NHÓM LỢI ÍCH QUÂN ĐỘI VÀ BI KỊCH SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT


NHÓM LỢI ÍCH QUÂN ĐỘI VÀ BI KỊCH SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT
[Người Việt]

Phạm Chí Dũng
*****



“SÂN BƠI TÂN SƠN NHẤT”
Tương tự tình trạng “ngập” của đảng cầm quyền từ năm 2012 đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang ở vào thời kỳ bi kịch sắp tới điểm cuối của nó.
Năm 2016, sân bay này đã chính thức được dân gian đặt tên “sân bơi Tân Sơn Nhất.” Nếu những năm trước sân bay này còn chưa bị ngập sau những trận mưa lớn, thì vào năm nay chỉ sau một trận mưa khoảng 150 mm, Tân Sơn Nhất đã biến thành một biển nước mênh mông.
Mới đầu, giới lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất còn phủ nhận về tình trạng nước ngập bao la, nhưng sau đó đã phải thừa nhận trước những tấm ảnh mang tính bằng chứng không thể chối cãi.
Thậm chí một thứ trưởng giao thông vận tải chủ quản của sân bay Tân Sơn Nhất – ông Nguyễn Nhật – còn thừa nhận rằng trong chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM hôm 11 tháng 9, 2016, ông cùng hơn 200 hành khách đã phải bay vòng trên trời hơn 40 phút do trời mưa to do sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng khiến máy bay không thể hạ cánh được.
Bi kịch đang hiện hình tồi tệ. Có lúc đến 9 chuyến bay phải bay vòng trên trời trong tổng số 670 -750 chuyến bay trong và ngoài nước cất cánh, hạ cánh mỗi ngày. Ai cũng biết nguyên nhân tắc trên trời trước hết là do tắc ở dưới mặt đất.
Thêm nữa, sân bay này chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80 vị trí. Có 2 đường băng nhưng chỉ 1 đường lăn ra vào 2 chiều. Máy bay khi hạ cánh đi vào nhà ga thì máy bay khác phải chờ. Có tình trạng hết vị trí đỗ nên máy bay phải chờ trên đường lăn.
Tất nhiên, nếu không có sân golf quân đội thì Tân Sơn Nhất sẽ có được 80 vị trí đỗ và thêm một đường băng nữa.

QUÂN ĐỘI NÀO?
Từ sau 1975, sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm diện tích méo mó. Hàng loạt đại gia nhóm lợi ích quân đội đã thẳng tay chiếm đoạt một phần Tân Sơn Nhất để làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.
Dù đất trống trong sân bay vẫn còn, nhưng một bàn tay đen đúa nào đó vẫn quyết cắt 157 ha đất vàng trong sân bay cho tập đoàn Him Lam làm sân golf, mặc cho sân bay này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Được biết, dự án sân golf trong sân bay bận rộn nhất Việt Nam do tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh làm chủ đầu tư. Tập đoàn nổi tiếng với loạt scandan như: xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác; lọt vào danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài Chính với số tiền nợ lên tới 34.8 tỷ đồng… Nổi tiếng với những bê bối tày đình như thế nhưng không hiểu sao tập đoàn này vẫn được bảo kê để lập lãnh địa riêng trên 157 ha đất trong sân bay. Thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm đầu độc người dân thành phố bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không bị truy cứu trách nhiệm.
Cũng phải kể đến một nhân vật có máu mặt khác – Đại Tá Phùng Quang Hải – “chủ” một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau vụ “tướng Thanh đi Pháp chữa bệnh” vào tháng 6, 2015, và từ đó Phùng Quang Thanh gần như “mất tích” trên bàn cờ chính trị, nghe nói số phận của Đại Tá Phùng Quang Hải cũng không tốt lành hơn. Còn có đồn đoán rằng ông Hải đang phải chịu một chế độ quản thúc nào đó hoặc đã bị bắt.
Tuy nhiên dù hai ông Thanh và Hải “không còn nữa,” lợi ích nhóm quân sự vẫn là một bí mật kinh khủng và là một thách thức khủng khiếp đối với chính quyền dân sự.
Chỉ từ tháng 10, 2015 mới bắt đầu những cuộc bàn bạc giữa phía quân sự với đại diện nhà chức trách dân sự về việc dùng đất quân sự để mở rộng Tân Sơn Nhất.
Một lần nữa, nhu cầu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được “đảng ta” đặt ra một cách đầy quyết liệt, trong bối cảnh dự án sân bay Long Thành còn lâu mới được khởi công do chưa tìm ra “tiền đâu.”
Chỉ mới đây, trước tình trạng quá tải và hết chỗ thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc Phòng mới chịu “nhả” gần 20 ha để mở rộng sân bay này. Tuy nhiên trong lúc việc bàn thảo còn chưa đâu vào đâu, một liên danh nhà đầu tư gồm tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), công ty dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mêkông và công ty cổ phần hạ tầng Đông Á lại đề xuất dự án xây dựng hệ thống đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) với đường Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) theo hình thức đầu tư PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác) nhằm giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến vốn đầu tư đến 3.500 tỷ đồng.
Dự án trên về thực chất là nhằm né sân golf của nhóm lợi ích quân đội!






