Báo cáo Khrushchev bảo vệ chế độ toàn trị Xô Viết





http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160229-bao-cao-khrushchev-bao-ve-che-do-toan-tri-xo-viet?ns_campaign=reseaux_sociaux&ns_source=FB&ns_mchannel=social&ns_linkname=editorial&aef_campaign_ref=partage_aef&aef_campaign_date=2016-02-29&dlvrit=1068988





Khrushchev (trái) và Stalin năm 1936.Ảnh : Wikipédia





Cách nay 60 năm, lãnh đạo Liên Xô vào thời kỳ đó, ông Khrushchev, đã công bố một bản báo cáo lên án lãnh đạo tiền nhiệm Stalin, như là một đao phủ, gây bao thảm họa tại Liên Xô. Bản báo cáo được công bố đúng ngày cuối cùng của Đại hội XX đảng này, thời điểm mà nhiều đoàn lãnh đạo các nước cộng sản Đông Âu hay Trung Quốc, Việt Nam đang có mặt tại thủ đô nước Nga. Báo cáo được coi là đã dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản toàn trị, tuy nhiên, ngày càng nhiều có nghiên cứu cho thấy ban lãnh đạo Khrushchev đã sử dụng văn bản này để chia tay an toàn với thời kỳ Stalin, với mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn vị thế lãnh đạo của giới cầm quyền cộng sản.

Trước hết xin giới thiệu bài « Bản báo cáo Khrushchev làm rung chuyển thế giới cộng sản cách nay 60 năm » của nhà sử học Pháp Stéphan Courtois, một chuyên gia hàng đầu về chế độ Xô Viết. Bài được đăng tải trên tờ Le Figaro, ngày 24/02/2016 (mục Débats) (chú thích 1).

Báo cáo làm rung chuyển khối cộng sản
« Sáng ngày 25 tháng Hai 1956, vào lúc Đại hội XX của đảng Cộng Sản Liên Xô họp được 10 ngày, một phiên họp bất thường cuối cùng được triệu tập, trong đó toàn bộ các đoàn đảng cộng sản nước ngoài không được mời. Đây là đại hội đầu tiên của đảng Cộng Sản Liên Xô sau khi Stalin chết. Không ai cảm thấy một cơn sấm sét sắp ập xuống làm rung chuyển toàn bộ thế giới cộng sản, cho đến tận nền móng. Tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô Khrushchev lên diễn đàn, đọc một diễn văn phá hủy một cách có hệ thống – và nhìn chung theo một cách thức mang tính biếm họa - Stalin, biểu tượng sùng kính được cho là bất khả xâm phạm của tất cả những người cộng sản cho tới lúc đó.
Trước sự sững sờ của 1436 đại biểu, Khrushchev đã lên án Stalin hoàn toàn là một người cộng sản xấu kể từ năm 1935 : một thủ lĩnh quân sự tồi trong Thế chiến 2, mà ở Liên Xô được gọi là ‘‘Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại’’, một người khuyến khích nạn ‘‘sùng bái cá nhân’’ và người chịu trách nhiệm ‘‘về những sự đồi bại thậm tệ, không ngừng nghiêm trọng hơn, xâm phạm các nguyên tắc của đảng, nền dân chủ của đảng và nền công lý xã hội chủ nghĩa’’. Stalin bị buộc tội đã truy bức ''những người cộng sản chân chính'' - trong đó chỉ một vài tên tuổi được nêu lên – và đầy ải rất nhiều cộng đồng dân cư. Khrushchev đã tách rời Lênin khỏi Stalin, hai biểu tượng cho đến lúc đó không thể phân ly. Tổng bí thư Liên Xô đối lập Stalin xấu xa với hình tượng Lênin vĩ đại, một người cộng sản toàn vẹn, tôn trọng các đồng chí và tập thể lãnh đạo, một người chỉ sử dụng biện pháp đàn áp một cách thận trọng.

