... con đường “lập ngôn”




Hương Giáo Đề Thơ (624)

https://www.facebook.com/notes/%C4%91%C3%B4ng-th%E1%BB%A9c-nguy%E1%BB%85n/%C4%91%C3%A3-ch%E1%BB%8Dn-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-l%E1%BA%ADp-ng%C3%B4n/1284923454887146

*****************

Đã chọn con đường “lập ngôn” thì phải giữ cho tâm hồn luôn luôn thanh thản


Nguyễn Đức Lập

**************



Trò Lê Văn Cui thân mến,
Qua muốn nhắc cho trò một câu nói của người xưa. Câu nầy hình như qua đã có dịp nói rồi. Không biết trò có còn nhớ hay chăng, nên nhắc lại cho chắc ăn. Cái câu qua muốn nhắc đó, nó như vầy:
Nầy tam bất hủ của ta
Lập công, lập đức, cùng là lập ngôn
Câu nầy có ý nghĩa là: Có ba phương cách để làm cho tên tuổi được sống mãi, không mục nát với cỏ cây. Ấy là lập công, lập đức và lập ngôn.
Qua muốn nói với trò về cái sự “lập ngôn”.
Lập ngôn là dùng văn chương, thi phú mà quảng diễn tư tưởng của mình, cho thiên hạ đương thời ngỏ biết và để lại cho đời sau.
Người xưa, khi chọn con đường “lập ngôn” để lưu danh hậu thế, thường phải có kinh lịch, trải qua bao nhiêu là gian khổ của cuộc đời, từng trải những cảnh bách chiết thiên ma, ngậm cay nuốt đắng, hay đã để ra gần hết cuộc đời để học hỏi, để sưu tầm, nghiên cứu cho tới nơi tới chốn. Lập ngôn không thể là “ăn ốc nói mò”, càng không thể là “áo buông chùng, quần phết gót” ru rú trong tháp ngà mà nói dóc dạy đời.
Ông Tư Mã Thiên, tự là Tử Trường, đời nhà Hớn, làm quan Thái sư, vì trung ngôn trong vụ Lý Lăng, phải tội nặng, bị đè ra thiến sống, trong lúc chưa có con nối dõi tông đường, đau thương chất ngất, sầu hận mang mang, rút hết tinh huyết để sáng tác nên bộ “Sử Ký”. Bộ sách nầy được nưng niu truyền tụng cho tới ngày nay, đâu phải là chuyện tình cờ.
Quan Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên nước Sở, đứng đầu một trong ba dòng quí tộc, đưa ra kế hoạch cứu nước, không hợp với khuynh hướng cầu an của vua quan đương thời, phải bị đi đày, hình dung tiều tụy, áo quần xốc xếch, nghêu ngao ca hát ở bờ sông Mịch La, làm nên thiên “Ly Tao”, trước khi nhảy xuống sông tự tử. “Ly Tao” được truyền tụng đời đời, cũng đâu phải do sự tình cờ.
Ông Bạch Cư Dị, tự là Lạc Thiên, đời nhà Đường, làm tới chức Tả Thập Di của trào đình, vì lời nói thẳng, nghịch ý người trên, bị biếm truất làm chức Tư Mã tận xứ Giang Châu, đang đêm đưa bạn, nghe tiếng đờn khoan nhặt của nàng ca kỹ về chiều, trên bến Tầm Dương, nghĩ lại thân phận hẩm hiu của mình mà sáng tác khúc “Tỳ Bà Hành”. Tác phẩm nầy, cho tới giờ vẫn có người ngâm, cũng không phải là chuyện tình cờ.
Ở nước ta, quan Thái úy Lý Thường Kiệt khẳng khái ngâm câu “Nam quốc sơn hà nam đế cư...”, lúc đang đem hùng tài thao lược, chỉ huy bá vạn hùng binh, ngăn đường giặc Tống xâm lược, chớ không phải đang ngồi đổ rượu, bó gối trông trăng. Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải lẫm liệt đọc bài “đoạt sáo Chương Dương độ, cầm hồ Hàm Tử Quan...”, sau khi đã tung hoành trận mạc, bụi không kịp lau, giáp không kịp cởi, lập nên công trận hiển hách, chớ không phải sau khi tùng tam tụ ngũ, chè chén say sưa, rồi nổi hứng thình lình. Ông Phạm Ngũ Lão sáng tác bài “Hoàng Soái giang sao cấp kỷ thu...”, sau khi đã đem hết tài năng và sức lực, xông pha giữa mũi tên hòn đạn, rừng gươm sóng giáo, để đánh đuổi quân thù, chớ không phải ngồi trong cảnh nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, mà hứng sảng.
Những bài thơ, tuy ngắn ngủi, của những vị anh hùng dân tộc đó, còn được nhắc nhở hoài, đâu có phải do bè đảng tư túi, thổi phồng nhau mà thành được. Bài nào cũng đúc kết từ “nhứt phiến hùng tâm”, mới thành được.
“Lập ngôn” là để lại về lâu về dài, trăm năm sau, ngàn năm sau, vạn năm sau, chớ đâu phải chỉ có giá trị một ngày một bữa.
Nếu những điều lập ngôn phát xuất từ tấm lòng chơn thật, bàng tài năng chơn thật thì lo gì mà không để đời được.
Còn như trá ngụy, dùng văn tài lưu loát, để che giấu con tim không thật, việc làm không thật, rồi kéo bè kéo đảng để vái lạy nhau, thổi phồng nhau, có thể lường gạt được một ít người đương thời, chớ đâu có thể gạt được hết thế hệ nầy qua thế hệ khác.
Hay vô tài bí lối, dùng sự bon chen luồn lọt, quy lụy đầu nầy, xin xỏ đầu kia, dù với kẻ thù cũng không ngượng ngập, cái tên tuổi cho dù tạo được nhứt thời, nhưng với mai hậu, cũng đâu có bền.
“Lập ngôn” là sử dụng giấy trắng mực đen. Và, với thời gian chơn hay giả, thực hay hư, đều không che giấu được ai hết. Bụi thời gian tuy dày, nhưng chỉ vùi lấp những cái giả, cái hư mà thôi.
Đã chọn con đường “lập ngôn” thì phải giữ cho tâm hồn luôn luôn thanh thản, “thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhơn” (trên chẳng trách trời, dưới chẳng phiền người), thì những điều đặt để ra trong văn chương sách vở mới có giá trị hằng cửu được.
Trò Cui ơi,
Xưa nay, ít có người dùng con đường văn chương để làm bước tiến thân, để từ đó, có thể bon chen mà tranh danh đoạt lợi. Ông Viên Tử Tài, đời nhà Minh đã từng hạ bút “lập thân tối hạ thị văn chương” (dùng văn chương để lập thân là con đường thấp nhứt). Ông Nguyễn Công Trứ đã nói đến công dụng của văn chương “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”. Văn chương có mục đích là đem lại cái hay cái đẹp cho đời, chớ không phải là phương tiện để tranh ngôi đoạt lợi. Xưa nay đã như vậy rồi. Bởi vậy, thiên hạ mới coi nghề văn là nghề cao quí.
Còn như, dùng văn chương chữ nghĩa để hòng kiếm chác thì đâu khác nào anh con buôn biển lận!