TẤN BI KỊCH CÒN LÂU MỚI CHẤM DỨT
Ngay lập tức đã xuất hiện hàng loạt ý kiến phản bác dự án trên: Liệu rằng khi xây xong, tình trạng kẹt xe trước ngõ vào sân bay có được giải quyết? Hay lại tăng thêm áp lực cho khu vực này khi không chỉ 3, 4 tuyến đường đổ về cùng lúc mà tận 6,7 tuyến? Liệu rằng khi đề xuất dự án “điên rồ” này, người ta có tính đường giải quyết nút thắt ngay cửa ngõ Tân Sơn Nhất không? Hay chỉ chăm chăm “vẽ” dự án nghìn tỷ “trên trời,” dự án càng nhiều, càng lớn lại càng có lợi?
Tại sao cứ phải vay hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ để xây mới sân bay quốc tế mà không phải là mở rộng diện tích sử dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất, trả lại quy hoạch đồng bộ ban đầu cho khu vực sân bay, xây thêm các Terminal tại những cửa ngõ khác đi vào sân bay để tăng cường và khai thác hết công năng của Tân Sơn Nhất? Tại sao lại cắt đất sân bay làm sân golf, vừa lấn chiếm diện tích làm đường băng mới, vừa tạo thêm chướng ngại vật cho các phi công trong quá trình hạ cánh sau một chuyến bay dài đầy mệt mỏi và căng thẳng? Tại sao phải giữ dự án sân golf vốn chỉ dành phục vụ vài ông chủ của giới thượng lưu, cổng vào rộng thênh thang không một bóng người, mà không biến nó thành một cửa ngõ vào sân bay quốc tế, vừa giảm tải cho nhà ga sân bay, vừa giảm áp lực tại các cửa ngõ và các tuyến đường đổ về khu vực này?
Tại sao cứ đổ lỗi cho hệ thống mương cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu khi người ta đã cắt xén và lấp không ít mương trong hệ thống để tạo nên những thảm cỏ sân golf xanh mướt hay bê tông hóa chúng thành những con đường rải nhựa phục vụ cho các ông chủ thỉnh thoảng đến giải trí? Tại sao người ta chỉ đề xuất chi hàng trăm tỷ đồng cho dự án làm kênh thoát nước chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi phần gốc của vấn đề vẫn còn đó? Tại sao không phải là trả lại quy hoạch ban đầu cho sân bay, nâng cấp mương thoát nước vốn cũ kỹ, phục hồi hệ thống thoát nước khổng lồ trong sân bay mà tiếp tục “né” sân golf, đào xới ngang dọc khiến sân bay như một chiếc áo chắp vá cũ nát?
Tại sao vẫn kiên quyết giữ cái sân golf chỉ chuyên phục vụ giới nhà giàu, rồi lại rút cạn ngân sách, tiền mồ hôi nước mắt của dân để “vẽ” ra những dự án trên trời, chẳng những không giải quyết được mà còn khiến vấn đề thêm trầm trọng?
Những người quan tâm cũng nêu ra một hướng giải quyết vô cùng đơn giản, ít tốn kém nhưng không hiểu sao các nhà quy hoạch không ai “nhìn ra” hay người ta “thấy” nhưng cố tình né tránh: Tại sao không xây thêm cổng vào từ các tuyến đường Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Sơn (khu vực cổng vào sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất)?
Chỉ có điều, nếu làm đúng nguyện vọng của dân và trả lại cho sân bay Tân Sơn Nhất về chính nó thì ai sẽ là người dẹp loạn lấn chiếm đất đai sân bay của tập đoàn Him Lam và tổng công ty 319?
Như người đời bình phẩm, trong tất cả những ông lớn kinh doanh bất động sản, Bộ Quốc Phòng là một “cá mập” vào loại khủng nhất.
Bi kịch của sân bay Tân Sơn Nhất cũng bởi thế vẫn còn lâu mới chấm dứt!



........./.

TẢNG BĂNG NỔI


TẢNG BĂNG NỔI
Huy Đức
*******




Hôm qua, khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải tìm cho ra những "tảng băng chìm" tham nhũng, ông đang ngồi cạnh "tảng băng nổi khổng lồ" Đinh La Thăng. Nếu "không đủ chứng cứ" về những khoản "chênh lệch lãi suất" và phần "lại quả 1%" trong vụ PVN góp vốn vào Ocean Bank, chỉ tính 800 tỷ PVN chịu mất đứt cho "Thắm Đại Dương" đã có "hậu quả nghiêm trọng" đủ để truy cứu trách nhiệm Đinh La Thăng. Tất nhiên, ở PVN thời Đinh La Thăng còn nhiều "tảng băng" rất to, đủ sức làm đắm nhiều Titanic.

LẠI "NỘI LỰC"
Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP phải từ bỏ hai mỏ khí Hải Thạch & Mộc Tinh nằm trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam (cách bờ 370 km). PVN đã được giao tiếp quản lại hai mỏ khí này. Đây không chỉ là một cơ hội kinh tế cho PVN mà còn có một vai trò to lớn về chủ quyền cho đất nước.
Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (POC) được thành lập.
Để mang được khí vào bờ, POC phải lắp đặt một đường ống dẫn khí. Trong số các phần việc quan trọng, có gói thầu cung cấp khoảng 22 km đường ống bọc hai lớp. Ngày 9-4-2010, khi đóng thầu, Chủ đầu tư (PTSC-MC là công ty được ủy quyền) nhận được hồ sơ chào thầu từ Marubeni (Nhật) và POTS (công ty Thương mại và Dịch vụ dầu khí Biển - thuộc PVN).
Chỉ có Marubeni đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Biết mình bị loại, ngày 25-5-2010, POTS gửi công văn lên Tập đoàn đề nghị tái xem xét.
Vì đây là gói thầu có yêu cầu công nghệ cao chứ không phải thứ "cây nhà lá vườn", nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ Đinh La Thăng, ngày 7-6-2010, PTSC-MC đã phải báo cáo lên lãnh đạo Tập đoàn khẳng định, "Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật".
Thế nhưng vào ngày 11-6, PTSC-MC vẫn bị buộc phải lập một tổ thẩm định khác, đánh giá lại, rồi công nhận "cả hai nhà thầu đều đạt về kỹ thuật".
Ngày 22-7-2010, Đinh La Thăng phê duyệt việc trao gói thầu cho POTS vì lý do POTS đưa ra giá thấp hơn (40,8 triệu so với 49,8 triệu USD của Marubeni).
Không phải tự nhiên, Đinh La Thăng gây sức ép loại "nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật". Nhân danh "phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành", khi chưa có quyết định giao thầu (5-2010) Đinh La Thăng đã yêu cầu POC "giao dịch vụ bọc ống cho PVID" - một công ty thuộc PVGas được "đẻ ra" dưới thời Đinh La Thăng. PVID sau đó được chỉ định thầu phần bọc ống, "bóc" ra từ gói thầu của POTS.
Ngay từ khi dự thầu, nội lực mà POTS thể hiện chỉ là như vai trò một anh "cò". Gói thầu được POTS chia đôi cho Canadoil tại Thái Lan (phần chế tạo ống) và Bredo Shaw tại Malaysia (phần bọc ống). Nhưng do phải nhường phần bọc ống cho PVID nên công việc chưa bắt đầu, POTS đã phải mất thời gian đàm phán để loại Bredo Shaw ra khỏi cuộc chơi.
Canadoil cũng chỉ là một nhà thầu liều mạng. Nhận một gói thầu trị giá hàng chục triệu đô là để làm ống mà vừa thiếu thép tấm, thiếu máy hàn, thiếu cả nhân công có tay nghề... Vì sốt ruột, Chủ đầu tư (PTSC MC) đã nhiều lần phải đưa nhân công sang Thái Lan hỗ trợ.
Thế nhưng thời hạn giao ống vẫn liên tục bị Canadoil trì hoãn. Mặc dù được Đinh La Thăng đầu tư thêm 1,1 triệu để lắp đặt "dây chuyền bọc ống", PVID vẫn không thể nào thực hiện đúng hợp đồng, buộc PTSC MC phải mang gần một nửa ống mà Canadoil sản xuất đưa sang Malaysia nhờ bọc.
Không phải tự nhiên ngay từ đầu Chủ đầu tư đã khẳng định "Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt yêu cầu kỹ thuật". Đối với những gói thầu đòi hỏi công nghệ cao thì giá chưa phải là yếu tố quyết định.
Chủ trương "nhà làm được" của Đinh La Thăng khi chọn POTS để "tiết kiệm 9 triệu USD" chênh lệch giá với Marubeni, kết cục đã làm phát sinh giá thành của gói thầu này thêm 11 triệu, cao hơn giá bỏ thầu của Marubeni 1 triệu USD (PVN phải bỏ thêm 1,1 triệu đầu tư dây chuyền bọc ống cho PVID và các nhà thầu phụ đòi phát sinh thêm 5,44 triệu USD - riêng Canadoil đòi phát sinh 3,6 triệu USD, cùng với chi phí PTSC-MC đưa nhân công sang Thái).
Con số phát sinh không dừng lại ở mức gần 11 triệu USD. Sự can thiệp của Đinh La Thăng, buộc POTS phải chọn những nhà thầu kém năng lực, thiếu uy tín, đã làm cho việc giao ống bị chậm 10 tháng; ngày giao khí đầu tiên lẽ ra phải là 31-12-2012 đã bị chậm mất gần 6 tháng (tới 28-6-2013). Sự chậm trễ này đã buộc POC phải phá vỡ hợp đồng với các nhà thầu khác, khiến cho chi phí phát sinh thêm những khoản rất lớn.
Tàu Seamac được thuê để rải ống vào năm 2012 bị chuyển sang 2013 khiến cho POC phải bồi thường 25,7 triệu USD. Các phương tiện lắp ống phải chờ ngoài biển trong giai đoạn rủi ro thời tiết buộc POC phải bồi thường 8 triệu. Phát sinh chi phí quản lý và thuê kho chứa khí thêm gần 5 triệu USD; Mất doanh thu do chậm đưa khí vào bờ gần 6 tháng (28-6-2013 thay vì 31-12-2012) lên đến gần 38 triệu USD (270 nghìn USD/ngày).
PTSC-MC không thể buộc POTS hay Canadoil bồi thường vì ngay từ đầu hợp đồng đã bị vỡ do Đinh La Thăng đưa PVID chen ngang vào. Chỉ vì nhân danh "phát huy nội lực" cho vài công ty con mà Đinh La Thăng đã làm tổn thất gần 90 triệu USD cho Dự án Biển Đông I.