Trong một thời gian dài người ta đã cho rằng báo cáo này là một sáng kiến cá nhân của Khrushchev. Tuy nhiên, các tài liệu lưu trữ được công bố sau khi Liên Xô sụp đổ cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác, và đưa ra ánh sáng ban ngày sự giả trá và thái độ vô liêm sỉ của toàn bộ ban lãnh đạo Xô Viết.
Sau cái chết của Stalin năm 1953, lệnh ân xá do Beria (trùm an ninh của chế độ - người viết) ban bố đã giải phóng hàng loạt tù nhân. Trong số đó có hàng nghìn đảng viên. Chính những người này đã đòi hỏi phải được phục hồi. Dưới áp lực, tổng bí thư Khrushchev đã phải thiếp lập một tổng kết về số lượng các bản án được các tòa án đặc biệt đưa ra trong thời kỳ từ 1935 đến 1950. Thực trạng này cho thấy khá rõ tình trạng xã hội bị tội phạm hóa dưới chế độ toàn trị Xô Viết.
Họp lại vào ngày 9 tháng Hai 1956, Bộ Chính Trị với đa số thành viên là phụ tá trung thành của Stalin, đã ra quyết định. Bởi lo sợ, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Liên Xô đã một mặt che giấu đại đa số các tội ác của chế độ, mặt khác đã miễn tội cho toàn bộ giới cầm quyền và toàn bộ chế độ Xô Viết khỏi ba thập niên do Stalin lãnh đạo, và cuối cùng đã tái hợp thức hóa toàn bộ hệ thống Xô Viết nhờ hình tượng Lênin, được tôn vinh là ‘‘người cộng sản thuần khiết’’, trong lúc trên thực tế, chính Lênin là người đã sáng tạo ra chế độ này, và đã thiết lập nên tất cả các cơ sở cho chế độ khủng bố và toàn trị, trong thời gian giữa 1917 – 1923.
Như vậy là, Khrushchev và Bộ Chính Trị sẽ để lại trong bóng tối hàng triệu tội ác phạm phải trong thời kỳ nội chiến, dưới sự lãnh đạo của Lênin, rồi trong thời điểm khởi động kế hoạch 5 năm năm 1928, và đặc biệt là thời kỳ tập thể hóa tại nông thôn trong những năm 1929-1933, với việc tạo ra hệ thống trại cải tạo Gulag năm 1930, việc hành quyết hàng chục nghìn ‘‘địa chủ’’ (kulak), đày đi gulak hàng triệu người khác, và đặc biệt là nạn đói được cố tình gây ra chống lại nông dân và phong trào dân tộc Ukraina, với hệ quả là ít nhất 4 triệu người chết đói.
Một sự kiện cơ bản là bản báo cáo của Khrushchev chỉ nêu ra các nạn nhân thuộc đảng Cộng Sản Liên Xô, và nhấn chìm trong im lặng tuyệt đối sự đàn áp tàn bạo nhắm vào toàn bộ xã hội. Bản thân thực trạng Gulag, cũng như cuộc Đại Khủng Bố 1937-1938 với hơn 700 nghìn người bị sát hại, 700 người bị đày ải, đã không được nêu ra trong báo cáo. Như vậy ông Khrushchev đã áp đặt trên thực tế một sự ân xá đối với các lãnh đạo Liên Xô đương nhiệm và buộc xã hội phải quên đi một phần các tội ác của chế độ Xô Viết.
Thủ đoạn này không phải là mới : vào mùa thu năm 1794, tại Pháp, Hội nghị Quốc Ước đã chỉ định Carrier, đao phủ thành phố Nantes, làm con dê tế thần, đã tổ chức phiên toà xét xử và hành quyết người này, để cho phép tự tẩy rửa khỏi các tội ác của thời kỳ Khủng Bố và cho phép nhiều thủ phạm khủng bố khác – như Fouché – được tiếp tục thăng tiến về chính trị một cách ngoạn mục.
Năm 1956, ban lãnh đạo Liên Xô, được các chế độ cộng sản thời đó làm theo, cũng chỉ định Stalin làm dê tế thần, để xua đuổi những âm hồn của gần 40 năm tràn ngập tội ác và cho phép giới lãnh đạo Liên Xô và nhiều nước cộng sản khác có thể bình yên thụ hưởng mọi đặc quyền đặc lợi.
Tuy nhiên, cho dù, được coi là ‘‘bí mật’’ và chỉ được giành riêng cho những đảng viên cộng sản Liên Xô và lãnh đạo ‘‘các đảng anh em’’, bản báo cáo ngay lập tức đã được báo chí ‘‘tư sản’’ của các nước phương Tây công bố. Báo cáo này đã mang lại một cơn chấn động sâu xa trong thế giới cộng sản, nơi đại nguyên soái Staline được coi là người không thể mắc sai lầm. Kể từ đó, con sâu nghi ngờ đã được đưa cấy vào trái quả ý thức hệ : người ta tự hỏi, làm thế nào làm chủ nghĩa Mác-Lênin lại có thể sản sinh ra các tội ác khủng khiếp như vậy ?
Tổng bí thư đảng Cộng Sản Pháp Maurice Thorez, người từng biết đến ‘‘báo cáo bí mật’’ vốn im lặng, đã buộc phải nhắc đến báo cáo ‘‘được cho là của đồng chí Khrushchev. Tại các chế độ ‘‘dân chủ nhân dân’’ (ở Đông Âu, tức các chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo), bùng lên một loạt phong trào nổi dậy chống các nhà lãnh đạo mà Stalin đưa lên nắm quyền từ năm 1945.
Làn sóng nổi loạn này đã dẫn đến cuộc cách mạng mùa xuân năm 1956 tại Hungary, rồi mùa xuân Tiệp Khắc 1968. Sẽ không còn gì còn nguyên vẹn như trước đó ở thiên đường của thế giới cộng sản.
Rốt cuộc, 60 năm sau, ‘‘báo cáo bí mật’’ của Khrushchev vẫn còn là một vấn đề chính trị, một vấn đề mang tính lịch sử - hồi ức. Một mặt, người tuyên truyền cho phe Troski sử dụng nó để bảo tồn sự khác biệt giữa Lênin và Stalin, và để cố gắng bảo vệ học thuyết cộng sản khỏi thực tế toàn trị của nó, nhưng không có kết quả. Mặt khác, tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Lênin đã ‘‘đặt trái bom nguyên tử dưới tòa nhà nước Nga’’, với việc tạo ra vào năm 1922 một Liên Bang Xô Viết, mà Hiến pháp cho phép mỗi nước cộng hòa rời khỏi Liên Xô, ít nhất trên giấy tờ. Điều này đã trở thành hiện thực vào năm 1991. Về mặt này, Putin đã khôi phục Stalin, ‘‘nhà quản lý vĩ đại’’ đã tái lập và duy trì nước Nga đế chế, bao gồm cả vùng Kavkaz và Ukraina.
Hồn ma của Lênin và Stalin, những người sáng lập của chế độ toàn trị đầu tiên, tiếp tục ngự trị tại những hành lang của điện Kremlin, và trong giới cực tả Pháp ».
Đã 60 năm trôi qua, báo cáo của Khrushchev tiếp tục được giới nghiên cứu quan tâm.
Bản dịch « Báo cáo bí mật » lên án tội ác của Staline lần đầu tiên được xuất bản toàn bộ hồi tháng 9/2015 tại Pháp. Người dịch và giới thiệu là nhà sử học Jean-Jacques Marie, một trong các chuyên gia hàng đầu của về lịch sử Liên Xô (chú thích 2).
Khác với tác giả bài viết nói trên, dịch giả và người giới thiệu báo cáo bí mật của Khrushchev lại cho rằng « mặc dù duy trì sự thống trị của giới cầm quyền Liên Xô và giúp cho chế độ tiếp tục tồn tại, Khrushchev đã đặt một trái bom nổ chậm trong lòng chế độ. Chính vì vậy, những người kế tục trong đảng Cộng Sản và những người hoài niệm về Stalin liên tục chống lại báo cáo này ».
Năm 2011, học giả Hoa Kỳ Grover Furr ra một cuốn sách mang tựa đề « "Khrushchev Lied/Khrushchev nói dối ». Sách được dịch qua tiếng Pháp năm 2014. Cuốn sách được giới thiệu là đã mang lại nhiều bằng chứng về tính bịa đặt của một văn bản được nhiều người đánh giá là thuộc hàng quan trọng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Còn theo nhà sử học Pháp Pierre Merlet, một chuyên gia khác về chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, báo cáo Khrushchev đã chấm dứt thời kỳ Staline, nhưng không chấm dứt "nền độc tài của chủ nghĩa quan liêu cộng sản", giới cầm quyền cộng sản chính là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ bản báo cáo này (theo trang mạng Đấu tranh công nhân của phong trào Đệ Tứ Trotski) (chú thích 3).
---
(1) Nhà sử học Stéphane Courtois, tác giả bài viết, là giám đốc nghiên cứu danh dự của CNRS (Trung Tâm Khoa Học Quốc Gia Pháp). Ông từng phụ trách tác phẩm tập thể « Le livre noir du communisme/Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản » (1971). Tác phẩm mới nhất của ông là « Communisme 2015. La guerre des mémoires/Chủ nghĩa cộng sản 2015. Cuộc chiến của các hồi ức ». 
(2) Ông Jean-Jacques Marie cũng là tác giả cuốn "Beria. Đao phủ chính trị của Stalin", 2013. 
(3) Nhà sử học Pháp Pierre Merlet là tác giả bộ sách "L’Opposition communiste en URSS/Đối lập cộng sản thời Liên Xô", 2013.
 

