GỬI EM NƠI ĐỈNH GIÓ






GỬI EM NƠI ĐỈNH GIÓ
Ròng rã cả chục năm dai dẳng đánh trả quân xâm lược Trung Quốc và bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc, hình ảnh những người lính lầm lụi lên chốt, thay phiên cho đồng đội, hốc hác tả tơi xuống các thị trấn - thị tứ... đã trở nên quen thuộc với người dân các tỉnh biên giới từ Quảng Ninh đến Lai Châu.
Người ta không thể quên cảnh những đoàn xe chạy bụi mù lên biên giới, lính trẻ răng cười sáng bóng, quần áo thơm mùi hồ, súng AK xanh ánh thép, tung thư nhà xuống đường, nhờ người dân mang ra bưu điện, gửi về người thân trước lúc lên chốt.
Người ta càng không được phép quên những chuyến xe từ biên giới về xuôi trong bóng chiều chạng vạng, chạy chầm chậm, để nước không trào ra khỏi đôi mắt ầng ậc nước của cô gái đội mũ Quân y chữ thập ngồi trên buồng lái, để bạt khỏi tung khỏi thùng xe cho những người lính xếp hàng, nằm im lặng say ngủ, che ánh mắt u uất của người cán bộ làm công tác chính sách trong vương vất mùi hương thơm...
Trong đội hình những người lên chốt, mình cứ luẩn quẩn với gương mặt của những nữ chiến sĩ thông tin rặt vùng đồng bằng Bắc Bộ, trẻ trung - tươi tắn, mũ mềm chụp trên tóc, quân phục K82 chít hông, khăn tay thêu làm duyên trên cổ, líu lo qua sóng vô tuyến từ những trạm - điểm nằm tít đỉnh núi, giữa rừng sâu...
Nếu như ở phía sau, dân tình đang rộn ràng chạy theo mốt nhảy đầm, mua sắm xe mini Nhật, xe máy bãi rác đưa về theo đường tàu biển, thì ở trên chốt, bộ đội vẫn chia nhau từng cọng su hào, nhịn từng hớp nước, thay nhau cắn từng miếng lương khô, cả tuần không biết đến tắm...
Trong giấc ngủ vùi vội vã, những người lính vẫn thon thót giật mình choàng tỉnh, níu tay kéo lại sự sống từ mảnh pháo, viên đạn, ngọn lê - nhát dao của đám xâm lược bành trướng hằm hè chiếm chốt, cướp đất.
Sự hy sinh không chỉ đơn giản là ngã xuống bị trúng đạn, pháo, mìn, lưỡi lê - dao găm của địch, mà còn là cắn răng chấp nhận sự thật trần trụi phía sau, cắn răng bảo vệ sự trần trụi đó; Đã bắt đầu nhuốm mùi kinh tế thị trường, người sống vì mình - cho mình nhiều hơn là người sống vì mọi người.
Ký ức mình, vẫn vẹn nguyên hình ảnh những nữ chiến sĩ thông tin tuổi 18-20, lụng thụng trong bộ quần áo lính, còng lưng khoác ba lô ngang qua các thị trấn, thị tứ, thị xã; ngượng nghịu che mặt xấu hổ khi bị người đi đường tò mò ngắm kỹ, dúi mặt vào lưng nhau, hé mắt ngắm những thỏi son, hộp phấn, những chiếc quần con phụ nữ xanh đỏ, viền đăng ten treo trong cửa hàng tạp hóa; những eo lính nữ mềm mại rụt rè xúm quanh hàng chè, thạch đá, cẩn thận mở kim băng gài túi áo, chọn tờ tiền đồng cuốn chặt, cùng đứng chia từng thìa chè, tảng thạch và thi nhau lè lưỡi nghịch ngợm liếm từng viên đá lạnh...
Cuối năm này, lại lên biên giới. Dừng xe giữa cung đường tay áo, nhẹ bước vào nghĩa trang đỉnh dốc, thắp hương cho những người đã nằm xuống, bia mộ ghi hy sinh 1979-1989.
Nước mắt đồng nghiệp nữ ầng ậc, bất chợt tràn trên má, khi đứng trước bia mộ cô gái thông tin hy sinh đúng tuổi 19 vào đúng năm 1989 và bật lên nức nở: "Đất nước này nợ các anh, các chị nhiều lắm!!"..
Một bài thơ viết về các chị, để mãi mãi không quên, rất nhiều thứ...
--------------------------------------------------------------------------------------------
GỬI EM NƠI ĐỈNH GIÓ
(Nguyễn Quang Lập)
Trạm thông tin của em trên đỉnh dốc Chín trăm
Mỗi bận anh lên, ba lần đứng thở
Em nói đấy là đỉnh gió
Yêu chẳng thật lòng, anh chẳng dám lên.
Bấy giờ đang là mùa hanh
Nước hiếm hoi, gió thì khô khốc
“Ai lên thăm nhớ xách giùm xô nước”
Cái biển đề tinh nghịch, thế mà hay.
Nên anh lên với xô nước trong tay
Tim đập thình thình chín mươi nhịp phút
Cứ nói dối gặp em… anh hồi hộp
Em biết thừa, thương quá chẳng dám trêu.
Lên đến đây mới biết gió quá nhiều
Gió bốn hướng, ù ù như xay lúa
Lời yêu thương thì rất cần nói nhỏ
Bực mình trách gió quá vô tư.
Em nói gió nhiều, nước mắt mau khô
Tiếng cười dễ tan điều riêng không giấu được
Có lẽ thế mà em thường hay hát
Nỗi buồn riêng ai nỡ để đầu môi.
Bây giờ nơi xa xôi
Không khi nào nguôi nhớ về đỉnh gió
Ước một mùa hanh lại về qua đó
Chạy ù lên với xô nước trong tay...
(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội - 1982)


........./.