VENEZUELA & 2 TỶ USD
Chưa tới một năm sau khi PDV- 39 "chọc mũi khoan đầu tiên", tháng 4-2013, PVN đã phải đầu hàng trước Venezuela, bỏ lại nơi đây dự án Junin-2.
Trở lại hơn 6 năm trước đó, ít ai biết vai trò kiến tạo mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam với Venezuela không phải nhờ vào thành tích của ngành ngoại giao mà phần lớn nhờ vào Đinh La Thăng.
Đánh đúng "khẩu vị" của không ít nhà lãnh đạo khoái một Hugo Chavez vừa chống Mỹ vừa thân với "người bạn gác" thành trì xã hội chủ nghĩa ở bên kia bán cầu. Đinh La Thăng đã tạo ra "một mốc son trong mối quan hệ quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Venezuela" sau chuyến thăm Việt Nam của Hugo Chavez vào năm 2006 bằng cách bằng mọi giá liên doanh với một đơn vị của Công ty Dầu quốc gia Venezuela, "Khai thác và Nâng cấp dầu nặng ở lô Junin-2".
Để thuyết phục Chính phủ cho phép PVN bỏ 1,8 tỷ USD sang Venezuela, Đinh La Thăng đã đưa ra đánh giá: "Junin-2 là mỏ có trữ lượng dầu lớn nhất trong vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono - vành đai có trữ lượng lớn thứ nhì thế giới. Việc khai thác dầu tại lô Junin-2 sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam ít nhất trong 25 năm nữa".
Chiều ngày 19-4-2012, tại Venezuela, khi khởi động giàn khoan PDV-39, PVN còn cứng cỏi tuyên bố: "Sang năm, Junin 2 sẽ cho sản lượng khoảng 200.000 thùng/ngày". Nhưng, vừa đúng "sang năm", khi Đinh La Thăng đang lo "trảm tướng" bên ngành giao thông, những người kế nhiệm Thăng ở PVN tái mặt khi lượng dầu khai thác được, cả sản lượng và chất lượng, không đạt giá trị thương mại. Họ đã có một quyết định dũng cảm là gần như "bỏ chạy".
Trong hợp đồng mà Đinh La Thăng cho ký với Venezuela vào ngày 29-6-2010 có một điều kiện rất "quái gở" là 6 tháng sau khi ký kết, phía Việt Nam phải bắt đầu "bonus" cho Venezuela khoảng 1 USD trên một thùng dầu (không phải thùng dầu khai thác được mà là thùng dầu trữ lượng theo dự đoán). Ngay trong 2 năm đầu, bất kể có dầu hay không, phía Việt Nam vẫn phải nộp đủ cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt.
Trước ngày 12-5-2011, trong khi Liên doanh chưa hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela, 300 triệu USD tiền mặt đã được "bonus" cho đối tác; Đúng một năm sau, 142 triệu USD khác cũng đã được thanh toán(12-5-2-12)[tổng cộng 442 triệu USD chưa kể hàng trăm triệu đã đầu tư vào công tác thăm dò, khai thác].
Tháng 4-2013, PVN (đại diện trực tiếp là PVEP) đứng trước lựa chọn khó khăn khi tới hạn nộp tiếp 142 triệu USD tiền mặt trong khi lượng dầu ở mỏ Junin-2 hoàn toàn "không như dự đoán".
Hợp đồng mà Đinh La Thăng ký không chừa cho Việt Nam cửa lùi. Cho dù không kiếm được thùng dầu nào đáng giá, 15 ngày sau thời hạn "bonus", nếu không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên doanh sẽ tự động chuyển cho đối tác Venezuela. Việt Nam cũng sẽ không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư ở Junin-2.
Những người gánh di sản của Đinh la Thăng đã phải cứu 3000 tỷ (142 tiền bonus đóng lần thứ 3), thay vì ném tiếp sang Caracas để nó chết chìm cùng các khoản đã đầu tư vào Junin-2.
Cùng với các tổn thất ở những dự án "hợp tác quốc tế" khác như Peru-67; SK-305; SK-304, PVN đã ném xuống đại dương không dưới 2,1 tỷ USD.
Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một mình Đinh La Thăng. Nhưng nếu không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về chống tham nhũng cũng trở nên sáo rỗng.
PS: Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm.

........./.

