___ AI Sẽ BắN VÀO CHÂN AI?





AI Sẽ BắN VÀO CHÂN AI?







Ngày 15-10-2015, Tân Hoa Xã bình luận: Mỹ có thể tự bắn vào chân mình nếu thực hiện các cuộc tuần dương vào những vùng biển lân cận các đảo “của Trung Quốc” ở biển Đông. 12 ngày sau, 27-10-2015, Mỹ đã “tự bắn vào chân mình”, bằng chuyến hải hành của khu trục hạm USS Lassen. Vấn đề tiếp theo là gì?





Năm 1981, không lâu sau khi Lầu năm góc tung ra báo cáo định kỳ về thách thức trong tự do hàng hải, Mỹ quyết định “hiện thực hóa” bằng việc đưa hai hàng không mẫu hạm vào vịnh Sidra mà Libya tuyên bố chủ quyền toàn bộ. Phản ứng dữ dội của Libya đã dẫn đến cuộc không chiến khiến hai chiến đấu cơ Libya bị hạ. Năm 1988, khi Mỹ củng cố khái niệm tự do hàng hải tại Hắc Hải, cách không xa bán đảo Crimea, cuộc đụng độ giữa hải quân Mỹ và Liên Xô cũng xảy ra. Hai tàu Mỹ bị đụng.
Cần nhấn mạnh, tự do hàng hải là một khái niệm mang tính chính sách của Mỹ, không phải là một phát biểu suôn. Nó nằm trong khuôn khổ chính sách quốc phòng lẫn an ninh kinh tế của Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai, thuộc về cái gọi là “Chương trình Tự do hàng hải” của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ đều tuân theo những nguyên tắc của chương trình này. Tháng 3-2015, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Kể từ thời lập quốc, Mỹ luôn khẳng định quyền lợi sống còn trong việc bảo vệ và duy trì tự do hàng hải và luôn kêu gọi quân đội các nước bảo vệ lợi ích này”.
Như được thuật từ Foreign Affairs (12-10-2015), năm 1801-1805, Hải quân Mỹ lần đầu tiên thực thi việc bảo vệ lợi ích thương mại hàng hải trong cuộc chiến Barbary (giữa Mỹ và các nước duyên hải Barbary thuộc sắc tộc Berber nằm ở Bắc Phi), khi hải tặc Barbary yêu cầu tàu buôn Mỹ phải cống nạp mới được phép đi ngang Địa Trung Hải. Phản ứng, Tổng thống Thomas Jefferson và sau đó là James Madison tuyên chiến. Jefferson đánh đợt đầu (1801-1805), đưa quân vào các thành phố của hải tặc (nay là Libya, Tunisia và Algeria); Madison đánh đợt hai vào năm 1815.
Đến năm 1979, thời Jimmy Carter, hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải được chính thức đưa vào chương trình “Tự do Hàng hải” (gọi chung là “các hoạt động tự do hàng hải”; freedom of navigation operation-FONOP), thuộc giám sát của Bộ quốc phòng lẫn Bộ ngoại giao. Bộ ngoại giao chịu trách nhiệm phản đối về mặt ngoại giao; Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao tổ chức thảo luận với các đối tác đồng minh về luật quốc tế và chương trình hỗ tương quân sự; Bộ quốc phòng chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch tuần dương khẳng định quyền tự do hàng hải. Tính đến nay, Bộ quốc phòng Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tuần dương vào những vùng biển thuộc các nước mà Mỹ cho rằng họ tự tuyên bố chủ quyền: 19 hải vụ năm 2013 và 35 hải vụ năm 2014 (trong đó có 19 hải vụ thuộc vùng quản lý địa lý của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ).
Từ tháng 5-2015, giới chức quân sự Mỹ đã nhiều lần đề cập việc đưa tàu chiến vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, nội bộ Mỹ chưa thống nhất trong cách xử lý, giữa một bên chọn giải pháp ngoại giao (Nhà trắng, Bộ ngoại giao) và bên kia chọn cách tiếp cận cứng rắn (Bộ quốc phòng, đặc biệt các bộ tư lệnh vùng). Ngày 18-6-2015, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel còn nói: “Bởi tầm quan trọng của biển Đông nên về cơ bản đây không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Phát biểu xụi lơ này khiến giới cầm binh Hoa Kỳ tại khu vực bất bình. Tường trình trước Ủy ban quân vụ Thượng viện ngày 17-9-2015, đô đốc Harry Harris, tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, nhấn mạnh ông ủng hộ thực hiện FONOP quanh các đảo nhân tạo “của Trung Quốc”. Trong khi đó, cũng tại phiên điều trần trên, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách châu Á-Thái Bình Dương David Shear nói: các chiến dịch như vậy vẫn phải chờ đèn xanh từ Nhà trắng, nơi không đồng ý thực hiện một FONOP trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể đảo Trung Quốc kể từ năm 2012!
Sự kiện USS Lassen vào khu vực Trường Sa ngày 27-10-2015 hẳn là kết quả của phe ủng hộ giải pháp cứng rắn trong nội bộ Mỹ, và rằng khái niệm “tự do hàng hải”, được hiểu như một chính sách an ninh, đang bắt đầu khẳng định lại giá trị của nó đối với giới chiến lược Hoa Kỳ. Washington có thể đã hiểu rằng họ đã quá chậm trong đối sách ngăn chặn chương trình quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc, quá thờ ơ hoặc đánh giá thấp trước những phát biểu không hề vô thưởng vô phạt, như phát biểu của tướng chỉ huy Hạm đội biển Bắc - Viên Dự Bá - ngày 15-9-2015 (ngay trước khi Tập công du Mỹ) rằng, “biển Nam Trung Hoa (cách mà Trung Quốc gọi biển Đông), như tên gọi của nó, là vùng biển thuộc Trung Quốc, như nó hằng thuộc về Trung Quốc suốt từ nhà Hán vào năm 206 TCN đến nay”.
Bằng sự kiện USS Lassen, Mỹ đã chính thức dùng lá bài “tự do hàng hải” để đối đầu Trung Quốc. Nó tạo thành tiền lệ cho các chiến dịch FONOP tại biển Đông, tạo cơ hội mang lại niềm tin cho các đồng minh khu vực ở thời điểm này (cơ hội mang lại niềm tin, chưa hẳn là niềm tin, đặc biệt với một người đong đưa dè dặt như Obama). Dù thế nào, một khi sử dụng chiếc bẫy “tự do hàng hải” bằng tàu chiến, Mỹ đã soạn xong kịch bản va chạm quân sự. Bị khước từ chủ quyền tự tuyên tự xưng, Trung Quốc có nhảy dựng lên và lao đến tháp pháo nã súng? Dĩ nhiên là không. Tuy nhiên, nếu Mỹ chỉ chơi trò nắn gân bằng một hành động đơn nhất mà không thực hiện chuỗi hành động quân sự tiếp theo thì khó có thể vỗ tay tán thưởng sự kiện USS Lassen. Vấn đề tiếp theo, không phải là màn khẩu chiến văng nước bọt như nhiều năm qua, không phải xem Trung Quốc làm gì nữa trong khi họ đã làm rất nhiều, mà là màn đấm liên hoàn sau cú thọc mạng sườn mang tên “USS Lassen” của Obama, nếu ông thật sự thủ đắc chiêu này.


