KHI ĐẤT NƯỚC NẰM TRONG TAY MỘT NHÓM THIỂU SỐ





KHI ĐẤT NƯỚC NẰM TRONG TAY MỘT NHÓM THIỂU SỐ


********
Mạnh Kim




Thời đương chức, Ferdinand Marcos (Tổng thống Philippines suốt 21 năm, từ 1965-1986) cùng vợ (Imelda) có 77 ngôi nhà (trong đó, 45 căn ở nước ngoài), 32 dinh thự nghỉ mát khắp Philippines, hai nông trại và nhiều hòn đảo riêng. Em trai Imelda – Bejo – chiếm độc quyền công nghiệp cờ bạc mà lợi nhuận (thời điểm 1982) đạt 250.000 USD/ngày. Em rể Imelda – Herminio Disini – chiếm độc quyền ngành sản xuất đầu lọc thuốc lá. Một người em khác của Imelda – Kokoy – làm chủ công ty điện lực Manila, nắm tập đoàn báo chí Manila Chronicle và cai quản Benguet (mỏ vàng lớn nhất Philippines). Bản thân Ferdinand làm chủ công ty điện thoại PLDT, công ty viễn thông Philcomsat và hệ thống hàng không quốc gia (theo Frank Vogl trong Waging War on Corruption, Marcos đã bỏ túi từ 5-10 tỉ USD trong những năm cầm quyền).


Trường hợp thứ hai là Suharto (nắm quyền Indonesia 31 năm, từ 1967-1998). Khả năng “thu vén” của gia đình Suharto phải nói là thật sự kinh khủng. Dẫn theo Cơ quan đất đai quốc gia (Indonesia) và tạp chí Properti Indonesia, báo Time cho biết Suharto và gia đình ông sở hữu khoảng 3,6 triệu hecta bất động sản tại Indonesia (lớn hơn nước Bỉ), trong đó có 100.000 m2 khu vực văn phòng tại Jakarta và gần 40% tỉnh Đông Timor. Sáu người con của ông giữ cổ phần trong ít nhất 564 công ty nội địa, chưa kể nhiều công ty nước ngoài rải rác từ Mỹ, Uzbekistan, Hà Lan, Nigeria đến Vanuatu. Ngoài khu săn bắn trị giá bốn triệu USD ở New Zealand và chiếc du thuyền trị giá bốn triệu USD cắm ngoài khơi Darwin (Úc), cậu con trai Hutomo Mandala Putra “Tommy” còn giữ 75% trong một sân golf 18 lỗ cùng 22 căn hộ sang trọng tại Ascot (Anh).


Bambang Trihatmodjo, cậu con thứ ba, có một căn nhà tám triệu USD tại Singapore và một căn nữa trị giá 12 triệu USD tại Los Angeles, cách không xa căn chín triệu USD của người anh Sigit Harjoyuanto. Cô con gái đầu lòng Siti Hardiyanti Rukmana “Tutut” sở hữu một chiếc Boeing 747-200, cạnh những chiếc khác của gia đình (gồm một DC-10, một Boeing 737, một Challenger 601 và một BAC-111 – chiếc từng thuộc đội chuyên cơ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II). Tổng tài sản của “đệ nhất tiểu thư” Tutut ước chừng 700 triệu USD, với một căn nhà tại Boston (Mỹ) và một căn nữa ở quảng trường Hyde Park (Anh)…


Ngày nay, mô thức gia đình trị, hay dùng cụm từ “thời thượng” hơn là “con ông cháu cha”, vẫn tiếp tục xảy ra. Foreign Policy (4-9-2012) đã kể ra loạt quốc gia Trung Á đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Đầu tiên là “nhà” Islam Karimov tại Uzbekistan. Theo các bức điện rò rỉ từ Tòa đại sứ Mỹ, “công chúa” Gulnara Karimova (con Tổng thống Karimov, nắm quyền từ 1989 đến nay) đang kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế quốc gia trong đó có tập đoàn đa ngành Zeromax (nông nghiệp, dệt may, xây dựng, khoáng sản và năng lượng), chưa kể nhà máy đóng chai Coca-Cola, nhà mạng điện thoại… Em gái của Karimova, Lola Karimova-Tillyaeva, cũng là doanh nhân, với công ty Abu Sahiy Nur (chuyên nhập hàng Trung Quốc). Cả hai chị em đều có mặt trong danh sách 300 người giàu nhất Thụy Sĩ năm 2011 (do có nhiều bất động sản tại nước này). Giá trị tài sản của họ là khoảng một tỉ USD (một số nguồn khác nói rằng chỉ riêng Karimova đã có ba tỉ USD!)…


Tương tự, tại Azerbaijan, thời Heydar Aliyev ngồi ghế tổng thống (1993-2003), con trai ông, Ilham, là phó chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia SOCAR. Trước khi chết năm 2003, Heydar đã kịp “sắp xếp nhân sự” để Ilham thay mình tiếp tục đảm nhận “trọng trách” lãnh đạo đất nước. Dù luật Azerbaijan cấm viên chức chính phủ, kể cả tổng thống, được sở hữu doanh nghiệp nhưng loạt điều tra gần đây cho thấy một danh sách dài công ty và bất động sản ở nước ngoài hiện được con cái Ilham đứng tên. Cụ thể, hai con gái, Leyla và Arzu Aliyeva (27 và 23 tuổi, theo thứ tự), hiện “ngồi” trên một mỏ vàng.


Năm 2007, Chính phủ cho phép Tập đoàn khai thác khoáng sản quốc tế Azerbaijan (AIMROC) giữ 70% cổ phần trong một mỏ vàng gần làng Chovdar cũng như năm địa điểm khai thác khác. Chỉ riêng mỏ Chovdar đã có trữ lượng 44 tấn vàng và 164 tấn bạc trị giá 2,5 tỉ USD. AIMROC là một liên doanh trong đó có Globex International (trụ sở tại Anh) chiếm 11% cổ phần (trị giá 200 triệu USD). Có một điều đáng chú ý: Globex được sở hữu bởi ba công ty cổ đông nằm tại Panama mà cả ba đều do chị em Aliyeva ngồi ghế điều hành cấp cao! Ngoài ra, con cái Tổng thống Ilham còn sở hữu loạt bất động sản ở Dubai trị giá 75 triệu USD, trong đó có chín biệt thự tại khu cực sang Palm Jumeirah trị giá 44 triệu USD mà người mua có cùng tên và ngày sinh với cậu con trai… 11 tuổi của Tổng thống Ilham!


Còn tại Kazakhstan, nơi Nursultan Nazarbayev ngồi ghế tổng thống từ năm 1990 đến nay, cô con gái đầu lòng, Dariga, đã trở thành một “đại gia” khét tiếng. Cho đến năm 2010, cùng con trai mình (Nurali), Dariga chiếm đa số cổ phần trong ngân hàng Nurbank. Năm 2012, tờ Forbes xếp Dariga thứ 13 trong danh sách những người giàu nhất Kazakhstan, với 585 triệu USD (Nurali thứ 25 với 190 triệu USD). Trong khi đó, em gái Dariga, Dinara, có mặt trong danh sách tỉ phú của Forbes năm 2011, với 1,3 tỉ USD. Forbes cho biết nguồn tài sản mà Dinara có được là từ hoạt động ngân hàng (vợ chồng Dinara chiếm đa số cổ phần trong Halyk, ngân hàng lớn thứ hai Kazakhstan). Chồng Dinara, Timur Kulibayev, hiện phủ bóng trên nhiều hoạt động kinh tế quốc gia, từ dầu khí đến hỏa xa. Điện tín rò rỉ từ Tòa đại sứ Mỹ thậm chí đánh giá cậu con rể Timur Kulibayev nắm đến… 90% nền kinh tế Kazakhstan!


Điều gì sẽ xảy ra khi những nhóm thiểu số như vậy cai trị đất nước?

Từ nghèo đến mạt!

Trong Waging War on Corruption, Frank Vogl cho biết, chỉ với vài năm cầm quyền, Tổng thống Sani Abacha (1993-1998) đã có thể “gửi tiết kiệm” tại các ngân hàng châu Âu với 3-5 tỉ USD. Theo thời giá 2006, số tiền đó tương đương với 2,6-4,3% GDP Nigeria, hay 20,6-34,4% ngân sách chính phủ. Trong bài viết cuối năm 1998, J. Brian Atwood (giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ-USAID) ghi nhận, “băng nhóm” Abacha đã biến Nigeria, đáng lẽ phải trở thành nước giàu nhất nhì châu Phi nhờ tài nguyên dầu, từ một quốc gia với thu nhập bình quân đầu người 800 USD vào thập niên 1980 xuống còn 300 USD.