 ........../.

Chế độ toàn trị Trung Quốc và Nga chưa bao giờ nguy hiểm như bây giờ



http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160227-nga-trung?ns_campaign=reseaux_sociaux&ns_source=FB&ns_mchannel=social&ns_linkname=editorial&aef_campaign_ref=partage_aef&aef_campaign_date=2016-02-27&dlvrit=1068988



Các chế độ toàn trị Trung Quốc và Nga, hiện trong thế phòng thủ sau những thất bại gần đây, chưa bao giờ lại tỏ ra nguy hiểm như thời điểm đầu năm 2016 này. Theo ghi nhận của François Hauter, nhà văn – nhà báo, nguyên chủ bút tờ Figaro, tác giả bài "Gió lạnh thổi tại Trung Quốc và Nga" (Vents glacés sur la Chine et la Russie), được báo Pháp ngữ Le Temps (tháng 2/2016) đăng tải. Sau đây là toàn văn bài dịch.

Tin xấu đầu tiên trong năm 2016: tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố là Hoa Kỳ và do vậy cả các đồng minh phương Tây của họ, là một « mối đe dọa » đối với nước Nga.

Tuyên bố hung hăng này, bất hạnh thay lại chính là đặc trưng chính sách tuyên truyền của chế độ Nga đương đại. Người đứng đầu điện Kremlin giải thích với 140 triệu đồng bào rằng cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hai năm vừa qua, các trừng phạt của phương Tây hay thậm chí những bất hạnh của của nước Nga, tất cả đều do Hoa Kỳ gây ra. Những hiện tượng kể trên chẳng liên quan gì đến việc giá khí đốt và dầu lửa sụt giảm, bạn bè, người thân của nguyên thủ Nga vơ vét tài sản của Nhà nước hay việc ông Putin đã đưa nước Nga vào tình trạng bị cô lập…
Chủ nghĩa dân tộc hung hãn
Cơn gió độc dân tộc chủ nghĩa hung hãn này không chỉ thổi qua đất nước Nga, mà thậm chí cả ở Trung Quốc. Nước này tự khép mình như một con hàu trước những ảnh hưởng từ bên ngoài. Có vẻ như từ đầu năm 2016, sau khi cùng nhau phô trương sức mạnh cơ bắp của mình, cả hai chế độ toàn trị lớn nhất trên thế giới đều có nhu cầu khẩn trương « sáng tạo » ra các kẻ thù, để tự cứu chính mình. Kinh tế của hai quốc gia này đều đang lung lay và chính quyền của hai nước, hiện trong thế phòng thủ, đều tỏ ra hung hăng một cách nguy hiểm.

Vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, triết gia Trung Quốc Mạnh Tử (Mencius) từng giải thích rằng chính quyền chỉ như chiếc thuyền mỏng manh trên mặt biển. Biển ở đây là dân chúng. Một khi biển dậy sóng - tức là khi dân chúng bất mãn, thì giới chức quyền nên tự rút lui hoặc phải tìm ra thủ phạm.
Sự rồ dại của chính sách tập thể hóa
Khi nhận thấy các vụ mùa bị thất thu nghiêm trọng do chính sách tập thể hóa điên rồ, Stalin đã ra lệnh xử bắn các nhà khí tượng học. Putin thì tân tiến hơn : các đối thủ của ông nếu không bị đưa vào các trại tâm thần thì cũng bị ám sát một cách bí ẩn ở Luân Đôn và Matxcơva. Như vậy, chỉ còn có Putin là người duy nhất được nói tại Nga. Khi chính sách của Mao Trạch Đông đã làm cho Trung Quốc rơi vào nạn đói và đẩy đảng Cộng Sản đến bờ vực tan vỡ, thì ông ta tấn công Khổng Tử bằng cuộc « Cách Mạng Văn Hóa ». Tập Cận Bình tỏ ra tân tiến hơn khi núp sau cái bóng của Khổng Tử để ngăn chặn những « ảnh hưởng tiêu cực » từ bên ngoài vào.
Tại Trung Quốc, giai đoạn chấm dứt thời kỳ « 30 năm vinh quang » này đầy nguy hiểm. Vì không còn tỷ lệ tăng trưởng GDP 10% hàng năm để bảo đảm tạo công ăn việc làm đầy đủ, Trung Quốc sẽ còn có thể phá giá đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, nhưng chính sách này cũng có giới hạn của nó. Mặc dù hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo, nhưng công lý vẫn chỉ là công lý của một đảng duy nhất, nền kinh tế còn ở giai đoạn chủ nghĩa tư bản sơ khai, môi trường bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, giá nhân công không còn sức cạnh tranh nữa, bất động sản hụt hơi, các cơ sở hạ tầng lớn đã được xây dựng, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và thị trường chứng khoán thì như một sòng bài khổng lồ.
Năm 2001, có 100 ngàn vụ biểu tình phản đối, thì đến năm 2014, đã có 800 ngàn vụ. Ngân sách dành cho lực lượng an ninh nội địa cao gấp hai lần ngân sách quân sự. « Giấc mơ Trung Hoa » về một sự « phát triển hài hòa », như ông Tập từng hứa, nay gây ra vô số nạn nhân ung thư phổi. Mọi tự do tư tưởng đều bị vùi dập. Núp sau vẻ ngoài của sự hiện đại hóa, đảng Cộng Sản Trung Quốc đóng cửa đất nước để chống lại những tư tưởng bên ngoài. Điều này minh chứng cho trạng thái căng thẳng và dễ bị thương tổn của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Sự sụp đổ của đồng rúp
Nền kinh tế Nga không tốt đẹp hơn. Ngoài Matxcơva và Saint-Peterburg, thu nhập trung bình của một nhân công là 300 đô la/tháng. Mức lương này thậm chí còn giảm 10% trong năm 2015. Đồng rúp bị mất giá (đã qua rồi các thời dân Nga được hưởng những kì nghỉ giá rẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Thái Lan), một chiếc điện thoại có giá bằng 2-3 tháng lương, giá thực phẩm tăng vọt và giới doanh nhân thì phàn nàn vì không còn thị trường xuất khẩu.
Tham nhũng ở Nga thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở Nigeria. Theo phân tích của Karen Dawisha (tác giả cuốn « Chế độ đạo tặc của Putin, ai sở hữu nước Nga », Simon và Schulster, 2014), các tài nguồn năng lượng của nước này (trị giá 1,6 nghìn tỷ đô la trong giai đoạn 2000 – 2011) đã bị đánh cắp. Không có một đường cao tốc nào giữa các thành phố lớn được xây dựng trong giai đoạn này. Với nước Nga, tự cung tự cấp lương thực chỉ là một huyền thoại, bởi vì không thể thực hiện cung ứng liên vùng mà không có cơ sở hạ tầng.
Không ai vui mừng về tình hình thê thảm này vì chúng mang mầm mống của khủng hoảng, thậm chí những cuộc xung đột trong tương lai. Những chế độ toàn trị chưa bao giờ sụp đổ mà lại không tái diễn và làm trầm trọng thêm những hậu quả mà chúng đã gây ra trước đó.
Những cuộc chiến nhỏ của triều đại đỏ
Tại Bắc Kinh, cho đến lúc này, triều đại đỏ đã tránh thoát được khủng hoảng bằng cách tiến hành các cuộc chiến tranh nhỏ chống lại các nước láng giềng, có nghĩa là tìm cách tập hợp người dân để chống lại những « mối đe dọa bên ngoài », như đến từ Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam. Việc Trung Quốc sáp nhập các vùng biển của Brunei, Việt Nam, Philippin hay Malaysia, bằng cách xây bồi các đảo nhân tạo là điềm báo trước xẩy ra các xung đột trong tương lai tại Biển Đông. Đằng sau Nhật Bản và Việt Nam, tất cả các cường quốc khu vực đều đang trong tình trạng chuẩn bị.
Tại Mátxcơva, Putin cũng dùng những thủ đoạn tương tự với các hoạt động tại Ukraina. Tại Syria, vì đã trang bị vũ khí cho chế độ Assad từ nhiều năm nay, rõ ràng ông Putin phải là người chịu trách nhiệm chính về các vụ thảm sát ở nước này. Những toan tính chia rẽ phương Tây thông qua việc liên kết với những lực lượng chính trị mị dân của phương Tây, từ Donald Trump đến các chính trị gia dân túy châu Âu, chỉ đánh lừa được những kẻ ngu ngốc.
Chế độ toàn trị tại Trung Quốc và Nga, trong tư thế phòng thủ sau những thất bại, lại càng tỏ ra nguy hiểm hơn vào đầu năm 2016 này.
Chẳng có gì tốt đẹp để mong đợi từ các chế độ này : bởi vì chính nền dân chủ đe dọa các thể chế toàn trị và các chế độ toàn trị chống lại nền dân chủ. Họ thù ghét lối sống của chúng ta.