______ LÝ MINH BÁC






LÝ MINH BÁC



Ở một nước dân chủ châu Á như Hàn Quốc, bất kỳ người tài nào cũng có cơ hội đi lên quyền lực, kể cả khi quá khứ là kẻ khố rách áo ôm không hề được nâng đỡ bằng mối quan hệ con ông cháu cha. Trường hợp Lee Myung-bak (Lý Minh Bác), người vừa đến Sài Gòn cách đây vài ngày, là một điển hình, một điển hình vĩnh viễn không tồn tại trong nền chính trị Việt Nam hiện tại!
Trong bài viết về Lee Myung-bak, tờ Hankyoreh đã gọi “ông ủi đất” là một huyền thoại. Cuộc đời nhân vật này đáng được xem là tấm gương cho thế hệ trẻ Hàn Quốc. Từ một thanh niên khố rách áo ôm, Myung-bak đã nỗ lực vươn lên vị trí điều hành công ty Hyundai Engineering & Construction rồi tham gia chính trường với những thành công không thể phủ nhận. Thời làm thị trưởng Seoul nhiệm kỳ 2002-2006, Myung-bak đã bất chấp nhiều ý kiến phản đối khi quyết tâm biến con suối bẩn Cheonggyecheon thành một mạch sống thiên nhiên cho không khí đô thị hiện đại (đây là dự án khôi phục và chỉnh trang bộ mặt đô thị lớn nhất lịch sử Hàn Quốc cho thành phố 600 năm tuổi, với chiều dài 10,92km trên diện tích 50,96km2).
Hai bộ phim truyền hình về cuộc đời thăng trầm Lee Myung-bak đã cho thấy không ít vết sẹo từng hằn sâu trong sự nghiệp ông (trong đó có sự kiện anh/chị em mình bị giết bởi bom Mỹ trong cuộc chiến Triều Tiên). Năm 1941, khi bán đảo Triều Tiên nằm dưới sự cai trị của đế quốc Nhật, Lee Myung-bak ra đời trong gia đình bảy người con tại Osaka (Nhật). Ông bố tên Lee Heung-woo xuất thân từ nghề nông tại Pohang (Hàn Quốc) và mẹ Ban Ya-wol là con của một nông dân trồng cây ăn trái tại Daegu. Cái tên Myung-bak (Minh Bác) – có nghĩa “sự thông tuệ sáng ngời như ánh trăng rằm” – đã được đặt sau khi người mẹ khi mang thai có lần mơ thấy mình “gói” cả vầng trăng trong chiếc váy…
Lúc gia đình trở về quê nhà sau khi bán đảo Triều Tiên được giải phóng năm 1945, chiếc tàu chở nhà Lee Myung-bak bị chìm, cuốn đi tất cả gia sản ít oi dành dụm và chắt móp từ những ngày sống ở Nhật. Thế là cả nhà tiếp tục rơi vào cảnh khốn cùng. Thời nhỏ, Myung-bak phải bươn chải kiếm tiền phụ cha mẹ bằng cách bán dạo bánh kẹo, trái cây và kem. Lúc đó, Myung-bak tỏ ra xấu hổ đến nỗi phải đội chiếc mũ rơm to vành để không bị bạn bè nhận ra. Đó cũng là lúc mẹ dạy những bài học tự tin đầu tiên cho Myung-bak (năm 2007, ông bày tỏ lòng biết ơn mẹ khi viết quyển Eomeoni – Người mẹ). Khi người anh thứ hai Lee Sang-deuk vào Đại học quốc gia Seoul, Myung-bak xin nghỉ học. Mẹ nhất định không đồng ý và Myung-bak phải học bổ túc lớp đêm (trong hồi ký, Myung-bak cho biết có ba người ảnh hưởng sâu sắc nhất đời mình – đó là mẹ; một giáo viên khuyên ông vào khoa thương mại; và Chung Ju-yung, người sáng lập tập đoàn Huyndai). Tốt nghiệp phổ thông, Myung-bak lại nuốt nước mắt khi không có tiền vào đại học.
Nghèo khó không hạ gục được ông. Thay vì chấp nhận giơ tay đầu hàng số phận và để cuộc đời trôi đâu hay đấy, Lee Myung-bak đã bằng mọi giá đưa mình vào giảng đường đại học. Trong hồi ký, Myung-bak kể rằng ông từng bới rác nhặt ve chai và đồ tái chế tại một ngôi chợ ở Itaewon để có thể trả học phí khi học thương mại tại Đại học Hàn Quốc thập niên 1960. Thời điểm đó, Myung-bak luôn sống trong trạng thái hoang mang, không biết ngày nào mình phải rời trường. Ông tự nhủ: “Nếu không thể học bởi không có tiền, mình thà làm một sinh viên dang dở còn hơn là một học sinh tốt nghiệp trung học”. Tại đại học, Myung-bak từng ngồi tù bốn tháng tội “đầu têu” các cuộc biểu tình phản đối bình thường hóa quan hệ với Nhật. Quá trình “quậy chính trị” thời sinh viên đã khiến Myung-bak khó khăn khi xin việc. Cuối cùng, Myung-bak đánh liều gửi bức thư cho Tổng thống Park Chung-hee, ghi: “Nếu một quốc gia ngăn cấm một thanh niên đứng trên đôi chân mình, đất nước đó phải nợ anh ấy vĩnh viễn”. Năm 1965, Lee Myung-bak được nhận vào Hyundai Engineering...