....../.

Formosa – Cái giá phải trả



Formosa – Cái giá phải trả

BẠCH HOÀN

************


Formosa Hà Tĩnh – một siêu dự án thép được phê duyệt thần tốc, ưu đãi tột khung, quản lý nuông chiều… đã khiến đất nước và nhân dân VN phải trả một cái giá vô cùng đau đớn.


Võ Kim Cự, người từng giữ vị trí chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh, hiện là chủ tịch Liên minh hợp tác xã VN và Nguyễn Thái Lai, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng nhiều quan chức khác là những người đã gián tiếp tạo ra bi kịch cho nhân dân miền Trung nói riêng và VN nói chung như ngày hôm nay. Họ sẽ phải trả giá, tất nhiên là như vậy. Nhưng cái giá ấy đắt hay rẻ lại phụ thuộc vào thái độ của Chính phủ trước những đớn đau, mất mát của nhân dân.


Kỳ 1: Lạc nước hai Xe đành bỏ phí…


Võ Kim Cự từng nói, đưa Formosa vào Hà Tĩnh, ông không có gì sai cả. Hôm nay, một lần nữa tôi sẽ chỉ cho Võ Kim Cự thấy chẳng có cá nhân nào có thể lấy tay che trời. Bởi dưới ánh mặt trời này luôn có chỗ cho sự thật. Tôi cũng sẽ chỉ cho Nguyễn Thái Lai thấy rằng, lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt.


Hôm qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận, nhấn mạnh sai phạm của Võ Kim Cự, Nguyễn Thái Lai đã để lại hậu quả nghiêm trọng, cần kỉ luật. Bằng bài viết này, tôi cố gắng giúp các anh chị và những người có trách nhiệm có thêm thông tin và cái nhìn đầy đủ hơn về những sai phạm của hai cá nhân trên.




1. CÕNG RẮN CẮN GÀ NHÀ


Cõng rắn cắn gà nhà, đó là câu nói mà những công dân có lương tri trên đất nước này dành cho Võ Kim Cự, người đã phê duyệt thần tốc cho Formosa, lập kỷ lục về thời gian giải phóng mặt bằng ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh để giao cho nhà đầu tư này, người đã hứa hẹn Formosa sẽ giúp nhân dân Hà Tĩnh đổi đời.

Đưa được Formosa vào Vũng Áng vào tháng 6-2008, Võ Kim Cự khi ấy là trưởng Ban quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, kiêm phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, Võ Kim Cự đã lần lượt leo lên vị trí chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, phó bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh, rồi bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Từ một địa phương khốn khó, hiện nay, Võ Kim Cự được đưa ra Thăng Long thành, là thành viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, chủ tịch Liên minh hợp tác xã VN.

Báo cáo sai sự thật về năng lực của Formosa. Ảnh: FB Bạch Hoàn

Formosa đã đổi đời Võ Kim Cự. Formosa cũng đổi đời cho người dân Hà Tĩnh và cả nhân dân miền Trung. Chỉ có điều, một người thì thăng quan tiến chức, giày hoa áo gấm thênh thang quan trường, hưởng bổng lộc từ ngân khố của quốc gia, trong khi hàng trăm ngàn người dân lại rơi vào cảnh thất nghiệp, ngư dân có thuyền mà chẳng thể ra khơi, tiểu thương không thể buôn bán, du lịch thì đìu hiu…


Tôi cho rằng, những ai bình luận Võ Kim Cự là con tốt thí là người hoàn toàn không hiểu về vụ việc Formosa. Võ Kim Cự là tác giả của dự án Formosa Hà Tĩnh. Võ Kim Cự cũng từng là người đứng đầu một tỉnh, hiện là người đứng đầu một tổ chức nhà nước với hơn 30 triệu thành viên, tuyệt đối không phải con Tốt.