Điều gì sẽ xảy ra khi những nhóm thiểu số như vậy cai trị đất nước? Cần phải nói đến những vết sẹo hằn lại trong hệ thống chính trị lẫn xã hội từ cái mà Frank Vogl gọi là “embedded network” (mạng gắn kết). Theo Frank Vogl, một thể chế tham nhũng có thể được xem như một “mô hình lý tưởng” là thể chế trong đó có một “mạng gắn kết”, khi “giới chóp bu sử dụng bọn thuộc hạ để củng cố trật tự ở các cấp thấp hơn đồng thời giúp “giới tinh hoa” nắm giữ quyền lực. Đám thuộc hạ hàng đầu, để đổi lại sự phục vụ của họ, sẽ có thể dễ dàng tiếp cận ngân khố công, cũng như cơ hội đưa vợ con và bằng hữu lên những vị trí cao trong cấu trúc chính phủ hoặc khu vực tập đoàn nhà nước. Các nhóm lãnh đạo còn thiết lập những mạng tham nhũng trong các cấu trúc hành chính hình tháp khắp cơ quan công quyền và quân đội. Trong cấu trúc kiểu này, những kẻ ở thượng tầng sẽ bỏ túi những khoản tiền cao nhất trong khi bọn thấp hơn nhận những khoản trả công tương xứng vị trí của chúng. Thông thường, hàng ngàn viên chức nhà nước, cả dân sự lẫn quân đội, sẽ có tên trong những bảng lương mờ ám, và khi số lượng tham gia ngày càng nhiều thì số tiền phải bị đánh cắp để trả cho họ càng tăng. Tất nhiên chỉ những người tham gia trong cái tháp là có lợi trong khi những người khác trong hầu hết trường hợp đều đối mặt với sự suy giảm dịch vụ công và nghèo đói”.


Trong một hệ thống như vậy, “thượng tôn pháp luật” chỉ là một khái niệm mang tính tượng trưng chủ yếu để mị dân, bởi công lý và luật pháp đã nằm trong tay nhóm cầm quyền hủ hóa. Một cách dễ hiểu, “mạng gắn kết” theo định nghĩa của Frank Vogl thật ra là một hệ thống “mafia chính trị”, thứ từng làm nước Nga trở nên tan nát và sụp đổ toàn diện giai đoạn hậu Gorbachev.


Bất luận thế nào, lịch sử cũng cho thấy dù cái tháp “tham nhũng có hệ thống” được “đổ bê tông” kiên cố như thế nào, không quyền lực nào là vĩnh viễn, không điều ác nào là không trả giá, không sự ăn cướp của nhân dân nào là được phép tồn tại.

Hãy nhìn lại những trường hợp “quả báo nhãn tiền” như Marcos hay Suharto. Hãy xem lại hình ảnh thê thảm một ông già “bát tuần” như Hosni Mubarak, sau 30 năm quyền lực, phải nằm trong cái “chuồng sắt” để nghe tòa gõ búa hạch tội, hay những giây phút cuối đời kinh hoàng với cái chết bi thảm sau 42 năm “hét ra lửa” của Muammar Qaddafi…


……….

Bài này tôi đã đăng trên Tuổi Trẻ (1-3-2013) dưới bút danh Nguyễn Cao Trí, trong loạt hồ sơ 5 kỳ về tham nhũng. Post lại để thấy bi kịch tương tự đang xảy ra trên đất nước hoang tàn này như thế nào.

MẠNH KIM


............../.

Chết trong “cơn lốc tiền” Formosa



Chết trong “cơn lốc tiền” Formosa

http://dantri.com.vn/su-kien/chet-trong-con-loc-tien-formosa-20160821095811908.htm

 

*****



Đại dự án Formosa có những chuyện giờ mới thấy thấm, không chỉ việc gây ô nhiễm môi trường và những hệ lụy khác. Chuyện về đồng tiền là chiêm nghiệm sâu sắc nhất cho cả “quan” và dân không chỉ ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.



Bia miệng
Ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, nguyên Trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng Formosa, nguyên Trưởng ban Giải quyết tồn đọng, vừa bị khởi tố bị can, cho tại ngoại, chờ ngày ra tòa vì gây thất thoát tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án Formosa.
Ông gần như mất hết ở tuổi 58.
Ông Bổng được coi là “anh hùng giải phóng mặt bằng” cho đại dự án Formosa. Nếu chọn hai cái tên nổi tiếng nhất gắn với đại dự án này để kể ra thì đó là ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) và ông Nguyễn Văn Bổng.

Ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh


Về Kỳ Anh hỏi dân, ai cũng có thể kể vài chuyện về ông Bổng.           

Đây là những mẩu chuyện “lưu truyền” trong dân. Ngày 20/10/2015, ông Bổng bị khởi tố. Khi công an khám xét nơi ở, người dân đến nhà ông reo hò. Trên mạng YouTube còn lưu lại clip cảnh sát dẫn giải ông ra khỏi nhà, đám đông hô lớn: “Bắn lão Bổng đi. Bắn lão Bổng đi”.
Mấy ngày sau khi ông Bổng bị khởi tố bị can, con trai ông làm lễ về nhà mới. Một số người kéo đến nhà la ó, đợi đến khuya họ viết mấy dòng bày tỏ bức xúc cao độ lên tường nhà con trai ông. Có người còn viết lên giấy những dòng mỉa mai, đeo vào cổ chó, dắt qua dắt lại cổng nhà ông.
Vợ ông, nghe người dân nói là hiền lành, ăn ở với hàng xóm láng giềng có trước sau, cũng bị vạ lây. Bà đi chợ phải đeo khẩu trang. Có lần bị người ta phát hiện, lột khẩu trang chửi rủa giữa chợ. Người ta còn ném cả chất bẩn vào bà. Từ ngày chồng bị khởi tố, bà ít ra đường, sống thu mình...
Con trai ông cũng không thoát khỏi cơn thịnh nộ của dư luận. Anh này đang công tác ở UBND huyện Kỳ Anh, cưới vợ nhiều năm chưa sinh được con. Người ta bảo, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

...
Còn đây là những mẩu chuyện “lưu truyền” trong cán bộ.
Họ nói, ông Bổng độc đoán, ngông cuồng... “Khi công an tỉnh về làm việc, lúc đó ông ấy không còn là chủ tịch nữa (chuyển sang làm Trưởng ban giải quyết tồn đọng) nhưng xuất hiện ở cuộc họp như chủ toạ, bảo người này người kia báo cáo, phát biểu”, một người đang công tác ở UBND thị xã Kỳ Anh kể.
“Khi làm Trưởng ban giải quyết tồn đọng (ban này được lập ra để giải quyết những sai phạm liên quan đến ông) làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Bổng cũng nói như chuyên gia. Một phó chủ tịch tỉnh hồi đó chủ trì cuộc họp nổi cáu: “Anh Bổng không phải chuyên gia, anh phải xắn tay vào giải quyết”, một cán bộ kể lại. “Khi công an bắt đầu điều tra, mời ông ấy, khi đó là chủ tịch huyện, ra tỉnh làm việc. Ông trả lời “làm chủ tịch huyện nhiều việc, không ra được”.
Công an phải quyết liệt “chúng tôi làm việc với công dân Bổng, chứ không phải chủ tịch Bổng. Anh không hợp tác, chúng tôi sẽ có biện pháp…”, một cán bộ liên quan việc này chia sẻ. “Ông Bổng yêu ai thì cẩu lên, chứ không phải cất nhắc nữa. Ghét ai thì dìm xuống chín tầng địa ngục”, một vị đang công tác ở UBND thị xã Kỳ Anh nói về việc ông Bổng bổ nhiệm cán bộ.
Nhiều chuyện về ông Bổng, cứ vừa thật vừa ảo, kể ra cứ dài mãi. Giữa lúc Formosa xả thải gây ô nhiễm, đâu cũng nóng chuyện ông này. “Băng dày ba thước đâu phải rét một ngày”, một cán bộ hưu trí đúc kết khi trò chuyện với chúng tôi quanh câu chuyện “ngã ngựa” của vị cựu chủ tịch huyện này.