12 năm sau, Lee Myung-bak trở thành tổng giám đốc điều hành Hyundai Engineering ở tuổi 35 và chủ tịch ở tuổi 46! Myung-bak còn giữ vị trí điều hành 10 phân nhánh khác thuộc tập đoàn Huyndai trước khi từ chức để tham gia chính trị năm 1992. Thời làm việc tại Hyundai Engineering, Myung-bak đã biến ông thành một viên chức điều hành đa năng, có thể làm từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất. Không chỉ biết sử dụng xe ủi đất (bằng cách tự học tháo-ráp nguyên chiếc xe ủi!), ông có lần đương đầu với Chính phủ độc tài Chun Doo-hwan để bảo vệ Hyundai Motor không bị quốc hữu hóa.
Với vị trí điều hành tại Hyundai, Lee Myung-bak xây dựng thành công quan hệ với nhiều nguyên thủ trong đó có Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev. Trong hồi ký Không có gì gọi là kỳ diệu trong doanh nghiệp ấn hành năm 1995, Myung-bak viết: “Người ta gọi tôi là kiến trúc sư của một hiện tượng kỳ diệu trên thương trường. Nhìn từ góc độ người thứ ba, thành công của tôi có thể được xem là kết hợp của yếu tố chiến thắng và may mắn. Tôi lại thấy khác. Thế giới doanh nghiệp thật sự luôn phơi mình trước vô vàn hiểm họa. Điều giúp tôi thành công là tính quyết đoán và lòng can đảm nữa”. Korea Times nhận định, chính Lee Myung-bak là người đứng sau sự chuyển dịch lột xác toàn diện, đưa phân nhánh xây dựng của Huyndai từ một công ty địa phương thành một công ty toàn cầu.
Năm 1990, đài truyền hình nhà nước KBS bắt đầu chiếu bộ phim Thời của tham vọng, dựa vào những thành tựu Myung-bak từng đạt được tại Huyndai. Đầu năm 1992, Myung-bak giã từ Huyndai, bắt đầu bước lên sân khấu chính trị với tư cách ứng cử viên tổng thống (chiến dịch bất thành dù ông được bầu vào Quốc hội tháng ba cùng năm). Myungbak-chính trị gia dường như không thành công bằng Myungbak-doanh nhân. Năm 1995, Myung-bak lại nếm mùi thất bại trước cựu Thủ tướng Chung Won-sik ở “vòng đấu loại” để được lọt vào danh sách đề cử tham gia chiến dịch tranh cử ghế thị trưởng Seoul. Tuy nhiên, năm 1996, ông tái đắc cử nghị sĩ sau khi hạ gục hai ứng cử viên đối lập Lee Jong-chan và Roh Moo-hyun.
Không lâu sau, hoạn lộ chính trị tiếp tục sóng gió khi thư ký Kim Yoo-chan tiết lộ rằng Myung-bak đã vung tay quá trán cho chiến dịch tranh cử. Để “tránh bão”, Myung-bak từ chức năm 1998 và sống một năm tại Mỹ, làm giảng viên thỉnh giảng cho Đại học công George Washington. Cuối năm 1999, Myung-bak trở về, thành lập một số công ty dịch vụ điện tử trong đó có LK e-Bank và EBK Stock Brokerage. Đó cũng là thời điểm Myung-bak gặp Kim Gyeong-joon, người đang trong tâm bão vụ tư túi 38,4 tỉ won (40,7 triệu USD) tại công ty BBK. Myung-bak bị buộc tội lũng đoạn cổ phần BBK và gây nhiễu thông tin cho nhà đầu tư trước khi công ty tuyên bố phá sản. Một lần nữa, mọi việc được thu xếp ổn thỏa và Myung-bak không bị ra tòa. Sau khi nhậm chức thị trưởng Seoul năm 2002, Myung-bak đã “chuộc lỗi” khi thực hiện nhiều thành tích đáng nể, đặc biệt ở các dự án chỉnh trang diện mạo đời sống đô thị (trong đó có đại công trình Cheonggyecheon).