• BÁO CÁO SAI SỰ THẬT VỀ FORMOSA.


Đầu tiên, tôi sẽ nói về đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư. Chỉ vỏn vẹn một ngày sau khi Formosa gửi thư cho UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định đã nghiên cứu dự án tiền khả thi dự án nhà máy luyện cán thép và cảng biển Sơn Dương, Võ Kim Cự khi ấy với vị trí là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh nhảu ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép Formosa triển khai dự án tại Vũng Áng. Văn bản ấy ký ngày 16-1-2008, tôi post ở hình 1.


Trong văn bản gửi Thủ tướng, Võ Kim Cự nhấn mạnh qua nghiên cứu thực tế và hồ sơ cho thấy, Formosa là tập đoàn có nguồn lực và kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án cảng biển và luyện thép. Đây chính xác là hành vi dối trên lừa dưới. Võ Kim Cự báo cáo sai sự thật, bởi không có thực tế và hồ sơ nào có thể chứng minh Formosa có kinh nghiệm trong lĩnh vực luyện cán thép. Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tiên của Formosa đầu tư vào lĩnh vực luyện thép. Trước đó, tập đoàn này chưa từng làm thép nên họ đương nhiên chẳng có bất cứ kinh nghiệm nào. Chính Formosa đã từng thừa nhận, Formosa Hà Tĩnh ra đời để hiện thực hoá giấc mơ làm thép của những người sáng lập tập đoàn này.


Đối với một dự án quy mô lớn, nhà nước phải bỏ ra vô số nguồn lực hỗ trợ về hạ tầng, mặt bằng, ưu đãi tối đa các loại thuế phí, cuộc sống của hàng chục ngàn người dân bị xáo trộn, nguy cơ ảnh hưởng môi trường lớn, đòi hỏi phải có những nhà đầu tư đủ năng lực. Kinh nghiệm là một trong những yếu tố để đánh giá năng lực. Năng lực của Formosa là do Võ Kim Cự vẽ ra, một thứ năng lực không có trên thực tế. Thời điểm đó, trong tất các cổ đông góp vốn vào Formosa Hà Tĩnh, không có bất kỳ cổ đông nào có kinh nghiệm làm thép.
.

• CẤP PHÉP VƯỢT THẨM QUYỀN

Ký thoả thuận cho thuê đất 70 năm. Ảnh: FB Bạch Hoàn



Nhờ báo cáo sai sự thật về năng lực của Formosa, đồng thời bỏ qua khẩu xem xét hồ sơ đen với những thành tích nổi cộm về phá hoại môi trường của Formosa, đề xuất cho phép Formosa đầu tư vào Vũng Áng của Võ Kim Cự được chấp thuận.


Với vai trò là trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, kiêm phó chủ tịch tỉnh, Võ Kim Cự là người ký giấy phép đầu tư cho Formosa. Trong giấy phép này, Võ Kim Cự cho phép Formosa được thực hiện dự án trong 70 năm, vượt thẩm quyền. Thời điểm đó, Luật Đầu tư quy định dự án muốn được cấp phép 70 năm cần có sự chấp thuận của Chính phủ. Không có bất cứ văn bản nào cho thấy Chính phủ đồng ý cho Hà Tĩnh cấp phép 70 năm.


Ông Võ Kim Cự từng nói, các bộ ngành và Chính phủ đã đồng ý nên ông thấy mình không sai. Thực tế, các bộ ngành chỉ tham giá ý kiến và Chính phủ chỉ chấp thuận cho Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh. Điều đó có nghĩa là chấp thuận cho Formosa đầu tư thời hạn 50 năm chứ không phải 70 năm như Võ Kim Cự bao biện. Đó là lý do Thanh tra Chính phủ đã có kết luận Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho Formosa là trái thẩm quyền.


Không thể suy đoán rằng Võ Kim Cự phải được Thủ tướng Chính phủ khi ấy cho phép mới dám làm. Bởi thực tế vào năm 2015, Chính phủ đã đồng thuận với kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, Võ Kim Cự đặt Chính phủ vào tình thế có bầu phải cưới, giấy phép đầu tư cho một dự án 10 tỉ USD không thể như trò đùa. Thế nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải đề xuất Chính phủ chấp thuận thời hạn 70 năm mà Hà Tĩnh đã cầm đèn chạy trước ô tô.


Hơn nữa, trước khi gửi văn bản xin ý kiến của các bộ ngành và trước khi có sự chấp thuận của Chính phủ vào cuối tháng 5-2008, thì vào ngày 9-4-2008, Võ Kim Cự đã ký một văn bản gửi riêng Formosa, trong đó đã ghi rõ cho Formosa thuê đất 70 năm. Hết thời hạn này, nếu Formosa có nhu cầu thì sẽ được ưu tiên cho thuê tiếp. Văn bản này gồm 2 trang, tôi post ở hình 2, hình 3.


Có một điều rất kỳ lạ là, ông Cự ký văn bản cho Formosa thuê đất 70 năm với vai trò là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng người đề xuất điều này lại là trưởng ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cũng có tên là Võ Kim Cự. Tự ký duyệt cho đề xuất của chính mình thì còn hơn cả nhóm lợi ích, một hành động coi thường Pháp luật, coi trời bằng vung.