....../.

GS. TSKH. HỒ NGỌC ĐẠI VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ.




GS. TSKH. HỒ NGỌC ĐẠI VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ.


Lê Thọ Bình



[trích ...]  

GS Hồ Ngọc Đại đã giải thích một cách đơn giản, rằng CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC của ông được xây dựng trên 3 nguyên tắc:
Ai cũng học được.
Học gì được nấy.
Học đâu chắc đó.
Do vậy giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được. Nếu học theo cách của ông thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu.
[...]
“Phải nói thật là lý thuyết của tôi đã đảo ngược lại toàn bộ nền giáo dục của nước ta. Ví dụ, tôi đề ra các nguyên tắc:
*học trò là trung tâm chứ không phải là thầy giáo
*học là chơi chứ không phải là quá trình vật lộn đau khổ
*học không có thi cử, không có chấm điểm ..”
GDVN: phải thay đổi toàn diện
Nếu so với thế giới, nền giáo dục của chúng ta quá lạc hậu. Vào thời điểm này từ cuộc sống, tất cả các ngành, các nghề của con người và xã hội đã biến đổi rất lớn so với cách đây 15-20 năm, nhưng nghiệp vụ sư phạm của chúng ta thì từ nửa thế kỷ nay không thay đổi gì cả. Thậm chí còn tệ hại hơn trước vì trước là thầy giảng, trò ghi nhớ nhưng bây giờ là thầy đọc, trò chép.
Tôi thấy đau xót vì không ai nhìn thẳng vào sự thật.
Có thể nói thành lời, nhưng không ai cảm thấy rằng trẻ con là máu thịt của mình, không ai cảm thấy đứa con đau khổ chính là mình đau khổ. Và không thấy được sự tối ưu của mỗi giai đoạn khác nhau. Hiện nay từ lớp mẫu giáo cho đến các bậc tiến sĩ dạy đều có phương pháp dạy giống như nhau”.
[...]
Nền giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào?
Phải thay đổi toàn bộ, thay đổi về nội dung, phương pháp, thể chế tổ chức, các quan hệ trong nhà trường và quan hệ xã hội. Lớp học ngày xưa là “nhà thờ” nhưng lớp học hiện đại phải là “cuộc sống”, giáo viên giao việc, học sinh làm.
Điều quan trọng nhất là phải tập trung vào giải quyết 2 bậc Tiểu học và Đại học. Và phải làm mới hoàn toàn.
Thứ nhất, bậc tiểu học có 2 đặc điểm cơ bản, học sinh tiểu học còn nhỏ, còn bố mẹ, ông bà nội ngoại, còn họ hàng... có cả chục người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu học sinh lớp 1 chúng hạnh phúc thì cả chục người đó hạnh phúc. Nếu giáo dục nhà trường tốt thì gia đình dễ yên ấm, xã hội dễ yên lành.
Thứ hai, hệ thống giáo dục phổ thông nên là 11 năm, trong đó có 6 năm dành cho bậc tiểu học, 3 năm cho trung học cơ sở và 2 năm cho trung học phổ thông.
Vì sao bậc tiểu học lại dành tới 6 năm? Vì giữ trẻ 12 năm (6 tuổi bắt đầu đi học + 6 năm tiểu học) trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn thả trẻ sớm 1 năm, nghĩa là 11 năm như hiện nay.
Còn 3 năm trung học cơ sở bởi vì chỉ cần bổ sung vào tiểu học một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến, chiếm tuyệt đại đa số trong nền sản xuất hiện nay. Và chỉ cần học thêm 2 năm PTTH cho những ai muốn học lên cao nữa hay vào Đại học, Cao đẳng hay chuyển sang học nghề vì với sự phát triển tâm lý xã hội hiện đại, học phổ thông kéo dài đến 18 tuổi là thừa, tốn kém."
Còn bậc đại học thì sao?
Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận.
Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở "tiêu thụ nội địa" là một bằng đại học "trâu ta ăn cỏ đồng ta", chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi”
“Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp dạy cho trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm Tổng thống nước Mỹ. Nếu không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc cống thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ.
Điều đó có nghĩa là xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có tính chuyên nghiệp gì cả”.