Cuối cùng, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007, Lee Myung-bak thành công. Chính sách kỹ trị tại Hàn Quốc bùng nổ rất mạnh vào thời gian này. Ông từng nói: “Việc điều hành quốc gia theo cách như một CEO đang là xu hướng toàn cầu”… Câu chuyện của ông một lần nữa cho thấy chỉ một nền chính trị dân chủ mới mang lại cơ hội cho nhân tài, đặc biệt nhân tài chính trị. Và chỉ nhân tài chính trị trong nền chính trị dân chủ mới thật sự mang lại cơ hội phát triển cho quốc gia. Và chỉ một quốc gia đi lên phát triển nhờ nhân tài chính trị trong nền chính trị dân chủ mới đáng được tự hào.


.........../.

Những ý tưởng nổi tiếng bị…ăn cắp





Những ý tưởng nổi tiếng bị…ăn cắp






Ăn cắp là chuyện của thế giới từ xa xưa đến mai sau mà ăn cắp dễ nhất và khó bị bắt nhất là ăn cắp ý tưởng trong kinh doanh. Vài ý thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết bị bạn viết nẫng tay trên là chuyện thường ngày ở huyện bởi thơ văn in ra khó bán, có chăng kẻ trộm chỉ bị lên án về đạo đức của ngòi bút.
Ý tưởng giá hàng tỷ đô la trong nháy mắt biến thành mới là chuyện đáng bàn vì liên quan đến tiền trong khi đạo đức chỉ là thứ yếu. Marx nói, nếu lợi nhuận lên vài trăm phần trăm, tư bản có thể giết cả bố mẹ, nói chi bán nước để vinh thân phì gia.





Ông Robert Kearns. Ảnh: Internet

Cái gạt nước “nhát gừng” của xe hơi giá 30 triệu đô la
Ngồi sau tay lái xe hơi thấy cái gạt nước “xua đi nỗi nhớ” trên cửa kính mấy ai biết được đó là ý tưởng từng bị ăn cắp và cuối cùng tác giả thắng kiện 30 triệu đô la.
Năm 1964 kỹ sư Robert Kearns thiết kế ra cái gạt nước của xe hơi mà cứ vài giây mới quét một lần thay vì liên tục như trước làm giảm tầm nhìn của tài xế.
Ông mang mẫu tới ba nhà sản xuất xe hơi khổng lồ là Ford, General Motors, và Chrysler. Cả ba ông lớn này từ chối xem xét. Nhưng sau đó các xe hơi xuất xưởng lại thêm một món quà chính là những cái gạt nước “nhát gừng” của Kearns.
Giận điên người vì ý tưởng bị ăn cắp, Robert Kearns kiện Ford năm 1978 và Chrysler năm 1982, và cuối cùng thắng 30 triệu đô la.
Kearns nói, chuyện tiền nong thắng lớn không phải là mục đích mà chính là phải bảo vệ bản quyền sáng chế ban đâu. Nếu không kiện tới chốn sẽ không có hệ thống bảo vệ sáng chế như ngày nay.





Ai sáng chế ra telephone: Alexander Graham Bell hay Elisha Gray?

Bell và Gray. Ảnh: Internet
Cầm telephone hàng ngày nhưng ít người biết ai đã sáng chế ra thiết bị thông minh này. Hoặc luôn cho Bell là tác giả vì bell trong tiếng Anh là “chuông reo”
Năm 1876, cả hai ông Bell và Gray đều phát minh ra telephone có dây. Hai ông đua tranh xem ai là người có thể thiết kế ra thiết bị có thể truyền tín hiệu bíp bíp từ đầu dây kim loại này sang đầu bên kia.
Ngày 14-2-1876, Gray gửi thiết kế của mình đến văn phòng quản lý sáng chế Hoa Kỳ nhằm đăng ký bản quyền. Đúng ngày đó, luật sư của Bell cũng gửi một thiết kế tương tự.
Do ăn hối lộ, một nhân viên của Gray đã gửi cho Bell mẫu thiết kế của Gray và đó chính là thiết bị gửi tín hiệu telephone đầu tiên trên thế giới.
Dù sau đó Bell đã đưa sáng chế telephone vào mục đích thương mại nhưng phát minh vẫn thuộc về Elisha Gray.




Tia laser
Gordon Gould là chàng sinh viên của đại học Columbia đã phát minh ra tia laser năm 1957 bằng vài cái gương chiếu sáng vào một điểm và chính là người dùng từ viết tắt LASER ((Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation).

Gordon Gould. Ảnh: Internet
Đáng tiếc Gould tưởng phải thí nghiệm thành công, có mẫu làm việc hẳn hoi mới được đăng ký bản quyền. Tới năm 1959, Gould mới vác đi đăng ký thì quá muộn vì các bạn đồng nghiệp cùng phòng thí nghiệm đã nhanh tay từ trước đó.
Phải mất 30 năm kiện tụng với Văn phòng quản lý sáng chế Hoa Kỳ và những công ty dùng tia laser, cuối cùng Gould đã thắng kiện năm 1987 và đăng ký tới 47 sáng chế, kiếm vài triệu đô la.