* TỰ Ý CHO XÂY DỰNG ĐƯỜNG ỐNG XẢ THẢI RA BIỂN


Cho phép Formosa làm đường ống xả thải ra biển trước khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận. Ảnh: FB Bạch Hoàn


Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt vào năm 2008 của Formosa, nơi tiếp nhận xả thải là sông Quyền. Đến tháng 12-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Formosa xả thải ra biển Vũng Áng.


Tuy nhiên, ngày 18-7-2013, Võ Kim Cự với vai trò là chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã ký văn bản chấp thuận cho Formosa giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống nước xả thải ra biển Vũng Áng. Mặc dù, thời điểm này Formosa chưa thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung khi xả thải ra biển. Hành động cho phép Formosa xây dựng đường ống xả thải ra biển của Võ Kim Cự là không đúng quy trình.


* HÌNH PHẠT NÀO CHO VÕ KIM CỰ?

Còn hàng loạt vấn đề trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án tái định cư, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện dự án Formosa, nhưng tôi chỉ phân tích ba vấn đề trên đã thấy Võ Kim Cự cần được xem xét hành vi vi phạm pháp luật chiếu theo Bộ Luật Hình sự.


Cụ thể, Điều 224 có quy định người lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm sai lệch kết quả lập dự án, bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lại hậu quả thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 10-20 năm.


Điều 229 vi phạm các quy định về quản lý đất đai có nêu rõ, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê đất có giá trị quyền sử dụng đất quy thành tiền từ 7 tỉ đồng trở lên với đất nông nghiệp và 15 tỉ đồng trở lên với đất phi nông nghiệp thì có thể bị phạt tù từ 5-12 năm. Võ Kim Cự cho Formosa thuê đất trong 70 năm trái thẩm quyền. Giá trị thuê đất tới hơn 90 tỉ đồng.


Điều 360 – tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có quy định, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại từ 1,5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Thực tế, Chính phủ đã công bố Formosa gây ra thiệt hại 0,3% GDP VN, tức gần 15.000 tỉ đồng.


Võ Kim Cự là người trực tiếp thực hiện dự án Formosa, thẩm định, phê duyệt, giám sát Formosa nhưng đã không thẩm định đầy đủ, cấp phép sai phạm, giám sát lỏng lẻo dẫn đến hàng loạt sai phạm ở dự án Formosa. Theo các anh chị, Võ Kim Cự sẽ nhận mức án nào phù hợp và bao nhiêu năm thì thoả đáng. Tôi không biết rồi đây ông Cự sẽ bị xử lý ra sao. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, để thực sự thuyết phục được người dân, gầy dựng niềm tin trong dân về một xã hội công bằng, minh bạch, không thể chỉ kỷ luật Võ Kim Cự về mặt hành chính, mà nhất thiết phải thực hiện các bước kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức chủ tịch Liên minh hợp tác xã VN, miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và cuối cùng là truy tố hình sự.


2. HOÀNG HÔN NHIỆM KỲ, CHUYẾN TÀU VÉT


Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Formosa xả thải ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương vào ngày 11-12-2015. Người ký giấy phép đưa nguồn chất độc từ Formosa ra biển và giết chết và vùng biển miền Trung là Nguyễn Thái Lai. Không sai khi thấy ở đây có bóng dáng của chuyến tàu vét vào những ngày hoàng hôn nhiệm kỳ đã từng được cảnh báo ở Quốc hội. Bởi khi ký giấy phép, Nguyễn Thái Lai chỉ còn ngồi ghế thứ trưởng vỏn vẹn 20 ngày nữa là về hưu. Trong ngày 11-12-2015, Nguyễn Thái Lai ký hai giấy phép xả thải cho Formosa và nhà máy giấy Lee& Man Hậu Giang.


Riêng với giấy phép cho Formosa, Nguyễn Thái Lai đã làm trái quy định của Luật Bảo vệ môi trường như không lấy ý kiến của người dân địa phương bị ảnh hưởng, cho phép Formosa xả thải bằng cống ngầm đặt dưới đáy biển, nằm ngoài khơi vịnh Sơn Dương, không thể quan sát, không thuận tiện cho giám sát theo quy định.


Với những sai phạm này, tôi cho rằng không thể kỷ luật Nguyễn Thái Lai bằng hình thức tước tư cách “nguyên thứ trưởng” tương tự cách làm với ông Vũ Huy Hoàng, người từng được gọi là nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. Thay vào đó, sai phạm của Nguyễn Thái Lai cũng cần phải xem xét hình sự. Theo quy định tại Điều 360, cá nhân quản lý thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại từ 1,5 tỉ đồng trở lên thì lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm.


Bài viết quá dài vì tôi chỉ ra chi tiết những sai phạm với bằng chứng rõ ràng kèm theo những quy định pháp luật. Hi vọng mọi người đọc sẽ có them hình dung về câu chuyện này, lên tiếng để những kẻ làm sai phải trả đúng cái giá cần trả.


Trong cá nhân này, tôi lưu tâm nhiều hơn về người tên Võ Kim Cự. Người ta nói, “Lạc nước hai Xe đành bỏ phí. Gặp thời một Tốt cũng thành công”. Võ Kim Cự là người nhờ Formosa mà gặp thời một Tốt cũng thành công. Nhưng bây giờ đã đến lúc lạc bước hai Xe đành bỏ phí.