Trong cơn lốc
Giữa tháng 8, chúng tôi gặp ông Bổng ở nhà riêng, tại thị xã Kỳ Anh. Hiện ông là nhân viên ủy ban thị xã nhưng cũng chẳng có việc gì làm. Nhàn nhã đợi ngày ra tòa.
Chúng tôi kể lại với ông những chuyện nghe được trong dân. Ông nói, chuyện dân quay clip hô “Bắn lão Bổng đi” là có, vợ ra đường, ra chợ bị đối xử tệ cũng có…, nhưng không phải dân oán giận vì những gì ông làm tại dự án Formosa. “Khi tôi bị khởi tố, đúng lúc việc chuyển chợ truyền thống sang trung tâm thương mại nóng nhất. Các tiểu thương vốn không muốn về trung tâm thương mại, trước đó đã tụ tập đông người phản đối quyết liệt, họ nghĩ tôi là là người gây ảnh hưởng việc làm ăn nên khi tôi bị khởi tố mới hả hê như thế. Vợ tôi ra chợ bị ném chất bẩn vào người cũng từ chuyện cái chợ mà ra…”, ông giải thích.
Ông bảo: “Những gì tôi làm ở Formosa công có, tội có, nhưng lòng dân không oán giận như vậy. Tội thì tôi sắp bị xét xử, khung hình phạt có thể 12 - 20 năm”.
Nói về Formosa, ông chỉ lên bức ảnh lớn treo ở phòng khách bảo, ngày đó lãnh đạo về đều khen Kỳ Anh làm nên kỳ tích trong giải phóng mặt bằng. “Thế đấy, chuyện đời không ai nói trước được, nay khen mai chê, lúc anh hùng, khi tội đồ, ranh giới mong manh như sợi chỉ. Nghĩ lại thấy nhiều chuyện không tưởng tượng được”, vị cựu chủ tịch huyện từng là giáo viên dạy Toán thở dài.
Nhớ lại một thời oanh liệt, ít ai ngờ ông lại có ngày này. Những kỷ lục về đại dự án được thiết lập ở Kỳ Anh dưới thời ông làm chủ tịch. Kỷ lục đầu tiên nằm ngay cái tên: Dự án gang thép lớn nhất Đông Nam Á do Tập đoàn Formosa đầu tư với số vốn 10 tỷ USD (giai đoạn 1), được khởi công xây dựng năm 2008 tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Để triển khai dự án này, Hà Tĩnh phải di dời hơn 2.200 hộ, 10.000 nhân khẩu, 36 nhà thờ, hơn 16.000 ngôi mộ... tại 5 xã, bàn giao hơn 3.000 ha đất và mặt nước cho nhà đầu tư.
Hà Tĩnh huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn tuyên truyền vận động, chia nhỏ từng nhóm đối tượng đến từng nhà, gặp từng người. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ vận động thanh niên, phụ nữ; Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, vận động cựu chiến binh, nông dân... Thời điểm căng thẳng, tỉnh huy động cả giáo viên, công chức, viên chức về vận động gia đình, bà con, dòng họ... Kiên trì và quyết liệt. Mềm mỏng có, cứng rắn có. Trung bình, mỗi gia đình, các đoàn công tác gặp 25- 30 lần, cá biệt có hộ gần 90 lần.
Vận động bàn giao mặt bằng, nhận tiền đền bù đã khó, đưa bà con lên khu tái định cư ổn định cuộc sống càng khó hơn. Hà Tĩnh những ngày đó còn tổ chức các ngày hội đưa dân lên khu tái định cư. Tỉnh huy động các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên... đến Kỳ Anh phối hợp các địa phương giúp bà con tháo dỡ nhà, vận chuyển đồ đạc, vật liệu, đào móng nhà... trong nhiều tháng liền.
Riêng chuyện phát tiền cho dân cũng bở hơi tai. Các xe chở tiền đến từng thôn, vào từng nhà phát tiền. Ào ào như lũ. “Đến bố mất, tôi cũng không về kịp”, ông Bổng ngậm ngùi. “Nói dăm ba câu không thể hết được. Tôi đã bị đánh trong lúc cùng dân di dời mồ mả. Đây là việc khó nhất. Có những chuyện kiểu như thế này: Có công nhân lái máy cẩu tiến đến gần ngôi miếu thì dừng lại, nhảy xuống, nhất quyết không làm. Tôi nói, “chú chỉ cho anh, chỗ nào cẩu, chỗ nào xúc…”.
Nói xong, tôi nhảy lên điều khiển máy cẩu, phá đền. Có thời gian mà chần chừ! Sau này, có người nói tôi là ra nông nỗi này là do phá chùa, phá đền. Tốc độ như thế, sức ép bàn giao mặt bằng lớn như thế, kịp nghĩ gì nữa đâu”, ông kể. “Có gia đình không chịu chuyển mộ người thân, thuyết phục mãi không được, chúng tôi đặt phong bì lên bàn thờ, xin keo (gieo âm dương). Người âm chấp nhận, chuyển luôn. Khốc liệt thế đấy”, ông Bổng nhớ lại và hình như vẫn trong tâm trạng những ngày ào ào giải phóng mặt bằng.
Cuộc đền bù giải tỏa quyết liệt đến khủng khiếp. “Khi chúng tôi giải tỏa xong, đưa đại diện Formosa đi kiểm tra mặt bằng. Họ đến từng mô đất yêu cầu đào kiểm tra xem có phải mộ không. Họ đứng từ xa xem. Họ sợ nhất đụng đến mồ mả. Nhìn mặt bằng sạch thẳng cánh cò bay, họ rất bất ngờ và chúng tôi không nghĩ là đã làm được”, ông Bổng nói.




Gục ngã
Ông Bổng gục ngã vì tiền, điều này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Giải phóng mặt bằng đang về đích băng băng thì chững lại bởi 90ha đất nông nghiệp vô chủ. Đất này để hoang hóa bao năm nhưng khi kiểm kê đền bù thì dân đến nhận. Có nhiều người xa quê cả chục năm cũng trở về nhận đất. Đất vô chủ nhưng tiền thì đã có (tỉnh chi 33 tỷ đồng). “Khi đó mình giao cho 5 xã có 90 ha đất ấy triển khai các thủ tục. Các xã lập hồ sơ, mình ký, chi trả đền bù. Sau này mới biết các xã làm sai”, ông Bổng nói.
Sai ở đâu? Đáng ra 90 ha này Nhà nước thu hồi và không chi tiền đền bù. Nhưng xã hợp thức đất vô chủ thành có chủ bằng cách gọi dân ghi danh nhận tiền.
Năm 2013, Thanh tra Chính phủ thanh tra các dự án ở Hà Tĩnh, trong đó có Formosa. “Trong 90ha, có đất được đền bù 50%, có đất 30%..., có đất không được đền bù, nhưng các xã lập hồ sơ cùng dân nhận tiền, gây thất thoát hơn 9 tỷ đồng”, ông Bổng giải thích. “Mình bị khởi tố theo điều 165 Bộ luật Hình sự “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Khởi tố thì mình chịu, cố ý hay không thì cũng đã sai. Hai ông chủ tịch xã Kỳ Long và Kỳ Phương cũng bị khởi tố bắt giam”, ông Bổng nói.
Có chuyện ông Bổng không nói, nhưng nhiều người Kỳ Anh cùng suy nghĩ. Đó là trong số tiền đền bù chỗ đất vô chủ ấy có sự ăn chia giữa chính quyền và người dân. Chằng chéo bao nhiêu thứ lợi ích ở đây, rất khó nói, khó bóc tách. Ông Bổng nói rằng, 9 tỷ đồng ấy vào túi dân (đền bù hết cho dân), chứ ông không đút túi đồng nào, cán bộ xã cũng không lấy đồng nào (?).
Việc này kết luận điều tra cũng đã chỉ rõ. “Khi đó làm cho kịp tiến độ, chứ không nghĩ gì nhiều. Tiền tỉnh chi rồi, mặt bằng khác cũng xong rồi, kẹt mỗi chỗ này nên phải xử lý nhanh. Trả tiền trước cho dân sau này mới ký phiếu thu…”, ông nói. Ông nhấn mạnh tốc độ giải phóng mặt bằng của dự án: “Anh tin nổi không, ngày 6/7/2008, Formosa khởi công. Sau đó chưa đến một tháng, chúng tôi bắt đầu kiểm kê đất đai.
Có gì trong tay đâu mà kiểm kê. Khi đó bắt đầu đo vẽ, xác định các loại đất. Cả núi việc. Bốn tháng sau (ngày 28/12/2008) đã bắt đầu chi trả tiền cho dân. Chưa đến một tháng sau (tháng 1/2009), dân nhận hết tiền. Xe chở tiền chạy ầm ầm, hàng ngàn tỷ cơ mà. Ví như đền bù đất nông nghiệp là 538 tỷ đồng cũng chỉ trả trong một tuần.
Ngày 1/10/2010, bàn giao mặt bằng sạch cho Formosa. Song song với đền bù là xây 4 khu tái định cư cho dân. Tôi nói nôm na như thế để anh thấy, với khối lượng công việc không lồ mà làm tất cả chưa đầy 2 năm thì là kỳ tích. Người ta nói vừa làm vừa chạy, đây có lẽ vừa làm vừa bay. Như thế không mắc sai sót mới lạ”, ông Bổng nói.