Giao diện đồ họa GUI
Ngày nay trên màn hình máy tính người dùng có thể kéo thả chuột, gõ bàn phím và thậm chí dùng tay trên màn hình thoải mái chính là ý tưởng của GUI (Graphics User Interface).
Công ty Xerox phát triển ý tưởng này từ năm 1981 nhưng ngay sau đó Steve Jobs đã dùng trong phát triển máy Apple. Người ta đồn rằng Steve Jobs ăn cắp ý tưởng này sau khi thăm Xerox vài lần trong những năm 1980. Nhưng thực tế không đúng. Chính Xerox cho một số kỹ sư sang làm cho Apple vì sở hữu nhiều cổ phiếu giá trị của Apple. Ông đưa cái giò, bà thò chai rượu thôi.
Xerox kiện Apple nhưng thất bại cũng như Apple kiện Microsoft về GUI vì tòa kết luận những chứng cứ không thuyết phục. Nhưng kiện tụng làm cho Apple và Microsoft nổi như cồn và tiền về như nước chảy. Steve Jobs và Bill Gates đều trở thành giầu có và nổi tiếng vì đã dùng IT thay đổi thế giới.




Ai phát minh ra Tivi: Philo Taylor Farnsworth hay Vladimir Zworykin

Philo-Farnsworth. Ảnh: Internet
Philo Taylor Farnsworth là một trong những nhà sáng chế tuyệt vời của Mỹ, có trong tay tới 165 sáng chế được đăng ký. Trước tuổi 15, ông đã nghĩ là một thiết bị chia ảnh và đó là ý tưởng cho tivi thời nay. Năm 1927 vào tuổi 21, Farnsworth đã có một phiên bản chạy trong phòng thí nghiệm.
Nhưng vào năm 1930, Vladimir Zworykin, một kỹ sư của RCA, thăm phòng thí nghiệm của Farnsworth nên đã gây nghi ngờ. Trong thực tế, năm 1923, Zworykin đã thiết kế ra một mô hình tương tự nhưng sáng chế chỉ được công nhận năm 1938 sau nhiều thay đổi so với ban đầu.
Sau hàng chục năm tranh tụng tại tòa ai là người sáng chế ra tivi, cuối cùng RCA bị thua vào năm 1936 và Farnsworth được coi là người phát minh ra tivi. Tuy nhiên trong lịch sử điện tử, Zworykin luôn được nhắc tới như là cha đẻ của màn hình ngày nay.
Dẫu vậy, Farnsworth không giầu có và không được sự tôn trọng mà lẽ ra ông được hưởng.





Máy may Singer
Singer là ca sỹ nhưng ca sỹ kêu “rè rè tạch tạch” chính là chiếc máy khâu quen thuộc của người Việt. Thời bao cấp Singer là máy sản xuất tiền cho gia đình nào biết may vá.


Ellias Howe. Ảnh: internet


Singer liên quan đến ông Issac Singer và công ty cùng tên. Tuy nhiên chiếc máy may lại bắt đầu từ Elias Howe có đăng ký sáng chế từ năm 1846.
Năm 1849, Howe kiện Singer vì đã ăn cắp ý tường và kéo dài vài năm liền. Cuối cùng hai bên thỏa thuận cùng chung một phát minh và chia tiền lợi nhuận.
Đúng ra, chiếc máy may đầu tiên lại được ông Walter Hunt phát minh năm 1834 có kim chỉ và cái mắt nhỏ để dích dắc máy vải nhưng cụ này không đăng ký bản quyền vì sợ nạn thất nghiệp tran lan do máy thay người.




Ý tưởng entry này cũng là copy trên internet. Bạn đọc thử tìm ra nguồn ở đâu và còn vài sáng chế bị ăn cắp chưa dịch nốt.
Chúc cả nhà vui.