******************************************
 (TIẾPTHEO)



Trong bài viết trước, tôi đã nói chi tiết về Võ Kim Cự, nguyên trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, từng là phó chủ tịch, bí thư Hà Tĩnh, hiện là chủ tịch Liên minh Hợp tác xã VN, thành viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Nguyễn Thái Lai, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Câu chuyện Formosa được vẽ ra, chắc chắn không chỉ bởi bàn tay của hai cá nhân ấy. Trong bài viết này, tôi sẽ cung cấp thêm vài dữ liệu cho các anh chị tham khảo để nhìn rõ những ai đã mở toang cửa rước Formosa vào VN, những người đã quản lý “tốt”, những người đã nâng cao nhận thức về môi trường của Nhân dân và ý thức hơn về cách để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình…




1. AI NGHÈO MÀ ĐƯỢC BÌNH YÊN?


Sau Võ Kim Cự, khi nói đến Formosa, người tiếp theo tôi nhớ đến là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ấn tượng nhất của tôi về ông là quan điểm thà nghèo nhưng bình yên. Có lẽ vì tôi chỉ là một thường dân bé mọn, một phụ nữ quanh quẩn góc bếp nên suy nghĩ khác nhiều. Tôi vẫn nghĩ, không một đất nước nào nghèo mà có thể bình yên. Cái nghèo thường luôn đi kèm với sự phụ thuộc, sự đớn hèn. Cái nghèo dẫn đến bất ổn xã hội. Trong suy nghĩ giản đơn của mình, tôi cho rằng một nhà lãnh đạo nhất thiết phải là người có khát khao và hành động để làm cho đất nước trở nên giàu có và bình yên, chứ không an phận chấp nhận cái nghèo.


Trở lại câu chuyện Formosa, tôi được biết vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, thời điểm Formosa xin vào Vũng Áng và trong suốt thời gian Formosa xây dựng nhà máy tại Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Hải là Phó thủ tướng Chính phủ, phụ trách nhiều vấn đề nảy sinh ở dự án Fomosa Hà Tĩnh.


Ngày 24-12-2007, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Formosa để nghe Tập đoàn này báo cáo về dự án đầu tư khu luyện gang thép 15 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương. Sau buổi làm việc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải, Formosa đã xây dựng báo cáo đầu tư về hai dự án trên. Theo đó, thời gian xây dựng lò cao số 1 được rút ngắn từ 48 tháng xuống còn 36 tháng.


Ngày 4-3-2008, ông Hoàng Trung Hải là người ký văn bản chấp thuận chủ trương cho Formosa đầu tư nhà máy thép ở Vũng Áng. Cần rạch ròi rằng, thu hút FDI là cần thiết để phát triển kinh tế. Phát triển ngành thép cũng cần thiết. Nhưng, với lý lịch gây ô nhiễm môi trường của Formosa, lại là một dự án quy mô lớn ở một lĩnh vực có nhiều nguy cơ phá hoại môi sinh, trong khi hoàn toàn không có kinh nghiệm ở lĩnh vực luyện thép, thì rõ ràng chấp thuận cho Formosa vào Hà Tĩnh là một quyết định đầy dũng cảm mang tính đột phá và tiềm ẩn rủi ro cao.


Sau khi được Võ Kim Cự cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong quá trình triển khai dự án, Formosa nhận được hàng loạt ưu ái. Trong số đó phải kể đến ưu ái về thuế. Giấy chứng nhận đầu tư ký cho Formosa không có mục nào cho thấy tập đoàn này được miễn thuế tài nguyên và phí môi trường đối với hoạt động khai thác cát san lấp nền. Luật Thuế Tài nguyên cũng không có quy định nào miễn thuế đối với trường hợp như Formosa. Thực tế Formosa có một nhà thầu Bỉ thực hiện hút cát từ biển để lấy cát san lấp nền thực hiện xây dựng khu luyện thép, thay vì phải mua cát.


Ngày 3-7-2014, Thanh tra Chính phủ có văn bản kết luận một số vấn đề liên quan đến quản lý đất đai và xây dựng của Hà Tĩnh, trong đó có nêu rõ Hà Tĩnh chậm thu thuế tài nguyên và thu chưa đủ phí môi trường đối với cát dùng để san lấp nền trong dự án xây dựng nhà máy luyện thép Formosa, chưa thu phí xả thải là không đủ quy định. Đến thời điểm ban hành kết luận, Formosa đã nộp phí tài nguyên.


Trùng hợp là trước đó, ngày 29-6-2014 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài chính tạm ứng 250 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương cho Hà Tĩnh để hoàn trả số tiền thuế tài nguyên và phí môi trường đã thu của Formosa.


Trước đó nữa, vào đầu tháng 1-2013, Formosa kiến nghị Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải xem xét nhiều hạng mục dự án cần nhận được sự hỗ trợ. Trong đó có trang 14 của văn bản nói về vấn đề xin cấp giấy phép thi công và giấy phép xây dựng. Văn bản của Formosa viết như sau: Theo đúng quy trình, sau khi toàn bộ các công trình thuộc dự án hoàn thành thiết kế cơ bản, chủ đầu tư phải cung cấp bản vẽ và tư liệu, sau khi được Bộ Công thương phê chuẩn sẽ xin Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy phép thi công và giấy phép xây dựng. Nhưng vì quy mô dự án lớn, nếu chờ các công trình hoàn thành thiết kế cơ bản, sau đó xin giấy phép thi công thì sẽ kéo dài thời gian xây dựng. Do đó, hình thức xây dựng dự án là tiến hành đồng thời giữa thiết kế và thi công, nhiều hạng mục đã được tiến hành thuận lợi dưới sự giúp đỡ của Chính phủ và Hà Tĩnh.