Lê Thọ Bình


.........../.

Vụ án Nguyễn Hữu Giộc – Mười Vân



Vụ án Nguyễn Hữu Giộc – Mười Vân
_________________

Hoàng Đức Tâm




Vụ án Nguyễn Hữu Giộc – Mười Vân – Nguyên GĐ Công an Đồng Nai bị tử hình gây chấn động dư luận một thời với những tình tiết đặc biệt nghiêm trọng trong những năm đầu giải phóng miền Nam. Vì sao Mười Vân phải nhận án tử hình ? Câu hỏi đơn giản này đặt ra trong giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước không phải ai cũng biết tường tận sự việc.

Về gia thế, Nguyễn Hữu Giộc là con ông Chín Nài (Nguyễn Văn Nài) nhà ở gần sông Rạch Chanh, ấp Long Kim, xã Long Định, Cần Đước, Long An. Ông Chín Nài nhà có mấy mẫu ruộng và làm nghề buôn chuyến trên sông chở các loại chiếu dệt ở vùng Long Định ngược theo sông Vàm Cỏ lên Gò Dầu, Trảng Bàng, Tây Ninh để bán và mua hàng nông sản chở về.

Năm 1948, Mười Giộc gia nhập vào công an xã Long Định thuộc tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Thời kỳ 1948-1949 huyện Cần Đước tình hình khó khăn, phức tạp. Các cơ quan lãnh đạo của huyện phải chia thành hai khu: khu A đóng tại kinh Bo Bo huyện Thủ Thừa – Tân An. Khu B đóng tại Lý Nhơn – rừng Sác, Nhà Bè. Trưởng công an huyện Trương Văn Tư phụ trách khu A, còn Mười Giộc làm phó phụ trách khu B. Chính trong thời kỳ này, Mười Giộc đã làm mưa làm gió giết hại rất nhiều  người trong đó có lãnh đạo huyện đội trưởng và vu cáo vào tội theo“Đại Việt quốc dân đảng” mà Tư và Mười Giộc lập thành tích phá án.

Khoảng năm 1951, Tư Thắng làm Phó ty Công an Bà Rịa- Chợ Lớn phát hiện ra việc oan sai tày đình mà Mười Giộc gây ra mấy năm trước khiến nhiều người dân kháng chiến và cán bộ chết oan uổng.

Năm 1954, Mười Giộc lên đường tập kết ra Bắc được cử làm Phó phòng CS trị an Ty Công an Hòa Bình. Trong một lần đi săn bắn, Mười Giộc nổ súng bắn chết đồng chí Trưởng phòng. Sau đó vợ người này làm đơn bãi nại cho Giộc vì chỉ là bắn nhầm. Thoát khỏi tội danh “ngộ sát” nên năm 1962 Mười Giộc được bố trí về miền Nam chiến đấu. Đến đây thì mọi người mới ‘vỡ lẽ” ra, “đồng chí” Giộc có quan hệ bất chính với vợ Trưởng phòng, thậm chí có con chung.

Nhưng thời chiến tranh, không phải việc gì cũng được điều tra tường tận, tất cả tập trung cho tiền tuyến, tập trung cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và giải phóng miền Nam.

Sau năm 1975, Mười Giộc được cử làm giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Với bản chất nham hiểm và độc ác, Mười Giộc dùng nhiều thủ đoạn để triệt hạ và hãm hại đồng chí, đồng đội. Giộc cho thả tên Nguyễn Văn Sang là cảnh sát đặc biệt Miền Đông đang giam giữ tại trại giam Tam Hiệp, đặt cho bí số H.20 khống chế tên này khai khống, lập hồ sơ giả tố cáo đồng chí Năm Trang – Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Biên Hòa và đồng chí Ba Lan – Tỉnh ủy viên, Bí thư thành ủy Vũng Tàu là người của CIA cài lại. Vụ việc này khiến Tư Thắng day dứt rất nhiều năm.

Chuyện là khi giải thể Khu ủy, An ninh Miền Đông, Tư Thắng đề nghị bố trí đồng chí Tư Nam (Anh hùng Đặng Công Hậu đã nghĩ hưu) thay thế chức giám đốc Công an.

Nhưng khi về Ban An ninh miền Nam, Tư Thắng lại nghe tin Mười Giộc làm giám đốc, còn Tư Nam làm phó. Mười Giộc tung hỏa mù báo cáo láo với lãnh đạo tỉnh, trung ương và bắt hai đồng chí Bí thư thành ủy là những cán bộ kiên trung hạ ngục tra tấn, bức cung rất dã man. Dã man hơn cả cầm thú, chúng bỏ đói đồng chí Ba Lan, dùng phân trộn với bo bo bắt ăn…

Tiếp theo là hàng loạt cán bộ khác không cùng ekip với Giộc lần lượt bị bắt bỏ tù mà không biết lý do gì. Thậm chí có nữ đồng chí bị Giộc hãm hiếp trong tù như bọn chúa ngục trước đây. Có một lần, ông Trương Văn Tư từng là cấp trên Mười Giộc lúc còn ở Cần Đước, sau này là Chi cục phó Chi cục Thống kê TPHCM quá bức xúc trước hành vi tàn bạo mất nhân tính của Giộc đã đến nhà Tư Thắng thú tội ngày trước nghe lời Giộc giết oan nhiều người và xin Tư Thắng nhanh chóng nghĩ ra cách nào đó tác động đến tỉnh ủy Đồng Nai ngăn chặn tội ác của Giộc gây ra…

Nhưng có ai ngờ, ông  Năm Chữ – Bí thư Đồng Nai lại quá mù mờ cả tin Giộc nên nói với đồng chí Trần Bạch Đằng rằng : “Mười Giộc nó là thằng tốt. Tại Tư Thắng thành kiến với Giộc”.

Được bí thư tỉnh ủy dung túng và quyền lực một tay che trời, Giộc ngang nhiên “cặp bồ” với ả hồ ly Trần Kim Anh (Kim Anh Cyrnos) là vợ bé của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị lực lượng an ninh miền Đông bắt giam cải tạo. Không chỉ phóng thích hồ ly Cyrnos Kim Anh, Mười Giộc còn công khai quan hệ với ả này với âm mưu khủng khiếp. Bố trí cho Kim Anh vượt biên sang Mỹ gầy dựng cơ nghiệp. Mặt khác, trong hai năm 1978-1979, Giộc câu kết với ả nhân tình gián điệp Kim Anh tổ chức hàng chục chuyến tàu vượt biên mua bãi, chung chi đầy đủ tại Hồ Cốc, Bình Châu, Lộc An thu cả nửa tấn vàng chuyển cho Kim Anh xây tổ ấm chờ ngày đoàn tụ.