HM. 20-10-2015


BAO GIỜ BẰNG ĐƯỢC CAMPUCHIA






BAO GIỜ BẰNG ĐƯỢC CAMPUCHIA

Huy Đức







Không biết có phải vì các "thái tử đảng" xuất hiện ồ ạt ở Việt Nam mà Phnom Pênh cũng đang có tin đồn, Hun Sen sắp đưa con trai mình lên thay thế. Hôm 19-10-2015, Hun Sen đã phải trấn an: "Campuchia (CPC) là một thể chế dân chủ. Thậm chí, Vua cũng được chọn bởi Hội đồng tôn vương. Ở CPC muốn trở thành lãnh đạo phải thông qua bầu cử ".
Hun Sen hiện đang có hai người con theo chân bố: Hun Manet sinh 1977 và Hun Many sinh 1982. Hun Manet tốt nghiệp West Point năm 1999, sau đó lấy bằng tiến sỹ tại đại học Bristol (Anh), hiện đang là Phó tư lệnh Lục quân CPC. Hun Many - từng du học ở Mỹ, Pháp, Úc - là thủ lĩnh thanh niên CPP, đắc cử nghị sỹ trong cuộc bầu cử tháng 7-2013.
Hun Manet là người CPC đầu tiên học ở Học viện quân sự West Point và là một trong bảy học viên nước ngoài tốt nghiệp cùng khóa. Tất nhiên, yếu tố "con trai Hun Sen" đóng một vai trò quan trọng để Hun Manet trở thành tướng ba sao (2013) [Quân đội CPC đang có 5400 tướng + khoảng hơn 500 tướng công an]. Nhưng, để trở thành Phó tư lệnh Lục quân, Hun Manet cũng đã phải trải qua từng nấc thang: Phó tư lệnh cảnh vệ; Tư lệnh lực lượng chống khủng bố... Và, phải lập công.
Trong cuộc đụng độ với quân đội Thái Lan trên biên giới, nổ ra từ năm 2008 đến 2011, Hun Manet đã được tăng cường vào thời điểm khó khăn nhất và trở thành một trong những chỉ huy xuất sắc; rồi trở thành một trong những người thương thảo chính với Thái Lan về vấn đề biên giới; là thành viên quan trọng đại diện cho Campuchia tại tòa án quốc tế La Haye với phán quyết cuối cùng về ngôi đền Preah Vihear nghiêng về phía Campuchia.
Ngày 16-10-2015, trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC của Australia về việc liệu ông có thể trở thành Thủ tướng CPC trong tương lai, Hun Manet nói: “CPC là một thể chế dân chủ đa đảng. Hiến pháp quy định cứ 5 năm chúng tôi phải tiến hành bầu cử. Vì thế sự lựa chọn ai và khi nào trở thành lãnh đạo tùy thuộc vào nhân dân CPC”.
Cũng hôm 19-10-2015, Son Chhay - một nghị sỹ đối lập, CNRP - đã phải thừa nhận: "Hun Manet có khả năng và tất cả kỹ năng để cải thiện hình ảnh quân đội. Khi CNRP lên nắm quyền, tướng Hun Manet có thể vẫn là một tư lệnh tốt của lực lượng vụ trang Hoàng gia". Thế nhưng, người em của Manet, Hun Many hiện lại đang được đánh giá cao hơn cả người anh.
Năm 2015, Hun Many là một trong 19 người nhận giải thưởng Gusi Peace Prize - giải thưởng của tổ chức Gusi Prize Interrnational có trụ sở tại Manila (Philippine) - dành cho lãnh đạo thanh niên và những nhà hoạt động nhân đạo. Hun May cũng đã nhận giải thưởng quốc tế với tư cách là một người “Bảo vệ các di sản văn hóa”. Năm 2013, Hun Many, chứ không phải ông anh, ra tranh cử và trở thành nghị sỹ.
Chỉ đến khi Hun Sen rời khỏi vị trí quyền lực, chúng ta mới biết rõ thực tài của Manet và Many nhưng cái cách mà họ đang "đi" rõ ràng rất khác hai người con trai của Thủ tướng Việt Nam và con của các nhà lãnh đạo địa phương mới xuất hiện sau kỳ đại hội.
Tại sao những người có bằng cấp và trẻ tuổi được "trao trọng trách" thay vì là tín hiệu đáng mừng lại trở thành câu chuyện đám tiếu trong thiên hạ.
Trong một nhà nước minh bạch, những người phục vụ trong bộ máy công quyền được phân chia ra các ngạch chính như: chính trị gia (nắm quyền thông qua bầu cử); các viên chức chính trị bổ nhiệm (được các nhà hành pháp lựa chọn và được các cơ quan lập pháp phê chuẩn) và các viên chức hành chánh...
Không phải tuổi tác hay bằng cấp mà là lá phiếu của cử tri quyết định số phận của các chính trị gia. Các chính trị gia đứng đầu các cơ quan hành pháp vẫn thường bổ nhiệm một số thành viên trẻ tuổi, có bằng cấp, để "làm đẹp nội các" nhưng không chính trị gia nào lại đi chọn những người vô danh. Vì, ngoài việc phải đối diện với nghị viện khi phê chuẩn họ còn phải đối diện với cử tri. Nếu chọn những kẻ vô tích sự thì không sớm thì muộn, họ sẽ bị cử tri lật đổ.