THANH hay THĂNG



THANH hay THĂNG



Huy Đức
https://www.facebook.com/Osinhuyduc?fref=ts


***

Cho đến trước khi bị C46 triệu ra Hà Nội, Vũ Đức Thuận vẫn nương náu trong biệt thự Trần Quốc Thảo. Rất lạ là báo chí chỉ đặt câu hỏi, ai đã "làm công tác cán bộ" cho Trịnh Xuân Thanh mà không nói gì về "quy trình" Đinh La Thăng dàn xếp cho đồng phạm của Thanh, Vũ Đức Thuận. Vì sao Thuận, một kẻ mà dấu hiệu phạm tội đã rõ từ năm 2013, vẫn được Đinh La Thăng đưa về làm Chánh văn phòng Bộ Giao thông, rồi kéo vào Sài Gòn làm trợ lý.

ĐÀN EM
Xây lắp là ngành mà Đinh La Thăng nắm gần như ngay lập tức sau khi về làm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí (PVN), 10-2006, và biến nó trở thành một thứ công ty xây dựng như thời Sông Đà.
Thoạt đầu, người được Đinh La Thăng đưa về làm Tổng giám đốc công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) là "Diệu Đen" - đồng hương Nam Định, từng làm ở Sông Đà - thay thế "Hưng Địa Chủ", một người được đào tạo và có kinh nghiệm trong ngành.
Nhưng, ở thời điểm ấy PVN đang có trong tay một lượng vốn khổng lồ. Một người giỏi điếu đóm không thể triển khai bài toán lớn để "giải ngân" từng ấy tiền bạc. Năm 2007, Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Sông Hồng về thay thế "Diệu Đen" làm Chủ tịch kiêm TGĐ PVC. Năm 2008, khi Thuận gặp khó khăn ở Sudico (Sông Đà), Thăng lại đưa về làm phó rồi năm sau lên TGĐ.

DỰ ÁN
Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh (2007) và Vũ Đức Thuận (2008) kiểm soát được PVC, Đinh La Thăng bắt đầu sử dụng hàng chục nghìn tỷ của PVN ồ ạt đầu tư cho các dự án: từ nhiệt điện, sợi polyester, ethanol... đến sân golf, khách sạn, văn phòng, trụ sở... Rất nhiều công trình được quyết định đầu tư vội vã, bất chấp pháp luật.
Có những công trình lớn, ngoài "chuyên môn" như Ethanol Phú Thọ (1.700 tỷ, đội giá lên 2.400 tỷ), như Sợi Đình Vũ (đội giá từ 324,8 triệu lên 363,5 triệu USD) nhưng đã được Đinh La Thăng cho phê duyệt dự án mà không thẩm định tính khả thi, không lấy ý kiến cơ quan quản lý có thẩm quyền (Bộ Công Nghiệp lúc đó).
Hành vi cố ý của Đinh La Thăng khi quyết định đầu tư những công trình này không chỉ làm thất thoát lớn trong quá trình xây dựng mà cả hai vừa xây xong đã phải đắp chiếu vì nếu sản xuất sẽ làm lỗ cho PVN mỗi năm hàng nghìn tỷ (năm 2014, Sợi Đình Vũ lỗ 1.085 tỷ).

TRẢM TƯỚNG
Đinh La Thăng đi đến đâu cũng làm "nức lòng nhân dân" bằng các vụ "trảm tướng". Ít ai biết được đằng sau những quyết định ầm ĩ đó là gì.
Trước khi chuẩn bị ồ ạt xây cất, Đinh La Thăng đã chuẩn bị "cơ sở pháp lý" cho Thanh - Thuận bằng Nghị quyết 133 của Đảng ủy Tập đoàn, "Phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành".
Hầu hết những dự án của PVN, Đinh La Thăng đều buộc các chủ đầu tư (các đơn vị thành viên của PVN) phải "ưu tiên sử dụng dịch vụ" của nhà thầu PVC. Mặc dù Thuận và Thanh thường đưa ra mức dự toán cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, Thăng vẫn gây áp lực để các chủ đầu tư (công ty con của PVN) chấp nhận và thường phải ứng trước vốn lên đến hơn 80% giá trị hợp đồng cho Thanh - Thuận.
Nhiều chủ đầu tư đã bị "trảm" vì không chịu vâng theo những điều kiện phi lý này.
Chi phí để Thanh - Thuận xây phần thô của tòa nhà PVFC lên tới 350 tỷ trong khi trước đó, khách sạn Petrosetco Sông Trà (Nhờ bên ngoài nắm cổ phần lớn hơn PVN nên không để Thăng ép giao thầu cho PVC) có cùng diện tích, cùng điều kiện xây dựng, đã hoàn thành nội thất, chỉ hết 69 tỷ.
Tòa nhà PVGas, đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, theo đánh giá của giới chuyên môn và theo thị trường, cả tiền xây dựng và đất, chỉ khoảng 350 tỷ đồng. PVGas đã phải quyết toán cho Thanh - Thuận lên tới 900 tỷ. Trong thời gian xây dựng tòa nhà này (2008-2010) hai tổng giám đốc của PVGas (Trần Văn Vĩnh và Nguyễn Việt Anh) đã bị Đinh La Thăng cách chức.
Có thể chỉ ra hàng loạt ví dụ tương tự khác ở những công trình như khách sạn Lam Kinh, khách sạn dầu khí Thái Bình, Trung tâm thương mại Cà Mau...
Ngoài Trần Văn Vĩnh, Nguyễn Việt Anh còn nhiều "tướng" khác bị "trảm" với lý do tương tự, trong đó có các ông: Trịnh Thanh Bình, TGĐ Đạm Phú Mỹ; Đinh Văn Ngọc, TGĐ Bình Sơn và Lương Khoa Trường, TGĐ DMC...
PVC được nói là lỗ 3.300 tỷ, đúng ra là lỗ 4.100 tỷ vì đã sử dụng hết 800 tỷ trong quỹ dự phòng. Nhưng con số thất thoát còn phải tính đến cả ở những công trình bị kê giá (như vài ví dụ vừa nêu) mà cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm rõ bằng cách trưng cầu giám định.

"THIÊN TÀI"
Tuy trong khoảng từ 2008-2010, PVC hạch toán là "hiệu quả" nhưng những khoản lỗ nhìn thấy vào giữa 2012 chỉ là phần "bục ra" và là hậu quả của cung cách Thanh - Thuận ngay từ khi họ nắm PVC. Trong xây dựng, nếu các nhà thầu được ứng tới 80-90% vốn như PVC (chưa kể giá trị đầu tư được kê cao lên) mà làm lỗ được thì phải nói là... thiên tài. Nhưng Thuận - Thanh vẫn làm được.
Nhân danh "phát huy nội lực", Đinh La Thăng đã chỉ định và giao cho PVC thầu các dự án của Tập đoàn. Nhưng Thanh - Thuận chỉ là những anh "cò". Vừa nhận thầu của Tập Đoàn là PVC liền giao toàn bộ quyền tổng thầu với các hình thức khác nhau cho các công ty con hoặc các công ty không hề là con cái gì của PVC cả.
Nhân danh "nâng cao năng lực thiết bị thi công", PVC đã bỏ ra 424,84 tỷ đồng để mua sắm máy móc. Thiết bị mua về, thay vì được PVC khai thác sử dụng, thì toàn bộ lại được chuyển cho các công ty con dưới dạng bù trừ công nợ, góp vốn... Các công ty con nhận những thiết bị này về cũng hoặc không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng cho một công trình rồi bỏ đó.
Không chỉ áp dụng chính sách chỉ định thầu cho các công ty con, Thanh - Thuận đã cho rất nhiều nhà thầu phụ không dính dáng gì tới PVC hưởng "nội lực" của ngành dầu khí.
Đầu năm 2012, trong số 8.620 tỷ đồng ký với các nhà thầu phụ, có tới 3.572 tỷ (41,43%) được PVC "giao thầu" cho các công ty ngoài ngành. Nhiều nhà thầu phụ được ứng vốn cao hơn vốn mà PVC được ứng từ chủ đầu tư với số tiền lên đến 753 tỷ. Các nhà thầu còn được "ứng ngoài hợp đồng" lên tới 775 tỷ.