Nếu Formosa dừng hoạt động…
“Ông đánh giá thế nào việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường?”. “Tôi không biết gì về xả thải cả. Cái này hỏi Bộ TN&MT. Tôi chỉ biết giải phóng mặt bằng. Hồi đó mọi người đều đi Đài Loan, kể cả lái xe Formosa cũng được đi tìm hiểu công nghệ này nọ, nhưng tôi chưa được đi lần nào. Tôi đi, ai giải phóng mặt bằng cho”.
“Ông thấy lòng dân Kỳ Anh trong lúc này thế nào?”. “Lòng dân chênh vênh lắm! Tôi nghĩ, chúng ta phải làm tất cả những gì tốt nhất giám sát Formosa để họ không xả thải gây ảnh hưởng môi trường nữa. Phải quản lý tốt để nó hoạt động trở lại. Nếu nó không hoạt động thì dân Kỳ Anh rất gay go. Biển giờ không đánh bắt được, ruộng không còn nữa, lấy gì mà ăn đây. Hiện nay, Formosa cơ bản dừng các hoạt động lớn, công nhân làm việc không nhiều.
Trước đây có khoảng 5 vạn lao động thuộc nhiều quốc tịch (Việt Nam chiếm 15%). Nếu hoạt động đến năm 2020, Formosa có 10 vạn lao động. Thử tính xem, thời gian qua, 5 vạn miệng ăn, chỉ ăn rau thôi mỗi ngày cũng hàng tấn. Người dân kinh doanh rau cũng sống khỏe. Trước đây, người dân kinh doanh nhà trọ, ăn uống, giải trí…, kinh tế rất khá giả. Giờ đìu hiu lắm”.

Tiền không phải tất cả
Không chỉ ông Bổng gục ngã trước đồng tiền mà nhiều người dân Kỳ Anh cũng choáng váng trước cơn “cơn lốc tiền” đền bù. Người dân kể, Tết năm 2009 (cơ bản dân nhận hết tiền đền bù, tiền đền bù và xây dựng tái định cư là 2.000 tỷ đồng), có nhà mua một lúc chục chiếc xe máy cho con cháu; điện thoại thì mua cả nắm...
Thế nhưng, miệng ăn núi lở. Giờ mới là lúc khó khăn thực sự. Nạn trộm cắp đã bắt đầu hoành hành, tệ nạn mại dâm, nghiện hút không còn xa lạ trong một bộ phận người trẻ.
Một nhà văn ở Hà Tĩnh từng nói: Chung quy tại vì nghèo. Nghèo lâu quá nên khi có tiền đâm ra mất bình tĩnh. Có câu “Nắng chang chang dây bầu không héo/Mưa sụt sùi, bầu lại héo dây” là vậy. Người ta chiêm nghiệm rằng, không ít người sau khi trúng số độc đắc một thời gian (đa số người nghèo) thường rơi vào nghèo khó hơn, tan nát hạnh phúc, con cái hư hỏng... Nguyên nhân chủ yếu là thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh.
Sau cơn bão tiền, ông Bổng sẽ đối mặt tù đày. Còn người dân Kỳ Anh thì đang cạn khoản tiền “từ trên trời rơi xuống” và nhận ra cần phải tìm việc làm ổn định.
Một số cựu lãnh đạo Hà Tĩnh cho rằng, Formosa đang khiến chúng ta phải trả giá nhiều, để lại nhiều bài học xương máu. Trên đường phát triển, trong quá trình mời gọi đầu tư, đừng quên bài học môi trường, bài học đền bù giải phóng mặt bằng và đặc biệt là tái định cư, chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống cho dân. Dân là gốc, cái gốc ổn thì giải quyết những vấn đề khác sẽ dễ, nhẹ hơn nhiều.

Theo Lê Anh Đạt

......../.



Mao: Tội phạm lớn nhất của lịch sử




Mao: Tội phạm lớn nhất của lịch sử,
hơn cả Hitler hay Stalin


http://vi.rfi.fr/chau-a/20160820-mao-toi-pham-lon-nhat-cua-lich-su-hon-ca-hitler-hay-stalin?ref=fb_i




Chân dung Mao Trạch Đông trước Thiên An Môn,
16/05/2016.REUTERS/Kim Kyung-Hoon






Một tấm hình của Mao Trạch Đông màu đỏ máu chiếm trọn trang bìa với hàng tựa lớn « Mao, tội phạm lớn nhất lịch sử » : Tạp chí L’Obs tuần này (18-24/08/2016) đã không ngần ngại dành hồ sơ chính cho nhân vật lãnh đạo Trung Quốc đã khiến hàng chục triệu người dân của mình bị chết oan, nhưng ngày nay vẫn được chế độ Bắc Kinh tôn thờ. Điểm độc đáo trong hồ sơ của L’Obs chính là phần so sánh « tội ác » của Mao với hai nhà độc tài khét tiếng khác là Hitler và Stalin để đi đến kết luận : kẻ đứng đầu chính là Mao Trạch Đông.
L’Obs đã dành hơn 10 trang trong cho hồ sơ Mao Trạch Đông, một mặt tổng kết di sản thực sự mà Mao để lại 40 năm sau khi qua đời, một mặt khác cũng tìm hiểu tại sao Trung Quốc ngày nay vẫn tôn thờ kẻ gây tội ác này. Bài viết nêu bối cảnh năm nay là kỷ niệm đúng 40 năm ngày người « Cầm Lái Vĩ Đại » qua đời (09/09/1976) và 50 năm Cách Mạng Văn Hóa.
STALIN VÀ HITLER CÒN THUA XA MAO VỀ SỐ NGƯỜI BỊ THIỆT MẠNG
Trả lời phỏng vấn về tội ác của Mao, sử gia Frank Dikotter, giải thích với phóng viên của L’Obs là Mao đã lấy Stalin làm gương và không chỉ làm y như Stalin mà còn muốn vượt qua nhà độc tài Xô Viết, muốn vượt lên trên cả Lê Nin. Theo sử gia này thì Mao phải chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 50 triệu người ở Trung Quốc.
Nếu dựa trên số người tử vong thì Mao cùng với Hitler, là hai kẻ vô địch phạm tội ác. Hitler đã gây ra cái chết của 55 triệu người, nhưng con số đó bao gồm cả nạn nhân những vụ thảm sát (người Do Thái) lẫn những người đã nằm xuống trong cuộc Thế Chiến Thứ II. Trong lúc đó, ở Trung Quốc, Mao đã gây ra số tử vong tương đương, hơn 50 triệu, thậm chí còn hơn thế : Nạn đói mà Mao đã gây nên và để kéo dài suốt 3 năm từ 1959 đến 1962 đã làm 45 triệu người chết, cộng thêm với hàng triệu người khác trong các thời kỳ bạo lực khác - ít nhất 5 triệu nữa.
Là tấm gương của Mao, nhưng Stalin vẫn còn thua xa Mao tính về số người bị hy sinh. So sánh 3 nhân vật này, Hitler, Mao và Stalin, sử gia Dikotter cho là điểm chung của họ là họ rất thông minh, không hề có cảm giác tội lỗi, có tài thao túng tuyệt đỉnh – cả con người lẫn tình thế.
Mao đã noi gương Stalin như các cuộc thanh trừng cho thấy ngay từ lúc còn chiến tranh du kích trong những năm 1930 –  tháng 12/1930 , 700 sĩ quan nổi dậy đã bị giết  -  từ 1942 đến 1944, 10.000 trí thức theo ông đến Diên An bị hành quyết.
Mao còn lại muốn vượt qua Stalin và cả Lê Nin, tham vọng này của Mao đã dẫn đến hai thảm họa cho Trung Quốc, bước ĐẠI NHẢY VỌT VÀ cuộc CÁCH MẠNG VĂN HÓA.