Các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách mới cần có những năng lực hơn người. Còn viên chức hành chánh là những vị trí thừa hành, thủ tục thế nào thì cứ thế mà làm, không được cật vấn, không sáng kiến. Một nền hành chính chuyên nghiệp không ai lãng phí nguồn nhân lực bằng cách chọn "người tài" làm công việc của những người chỉ cần có trình độ trung bình.
Nếu không tách bạch như vậy, nếu cứ đẩy các chuyên viên hành chánh leo từng bậc, nhảy từ ngạch này sang ngạch kia. Thì nếu không phải con ông cháu cha, cũng chỉ chọn được những kẻ quen thừa hành và giỏi ăn chia lên làm lãnh đạo.
Nếu xét về bằng cấp chuyên môn, Nguyễn Thanh Nghị chỉ là một kỹ sư chuyên về kết cấu. Đâu phải cứ học về xi măng sắt thép là có thể đứng đầu ngành xây dựng. Sẽ là hợp lý nếu cho Nghị phụ trách kỹ thuật của một công trình hay trực tiếp đào tạo các kỹ sư. Đưa Nghị lên thứ trưởng là đánh đổi một nhà chuyên môn được học bài bản lấy một amateur về chính sách.
Những người như Nghị cũng có thể từ bỏ chuyên môn để làm chính trị và không nên hỏi tuổi một người làm chính trị. Nhưng không thể không hỏi Nghị đã làm được những gì để ở tuổi ấy và chỉ trong một nhiệm kỳ lại có thể "ghế trên ngồi tót sỗ sàng" như thế.
Một người được học hành đàng hoàng ở những nền giáo dục tiến bộ trở thành lãnh đạo dù sao cũng vẫn tốt hơn những người đi từ trong rừng ra với văn hóa lớp ba. Nhưng, không thể không hỏi vì sao những người cùng thời, tự tìm kiếm học bổng (chứ không phải đi học bằng tiền ngân sách) có nhiều thành tích cá nhân lại không thể leo lên như những người có bố làm thủ tướng hay bí thư tỉnh ủy.
Hổ phụ có thể sinh hổ tử.
Một nhà lãnh đạo tử tế chắc chắn sẽ để lại những di sản chính trị tốt đẹp cho con cái. Những di sản đó sẽ thêm giàu có nếu con cái họ "nhận thừa kế" thông qua lá phiếu của dân (như Benigno Aquino III, Park Geun-Hye hay Justin Trudeau...). Và, những di sản đó cũng sẽ ngay lập tức trở thành vết nhơ lịch sử nếu những đứa con vội vã nhận trực tiếp "từ tay bố" dưới hình thức những chiếc ghế.
Ngay cả các "thái tử đảng" của Trung Quốc cũng phải tự lặn ngụp trong chính trường và phần lớn đều thăng tiến sau khi cha mẹ họ không còn sống hoặc không còn chức tước.
Năm 1982, từ văn phòng Quân ủy Tập Cận Bình được "luân chuyển" xuống cơ sở, làm bí thư huyện ủy. Phải mất 18 năm, leo từng bậc thang, Tập mới lên được chức tỉnh trưởng Phúc Kiến (2000). Bạc Hy Lai cũng mất một thời gian tương tự (1984-2001) để đi từ phó bí thư huyện ủy lên tới chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, dù cha - Bạc Nhất Ba - lúc đó là một người rất có ảnh hưởng tới Giang Trạch Dân.
Ở CPC, Hun Sen thực sự thâu tóm phần lớn quyền bính và đang điều hành đất nước này như một nhà độc tài. Nhưng, ngay cả Hun Sen cũng không dám trơ trẽn cho con cái nắm quá nhiều quyền lực.
Hun Sen làm như thế vì vừa là một người khôn ngoan. Một tiểu thương trước khi để lại tiệm phở cho con cũng phải thử thách người thừa kế bằng những việc như rửa chén, bưng bê. Chỉ có những nhà lãnh đạo thiển cận mới trao quyền lực cho những "cậu ấm", ngoài việc đèn sách, chưa bao giờ tự mình làm một việc gì cho tới đầu tới đũa.
Nhưng Hun Sen phải làm như thế còn vì nền chính trị CPC, dẫu chưa thực sự dân chủ, cũng đã có đối lập và có khá nhiều quyền tự do ngôn luận. Campuchia không phải là một hình mẫu cho Việt Nam. Nhưng còn rất lâu, Việt Nam mới có thể bằng CPC, kể cả dân trí và quan trí.
Chỉ trong một nền chính trị không có vai trò của dân, những nhà lãnh đạo thiếu liêm sỉ mới có thể thu vén cá nhân vô độ.



