh đênh trên biển, thuyền chúng tôi được một tàu Cảnh Sát Hải Quan Thái Lan cứu thoát sau khi bị hải tặc cướp, lột sạch tất cả những gì đáng giá và bỏ mặc cho sóng gió dập vùi. Chúng lấy đến không còn một giọt dầu để nổ máy tàu.
Họ cho 2 người đại diện sang tàu để mang về mấy can dầu, vài thùng nước uống, một ít đồ ăn, rồi ép chúng tôi chuyển hướng nhắm đến Mã Lai. Về sau này mới biết, chúng tôi chỉ còn cách bờ biển của Thái Lan vài chục cây số.
Chiều ngày hôm sau, chúng tôi đã thấy được bờ biển ở xa xa, mập mờ trong ánh nắng chiều, thì một tàu Cảnh Sát Hải Quan khác, nhắm hướng chúng tôi tiến tới. Lần này thì lá cờ khác với lá cờ Thái Lan ngày hôm qua, tàu Cảnh Sát Hải Quan Mã Lai. Họ lại cho chúng tôi cập vào bên cạnh tàu, và hai người nói được tiếng Anh lại đại diện lên tàu nói chuyện với họ.
Sau nửa tiếng, chúng tôi lại được tiếp tế cho mấy can dầu, một ít nước ngọt, một ít đồ ăn và một ít trái cây. Họ lại kéo thuyền chúng tôi ra khơi trở lại và hướng dẫn chúng tôi rẽ hướng … để nhắm vào đất Thái.
Hai ngày sau ngay tờ mờ sáng, chúng tôi đã thấy bờ biển Thái Lan, (về sau này mới biết, nó chỉ cách trại tỵ nạn Songkhla hơn một cây số), sau khi đã bị cướp thêm 2 lần. Sau khi bàn bạc, chúng tôi lần này quyết chí, bằng mọi giá, sẽ không dừng vì bất cứ điều gì để bị lôi ra khơi trở lại. Cũng may cho chúng tôi vì lần này đã cặp khá sát bờ nên đã không bị Cảnh Sát Hải Quan Thái phát giác.
Trời vừa tờ mờ sáng thì những ngư dân Thái đánh bắt ven bờ phát hiện ra chúng tôi là thuyền tỵ nạn. Dễ biết thôi, vì tàu đánh cá Thái hay Mã Lai có hình dạng khác với tàu Việt Nam. Chỉ còn cách bờ độ hơn cây số, nhưng chúng tôi phải chiến đấu hết sức vất vả với hơn 20 chiếc ghe đánh cá nhỏ của người Thái vây bọc.
Chưa bao giờ, những người thuyền nhân hiền lành như chúng tôi, phải tận mắt chứng kiến hình ảnh những con người trần trụi, đen đủi, quấn sà rông, tay cầm giáo mác, dao, rựa, vũ khí đủ loại reo hò, múa nhảy, với thứ ngôn ngữ lạ tai, như chỉ chực bắt được chúng tôi là sẽ ăn sống như các thổ dân mọi ăn thịt người.
Đám thanh niên chúng tôi, những người còn khỏe, đã được sắp xếp và hướng dẫn từ hôm trước, đứng hết lên quanh mạn thuyền với gậy gộc, mái chèo và bất cứ thứ vũ khí gì kiếm được, chỉ ước mong với cái khí thế … yếu ớt đó, đủ để làm bọn thảo khấu chùn bước.
Những chiếc ghe con bé tí vây quanh chúng tôi, chỉ có một hay hai người, nên ít nhiều gì cũng phải gờm cái đám thanh niên Việt vừa nhếch nhác vừa sợ sệt tuy đã mệt lả vì say sóng dập vùi trên biển, nên ngoài sự reo hò, múa may, chẳng mấy ai dám đến sát bên. Những ghe nào manh nha đến gần, chúng tôi dồn hết lực lượng, hò la, hù dọa lại, múa may như thể nhất định cùng sống chết. Có những chiếc ghe vây bọc trước mũi, người tài công tuy rất sợ nhưng đã có lệnh cứ nhắm thẳng ủi vào. Ít nhiều gì thì thuyền chúng tôi cũng lớn hơn những chiếc ghe con ấy gấp 3-4 lần.
Mất gần nửa buổi để vượt đoạn đường nghẹt thở ấy. Người tài công được lệnh xả hết ga lao thẳng ghe vào bờ, không dừng lại vì bất cứ lý do gì. Cuối cùng thì chiếc ghe đâm thẳng vào những mỏm đá nhấp nhô chỉ cách bờ gần trăm mét, cái mũi ghe vỡ ra toang hoác, nước tràn vào xối xả. Thanh niên chia nhau nhảy xuống, người khiêng, người cõng, người vác, bồng bế những người già cả, trẻ em lôi lê nhau lội bì bõm vào bờ. Nước chỉ lên tới ngực.
Mười lăm phút sau, tất cả chúng tôi, nhóm người gồm 63 con người lớn nhỏ, người già nhất đã ngoài 80, đứa bé nhất mới lên 2, lóp ngóp gom tụ nhau lăn ra ở ngay bãi biển. Đám thanh niên còn tỉnh táo, quay lại ngậm ngùi nhìn chiếc thuyền dài 12 mét đã bị nhóm người man rợ kia, tháo gỡ ra thành nhiều mảnh chia chác khiêng đi. Chưa đầy 30 phút, không còn vết tích gì để lại, ngoài rác rưởi và quần áo dơ trôi dạt bồng bềnh khắp nơi.
Chợt từ đâu, xuất hiện một nhóm thanh niên, thanh nữ khoảng hơn chục người. Họ lôi kéo, chia chúng tôi ra thành từng nhóm, lần mò, rờ rẫm, sờ soạng, nắn bóp khắp cơ thể từng người một trong chúng tôi bất chấp những van xin, kêu gào, khóc lóc. Đây là bọn cướp cạn. Họ lại tiếp tục cướp đi những gì mà các nhóm cướp trước … bỏ sót lại.
Sau cùng, dân trong làng mang ra cho chúng tôi hai sô cháo trắng còn nóng hổi, một ít đồ ăn mặn, một ít trái cây và nước uống. Một thanh niên nói với chúng tôi bằng tiếng Anh rằng, họ đã đi báo cho cảnh sát, sẽ có xe đến chở chúng tôi về đồn trong khoảng 1 giờ nữa.
Chúng tôi được chở đến một trại cảnh sát nhỏ gần đấy. Bắt đầu làm thủ tục giấy tờ, bên cạnh thủ tục rờ mó, xoa nắn, để tìm vàng và tiền đô một cách trắng trợn ngay trong đồn cảnh sát một lần sau chót.
Sau này, khi đã hoàn tất thủ tục nhập trại, những người đi trước ở đây đã kể là, gần như tất cả dân trong trại đã nín thở theo dõi cuộc chiến giữa chúng tôi và bọn cướp cạn, từ khởi đầu cho đến khi thấy chúng tôi đâm được tàu vào bãi cạn và lóp ngóp lên bờ. Họ reo hò, cổ võ và cả những lời cầu xin Thượng Đế, mong sao cho chúng tôi có đủ can đảm để đâm được vào bờ. Bởi,
TRƯỚC ĐÓ, và SAU NÀY, ĐÃ CÒN BIẾT BAO CON THUYỀN TỴ NẠN KHÁC - Ở NGAY NGƯỠNG CỬA THIÊN ĐƯỜNG.
BỊ LÔI TRỞ LẠI RA KHƠI và KHÔNG BAO GIỜ CÒN ĐƯỢC NGHE NHẮC ĐẾN
Tôi là một trong hai người đại diện đó, và cái câu nói mà những người chỉ huy ở trên hai tàu Cảnh Sát Hải Quan Thái Lan và Mã Lai nói với chúng tôi đều giống nhau, y như họ đã được huấn luyện ở cùng một trường đào tạo:
“Đất nước chúng tôi không nhận người tỵ nạn. Các người đã nhập cư bất hợp pháp. Các người sẽ bị nhốt tù và sau đó sẽ bị trả về Việt Nam”.
Ở Thái thì họ hăm dọa phải chạy sang Mã Lai. Ở Mã Lai thì họ hăm dọa phải hướng về đất Thái. Rồi họ lại lôi tàu chúng tôi ra khơi trở lại, bỏ mặc cho bầy thú dữ hải tặc chờ sẵn.

