Báo cáo Khrushchev bảo vệ chế độ toàn trị Xô Viết





http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160229-bao-cao-khrushchev-bao-ve-che-do-toan-tri-xo-viet?ns_campaign=reseaux_sociaux&ns_source=FB&ns_mchannel=social&ns_linkname=editorial&aef_campaign_ref=partage_aef&aef_campaign_date=2016-02-29&dlvrit=1068988





Khrushchev (trái) và Stalin năm 1936.Ảnh : Wikipédia





Cách nay 60 năm, lãnh đạo Liên Xô vào thời kỳ đó, ông Khrushchev, đã công bố một bản báo cáo lên án lãnh đạo tiền nhiệm Stalin, như là một đao phủ, gây bao thảm họa tại Liên Xô. Bản báo cáo được công bố đúng ngày cuối cùng của Đại hội XX đảng này, thời điểm mà nhiều đoàn lãnh đạo các nước cộng sản Đông Âu hay Trung Quốc, Việt Nam đang có mặt tại thủ đô nước Nga. Báo cáo được coi là đã dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản toàn trị, tuy nhiên, ngày càng nhiều có nghiên cứu cho thấy ban lãnh đạo Khrushchev đã sử dụng văn bản này để chia tay an toàn với thời kỳ Stalin, với mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn vị thế lãnh đạo của giới cầm quyền cộng sản.

Trước hết xin giới thiệu bài « Bản báo cáo Khrushchev làm rung chuyển thế giới cộng sản cách nay 60 năm » của nhà sử học Pháp Stéphan Courtois, một chuyên gia hàng đầu về chế độ Xô Viết. Bài được đăng tải trên tờ Le Figaro, ngày 24/02/2016 (mục Débats) (chú thích 1).

Báo cáo làm rung chuyển khối cộng sản
« Sáng ngày 25 tháng Hai 1956, vào lúc Đại hội XX của đảng Cộng Sản Liên Xô họp được 10 ngày, một phiên họp bất thường cuối cùng được triệu tập, trong đó toàn bộ các đoàn đảng cộng sản nước ngoài không được mời. Đây là đại hội đầu tiên của đảng Cộng Sản Liên Xô sau khi Stalin chết. Không ai cảm thấy một cơn sấm sét sắp ập xuống làm rung chuyển toàn bộ thế giới cộng sản, cho đến tận nền móng. Tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô Khrushchev lên diễn đàn, đọc một diễn văn phá hủy một cách có hệ thống – và nhìn chung theo một cách thức mang tính biếm họa - Stalin, biểu tượng sùng kính được cho là bất khả xâm phạm của tất cả những người cộng sản cho tới lúc đó.
Trước sự sững sờ của 1436 đại biểu, Khrushchev đã lên án Stalin hoàn toàn là một người cộng sản xấu kể từ năm 1935 : một thủ lĩnh quân sự tồi trong Thế chiến 2, mà ở Liên Xô được gọi là ‘‘Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại’’, một người khuyến khích nạn ‘‘sùng bái cá nhân’’ và người chịu trách nhiệm ‘‘về những sự đồi bại thậm tệ, không ngừng nghiêm trọng hơn, xâm phạm các nguyên tắc của đảng, nền dân chủ của đảng và nền công lý xã hội chủ nghĩa’’. Stalin bị buộc tội đã truy bức ''những người cộng sản chân chính'' - trong đó chỉ một vài tên tuổi được nêu lên – và đầy ải rất nhiều cộng đồng dân cư. Khrushchev đã tách rời Lênin khỏi Stalin, hai biểu tượng cho đến lúc đó không thể phân ly. Tổng bí thư Liên Xô đối lập Stalin xấu xa với hình tượng Lênin vĩ đại, một người cộng sản toàn vẹn, tôn trọng các đồng chí và tập thể lãnh đạo, một người chỉ sử dụng biện pháp đàn áp một cách thận trọng.