Nhưng thói đời thường tình xưa nay, những kẻ gieo ác luôn gặt tai họa và vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Khi bọn đàn em trong và ngoài tù của Kim Anh kẹt lại Việt Nam được Giộc tạo điều kiện thuận lợi nhất vượt biên an toàn, được tin tưởng Kim Anh giao vàng bạc sang trước, ả bắt đầu lật mặt nạ Giộc ra trước Trung ương. Nghe đâu là ả viết thư gởi lãnh đạo Trung ương kèm theo đầy đủ hình ảnh, băng ghi âm tổ chức vượt biên, thu nhận vàng tiền đóng bãi xuất bến và ăn nằm du hý với vợ bé Tổng thống Thiệu…Ả còn điêu ngoa cảm ơn cách mạng đã đào tạo ra những người như Mười Giộc “hết mình giúp đỡ’ cho bọn phản động vượt biên an toàn.


Năm 1983, vụ án Mười Giộc bị Trung ương chỉ đạo phá án.
Bộ trưởng Phạm Hùng đích thân ký lệnh bắt Mười Giộc. Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Nguyễn Phước Tân hồi hộp cầm lệnh tiến đến nhà Tư Thắng bàn bạc phương án bắt gọn Giộc.

Theo kế hoạch, sau khi Giộc bàn giao chức giám đốc công an, chắc chắn sẽ về nhà người yêu là cô Nga (vợ Sơn Tiêu) ở 17 Phan Kế Bính, quận 1, TPHCM. Nửa đêm bố trí cảnh sát khu vực và Công an quận 1 đến kiểm tra và bắt tại chỗ. Từng là cấp trên của Mười Giộc nhiều thời kỳ và hiểu mức độ tinh ranh, quỷ quyệt của Giộc nên Tư Thắng bàn: “Kế hoạch này sẽ có 2 khả năng cản trở : Giộc là một tên cáo già, khi ngủ tại nhà người yêu nửa đêm bị kiểm tra y sẽ tìm cách lẩn trốn bằng mọi cách và sinh nghi. Hơn nữa, Giộc cùng đường sẽ kháng cự để tẩu thoát vì hắn có súng và rất khôn ngoan, không thể đổ máu vô ích”.

Tư Thắng cho rằng, muốn bắt Giộc phải hết sức bí mật, bất ngờ trở tay không kịp. Bố trí trinh sát hình sự giỏi võ theo từ cơ quan về nhà, dừng xe nơi đèn đỏ bất ngờ kiểm tra đọc lệnh và bắt. Hoặc sắp đặt cho lãnh đạo trên mời lên làm việc  sau đó trinh sát ngoại tuyến bất ngờ ra tay.

Ngày tàn của bạo chúa Mười Giộc đã đến…Theo giấy mời làm việc của UB Kiểm tra Trung ương tại nhà khách T78, Giộc rất tinh khôn tìm đến trước 2 ngày, nhưng đồng chí phụ trách trả lời bận việc không thể tiếp và hẹn đúng như trong thư. Qủa nhiên kế hoạch bắt Giộc diễn ra rất êm ái và bài bản trong khuôn viên nhà khách T78 khi tra tay vào còng số 8, khuôn mặt ương bướng và nham hiểm của Giộc vẫn không chút thay đổi hay biến sắc.

Ngồi trong trại biệt giam, Giộc vẫn còn nghĩ ra quỷ kế để hại người theo một kịch bản dàn dựng sẵn. Giộc khai : Mỗi lần tên thiếu tá Trần Hùng vào chiến khu D đi săn đều ghé nhà H.20 (chỉ tên Nguyễn Văn Sang) thực ra là tìm căn cứ khu ủy miền Đông và Trung ương Cục để chỉ điểm cho Mỹ ném bom hủy diệt. Giộc khai tên Hùng thường ngủ nhà tên Sang có tiết lộ, ngoài việc tìm mục tiêu trên, còn tìm cách liên hệ với cơ sở mật của tình báo Hùng là ông Huỳnh Việt Thắng…

Cán bộ an ninh trực tiếp hỏi cung và đối chất với tên Sang (H.20) nhận diện ảnh Trần Hùng cũng không biết, hỏi tên Tư Thắng, Việt Thắng, Mười Qùy cũng không biết. Giộc tưởng mình khôn ngoan hơn tất cả vì nghĩ rằng tên Sang H.20 đã vượt biên không ngờ vẫn còn trong trại giam.

Phiên tòa sơ chung thẩm xét xử Mười Giộc tại hội trường lớn tỉnh Đồng Nai là một phiên tòa lịch sử của ngành tòa án Việt Nam do Phó Chánh tòa phúc thẩm tối cao Phạm Như Phấn làm chủ tọa, Tư Thắng đứng sau rèm chỉ huy.

Trước Tòa, Giộc vẫn ngoan cố nói: Chỉ khi nào giải phóng khỏi nước Mỹ, lấy hồ sơ Năm Trang, Ba Lan xem mới thấy họ làm cho CIA.

Liên quan đến Nguyễn Văn Sang (H20), Tòa đưa lên công đường, Giộc tái méc không còn hột máu trên mặt. Sang khai bị Giộc bắt đánh đập ép cung nhiều lần, ép khai hồ sơ giả mới để yên cho vợ và 8 người con nhỏ dại. Nếu nghe lời, vợ con được sống sung sướng, được cấp xe hơi cho chạy, nếu cãi lời sẽ giam và giết hết. Lời khai của Sang đã khiến Giộc ngã quỵ không nói một lời nào thêm.

Sau 3 ngày xét xử, Tòa tuyên án Tử hình Nguyễn Hữu Giộc và Vũ Cao Thanh.

Vụ án kết thúc trong niềm vui khôn tả của hàng ngàn người dân, đặc biệt là những người từng phải chết oan, tù tội và nhục hình do Mười Giộc gây ra. Kẻ ác phải đền tội.



......./.

Không chỉ là đổi thay




Không chỉ là đổi thay

 NGỌC VIỆT



http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Quyen-luc-thuoc-ve-dan-post165470.gd



 Nhân dân là chủ thể của lịch sử dân tộc, họ viết nên những trang sử oai hùng hay đau thương cũng đều rất công bằng với thực tế.