Formosa cho biết, vào tháng 12-2012, thiết kế cơ sở của dự án đầu tư đã được gửi lên Bộ Công thương. Tập đoàn này kiến nghị Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép trong thời gian chờ hoàn thành thủ tục thì Formosa vẫn được thi công xây dựng. Sau khi hoàn thành thẩm duyệt hồ sơ sẽ xin giấy phép thi công và giấy phép xây dựng.


Như vậy nghĩa là, Formosa xin cơ chế thi công dự án trước khi thiết kế cơ sở được phê duyệt, xây dựng các công trình trước khi có giấy phép xây dựng. Đến giờ, Formosa có được hưởng cơ chế này hay không, tôi cho rằng những người có trách nhiệm hoàn toàn có thể kiểm tra xem Formosa có giấy phép xây dựng hay chưa, nếu có thì ở thời điểm nào và thực tế họ đã xây dựng các hạng mục công trình từ thời điểm nào?


Việc Formosa có thể tự ý xây dựng nhà máy luyện cốc bằng công nghệ dập cốc ướt thay vì cốc khô như báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt vào tháng 6-2008, cùng với 52 lỗi vi phạm khác, đã là một câu trả lời. Khi trao đổi với tôi, một vị lãnh đạo cấp cục ở Bộ Công thương nói, xây dựng không có giấy phép thì chỉ trời mới biết họ làm cái gì trong khu đất ấy.


2. NGỒI XỔM TRÊN LUẬT


Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đã bị kết luận có sai phạm nghiêm trọng khi cấp giấy phép xả thải cho Formosa ra biển. Đường ống xả thải của Formosa được đặt ngầm ở độ sâu 17m, nằm ngoài khơi Vịnh Sơn Dương. Vị trí đặt ống xả thải này là trái luật bởi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, đường ống xả thải phải đặt ở vị trí sẽ quan sát, thuận tiện cho kiểm tra giám sát. Quá trình cấp phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tham vấn người dân theo đúng quy định.


Như vậy, đường ống xả thải ra biển của Formosa là một di sản trái luật. Chính ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nói vào ngày 29-4-2016 rằng, luật quy định đường ống phải đảm bảo thật sự thuận lợi cho các cơ quan kiểm tra, như vậy không thể để ngầm được. Tới đây, Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.


Tuy nhiên, đến ngày 4-7-2016, cũng vẫn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng ông Trần Hồng Hà lại nói, vấn đề
không phải là đường ống ngầm mà là nước thải trước khi thải ra môi trường trong ống ngầm này đã được xử lý đạt tiêu chuẩn hay chưa, việc kiểm soát để đảm bảo chắc chắn nước thải đảm bảo an toàn có minh bạch không, khi có sự cố thì phương án dự phòng là gì? Nếu nước thải đã được xử lý đạt tiêu chuẩn, thì vẫn có thể thải qua các ống ngầm đã xây dựng.


Tôi đồng ý với quan điểm vấn đề nằm ở nước thải đã được xử lý hay chưa. Nhưng năng lực kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng tồi tệ ra sao đã được Nhân dân cả đất nước này thấy rõ qua vụ việc cá chết ở miền Trung. Hơn nữa, một nhà đầu tư có thâm niên phá hoại môi trường như Formosa thì thật khó để tin tưởng. Chừng nào còn tồn tại một cái cống ngầm thì chừng đó chẳng ai biết họ sẽ tống thứ gì ra biển miền Trung. Hơn nữa, cần lưu ý là đường ống ấy đặt ngầm là trái quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Thế nên, ông Trần Hồng Hà không thể dùng quyền lực Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường của mình để thừa nhận một thứ trái luật. Cho một thứ mà chính mình đã khẳng định là trái luật được tồn tại, liệu đó có thể coi là hành vi ngồi trên luật?


Thử hỏi, còn ai tin tưởng một người như thế đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường?


3. DỐI TRỜI LỪA DÂN


Trong câu chuyện về Formosa, tôi tuyệt đối không thể nào quên hình ảnh các quan chức ăn hải sản để an lòng dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Thân là người đứng đầu ngành y tế, gác cửa ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, chăm lo sức khoẻ cho 92 triệu dân, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại có những hành động không thể nào chấp nhận được.


Cụ thể, khi sự việc cá chết còn đang gây hoang mang dư luận và chưa biết nguyên nhân từ đâu, vào ngày 1-5-2016, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: Bộ Y tế đã lấy mẫu nhiều loại hải sản tươi sống do ngư dân đánh bắt về như tôm, cá, ốc, sò, mực, một số loại rau để phân tích.
Kết quả đo được thì các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người. “Thông tin rất quan trọng là hải sản tươi sống đều an toàn. Riêng các mẫu hải sản ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ngày 2/5 sẽ có kết quả”.


Ngày 3-5, bà Tiến khoe trên facebook một tấm hình đang cùng thuộc cấp của mình ăn tiệc hải sản ở Hà Tĩnh để truyền đi thông điệp hải sản an toàn.