DÒNG TIỀN
Không phải công ty con nào cũng "sổ sách" như PVC-ME để ta có thể giải thích vì sao Thuận - Thanh lại hào phóng với các công ty con, nhà thầu phụ như thế. Và, nhờ nó, chúng ta biết được "dòng tiền".
PVC-ME là một công ty có số lỗ vào năm 2012 lên đến 576 tỷ đồng và đang "cân đối âm" 714 tỷ. Ngoài những cách quen thuộc như khai khống hồ sơ rút tiền, PVC-ME có một sáng kiến rất hay đó là cho các đối tác hoặc chỉ huy trưởng công trường ký tạm ứng rồi... không nhận tiền. Có người "để lại" 2, 3 tỷ, có đối tác "để lại" 4 tỷ. Tổng số tiền "để lại" cho quỹ đen chung này lên tới 80,768 tỷ.
Trong "sổ đen", có những khoản chi nho nhỏ, kiểu như "Học tập tấm gương HCM" 5 triệu; "Đi sở KHĐT" 5 triệu rồi "Gửi anh Hải lái xe" 211 triệu; "Mua bộ đồ đánh golf cho sếp" 350 triệu... Có rất nhiều khoản chi mỗi lần từ 1 đến gần 4 tỷ không rõ làm gì. Chỉ trong năm 2011, lái xe riêng của TGĐ đã thanh toán các khoản tiếp khách hết 1,126 tỷ đồng và tiền tiếp khách của PVC-ME hết 9,89 tỷ.
Trong "sổ" có ghi những bữa nhậu 4-5 trăm triệu, chúng rất dễ làm ta liên tưởng đến "Bộ trưởng Ballentine ". Và, không rõ tính toán ra sao mà trong ngày 15-8-2011 có tới 4 lần rút tiền "sinh nhật bố sếp Thanh"(418 triệu + 50 triệu + 80 triệu).
Những khoản chi tiền tỷ chi chít trong sổ đen mà theo ngày tháng thì nằm trong khoảng trước và sau Đại hội XI. Cấp tập hơn là những khoản chi vào giai đoạn từ sau Đại hội cho đến khi hình thành Chính phủ mới, kéo dài tới tháng 9-2011, thời điểm Đinh La Thăng chuẩn bị rời PVN qua Bộ Giao thông.
Đây cũng chính là giai đoạn Thanh - Thuận sử dụng tới 1.081 tỷ vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình II ứng cho các nhà thầu không liên quan tới công trình này "sử dụng vào những mục đích khác"(đến nay vẫn còn 700 tỷ chưa thu hồi được).
Trịnh Văn Thảo, TGĐ PVC-ME đã bỏ trốn từ 2012. Thanh đang bị truy nã. Nhưng không chỉ có Thuận, rất nhiều nhân vật thông thạo đường đi của những "dòng tiền" dầu khí như: Duy, Sợi Đình Vũ; Hoàng, PVC-IC; Trung PVC-SG... vẫn còn đi lại trước mặt cơ quan điều tra.
Khi làm Chủ tịch PVN, Đinh La Thăng không chỉ tiếp nhận một giai đoạn vẫn rất thịnh vượng của ngành (giá dầu lúc ông ta rời PVN vẫn trên 100 USD/thùng) mà còn tiếp quản từ tay người tiền nhiệm khoảng 5 tỷ USD vốn liếng.
Thanh - Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là "tan hoang".
Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ "xảy ra ở PVC" mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng.

............./.


CAMPUCHIA ĐƯỢC TRUNG QUỐC MUA NHƯ THẾ NÀO?





CAMPUCHIA ĐƯỢC TRUNG QUỐC MUA NHƯ THẾ NÀO?


****
Một phóng sự điều tra của Financial Times (8-9-2016) cho thấy Bắc Kinh đã mua Phnom Penh như thế nào…

MẠNH KIM

****


Ở Campuchia, Fu Xianting, 67 tuổi, là một gương mặt quen thuộc. Tay cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc này, được biết đến với tên “đại ca Fu”, có thể được xem là một “đại sứ” Bắc Kinh tại Phnom Penh. Fu thân với Hun Sen đến mức cung cấp cả đội cận vệ cho Thủ tướng Campuchia mà vài người trong số đó từng bị buộc tội tấn công thô bạo các nghị sĩ đối lập. Tập đoàn Unite International của Fu Xianting đang đầu tư vào một trong những bãi biển đẹp nhất Campuchia với dự án du lịch 5,7 tỷ USD. Qua Fu Xianting, Bắc Kinh luồn sâu vào hệ thống chính trị nội bộ Campuchia và đưa nước này vào phạm vi ảnh hưởng của họ, biến Hun Sen thành con rối và giúp ông này củng cố quyền lực nhằm xây một “pháo đài chính trị” cho mình, như nhận xét của Global Witness.

Một lá thư Hun Sen viết vào tháng 10-2009 đã bày tỏ mong muốn Fu Xianting “thành công hoàn hảo” trong dự án phát triển khu bãi biển 33 km2 với thời hạn thuê đất 99 năm, dù trong khu đất có cả một công viên quốc gia. Hun Sen cũng thành lập một ủy ban đặc biệt với đại diện 7 cơ quan bộ để giám sát dự án. “Tôi bày tỏ lòng biết ơn cá nhân trước sự hỗ trợ từ công ty của ngài (Fu Xianting) trong việc thực hiện dự án khu du lịch này” – Hun Sen viết. 9 tháng trước, Fu Xianting đã tặng 220 môtô cho đội cận vệ Hun Sen gồm 3.000 người được trang bị xe bọc thép, súng phóng phi đạn và súng máy được sản xuất từ Trung Quốc. Đó là món quà mới nhất trong loạt quà mà Fu Xianting biếu Hun Sen cùng vợ ông, Bun Rany, được biết chính thức với danh hiệu “con người của thiên tài, uy nghi và lộng lẫy nhất”.

