________ ..Formosa




Thép nội và Formosa: Cuộc so găng không cân sức




http://pomina-steel.com/index.php?option=com_content&view=article&id=282%3Athep-ni-va-formosa-cuc-so-gng-khong-can-sc&catid=1%3Atin-tuc-va-su-kien&Itemid=122&lang=vi





Ngành thép nội đang đứng trước cuộc so găng cùng Formosa khi dự án này chuẩn bị đi vào hoạt động.



Ưu ái cho Formosa


Formosa là dự án đến từ Đài Loan trị giá 28 tỉ USD. Cùng với vốn đầu tư “khủng” nêu trên, dự án này được ưu đãi đầu tư rất lớn mà chưa dự án nào có được: được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (trong khi doanh nghiệp thép nội địa phải chịu thuế 22%) tính từ năm có thu nhập chịu thuế, sau đó được miễn thuế trong 4 năm và giảm tiếp 50% trong 9 năm tiếp theo.


Đặc biệt hơn nữa là mức ưu đãi đối với tiền thuê cho toàn bộ hơn 3.318 ha đất trong 70 năm, thời gian thuê ổn định và không bị thu hồi trong bất kỳ trường hợp nào. Đây là cơ sở ban đầu để nhà đầu tư láng giềng này mạnh tay đầu tư vốn lớn. Nhằm phục vụ triển khai dự án này, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất với 11.825 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, còn thực hiện di dời 58 nhà thờ, gần 15.000 ngôi mộ về các khu tái định cư.


Có thể chúng ta đã quá ưu ái cho Formosa để thu hút được một dự án đầu tư lớn. Với một dự án thép ưu đãi lớn như vậy đã đặt doanh nghiệp thép Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.


Sau sự cố “giàn khoan Trung Quốc” và những vụ tranh chấp xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh vào tháng 5, Formosa đã tận dụng thêm cơ hội này để đề nghị được bù đắp bằng những chính sách ưu đãi ở mức cao về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thậm chí Formosa Hà Tĩnh còn mong muốn được thành lập đặc khu kinh tế cho riêng mình. Chính phủ đã bác bỏ các đề xuất táo bạo này nhưng rõ ràng có thể thấy tiếng nói mạnh dạn của Formosa trên thương trường. Mới nhất, Formosa cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thành lập đội tàu vận chuyển thép của Công ty tại Việt Nam.


Trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt là đối với lĩnh vực thép trong nước đang rất cần được hỗ trợ thì những biệt đãi dành cho Formosa dường như chưa được công bằng cho ngành thép nội địa. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, mỗi biện pháp ưu đãi cần gắn liền với việc mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng với dự án Formosa, lợi ích mang về cho Việt Nam chưa thực sự rõ ràng.


Về mặt lợi thế cạnh tranh trên thị trường, sự xuất hiện của Formosa với quy mô và ưu đãi lớn đã tạo thêm áp lực cạnh tranh, thậm chí có thể đẩy nhiều doanh nghiệp Việt ra khỏi thị trường.


Về lao động, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 10.2014, số lượng lao động người nước ngoài tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã gần 6.000, trong đó có 4.200 lao động Trung Quốc hiện làm việc cho Formosa. Một dự án lớn tại Việt Nam nhưng lại giải quyết bài toán lao động cho người nước ngoài.


Về chuyển giao công nghệ, với dự án đến 28 tỉ USD và lò cao được thiết kế với công suất 2.000 m3, trong khi các công ty thép nội với quy mô nhỏ hơn rất nhiều và quy mô lò cao lớn nhất cũng mới đạt 500 m3 thì liệu doanh nghiệp nào có thể hưởng lợi từ công nghệ mà Formosa chuyển giao?
Bên cạnh đó, quá trình vận hành dự án cũng sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên trong nước và gây ô nhiễm môi trường.


Formosa từng tuyên bố sản phẩm của họ chủ yếu để xuất khẩu nhưng với thị trường tiêu thụ lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc đang đóng băng, thậm chí sẽ sụt giảm mạnh trong các năm tới thì có thể Formosa sẽ tìm mọi cách để gia tăng lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam.