Truyền thông quốc tế ngày 1/2 đưa tin, Quốc hội mới của Myanmar được bầu ngày 8/11/2015 đã nhóm họp lần đầu tại thủ đô Naypyidaw hôm qua. Đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua tại đất nước này có một Quốc hội được dân bầu và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của lãnh tụ Aung San Suu Kyi chiếm đa số ghế tại cơ quan lập pháp Myanmar.
Nền chính trị tại Myanmar đã đổi thay theo nguyên tắc dân chủ, quyền lực đã thuộc về những người được nhân dân Myanmar lựa chọn để trao gửi niềm tin và khát vọng của họ. Đất nước Myanmar đã thật sự chuyển mình sau chiến thắng lịch sử của NLD trong một cuộc bầu cử tự do.
Dư luận thế giới hướng về Myanmar với những kỳ vọng tích cực và hy vọng yên bình ở nơi mà chế độ quân phiệt được thay thế bằng nền dân chủ một cách hòa bình với đầy những nghĩa cử nhân văn. Nơi mà lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia được tôn trọng và là nền tảng cho mọi quyết định đổi thay.

Lãnh tụ NLD Aung San Suu Kyi tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới Myanmar. Ảnh: EPA.


Nghị sĩ Nyein Thit thuộc NLD đã nói với hãng tin AFP rằng: “Chúng tôi sẽ làm việc để có được nhân quyền và dân chủ cũng như hòa bình cho đất nước chúng tôi".
Với phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới sau bầu cử, người ta nhìn thấy những giá trị của nền dân chủ được nuôi dưỡng dưới chính quyền của Tổng thống Thein Sein đã được đảm bảo và trở thành nguyên tắc nền tảng cho mọi sinh hoạt chính trị tại Myanmar.
Tuy nhiên, theo người viết thì những gì diễn ra trên đất nước Myanmar có ý nghĩa không chỉ là một sự đổi thay chính trị - xã hội tại đất nước này.
Chiến thắng của nền dân chủ trước chế độ quân phiệt tại Myanmar còn là sự khẳng định những nguyên lý, nguyên tắc mà con người phát hiện ra, xây dựng nên làm nền tảng cho mọi họat động chính trị nhưng đã bị xóa nhòa ở nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Myanmar dưới chính quyền quân sự trong hơn nửa thế kỷ qua.

Quyền lực luôn thuộc về nhân dân
Những nhà chính trị học và xã hội học xây dựng nên các khái niệm của phạm trù quyền lực, đã rất khoa học và thực tế khi xác định quyền lực thuộc về nhân dân. Cho dù quyền được xác lập bởi luật pháp, lực là sức mạnh của lòng dân, nhưng thực ra nền tảng của quyền lực đều là sức mạnh của nhân dân thông qua thực thể chính trị đại diện là nhà nước.
Có nhiều học thuyết chính trị cho rằng, nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị sử dụng để cai trị những giai cấp, những tầng lớp khác – gọi chung là tầng lớp bị trị. Theo người viết, đó là những lý luận thiếu thực tiễn và không phản ánh được bản chất của nhà nước – thực thể quan trong nhất của thể chế chính trị.
Nhà nước là cơ quan quyền lực của nhân dân. Đó là nguyên lý. Nhà nước không thể ra đời hay hình thành bất cứ lúc nào, như thế nào cũng được. Theo sự phát triển của lịch sử nhân loại, khi mâu thuẫn về lợi ích của con người trong chế độ công xã nguyên thủy không tự giải quyết được thì bắt đầu hình thành nên định chế đầu tiên được trao quyền phán xét người khác.
Nghĩa là một tổ chức có quyền lực hết sức sơ khai – cơ sở đầu tiên cho sự ra đời của nhà nước sau này - đã hình thành trong buổi ban đầu của văn minh nhân loại cũng đã xuất phát từ nhân dân và chỉ được nhân dân ủy thác thực hiện quyền lực. Điều đó cho thấy nhân dân là nhân tố quyết định quyền lực hay nói cách khác quyền lực luôn thuộc về nhân dân.   

Quyền lực luôn thuộc về nhân dân. Lực lượng cầm quyền chỉ được nhân dân ủy nhiệm nắm giữ quyền lực. Hình ảnh nhân dân Myanmar ủng hộ NLD. Ảnh: Reuters.

Do vậy, không thể có nhà nước của giai cấp thống trị hay quyền lực thuộc về lực lượng nắm quyền mãi mãi. Lực lượng cầm quyền chỉ được nhân dân ủy thác nắm quyền lực trong những giai đoạn nhất định thông qua những sự ủy nhiệm –  nguyên lý ban đầu cho các cuộc bầu cử phổ thông ngày nay - khi lực lượng cầm quyền có khả năng và điều kiện sử dụng quyền lực. 
Tất cả những chế độ chính trị, những nhà nước ra đời không theo nguyên lý ấy đều không phải là nhà nước đại diện cho quyền lực của nhân dân – và đó chỉ là “cái gọi là nhà nước” mà thôi. Đó là kết quả của việc tiếm quyền, cướp quyền, dù trực tiếp bằng các cuộc bạo loạn lật đổ, đảo chính hay gián tiếp là những cuộc bầu cử mỵ dân, hình thức.
Một khi không đại diện cho quyền lực của nhân dân thì bất cứ chế độ chính trị nào, bất cứ hình thức nào của “cái gọi là nhà nước” cũng sẽ bị thay thế bằng sức mạnh của nhân dân. Còn việc điều đó diễn ra dưới hình thức nào, vào thời điểm nào sẽ phụ thuộc vào thời thế. Việc đổi thay chế độ chính trị tại Myanmar là một chứng minh rất rõ ràng cho nguyên lý ấy.
BBC ngày 1/2 dẫn lời ông Khin Maung Myint, một Nghị sĩ thuộc đảng NLD nói với AP: "Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng đảng của chúng tôi sẽ có thể được thành lập chính phủ. Ngay cả công chúng cũng không nghĩ rằng Myanmar có thể có một chính phủ của NLD. Nhưng bây giờ điều đó đã là sự thật và nó giống như một cú sốc đối với chúng tôi và cả thế giới nữa".
Nói tóm lại, một chế độ chính trị, một nhà nước ra đời theo nguyên lý, theo quy luật thì đương nhiên là cơ quan đại diện quyền lực của nhân dân, luôn được nhân dân tin tưởng và tôn trọng. Lực lượng cầm quyền sẽ có quyền và có lực nếu họ được giao nắm giữ quyền lực theo đúng cơ chế ủy nhiệm nhân dân – bầu cử tự do. 
Tất nhiên, trong lịch sử nhân loại đã có nhiều sự “sai lầm lịch sử”, nghĩa là lực lượng cầm quyền không nắm quyền lực theo quy luật. Và khi nhân dân đứng lên đòi quyền lực thì sẽ xảy ra hai tình huống. Thứ nhất là lực lượng cầm quyền quyết tâm không từ bỏ quyền lực đã cướp được thì họ sẽ phải trả giá, sự súp đổ của chế độ Gaddafi tại Libya là một ví dụ điển hình.
Thứ hai là lực lượng cầm quyền thuận theo thời thế, hành động theo quy luật lịch sử thì họ sẽ không phải đánh đổi những gì thuộc về quyền con người của họ. Họ chỉ phải trả lại những gì mà họ “giữ”nhưng không được nhân dân “trao”. Và họ vẫn có thể được sự ủy nhiệm của nhân dân nếu họ có đủ khả năng, điều kiện thực hiện quyền lực và được nhân dân ủy thác.
Tổng thống Thein Sein và chính quyền quân sự tại Myanmar đã ngả theo hướng thứ hai khi họ thấy vai trò của họ được trao nắm giữ vận mệnh quốc gia diễn ra không theo cơ chế ủy nhiệm của nhân dân.
Họ đã tạo điều kiện cho quyền lực nhân dân được thể hiện và khẳng định – nghĩa là họ đã sáng suốt trong việc khắc phục “sai lầm lịch sử” tại Myanmar và họ được lịch sử ghi nhận công lao ấy.