Thực tế thì sao, hải sản chết do nhiễm chất độc phenol, cyanua từ trong chất thải độc hại mà Formosa xả ra biển miền Trung. Đến tháng 8-2016, chính ngành y tế kiểm nghiệm vẫn phát hiện tại Hà Tĩnh có mẫu cá trạng buồn nhiễm cadimi vượt ngưỡn giới hạn tối đa, cá mỏ neo, cá đuối, ghẹ ba mắt, cá nhồng… nhiễm cyanua và mẫu cá đuối, ghẹ ba mắt, cá man nhiễm phenol. Tại Quảng Bình, thời điểm này vẫn phát hiện mẫu ghẹ nhiễm phenol.


Đó là chưa kể, trong tháng 7-2016, ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm phát hiện tới 25,9% mẫu hải sản nhiễm kim loại nặng. Thêm nữa, tại thời điểm xảy ra cá chết, các nhà khoa học lấy mẫu phân tích cũng đã phát hiện các mẫu hải sản bị nhiễm phenol và cyanua.


Lương tâm một con người không cho phép nói rằng hải sản an toàn để người dân tiếp tục ăn hải sản đang chứa những chất cực độc. Đó là hành động dối trên lừa dưới, dối trời lừa dân, coi thường sức khoẻ của nhân dân, đầu độc dân. Vậy Bà Tiến tiếp tục ngồi ghế Bộ trưởng y tế để làm gì?


Một cá nhân khác tôi cho rằng trí tuệ thấp, nhân cách kém, cần phải bị xem xét xử lý kỷ luật, đó chính là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn. Khi miền Trung xảy ra thảm hoạ cá chết, người dân Hà Tĩnh lo lắng, nhân dân cả nước hoang mang, ông Đặng Ngọc Sơn nói rằng người dân cứ yên tâm ăn cá, cứ yên tâm tắm biển. Đây là một lời nói trấn an dư luận không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào. Điều này có thể để lại hậu hoạ khôn lường. Xét cả tâm và tầm, ông Sơn không đủ để ngồi ghế Phó thường dân chứ đừng nói Quan Phụ mẫu của 1 Tỉnh.


Còn những cái tên khác cũng xuống tắm biển, ăn cá để trấn an dư luận, mọi người có thể giúp tôi liệt kê bằng các comment phía dưới bài viết này. Nếu tôi liệt kê ra hết thì tẩu hoả nhập ma mất.


4. AI CẦM ĐÈN CHẠY TRƯỚC Ô TÔ?


Về một số ý kiến cho rằng, Võ Kim Cự không thể tự cho phép Formosa được đầu tư 70 năm, tôi sẽ thông tin thêm vài dòng. Thực tế ông Cự đã tự ý cam kết với Formosa trước khi cấp phép.


Về chủ trương đầu tư, Chính phủ chỉ chấp thuận cho Formosa đầu tư nhà máy thép, chứ không phải chấp thuận cho đầu tư 70 năm. Muốn được đầu tư 70 năm, Hà Tĩnh cần có văn bản xin ý kiến và Chính phủ phải chấp thuận bằng văn bản giấy trắng mực đen.


Giấy trắng mực đen cho thấy, ngày 3-7-2014, Thanh tra Chính phủ kết luận Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là trái quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư 2005. Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý.


Ngày 1-8-2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục giữa thời hạn 70 năm cho Formosa. Sau đó, Chính phủ chấp thuận kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy, ông Cự không cầm đèn chạy trước ô tô thì ai vào đây?


Phần 2 của chủ đề “Formosa – Cái giá phải trả”, tôi chỉ mong mọi người có thêm dữ liệu, chứ không có niềm tin và kỳ vọng gì nhiều. Bằng chứng là sau những hành động ở vụ cá chết vào tháng 5-2016, đến tháng 7-2016, bà Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục được phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Y tế.


Tuy nhiên, như tôi vẫn nói, vụ Formosa sẽ đi vào lịch sử không chỉ là câu chuyện vi phạm của một nhà đầu tư, không phải chỉ là một sự cố môi trường như cách người ta gọi tên hiện này. Câu chuyện về Formosa sẽ đi vào lịch sử về sự lựa chọn, về ứng xử của giới chức với người dân. Lịch sử thì luôn công bằng, nhân dân luôn nhắc nhớ.



........./.


MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI





CHUYỆN CHỮ NGHĨA: MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI


Phần đông cho rằng chữ “đăng” trong thành ngữ này là đèn, và “đối” có nghĩa là... câu đối; nên nghĩa đen của “môn đăng hộ đối” được giải thích là trước cửa có treo lồng đèn và trong nhà có bày câu đối.

Có tờ báo nọ nhảy vào bàn luận văn tự một hồi ba trợn rồi kết là về nghĩa đen của nó, duy chỉ người xưa may ra mới hiểu, và về nghĩa bóng thì ở thời hiện đại là quan niệm cổ hủ sai lầm. Nhà báo xứ mình lâu nay bác đại tinh thâm, bất kể thiên văn, địa lý, thủy triều, hải lưu, luật pháp, tâm lý, phụ khoa... thứ gì cũng rành rẽ hơn hẳn chuyên gia, nay trong chuyện chữ nghĩa bỗng tỏ ra khiêm cung rất mực, âu cũng là sự lạ.

Mà “môn đăng hộ đối” là giống gì?

Thật ra, nguyên văn nó là “môn đương hộ đối” 門當戶對, do chữ “đương” còn được đọc là “đang” nên lâu ngày trại ra thành “đăng”, dẫn đến sự xuất hiện vô duyên của cái đèn lồng.