Tháng 4-2010, Unite International thành lập “liên minh thương mại-quân sự” với trung đoàn cận vệ Hun Sen. Một vụ gắn kết không bình thường. Tại buổi lễ thành lập liên minh, tướng Hing Bunheang, tư lệnh quân đoàn cận vệ và là một trong những cánh tay thân tín nhất của Hun Sen, đã ca ngợi Fu Xianting hết lời. “Ngài Fu là anh em của chúng ta trong nhiều năm, người đã đóng góp nổi trội cho sự phát triển của Campuchia. Doanh nghiệp của ngài Fu là doanh nghiệp của chúng ta. Chúng ta sẽ tạo ra con đường an toàn cho tất cả nỗ lực của ngài Fu”.
Đến Campuchia đầu thập niên 1990, Fu Xianting ban đầu chỉ tổ chức một cuộc triển lãm máy móc nông nghiệp Trung Quốc. Fu hiện có chân trong một ủy ban trực thuộc Hội liên kết bạn bè quốc tế Trung Quốc, nơi báo cáo trực tiếp cho Bộ ngoại giao Trung Quốc. Tuy nhiên, “hồ sơ doanh nhân” Fu tại Trung Quốc gần như không tồn tại. Kho dữ liệu doanh nghiệp chỉ cho thấy Fu là “đại diện pháp lý” của công ty Beijing Tian Yi Hua Sheng Technology với vốn pháp định vỏn vẹn 300.000 USD.

Tuy nhiên, tại Phnom Penh, đại ca Fu là gương mặt Trung Quốc “có số má”. Là cố vấn chính thức của Hun Sen, Fu là quốc khách trong hầu hết sự kiện quan trọng ở Campuchia. Với lợi thế đó, tập đoàn Unite International của Fu có thể “chiếm” cả công viên quốc gia Ream vốn được bảo vệ bởi luật hoàng gia. Tổ chức nhân quyền Campuchia, Licadho, cho biết, hàng trăm gia đình nông dân đã bị tống đi để “quy hoạch” chỗ cho Unite International. Fu có thể mua được tất. Tháng 5-2010, Hội đồng Bộ trưởng Campuchia đã rút giấy phép đầu tư khu nghỉ mát Golden Silver Gulf; tuy nhiên, vào năm nay, 2016, một chi nhánh của Unite International - Yeejia Tourism - đã tuyên bố một số kế hoạch liên quan dự án trên.

Trong 20 năm, 1992-2012, khi phương Tây bắt đầu chiến dịch viện trợ Campuchia, các nước đã đóng góp khoảng 12 tỷ USD bằng các chương trình cho vay và trợ cấp. Trong khi đó, chỉ 10 năm, 2003-2013, Trung Quốc đã đầu tư 9,6 tỷ USD và chừng 13 tỷ USD nữa thời gian sắp tới. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và các tổ chức khác đổ tiền vào các dự án hạ tầng bất chấp phản ứng liên quan nhân quyền hoặc môi trường.

Đập Hạ Sesan 2 (800 triệu USD) đang được xây bởi HydroLancang, một công ty nhà nước Trung Quốc. Dù bị phản đối bởi hàng ngàn dân làng khi đất đai và nhà cửa họ bị giải tỏa, con đập 400 MW này vẫn tiến hành theo đúng kế hoạch và sẽ hoàn thành năm 2019. Dư luận Campuchia, không phải tự nhiên, ngày càng oán thán.

Trong khoảng 8 triệu ha đất được cấp cho các công ty từ 1994-2012, gần 60% (4,6 triệu ha – một diện tích lớn hơn Hà Lan) đều rơi vào tay Trung Quốc. Trong hai dự án lớn khác của Trung Quốc, có sự “tham gia đầu tư” của cá nhân Hun Sen. Dự án thứ nhất liên quan việc tịch thu 360 km2 đất để giao cho một vụ đầu tư 3,8 tỷ USD của Union Development Group, chi nhánh thuộc tập đoàn bất động sản khổng lồ Wanlong Group; dự án kia là 430 km2 đất, giao cho một vụ đầu tư 1 tỷ USD của Heng Fu Sugar, một trong những công ty sản xuất đường lớn nhất Trung Quốc.
Diện tích hai dự án này cộng lại to hơn thủ đô Phnom Penh. Cả hai dự án đều bị nông dân phản đối quyết liệt và đều phạm luật (quy định một công ty chỉ được khai thác 100 km2). Tuy nhiên, lách luật là chuyện đơn giản: Heng Fu Sugar lập ra 5 công ty con.

Không chỉ đầu tư, Bắc Kinh cũng sẵn sàng chi tiền cho các thương vụ chính trị đặc biệt. Tháng 7-2016, để mua chuộc ủng hộ Campuchia trong hồ sơ biển Đông, Bắc Kinh đã “nhá” cho Phnom Penh một “phong bì” 600 triệu USD. Để tăng uy lực kim tiền, vài ngày sau, Bắc Kinh cho biết họ sẽ xây một “nhà hội nghị” cho Quốc hội Campuchia với chi phí 16 triệu USD. Mức độ hiện diện Trung Quốc ngày càng dày đặc. Một công ty Trung Quốc với hỗ trợ của quân đội nước họ đang gần hoàn thành một cảng nước sâu trên dải đất 90 km duyên hải Campuchia. Cảng này, đủ sâu để đón khu trục hạm và tàu chiến 10.000 tấn, nằm tại Vịnh Thái Lan, cách các quần đảo tranh chấp tại biển Đông chỉ vài trăm kilomet. Tianjin Union Development Group (UDG) từ Thiên Tân, công ty xây dự án cảng nước sâu Dara Sakor nói trên, cũng là nơi đầu tư vào 360 km2 tại tỉnh Koh Kong trong 99 năm. Tháng 7-2015, Liao Keduo, chính ủy Bộ tư lệnh doanh trại Thiên Tân, đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Tea Banh tại Thiên Tân. Hai bên tỏ ra rất ăn ý và hiểu nhau.

Họ hiểu gì? Trong rất nhiều cách nhìn về việc họ hiểu gì, điều họ hiểu nhất có lẽ là đồng tiền Bắc Kinh đang mua chuộc được cả hệ thống chính trị cầm quyền Campuchia.
Họ biết ai cần ai. Nói thẳng ra, sự tồn tại của sức mạnh chính trị Hun Sen đang dựa vào thế lực kim tiền Trung Quốc, dù khi nhận những đồng tiền ấy để gia cố cho vị thế chính trị, Hun Sen phải bán tài nguyên quốc gia và thậm chí đè đầu cỡi cổ chính đồng bào mình. Buông tay khỏi Trung Quốc thì chết có lẽ là “nhận thức chính trị” đáng kể nhất trong chính sách, đối ngoại lẫn đối nội, của Hun Sen. Để giữ ghế, cho mình và cho hậu duệ, chế độ Hun Sen sẽ tiếp tục mở rộng cửa cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm, tiền ngoại bang có thể củng cố được hệ thống chính trị giới cầm quyền nhưng không bao giờ có thể mua được lòng dân. Giới chính trị cầm quyền có thể dùng tiền ngoại bang để nuôi hệ thống mình nhưng dân mới là những người quyết định rằng hệ thống đó có cần tồn tại nữa hay không.