Trong một thời gian dài người ta đã cho rằng báo cáo này là một sáng kiến cá nhân của Khrushchev. Tuy nhiên, các tài liệu lưu trữ được công bố sau khi Liên Xô sụp đổ cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác, và đưa ra ánh sáng ban ngày sự giả trá và thái độ vô liêm sỉ của toàn bộ ban lãnh đạo Xô Viết.
Sau cái chết của Stalin năm 1953, lệnh ân xá do Beria (trùm an ninh của chế độ - người viết) ban bố đã giải phóng hàng loạt tù nhân. Trong số đó có hàng nghìn đảng viên. Chính những người này đã đòi hỏi phải được phục hồi. Dưới áp lực, tổng bí thư Khrushchev đã phải thiếp lập một tổng kết về số lượng các bản án được các tòa án đặc biệt đưa ra trong thời kỳ từ 1935 đến 1950. Thực trạng này cho thấy khá rõ tình trạng xã hội bị tội phạm hóa dưới chế độ toàn trị Xô Viết.
Họp lại vào ngày 9 tháng Hai 1956, Bộ Chính Trị với đa số thành viên là phụ tá trung thành của Stalin, đã ra quyết định. Bởi lo sợ, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Liên Xô đã một mặt che giấu đại đa số các tội ác của chế độ, mặt khác đã miễn tội cho toàn bộ giới cầm quyền và toàn bộ chế độ Xô Viết khỏi ba thập niên do Stalin lãnh đạo, và cuối cùng đã tái hợp thức hóa toàn bộ hệ thống Xô Viết nhờ hình tượng Lênin, được tôn vinh là ‘‘người cộng sản thuần khiết’’, trong lúc trên thực tế, chính Lênin là người đã sáng tạo ra chế độ này, và đã thiết lập nên tất cả các cơ sở cho chế độ khủng bố và toàn trị, trong thời gian giữa 1917 – 1923.
Như vậy là, Khrushchev và Bộ Chính Trị sẽ để lại trong bóng tối hàng triệu tội ác phạm phải trong thời kỳ nội chiến, dưới sự lãnh đạo của Lênin, rồi trong thời điểm khởi động kế hoạch 5 năm năm 1928, và đặc biệt là thời kỳ tập thể hóa tại nông thôn trong những năm 1929-1933, với việc tạo ra hệ thống trại cải tạo Gulag năm 1930, việc hành quyết hàng chục nghìn ‘‘địa chủ’’ (kulak), đày đi gulak hàng triệu người khác, và đặc biệt là nạn đói được cố tình gây ra chống lại nông dân và phong trào dân tộc Ukraina, với hệ quả là ít nhất 4 triệu người chết đói.
Một sự kiện cơ bản là bản báo cáo của Khrushchev chỉ nêu ra các nạn nhân thuộc đảng Cộng Sản Liên Xô, và nhấn chìm trong im lặng tuyệt đối sự đàn áp tàn bạo nhắm vào toàn bộ xã hội. Bản thân thực trạng Gulag, cũng như cuộc Đại Khủng Bố 1937-1938 với hơn 700 nghìn người bị sát hại, 700 người bị đày ải, đã không được nêu ra trong báo cáo. Như vậy ông Khrushchev đã áp đặt trên thực tế một sự ân xá đối với các lãnh đạo Liên Xô đương nhiệm và buộc xã hội phải quên đi một phần các tội ác của chế độ Xô Viết.
Thủ đoạn này không phải là mới : vào mùa thu năm 1794, tại Pháp, Hội nghị Quốc Ước đã chỉ định Carrier, đao phủ thành phố Nantes, làm con dê tế thần, đã tổ chức phiên toà xét xử và hành quyết người này, để cho phép tự tẩy rửa khỏi các tội ác của thời kỳ Khủng Bố và cho phép nhiều thủ phạm khủng bố khác – như Fouché – được tiếp tục thăng tiến về chính trị một cách ngoạn mục.
Năm 1956, ban lãnh đạo Liên Xô, được các chế độ cộng sản thời đó làm theo, cũng chỉ định Stalin làm dê tế thần, để xua đuổi những âm hồn của gần 40 năm tràn ngập tội ác và cho phép giới lãnh đạo Liên Xô và nhiều nước cộng sản khác có thể bình yên thụ hưởng mọi đặc quyền đặc lợi.
Tuy nhiên, cho dù, được coi là ‘‘bí mật’’ và chỉ được giành riêng cho những đảng viên cộng sản Liên Xô và lãnh đạo ‘‘các đảng anh em’’, bản báo cáo ngay lập tức đã được báo chí ‘‘tư sản’’ của các nước phương Tây công bố. Báo cáo này đã mang lại một cơn chấn động sâu xa trong thế giới cộng sản, nơi đại nguyên soái Staline được coi là người không thể mắc sai lầm. Kể từ đó, con sâu nghi ngờ đã được đưa cấy vào trái quả ý thức hệ : người ta tự hỏi, làm thế nào làm chủ nghĩa Mác-Lênin lại có thể sản sinh ra các tội ác khủng khiếp như vậy ?