Khó khăn cho thép nội



Từ năm 2008 đến nay, khi thị trường bất động sản và xây dựng bị đóng băng và đình trệ, cộng với việc giảm đầu tư công dẫn dến sự suy yếu của toàn ngành thép, thậm chí ngay cả doanh nghiệp lớn có “máu mặt” như Công ty Cổ phần Thép Pomina cũng đã từng đứng trước thời khắc được xem là nguy hiểm nhất.

Năm 2014, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương), tiêu thụ thép sẽ tăng nhưng chỉ ở mức 3-5% so với năm 2013 (do một số dự án hạ tầng của Chính phủ được triển khai), với sản lượng tiêu thụ khiêm tốn khoảng hơn 12 triệu tấn.


Doanh nghiệp thép Việt Nam gặp thị trường đã khó, nhưng khó hơn là phải cạnh tranh với nguồn thép được nhập từ Trung Quốc tăng mạnh trong nhiều năm gần đây. Và sẽ còn căng thẳng hơn khi hai tháp lò cao (giai đoạn I) của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động vào cuối năm nay.


Có 7,1 triệu tấn thép thành phẩm/năm sẽ được sản xuất bởi doanh nghiệp này, trong đó 3 triệu tấn thép được tiêu thụ trong nước (chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM). Một tương lai xa hơn, khi toàn bộ dự án Formosa trị giá 28 tỉ USD hoàn thành, ước tính hằng năm Formosa sẽ đưa ra thị trường 22,5 triệu tấn thép.


Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KIS, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành thép của Việt Nam chưa cao. Trong khi tại Trung Quốc, các nhà máy lò cao được hoạt động với mức sàn về mặt công suất tối thiểu là 1.000 m3 thì lò cao nhất ở Việt Nam mới chỉ 500 m3. Chỉ có một số ít doanh nghiệp có lợi thế về địa lý như Thái Nguyên mới tự khai thác quặng và sản xuất thép theo công nghệ lò cao; hoặc những doanh nghiệp có tiếng khác như Thép Pomina, Việt Ý thì nhập khẩu thép phế và sử dụng lò điện hồ quang.


Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động sản xuất thép, nhưng đa số là quy mô nhỏ và sản xuất thép thô. Còn lại, những sản phẩm khác như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế cơ khí, thép tấm lá… lại phải đi nhập khẩu. Chính vì vậy, ngành thép nội địa luôn ở trong tình trạng mất cân đối, thừa thép thô nhưng thiếu các sản phẩm thép khác.


Vậy lúc này, các doanh nghiệp thép lớn của Việt Nam nghĩ gì từ câu chuyện Formosa?


Trao đổi với giới đầu tư mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, cho biết dự kiến cuối năm 2014, doanh thu của Hòa Phát lần đầu tiên sẽ chạm mốc 26.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế có thể đạt hơn 3.000 tỉ đồng. “Chúng tôi không chỉ quyết tâm chiến đấu được trong nước mà còn có thể cạnh tranh sòng phẳng với thép Trung Quốc, kể cả với Formosa”, ông nói.


Động thái của tập đoàn này là đang chuẩn bị xây dựng lò cao số 3 để xuất khẩu phôi thép sang các nước Đông Nam Á nhằm giảm thiểu sự cạnh tranh ở thị trường trong nước. Theo nhận định của Hòa Phát, đây là thị trường có tiềm năng xuất khẩu lớn, bởi ở các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, giá cả không cạnh tranh nhiều do doanh nghiệp nước sở tại sản xuất thép từ lò luyện gang và sắt vụn. Trong khi đó, Myanmar sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hơn là thị trường cạnh tranh, do quốc gia này thiếu rất nhiều điều kiện để trở thành nhà sản xuất thép lớn (vì không có than, thiếu điện, quặng sắt và phế liệu rất ít).


Nếu Hòa Phát đẩy mạnh đầu tư để xuất khẩu, bài toán của Thép Pomina là đầu tư cho công nghệ tiên tiến. Điển hình như Dự án Pomina III của Công ty đã đi vào hoạt động chuyên sản xuất phôi và luyện thép với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Dự án bao gồm 3 hạng mục đầu tư: nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm, nhà máy cán thép công suất 500.000 tấn/năm và một cảng biển có năng lực bốc dỡ đạt 3 triệu tấn/năm phục vụ cho nhà máy.


Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Pomina, cho biết dự án này là sự kết hợp của những công nghệ số 1 thế giới của Mỹ, Ý và Đức. Với các ứng dụng này, Pomina sẽ giảm chi phí sản xuất, tận dụng được nguồn nhiệt tối đa, cửa lò không phải mở, giữ nhiệt ổn định ở 1.6000C, giảm được thời gian nung từ 60 phút xuống còn 45 phút, giảm tiêu hao điện năng từ 600 KW/tấn xuống còn 350 KW/tấn. Chiến lược của Pomina trong thời gian tới cũng sẽ là cố gắng nâng cao sản lượng xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đạt 30% tổng sản lượng của toàn hệ thống.


Một chuyên gia về công nghệ thép của Nhật cho biết dự án Formosa được đầu tư ở Việt Nam là sự dịch chuyển nhà máy Formosa từ Cao Hùng (Đài Loan) đã có từ lâu theo công nghệ lò cao. Và công nghệ này đã không còn phù hợp do tiêu hao quá nhiều điện năng. Do đó, có thể khẳng định là công nghệ Pomina có phần nổi trội hơn Formosa.

Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Khu Kinh tế Vũng Áng, cũng cho biết do chú trọng vào việc thu hút đầu tư, việc đánh giá công nghệ đầu tư tại Khu Kinh tế Vũng Áng chưa được quan tâm đúng mức; vì thế, dự án Formosa không có thẩm định công nghệ.


Còn ông Lê Phước Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thì không đề cập đến vấn đề Formosa mà nhấn mạnh nhiều hơn đến việc doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng triệt để các ưu thế về sản xuất và phân phối sản phẩm trên thị trường quốc tế để mở rộng xuất khẩu. Đầu tháng 10.2014, chính Tập đoàn Hoa Sen của ông Vũ cũng đã khởi công dự án thép ở Nghệ An với công suất giai đoạn 1 là 100.000 tấn/năm để chuẩn bị cho chiến lược toàn cầu hóa.


Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại năng lực cạnh tranh giữa một bên là Formosa và một bên là các doanh nghiệp thép nội địa thì lợi thế vẫn thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với chiến lược hướng đến thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thép nội địa đã bỏ qua câu chuyện cạnh tranh ở thị trường này với ngay chính Formosa.

Cần nhắc lại rằng trong 7,1 triệu tấn thép thành phẩm của Formosa sản xuất mỗi năm, có 3 triệu tấn thép được tiêu thụ ở Việt Nam, hơn 4 triệu tấn thép còn lại sẽ nhắm đến thị trường các nước lân cận, vì chi phí vận chuyển khá lớn. Và thị trường Đông Nam Á hiển nhiên cũng nằm trong tầm ngắm của Formosa.


Ứng dụng công nghệ luôn là hướng đi đúng đắn và cần được khuyến khích đầu tư. Thế nhưng, nếu khẳng định sử dụng công nghệ có thể vượt lên Formosa là không thực tế, bởi thiếu điều kiệu về quy mô.Một nhà máy sản xuất với quy mô lớn sẽ có được lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, hàng rào thuế nhập khẩu bảo hộ cho các mặt hàng như ống thép, phôi thép, thép xây dựng... sẽ được dỡ bỏ trước cột mốc năm 2015. Đây cũng là một lực cản lớn cho ngành thép nội.


Bài toán cho các doanh nghiệp thép Việt trước thách thức của thị trường và trước một đối thủ lớn vẫn còn khó và nhiều trăn trở. Những yêu cầu gần đây của các doanh nghiệp thép nội, đơn cử như yêu cầu tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ngành thép xuống thấp hơn mức hiện hành, có thể sẽ rút ngắn khoảng cách trong cuộc so găng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép nội hiện vẫn chờ đợi nhiều sự hỗ trợ hơn từ phía Nhà nước trong cuộc chiến sinh tồn phía trước.

_________________________________________________________


Tính đến hết tháng 9.2014, lượng sắt thép cả nước nhập về là 8,13 triệu tấn, trị giá 5,45 tỉ USD, tăng 15% về lượng và tăng 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 từ Trung Quốc là 3,95 triệu tấn, chiếm 48,6% tổng lượng sắt thép cả nước nhập về và tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

_________________________________________________________


Nguồn NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

......../.