........./.

Vòng ma trận đỏ



Vòng ma trận đỏ


http://baotreonline.com/vong-ma-tran/




Nếu không có câu chuyện ngôn ngữ, suýt nữa tôi đã bỏ sót show diễn “Trịnh-Nguyễn phân tranh”. Một ông Trịnh Xuân Thanh nào đó ném thẻ Đảng – bảo bối vô giá của cuộc đời ông cho đến khi nó thành vô giá trị – vào mặt một ông Nguyễn Phú Trọng nào đó, người cai quản tối cao 4,5 triệu bảo bối như thế.
Vụ so găng này được coi là chưa có tiền lệ.
Giật gân như vậy thì trước hết nó là một quả bom giải trí trong thời đại sống để giải trí và chết vì giải trí của chúng ta. Từ nhiều năm nay, nguồn giải trí dồi dào nhất cho công chúng Việt Nam là hậu cung của giới quý tộc đỏ. Sau đó, nó hứa hẹn một sức công phá chính trị nhất định. Nhiều người cho rằng nó phơi bày những tử huyệt của hệ thống. Nhiều hơn nữa tin rằng nếu không làm thành lũy Ba Đình rung chuyển thì nó cũng là quân cờ domino đầu tiên kéo theo sinh mệnh chính trị của một số nhân vật ở thượng tầng quyền lực và sắp xếp lại bàn cờ quốc gia. Như thể những hứa hẹn của Quan Làm Báo hay Chân Dung Quyền Lực chưa đủ hão.
Tôi chưa bao giờ mê chuyện đồng chí nào đeo đuổi đi đêm đâm đinh đấu đá đỡ đít đánh đĩ đạp đổ đồng chí nào. Họ nhiều quá và giống nhau quá, mà tính tôi thì chóng chán. Nếu họ lại đi xe Lexus nữa thì không còn gì chán hơn. Vì sao tôi phải chú ý đến ông Thanh-gì-nhỉ?
Vì chuyện biển xanh biển trắng ư? Đủ lấy được ở tôi một cái ngáp ngắn. Tất nhiên là nó tởm lợm và lời biện bạch của đương sự thì đáng buồn nôn ở cả hai khía cạnh: ngu dốt và trơ trẽn, song trong môi trường mà ông ta chỉ là một sản phẩm tất yếu, nơi đen trắng đổi kiếp xoành xoạch và hợp pháp thì trắng thành xanh rồi xanh lại thành trong trắng chẳng qua là áp dụng linh động sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần kiệm liêm chính chí công vô tư”.
Vì chuyện 3000 tỉ ở PVC ư? Hai cái ngáp ngắn: thua lỗ, thất thoát, sai phạm là tên cúng cơm của khối doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn xã hội đen tư bản đỏ. Hơn bốn năm trước, báo chí Việt Nam rộ lên vài ngày tin 18.000 tỉ sai phạm tài chính ở PVN, công ty mẹ của PVC, dưới thời ông Đinh La Thăng. Ừ, thì sao?
Vì chuyện trốn thoát ra nước ngoài ư? Ngáp dài. Chuyện anh em nhà họ Dương hay hơn hẳn. Tôi thường ghé trang của Interpol thăm người Việt.
Từ nhiều năm nay, chưa bao giờ Việt Nam không chiếm trọn suất cao nhất được hiển thị, thường xuyên là 160 nhân vật bị truy nã đỏ, cùng đẳng cấp với những quốc gia khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Brazil, vài nước Đông Âu như Bạch Nga, Rumani, Ukraine và vài nước Nam Mỹ như Argentina, Honduras.
Để so sánh: hiện Nhật truy nã 2, Thái Lan 0, Đài Loan 0, Lào 0, Campuchia 42, Đức 6, Nam Phi 53, Úc 3. Đào tẩu là chương trình cài sẵn trong cuộc đời của quan chức và đại gia Việt Nam ở thời tranh chấp giữa “mọi thứ đều được phép vì chẳng có gì là đúng” và “chẳng có gì được phép vì mọi thứ đều sai”.
Lính cũ của ông Thanh, một cựu giám đốc cũng họ Trịnh, đã tháo chạy sang quốc gia cựu thù. Hơn 4 năm nay, nhân vật bị cáo buộc là từng chỉ đạo rút tiền công chi nửa tỉ mừng sinh nhật bố sếp Thanh này vẫn an toàn. Trên trang của Interpol, tên Trịnh Văn Thảo không và chưa bao giờ xuất hiện ở tất cả các thời điểm khác nhau từ giữa năm 2012 mà tôi ghé thăm.
Vì chuyện công khai tố cáo vì bị oan sai gì đó ư? Hai cái ngáp dài.
Dương Chí Dũng cũng kêu oan, cũng gửi đơn tố cáo. Đại án Nguyễn Đức Kiên: kêu oan. Đại án Huyền Như: kêu oan. Đại án Vifon: kêu oan. Đại án ALCII: kêu oan. Đại án VDB Đắk Nông: kêu oan. Đại án Agribank CN 6: kêu oan. Gần đây nhất, đại án Phạm Công Danh: kêu oan. Và “bố sếp Thanh”, qua ngòi bút biết bày tỏ cảm thông pha chút ái ngại với giới quyền lực của nhà báo kỳ cựu Xuân Ba, dường như cũng bắt đầu ngỏ lời kêu oan cho vụ nửa tỉ mừng sinh nhật vừa nhắc. Tiếng oan dậy đất Việt, chỉ có điều chúng ta không còn hoảng hốt ngẩn ngơ. Hệ thống ấy đẻ ra nền tư pháp ấy, và những quan oan ấy đều đã thủ lợi không tài nào tả xiết từ chính hệ thống ấy. Bồi dưỡng ông Trịnh-quan-oan thành hạt giống chống hệ thống, theo tôi, là chuyện nhảm nhí. Kẻ cắp cũng có quyền đòi công lý, song không thể là cái công lý mà kẻ cướp đang nhân danh. Ông Thanh vẫn lẫn lộn giữa pháp trị và đảng trị.
Vì chuyện bổ nhiệm ư? Bây giờ thì tôi ngáp sái quai hàm. Vẫn quá nhạt so với Dương Chí Dũng hay thậm chí với Nguyễn Xuân Sơn, người thì chờ thi hành án tử, người thì triển vọng một án tù 30 năm đang đợi, cả hai đều được bổ nhiệm “đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục“, “đúng quy trình, quy định của pháp luật“, “chặt chẽ, công khai minh bạch, dân chủ“. Hay tốt nhất, hãy nhìn vào vòng chuyển động của ngôi sao Đinh La Thăng trên bầu trời chính trị Việt Nam: mỗi lần để lại một vùng đen, nó chỉ thêm phần sáng.
Song nhờ chuyện bổ nhiệm này tôi mới biết một chi tiết tuy nhỏ nhưng thú vị về ngôn ngữ. Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết “ông Thanh không nằm trong danh sách cán bộ luân chuyển“, còn đường từ Bộ Công Thương đến Hậu Giang của ông Thanh được lót bằng quyết định thuyên chuyển công tác. Luân chuyển và thuyên chuyển khác nhau thế nào?
Phần lớn người Việt hiểu thuyên chuyển như chuyển, được dùng chủ yếu trong kết hợp thuyên chuyển công tác, cùng nghĩa với thuyên chuyển cán bộ từ công tác hay địa điểm A sang công tác hay địa điểm B. Thuyên chuyển không phải là một sự bổ nhiệm mang tính tuyển chọn tích cực. Nó chỉ mang tính trung lập hoặc thậm chí tiêu cực, người ta bị thuyên chuyển ngoài ý muốn. Song nếu được học (hay phải học?) chữ Hán – tức Hán tự cổ chứ không phải tiếng Trung hiện đại -, chúng ta sẽ khá bối rối: nghĩa của chữ thuyên () trong thuyên chuyển ( ) là tuyển chọn kẻ hiền bổ vào làm quan. Trong ngôn ngữ của bộ máy hành chính-chính trị hiện nay, thuyên chuyển đã đánh mất vai trò “chọn mặt gửi vàng” này, nhường nó cho một khái niệm khác đảm nhiệm: luân chuyển.
Luật Cán bộ, Công chức (2008), chương 1, điều 7, mục 11, định nghĩa: “Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.” VớiNghị quyết 11 của Bộ Chính trị năm 2002, luân chuyển cán bộ trở thành “một trong những kênh quan trọng để tạo nguồn cho cán bộ cấp chiến lược”. Nói cách khác, luân chuyển đi liền với quy hoạch, cơ cấu nhân sự lãnh đạo. Đến đây, sự khác biệt tinh tế giữa việc ông Thanh chỉ được thuyên chuyển chứ không được luân chuyển về Hậu Giang đã từ từ hiện ra trong mắt thịt của chúng ta, ông đã nằm ngoài quy hoạch, dù chúng ta vẫn không biết trước đó, từ PVC sang Bộ Công Thương ông đã được cơ cấu hay hư cấu (viết riêng cho các tín đồ thanh giáo Hán tự: chữ  ở đây là một kết hợp 51% Việt và 49% Hán).
Chữ luân () trong luân chuyển (輪轉) là cái bánh xe, cái vòng tròn. Chính sách vòng tròn của Đảng sau 14 năm thực hiện đã cống hiến cho tiếng Việt một từ thú vị: chạy luân chuyển (chạy là một trong những động từ đặc trưng nhất cho sự tồn tại của người Việt) và tạo ra một ma trận chằng chịt những bài binh bố trận mù mịt, những mưu toan tiến thoái, những nhập nhằng đổi chác, những bước đệm và những cú chui háng, những cam kết trước khi trời sáng và những vụ thanh trừng nửa đêm, những chiếc ghế cần sang tên,  những sự nghiệp cần tráng men và trước hết: những vết nhơ cần xóa, những bê bối cần hóa giải. Trong ngân hàng nhân sự của Đảng, các đồng chí nợ xấu sau vài vòng luân chuyển lại sạch sẽ như người cộng sản vừa bước ra từ giáo trình Mác-Lê. Hệ thống tự xây cho mình cung mê, để rốt cuộc không tìm ra cửa thoát. Luân chuyển thành luân vong, lại một chữ luân () định mệnh.
Ông Trịnh-gì-nhỉ có thể lấy cảm hứng hậu duệ, rủ tất cả các quan Trịnh đang trốn nã ở nước ngoài (Đàng Ngoài) lập chính phủ lưu vong chống các quan Nguyễn đang ngồi lên pháp luật ở trong nước (Đàng Trong). Song cá nhân tôi tin rằng show Trịnh-Nguyễn đang diễn này chỉ đủ bi hài nhí nhố cho một vụ chém gió (chém cũng là một động từ đặc trưng) không đáng một ghi chú của lịch sử. Lịch sử đã dành một chương lớn cho nhà Tây Sơn, những lãnh tụ của dân, đứng ra dẹp cả Nguyễn lẫn Trịnh.
18/9/2016
P.T.H.