Mao thật ra muốn chứng tỏ cho thế giới thấy ông là lãnh đạo thật sự của khối xã hội chủ nghĩa, là thiên tài có tầm nhìn xa và thắng được chủ nghĩa tư bản.
Phải nói là Mao đã đưa được 1/4 nhân loại đến với chủ nghĩa xã hội. Mao đã rất hãnh diện với thành tích này.
DÙNG BẠO LỰC LÀM PHƯƠNG PHÁP CỦNG CỐ QUYỀN LỰC
Các tài liệu lưu trữ của đảng Cộng Sản Trung Quốc được cho tham khảo gần đây, cho thấy là Mao đã chọn một chính sách bạo lực thật sự và triệt để làm phương pháp củng cố quyền lực.
Một ví dụ cụ thể là cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu ở Mãn Châu, từ năm 1947 - song song với cuộc chiến giànhchính quyền - và kết thúc năm 1952 : Với hơn một nửa nông dân làm chủ ruộng đất của họ, một phần khác thi chia nhau khai thác ruộng đất gia đình, chỉ khoảng 6% là thuê đất, không dễ dàng có đia chủ bóc lột dưới tay để nhân dân trút giận. Thế là đảng Cộng Sản đã « chế tạo ra » thành phần này, và kết quả là có 2 triệu người chết theo các báo cáo nội bộ của đảng.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Tưởng Giới Thạch, chính sách vây hãm thành phố của các tướng lãnh của Mao - dồn binh lính, dân chúng vào nạn đói, những ai bỏ chạy bị bắn tại chỗ - để buộc đối thủ đầu hàng, đã làm hàng trăm ngàn thường dân chết như ở Trường Xuân. Phương thức này cũng được áp dụng ở các thành phố khác như Bắc Kinh, Thượng Hải…
Sau khi chiếm chính quyền, từ năm 1950, những cuộc thanh trừng tiếp diễn, Mao còn đưa ra quota về số người bị hành quyết 1/1000 hay hơn nếu cần thiết. Trong vòng một năm, có 2 triệu người bị hành quyết trước công chúng. Những cuộc thanh trừng về sau cũng không đếm xuể, cộng thêm nạn nhân nạn đói do sai lầm chính sách Đại Nhảy Vọt, cuộc Cách Mạng Văn Hóa… Mao đã để lại một hình ảnh thật đen tối.

MAO VẪN LÀ TRỤ CỘT CỦA CHẾ ĐỘ TẬP CẬN BÌNH
Nhưng ngày nay Trung Quốc mặc dù đã thay đổi, hiện đại hóa, kinh tế phát triển nhảy vọt, trở nên nền kinh tế thứ nhì thế giới nhưng Mao, vẫn là một trụ cột của chế độ Tập Cận Bình.
Để chứng minh Mao vẫn ngự trị trên đời sống Trung Quốc, phóng viên của l’Obs Pierre Haski đã nêu một số ví dụ đập mắt như hình ảnh Mao vẫn hiện diện khắp nơi, từ Quảng Trường Thiên An Môn cho đến các ngôi nhà ở thôn quê, ngay cả trên một số xe taxi. Lăng của Mao ở Thiên An Môn vẫn là nơi mà dân chúng, chính khách địa phương đều viếng thăm. Bài báo cũng trích lời của con trai một người từng là nạn nhân của Mao, giải thích : Khi nghe tin Mao qua đời, ông có cảm giác như « trời đang sập xuống ». Khác với Liên Xô thời hậu Stalin, Trung Quốc đã không « gột rửa dấu ấn của Mao ».
L’Obs cũng nhắc lại vụ đấu đá tranh quyền với nhóm « tứ nhân bang », trong đó có Giang Thanh, vợ của Mao. Khi phe này bị dẹp, vào đầu năm 1981, người ta cứ tưởng rằng đó sẽ là một dịp lên án Mao, thế nhưng đã có một sự thỏa hiệp giữa phe gọi là theo chủ nghĩa Mao « mềm », bỏ bớt đi những khía cạnh thái quá, và phe theo chủ thuyết thực tiễn, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình, đã bị Mao thanh trừng hai lần.
Rốt cuộc trong Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 6 vào tháng 6/1981, đảng Cộng Sản Trung Quốc đánh giá như sau về thành tích và sai lầm của Mao : 70% tích cực – 30% tiêu cực. Như vậy là dẹp qua một bên những sai lầm của người Cầm Lái Vĩ Đại. Những người còn sống sót của các thảm kịch chính trị đã được phục hồi sau năm 1976, nhưng không ai đặt lại vấn đề trách nhiệm các lãnh đaọ, điều này là cấm kỵ.

ÉM NHẸM TỘI ÁC CỦA MAO ĐỂ BẢO VỆ ĐẢNG CỘNG SẢN
Sử sách thì vẫn ca ngợi Mao, người đã mang lại lòng tự hào cho một đất nước chịu ô nhục trong hơn một thế kỷ. L’Obs nhận thấy là tính toán chính trị các lãnh đạo Trung Quốc trong những năm 1980, và tiếp tục đến hôm nay, là phải duy trì sự liên tục lịch sử với thời kỳ Cách Mạng, nhưng xóa nhòa những khía cạnh tiêu cực để bảo vệ tính chính đáng của đảng Cộng Sản.
Từ 35 năm qua, hình ảnh hiền hòa của Mao Trạch Đông, « vị cha già dân tộc » vẫn được gìn giữ ở Trung Quốc, cho dù người dân không hề bị lừa và vẫn chỉ trích Mao khi nói chuyện riêng. Có điều trong thời đại mất phương hướng hiện nay trên mặt tư tưởng, và với thời gian đã xóa mờ các vết thương, người dân Trung Quốc đã tìm về người trong mắt họ đã bảo vệ người dân « bình thưòng » trước những kẻ mạnh. Nhiều người Trung Quốc cũng không hiểu tại sao người nước ngoài lại có ác cảm với Mao, xem cố lãnh đạo của họ như một kẻ độc tài ghê rợn.
Tập Cận Bình hiện nay đã sử dụng phong cách Mao, những phương thức từ thời Mao như tôn thờ cá nhân, đàn áp ly khai. Thường ngày ông vẫn mặt âu phục, thắt cà vạt, nhưng trong lễ duyệt binh thì lại mặc áo cổ Mao. Phong cách Mao này được sử dụng để củng cố quyền lực của ông.
TẬP CẬN BÌNH : KẺ HỦY DIỆT CÁC "PHE NHÓM"
Không hẹn mà gặp, Courrier International cũng chú ý đến đường lối của Tập Cận Bình được cho là mang nặng ảnh hưởng của Mao Trạch Đông. Dưới tựa đề « Tập Cận Bình, người triệt hạ các phe nhóm », tuần báo Pháp đã giới thiệu một bài phân tích trên mạng nanzao.com của tờ Nam Tảo, xuất bản tại Hồng Kông.
Bài viết trở lại sự kiện ông Tập Cận Bình muốn triệt hạ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc, mà một số biện pháp đã được Tân Hoa Xã nêu chi tiết vào đầu tháng 8 này : Cải tổ cơ cấu lãnh đạo ; giảm một nửa ngân sách năm nay ; có thể sắp đóng cửa một trường đại học do Đoàn Thanh Niên quản lý. Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương đã có những lời chỉ trích nghiêm khắc nhắm vào Đoàn Thanh Niên : Hành chánh quan liêu, phân biệt đối xử, kén chọn chủ nghĩa, quá chuộng vui chơi v.v...
Nhiều quan sát viên cho rằng các lệch lạc của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc là một cái gai trong mắt ông Tập Cận Bình, vì lẽ điều đó sẽ làm ảnh hưởng của Đoàn bị sa sút, không còn là con đường tiến thân chính của cán bộ trẻ trong Đảng, ít ra là trong tương lai trước mắt.
Đối với tờ Nam Tảo, đằng sau việc uốn nắn hoạt động của Đoàn Thanh Niên, còn có mục tiêu diệt trừ các phe nhóm trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc : Vào lúc Tập Cận Bình nỗ lực củng cố quyền lực trước Đại Hội Đảng lần thứ XIX vào năm tới, việc « cải tổ » Đoàn Thanh Niên – mà cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đặc biệt chăm sóc - là một giai đoạn bắt buộc.
Sau Đại Hội XIX, một ê kíp hoàn toàn mới sẽ lên lãnh đạo Trung Quốc, ngồi lại chỉ còn hai nhân vật Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường (mà người ta cũng chưa biết là sẽ còn trụ lại ở vị trí thủ tướng hay không). Ai cũng biết là Lý Khắc Cường bắt đầu con đường chính trị trong Đoàn Thanh Niên và được ông Hồ Cẩm Đào nâng đỡ.
Tác giả bài viết nhắc lại là thời ông Hồ Cẩm Đào là thời vàng son của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc, có ảnh hưởng tăng vọt, đông đảo cán bộ được đưa vào những vị trí quan trọng cấp quốc gia cũng như địa phương. Theo bài viết, ông Hồ Cẩm Đào đã dựa vào thế lực Đoàn Thanh Niên để chống lại « Bang Thượng Hải » của ông Giang Trạch Dân.
Trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì « bè lũ Đoàn Thanh Niên » và « Bang Thượng Hải » chi phối chính trường Trung Quốc. Nhưng với chiến dịch chống tham nhũng, Tập Cận Bình đã làm cho cả hai phe bị lung lay.
TẬP CẬN BÌNH THUỘC PHE « CHIẾT GIANG » HAY « THÁI TỬ ĐẢNG » ?
Câu hỏi được tờ Nam Tảo đặt ra là ông Tập Cận Bình thuộc phe nhóm nào ? Với tư cách là cựu bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, người ta nghĩ rằng Tập Cận Bình có thể cất nhắc người của tỉnh mình lên và lập nên nhóm Chiết Giang. Nhưng theo tờ báo, điều đó chưa thấy rõ, và phải chờ thêm xem lãnh đạo Trung Quốc sẽ chọn ai cho ê kíp cầm quyền trong năm năm sắp tới. Có điều là giống như Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình có vẻ rất ghét tình trạng phe nhóm trong Đảng, nguồn gốc gây chia rẽ. Đây là điều mà ông thường nhấn mạnh trong các diễn văn của mình.
Một ví dụ : Tập Cận Bình từng đảm trách nhiều chức vụ lãnh đạo trong suốt 17 năm tại tỉnh Phúc Kiến. Thế nhưng, trong ba năm trở lại đây, ông không hề cất nhắc một số lượng cán bộ đông đảo nào đến từ tỉnh đó. Tập Cận Bình cũng từng làm bí thư Chiết Giang và Thượng Hải. Nhưng thời gian ông làm việc ở đó qua ngắn để có thể đào tạo ra những người thân cận với mình.
Còn phe « Thái Tử Đảng » mà Tập Cận Bình là một thành viên thì sao ? Theo tờ báo, khái niệm này rất rộng, và chưa có gì chứng tỏ rằng các « thái tử đảng » sẽ thực sự được đề bạt vào các chức vụ then chốt trong chính quyền hay trong Đảng.
Có thể hiểu như thế nào về tình trạng như kể trên ? Theo tác giả bài viết, rất có thể là đối với Tập Cận Bình, một quân vương chuyên chế không cần đến hậu thuẫn của bất kỳ một phe nhóm nào.
///////////