Chữ "Môn" cổ.





Chữ "Hộ" cổ.

“Giáo sư” Nguyễn Lân, nhà biên soạn từ điển cự phách của Bắc Việt, nổi tiếng với những công trình cóp nhặt cách cẩu thả của người khác để vơ thành của mình. Nhưng trong “Từ điển từ và ngữ Hán-Việt” (Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002) cũng như “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (Nxb Tp.Hồ Chí Minh, 2000), Nguyễn Lân đã ghi chính xác thành ngữ này là “môn đương hộ đối”. Ở đây, không phải do Nguyễn Lân tinh thông chữ nghĩa, mà vì ông đã chép lại của một học giả miền Nam: từ 1961, trong “Việt ngữ chính tả tự vị” (Nxb Khai Trí, Sài Gòn), Lê Ngọc Trụ đã ghi rằng thành ngữ “môn đăng hộ đối” là do đọc sai trại chữ “đang” (đương) mà ra.
Tìm hiểu thành ngữ chữ Hán tất phải tham cứu từ điển Tàu, trong “Thuyết văn giải tự”, bộ từ điển quan trọng do Hứa Thận biên soạn hồi đầu thế kỷ II ghi: “môn” là cửa có hai cánh, “hộ” là cửa một cánh. “Môn hộ” do đó là nói cái chỗ từ đó chui ra chui vào, không phải nói nguyên cái nhà. Hãy xem tự dạng cổ của hai chữ này (trong ảnh): “Môn” có hai cánh hai bên, và “hộ” chỉ có 1 cánh bên trái (chữ “hộ” này nay đã không còn, và được thay bằng chữ ).
“Môn đương” và “hộ đối” còn là hai chữ đi liền nhau của cùng một từ. Khi xưa, trước nhà quan thường có những chi tiết điêu khắc đặt ngay lối ra vào, dùng trấn gia trạch theo phong thủy, trong đó có “môn đương” và “hộ đối”.

Vào đời Hán, nhà quan thường đặt đôi trống bằng đá trước cửa (do tiếng trống vang dội uy nghiêm nên được cho là tượng trưng của sấm sét, có hiệu dụng xua đuổi tà ma xui rủi), đôi trống đá này gọi là “môn đương”.


"Môn đương" có hình dạng cái trống.

Không phải nhà ai cũng được phép dùng môn đương, mà phải quan lớn từ tam phẩm trở lên mới được dựng cửa hai cánh và bày nó. Quan văn thì môn đương có hình tròn, quan võ thì môn đương có dạng vuông. Quan tòng tam phẩm thì có hai môn đương, chánh tam phẩm được bốn, nhị phẩm được sáu, nhất phẩm được tám; và duy chỉ cung vua mới được bày chín môn đương. Do đó, cứ đếm môn đương là biết nhà của đại quan cỡ nào, và căn cứ vào hình dạng của nó mà suy ra là quan văn hay võ.












Quan từ tòng tam phẩm trở xuống chỉ được làm cửa một cánh, ở thanh đà phía trên khung cửa được đặt đôi trụ hình tròn nhô ra khoảng một tấc, gọi là “hộ đối”. Hộ đối tượng trưng cho nam đinh, đặt trên cửa là ngụ ý gia tộc hưng vượng. Tùy phẩm hàm mà có hộ đối nhiều ít khác nhau.

Có 4 "hộ đối": đây vốn là nhà quan lục phẩm.
“Môn đương hộ đối” do đó có nghĩa đen là sự phân biệt quan chức cao thấp, và nguyên nghĩa không phải nói nhà có “môn đương” phải kết thân với nhà có “hộ đối”, mà là con nhà trọng thần có môn đương thì chỉ nên phối ngẫu với nhà có môn đương; và tương tự, con em nhà quan nhỏ chỉ có hộ đối thì chỉ nên gả cho nhà có hộ đối; chứ môn đương không thể cùng hộ đối cưới gả lộn xộn.

Tức là thành ngữ này có hai vế, lâu nay nhiều người vẫn tưởng là hai vế này sẽ "cưới" nhau, nhưng thật ra lại là tách biệt, mỗi vế tự tìm đối tượng bằng vai phải lứa với nó.
Bởi theo nhận định của người xưa, vợ chồng về căn bản phải có cùng hệ quy chiếu mới có thể hòa hợp lâu bền. Người không cùng đẳng cấp sẽ có quan điểm bất đồng, dễ tạo nên xung đột khiến đời sống hôn nhân trở nên trục trặc, thành gánh nặng trong đời.

Tất nhiên, người ta có thể dẫn ra trăm nghìn trường hợp riêng biệt để bác bỏ quan niệm này, nhưng đừng quên: trong tình yêu-hôn nhân, chết vì nhau vẫn dễ hơn là phải sống trọn đời bên nhau.

Bối cảnh văn hóa, giáo dục khác nhau của hai gia đình sẽ dẫn đến hành xử khác nhau của mỗi người trong đôi lứa, những tập quán-sinh hoạt khác nhau hình thành tính cách khác biệt đến nỗi nhiều khi trở thành xa lạ khó hiểu với nhau, điều này gây những cú sốc nghiêm trọng trong cuộc hôn nhân. Trong tiểu thuyết “Trống Mái” của Khái Hưng, cô Hiền tiểu thư đã không thể đến với anh Vọi chính vì lẽ đó.

......../.