 ............../.

Bài thơ của một người yêu nước mình




Bài thơ của một người yêu nước mình


http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c139/n1416/Bai-tho-cua-mot-nguoi-yeu-nuoc-minh.html



***********





Thơ Trần Vàng Sao là tiếng nói giàu nhiệt huyết, xuất phát từ đáy lòng, hướng đến mọi người bằng giọng điệu giãi bày, tâm tình, chia sẻ. Anh sáng tác không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm của anh để lại dấu ấn thi pháp độc đáo, đặc biệt ở việc xây dựng tứ thơ và kiến trúc bài thơ, ở hình ảnh và sức liên tưởng bất ngờ.


tác giả "Bài thơ của một người yêu nước mình”








Bài thơ của một người yêu nước mình là điển hình cho phong cách đó của Trần Vàng Sao. Bài thơ đã từng làm xúc động mọi người và tạo cho anh lối đi riêng trong hành trình nghệ thuật chung của nhiều thế hệ nhà thơ.

Bài thơ dài 155 câu, viết theo lối tự do, được thể hiện theo phương thức điệp từ, điệp cú và khai thác chi tiết, hình ảnh có thật trong kho tình cảm và ấn tượng của chính người thơ nên chân thành và xúc động.

Có thể nêu một cách khái quát nét đặc sắc của bài thơ, đó là sự hoà quyện xoắn xuýt cảm xúc trữ tình của nhà thơ với hình tượng Đất nước, được đặt trong liên hệ với mẹ, người thân, người yêu và quê hương nghèo khó cùng khát vọng hoà bình, khát vọng làm người chân chính. Toàn bài thơ là sự hoá giải cho chính nhà thơ và cho mọi người về một tình yêu có sức ám ảnh lớn: Tình yêu Tổ quốc.


HỒ THẾ HÀ [tapchisonghuong]

______________________________________




Bài thơ của một người yêu nước mình

Thơ: TRẦN VÀNG SAO



Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở góa nuôi tôi
Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
Tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu.


Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to,
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
Khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
Ngó cây cam cây vải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.


Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.


Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thơm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.


(19-12-1967)




........../.