VĂN CAO



BA BIẾN KHÚC VĂN CAO
NGUYỄN TRỌNG TẠO

http://nguyentrongtao.info/2016/01/10/ba-bien-khuc-van-cao/











1.


Người gọi ông là “ba đỉnh núi sương mù”. Người gọi ông là “Dòng sông ba nhánh”. Người gọi ông là “Nghệ sĩ đa tài”. Người gọi ông là “Bậc tài danh thế kỷ”… Khi tôi gặp ông thì ông đã 57 tuổi, chòm râu dài phất phơ ngả bạc như tiên lão bảy mươi. Ông ngồi một mình trên đi-văng đệm vải cũ càng, mắt nhìn vào chén rượu gạo bình dân như chẳng chờ đợi một điều gì. Có lẽ ông đã ngồi như vậy mấy chục năm liền. Những chai rượu đầy vơi vơi đầy không nhớ đã bao lần.


Cũng không nhớ đã bao lần trên đất nước này và cả những nước khác, người ta đã hát vang bài ca của ông, bài Quốc ca Việt Nam mang hồn thiêng sông núi: Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.


Khi nghe Phan Lạc Hoa giới thiệu tôi, mắt và miệng ông ánh lên nụ cười gần gũi, bình dị: “À, cái anh Nghệ nhận Quan Họ làm quê đây!”. Ông với tay kệ tủ lấy thêm ly, và Nguyễn Thụy Kha rót rượu. Ông đối với bọn trẻ chúng tôi như với bạn. Khi thân mật rồi, hầu như chẳng còn khoảng cách tuổi tác. Có lẽ vì thế mà ông luôn luôn mới. Chúng tôi rủ ông đến quán lòng lợn tiết canh đầu chợ Đuổi, ông đồng ý ngay, nhưng nhắc là nên mua rượu ở quán cạnh bến xe Kim Liên, loại rượu gạo ông thường uống. Quán đông quá, chúng tôi mượn một cái chiếu trải vào túp lều tranh bỏ trống bên cạnh. Cứ ngồi xếp bằng mà uống rượu và hút thuốc lào như ở làng ở xã. Người ra vào chợ đông đúc, ồn ào, hình như cũng không ai biết ông già ngồi quán bình dân này là tác giả Quốc ca. Còn chúng tôi, lần đầu tiên được biết những bài thơ ông làm để rồi cất lại trong lòng, không đưa in đâu cả, mà dù có đưa in in người ta cũng chẳng in cho. Mấy chục năm nay, ông chỉ làm bìa sách, vẽ hình minh họa cho báo và làm nhạc… không lời.

Những bài thơ của ông khiến chúng tôi nổi cả da gà, kinh ngạc vì thán phục. Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ của ông thật đến siêu thực. Thơ của ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên.


Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội.


Mọi con người đeo mạt nạ đi chơi.


Vui lên cành non


Lá bàng trên phố xanh màu ngọc




Những mặt nạ gặp nhau chào hỏi




Ô kìa


Nước mắt mồ hôi


Sao chảy ra trên từng mặt nạ


Đến giờ, tôi vẫn nhớ giọng vang trong của ông đọc thơ trong quán rượu. Bài thơ Năm Buổi sáng không có trong sự thật ông làm năm 1960 mà tôi tưởng ông vừa làm trong quán rượu năm 1980 này. Chúng tôi nghe như nuốt từng lời thơ của ông vào tâm khảm. Khi ngấm rượu, ông nói hay đến nỗi tôi tưởng là đang nghe ông trong giáo đường chứ không phải giữa chợ. Vì thế mà chúng tôi đều thuộc bài thơ ngắn Không đề ông làm năm 1967. Bài thơ như một cuốn phim cực ngắn chứa đầy âm nhạc và treo lơ lửng một câu hỏi trước cuộc đời:


Con thuyền đi qua


Để lại sóng


Đoàn tàu đi qua


Để lại tiếng


Đoàn người đi qua


Để lại bóng


Tôi không đi qua tôi


Để lại gì?






Hơn 20 mươi năm “im lặng” về thơ lại chính là thời gian ông làm thơ nhiều nhất. Những bài thơ chi chít trong cuốn sổ tay nhỏ xíu úa màu thời gian vàng vọt. Những bài thơ viết trên vỏ bao thuốc lá nhặt được trong quán rượu. Có bài thơ được ghi lại không phải chữ của ông mà là chữ của vợ ông, bà sợ ông quên đi mất nên bắt ông đọc lại để bà chép lại.

Năm 1987, Nguyễn Thụy Kha đã lần mò chép lại những bài thơ trong tập bản thảo nhòe mờ ấy của ông rồi đưa cho tôi đọc. Giữa quá nhiều bất trắc cuộc đời, tiếng thơ Văn Cao chẳng bao giờ đổi giọng. Chữ nghĩa của ông như được viết ra từ ngòi bút kim cương chứ không phải bút lông bút sắt. Và khi tiến hành chọn bản thảo tập thơ Lá, Văn Cao rất vui lòng ủy thác cho Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo và tôi tuyển chọn. Hầu như ông hoàn toàn yên tâm về việc đó. Ông nói: “Ba thằng mày bảo được là được!”.
Dù là trong thời kì “đổi mới” rất mạnh mẽ, chúng tôi vẫn thấy ông có một bài thơ mà nhà xuất bản khó lòng chấp nhận, đấy là bài Đồng chí của tôi viết năm cải cách ruộng đất (1956). Bài thơ tràn đầy lòng tin vào chủ nghĩa xã hội mà cảnh tỉnh những sai lầm của hiện tại, nó là tiếng lòng thống thiết của người cộng sản bị xử bắn oan gửi tới các đồng chí của mình. Không trung thực với Đảng, không có lòng can đảm của một đảng viên, không chan chứa một trái tim nhân đạo… không thể viết được một bài thơ rớm máu như thế.
Nhưng 30 năm và hơn thế nữa, nó vẫn chỉ là bài thơ của riêng ông. Chúng tôi biết điều đó, và đề nghị ông “để lại”, ông đồng ý ngay. Đầu năm 1995 này, tôi nhắc lại với ông bài thơ ấy, và thấy đã đến “thời” bài thơ có thể in được rồi, nhưng ông nói sau khi nhấp một ngụm rượu: “Thôi, cứ để sau khi mình chết rồi in cũng chưa muộn”. Ngày ông qua đời, tôi bỗng mở sổ tay xem lại bài thơ ấy, và tôi đã khóc.