.....

Tôi thấy có ai đó khi tranh luận về vấn đề DACA, đã lớn tiếng: BỌN MỄ NHẬP CƯ LẬU ĐÓ, LÀM SAO CÓ THỂ SO SÁNH VỚI NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA, NHỮNG NGƯỜI TỴ NẠN HỢP PHÁP (Legal Status)?
Người ta mau quên hay chỉ vì cuồng lãnh tụ để sẵn sàng nhắm mắt, cúi đầu tung hê bất cứ điều sai trái gì mà lãnh tụ họ làm?
Hay những người cuồng lãnh tụ này, đến Hoa Kỳ bằng máy bay qua diện ODP hoặc HO hoặc ĐOÀN TỤ, để không biết được những đắng cay mà hơn 1 triệu thuyền nhân và những người vượt biên bằng đường bộ đã phải gánh chịu, trên đường đi tìm tự do trong các thập niên 80s – 90s trong thời gian chờ phỏng vấn?
Chẳng lẽ họ mù tịt về tin tức có liên quan đến đồng bào mình vào cuối thập niên 1990s, khi các trại tỵ nạn ở Hồng Kông, Mã Lai, Thái Lan, cưỡng bách đồng bào tỵ nạn hồi hương?
Chẳng lẽ họ không hay biết rằng, có người tỵ nạn quá phẫn uất và thất vọng đến độ phải mổ bụng, phải tự thiêu, phải cắt mạch máu tự tử, nhất định không chịu để trả về ở trại Whitehead, ở trại Sikew?
Chỉ có họ với chính lương tâm của họ mới có thể trả lời cho những câu hỏi đó.
TÔI ĐỂ ĐÂY ĐỂ CÁC BẠN ĐỌC TỰ TÌM CHO MÌNH CÂU TRẢ LỜI.

*** hình ảnh những người tỵ nạn ở trại Whitehead Hồng Kông tạo thành chữ SOS, van xin lòng thương xót của nhân loại bên ngoài khi có lệnh cưỡng bức hồi hương năm 1996.

............/.