Lịch sử luôn khách quan và công bằng với những ai hành động thuận theo quy luật. Ảnh: AP.
Lịch sử luôn khách quan và công bằng
Cuộc bầu cử diễn ra tại Myanmar và mang lại chiến thắng lịch sử cho NLD là một sự khẳng định sức mạnh của lòng dân. Bên cạnh đó cuộc bầu cử còn khẳng định nhân dân rất khách quan khi thể hiện sức mạnh và quyền lực.
Nhân dân là chủ thể của lịch sử dân tộc, họ viết nên những trang sử oai hùng hay đau thương cũng đều rất công bằng với thực tế.
Lịch sử luôn khách quan và công bằng với những ai hành động thuận theo quy luật. Ảnh: AP.
Khi lòng dân dậy sóng, sức dân có thể cuốn phăng tất cả những gì được xem là rào cản của quyền lực nhân dân. Sức mạnh của lòng dân là sức mạnh của quy luật lịch sử.
Bất cứ lực lượng nào cũng có thể bị nghiền nát nếu là trở lực muốn ngăn cản hay quay ngược bánh xe lịch sử. Những kết quả khắc nghiệt, những kết cục bi thương của nhiều tổ chức, nhiều cá nhân có những “sai lầm lịch sử” đã minh chứng điều ấy.
Tuy nhiên lịch sử cũng ghi nhận, nhân dân chưa bao giờ đứng về một lực lượng nào để làm hại những lực lượng khác, nếu những lực lượng ấy không có “sai lầm lịch sử” hoặc nhân văn trong việc sửa chữa, khắc phục những sai lầm của quá khứ.
Đã có bao cá nhân, bao tổ chức “lầm lỡ” được nhân dân tạo cơ hội để thể hiện mình xứng đáng là đại diện cho quyền lực của nhân dân.  
“Quốc hội mới của Myanmar họp tại thủ đô Naypyidaw, bắt đầu bằng việc bầu Nghị sĩ U Win Myint của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ làm Chủ tịch như mong đợi và bầu Nghị sĩ U Ti Khun Myat của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), đảng được quân đội hậu thuẫn làm Phó Chủ tịch”, BBC ngày 1/2 đưa tin.
Những gì đang diễn ra trên đất nước Myanmar là sự khẳng định tính công bằng và khách quan của lịch sử. Khi lực lượng nắm quyền hiểu được quy luật lịch sử, hành động thuận chiều lịch sử thì nhân dân được yên bình, đất nước thanh bình và sức mạnh của chính quyền càng được khẳng định vì nó là tựu trung của niềm tin và khát vọng của nhân dân.
Tổng thống Thein Sein và chính quyền của ông đang thực hiện việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền của NLD và bà Aung San Suu Kyi, dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 3/2016.
Thein Sein và một số thành viên chính phủ của ông có thể không tiếp tục tham gia vào đời sống chính trị tại Myanmar nữa, nhưng có lẽ không người dân Myanmar nào quên được công lao của họ.
Nền chính trị tại Myanmar nói riêng, xã hội Myanmar nói chung không thể cởi mở và bình yên nếu như chính quyền quân sự không nuôi dưỡng nền dân chủ.
Đất nước Myanmar không thể có được những nền tảng vật chất và những định chế căn bản cho việc phát triển nếu chính quyền quân sự “tham quyền cố vị” mà quyết tâm phá nát những gì đất nước Myanmar có được trong bao năm qua với tâm lý “không ăn được thì đạp đổ”.
Và cuối cùng lịch sử dân tộc Myanmar không phải được viết tiếp bằng những trang sử bi thương bởi xung đột xã hội, bởi mâu thuẫn đảng phái và bởi chính những ích kỷ nhỏ nhen trong những toan tính thấp hèn mà người ta có thể thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, khi lực lượng cầm quyền quyết không từ bỏ quyền lực cho dù đã bị nhân dân tước bỏ.
Có thể thấy rằng, đây là nét nhân văn của một sự đổi thay mang tầm cỡ một cuộc cách mạng xã hội tại Myanmar -  một quốc gia nổi tiếng về bảo thủ và chính quyền quen sử dụng công cụ sức mạnh của thể chế vào việc đối phó với sức mạnh của nhân dân.
Tính nhân văn này được thể hiện bởi cả người về trước, kẻ về sau trong một cuộc bầu cử tự do để nhân dân Myanmar ủy thác quyền lực của họ. 
Theo người viết thì giá trị nền dân chủ tại Myanmar, ý nghĩa của sự đổi thay tại Myanmar là nằm ở việc khẳng định giá trị những nguyên lý, nguyên tắc trong cơ chế thể hiện sức mạnh nhân dân. Điều đó được thể hiện đậm nét hơn, sâu sắc hơn ở tính nhân văn của nó được những người trong cuộc thể hiện và tôn trọng.
Vì vậy, mặc dù chính phủ mới tại Myanmar chưa được thành lập, những chính sách mới của NLD chưa được khẳng định trong đời sống xã hội tại Myanmar, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của sự đổi thay ấy.
Bởi lẽ nguyên lý là bất biến, quyền lực nhân dân là vĩnh cửu, còn tất cả những vấn đề khác sẽ biến thiên theo thế và thời.

........./.