Người ta các đồng chí của tôi


Treo tôi lên một cái cây


Đợi một loạt đạn nổ


Tôi sẽ dẫy như một con nai con


Ở đầu sợi dây


Giống như một nữ đồng chí


Một anh hùng của Hà Tĩnh


Tôi sẽ phải kêu lên


Như mọi chiến sĩ bị địch bắn


Đảng Lao động Việt Nam muôn năm


Cho mọi người hiểu khi tôi chết


Vẫn còn là một đảng viên


Cho mọi người hiểu khi tôi chết


Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam


Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ


đã nuôi cách mạng


Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi


dẫy chết


Có mẹ tôi


Ba lần mang cơm đến nhà tù


Hãy quay mặt đi


Cho các đồng chí bắn tôi


Tôi sợ các cụ già không sống được


Bao năm nữa


Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa


Của chúng ta.


Chết đi mang theo hình đứa con


Bị bắn


Tôi sợ các em còn nhỏ quá


Sẽ nhớ đến bao giờ


Đến bao giờ các em hết nhớ


Hình ảnh tôi bị treo trên cây


Bị bắn


Hãy quay mặt đi


Cho các đồng chí bắn tôi…


Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống


Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống


Đảng Lao động Việt Nam muôn năm


Đảng Lao động…


(1956)


Tập thơ Lá của ông được in ra không đúng như chúng tôi đã chọn dưới sự ủy thác của ông, 5 bài thơ ông tâm đắc bị bỏ ra, và thay vào mấy bài thơ ông in báo hồi kháng chiến chín năm. Tuy không được hài lòng lắm, nhưng ông cũng mỉm cười sau 30 năm trở lại thi đàn. Ông lại tiếp tục viết những bài thơ mới. Vẫn là Văn Cao tươi ròng, không tuổi.


Tôi đẻ ra trần truồng


được những lót tã


là của cải…





2.


Sao tôi lại nhớ sinh nhật 60 tuổi của ông? 15 -11 -1983. Chiều, trong căn phòng gác hai số nhà 51 Trần Hưng Đạo, nơi Bảo Đại từng ở sau cách mạng tháng Tám, nơi mà một phần tư thế kỷ trước Văn Cao thường xuất hiện cùng bạn bè đồng nghiệp văn nghệ sĩ. Lâu quá rồi ông mới xuất hiện chính thức thức trở lại nơi này, và là nhân vật chính của buổi lễ sinh nhật 60 tuổi do Hội Nhạc sĩ tổ chức. Hoa và rượu. Những lời chúc tụng, những bài hát của ông vang lên mừng tuổi ông.

Có cả Thiên Thai, Trương Chi hơn 30 năm vắng bóng trở về, khiến cả hội trường lặng phắc, ân hận và khâm phục. Chiếc dương cầm Đặng Thái Sơn tặng Hội Nhạc sĩ sau lần đăng quang, vang lên những bản nhạc không lời Văn Cao. Những bản nhạc ông viết sau cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn – Giai phẩm kết thúc, sau cái đêm trắng đi cùng với Hữu Loan quanh hồ Ha-le ngột ngạt, u ám, không biết nói gì trước khi chia tay nhau để tác giả Màu tím hoa sim trở về Thanh Hóa làm một “Lão nông tri điền”. Những bản nhạc chứa đầy nỗi đau chia cắt cùng với khát vọng thống nhất cháy bỏng. Đấy là các bản Hàng dừa xa, Sông tuyến và Biển đêm.

Rồi đến lượt Văn Cao xuất hiện trước cây dương cầm.
Im lặng.
Chờ đợi.
Ông cứ ngồi im trước cây đàn đến mấy phút liền. Một bàn tay của ông đã bị chấn thương trước đó 10 năm, khi ông đang đi bách bộ trên hè đường và bị một chiếc xe com-măng-ca không số từ dưới đường tạt lên chèn ngã. Ông sẽ chơi đàn thế nào đây? Bỗng bàn tay ông nắm lại thành một nắm đấm. Ông bất ngờ đấm vào những phím đàn, vang lên hợp âm chói gắt như bom nổ. Thêm một nắm đấm nữa. Hai nắm đấm của ông cùng với cả cùi tay trút bão táp vào cây đàn, hết đợt này đến đợt khác. Chuỗi âm thanh ghê gớm ấy bỗng lặng đi đột ngột. Mọi người như nín thở. Ông dùng ngón tay trỏ chầm chậm mổ nhẹ vào một phím đàn, từng tiếng, từng tiếng một vang lên rành rọt, chậm dần, nhỏ dần cho đến khi ông thu bàn tay lại, trong tiếng vỗ tay ào lên không dứt của mọi người.


Trước Văn Cao, chưa thấy ai chơi đàn như thế. Chính vì thế mà ông luôn là ông, không giống ai, và nếu ai muốn giống ông thì cũng khó mà giống được.


Tối hôm đó, ông hẹn mấy người về nhà ông uống rượu. Tôi và Kha tới thì đã thấy Văn Cao đang ngồi cùng Trịnh Công Sơn và Cao Xuân Hạo. Ông nhờ tôi sang gọi Trần Dần bên kia đường Vũ Lợi. Ông bảo: “Có thêm Trần Dần nữa mới vui”. Tôi đến nhà Trần Dần thì ông đang bên nhà hàng xóm. Trong lúc đợi vợ ông đi gọi ông về, tôi nhìn vào bức tường và thấy hiện rõ một hình nhân. Đấy là nơi Trần Dần tựa lưng suốt mấy chục năm qua. Tôi rùng mình hình dung ra cái bóng đang động cựa như một con người thật. Vừa lúc Trần Dần về trong bộ quần áo pirama ngả màu cháo lòng, ông gầy yếu quá, gầy yếu hơn cả cái bóng của chính mình trên tường nhà.


– Anh Văn mời anh sang nhà uống rượu – Tôi nói – Hôm nay sinh nhật anh ấy. Sáu mươi rồi.


– Thế à? Những ai?


Tôi kể tên mấy người. Trần Dần mỉm cười:


– Thế thì sang.


Vợ ông nhắc ông thay quần áo. Nhưng bộ quần áo mới cũng đã cũ lắm rồi. Ông kém Văn Cao ba tuổi, nhưng trông già nua và chậm chạp như một ông lão khổ hạnh. Chỉ có đôi mắt là lúc nào cũng có lửa. Cái ngọn lửa đó đã rực cháy trong nhiều tác phẩm văn thơ của ông dọc các nẻo đường kháng chiến: Cách mạng tháng Tám, Trường ca Việt Bắc, Nhất định thắng, Người người lớp lớp… và hàng loạt tác phẩm còn nằm trong bản thảo như tiểu thuyết Cổng Tỉnh, Mùa sạch, Ngã tư những cột đèn, v. v…


Văn Cao với tay lên kệ tủ lấy thêm một cái ly thủy tinh đặt trước mắt Trần Dần. Trong khi tôi rót rượu, ông dặn tôi: “Dần sức yếu, dễ say đấy”. Nhưng sau khi cụng ly, chỉ riêng Trần Dần là uống cạn.


Chuyện trò, đọc thơ, và hát. Cao Xuân Hạo nhớ nhiều những kỷ niệm thời kháng chiến chống Pháp, về những bài hát thời bấy giờ của Văn Cao mà anh đã hát. Văn Cao cũng nhắc lại vài bài hát của Cao Xuân Hạo mà ông đặt nhiều hy vọng. Cao Xuân Hạo có một giọng hát thật vang trong, bay bổng, đã ở tuổi 53. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe bài hát thuở xưa của anh. Văn Cao nói rằng, ngày ấy nếu Hạo đi hẳn vào nhạc, chắc chắn sẽ thành đạt, dù sau này là một dịch giả nổi tiếng về Lép Tônstôi, Đôxtôiepski, Aitmatốp… Trần Dần chỉ lặng im uống và nghe, dù là nghe chính những câu thơ lấp lánh, táo bạo của ông do Nguyễn Thụy Kha hay Văn Cao đọc lên. Chỉ đến khi nghe Trịnh Công Sơn hát, ông mới nheo mắt cười cười, buột ra mấy tiếng: “Tiểu quỷ! Mày là tiểu quỷ!”, rồi cũng chẳng giải thích gì thêm. Cứ thế mà cuộc rượu kéo dài tới nửa đêm, mặc cho bà Băng nhắc nhở về thời gian, và ép người này người khác ăn các món do chính tay bà nấu.
Khi chúng tôi chia tay vợ chồng Văn Cao bước xuống cầu thang, chuông đồng hồ nhà bên điểm 12 tiếng. Thế là trọn ngày sinh nhật của ông. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng, cuộc đời đã bắt đầu bước vào một ngày mới.