.........../.

Rumba Flamenca



Rumba Flamenca : 
Xoè tay lướt quạt ngón đàn ghi ta 



************
Tuấn Thảo

http://vi.rfi.fr/van-hoa/20151017-marbre-4-rumba-flamenca-xoe-tay-luot-quat-ngon-dan-ghi-ta









Mỗi lần nhắc tới dòng nhạc rumba flamenca ở Pháp, đầu tiên hết người ta thường liên tưởng tới nhóm Gipsy Kings và kế đến là ban nhạc Chico & the Gipsies. Cả hai nhóm này nay là hai nhánh nhưng trước kia thuộc cùng một nhà. Họ nổi tiếng là những người đã giúp phổ biến dòng nhạc du mục ra toàn thế giới, nhưng công bằng mà nói họ không phải là những gương mặt tiên phong trong lãnh vực này.
Cộng đồng người du mục ở Pháp có hai tổ sư âm nhạc mà họ luôn ngưỡng mộ sùng bái. Đầu tiên hết là Django Reinhardt (tên thật là Jean Reinhardt, sinh năm 1910 – mất năm 1953) nguyên quán ở vùng Alsace, người đã sáng lập ra trường phái jazz du mục (jazz manouche).
Thể loại âm nhạc này rất thịnh hành trong cộng đồng du mục Sinti (còn được gọi là Sinte), đến từ các miền phía tây châu Âu, tiếng Pháp gọi nôm na là người tziganes. Lúc sinh tiền, Django Reinhardt do gặp tai nạn nên bị mất hai ngón tay. Thế nhưng, ba ngón tay còn lại như thể có phép lạ nhiệm mầu, tài nghệ nhấn nhịp đảo phách của ông, ít có ai trên đời này mà sánh bằng.
Kế đến có tay đàn ghi ta bậc thầy Ricardo Baliardo (sinh năm 1921 – mất năm 2014), xuất thân từ cộng đồng du mục các vùng miền Nam châu Âu. Họ định cư tại vùng Camargue, nơi mà sau này trở thành vựa lúa của nước Pháp nhờ công lao bồi đắp vun trồng của các bác lính thợ Việt Nam. Cộng đồng người du mục ở miền nam gọi là gitanos (tiếng Pháp gọi là gitans) chủ yếu đến từ Tây Ban Nha, họ dùng cả hai thứ tiếng castillano (quốc ngữ hay ngôn ngữ chính của Tây Ban Nha) và catalán (ngôn ngữ của vùng Cataluña).
Lúc sinh tiền, Ricardo Baliardo được mệnh danh là Manitas de Plata, trong nghĩa đen là ‘’Hai bàn tay bạc’’, hiểu theo nghĩa bóng là ‘’Những ngón tay thần’’. Cho dù ông thất học mù chữ, nhưng nhờ vào tài nghệ chơi đàn ghi ta thùng tới mức xuất quỷ nhập thần, ông được xem như là người đầu tiên đưa dòng nhạc của người du mục đi vòng quanh thế giới.
Lúc sinh tiền, Manitas de Plata cũng là nghệ sĩ du mục đầu tiên biểu diễn tại nhà hát Carnegie Hall vào năm 1965, cách đây vừa đúng nửa thế kỷ. Cột mốc quan trọng nhất vẫn là tập nhạc phát hành vào năm 1972 với tựa đề Manitas de Plata và bộ đàn ghi ta du mục (với sự hợp tác của tay đàn José Reyes, thân phụ của hai thành viên trong nhóm Gipsy Kings). Trong gần nửa thế kỷ sự nghiệp, Manitas de Plata đã bán hơn 90 triệu album.
Cả hai nhóm Gipsy Kings và Chico & the Gipsies đều là những người thừa kế di sản của ‘’Những ngón tay thần’’Manitas de Plata. Ba thành viên sáng lập của nhóm Gipsy Kings là Tonino Baliardo, Nicolas Reyes cũng như Chico Bouchikhi đều gọi ông bằng bác.
Nhóm Gipsy Kings bắt đầu ghi âm từ đầu những năm 1980, nhưng mãi đến năm 1987, họ mới thành danh nhờ tập nhạc thứ năm, nhờ vậy mà đoạt danh hiệu ban nhạc xuất sắc nhất nhân kỳ trao tặng giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique vào năm 1990 tại Pháp.
Đang trên đà thành công, lại xẩy ra lủng củng nội bộ. Một trong ba thành viên sáng lập là Chico Bouchikhi bị nhà sản xuất Claude Martinez đuổi ra khỏi nhóm. Vì thế cho nên mới có sự tách rời một ban nhạc ra thành hai nhóm : nhóm đầu tiên là Gipsy Kings và nhóm thứ nhì là Chico & the Gipsies, trong nhóm đầu tiên là hậu duệ của ông José Reyes, còn trong nhóm thứ hai có hai thành viên thuộc dòng họ Baliardo gọi nghệ sĩ Manitas de Plata là ông nội.
Kể từ năm 1995, nhóm Chico & the Gipsies liên tục ghi âm tổng cộng là 11 album, một mặt khai thác chuyển thể các bài hát nổi tiếng của Pháp sang thể điệu rumba flamenca (Aznavour, Daniel Guichard, Gérard Lenorman ….) Mặt khác, họ luôn triệu mời các nghệ sĩ Pháp cũng như quốc tế song ca với nhóm. Nếu như nhóm Gipsy Kings dùng một đội ngũ đẹp như mơ gồm sáu tay đàn, thì phía Chico & the Gipsies khai thác các bản song ca với các vị khách mời để tạo thêm nét khác lạ, chứ không còn đơn thuần hát tiếng Tây Ban Nha.
Cho dù có dùng công thức nào đi chăng nữa, nhưng cả hai nhóm này đều giống nhau ở kỹ thuật chơi đàn. Họ đều sử dụng thủ pháp gọi là ventilador, bàn tay không khẩy đàn mà lại xòe như cánh quạt khi lướt dây, cườm tay thì gõ vào thùng để tạo thành nhịp nện. Kỹ thuật xoè tay lướt quạt do tay đàn ghi ta người catalan tên là Peret, nghệ danh của Pedro Pubill Calaf, sáng chế vào đầu hững năm 1960. Việc sáng chế một thủ pháp như vậy là do hoàn cảnh bó buộc, các tay đàn du mục kiếm sống nhờ chơi đàn trong các tiệc cưới và không phải lúc nào họ có tiền để mướn thêm dàn nhạc có tay trống, chuyên chơi bộ gõ ….
Có thể nói nôm na là khi nghe dòng nhạc "flamenco thuần chất" Tây Ban Nha, cũng như nghe dòng nhạc fado truyền thống của Bồ Đào Nha, thì người ta không khỏi chạnh lòng thương tiếc, hoài niệm lưu luyến. Còn nghe dòng nhạc rumba flamenca thì người ta chỉ muốn vỗ tay hát hò, giậm chân bước ra sàn nhảy ….
Trường phái rumba flamenca có hai nhánh, nhánh đầu tiên xuất phát từ thành phố Sevilla và là một dạng biến thể của điệu guaracha, còn nhánh thứ nhì mang tên là rumba catalana, do xuất phát từ thành phố Barcelona nhưng gần giống hơn với thể điệu son cubano. Tuy cùng một cảm hứng, nhưng hai nhánh này khác nhau ở xuất xứ và cách chơi thể điệu, cho dù rumba flamenca thời nay đã ít nhiều được pha trộn với nhạc nhẹ hay nhạc pop phổ thông ….
Trong số các bậc thầy của làng nhạc rumba flamenca, ‘’Những ngón tay thần’’ Manitas de Plata nổi danh nhờ cái tài xuôi ngón linh hoạt, xòe tay cự phách. Còn tay đàn flamenco chính gốc Paco de Lucia thì có cách chơi ghi ta quỹ khóc thần sầu đến mức hớp hồn người nghe. Vào năm 1975, với tập nhạc Entre dos Aguas (Giữa hai luồng nước) Paco de Lucia đã dùng những ngón tuyệt chiêu flamenco, để nâng rumba flamenca lên một tầm cao hơn, nếu không nói là nâng lên hàng nghệ thuật.


****************************








........../.