Tổng bí thư đảng Cộng Sản Pháp Maurice Thorez, người từng biết đến ‘‘báo cáo bí mật’’ vốn im lặng, đã buộc phải nhắc đến báo cáo ‘‘được cho là của đồng chí Khrushchev. Tại các chế độ ‘‘dân chủ nhân dân’’ (ở Đông Âu, tức các chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo), bùng lên một loạt phong trào nổi dậy chống các nhà lãnh đạo mà Stalin đưa lên nắm quyền từ năm 1945.
Làn sóng nổi loạn này đã dẫn đến cuộc cách mạng mùa xuân năm 1956 tại Hungary, rồi mùa xuân Tiệp Khắc 1968. Sẽ không còn gì còn nguyên vẹn như trước đó ở thiên đường của thế giới cộng sản.
Rốt cuộc, 60 năm sau, ‘‘báo cáo bí mật’’ của Khrushchev vẫn còn là một vấn đề chính trị, một vấn đề mang tính lịch sử - hồi ức. Một mặt, người tuyên truyền cho phe Troski sử dụng nó để bảo tồn sự khác biệt giữa Lênin và Stalin, và để cố gắng bảo vệ học thuyết cộng sản khỏi thực tế toàn trị của nó, nhưng không có kết quả. Mặt khác, tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Lênin đã ‘‘đặt trái bom nguyên tử dưới tòa nhà nước Nga’’, với việc tạo ra vào năm 1922 một Liên Bang Xô Viết, mà Hiến pháp cho phép mỗi nước cộng hòa rời khỏi Liên Xô, ít nhất trên giấy tờ. Điều này đã trở thành hiện thực vào năm 1991. Về mặt này, Putin đã khôi phục Stalin, ‘‘nhà quản lý vĩ đại’’ đã tái lập và duy trì nước Nga đế chế, bao gồm cả vùng Kavkaz và Ukraina.
Hồn ma của Lênin và Stalin, những người sáng lập của chế độ toàn trị đầu tiên, tiếp tục ngự trị tại những hành lang của điện Kremlin, và trong giới cực tả Pháp ».
Đã 60 năm trôi qua, báo cáo của Khrushchev tiếp tục được giới nghiên cứu quan tâm.
Bản dịch « Báo cáo bí mật » lên án tội ác của Staline lần đầu tiên được xuất bản toàn bộ hồi tháng 9/2015 tại Pháp. Người dịch và giới thiệu là nhà sử học Jean-Jacques Marie, một trong các chuyên gia hàng đầu của về lịch sử Liên Xô (chú thích 2).
Khác với tác giả bài viết nói trên, dịch giả và người giới thiệu báo cáo bí mật của Khrushchev lại cho rằng « mặc dù duy trì sự thống trị của giới cầm quyền Liên Xô và giúp cho chế độ tiếp tục tồn tại, Khrushchev đã đặt một trái bom nổ chậm trong lòng chế độ. Chính vì vậy, những người kế tục trong đảng Cộng Sản và những người hoài niệm về Stalin liên tục chống lại báo cáo này ».
Năm 2011, học giả Hoa Kỳ Grover Furr ra một cuốn sách mang tựa đề « "Khrushchev Lied/Khrushchev nói dối ». Sách được dịch qua tiếng Pháp năm 2014. Cuốn sách được giới thiệu là đã mang lại nhiều bằng chứng về tính bịa đặt của một văn bản được nhiều người đánh giá là thuộc hàng quan trọng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Còn theo nhà sử học Pháp Pierre Merlet, một chuyên gia khác về chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, báo cáo Khrushchev đã chấm dứt thời kỳ Staline, nhưng không chấm dứt "nền độc tài của chủ nghĩa quan liêu cộng sản", giới cầm quyền cộng sản chính là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ bản báo cáo này (theo trang mạng Đấu tranh công nhân của phong trào Đệ Tứ Trotski) (chú thích 3).
---
(1) Nhà sử học Stéphane Courtois, tác giả bài viết, là giám đốc nghiên cứu danh dự của CNRS (Trung Tâm Khoa Học Quốc Gia Pháp). Ông từng phụ trách tác phẩm tập thể « Le livre noir du communisme/Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản » (1971). Tác phẩm mới nhất của ông là « Communisme 2015. La guerre des mémoires/Chủ nghĩa cộng sản 2015. Cuộc chiến của các hồi ức ». 
(2) Ông Jean-Jacques Marie cũng là tác giả cuốn "Beria. Đao phủ chính trị của Stalin", 2013. 
(3) Nhà sử học Pháp Pierre Merlet là tác giả bộ sách "L’Opposition communiste en URSS/Đối lập cộng sản thời Liên Xô", 2013.
 

 ........../.