3


Hai mươi năm cuối đời, Văn Cao chỉ viết vài ba bài hát, đấy là bài Mùa xuân đầu tiên (1976) và bài Tình ca Trung du (1984). Bài mùa xuân đầu tiên ông viết sau ngày nước nhà thống nhất, khi cảm xúc trào lên ào ạt ở những người khác, thì cảm xúc của ông lắng lại, bình thản sau quá nhiều xáo trộn cuộc đời. Ông nhìn thấy “mùa xuân dặt dìu theo én về”, ông lắng nghe tiếng “gà đang gáy trưa bên sông”, và ông khẳng định rằng cái “mùa bình thường” đã về: “Từ đây người biết quê người – Từ đây người biết thương người – Từ đây người biết yêu người”.
Âm nhạc của ông vẫn đẹp, ấm và sang trọng, thoát hẳn ra ngoài những bài hát reo vui đại thắng lúc bấy giờ.
Đó là bí mật tài hoa của riêng ông.
Bài hát liền sau đó được dịch và in ở Liên Xô. Chỉ tiếc rằng, hầu như nó chẳng được phổ biến trong đất nước của mình. Có lẽ ông ít viết bài hát ở giai đoạn sau là vì thế. Rồi mùa thu 1984, tôi đi cùng ông trong tốp nhạc sĩ lên Vĩnh Phú theo lời mời của bộ tư lệnh Thông tin. Có lẽ lâu lắm rồi, ông mới có dịp “đi sáng tác tập thể” như lần này. Chúng tôi về một nhà máy thông tin dưới chân núi Thắm, tiếp xúc với những người lính thợ, nghe thành tích của họ, xem họ làm việc và nói chuyện, đọc thơ, hát cho họ nghe. Văn Cao kể lại những kỷ niệm xưa bên dòng sông Lô đã giúp ông viết nên bản Trường ca Sông Lô bất hủ. Trên đường về, gặp nhà thơ Bút Tre, hai ông hôn nhau xúc động chảy nước mắt. Nguyễn Thụy Kha gọi Văn Cao và Bút Tre là tiêu biểu cho hai “trường phái thơ hiện đại Việt Nam”. Các ông được xếp “đồng hạng” với nhau, lấy làm thích thú lắm. Sau chuyến đi ấy, chúng tôi đều viết về bộ đội thông tin, chỉ riêng Văn Cao là viết tình ca. Bài Tình ca Trung du giai điệu sáng láng, lời ca đẹp như thơ. Một cánh tay sông Hồng. Một cánh tay sông Lô. Hai cánh tay như ôm trung du. Và ở đoạn kết là lời hẹn hò trở lại thật bâng khuâng: “Hẹn trở về bên núi Thắm, vào một ngày mùa thu sáng láng… nắng trên đồi như trôi trên sông”.


Càng ngày, sức khỏe Văn Cao càng giảm. Huyết áp thường bị tụt. Phổi bị khô. Cột sống bị thoái hóa, có giai đoạn phải mặc “áo giáp” để đỡ cột sống. Nhưng ngồi với ông, lúc nào cũng vui.

Tháng tư 1985, Thanh Thảo ra Hà Nội tổ chức cho Văn Cao, Nguyễn Thụy Kha và tôi vào thăm Nghĩa Bình theo lời mời của Tỉnh. Ông mừng lắm, thậm chí còn nói rằng, có thể đây là chuyến đi cuối cùng về phía nam. Đang chuẩn bị thì ông bị đau, may mà qua nhanh được. Thanh Thảo lấy thêm vé máy bay cho vợ ông, vì nếu thiếu bà thì chuyến đi sẽ dễ gặp bất trắc, bà còn là “bác sĩ riêng” của ông. Cả tỉnh Nghĩa Bình mừng vui đón ông, chỉ thiếu dựng cổng chào. Tôi nói vui như thế, vì ở đâu ông cũng được quần chúng hâm mộ và kính trọng như đối với một nhân vật đặc biệt của đất nước. Còn ông thì đối với ai cũng bình dị, gần gũi. Đêm ghé vào khách sạn Sa Huỳnh, cả khách sạn mời ông ở lại trọn đêm. Ông gọi những người ở đây bằng em và bảo họ cứ gọi ông là anh. Và ông tự giới thiệu: “Anh chỉ hai mươi thôi – rồi ông chỉ vào vợ – còn đây là bồ của anh”. Chính tâm hồn trẻ đẹp của ông đã xóa đi sự ngăn cách về tuổi tác, về sự mặc cảm giữa con người.


Trong chuyến đi này, ông “phát hiện” ra rượu Bàu Đá, một loại rượu trắng được nấu từ các lò rượu làng Bàu Đá, cách thành Bình Định tám chín cây số. Văn Cao cho rằng trong đất nước này, chỉ có rượu Bàu Đá mới có thể sánh được với rượu Làng Vân nổi tiếng, ông nhấp rượu Bàu Đá và nhận xét: “Rượu Vân mỏng, rượu Bàu Đá dày”. Xe đi tới đâu cũng chở theo rượu Bàu Đá, vì ông không hợp với bia. Đến huyện Mộ Đức, trong bữa tiệc chiêu đãi, thấy ông mang rượu trắng ra uống, người ta liền mang ra mấy chai Napoléon thật đặc biệt: vỏ chai sần sùi bởi những con sò biển đã bám chặt từ bao giờ. Đấy là rượu huyện vừa vớt được từ dưới đáy biển Ngang. Chả là hồi 1976, một con tàu chở rượu từ Sài Gòn ra Hà Nội phục vụ đại hội Đảng đã bị đắm ở đây. Ôi, rượu Napoléon dưới đáy biển cả chục năm trời, thế gian này đã mấy ai được uống? Thế mà Văn Cao và chúng tôi đã gặp may mắn bất ngờ.


Mấy ngày sau, Văn Cao viết được hai bài thơ Qui Nhơn 2 và Quy Nhơn 3 khép lại chùm thơ Qui Nhơn độc đáo mà bài Qui Nhơn 1 ông đã viết ở Hà Nội. Khuya lắm rồi, ông gõ cửa phòng tôi, gọi tôi sang phòng ông uống rượu, và nghe thơ mới làm. Tôi giật mình khâm phục bài thơ và sức sáng tạo của ông.

Chúng tôi, ai mà chẳng nhìn thấy những tháp Chàm đơn côi dọc miền Trung, nhưng cái nhìn của ông thật lạ lùng:


Từ trời xanh


rơi


vài giọt tháp Chàm


Tôi đọc kỹ hai bài thơ mới của ông, và xin ông sửa một chữ trong đoạn kết bài Qui Nhơn 2: “bỗng một ngày bà mẹ Qui Nhơn – nói với tôi một lời – một tiếng – chào con!”. Theo tôi không nên dùng chữ chào, bà mẹ mà chào con thì khách sáo thế nào ấy, nên dùng chữ à con, nó vừa tự nhiên, vừa tình cảm. Văn Cao khoái lắm, ông khen tôi: “Mày đúng là thằng Nghệ”. Và ông nhờ tôi lấy bút sửa vào bản thảo giùm ông. Trong nghệ thuật, Văn Cao là một người biết lắng nghe. Chính vì thế mà ông trở thành tầm cỡ.


Mỗi lần ra Hà Nội, tôi thường cùng Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo hoặc Hoàng Phủ Ngọc Tường ghé thăm ông ở căn nhà 108 Yết Kiêu. Lần nào cũng được ông dành cho chai rượu ngon. Những chai rượu người ta tặng ông. Lần cuối cùng gặp ông ở Đại hội Nhạc sĩ, ông lại bảo: “Tao dành chai rượu, trước khi về, mày đến mà mở”. Nhưng tôi đã lỡ hẹn với ông. Ngày Hà Nội đưa tang ông, tôi ở Huế buồn quá, đến nhà Mai Khắc Ứng uống rượu, cùng nhau tưởng nhớ ông. Tôi uống gần hết bình rượu mà Mai Khắc Ứng không dám ngăn, vì sợ tôi buồn. Mãi ngày sau tôi mới biết, đấy là bình rượu nhung hươu bạc triệu của ông bạn họ Mai. Trong cõi Thiên Thu, giá mà biết chuyện này, chắc Văn Cao sẽ cả cười…


Huế, tháng Bảy, 1995

 ...../.